Phim có tính nhân văn

  1. 3 idiots (2009)
  2. 12 years a slave (2013)
  3. 50/50 (2011)
  4. A beautiful mind (2001)
  5. A simple life – Tao Jie (2012)
  6. A time to love and a time to die (1958)
  7. Amistad (1997)
  8. Barfi! (2012)
  9. Biruma no tategoto – The Burmese harp (1956)
  10. Changeling (2008)
  11. Children of men (2006)
  12. Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng – Madam Phung’s last journey (2014)
  13. Cinema Paradiso (1988)
  14. City lights (1931)
  15. Dances with wolves (1990)
  16. Dave (1993)
  17. Dearest (2014)
  18. Driving Miss Daisy (1989)
  19. Erin Brockovich (2000)
  20. Firelight (1997)
  21. Forrest Gump (1994)
  22. Good doctor (2013 TV series)
  23. Gran Torino (2008)
  24. Hacksaw Ridge (2016)
  25. Hart’s war (2002)
  26. Heaven & earth (1993)
  27. Hotel Rwanda (2004)
  28. I am Sam (2001)
  29. I can speak (2017)
  30. Invictus (2009)
  31. Ip Man – Diệp Vấn (2008)
  32. It’s a wonderful life (1946)
  33. La leggenda del pianista sull’oceano – The legend of 1900 (1998)
  34. Little Lord Fauntleroy (1980)
  35. Loving (2016)
  36. Magnolia (1999)
  37. Megan Leavey (2017)
  38. Midnight cowboy (1969)
  39. My love, don’t cross that river (2014)
  40. Okuribito – Departures (2008)
  41. One flew over the cuckoo’s nest (1975)
  42. Philadelphia (1993)
  43. Prayers for Bobby (TV movie 2009)
  44. Rain man (1988)
  45. Roman holiday (1953)
  46. Schindler’s list (1993)
  47. Temple Grandin (2010 TV Movie)
  48. The blind side (2009)
  49. The boy in the striped pajamas (2008)
  50. The bucket list (2007)
  51. The Elephant Man (1980)
  52. The fault in our stars (2014)
  53. The gold rush (1925)
  54. The Green Mile (1999)
  55. The intern (2015)
  56. The intouchables (2011)
  57. The kid (1921)
  58. The pianist (2002)
  59. The Shawshank redemption (1994)
  60. Khid thueng withay – The teacher’s diary (2014)
  61. To kill a mockingbird (1962)
  62. Tokyo story (1953)
  63. Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh – Yellow flowers on the green grass (2015)
  64. WALL-E (2008)
  65. War for the planet of the apes (2017)
  66. Where the heart is (2000)
  67. Wonder (2017) IMDb: 8.0
  68. Srimanthudu = The weathy man (2015)
  69. Three billboards outside Ebbing, Missouri (2018)

 

Mở đầu

Phim là để giải trí, chắc hẳn rồi. Nhưng có bao giờ bạn cảm thấy quá chán ngán với nhan nhãn hàng ngày những phim đầy cảnh chém giết, bắn phá, đấm đá, hoặc phim cổ trang diễm tình sướt mướt…? Bạn muốn tìm chút nét nhân văn khi giải trí? Bạn nghĩ phim có tính nhân văn quá hiếm hoi? Không hiếm đâu. Bài này giới thiệu những phim có tính nhân văn mà người viết cảm nhận được. Sau khi xem một phim, bạn vẫn có thể tự hỏi: “Tính nhân văn ở chỗ nào?” Đó là tùy bạn suy ngẫm. Bài viết giới thiệu đôi điều về tính nhân văn ở điểm nào đó, rồi bạn có thể nhận ra tính nhân văn nằm ở chỗ khác. Bạn cần tự khám phá để có đúc kết cho riêng mình. Nhiều khi không thể nghe lời thoại hoặc xem hình ảnh mà thấy tính nhân văn; bạn cần cảm nhận thì mới thấy.

Về việc đánh giá phim, người viết tham khảo IMDb, tức Internet Movie Database – Cơ sở dữ liệu điện ảnh trên Internet. Đó là cơ sở dữ liệu trực tuyến về điện ảnh thế giới, đánh giá phim chiếu rạp, phim tài liệu, phim lẻ TV và phim bộ TV. Dĩ nhiên là chỉ có giá trị tham khảo tương đối, bởi vì người viết xem một số phim được IMDb chấm điểm cao nhưng chẳng thấy hay gì cả!

Phim được đánh giá theo thang điểm từ 0 đến 10. Theo cảm nhận của cá nhân, phim có thể được đánh giá như sau:

Từ 9.0 trở lên: kiệt tác phẩm
8.0 – 8.9: phim xuất sắc
7.6 – 7.9: phim rất hay
7.0 – 7.5: phim hay
6.0 – 6.9: phim khá hay.

Vì một số lý do, người viết cáo lỗi không thể đưa ra nguồn trích dẫn ở đây. Trang web không có tính thương mại này trình bày cảm nhận riêng của người viết, có tham khảo thông tin từ bốn phương, rồi đưa đi bốn phương. Nếu bạn xem qua bài này rồi xem phim được giới thiệu và tìm ra đôi điều hay hay nào đó cho cuộc sống, thì cái tội đạo văn của người viết hẳn sẽ được dung thứ.

3 idiots (2009)

Điểm IMDb: 8.4

Đạo diễn: Rajkumar Hirani
Diễn viên: Sharman Joshi (Raju Rastogi), Aamir Khan (‘Rancho’ Shamaldas Chanchad), Omi Vaidya (Chatur ‘Silencer’ Ramalingam), Madhavan (Farhan Qureshi), Kareena Kapoor (Pia), Mukund Bhatt (Mr. Rastogi), Rahul Kumar (Millimeter – MM)

Phim Ấn Độ này kể về tình bạn của ba anh chàng Farhan, Raju và Rancho từ khi họ còn là sinh viên đến khi trưởng thành. Trong thời gian ngồi trên giảng đường, Rancho có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, tương lai của Farhan và Raju. Sau khi ra trường, Rancho đột nhiên biến mất. 10 năm sau, khi tìm được manh mối về nơi sinh sống của cậu bạn thân năm xưa, Farhan và Raju quyết định lên đường tìm anh.

Phim 3 Idiots không chỉ đem lại tiếng cười mà còn tạo cảm giác lạc quan cho người xem, tạo thêm niềm tin vào cuộc sống với thông điệp: “Hãy sống với niềm đam mê của mình chứ đừng sống theo kỳ vọng của người khác”.

3-Idiots 2

Khi xem 3 Idiots, khán giả được sống trong thế giới của tuổi trẻ, của đam mê, hoài bão… với những người bạn mà hẳn ai cũng ao ước có ở bên cạnh. Không chỉ xoay quanh tình bạn, bộ phim còn là bản tình ca lãng mạn, những câu chuyện xúc động về tình cảm gia đình, tình thầy trò…

Có lẽ bất cứ ai xem phim cũng có thể bắt gặp hình ảnh của chính mình trên phim, trong môi trường học đường mà các nhân vật phải trải qua, hay ở hoàn cảnh gia đình mỗi người mỗi vẻ.

Dù tên phim có nghĩa là “3 chàng ngốc”, nhưng có lẽ họ “ngốc” giống như cách mà Steve Jobs từng khuyên các sinh viên tại lễ tốt nghiệp của Đại học Stanford: “Cứ khát khao, Cứ dại khờ”. Xem: https://tamdiepblog.wordpress.com/2018/04/08/cu-khat-khao-cu-dai-kho-steven-jobs/

12 years a slave (2013)

Điểm IMDb: 8.4

Đạo diễn: Steve McQueen
Diễn viên: Chiwetel Ejiofor, Michael Fassbender, Benedict Cumberbatch, Paul Dano, Paul Giamatti, Lupita Nyong’o, Sarah Paulson, Brad Pitt, Alfre Woodard

Phim dựa trên hồi ký Twelve years a slave của Solomon Northrup, một nông dân da đen tự do ở New York, kể câu chuyện mình bị bắt cóc vào năm 1841 và bị ép làm nô lệ trong 12 năm.

Giàu sức ám ảnh và chân thực, phim của đạo diễn Steve McQueen kể lại một cách chân thật về một trong những chương đen tối nhất lịch sử nước Mỹ.

Trong lịch sử điện ảnh Mỹ, từng có không ít phim đề cập tới nạn nô lệ – được coi là hợp pháp trong khoảng từ thế kỷ thứ 17 tới 19. Tuy nhiên, không tác phẩm nào có cái nhìn trực diện, không che đậy hay biện minh mà chỉ đem tới một sự thực trần trụi như 12 Years a Slave. Phim là câu chuyện đầy xót xa của những con người bất hạnh không may sinh ra trong thời kỳ đen tối của lịch sử nước Mỹ.

Câu chuyện của anh chàng da đen có học thức Solomon được kết thúc sau 12 năm nhưng với người da màu sống tại Mỹ, nó lại là một trang sử kéo dài tới gần 250 năm cho tới khi cuộc nội chiến kết thúc. 12 Years a Slave không chỉ là một trong những tác phẩm xuất sắc hàng đầu năm 2013 mà còn giàu sức ám ảnh và đầy thông điệp mạnh mẽ, như cách nó khiến khán giả xót xa cho những người mang số phận như Solomon.

50/50 (2011)

Điểm IMDb: 7.9

Đạo diễn: Jonathan Levine
Diễn viên: Joseph Gordon-Levitt, Seth Rogen, Anna Kendrick, Bryce Dallas Howard, Anjelica Huston, Serge Houde, Andrew Airlie

Câu chuyện về căn bệnh ung thư, về chàng trai trẻ và những thay đổi đáng buồn trong cuộc sống mà căn bệnh đem đến, những nghị lực phi thường của anh qua lát cắt cuộc sống trong 50/50 sẽ khiến tất cả chúng ta suy nghĩ trong nhiều ngày liền.

50/50 khéo léo tạo nên một câu chuyện vừa cảm động vừa hài hước về một chàng trai trẻ bước vào thế giới của bệnh tật mà không hề có một tí mảy may chuẩn bị nào trong tâm trí. Từ những trải nghiệm thực tế của mình qua cuộc chiến đấu chống căn bệnh ung thư, Will viết nên những tình huống thực tế đến ngạc nhiên, xen kẽ giữa tiếng cười và nỗi đau.

Được đặt nền móng trên một tình huống buồn bã, nhưng 50/50 lại hài hước đến mức gây ngạc nhiên cho khán giả, để chúng ta cùng nghiệm ra rằng, đôi khi liều thuốc thần kỳ nhất trên thế gian chính là tiếng cười. Câu chuyện phim đúc kết từ cuộc chiến thực tế chống căn bệnh hiểm nghèo – ung thư.

Điều gì khiến 50/50 thật đặc biệt, khác với những phim lấy đề tài bệnh tật làm trung tâm, khác với những phim Hàn Quốc ướt át mà khán giả chắc hẳn không xa lạ gì? Đó chính là: toàn bộ mọi yếu tố trong kịch bản phim 50/50, từ ý tưởng, cốt truyện, từng tình tiết, từng tình huống, lời thoại… đều được đúc kết từ một câu chuyện có thật, một bệnh nhân thật sự.

Xem 50/50 để thấy ung thư không phải là hết.

A beautiful mind (2001)

Điểm IMDb: 8.2

Đạo diễn: Ron Howard
Diễn viên: Russell Crowe, Ed Harris, Jennifer Connelly, Paul Bettany, Adam Goldberg, Judd Hirsch, Josh Lucas, Anthony Rapp, Christopher Plummer

Dựa trên A beautiful mind của Sylvia Nasar. Người ta luôn nói rằng “chiến thắng bản thân là chiến thắng lớn nhất của đời người”. Nên có lẽ mục đích lớn nhất của đời mình là nhận diện ra bản ngã và chinh phục nó. John Nash – nhà kinh tế học, toán học người Mỹ đoạt giải Nobel kinh tế năm 1994 – là một minh chứng rõ nét nhất cho việc chinh phục bản thân mình để sống trọn vẹn ý nghĩa.

Hollywood dựng lại được cuộc đời ông một cách vô cùng tinh tế và giàu xúc cảm qua phim A beautiful mind để từ đó khán giả lại được thổn thức trước một con người có một cuộc đời vô cùng đặc biệt mà không phải ai cũng biết.

Phim là câu chuyện đầy nghị lực và đáng ngưỡng mộ về John Nash – nhà bác học phi thường của thế kỷ 20.

“Anh đến đây vì em tối nay. Em là lý do để anh tồn tại. Em là lẽ phải của cuộc đời anh”. Đó là lời kết súc tích mà đầy nồng ấm của nhà bác học vĩ đại John Nash dành cho vợ mình trong buổi lễ trao giải Nobel năm 1994.

A simple life – Tao Jie (2012)

Điểm IMDb: 7.6

Đạo diễn: Ann Hui
Diễn viên: Andy Lau, Anthony Wong Chau-Sang, Chapman To, Deannie Yip, Dennis Chan, Hark Tsui, Lan Law, Lawrence Ah Mon, Paul Chun, Sammo Hung Kam-Bo, Suet-Fa Kong, Tin Leung

A simple life xoay quanh câu chuyện về dì Đào, người có hơn 60 năm giúp việc cho một gia đình. Roger, người được bà nuôi nấng từ nhỏ, buộc lòng phải đưa bà vào viện dưỡng lão, vì công việc quá bận rộn. Phim chính là câu chuyện tình người đầy xúc động giữa dì Đào và Roger.

A simple life 3

Nếu liệt kê những điểm hấp dẫn ở một phim, có lẽ A simple life sẽ chẳng có được điểm nào. Phim không có thế giới ồn ào rực rỡ của những người trẻ, không có những câu chuyện kịch tính, căng thẳng, lại càng không có bất kỳ chuyện tình yêu lãng mạn nào…. Thế nhưng một tác phẩm tưởng như chẳng có gì như vậy, trở thành một phim hay, và khiến ai xem cũng phải xúc động.

Nội dung của A simple life như một cuốn phim quay chậm về những tháng năm cuối đời của một người già. Phim không có cao trào, không có nút thắt, không đẩy đưa hồi hộp. Tất cả những gì phim thể hiện chỉ đơn giản là sự góp nhặt những điều dung dị nhất của cuộc sống thường nhật. Ở đó, mỗi một chi tiết đều gần như chẳng có gì, thậm chí còn chậm rãi và từ tốn, rất dễ khiến người xem thấy buồn ngủ. Phim dẫn dắt người xem qua những cung bậc cảm xúc, một cách thanh thản và nhẹ nhàng.

A simple life ca ngợi những yêu thương thầm lặng luôn hiện hữu trong cuộc sống của chúng ta. Họ có thể khác nhau về mọi thứ, có thể luôn rất cô đơn và lặng lẽ trong thế giới của riêng mình. Thế nhưng, những yêu thương và quan tâm họ dành cho nhau làm cho mối quan hệ chủ–tớ trở thành tình mẫu tử thiêng liêng từ lúc nào không hay biết. Phim nhắc chúng ta hãy luôn yêu thương hết mình, và trân trọng hết thảy những gì đang có.

A time to love and a time to die (1958)

Điểm IMDb: 7.7

Đạo diễn: Douglas Sirk
Diễn viên: John Gavin, Liselotte Pulver, Jock Mahoney, Don DeFore, Keenan Wynn, Erich Maria Remarque, Dieter Borsche

Dựa theo tiểu thuyết cùng tên (nguyên tác tiếng Đức Eine zeit zu leben und eine zu sterben) của Erich Maria Remarque, trong bối cảnh Thế chiến 1.

Nhân vật chính là anh lính Đức Ernet Graber, từ mặt trận Nga được nghỉ phép trở về quê nhà. Anh không tìm thấy mái nhà của mình trong đống gạch vỡ, không tin tức của cha mẹ, Graber không biết họ còn sống, hay chết, hay mất tích. Thế rồi Graber gặp lại cô bạn cũ, Elisabeth Kruse, con gái của một trí thức phản kháng. Trong những ngày cuối của cuộc chiến, khi nước Đức đang tang thương vì bom đạn của Đồng minh, họ yêu nhau, họ nói tiếng yêu một lần trong đời mãnh liệt nhất. Họ làm đám cưới trong căn phòng mà nhân viên của tòa thị chính ngồi dưới một hàng giây thừng trơn và thừng có nút được móc lên tường, trang trí cho tấm ảnh Hitler và một cây thập ngoặc với con phượng hoàng Đức.

Sirk_ATtLaaTtD2Tình yêu trong phim không hề thiếu sự ngọt ngào, nồng nhiệt của đôi lứa, nhưng nó bàng bạc một nỗi buồn, một nỗi sợ của con người không biết thời cuộc sẽ về đâu, nhưng nó vẫn đẹp như tình yêu vốn là như thế. Erich không mang sex vào cuộc tình của họ, không nói một chút gì về cảnh nóng trong toàn bộ câu chuyện tình yêu, nhưng chúng ta vẫn thấy được, nhận ra được giây phút mặn nồng mà cuộc sống lứa đôi đem lại.

Amistad (1997)

Điểm IMDb: 7.2

Đạo diễn: Steven Spielberg
Diễn viên: Morgan Freeman, Anthony Hopkins, Matthew McConaughey, Djimon Hounsou, Anna Paquin, Stellan Skarsgrd, Nigel Hawthorne, David Paymer, Pete Postlethwaite, Tomas Milian

Phim được xây dựng dựa theo câu chuyện có thật về cuộc nổi dậy vào năm 1839 của những người nô lệ Châu Phi trên con tàu buôn La Amistad nổi tiếng. Họ giành được quyền kiểm soát con tàu nhưng vì không thông thạo đường biển, nên bị giữ lại tại Hoa Kỳ, rồi bị đem ra xét xử. Một luật gia đứng ra biện hộ cho họ dựa theo luận cứ độc đáo nhưng chua xót: để cứu nhóm nô lệ này thì trước phiên tòa phải xem họ như là hàng hóa chứ không phải là con người!

Barfi! (2012)

Điểm IMDb: 8.5

Đạo diễn: Anurag Basu
Diễn viên: Ranbir Kapoor, Priyanka Chopra, Haradhan Bannerjee, Sumona Chakravarti, Roopali Ganguly, Rahul Garg, Ileana

Barfi! là câu chuyện tình yêu giữa chàng trai bị câm điếc có tên Barfi và cô gái mắc chứng tự kỷ. Phim Ấn Độ Barfi! tạo được sự rung cảm đặc biệt với khán giả bởi những thông điệp nhân văn được lồng ghép trong phim: “Nên trân quý những gì mình đang có” và “Dù bạn là ai, dù bạn khác biệt so với số đông còn lại, thì vẫn có quyền yêu và được yêu.”

Barfi

Mạch phim khá chậm rãi, đan xen giữa hiện tại–quá khứ, dựa trên sự hồi tưởng của nhân vật nữ thứ… Các tình tiết được đan xen một cách khéo léo, chặt chẽ và logic giúp khán giả giải đáp được các câu hỏi không ngừng nảy ra trong đầu. Dù mạch phim nhẹ nhàng, chậm rãi, nhưng vẫn có những đoạn cao trào, tạo điểm thắt – mở nút hợp lý cho câu chuyện. Dù thời lượng khá dài, mạch phim gần như không có chi tiết thừa, mà rất thuyết phục, vì vậy đây là một trong những bộ phim Ấn Độ được các chuyên gia trên thế giới đánh giá rất cao.

Phim còn có nhiều phân cảnh vô cùng cảm động. Điểm nhấn của phim chính là câu chuyện tình khác thường nhưng vẫn hết sức đáng yêu và ngọt ngào của cặp đôi chàng câm nàng tự kỷ. Cho nên, cách họ tìm nhau, ân cần chăm sóc nhau bất chấp những khiếm khuyết của bản thân… thực sự đó chạm đến trái tim khán giả. Hai con người, với những khiếm khuyết về thể xác và tinh thần, đã đến với nhau, chỉ đơn giản bằng lòng yêu thương và sự chia sẻ.

Biruma no tategoto – The Burmese harp (1956)

Điểm IMDb: 8.1

Đạo diễn: Kon Ichikawa
Diễn viên: Rentarô Mikuni (Captain Inouye), Shôji Yasui (Mizushima), Jun Hamamura (Ito)

Đây là một câu chuyện cảm động, ghi những sinh hoạt của một đại đội binh sĩ Nhật Bản trong rừng nhiệt đới Miến Điện khi họ khám phá thấy rằng những thử thách trong chiến tranh còn cam go, gian khổ nhiều hơn là đương đầu với quân thù. Chiến tranh đã kết thúc nhưng di chứng còn rất nặng nề, và một binh sĩ Nhật tìm cách xoa dịu những di chứng đó, tạo thành một câu chuyện đầy xúc động.

burmese-harp1

Phim là một tuyệt tác về nghệ thuật, chuyển thể thành công cái hồn của sách nguyên tác, gây cảm xúc sâu lắng qua những hình ảnh như lúc Mizushima chôn các xác chết vương vãi trong rừng hoang, hoặc lúc các tù binh Nhật bên trong hàng rào kẽm gai cùng cất tiếng da diết trong ca khúc Home, sweet home, và bên ngoài một cậu bé rồi một nhà sư gảy đàn hạc đệm theo.

Changeling (2008)

Điểm IMDb: 8.1

Đạo diễn: Clint Eastwood
Diễn viên: Angelina Jolie, Gattlin Griffith, John Malkovich, Michelle Martin, Jan Devereaux, Michael Kelly

Phim có bối cảnh năm 1928, dựa trên câu chuyện có thật tại Los Angeles. Angelina Jolie vào vai Christine, một nhân viên giám sát tại tổng đài điện thoại địa phương. Một ngày nọ, cậu con trai của cô đột ngột bị bắt cóc. Đau khổ và tuyệt vọng, Christine cầu cứu nhiều nơi và mong có phép màu nào đó sẽ xảy ra…

Changeling là phim hình sự, tâm lý đậm chất hiện thực và rất xúc động. Tác phẩm được đánh giá là một trong những phim hay nhất của Clint Eastwood trên cương vị đạo diễn.

Angelina Jolie cống hiến cho người xem một vai diễn không thể tuyệt vời hơn, với đầy đủ những điều cần có: phong thái, kỹ thuật và cả cảm xúc. Hình ảnh một người mẹ thương con, một người phụ nữ kiên cường, mạnh mẽ, nhưng cũng có những phút yếu đuối tưởng như gục ngã… được cô thể hiện bằng rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

Kịch tính, hấp dẫn, song yếu tố đắt giá nhất ở Changeling chính là tính hiện thực và yếu tố cảm xúc. Phim mạnh dạn vạch trần những vấn đề nhức nhối của xã hội Mỹ những năm đầu thế kỷ 20. Đó là sự phân biệt đối xử và xem thường phụ nữ, là tệ nạn ngược đãi và bạo hành trẻ em, là sự thối nát, mục ruỗng và bảo thủ đến cực đoan của bộ máy chính quyền… Trên tất cả, phim ca ngợi sự ngoan cường của người phụ nữ, ca ngợi tình cảm mẫu tử thiêng liêng, gieo vào lòng người xem những hy vọng lấp lánh. Changeling thực sự có thể khiến người xem đi qua rất nhiều cung bậc cảm xúc: phẫn nộ, bất an, cảm động và day dứt..

Changeling thực sự là một phim hay và rất đáng xem. Tuy không đến mức xuất sắc, hoàn hảo, nhưng chắc chắn phim sẽ khiến những khán giả khó tính cũng hài lòng.

Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng – Madam Phung’s last journey (2014)

Điểm IMDb: 8.7

Phim tài liệu 86 phút về người chuyển giới trong một gánh hát nghèo giúp khán giả len lỏi vào cuộc đời những con người khao khát được xã hội công nhận và tôn trọng.

Chị Bích Phụng và chị Hằng là hai nhân vật có nhiều tâm sự về cuộc đời họ. Họ hiểu rõ số phận từ lúc sinh ra. Mong ước được làm người đàn bà thực sự, có người yêu, có chồng con… trong hình hài đàn ông là giấc mơ quá đỗi xa vời. Nhận sự kỳ thị từ những người xung quanh mình, họ chỉ biết dựa vào điểm khác biệt này để kiếm ăn qua ngày. Sâu bên trong, họ vẫn là những con người bình thường với yêu, ghét, giận hờn… vẫn biết sống dựa vào nhau có tổ chức, đụng chuyện va chạm thì chờ công an giải quyết, tôn trọng pháp luật và tinh thần hào hiệp.

Ngoài ra, còn nhiều nhân vật khác như chị Ngọc Phụng, các cô gái trẻ bán vé, những thanh niên theo đoàn dựng lều rạp, đứa bé canh vòng quay ngựa gỗ… Theo họ là con bọ mồi cho các trò chơi, con chó mẹ và đàn chó con. Người và vật cùng quây quần sống chung với nhau trong cuộc mưu sinh.

Cinema Paradiso (1988)

Điểm IMDb: 8.4

Đạo diễn: Giuseppe Tornatore
Diễn viên: Philippe Noiret, Enzo Cannavale, Antonella Attili, Marco Leonardi, Pupella Maggio, Agnese Nano, Leopoldo Trieste

Cậu bé Toto sống trong thị trấn nhỏ của đảo Sicile với đam mê phim ảnh tột độ như những người dân trong vùng. Người bạn thân thiết nhất của cậu là người thợ máy Alfredo trong rạp chiếu bóng Paradiso. Mỗi lần duyệt phim, Toto lén xem trộm và năn nỉ bác Alfredo cho cậu những đoạn phim bị cắt bỏ nhưng bị từ chối.

Toto trở thành người bạn thân thiết của bác thợ máy già Alfedo nhân hậu trong thị trấn nhỏ bé trên đảo Sicile. Đây là một thị trấn nghèo xác xơ, với niềm vui duy nhất của cư dân là đi xem chiếu bóng. Rạp chiếu bóng Paradiso trở thành nơi tụ tập của dân chúng, từ kẻ giàu đến người nghèo, người sang kẻ hèn, người già, trẻ con… Họ xem phim với niềm say mê tột độ, họ khóc, cười, thậm chí thuộc làu làu những lời thoại trong phim. Toto cũng là một trong những “fan” cuồng nhiệt ấy, thậm chí cậu sẵn sàng dùng tiền mua sữa để mua vé vào rạp xem phim.

City lights (1931)

Điểm IMDb: 8.6

Đạo diễn: Charles Chaplin
Diễn viên: Charles Chaplin, Virginia Cherrill, Florence Lee, Harry Myers

City lights là một câu chuyện tình lãng mạn nhưng không thiếu phần kịch tính và hài hước trong series “kẻ lang thang” của Charlie Chaplin. Bên cạnh đó, phim phản ánh sự mâu thuẫn giữa các tầng lớp xã hội đương thời một cách tinh tế và rất chân thật. Dường như thời gian chẳng làm mờ đi nét độc đáo và cái hay của phim, thậm chí càng làm tăng thêm giá trị về mặt nghệ thuật và thủ pháp dàn dựng kinh điển của Chaplin.

Không có gì phải cố gắng trơ trẽn để chọc cười khán giả, không có những hành động sướt mướt để nhìn thấy cái bi thương trong phim, anh chàng lang thang vẫn vô tư như thế, sống hết mình như thế nhưng cái xã hội bất bình đẳng ấy luôn đẩy anh vào tình thế khó khăn.

Rồi từ đó anh cứ phải chống chọi cùng cơn gió, vùng vẫy giữa biển khơi của sự tương phản về giai cấp. Đây là tiếng cười cay đắng. Cay đắng ấy có lẽ xuất phát từ tuổi thơ mà Chaplin đã trải qua, cứ thong thả đi theo năm tháng cùng với tuổi đời càng ngày càng lớn lên của ông.

Những trải nghiệm gian khổ đó ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng và chủ điểm sáng tạo của ông. Và vì đã trải qua nên sự am hiểu về những con người nghèo khổ, bị ức hiếp và bóc lột đến cùng cực của ông vô cùng tinh tế và được vận dụng vào trong phim rất tự nhiên. Đó chính là một trong những điều làm nên sự nghiệp điện ảnh thành công rực rỡ của Charlie Chaplin.

Dances with wolves (1990)

Điểm IMDb: 8.0

Nghệ sĩ: Kevin Costner, Mary McDonnell
Đạo diễn: Kevin Costner

Sau những chiến tích đầy quả cảm trên chiến trường, người lính John Dunbar (Kevin Costner) nhận phần thưởng là được quyền chọn nơi đóng quân theo nguyện vọng của mình. John Dunbar quyết định chọn một vọng gác ở miền viễn Tây vì sợ nơi này sẽ biến mất. Cấp trên đồng ý với nguyện vọng của John Dunbar và điều anh về pháo đài Sedgwick.

Khi đến pháo đài Sedgwick, John Dunbar phát hiện ra nơi này gần như bị bỏ hoang và anh phải canh giữ nó một mình. Đường dây liên lạc của John Dunbar với quân đội Mỹ cũng bị cắt đứt vì người giao liên bị giết trên đường. Không lâu sau, John Dunbar gặp gỡ những thổ dân da đỏ Sioux sống trong vùng, làm quen và trở nên thân thuộc với họ. Anh dần nảy sinh tình cảm với cô gái tên Stands With A Fist (tạm dịch: Đứng vững với một nắm đấm), một người da trắng được nuôi dưỡng và lớn lên trong bộ tộc da đỏ Sioux. Tuy nhiên, giữa lúc John Dunbar hòa nhập với người da đỏ thì quân đội Mỹ trở lại pháo đài Sedgwick và nghi ngờ anh trở thành kẻ phản bội…

Dances with wolves 2Ngay từ cái tựa, Dances with wolves có thể khiến khán giả liên tưởng đến một câu chuyện lãng mạn ở miền Tây hoang dã. Tình yêu giữa John Dunbar và cô gái Stands With A Fist được xây dựng một cách tuyệt vời. Những bi kịch đằng sau mỗi nhân vật đều tạo nên các mối liên kết họ với nhau. Tuy nhiên, những gì mà phim đem đến cho khán giả còn nhiều hơn thế. Khán giả có được một cái nhìn chân thực về miền Tây nước Mỹ thuở sơ khai. Đặc biệt, Dances with wolves còn lột tả chi tiết tính cách của người thổ dân da đỏ, điều vốn thường xuyên bị đặt ngoài lề trong các phim Mỹ.

Nhân vật John Dunbar được xây dựng theo trình tự tiến hóa liên tục trong suốt thời lượng của phim, giúp khán giả luôn hứng thú với anh cũng như cảm thấy thuyết phục với các sự thay đổi. Bên cạnh đó, các nhân vật người da đỏ Sioux xuất hiện trong phim đều được xây dựng mỗi người mỗi vẻ, mỗi tính cách nên càng khiến phim trở nên thú vị.

Dave (1993)

Điểm IMDb: 6.8

Đạo diễn: Ivan Reitman
Diễn viên: Kevin Kline, Sigourney Weaver, Frank Langella

Kevin Kline là một người điều hành văn phòng việc làm ở Washington. Vì có có ngoại hình giống tổng thống đến kỳ lạ, Kovic được tuyển mộ để giả làm tổng thống trong một số sự kiện. Công việc này phát triển theo chiều hướng nghiêm trọng hơn khi tổng thống thật bị ốm đến mức rơi vào hôn mê và Kovic được trao quyền điều hành Nhà Trắng.

Tài năng diễn hài của diễn viên Kline tỏa sáng với những tình huống vụng về, nhầm lẫn tức cười khiến cho Dave trở thành một trong những bộ phim hài được yêu thích nhất đầu những năm 1990.

Dave 3
Vị tổng thống giả mạo yêu cầu đừng chụp ảnh khi trò chuyện với cậu bé

Nhưng phía sau con người có chất hài của một vị tổng thống giả mạo là một cá tính nhân văn cao. Như cảnh tổng thống giả đi thăm một lớp mẫu giáo, thấy trong khi đám học sinh ngồi quanh cô giáo thì một học sinh da đen ngồi riêng lẻ một mình (giống như bị chứng tự kỷ), thế là anh ta ngồi bệt xuống sàn kế bên, thân tình bắt chuyện với học sinh này và yêu cầu đừng quay phim chụp ảnh – một cử chỉ thể hiện tính nhân văn mà bà vợ vị tổng thống thật rất ngạc nhiên.

Dearest (2014)

Điểm IMDb: 7.8

Đạo diễn: Peter Chan-Trần Khả Tân
Diễn viên: Hoàng Bột (Điền Văn Quân), Hác Lôi (Lỗ Hiểu Quyên), Triệu Vy (Lý Hồng Cầm)

Được xây dựng dựa trên một câu chuyện có thật, phim kể về hành trình tìm con của một bà mẹ tỉnh lẻ, Lỗ Hiểu Quyên. Cô và người chồng vốn bất hòa, chỉ còn đứa con 3 tuổi đáng yêu tên Bằng Bằng là sợi dây gắn kết duy nhất cho cuộc hôn nhân ấy. Nhưng một ngày nọ, bọn buôn người cướp cậu bé khỏi vòng tay cô. Một hành trình tìm con khắp đất nước đầy gian nan đau khổ, từ đó bắt đầu. Hai vợ chồng bị lừa tiền, bị coi khinh, bị lợi dụng, nhưng cũng nhận được không ít sự giúp đỡ của những người đồng cảnh ngộ.

Không chỉ kể về hành trình rong ruổi tìm con của đôi vợ chồng thành thị, người xem còn thấy câu chuyện cảm động về tình mẫu tử sâu sắc giữa người phụ nữ nông thôn nghèo và đứa trẻ bị bắt cóc.

Dearest không dừng lại ở bi kịch của một gia đình mà còn là nỗi đau của cả xã hội. Không có những cảnh hành động kịch tính, giật gân khi điều tra phá án nhưng Dearest vẫn hồi hộp, xúc động, nghẹn ngào qua từng giây phút. Hai câu chuyện, hai nỗi đau, hai bi kịch, hai góc nhìn của hai tuyến nhân vật khác nhau, được đạo diễn khéo léo dẫn dắt vào trong phim.

Những thước phim nhuốm màu u buồn, những xúc cảm được đẩy lên đến tận cùng, những tiếng gọi “Mẹ ơi!” rơi lặng trong thinh không… Dearest là một tác phẩm chính kịch chân thành và cảm động của nền điện ảnh Hoa ngữ.

Dearest là tác phẩm đáng để xem, để ngẫm, bởi thông điệp hết sức nhân văn mà phim truyền tải.

Driving Miss Daisy (1989)

Điểm IMDb: 7.4

Đạo diễn: Bruce Beresford
Diễn viên: Morgan Freeman, Jessica Tandy, Dan Aykroyd, Patti LuPone, Esther Rolle, Joann Havrilla, William Hall Jr.

Dựa trên vở kịch cùng tên đoạt giải văn học Putlizer, phim kể về Daisy Werthan, một góa phụ giàu có người Do Thái. Sau lần bà gây ra tai nạn, cậu con trai không thể yên tâm về mẹ mình và tìm cho Daisy một tài xế. Đó là lái xe da màu Hoke Colburn. Với tính cách cương nghị và có phần ngang tàng của mình, Daisy khó chịu ra mặt và luôn cáu gắt. Nhưng rồi, thời gian giúp cả 2 dần hiểu nhau và trở thành tri kỉ trong suốt quãng đời còn lại.theo sát những cung bậc tình cảm trong 25 năm tình bạn giữa cô Daisy Werthan, người đàn bà góa giàu có, gốc Do Thái và Hoke, người lái xe da màu của cô.

Mias DaisyPhim là một câu chuyện đầy ý nghĩa nói về tình bạn đẹp giữa những người bạn già không cùng đẳng cấp trong xã hội giữa bà chủ và tài xế. Daisy Werthan là một bà chủ cực kỳ khó tính, nhưng thời gian làm việc cùng người tài xế da màu Hoke thường ngày tạo nên một tình bạn đẹp giữa hai người lúc nào không hay.

Erin Brockovich (2000)

Điểm IMDb: 7.3

Đạo diễn: Steven Soderbergh
Diễn viên: Julia Roberts, David Brisbin, Dawn Didawick

Phim kể về nghị lực và ý chí đấu tranh của Erin Brockovich, một nhân vật có thật, gần như túng quẫn với ba đứa con. Erin bị một tai nạn và cô bị xử thua trong vụ kiện do sự thiếu trách nhiệm của luật sư Masry. Erin thất nghiệp và mang một món nợ lớn. Masry cho Erin vào làm trợ lý pháp luật tại văn phòng của ông như một cách để đền bồi. Erin tập tễnh bước vào thế giới luật.

Sau một lần tình cờ phát hiện hồ sơ đặc biệt ở văn phòng mình, dù kiến thức ngành luật còn sơ sài, Erin dũng cảm thay mặt các nạn nhân để khởi kiện và theo đuổi đến cùng. Cô đối đầu với tổng công ty điện và gas, đòi họ bồi thường cho các cư dân bị nhiễm bệnh bởi cách xử lý chất thải tồi tệ từ xưa mà họ giấu nhẹm. Trong quá trình này, cô hầu như đơn thân đi trao đổi với các nạn nhân, tham gia các buổi họp cộng đồng, đưa ra những luận cứ vạch trần công ty bên bị cáo…

Firelight (1997)

Điểm IMDb: 7.3

Director: William Nicholson
Stars: Sophie Marceau (Elisabeth Laurier), Stephen Dillane (Charles Godwin), Dominique Belcourt (Louisa)

Firelight 2Năm 1837, cô gái nghèo người Thụy Sĩ Elisabeth Laurier đồng ý mang thai hộ cho một địa chủ Anh tên là Charles Godwin để lấy tiền trả nợ cho cha mình. Chín tháng sau, Elisabeth sinh ra một bé gái kháu khỉnh và xinh xắn, và như đã đồng ý từ trước, cô để lại đứa bé cho Charles và ra đi. Bảy năm sau, khi quay lại Anh, cô được thuê làm hầu gái cho một đứa trẻ tên là Louisa, chính là đứa con gái mà cô hàng đêm mong nhớ. Ban đầu, Charles từ chối và yêu cầu cô rời đi ngay lập tức. Tuy nhiên mọi người trong gia đình thuyết phục anh rằng Louisa cần một hầu gái chăm sóc hàng ngày vì trước đó nhiều gia sư của cô bé phải ra đi do không chịu nổi tính ngang bướng của đứa trẻ. Cuối cùng Charles buộc Elisabeth phải thề rằng cô sẽ không tiết lộ với Louisa hay bất kỳ ai khác về mối quan hệ trước đây của họ.

Elisabeth phải đối phó với đứa trẻ với cương vị bề ngoài một gia sư, và với cương vị thầm kín của một người mẹ.

Forrest Gump (1994)

Điểm IMDb: 8.7

Đạo diễn: Robert Zemeckis
Diễn viên: Tom Hanks, Robin Wright Penn, Gary Sinise, Mykelti Williamson

Forrest Gump là một đứa trẻ bất hạnh khi sinh ra không có cha, hơn nữa Forrest còn bị thiểu năng. Forrest luôn bị bạn bè cùng trang lứa trêu trọc, bắt nạt. Người bạn duy nhất của Forrest là Jenny, chính Jenny phát hiện ra những khả năng đặc biệt của anh. Tốt nghiệp đại học Forrest nhập ngũ và tham chiến ở Việt Nam, Bubba trở thành bạn thân thứ 2 của anh. Forrest rời chiến trường với vết thương và khả năng chơi bóng bàn xuất sắc. Những biến cố nối tiếp nhau xuất hiện làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời Forrest.

Forrest Gump là bản giao hưởng của cuộc đời. Người xem trải qua quá nhiều cảm xúc khi xem phim từ cảm thông, bất ngờ, xúc động đến hy vọng rồi lại thất vọng. Cuộc đời của Forrest là mảnh ghép của rất nhiều người Mỹ trong thập niên 60- 70 của thế kỉ trước. Khán giả thực sự bị xúc động mạnh trước tình mẫu tử của mẹ con Forrest niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống mà bà truyền cho con trai. Chúng ta cũng không khỏi động lòng trước tình yêu giản dị và chân thành mà Forrest giành cho Jenny với câu nói bất hủ: “Anh không phải là một người thông minh nhưng anh biết tình yêu là gì”.

Đây không phải là một câu chuyện cổ tích của thế kỷ 20. Không có phép màu nào, dù nhiều người cho rằng Forrest may mắn, may mắn một cách kỳ lạ. Để đến được cái kết thành công, Forrest chỉ có 10% may mắn. 90% còn lại là nỗ lực không ngừng.

Xuyên suốt cả cuốn phim là tình yêu của Forrest Gump dành cho cô bạn thời thơ ấu Jenny. Tình cảm suốt một thập kỷ không hề thay đổi. Chính Jenny là động lực để Forrest Gump tiến lên phía trước trong suốt cuộc đời mình. Người xem không khỏi động lòng trước tình yêu giản dị và chân thành mà Forrest giành cho Jenny với câu nói bất hủ: “Anh không phải là một người thông minh, nhưng anh biết tình yêu là gì”.

Good doctor (2013 TV series)

Điểm IMDb: 8.1

Đạo diễn: Ki Min Soo
Diễn viên: Won Joo (Park Shi On), Moon Chae-won (Cha Yoon Seo), Joo Sang-uk (Kim Do Han), Chun Ho-jin (Choi Woo Suk), Kwak Do-won (Kang Hyun Tae)

Từ hồi còn nhỏ Park Shi On mắc chứng bệnh tự kỉ cấp độ ba và hội chứng bác học với kỹ năng ghi nhớ giỏi và nhận thức về không gian đáng kinh ngạc. Mặt khác, anh có vấn đề về kỹ năng phát biểu, diễn tả sự việc qua cách nghĩ của riêng mình mà không ai hiểu thấu. Khi Giám đốc Choi Woo Suk gặp Park Shi On, cậu bé nói muốn trở thành bác sĩ. Choi nhận ra tiềm năng độc đáo của cậu bé tự kỷ và hết lòng nâng đỡ cậu trong việc học hành. Khi Park Shi On tốt nghiệp một trường y ở nông thôn, ông giới thiệu anh vào thực tập tại bộ phận phẫu thuật khoa nhi. Chỉ đến khi giáo sư Kim Do Han ở đây đánh giá anh đạt yêu cầu thì anh mới có thể trở thành bác sĩ chính thức. Với sự thông cảm và nâng đỡ của NCS Cha Yoon Seo, anh nỗ lực vượt qua mặc cảm của bản thân và chịu đựng thành kiến của xã hội kể cả giáo sư Kim.

Good doctor 3
NCS Cha Yoon Seo và Park Chi On

Bộ phim mang tới nội dung gay cấn và những bài học nhân văn trong cuộc sống.

Gran Torino (2008)

Điểm IMDb: 8.3

Đạo diễn: Clint Eastwood
Diễn viên: Clint Eastwood, Bee Vang, Christopher Carley, Ahney Her, Brian Haley, Geraldine Hughes

Nhân vật chính của phim là Walt Kowalski (Clint Eastwood) – một cựu công nhân của hãng xe hơi Ford phải về hưu sớm do nền kinh tế suy thoái. Ông luôn gắn bó với chiếc xe kiểu Gran Torino sản xuất năm 1972 do chính tay mình tham gia lắp ráp ngày xưa. Từng tham gia chiến tranh Triều Tiên vào năm 1950, khi về già, Walt trở nên gàn dở, bảo thủ, kỳ thị những người hàng xóm gốc Châu Á. Sống cạnh nhà Walt có hai em gốc Hmong là Sue và Thao thường xuyên bị một băng đảng côn đồ đàn áp. Walt nhiều lần ra tay nhưng khiến cho mọi chuyện càng trở nên tồi tệ hơn.

Gran Torino

Một ông cụ ít nói, khó tính, khó tiếp cận, nhưng dần dà thể hiện tuyệt vời tính nhân văn nồng ấm.

Hacksaw Ridge (2016)

Điểm IMDb: 8.2

Đạo diễn: Mel Gibson
Diễn viên: Andrew Garfield (Desmond Doss), Sam Worthington (Capt. Glover), Richard Pyros (Teach), Milo Gibson (Lucky Ford), Hugo Weaving (Tom Doss), Rachel Griffiths (Bertha Doss), Teresa Palmer (Dorothy Schutte), Darcy Bryce (young Desmond)

Hacksaw Ridge kể lại cuộc đời của nhân vật có thật Desmond T. Doss – người lính từ chối cầm súng vì lý do tôn giáo. Nhưng anh vẫn trở thành anh hùng khi là một quân y, cứu sống 75 đồng đội trong Thế chiến thứ II.

Giữa những cảnh bắn giết bạo tàn, Desmond Doss vẫn có đức tin trong sáng và vững bền, luôn tìm cách cứu người, dù đó là đồng đội Mỹ hay kẻ thù Nhật. Thông điệp đậm chất nhân văn ấy của Hacksaw Ridge giúp phim vượt ra khỏi khuôn khổ của một tác phẩm điện ảnh chiến tranh yêu nước thông thường.

Hart’s war (2002)

Điểm IMDb: 6.3 [7.0]

Director: Gregory Hoblit
Writers: John Katzenbach (novel), Billy Ray (screenplay)
Stars: Bruce Willis (Col. William A. McNamara), Colin Farrell (Lt. Thomas W. Hart), Terrence Howard (Lt. Lincoln A. Scott), Cole Hauser (Staff Sgt. Vic W. Bedford), Marcel Iures (Col. Werner Visser)

Thiếu úy phi công Tommy Hart thuộc Không lực Mỹ, bị Đức bắn rơi vào năm 1942, mang nỗi ám ảnh tội lỗi vì là người duy nhất trong phi hành đoàn được sống sót. Bây giờ, anh là tù binh của quân Đức ở Bavaria.

Cuộc sống trong trại tù bị xáo trộn khi một tù nhân mới được đưa đến: trung úy phi công da đen Lincoln Scott cũng thuộc Không lực Mỹ, người lập tức trở thành nạn nhân của nạn phân biệt chủng tộc. Khi một bạn tù da trắng bị hạ sát, mọi vật chứng đều hướng về lý lẽ kết tội Scott. Và Hart, sinh viên năm thứ 2 ngành luật, được chỉ định là người bào chữa cho Scott trong phiên tòa quân sự do Đại tá William McNamara làm chánh án.

Tôi nghĩ những người chấm điểm thấp cho phim là thiếu công tâm, có lẽ họ háo hức muốn xem những trận đánh trong cuộc chiến rồi cảm thấy thất vọng. Đây là phim chiến tranh, nhưng vượt qua phạm trù của chiến tranh. Thay vì những hành động anh hùng khi chiến đấu, khán giả được xem hành vi đáng phỉ nhổ của tù binh da trắng đối với bạn tù da đen trong cùng quân ngũ, và có lẽ vì thế mà một số người Mỹ không thích. Nhiều người có thể không biết rằng ngay cả sĩ quan da đen trong quân đội Mỹ bị ngược đãi bởi hạ sĩ quan da trắng vì nạn kỳ thị chủng tộc – thậm chí trong một đội quân đang đối đầu với quân địch.

Vì thế, đây là phim cần khán giả nghe thay vì nhìn, và rút tỉa cảm nhận gì đó. Những lời khai trước phiên tòa thể hiện muôn mặt trong cuộc sống – nếu bạn chịu khó lắng nghe. Lấy ví dụ, lời khai của trung úy Lincoln Scott của quân đội Mỹ, về những sự ngược đãi mà anh phải hứng chịu chỉ vì anh là người da đen – sự ngược đãi còn tệ hại hơn so với tù binh Đức được quân Mỹ quản thúc. Ngôn từ kết luận của anh trong lời khai về những sự ngược đãi ấy, “khủng khiếp”, dễ làm nhói lòng người.

Tôi nghĩ phim đáng được điểm IMDb 7.0 vì giá trị nhân văn.

Heaven & earth (1993)

Điểm IMDb: 6.8

Đạo diễn: Oliver Stone
Diễn viên: Haing S. Ngor (Papa), Bussaro Sanruck (Le Ly – Age 5), Joan Chen (Mama), Hiep Thi Le (Le Ly), Thuan Le (Kim), Dustin Nguyen (Sau), Mai Le Ho (Hai), Vinh Dang (Bon), Tommy Lee Jones (Steve Butler), Le Ly Hayslip (jewelry broker), Doan Chau Mau (monk Chau Mao Doan),

Phim dựa trên câu chuyện có thật về bà Phùng Thị Lệ Lý, nói về giai đoạn chiến tranh Việt nam 1949-1986. Phim kể về cuộc đời của Lệ Lý, cô gái sinh tại Làng Kỳ La. Cuộc sống yên bình nơi ngôi làng nhỏ của những người dân nghèo, sống an lành với Cha Trời (Father Heaven) và Mẹ Đất (Mother Earth), bị phá vỡ bởi chiến tranh, khiến cho bao gia đình phân tán, từng con người tìm cách của riêng mình để sống tồn.

Heaven and Earth 2
Mẹ con Lệ Lý khổ cực vì chiến tranh

Tương tự như nhiều vùng quê khác ở miền Nam sau hiệp định Genève năm 1954, xã Hòa Quý – Hòa Vang (ngày nay thuộc quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), nơi Lệ Lý và gia đình sinh sống, được mệnh danh là “vùng xôi đậu” (ban ngày lính quốc gia kiểm soát, ban đêm là hoạt động của cách mạng). Một lần bị địch bắt, hăm dọa, tra tấn; cho đến khi được chúng thả ra, cô giao liên nhỏ bị nghi ngờ là kẻ phản bội! Chịu oan khuất, bị cưỡng hiếp, tủi nhục, mới 14 tuổi, Lệ Lý phải bỏ trốn vào Sài Gòn làm công cho một gia đình, bắt đầu cuộc sống truân chuyên…

Đạo diễn Oliver Stone đề cập đến chiến tranh từ hồi ức của chính một người dân Việt Nam. Nhưng tất cả đều diễn tả một nội dung “Chiến tranh không tạo ra kẻ thắng người thua, mà chỉ tạo ra những nỗi đau cho con người”. Và câu nói “Different skin, same suffering” (Khác màu da, cùng nỗi đau) (trích trong phim) chính là thông điệp mà ông muốn gửi gắm trong những phim nói về Việt Nam của ông…

Hotel Rwanda (2004)

Điểm IMDb: 8.2

Đạo diễn: Terry George
Diễn viên: Don Cheadle, Sophie Okonedo, Joaquin Phoenix, Tony Kgoroge, Rosie Motene, Neil McCarthy

Phim dựa trên những sự kiện có thật xảy ra trong thảm họa diệt chủng ở Rwanda vào năm 1994, trong đó người Hutu tàn sát gần triệu người Tutsi trong hơn 100 ngày.

Paul Rusesabagina, sinh ngày 15/6/1954, là một con người Hutu có thật. Trong thảm họa diệt chủng ở Rwanda vào năm 1994, anh tận dụng ảnh hưởng và những mối quan hệ của mình với tư cách là quản lý của khách sạn Milles Collines để cứu 1.268 người thoát khỏi cái chết. Hành động đầy tình người của Paul được báo chí thế giới tôn vinh.

Một phim có tính nhân văn cho ai thích thể loại phim này, khá giống Schinlder’s List.

I am Sam (2001)

Điểm IMDb: 7.6

Đạo diễn: Jessie Nelson
Diễn viên: Sean Penn (Sam Dawson), Michelle Pfeiffer (Rita Harrison Williams), Dakota Fanning (Lucy Diamond Dawson), Dianne Wiest (Annie Cassell), Loretta Devine (Margaret Calgrove)

Sam, một người đàn ông thiểu năng trí tuệ, một mình nuôi nấng cô bé đáng thương Lucy bị mẹ bỏ rơi. Phải đối mặt với muôn vàn khó khăn hàng ngày nhưng họ vẫn có một cuộc sống hạnh phúc bên những người bạn tốt bụng. Nhưng một ngày nọ Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em tước đi quyền làm cha của Sam, bởi anh có chỉ số IQ bằng một đứa trẻ lên 7 nên không được quyền nuôi con. Hai cha con bị chia cắt vào đúng ngày sinh nhật 7 tuổi của Lucy.

Khai thác đề tài về những người khuyết tật, tổn thương và quá trình hòa nhập của họ với cộng đồng, I am Sam đặt ra những vấn đề đầy nhân văn và cảm động về tình yêu thương. Không có cái thiện hay cái ác tuyệt đối chiến thắng cho đến phút cuối. Bộ phim cuối cùng chỉ ra cho chúng ta điều mà một đứa trẻ thực sự cần mà không sự thay thế nào có thể bù đắp được.

Hơn một thập kỷ trôi qua, I am Sam vẫn là một phim đầy tính thời sự và nhân văn của mọi xã hội.

I can speak (2017)

IMDb: 7.6

Đạo diễn: Kim Hyun-Seok

Diễn viên: Lee Je-Hoon (Kim Min-Jae), Na Moon-Hee (Na Ok-Boon), Sung Yoo-Bin (Young-Jae), Yum Hye-Ran (Jinjoo-daek), Lee Sang-Hee (Hye-Jung), Jung Yeon-Joo (A-Young), Lee Ji-Hoon (Jong-Hyun), Son Sook (Jung-Sim), Kim So-Jin (Geum-Joo), Choi Soo-In (Na Ok-Boon lúc trẻ), Lee Jae-In (Jung-Sim lúc trẻ)

Câu chuyện bắt đầu bằng cuộc thuyên chuyển công tác để lên chức của một nhân viên công vụ trẻ tuổi Park Min-Jae. Tại văn phòng mới, Min-Jae được mọi người trao cho “trọng trách cao cả” là tiếp đơn của bà Ok-Boon, một bà già tinh quái hay đi khắp nơi để báo cáo những hành vi thiếu ý thức của người dân cũng như khiếu nại với nhà nước quá nhiều khiến ai cũng thấy phiền. Với một tinh thần cương trực, lạnh lùng và luôn làm theo quy trình, Min-Jae dường như là người duy nhất “trị” được bà Ok-Boon. Cho đến một ngày, vì phát hiện khả năng nói tiếng Anh như gió của Min Jae nên bà Ok-Boon muốn cậu ta trở thành thầy giáo của mình. Nếu không đồng ý, mỗi ngày bà sẽ đem một đống đơn khiếu nại lên văn phòng cho cậu giải quyết.

I can speak

Cứ như thế, những tình huống vừa hài hước vừa mang đậm tính cuộc sống thường nhật khiến bộ phim trở nên dễ chịu. Các vấn đề thời sự từ lấn chiếm vỉa hè, bán bia rượu cho trẻ vị thành niên, các kế hoạch giải tỏa, tình làng nghĩa xóm cho đến nỗi băn khoăn về tiếng nước ngoài của những người già lần lượt được khai thác trong bộ phim. Gần như tất cả những vấn đề trên đều tồn tại trong mỗi xã hội Á Đông. Thành thử không chỉ người Hàn Quốc mà cả khán giả Việt Nam cũng dễ tìm thấy sợi dây liên hệ với cuộc sống thường ngày. Ấy nhưng mà đến khoảng hơn giữa phim, câu chuyện bất ngờ rẽ sang một thể loại mà khiến ai cũng phải sửng sốt. Từ một bà già khó khăn, không gia đình chồng con, bị mọi người trong khu phố e dè vì hay đi tố cáo những hành vi thiếu ý thức, bà Ok Boon trở thành một nhân vật bị dằn vặt vì quá khứ đau thương của mình – quá đau thương đến mức mẹ của bà bảo bà phải chôn giấu quá khứ đó.

Tựa phim I can speak nghe rất đơn giản, bình thường, hóa ra lại là một điểm cài rất có trọng lượng ở hồi thứ 3 của phim. Khi mà bà Ok-Book không chỉ nói được tiếng Anh mà còn dám nói lên những sự thật kinh khủng bị làm ngơ suốt bấy lâu. Trong một thoáng diễn ra tại phiên điều trần ở Quốc hội Mỹ, câu xác nhận mạnh mẽ “I can speak!” của bà cụ Ok-Boon khiến khán giả nhói lòng.

Intouchables (2011)

Điểm IMDb: 8.6

Đạo diễn: Olivier Nakache, Eric Toledano
Diễn viên: François Cluzet (Philippe), Omar Sy (Driss), Anne Le Ny (Yvonne), Audrey Fleurot (Magalie)

Nhà tỷ phú Philippe bị liệt cả tứ chi. Không ai có thể chiều được vị tỷ phú mỗi khi cơn đau hành hạ ông. Cũng không ai cho ông quyền được chết, bởi như ông tự nhận: “Tôi là một gã liệt lắm tiền!” Cuộc sống mà như chết của ông chỉ thay đổi khi ông “tuyển dụng” được chàng trợ lý da màu Driss. Anh chàng đến phỏng vấn chỉ nhằm có được chữ ký để xin trợ cấp thất nghiệp, nhưng tính khí không giống ai của Driss khiến Philippe để ý. Từ những người bị gạt ra lề cuộc sống, cả hai trở thành đôi bạn tri âm. Driss thay đổi cuộc sống vô vị và có phần “khung kính” của Philippe. Còn nhà tỷ phú dạy cho chàng trai chất phác những bài học cuộc sống.

Intouchables

Intouchables có cốt truyện khá đơn giản nhưng nhờ cách xử lý tình huống tinh tế, khéo léo cùng lối diễn trào lộng, sự phối hợp nhịp nhàng giữa hai nhân vật chính tạo nên nét độc đáo riêng cho phim. Bên cạnh câu chuyện mang nhiều cảm xúc, The intouchables còn để lại ấn tượng cho người xem thông qua phần quay phim tuyệt đẹp và đặc biệt là diễn xuất không thể tin nổi của nam diễn viên Omar Sy. Anh thể hiện được một Driss sôi nổi, nhiệt thành, quan tâm đến mọi người và luôn tràn đầy sức sống. Tính cách này của anh truyền rất nhiều cảm hứng cho Phillippe và cả cho người xem, giúp ta trở nên lạc quan, yêu đời hơn.

Điểm thú vị trong câu chuyện của Intouchables chính là việc đưa đẩy hai nhân vật – một giàu có, tri thức, sành điệu, đến từ tầng lớp thượng lưu và một nghèo, cộc cằn, tệ nạn, ít học, thuộc thành phần dưới đáy xã hội – lại gần nhau. Cả hai trò chuyện, học hỏi ở nhau rất nhiều thứ, từ nghệ thuật, âm nhạc, thử thách bản thân cho tới cách ứng xử với phụ nữ…

Việc xây dựng dựa trên một câu chuyện có thật của Intouchables càng đem tới niềm tin cho người xem, rằng trong mỗi chúng ta ai cũng có lòng trắc ẩn và ngoài kia vẫn còn rất nhiều điều tốt đẹp, rất nhiều những câu chuyện khó tin nhưng có thật. “Đôi khi, bạn phải bước vào một thế giới của ai đó để nhận ra điều bạn đang thiếu trong chính thế giới của mình”.

Invictus (2009)

Điểm IMDb: 7.4

Đạo diễn: Clint Eastwood
Diễn viên: Morgan Freeman, Matt Damon, Tony Kgoroge

Trong nhiệm kỳ đầu làm Tổng thống Nam Phi, Nelson Mandela khởi tạo một liên doanh duy nhất để đoàn kết đất bị tàn phá vì phân biệt chủng tộc: tranh thủ đội tuyển quốc gia bóng bầu dục trên một nhiệm vụ để giành chiến thắng Rugby World Cup 1995.

Trong gia tài phim ảnh đồ sộ của Clint Eastwood trên cương vị đạo diễn, đây có thể không phải là bộ phim hay nhất, nhưng chắc chắn là một điểm nhấn khó quên, để lại những cảm xúc đẹp trong lòng người xem.

Invictus là câu chuyện về một quãng thời gian trong cuộc đời của một trong những nhân vật vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại: cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela. Sau 27 năm bị giam, Nelson Mandela được thả tự do. Và 4 năm sau đó, ông được bầu làm Tổng thống. Để hàn gắn đất nước và thể hiện tinh thần yêu chuộng hòa bình, Nelson Mandela đã đặt ra một mục tiêu tưởng chừng bất khả thi cho đội bóng bầu dục Nam Phi, đó là vô địch World Cup 1995.

Là một bộ phim dựa trên yếu tố lịch sử, những tưởng Invictus sẽ khô khan, nặng nề và kén khán giả. Nhưng không, đây là một bộ phim tươi sáng, lạc quan và rất dễ xem.

Invictus thực sự là một bộ phim hay và đáng xem, cho dù bạn thích thể loại phim nghệ thuật hay giải trí đi chăng nữa.

Ip Man – Diệp Vấn (2008)

Điểm IMDb: 8.1

Đạo diễn: Wilson Yip
Diễn viên: Phàn Thiếu Hoàng, Nhậm Đạt Hoa, Hùng Đại Lâm, Chung Tử Đơn, Shi De-Qiang, Zhang Bo, Yu Xing, Xu Chuan-Jian, You-Nam Wong, Hiroyuki Ikeuchi, Ka Tung Lam, Yu-Lam Fan, Siu-Kwan Chan

Vào thập niên 30, ở những địa phương xung quanh Phật Sơn, người dân rất hào hứng với môn võ wushu. Diệp gia là một gia đình nổi tiếng, và Diệp Vấn bấy giờ được mọi người cho là cao thủ bậc nhất của Vịnh Xuân quyền.

Tuy nhiên, vào năm 1937, chiến tranh bùng nổ, và quân Nhật nhanh chóng chiếm đóng Phật Sơn. Diệp gia bị niêm phong, Diệp Vấn cùng vợ con phải chuyển đến một căn nhà lụp xụp; anh phải đi xúc than để kiếm miếng ăn cho gia đình. Tên tướng Nhật là Miura bị ám ảnh bởi võ thuật, và dùng lương thực để thưởng cho những trận đấu võ giữa người dân và quân lính của hắn. Vài người bạn của Diệp Vấn không kiềm chế được và xin tham gia. “Lam võ khùng” vốn có lòng tự tôn dân tộc rất cao, không hề sợ hãi lao lên thách thức Miura… Diệp Vấn nổi cơn thịnh nộ và hạ gục 10 tên lính Nhật trong một lượt đấu.

Chứng kiến tài nghệ của Diệp Vấn, tên Miura tìm mọi cách để bắt anh lên thi đấu trên võ đài cùng hắn, trước sự chứng kiến của nhân dân Phật Sơn…

Diep Van 2

Đây đúng thật là phim võ thuật, không có những màn lố bịch như chạy trên mặt nước, phóng chưởng ầm ầm như bắn hỏa tiễn… Trên hết, đó là tinh thần võ học của một bậc tôn sư: luyện võ để tự bảo vệ mình và giúp đời. Cho nên mỗi khi giáp mặt với đối thủ, Diệp Vấn không hề lộ sắc mặt thù hằn, mà luôn tỏ ra hiền hòa, cùng lắm chỉ là nghiêm khắc, đánh vì buộc phải đánh, nếu dừng được thì dừng. Đó là chất nhân văn cao phía sau mỗi cú đấm, đá… Bạn hãy xem phim này rồi so sánh với những phim võ thuật thể hiện đầy hận thù.

It’s a wonderful life (1946)

Điểm IMDb: 8.7

Đạo diễn: Frank Capra
Diễn viên: James Stewart (George Bailey), Donna Reed (Mary Hatch), Lionel Barrymore (Mr. Potter), Thomas Mitchell (Uncle Billy), Henry Travers (Clarence), Beulah Bondi (Mrs. Bailey), Frank Faylen (Ernie), Ward Bond (Bert), Gloria Grahame (Violet), H.b. Warner (Mr. Gower), Frank Albertson (Sam Wainwright), Samuel S. Hinds (Pa Bailey), Mary Treen (Cousin Tilly), Virginia Patton (Ruth Dakin), Todd Karns (Harry Bailey)

Được chuyển thể từ truyện ngắn The greatest gift của tác giả Philip Van Doren Stern, phim kể câu chuyện về một thương gia giàu có, George Bailey, sống tại thị trấn giả tưởng Bedford Falls. Luôn hy sinh lợi ích của bản thân để giúp đỡ những người xung quanh, vị thương gia này được mọi người yêu mến và kính trọng. Nhưng đến Giáng sinh nọ, do gặp phải một khó khăn tưởng như không thể vượt qua được trong cuộc sống mà ông nghĩ tới cái chết.

Trong suốt hơn 60 năm qua, It’s a wonderful life luôn được đánh giá là một phim gần như hoàn hảo. AFI xếp phim vào hạng 20 trong 100 phim hay nhất mọi thời đại, hạng nhất trong 100 phim truyền cảm hứng nhiều nhất cho con người.

It’s a wonderful life thực sự là một bộ phim hay mà bạn không nên bỏ qua. Dù phim đã rất cũ, nhưng những cảm xúc và bài học nhân văn mà nó mang đến cho người xem sẽ mãi tồn tại cùng năm tháng.

Khid thueng withaya – The teacher’s diary (2014)

Điểm IMDb: 7.9

Director: Nithiwat Tharatorn
Stars: Laila Boonyasak (Ann), Sukrit Wisetkaew (Song), Sukollawat Kanaros (Nui), Chutima Teepanat (Nam)

Đây là phim thổi làn gió mát giữa thị trường phim hành động bạo lực hoặc hình sự bắn giết hoặc tình dục trần trụi. Phim không phải thuật truyện cổ tích, mà dựa trên một câu chuyện có thật.

Bối cảnh phim diễn ra trên một nhà thuyền dùng làm trường học giữa mặt hồ mênh mông trên vùng núi Chiang Mai –  một nơi hoang vắng, không điện, điện thoại hay internet, và dĩ nhiên muốn đến hoặc rời khỏi ngôi trường thì phải đi thuyền.

Teacher's diary

Song là vận động viên đô vật hết thời và phải nhận làm giáo viên tại ngôi trường đó. Tại đây, Song phải thích ứng với cuộc sống cô đơn, tách biệt với thế giới hiện đại bên ngoài. Để giải khuây, anh thường mở ra cuốn nhật ký mà Ann, một giáo viên cũ vừa chuyển đi không lâu, để quên lại.

Năm sau, Ann trở lại trường. Cô tìm thấy nhật ký của cô và những câu chuyện của Song được viết lại trong nhật ký. Cô không biết lý do tại sao cậu ấy lại rời bỏ trường và cậu ấy đã đi đâu. Nhưng nó làm cho cảm giác trở lại trường học không bao giờ vơi đi. Trường học ấy chất chứa đầy nỗi nhớ.

Một câu chuyện nhẹ nhàng với những mối dây dư cảm đọng lại, một nút thắt từ quyển nhật ký và tâm sự cũng bềnh bồng như chính vùng sông nước; nương tựa bởi hai số phận từ nơi xa xôi những tưởng không thể nào chung đường lại tìm đến nhau tại chính ngôi trường lọt thỏm giữa chốn núi non tịch liêu và mênh mông trên những mặt hồ.

The Teacher’s Diary là một phim làm ta phải suy nghĩ rất nhiều về tình yêu thương con người và chân lý hy sinh phục vụ, bởi lẽ “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì gian khổ về phần ai!”; và hãy ngẫm mà xem nếu như Song và Ann không chấp nhận về dạy ở vùng sông nước xa xôi cách trở như thế ấy thì liệu số phận có gõ cửa cho họ gặp nhau? Với tất cả những lời từ trái tim, The Teacher’s Diary là một bộ phim đẹp xoa dịu biết bao vị kỷ trong tâm hồn, cũng như làm cho thầy cô giáo thêm yêu học trò và tin yêu vào cuộc song.

La leggenda del pianista sull’oceano – The legend of 1900 (1998)

Điểm IMDb: 7.9

Đạo diễn: Giuseppe Tornatore
Diễn viên: Tim Roth, Pruitt Taylor Vince, Bill Nunn, Clarence Williams III, Mélanie Thierry, Gabriele Lavia

1900 – năm đầu tiên của thế kỷ 20, cũng là tên một con người, một cậu bé bị bỏ rơi trên cây đàn piano trong chuyến hải hành vượt đại dương đưa các di dân từ châu Âu tìm đến miền đất hứa. Cậu bé mồ côi 2 lần, một thiên tài âm nhạc, người trong cả cuộc đời chưa một lần đặt chân lên đất liền, chưa từng thọ giáo một ai, vậy mà âm nhạc như dòng suối từ trong lòng cậu tuôn chảy dạt dào. Với bàn tay điêu luyện lướt trên phím đàn, chàng có thể du lịch đến mọi miền thế giới; với ánh nhìn sắc bén xoáy sâu vào tận tâm can người đối diện, chàng dâng tặng cho họ tiếng nhạc lòng…

Tiếng đàn của anh làm cho thời gian ngừng trôi, gió ngừng thổi và sóng biển câm lặng. Nó cũng khiến tên trộm cảm thấy ăn năn vì đã ăn cắp, người phụ nữ lẳng lơ hối hận vì phản bội chồng. Những giai điệu ấy thay đổi mọi thứ, trừ người tạo ra chúng.

Những cuộc hành trình xuyên Đại Tây Dương bắt đầu rồi kết thúc, hàng nghìn hành khách đến rồi đi, thời gian lặng lẽ trôi như những đám mây rong ruổi phía trên làn nước xanh vô tận của đại dương. 1900 vẫn miệt mài chơi đàn phục vụ cho những vị khách đến rồi rời khỏi The Virginian

Little Lord Fauntleroy (1980)

Điểm IMDb: 7.4

Đạo diễn: Jack Gold
Diễn viên: Alec Guinness (Earl of Dorincourt), Rick Schroder (Lord Fauntleroy), Eric Porter (Havisham), Colin Blakely (Hobbs), Connie Booth (Mrs. Errol), Rachel Kempson (Lady Lorradaile)

Bạn phải cùng gia đình xem phim này. Đáng tiếc cho đến thời điểm tháng 3/2018, không thể tìm ra phim được phụ đề hoặc lồng tiếng cho người Việt, thế nên bạn nên phải xem phim nói tiếng Anh. Vì thế phần giới thiệu dưới đây được viết bằng Anh văn để bạn xem qua trước.

Little Lord

Filmed in England with virtually no other American in it than Ricky Schroeder, it has the proper Victorian feel to it. Ricky brings his brash but honest Yankee personality into this staid atmosphere and shakes up his grandfather’s long-held prejudices against the Colonies and his own family and tenants. Schroeder was the ultimate child actor; no other would have done this role justice as he is perfect for the part. His beautiful blond hair, in the requisite pageboy required for a Victorian Lord Fauntleroy, frames his angelic face and visually sets him on a plane above every other actor, even Alec Guinness. Guinness is superb as the bitter and self-absorbed grandfather. The rest of the supporting players are excellent, especially Colin Blakely as the opinionated Mr. Hobbs, the American grocer.

The English countryside and architecture also have their own role to play here. The landscape is lush and beautiful, and the enormous estate that Lord Fauntleroy will inherit is magnificent, adding much to the atmosphere.

The pace of the film is also excellent, events happen and characters develop with interesting detail but without over emphasis or very drawn out scenes.

Far and away the best version ever made, this is in top 20 or even top 10 family films.

Loving (2016)

Điểm IMDb: 7

Đạo diễn: Jeff Nichols
Diễn viên: Ruth Negga (Mildred), Joel Edgerton (Richard), Terri Abney (Garnet), Alano Miller (Raymond), Chris Greene (Percy), Sharon Blackwood (Lola Loving), Christopher Mann (Theoliver), Mike Shiflett (Magistrate), Will Dalton (Virgil)

Tên của bộ phim – “Loving”  – vừa là họ của hai nhân vật chính sau khi kết hôn vừa là một danh động từ mà rất nhiều người hiểu nghĩa – “Yêu”.

Phim dựa trên câu chuyện có thật, kể về Richard và Mildred Loving, một cặp đôi người Mỹ khác biệt chủng tộc, anh Richard là người da trắng, chị Mildred là người da màu. Cuộc hôn nhân của họ ở thời điểm thập niên 1950 không được luật pháp bang Virginia – quê nhà của hai anh chị – công nhận. Vì vậy, khi quyết định đến với nhau và gắn bó lâu dài, họ bị đuổi khỏi bang Virginia.

Loving là phim mang tinh thần nhập thế cao khi đề cập đến đề tài nóng bỏng nhất của nước Mỹ lúc ấy: nạn phân biệt chủng tộc. Với những người không am hiểu lịch sử nước Mỹ, họ khó có thể tưởng tượng rằng tới giữa thế kỷ 20, ở một nơi được coi là ngoại vi thủ đô của cường quốc số một thế giới, nam nữ chẳng thể đến với nhau chỉ vì khác biệt màu da.

Phải chờ đến khi có lời oán thán đơn giản nhưng xuất phát từ sâu thẳm tâm can của Richard Loving: “Tôi yêu vợ tôi, và thật bất công khi tôi không được sống cùng cô ấy ở Virginia”.

Chất nhân văn thấm đẫm của phim nói lên thông điệp tích cực về niềm tin vào công lý, vào sức mạnh của lý trí, vào phương thức đấu tranh bất bạo động.

Magnolia (1999)

Điểm IMDb: 8.0

Đạo diễn: Paul Thomas Anderson
Diễn viên: Jason Robarbs (Earl Partridge), Julianne Moore (Linda), Philip Seymour Hoffman (Phil Parma), Melora Walters (Claudia), John C. Reilly (Jim Kurring), Tom Cruise (Frank T.J. Mackey), Philip Baker Hall (Jimmy Gator), William H. Macy (Donnie Smith) Jeremy Blackman (Stanley Spector)

Đó là một ngày u ám trong cuộc đời ông già Earl Partridge khi ông đang phải đếm những khoảnh khắc cuối đời bằng từng phút, từng giây trên giường bệnh. Trước khi lấy cô vợ trẻ Linda, Earl đã có một đời vợ và cậu con trai 14 tuổi. Phút lâm chung cũng là lúc ông ân hận vì những việc làm tàn nhẫn với vợ con trước kia. Bởi vậy Earl có một di nguyện cuối cùng là được gặp lại con lần cuối.

Cũng một câu chuyện tương tự, một MC truyền hình nổi tiếng tên là Jimmy Gator đang trong tình trạng ung thư giai đoạn cuối. Ông muốn tìm gặp cô con gái Claudia những mong giảng hòa mối bất đồng của hai cha con bấy lâu nay.

Ở một cảnh đời éo le khác, Donnie Smith vẫn thường hồi tưởng lại thời kỳ hoàng kim khi ông còn là một cậu bé thần đồng. Thời gian trôi qua, Donnie của hiện tại là một kẻ thất bại trong sự nghiệp, cuộc sống bế tắc, vật vờ với chồng chất những khó khăn … Còn cậu bé Stanley Spector được bố đưa đến tham gia một cuộc thi tài và vượt qua vòng đầu một cách xuất sắc, xong vì một sự cố hết sức tế nhị là… “buồn tè” mà cậu không vượt qua được chính mình và thất bại một cách thảm hại… Ông bố chỉ cần biết đến thành công của con mà không cần quan tâm đến những nhu cầu thiết yếu nhất của một cậu bé như Stanley…

Phim như một đoạn băng tua nhanh qua những cảnh đời, những số phận gói gọn trong một ngày. Magnolia là một thông điệp giàu tính nhân văn gửi gắm đến mỗi người, từ người già đến trẻ nhỏ, từ bậc làm cha mẹ đến con cái, rằng cuộc sống ngắn ngủi vô chừng, hãy quan tâm và yêu thương nhau nhiều hơn nữa khi còn có thể.

Megan Leavey (2017)

Điểm IMDb: 7.1

Đạo diễn: Gabriela Cowperthwaite
Diễn viên: Kate Mara (Megan Leavey), Ramon Rodriguez (Matt Morales), Tom Felton (Andrew Dean), Bradley Whitford (Bob), Edie Falco (Jackie Leavey), Common (Gunny Martin), Will Patton (Jim), Damson Idris (Michael Forman), Miguel Gomez (Gomez), Megan Leavey (drill instructor)

Megan leavyDựa trên câu chuyện có thật của một nữ hạ sĩ hải quân Megan Leavey, người có kỷ luật và mối liên kết với chú chó nghiệp vụ Rex cứu được rất nhiều mạng sống trong suốt thời gian đóng quân ở Iraq.

Leavey được phân công cùng với một chú chó đặc biệt hung dữ, tên Rex. Chủ và chó hoàn thành hơn 100 nhiệm vụ cho đến khi một vụ thiết bị nổ ngẫu nhiên làm cả hai bị thương, riêng chú chó phải bị kết liễu sinh mạng dựa theo lề luật của quân đội Mỹ. Từ đây là một chuỗi ngày đấu tranh của Megan để giành quyền nuôi Rex với cương vị người chủ dân sự.

Midnight cowboy (1969)

Điểm IMDb: 7.9

Đạo diễn: John Schlesinger
Diễn viên: Dustin Hoffman, Jon Voight, Sylvia Miles

Thường xuyên có mặt trong danh sách top những phim hay nhất mọi thời đại, Midnight cowboy kể về câu chuyện của anh chàng ngây ngô Joe Buck đến từ miền quê Texas muốn lên thành phố New York hoa lệ để tìm vận may. Trong lúc vật lộn với những ảo tưởng bị tan vỡ, chàng trai quê mùa này tìm thấy người bạn duy nhất của mình tại giữa nơi thành phố xa hoa mà kiêu hãnh, một anh bạn cù bơ cù bất sống bằng nghề lừa đảo, trộm vặt và bệnh tật liên miên “Ratso” Rizzo. Cả hai cùng nhau trải qua những tháng ngày nhục nhằn, lầm lỗi, hết hy vọng lại thất vọng, để rồi rốt cuộc nhận ra chỉ có tình bạn chân thành là điều tốt lành duy nhất mà họ đang có.

Midnight-cowboy-1969
Hai anh chàng vất vưởng giữa New York hoa lệ

Midnight cowboy khiến cho bất cứ ai xem qua cũng không thể nào quên là hoàn toàn nhờ vào diễn xuất sáng tạo của Jon Voight và đặc biệt là Dustin Hoffman. Anh mang đến cho nhân vật Rizzo sự hài hước và chiều sâu nhân tính. Ảo tưởng từ đầu đến cuối phim của Rizzo là làm sao đến được Florida chỉ để được gọi đúng tên mình chứ không phải “Chuột cống”. Còn chàng cao bồi Joe Buck thì lúc nào cũng ảo tưởng về vẻ bề ngoài và luôn muốn chứng minh mình là… giống tốt.

Năm 1994, phim được Thư viện Quốc hội vinh danh là “có tầm quan trọng về văn hóa, lịch sử hoặc thẩm mỹ” và được chọn để bảo tồn trong Đăng ký Phim Quốc gia Hoa Kỳ.

My love, don’t cross that river (2014)

Điểm IMDb: 8.0

Đạo diễn: Mo-Young Jin
Đây là phim tài liệu kể về cuộc hôn nhân lãng mạn có thật kéo dài suốt 75 năm của vợ chồng ông Jo Byeong Man (98 tuổi) và bà Kang Gye Yeol (89 tuổi). Hai người kết hôn khi cụ bà mới 14 tuổi, đến nay khi ở cái tuổi ngót 100, bà đã sinh cho ông 35 người con. Cuộc sống của họ cứ từng ngày trôi đi êm đềm ở vùng quê thanh bình.

My-love-dont-cross-that-river

Dù đi đến đâu, họ cũng nắm tay nhau, và cùng mặc trang phục truyền thống “hanbok”. Vào mùa xuân, người này thích cài hoa vào tai người kia. Vào mùa hè, họ chơi đùa trong làn nước suối. Vào mùa thu, họ nghịch lá rơi. Vào mùa đông, họ đùa vui với tuyết. Thời gian họ trải qua hàng ngày giống như vợ chồng mới cưới.

Bộ phim giống như một câu chuyện cổ tích giữa đời thường, là minh chứng về tình yêu thủy chung còn tồn tại mãi với thời gian, giữa xã hội đầy xô bồ và hời hợt.

Bạn thử nghĩ xem: đã bao lâu rồi bạn và người bạn thương yêu không nắm tay nhau?

Okuribito – Departures (2008)

Điểm IMDb: 8.1

Đạo diễn: Yôjirô Takita
Diễn viên: Masahiro Motoki, Ryôko Hirosue, Tsutomu Yamazaki, Kazuko Yoshiyuki, Kimiko Yo, Takashi Sasano

Phim kể về Daigo Kobayashi, một nhạc công viôlôngxen trẻ tuổi. Daigo có đam mê từ nhỏ là được chơi đàn viôlôngxen, nhưng trớ trêu cho anh, chẳng bao lâu sau khi anh gia nhập một dàn nhạc giao hưởng, nhà hát ngừng hoạt động và anh rơi vào cảnh thất nghiệp. Sau biến cố đó, Daigo trở nên hoàn toàn lạc lối trước cuộc đời. Anh quyết định cùng vợ về quê hương sống trong ngôi nhà của người mẹ đã khuất, nơi anh phải đối mặt với những kỷ niệm về người cha đã bỏ rơi anh từ thuở nhỏ. Một lần tình cờ đọc mẩu quảng cáo trên báo, Daigo tìm đến một cơ sở làm dịch vụ liệm xác người chết. Như một sự sắp dặt của số phận, Daigo dần dần bị cuốn hút vào công việc mà chính anh lúc đầu không mấy mặn mà và không được xã hội coi trọng.

Departures (1)Đây là một phim giản dị và cảm động. Giản dị bởi phim không có những tình tiết quá phức tạp, lắt léo, cũng không có cách thể hiện quá đặc biệt, khác thường. Cảm động vì phim mô tả cái chết, cái nhìn của con người về cái chết một cách gần gũi và chân thực.

Departures cho thấy cái cách người Nhật sống trọn vẹn trong từng khoảnh khắc kể cả cái chết, là cách họ tự tại và an nhiên đối diện với cuộc đời vô thường luôn đổi thay, khó đoán định.

One flew over the cuckoo’s nest (1975)

Điểm IMDb: 8.8

Đạo diễn: Milos Forman
Diễn viên: Jack Nicholson (Randle Patrick McMurphy), Louise Fletcher (Y tá trưởng Ratched), Will Sampson (“Chief” Bromden), Brad Dourif (Billy Bibbit), Michael Berryman, Scatman Crothers, Mwako Cumbuka, Danny DeVito, William Duell

Dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Ken Kesey, phim là câu chuyện về cuộc đấu tranh giữa khao khát tự do và nỗi sợ hãi của các bệnh nhân tại một trại điều dưỡng tâm thần.

Nhịp sống trầm lặng trong viện tâm thần bị khuấy động khi trong danh sách bệnh nhân có thêm tên Randle P. Murphy. Đó là một gã theo như hồ sơ hình sự mô tả là “hay gây sự, vô kỉ luật, bất mãn, lười nhác…” bị tống vào trại cải tạo với các tội danh hành hung và quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên. Với cá tính đó, trại cải huấn cũng phải đầu hàng và đành chuyển giao cho viện tâm thần để kiểm tra xem Murphy có bị loạn óc hay không.

Cuckoos_nest_hed

Tại đây, Murphy nhanh chóng hòa nhập vào cộng đồng “chập cheng” này và luôn mồm gọi các bệnh nhân khác là “đồ tửng”. Như một làn gió tự do, Murphy làm xáo trộn và cuốn phăng tất cả những gì được gọi là kỉ luật, liệu pháp với những ván bài thâu đêm, với những cuộc vui điên đảo. Tuy nhiên, Murphy nhanh chóng gặp phải bước tường thành hộ pháp của nữ y tá trưởng Rached. Cuộc chiến giữa Murphy nổi loạn với nữ y tá “ngọt giọng” Rached cứ luôn diễn ra ở thế giằng co và không ngừng tăng lên về cường độ mãnh liệt.

Đối lập với McMurphy, nữ y tá trưởng Rached hiếm khi tắt nụ cười trên môi, giọng nói lúc nào cũng êm dịu. Nhưng ẩn đằng sau bức màn nhung ấy là một trái tim thép và một tư tưởng sắt đá.

Một phim được sản xuất vào năm 1975 nhưng vẫn hấp dẫn khi xem lại vào những năm này. Ý nghĩa và thông điệp của nó thì có lẽ hàng trăm năm sau vẫn còn nguyên giá trị.

Philadelphia (1993)

Điểm IMDb: 7.6

Đạo diễn: Jonathan Demme
Diễn viên: Tom Hanks, Denzel Washington, Roberta Maxwell, Buzz Kilman, Karen Finley, Daniel Chapman, Mark Sorensen Jr.

Tương lai nghề nghiệp của luật sư Andrew Beckett (Tom Hanks) đang như diều gặp gió vì anh được giao cho một vụ kiện khá quan trọng. Nhưng chuyện không may xảy ra khi tập hồ sơ anh hoàn tất sau nhiều đêm thức trắng đã không cánh mà bay. Andrew bị đuổi việc với lí do không hoàn tất công việc, một lí do rất chính đáng. Nhưng Andrew tin rằng anh bị đuổi việc vì một lý do khác mà tập đoàn luật gia đang cố ém nhẹm: Andrew là người đồng tính luyến ái, và tệ hơn nữa là bị bệnh AIDS.

Andrew muốn đâm đơn kiện công ty vì lý do đuổi việc không chính đáng, anh gõ cửa nhiều văn phòng luật sư nhưng toàn gặp từ chối vì không ai dám kiện một tập đoàn vững mạnh như thế. Một ngày kia, anh gặp Joe, cảm kích và hâm mộ chí khí của Andrew, luật sư Joe đồng ý giúp anh kiện công ty.

Philadelphia không phải là phim đầu tiên nói về AIDS, nhưng là phim đầu tiên gắn liền việc này với đề tài lúc nào cũng nóng bỏng trong xã hội là đồng tính luyến ái trong một hoàn cảnh đối nghịch với một sức mạnh kinh tế. Xem chừng như những người trong hoàn cảnh này luôn luôn nằm trong thế yếu kém nhất.

Vì nỗi sợ hãi, vì rụt rè, nhút nhát, vì mặc cảm và cũng có khi vì yếm thế nên bất cần chống cự cho dù bị khinh bỉ hay chà đạp. Chính vì thế mà Philadelphia là một phim có tính cách nhân quan xã hội rất có giá trị.

Prayers for Bobby (TV movie 2009)

Điểm IMDb: 8.2

Đạo diễn: Russell Mulcahy
Diễn viên: Sigourney Weaver, Henry Czerny, Ryan Kelley

Phim dựa trên quyển sách năm 1995 có tựa đề Prayers for Bobby: A Mothers Coming to Terms with the Suicide of Her Gay Son của Leroy F. Aarons.

Cậu con trai lấy hết dũng cảm của mình để nói với mẹ cậu rằng mình là người đồng tính. Bà mẹ như rơi xuống hố sâu địa ngục, tìm mọi cách để chữa trị cho cậu bé. Nhưng những gì bà làm được là sự áp đặt mù quáng…

Dựa trên câu chuyện có thật từng xảy ra với số phận nghiệt ngã của chàng trai đồng tính Bobby, đạo diễn Russell Mulcahy cho ra đời một tác phẩm điện ảnh thực sự lay động con tim khán giả ngay cả khi bạn là người luôn phản đối những người đồng tính. Sự xung đột ý thức hệ, thiếu sẻ chia, kém hiểu biết và gánh nặng tôn giáo thực sự trở nên quá tải đối với chính Bobby và cả người mẹ đầy yêu thương của anh.

Phim không chỉ liên quan đến vấn đề đồng tính. Đây còn là phim về cộng đồng, gia đình, tình bạn, sự hiểu biết và cảm thông.

Rain man (1988)

Điểm IMDb: 8.0

Đạo diễn: Barry Levinson
Diễn viên: Dustin Hoffman, Tom Cruise, Valeria Golino

Anh chàng Charlie thất vọng khi trở về chịu tang cha mà số tiền thừa kế 3 triệu USD lại rơi vào tay của một bệnh nhân bác học tự kỷ anh chưa hề biết đến. Vô cùng bất mãn, Charlie lần tìm tung tích kẻ lạ mặt và phát hiện ra đó chính là anh ruột của mình. Charlie rắp tâm bắt cóc Raymond để chiếm đoạt một nửa số tiền.

Ra mắt vào năm 1988, Rain Man ngay lập tức được xếp vào hàng kinh điển. Tác phẩm này luôn nằm trong danh sách những phim hay nhất mọi thời đại tại nhiều cuộc bầu chọn. Rain Man cũng là một trong số những phim khắc họa chân thực nhất về một người mắc chứng bác học tự kỷ.

Rain head to head

Rain Main mang lại cho người xem sự xúc động và cảm giác ấm áp. Sự sâu lắng, đầy cảm xúc trong từng lời thoại, từng hành động của nhân vật và từng khuôn hình khiến người xem hút vào diễn biến truyện phim. Và để rồi khi kết thúc, một cảm giác hài lòng, niềm tin tràn ngập trong mỗi người trước cái kết đầy tình người.

Đồng tiền khiến người ta lu mờ tâm trí nhưng tình cảm gia đình sẽ đánh thức lương tri. Với nội dung giàu chất nhân văn, thấm đẫm tình cảm gia đình, Rain Man là tác phẩm kinh điển phải xem đối với bất kỳ người yêu điện ảnh nào.

Roman holiday (1953)

Điểm IMDb: 8.1

Diễn viên: Audrey Hepburn (Princess Ann), Gregory Peck (Joe Bradley), Eddie Albert (Irving Radovich), Margaret Rawlings (Countess Vereberg)
Đạo diễn: William Wyler

Phim được nhiều người coi là phim hài, nhưng thật ra đây là phim có tính nhân văn cao đẹp.

Nàng công chúa Ann biểu tượng tao nhã mẫu mực của vương quốc trong chuyến công du châu Âu. Mỗi nơi công du, nàng đều được tiếp đón một cách trọng thị. Sau ba ngày thăm cung điện Buckingham, Ann bay đến Amsterdam rồi sau đó đến Paris, và cuối cùng là Rome.

Sắc diện quý phái thanh tao luôn thường trực trên gương mặt, trang phục và hành xử của nàng mỗi khi xuất hiện trước công chúng theo đúng nghi thức ngoại giao. Mặc dù vậy, trong lòng nàng chán ngấy cuộc sống hoàng tộc bó buộc vì không được sống thỏa thích với chính con người mình. Một buổi tối, nhìn ra ngoài cửa sổ, nơi một nửa thế giới đang sống cuộc sống thường nhật của họ, Ann khao khát được bay nhảy nơi ấy, nàng gào lên “Thôi đi” khi được nhắc nhở về một lịch trình kín mít của ngày hôm sau: thăm trại trẻ mồ côi, họp báo, ăn trưa với bộ ngoại giao… với sự lịch thiệp như thế nào, ăn mặc ra sao, dùng những đồ trang sức gì… Cô quyết định sẽ tự mình khám phá Rome. Công chúa Ann bỏ trốn ra ngoài chơi.

Hepburn 9

Không may, nàng công chúa đáng yêu không biết mình đã bị tiêm thuốc ngủ trước khi lẻn ra ngoài. Hậu quả là nàng nằm vật vờ cho đến khi chàng phóng viên người Mỹ Joe Bradley tình cờ đi qua. Joe chú ý đến nàng bởi sự vô lý hiển hiện ở con người này, trang phục sang trọng, phong thái tao nhã, nhưng lại nằm trên phố như một kẻ say rượu và không có một xu dính túi. Mãi đến hôm sau chàng phóng viên trẻ mới biết rõ tung tích của người anh vừa ra tay nghĩa hiệp chính là nàng công chúa mà anh đang có kế hoạch phỏng vấn.

Audrey Hepburn có vai diễn xuất sắc, trang trọng trong nghi thức, láu lỉnh khi lẻn ra đời thường, cả những lúc thích thú hoặc tức tối hoặc hồi hộp lo sợ… mỗi cử chỉ, mỗi tia nhìn, mỗi biểu cảm trên khuôn mặt đều toát ra tâm trạng hợp với từng tình huống. Vai diễn đưa cô lên đài danh vọng với cả bốn giải: Oscar, Golden Globe, BAFTA New York Film Critics Circle cho Nữ Diễn viên chính, cuối cùng dẫn đến Giải Thành tựu Suốt đời của BAFTA.

Schindler’s list (1993)

Điểm IMDb: 8.9

Đạo diễn: Steven Spielberg
Diễn viên: Norbert Weisser (Albert Hujar), Friedrich Von Thun (Rolf Czurda), Ben Kingsley (Itzhak Stern), Ralph Fiennes (Amon Goeth), Mark Ivanir (Marcel Goldberg), Caroline Goodall (Emilie Schindler), Liam Neeson (Oskar Schindler)

Có vẻ như một khi nhà đạo diễn bậc thầy Steven Spielberg chuyển thể danh tác nào thành phim thì phim đó trở thành kinh điển. Phim Schindler’s list cũng thế.

Steven Spielberg quyết định làm phim trắng đen, cho rằng đây là điều phù hợp bởi ông nghiên cứu việc diệt chủng qua lời kể trong trạng thái u ám của người có liên quan và qua phim tài liệu chỉ toàn trắng đen.

Chỉ duy nhất một một chi tiết có màu, đó là bé gái đoản mệnh mặc áo màu đỏ giữa khung cảnh còn lại vẫn đen trắng, gây ám ảnh cho người xem. Người thủ vai cô bé là Oliwia Dabrowska, lúc đó 3 tuổi. Bé không biết mình đóng phim gì, và Spielberg dặn rằng bé không được xem phim cho tới khi bé 18 tuổi, vì phim có nhiều cảnh ghê rợn. Nhưng đến năm 11 tuổi, bé phá lời hứa với Spielberg, và bị chấn thương tâm lý sau khi xem những cảnh giết chóc dã man của phim.

Be gai mau do 3

Nhưng bây giờ Oliwia đã lớn, cô xem lại Schindler’s list lần nữa và phát hiện rằng phim… rất hay. Cô gửi lời xin lỗi cho Spielberg trên báo, nói rằng mình tự hào vì đã góp mặt trong một tác phẩm vĩ đại.

Temple Grandin (2010 TV Movie)

Điểm IMDb: 8.3

Đạo diễn: Mick Jackson
Diễn viên: Claire Danes (Temple Grandin), Julia Ormond (Eustacia), David Strathairn (Dr. Carlock), Catherine O’Hara (Aunt Ann), Stephanie Faracy (Betty Goscowitz), Barry Tubb (Randy)

Một người phụ nữ bị chứng bệnh tự kỷ có thể trở thành giáo sư đại học và giảng dạy khắp thế giới về chứng tự kỷ? Câu trả lời là CÓ. Đó chính là giáo sư tiến sĩ Temple Grandin (1947) được chẩn đoán bị bệnh tự kỷ ám thị khi mới lên 3. Sau này Grandin trở thành giáo sư tại đại học Tổng hợp bang Colorado ngành chăn nuôi nhờ khả năng thấu hiểu thú vật thiên bẩm của mình.

Chứng bệnh tự kỷ khiến cho bà tư duy mọi thứ bằng hình ảnh, khác với kiểu tư duy thông thường của con người là tư duy bằng ngôn ngữ phối hợp với hình ảnh mơ hồ, tổng quát. Trí óc của bà làm việc như cách Google tìm kiếm hình ảnh.

Người ta phải thức tỉnh và nhận ra rằng: thế giới cần tất cả những kiểu trí óc khác nhau làm việc cùng nhau. Câu nói nổi tiếng của bà là: “Nếu nhờ một phép màu nào đó, tự kỷ bị xóa bỏ khỏi bề mặt trái đất này, loài người vẫn sẽ quây quần quanh đống lửa ở cửa hang”.

Câu chuyện khắc họa hình ảnh vô cùng chân thật và mãnh liệt một người phụ nữ mắc phải chứng bệnh tự kỷ, trở thành một tiến sĩ! Phải, là một tiến sĩ ngành chăn nuôi thật sự nhờ trái tim trong sáng, biết yêu thương và san sẻ. Lúc còn nhỏ, gia đình cô đầy thất vọng khi cô con gái của mình không bình thường như bao trẻ khác dù cô luôn sống trong mơ mộng, không thể chịu nổi một… cái ôm và không cảm nhận được cảm xúc của con người.

Với thông điệp giàu lòng nhân ái, khao khát vượt lên chính mình, khát vọng sống và yêu thương động vật, Temple Grandin truyền đến người xem một thông điệp nhân văn sâu sắc: Tình nhân ái là bất diệt!” – Tạp Chí STYLE.VN

The blind side (2009)

Điểm IMDb: 7.6

Đạo diễn: John Lee Hancock
Diễn viên: Quinton Aaron (Michael Oher), Sandra Bullock (Leigh Anne Tuohy), Tim McGraw (Sean Tuohy), Ray McKinnon (Burt Cotton), Jae Head (Sean Jake), Lily Collins (Collins)

Dựa trên quyển sách nổi tiếng The blind side: Evolution of a game theo một câu chuyện có thật của nhà văn Michael Lewis, xuất bản năm 2006, The blind side là câu chuyện cảm động giữa một gia đình da trắng giàu có tại Mỹ với đứa con trai nuôi da đen. Trong lễ Tạ Ơn, Leigh bắt gặp một cậu bé vô gia cư tên là Micheal Oher, thường gọi là Big Mike, đang co ro vì lạnh. Cô mời Mike về cùng ăn bữa cơm tối cùng gia đình mình và bắt đầu tìm hiểu về hoàn cảnh của Mike. Biết được số phận bất hạnh của cậu, vợ chồng Leigh quyết định nhận Mike làm con nuôi và cho cậu đến trường học, dù cậu ở tuổi 19. Leigh bắt đầu dạy cho Mike từ những điều nhỏ nhặt nhất, từ cách tự chăm sóc bản thân đến những lối đối nhân xử thế.

The boy in the striped pajamas (2008)

IMDb: 7.8

Đạo diễn: Mark Herman
Diễn viên: Vera Farmiga, Asa Butterfield, Zac Mattoon O’Brien, Domonkos Németh, Henry Kingsmill

Được chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên của nhà văn người Ireland John Boyne vào năm 2008, The boy in the striped pyjamas là một phim nhẹ nhàng nhưng không kém phần sâu sắc về tội ác của chiến tranh dưới cái nhìn ngây thơ của một cậu bé. Phim về chiến tranh nhưng không có máu và nước mắt. Phim về sự tàn bạo giữa con người với con người dành cho nhau một cách nhẹ nhàng nhưng chua cay. Phim tưởng chừng đáng yêu, hồn nhiên, dành xho con nít lại có thể khiến tim bạn nghẹn ngào. Phim không phải là một kiệt tác hay một tác phẩm đoạt giải điện ảnh quan trọng, nhưng tình bạn giữa Bruno và Shmuel để lại một nỗi buồn vô hình, cảm giác kỳ lạ trong lòng người xem. Diễn xuất của hai diễn viên nhí cùng ánh mắt trong veo và nụ cười ngây thơ trong phim là những chi tiết đáng nhớ khi nhắc tới bộ phim có sức ám ảnh mãnh liệt này.

The boy in the striped pyjamas xoay quanh Bruno – một cậu bé 8 tuổi lớn lên trong Chiến tranh thế giới thứ hai và sống ở Berlin cùng với bố, mẹ và chị gái Gretel 12 tuổi. Bố cậu – ông Ralf – là một sĩ quan cao cấp, sau khi được thăng chức thì cả gia đình phải chuyển đến một vùng quê với nhiệm vụ mới.

Vào ngày Bruno rời xa ngôi nhà sang trọng, yên ấm của gia đình để theo cha đến nơi ông nhận “nhiệm vụ quan trọng”, đầu óc của cậu bé 8 tuổi không thể hình dung nổi nơi mình sắp đến là gì. Trong những ngày buồn chán vì xa Berlin, nơi có ba người bạn thân, Bruno vốn là một đứa trẻ thông minh, luôn tò mò và đặc biệt thích thám hiểm thế giới bên ngoài khuôn viên cậu ở. Với sự tò mò đó, trong một lần cậu lang thang dọc hàng thép gai ngăn cách khu trại với căn nhà tẻ nhạt mới của gia đình đã dẫn cậu gặp Shmuel. Một tình bạn đầy ngây thơ và trong sáng nảy nở. Và đây cũng chính là một trong những tư tưởng mà bộ phim muốn truyền tải đến người xem.

The bucket list (2007)

Điểm IMDb: 7.4

Đạo diễn: Rob Reiner
Diễn viên: Jack Nicholson (Edward Cole), Morgan Freeman (Carter Chambers), Sean Hayes (Thomas)

Không bi kịch, chẳng nước mắt, The Bucket List là câu chuyện thấm đẫm tình người, niềm khao khát mãnh liệt đối với cuộc song.

Bucket List

Nhà triệu phú Edward Cole và công nhân thợ máy Carter Chambers trở thành bạn của nhau vì cả hai đều là bệnh nhân của một trung tâm chữa bệnh ung thư. Họ được sắp xếp ở chung phòng với nhau và hai người quyết định bỏ lại những lo lắng đời thường mà sẽ làm những việc mà họ muốn trước khi quá muộn theo một danh sách mà hai người đề ra. Và vì thế, hai người đàn ông trung niên không có một điểm gì giống nhau ngoại trừ căn bệnh ung thư, an ủi nhau, trở thành bạn bè và tìm được niềm vui lúc tuổi già…

The Elephant Man (1980)

Điểm IMDb: 8.3

Đạo diễn: David Lynch
Diễn viên: Anthony Hopkins, John Hurt, Anne Bancroft, John Gielgud, Wendy Hiller, Freddie Jones, Michael Elphick

The Elephant Man 2Phim là một câu chuyện có thật về một người đàn ông tên là John Merrick, có khuôn mặt bị biến dạng hoàn toàn và một cơ thể tàn tật. Bản chất của con người là tò mò và độc ác, John bị “ông chủ” xem như một quái vật kỳ dị và mang ra triển lãm làm trò tiêu khiển cho khán giả hiếu kỳ để kiếm sống. Một lần tình cờ xem biểu diễn những người dị dạng ở Luôn Đôn, bác sĩ Frederick nhìn thấy và chứng kiến sự đối xử tàn tệ của lão Bytes, người quản lý. Ông bác sĩ quyết định đưa John về chữa trị. Câu chuyện diễn tiến tiếp theo mang lại cho người xem đầy xúc cảm, từ tình yêu thương đậm giá trị nhân văn của con người…

Khoảnh khắc mà John Merrick kêu lên: “Tôi không phải là động vật! Tôi là một con người! Tôi là một người đàn ông!” được độc giả của tạp chí Entertainment Weekly bình chọn là một trong những khoảnh khắc bi thương nhất trong lịch sử điện ảnh.

Câu chuyện cảm động này làm lay động những nhà làm phim ở Hollywood. Qua The elephant man, họ muốn truyền tải một thông điệp nhân văn, đó là con người dù ở trong bất kỳ hình hài nào cũng đều phải được tôn trọng, yêu thương và đối xử bình đẳng.

The fault in our stars (2014)

Điểm IMDb: 7.8

Đạo diễn: Josh Boone
Diễn viên: Shailene Woodley (Hazel Grace), Ansel Elgort (Augustus Waters), Nat Wolff (Isaac), Willem Dafoe (Peter Van Houten), Laura Dern (Frannie)

Được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên rất ăn khách của nhà văn John Green, The fault in our stars nói về tình yêu của Hazel, cô gái mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, và chàng trai trẻ Gus. Đó đáng lẽ phải là một chuyện tình tuyệt vọng bi thương, vậy mà lại ngân vang thành một bản tình ca sống động và lạc quan.

Khi được chẩn đoán ung thư, chắc hẳn mỗi người sẽ có một phản ứng khác nhau, phụ thuộc vào tuổi tác, niềm tin, và mức tiến triển của căn bệnh. Mọi thứ có lẽ sẽ nhẹ nhàng hơn khi bạn đã sống kha khá cuộc đời, đã trải nghiệm, đã làm được nhiều điều bạn từng mơ ước. Còn nếu bạn mới chỉ dậy thì và phát hiện ra mình mang một căn bệnh giai đoạn cuối, y học bó tay, bạn sẽ thấy thế nào?

Cô bé Hazel rơi vào tình huống đó: được chẩn đoán mắc bệnh ung thư khi mới 13 tuổi, may mắn vượt qua nhiều giai đoạn nguy kịch, sống nhờ một kế hoạch thử nghiệm thuốc chữa ung thư và không biết cuộc đời này sẽ chấm dứt vào lúc nào. Khi sinh mạng của mình phụ thuộc vào y học, đi đâu cũng phải kéo theo bình oxygen để thở, không có cơ hội sống thoải mái như bao bạn bè cùng trang lứa, cô bé mới 17 tuổi này lại có suy nghĩ rất chững chạc, thẳng thắn, một trái tim ấm áp, và đặc biệt có khả năng kể chuyện, chia sẻ cuốn hút hiếm ai bằng.

The-fault-in-our-stars 6

Augustus là một chàng trai đặc biệt, lạc quan, yêu đời, ngọt ngào, tốt bụng. Anh cùng người bạn thân Isaac tham gia hội trẻ vị thanh niên mắc bệnh ung thư, vô tình gặp Hazel và cảm thấy một sự cuốn hút kỳ lạ từ cô bé. Một mối quan hệ bắt đầu như thế, không bi lụy, sến sụa mà khá kỳ cục và buồn cười. Họ chia sẻ những cuốn sách ưa thích. Họ cùng nhau trải qua nhiều khoảnh khắc đáng nhớ, và nhiều nỗi buồn cùng cực khác. Dường như Thượng Đế quá hà khắc với cả hai khi cho họ quá ít thời gian dành cho nhau. Nhưng bù lại, Thượng Đế lại mang họ đến với nhau, để họ có thể chia sẻ tất cả tâm tư mà đáng lẽ họ không cần phải đối mặt khi mới 17 tuổi.

Phim tràn ngập tình yêu thương con người, khi tất cả bị đặt đến đường cùng, không gì có thể giúp đỡ họ: đứa con muốn duy trì cuộc sống hoặc bậc cha mẹ muốn níu giữ đứa con yêu dấu. Tại nơi tận cùng hy vọng đó, họ mới cảm nhận tình yêu mãnh liệt họ dành cho nhau, động viên nhau và gây dựng niềm tin vào cuộc sống trong nhau. Ở đó, họ làm nên một bài học cuộc sống vĩ đại: Chúng ta chẳng biết điều tồi tệ gì có thể đến với cuộc sống của mình, vì vậy hãy sống hết mình, lạc quan, thẳng thắn, luôn tin vào những điều tươi đẹp và yêu thương nhau thật lòng.

Hãy lắng nghe Hazel nhắc đến một câu trích dẫn: Nếu bạn muốn nhìn cầu vồng thì phải chịu đựng cơn mưa.

The gold rush (1925)

Điểm IMDb: 8.3

Đạo diễn: Charles Chaplin
Diễn viên: Charles Chaplin, Mack Swain, Tom Murray

Phim giới thiệu nhân vật chính quen thuộc của Charlie Chaplin – Gã lang thang The Tramp. Mong muốn được đổi đời, gã hòa vào dòng người đổ xô đi tìm vàng tại Alaska trong thời kỳ cả nước Mỹ đang “sốt vàng”. Số phận đưa đẩy, gã làm quen được với một người đào vàng khác, và một tên tội phạm sống ngoài vòng pháp luật, cùng với một cô gái sống ở vùng này. Vô số các tình huống bi hài lẫn lộn xảy ra quanh vòng xoáy của cơn sốt vàng…

Phim của Charles Chaplin thường được xem là phim hài vô thưởng vô phạt nhưng thật ra mang tính nhân văn cao, và phim này cũng thế. Hãy xem việc các cô gái coi thường anh chàng, nhận lời mời của anh ăn tất niên rồi không đến. Anh chàng chờ mòn mỏi, rồi đi tìm các cô, thấy các cô đang vui chơi bên trong thì chỉ biết thở dài, cúi đầu đi tiếp. Đó là một trong những cảnh cảm động nhất trong phim của Charlie. Khi các cô nhớ ra lời hẹn, đến tìm anh ta thì thấy bàn tiệc còn nguyên, nỗi hối hận xâm chiếm trong lòng, và thêm một cảnh cảm động nữa.

Gold rush 2
Trình diễn một vũ khúc bằng 2 ổ bánh mỳ và 2 chiếc nĩa

Phim của Chaplin không thiếu những ý kiến độc đáo thú vị, và phim này cũng thế, như cảnh anh chàng dùng hai ổ bánh mỳ và hai chiếc nĩa để trình diễn một vũ khúc!

Có một năm phim này được người dân Canada bình chọn là phim họ yêu thích nhất, chắc chắn không phải là vì là phim hài.

The Green Mile (1999)

Điểm IMDb: 8.5

Đạo diễn: Frank Darabont
Diễn viên: Tom Hanks, David Morse

Phim dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của Stephen King, là sự hồi tưởng của ông lão Paul Edgecomb tại viện dưỡng lão, kể lại câu chuyện cuộc đời mình khi làm quản giáo tại nhà tù Death Row trong những năm 30. Tuy chuyện phim mang hơi hướng siêu nhiên với nhiều sự kiện trừu tượng, nhưng bao trùm trên ấy là tính nhân văn cao cả và niềm tin vào cuộc sống mãnh liệt, mang lại cho người xem nhiều bồi hồi xúc động…

Câu chuyện bắt đầu với việc người quản giáo Paul Edgecomb được chuyển đến công tác tại nhà tù Louisiana Death Row. Sở dĩ nơi ở mới này của Paul có tên gọi là “Dặm Xanh” bởi hai nguyên nhân: 1/ Vải sơn lót sàn nhà có màu xanh; 2/ Đoạn đường mà những tử tù đã bị kết tội bước ra pháp trường thi hành án thì được gọi là “Dặm Cuối”. Nơi ấy có “Old Sparky” (tên lóng của chiếc ghế điện) đang ngồi im lìm, chờ đợi nạn nhân kế tiếp của mình.

Vào một ngày nọ, có người tử tù mới chuyển đến. John Coffey, một người da đen bị kết án vì tội hãm hiếp và giết chết hai cô gái da trắng. Thực ra, John Coffey chỉ là một người hiền lành, nhút nhát lại rất hay mau nước mắt. Bằng cảm quan riêng của mình, người quản giáo Paul Edgecomb dần nhận ra John bị kết án oan chỉ bởi màu da và vóc dáng khổng lồ của anh (cao 2.1 mét).

Phim của Tom Hanks và Michael Clarke Duncan đặt ra câu hỏi liệu có tồn tại một tình bạn vượt qua mọi khoảng cách về sắc tộc trong một xã hội tàn ác dưới sự thống trị của người da trắng?

Tình bạn của Paul và John không hoàn toàn trong sáng, thuần túy và cao đẹp như vẻ bề ngoài của nó. Sự khác biệt về màu da trong một xã hội còn rất phân biệt chủng tộc làm phức tạp hóa và phần nào vẩn đục tình bạn tưởng như trong sáng ấy. Lỗi không hẳn thuộc về đôi bạn John và Paul, nhưng có một sự thật không thể chối bỏ luôn tồn tại trong mối quan hệ của họ là sự bất bình đẳng.

The help (2011)

Điểm IMDb: 8.1

Đạo diễn: Tate Taylor
Diễn viên: Emma Stone (Skeeter Phelan), Octavia Spencer (Minny Jackson), Viola Davis (Aibileen Clark), Bryce Dallas Howard (Hilly Holbrook)

Phim The help được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết ăn khách cùng tên của nữ nhà văn Kathryn Stockett. Phim đem tới một cái nhìn tổng thể về xã hội Mỹ thập niên 1960 tại Thành phố Jackson, Mississippi, nơi nạn kỳ thị màu da bộc lộ rõ nét nhất. Ở đó, người giúp việc da màu nhận đồng lương rẻ mạt, thường xuyên bị chủ gọi là “mọi đen”, thậm chí còn không được dùng chung nhà vệ sinh với người da trắng. Những đứa trẻ da trắng lớn lên với sự nuôi nấng của các bảo mẫu da đen, trong khi chính những bảo mẫu này còn không được nuôi con đẻ của mình…

The help vẽ lên một bức tranh khá toàn diện về giai đoạn lịch sử lúc bấy giờ: sự xúc phạm, sức chịu đựng, sự chống trả, sự cảm thông và tình nhân ái và cả niềm hy vọng. Sức hút của phim chính là câu chuyện đầy tính nhân văn, cách kể chuyện lôi cuốn, dàn diễn viên tài năng và những khuôn hình đẹp.

Kịch bản phim tập trung vào nhân vật Skeeter, một sinh viên vừa tốt nghiệp đại học. Cô quyết tâm quay phim về những trải nghiệm sống của những người đầy tớ Mỹ gốc Phi chịu đựng mọi hình thức xúc phạm để phục vụ cho xã hội của người da trắng. Dù ở điều kiện tốt nhất, chủ nhân của họ vẫn coi đó là chuyện đương nhiên. Còn tồi tệ hơn, họ bị đối xử không phải như con người.

The help

Với một cốt truyện hay và đậm tính nhân văn, cách xây dựng nhân vật xuất sắc và diễn xuất tốt của dàn diễn viên, The help được đánh giá là một phim xuất sắc và nhận được nhiều lời khen ngợi. Phim đề cập đến những vấn đề xã hội dưới góc nhìn nhân thực và xứng đáng là một phim hay bạn không nên bỏ qua.

The intern (2015)

Điểm IMDb: 7.2

Đạo diễn: Nancy Meyers
Diễn viên: Robert De Niro (Ben Whittaker), Anne Hathaway (Jules Ostin), Rene Russo, Anders Holm

Phim kể về Ben Whittaker, một ông lão góa vợ 70 tuổi nhưng không hề muốn nghỉ hưu mà xin vào làm nhân viên thực tập tại một công ty thời trang online của cô chủ xinh đẹp và sành điệu. Câu chuyện diễn ra khi ông lão Ben Whittaker chính thức trở thành thực tập sinh thực thụ, rất trẻ trung và năng động không thua kém bất kỳ ai. Hơn hết, Ben giúp đỡ Jules khi cô nàng gặp khó khăn, truyền cảm hứng và tạo động lực để Jules tiếp tục đam mê nghê nghiệp của mình.

Cô gái cùng nhiều đồng nghiệp bị mê hoặc bởi “bố già” mặc vest bất kể thời tiết, hàng ngày đến công sở đúng giờ, lịch thiệp, tinh tế và hay giúp đỡ người khác. Ben là người đàn ông sống và làm việc theo châm ngôn “Tình thương và công việc, công việc và tình thương, tất cả chỉ có thế” (Love and work, work and love, that’s all there is). Nhưng quan trọng hơn cả, người đàn ông ấy sẵn lòng đón nhận những điều mới mẻ, luôn giữ thái độ từ tế và bình tĩnh đến ngưỡng mộ.

Bác Ben có lẽ là vị cứu tinh mà Jules không bao giờ nghĩ đến. Từ một kẻ bên lề, ông trở thành bạn thân của cô gái, đem tới cho cô cảm giác yên bình, cũng như nhiều lời khuyên quý báu trong cuộc sống.

Bên cạnh tình bạn đẹp giữa Ben và Jules, The Intern còn khéo léo đề cập đến nhiều khía cạnh khác của cộng sống: ánh mắt kỳ thị của những bà nội trợ dành cho phụ nữ thành đạt, chuyện hôn nhân lung lay khi vợ thành công hơn chồng… Những vấn đề cùng cảm xúc của nhân vật trong phim đều rất thật và được truyền tải thuyết phục qua màn trình diễn xuất sắc của bộ đôi Robert De Niro-Anne Hathaway.

The kid (1921)

Điểm IMDb: 8.3

The-kid 2

Đạo diễn: Charles Chaplin
Diễn viên: Charles Chaplin, Edna Purviance, Jackie Coogan, Philip D’Oench, Dan Dillon, Robert Dunbar, Florette Faulkner

Phim hài cảm động đầu tiên của Charlie Chaplin về một người đàn bà bỏ rơi con mình vì muốn tự tử. Một kẻ lang thang tìm thấy đứa bé và chăm sóc cho em. Khi người đàn bà đó, Edna, trở thành nghệ sĩ hát opera nổi tiếng 5 năm sau, bà dành rất nhiều thời gian làm từ thiện cho trẻ em với hy vọng kiếm được con mình. Dần dần, sự thật lộ ra và nhà chức trách giành đứa trẻ từ tay Chaplin…

Một trong những phim đầu tiên do Charles Chaplin thực hiện và đóng vai chính, tuy là loại phim câm nhưng mang nội dung cảm động và đầy tính nhân văn.

The pianist (2002)

Điểm IMDb: 8.5

Đạo diễn : Roman Polanski
Diễn viên: Adrien Brody, Thomas Kretschmann, Frank Finlay, Maureen Lipman, Emilia Fox, Michał Żebrowski

The Pianist là phim của đạo diễn gốc Ba Lan Roman Polanski, chuyển thể từ hồi ký cùng tên rất nổi tiếng của nhà văn Wladyslaw Szpilman. Phim là khúc ca cảm động về niềm tin, nghị lực sống mãnh liệt của con người trong những điều kiện cùng cực nhất, và tình yêu âm nhạc mang lại những điều kỳ diệu, xóa bỏ những ranh giới của chiến tranh, đưa con người xích lại gần nhau. Chiến tranh dù có khốc liệt đến đâu, nhưng tình người, những giá trị nhân văn cao cả vẫn luôn sống mãi!

Nghệ sĩ dương cầm Wladyslaw Szpiman rất nổi tiếng trước chiến tranh với tiếng đàn êm dịu và có sức cuốn hút mãnh liệt. Tuy vậy, tiếng đàn yên bình của anh không được chiến tranh buông tha. Szpiman và gia đình cùng hàng triệu người Do Thái khác bị đưa vào trại tập trung và bị đối xử tàn tệ. Người nghệ sĩ này phải lao động khổ sai, bị chà đạp quyền sống.

The Pianist kể lại cho người xem về tội ác của phát xít Đức trong những cảnh bắt bớ lúc đêm khuya, lúc hành hình những người vô tội. Trên phim, người Do Thái chết đói, chết cóng, chết vì bị đánh đập… Chính trong hoàn cảnh ấy, nghị lực sống của người nghệ sĩ dương cầm trở nên phi thường hơn bao giờ hết. Từ một nghệ sĩ hào hoa vẫn chơi những bản nhạc đẹp đẽ của Chopin, Szpilman sẵn sàng ăn cả những lát khoai tây thối và bị ngộ độc. Anh lang thang trong những khu phố đổ nát, chui lủi trong các gác mái, uống nước thải của bệnh viện… Anh làm tất cả, chỉ cần được sống, và thèm khát được chơi đàn.

Điểm nhấn nhiều ý nghĩa nhất của phim là cảnh nghệ sĩ Szpilman chơi đàn cho một sĩ quan Đức nghe. Không còn ranh giới về quốc gia, giáo điều, nhiệm vụ hay bất cứ rào cản nào: trước âm nhạc, giữa hai con người xa lạ chỉ còn tình cảm thông. Chiến tranh không thể xóa bỏ những giá trị nhân văn của con người – có lẽ đây là thông điệp đẹp đẽ nhất mà phim mang lại.

The Shawshank redemption (1994)

MDb: 9.3 – Top #1 IMDb

Đạo diễn: Frank Darabont
Tác giả Tiểu thuyết: Stephen King
Diễn viên: Tim Robbins (Andy Dufresne), Morgan Freeman (Ellis Boyd ‘Red’ Redding), Joseph Ragno (Ernie), Neil Giuntoli (Jigger), James Whitmore (Brooks Hatlen), William Sadler (Heywood), Clancy Brown (Captain Hadley)

Năm 1947, Andy Dufresne phải chấp hành hai án tù chung thân tại trại giam Shawshank vì tội giết vợ và nhân tình của cô ta, mặc dù anh luôn kêu oan. Động cơ giết người là rõ ràng, chứng cứ trên hiện trường cũng chống lại anh. Chỉ có mỗi chi tiết bị bỏ sót: khẩu súng gây án đã bị ném xuống sông và cảnh sát chịu không thể nào vớt được. Người ta chỉ biết đến sự xuất hiện của nó trong vụ án nhờ thái độ thành khẩn của Andy.

Dáng vẻ trí thức, tác phong đĩnh đạc của một người từng sống trong giàu sang biến Andy thành người lạc lõng trong nhà tù Shawshank. Ngay cả cảnh sát trong trại cũng thấy “ngứa mắt” khi nhìn thấy anh. Người duy nhất không giễu cợt Andy là Ellis Boyd Redding, thường được gọi là Red, một tù nhân da đen đã bóc được gần 20 cuốn lịch.

The Shawshank

Stephen King là bậc thầy về viết truyện kinh dị và những tinh hoa trong ngòi bút ấy vẫn được giữ nguyên, nếu không muốn nói là có phần xuất sắc hơn, khi viết nên câu chuyện về Shawshank giàu tính nhân văn. Những câu chuyện trong phim đa phần được diễn ra qua thoại cùng lời bình của Red, nhưng vẫn buộc người xem phải dán mắt vào màn hình và khiến họ trải qua đủ cung bậc cảm xúc.

The Shawshank Redemption gây xúc động không chỉ bởi Andy mà còn ở những mảnh đời khác. Dù đều là phạm nhân và gây ra lỗi lầm trong quá khứ nhưng khi xem phim, khán giả lại dễ dàng yêu mến những Brooks, Red… bởi sự chân thành trong cảm xúc từ họ. Các câu chuyện về những ông già này lại đem tới một góc nhìn khác với sự cô quạnh của tuổi già và nỗ lực tái hòa nhập với xã hội có thể khiến ngay cả phái mạnh cũng rơi nước mắt.

Hy vọng là một thứ tốt đẹp và có lẽ là tốt đẹp nhất. Và chẳng thứ tốt đẹp nào có thể chết cả” – những từ mà Andy nói với Red cũng ứng nghiệm với The Shawshank Redemption, khi kiệt tác về tình bạn, cuộc sống và hy vọng này sẽ trường tồn mãi trong lịch sử điện ảnh.

To kill a mockingbird (1962)

Điểm IMDb: 8.3

Đạo diễn: Robert Mulligan
Diễn viên: Gregory Peck (Atticus Finch), John Megna (Dill Harris), Overton (Sheriff Heck Tate), Rosemary Murphy (Maudie Atkinson), Ruth White (Mrs. Dubose). Brock Peters (Tom Robinson)

Một luật sư người da trắng bảo vệ cho một người da đen bị buộc tội cưỡng hiếp một cô gái da trắng. Lòng vị tha và can trường của một con người đơn độc chiến đấu với mọi thành kiến tăm tối và tàn bạo của một cộng đồng hầu bảo vệ một người, tất cả được khắc họa tuyệt đẹp, đầy kịch tính, đầy cảm xúc, trong một câu chuyện với những nhân vật đặc sắc và những chi tiết khó quên.

To kill a mocking bird_movie 3

Phim mang đến thông điệp đầy tính nhân văn mà ý nghĩa của nó khiến người xem hiểu sâu sắc thế nào là bình đẳng và cách cư xử với đồng loại.

Tokyo story (1953)

Điểm IMDb: 8.2

Đạo diễn: Yasujirô Ozu
Diễn viên: Chishû Ryû, Chieko Higashiyama, Sô Yamamura

Đưa ra những thông điệp nhân văn về giá trị gia đình, phim kể về câu chuyện của một cặp vợ chồng già, sống ở một hòn đảo nhỏ trên biển, đi Tokyo để thăm các con. Tuy các con vẫn tỏ ra hiếu thảo, nhưng vì mưu sinh họ không thể dành nhiều thời gian quan tâm tới cha mẹ.

Phim được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Nhật Bản nói riêng và điện ảnh thế giới. Năm 2015, Liên hoan phim Quốc tế Busan công bố danh sách 100 phim châu Á hay nhất mọi thời đại, trong đó Tokyo story là tác phẩm đứng vị trí số một.

Ghi chú: Phim làm lại là Tokyo family (20133) của đạo diễn Yôji Yamada có điểm IMDb 7.5 cũng khá, riêng chất lượng hình ảnh dĩ nhiên là hơn hẳn.

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh –
Yellow flowers on the green grass
(2015)

Điểm IMDb: 7.9

Đạo diễn: Victor Vu
Diễn viên: Jayvee Mai The Hiep (ông Nhân), My Thanh (Mận), Trọng Khang (Tường), Thịnh Vinh (Thiều)

Phim dựa theo truyện của nhà văn thiếu nhi số 1 Việt Nam, Nguyễn Nhật Ánh. Chuyện được kể qua đôi mắt của cậu bé 15 tuổi tên Thiều ở một vùng quê nghèo. Trong thế giới của cậu bé đang tuổi mộng mơ có công chúa, hoàng tử, vua chúa; cũng có người xấu, kẻ tốt, tình yêu chớm nở và sự ghen tị gặm nhấm…

Dễ dàng để thấy rằng Hoa vàng có cốt truyện tâm lý phức tạp hơn mặt bằng chung, vừa có những chuyển biến tâm lý thật tinh tế và chân thực, vừa vẫn có không gian trẻ thơ ngây ngô, trong sáng. Người xem hiểu được rằng, mặc cho những va chạm và tổn thương, không hề có những điều xấu xí ở những đứa trẻ, và tình yêu thương giữa chúng là vô điều kiện và đẹp đẽ.

Hoa vang

Tuy là câu chuyện về trẻ con, nhưng Hoa vàng không dành cho khán giả là trẻ con. Giống như chất truyện của Nguyễn Nhật Ánh, đây là phim dành cho người lớn từng là những đứa trẻ. Bởi chỉ có họ mới hiểu được những hình ảnh thân thương xuất hiện trong phim.

Toàn phim thể hiện vẻ đẹp, vẻ lung linh, từ màu sắc, ánh sáng cho đến cách chọn góc quay, bố cục. Và không phải đẹp theo kiểu sến súa chỉ để đẹp, vẻ đẹp hình ảnh ở đây phục vụ cho nội dung, cho chất tình cảm.

Một phim mang đến những phút giây dễ chịu và nhẹ nhàng, và có thể là đôi giọt nước mắt dù là ở câu chuyện hay ở việc gợi lại các kỷ niệm. Tình yêu thương, thông điệp chính của phim, không hề hiển hiện ở các câu thoại hay thậm chí hành động rõ ràng. Mà phải tìm kiếm, phải để ý, mới có thể cảm nhận.

WALL-E (2008)

Điểm IMDb: 8.5

Đạo diễn: Andrew Stanton
Diễn viên: Ben Burtt, Elissa Knight, Jeff Garlin

Là một phim khoa học giả tưởng, nhưng tính nhân văn bất ngờ hiển hiện một cách sâu đậm.

Trong tương lai, Trái Đất bị bao phủ bởi rác thải. Để dọn dẹp, loài người buộc phải rời khỏi Trái Đất và thay thế vào đó là hàng triệu con robot nhỏ bé với nhiệm vụ thu dọn rác thải cho đến khi Trái Đất có thể ở được. Nhưng chương trình đó thất bại, chỉ trừ một chú robot nhỏ bé vẫn chăm chỉ làm công việc của mình, bên cạnh chỉ có một con gián làm bạn. 700 năm dọn dẹp rác rưởi trên hành tinh bằng cách nén rác thành từng khối lập phương, WALL-E, con robot duy nhất bị bỏ lại trên Trái Đất bắt đầu có một lỗi nhỏ trong hệ thống: phát triển tính cách của con người. WALL-E lãng mạn mơ ước rằng một ngày mình sẽ kết giao được với ai đó, và cuộc đời này hẳn còn nhiều điều thú vị hơn công việc buồn tẻ mà mình làm hàng ngày. Phim mang nội dung cảm động.

Wall-E 2

Những chi tiết giản dị, nhẹ nhàng trong phim thực sự tạo nên nét hấp dẫn đối với mọi đối tượng khán giả. Đó là tạo hình rất dễ thương của cặp nhân vật chính: WALL-E và EVE. Chú robot dọn rác có đôi mắt tròn xoe; mặc dù là người máy nhưng nhiều khi bạn sẽ cảm nhận rất rõ đôi mắt WALL-E long lanh đầy cảm xúc, nhất là khi cậu ngước nhìn lên bầu trờ trong dáng vẻ mơ mòng. Trong khi đó, nàng robot EVE lại mang hình dáng mủm mỉm với “áo” trắng và đặc biệt cặp mắt xanh đủ khiến trái tim robot WALL-E phải tan chảy.

War for the planet of the apes (2017)

Điểm IMDb: 7.5

Đạo diễn: Matt Reeves
Quốc gia: Mỹ, Canada, New Zealand
Diễn viên: Andy Serkis (Caesar), Woody Harrelson (Đại tá McCullough), Steve Zahn (Bad Ape), Karin Konoval (Maurice), Amiah Miller (Nova), Terry Notary (Rocket), Ty Olsson (Red Donkey), Michael Adamthwaite (Luca), Toby Kebbell (Koba), Judy Greer (Cornelia), Sara Canning (Lake), Devyn Dalton (Cornelius), Aleks Paunovic (Winter), Alessandro Juliani (Spear), Max Lloyd-Jones (Blue Eyes), Chad Rook (Boyle)

War for planet of the apes là phần phim thứ 3 và cũng là cuối cùng của trilogy Planet of the Apes. Tiếp nối phần trước, sau khi quân đội biết sự tồn tại của xã hội loài khỉ dưới sự chỉ huy của Caesar, nhóm lính được dẫn đầu bởi một vị tướng tàn bạo quyết định chiến đấu chống lại Caesar. Về phần vị vua khỉ, sau những mất mát của mình, anh ta dần trở nên đen tối hơn, có những suy nghĩ độc đoán hơn về con người và cách thống lĩnh của mình. Số phận của hai giống loài này phụ thuộc vào cuộc chiến cuối cùng này!

Phần cuối cùng của bộ ba phim tái khởi động thương hiệu “Planet of the Apes” (Hành tinh khỉ) là câu chuyện xúc động về Caesar với những kẻ phía bên kia chiến tuyến.

War for planet of the apesBối cảnh War for planet of the apes diễn ra hai năm sau những sự kiện ở Dawn of the planet of the apes (2014). Lúc này, loài khỉ thông minh phải trốn trong rừng sâu để tránh khỏi các cuộc đột kích của con người. Bất chấp mong muốn hòa bình của Caesar, Đại tá McCullough quyết tâm tiêu diệt kẻ thù đến cùng. Nhờ một con khỉ phản bội, đích thân gã đột kích hang ổ của Caesar, cướp đi sinh mạng vợ và con trai thủ lĩnh loài khỉ. Trong lúc toàn bộ bầy khỉ lên đường tìm kiếm vùng đất mới để bảo toàn tính mạng, Caesar quyết định ở lại với mong muốn trả thù McCullough. Nhưng càng chìm trong hận thù, vị thủ lĩnh tối cao nhận ra mình càng trở nên giống Koba – gã đồng loại khát máu mà chính bản thân đã tiêu diệt trước đây.

Loạt phim “Planet of the apes không” chỉ mang đến một thế giới giả tưởng đầy cuốn hút, mà còn thành công trong cách xây dựng xung đột giữa hai giống loài. Trải qua ba tập phim, con người cứ thế dần bộc lộ rõ sự tàn bạo và mặt tối trong tâm hồn. Từ những thí nghiệm vô nhân tính và hành động tàn phá môi trường, chính nhân loại đã tự gây ra sự tuyệt diệt cho bản thân. Song, họ tiếp tục đổ lỗi cho loài khỉ và gây ra cuộc chiến tàn khốc. Ngay cả ở khoảnh khắc đứng trước bờ vực diệt vong, con người vẫn tự cho mình là kẻ thống lĩnh hành tinh xanh, và lo sợ đánh mất vị trí ấy.

Đối nghịch với sự tàn bạo của con người, loài khỉ ngày một văn minh hơn. Dưới sự dẫn dắt của Caesar, chúng trở nên đoàn kết, không chỉ muốn hòa bình với nhân loại, mà còn không bao giờ giết hại đồng loại. Với Caesar, ngay cả khi đối diện với nỗi đau xé ruột, thủ lĩnh loài khỉ cũng chọn con đường báo thù một mình chứ không lôi kéo đồng loại vào cuộc chiến đẫm máu. Từ những nghịch lý ấy, War for the planet of the apes đặt ra câu hỏi liệu ai mới xứng đáng làm chủ nhân của Trái Đất theo một cách đầy tự nhiên.

Để có thể nắm bắt và hiểu trọn vẹn tác phẩm, khán giả chắc chắn cần xem hai tập phim trước là Rise of the planet of the apes (2011) và Dawn of the planet of the apes (2014).

Where the heart is (2000)

Điểm IMDb: 6.8

Đạo diễn: Matt Williams
Diễn viên: Ashley Judd, James Frain, Natalie Portman

Novalee Nation, một cô gái 17 tuổi mang thai, từ bang Tennessee bỏ trốn tới California với bạn trai của cô. Khi họ dừng lại ở Oklahoma, bạn trai của cô từ bỏ cô. Chỉ có vài đô la, cô lặng lẽ vào làm một cửa hàng Wal-Mart. Cô sinh con một mình, thu hút sự chú ý của truyền thông…

Phim mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau: sự thương cảm dâng trào trước tình cảnh đáng thương của Novalee, sự ấm áp trước những sự giúp đỡ giành cho cô gái trẻ này, và trên tất cả là sự lạc quan và tình yêu cuộc sống. Tất cả những điều đó được hòa quyện trong một bộ phim nhẹ nhàng, sâu lắng.

Nội dung giàu tính nhân văn của Where the heart is chắc chắn sẽ khiến khán giả trẻ có xúc cảm tích cực và cảm nhận được nhiều thông điệp ý nghĩa.

Tổng hợp: Diệp Minh Tâm, tháng 10/2018

Ghi chú: bài này đã được đóng. Bạn có thể xem cập nhật trong bài viết Anh văn:

Movies of humane value – https://tamdiepblog.wordpress.com/2018/04/17/movies-of-humane-value/

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *