Cho đến cuối thế kỷ 17, nước Nga còn tụt hậu so với Tây Âu hàng trăm năm. Vào năm 1696, hoàng tử 25 tuổi Pyotr (Anh văn: Peter, Pháp văn: Pièrre) chính thức trị vì một đất nước lạc hậu rồi đến khi qua đời năm 1725 với danh xưng Pyotr Đại đế, để lại một nước Nga hùng mạnh mà cả Tây Âu đều vị nể. Câu chuyện khởi đầu như dưới đây.
Trong lịch sử nước Nga nói riêng và thế giới nói chung, một sự kiện có một không hai diễn ra, mang đến những thay đổi rộng lớn và lâu dài cho nước Nga. Đó là chuyến vi hành của Sa hoàng Nga, Pyotr Đại đế, qua một số nước Tây Âu, chỉ một năm sau khi ông nắm quyền cai trị độc tôn. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một sa hoàng Nga đi ra khỏi nước mình trong thời bình; trước đó chỉ có vài sa hoàng đi xuyên qua biên giới trong thời chiến để công hãm một pháo đài hoặc truy đuổi một đội quân. Điều độc đáo nữa là Pyotr Đại đế tổ chức mọi chi tiết trong chuyến du hành 18 tháng cho một đoàn đông đảo nhưng lại muốn giấu tung tích! Theo ý chí mãnh liệt của vị quân vương này, ông học hỏi và xem xét mọi điều mới lạ, tuyển lựa nhân tài để phục vụ đất nước mình, mua sắm trang thiết bị để đặc biệt gầy dựng cho hải quân từ con số không.
Sự kiện này được gọi là Đại Phái bộ Sứ thần (Anh văn: The Great Embassy; Nga văn: Великое посольство, phiên âm: Velikoye posolstvo).
Bối cảnh
Một trong những tầm nhìn chiến lược của Pyotr là phải tìm đường cho nước Nga thông ra biển cả. Chỉ khi đã có cảng biển, đội thương thuyền đại dương và hải quân đại dương, Nga mới có thể phát triển nền mậu dịch quốc tế và tạo sức mạnh trên biển cả nhằm hỗ trợ nền mậu dịch đó. Đất đai bao la của nước Nga thuở xưa chỉ có một cảng biển duy nhất. Đó là Cảng Arkhangelsk, ở miền bắc, thông ra Biển Trắng. Hạn chế lớn là cảng này bị đóng băng sáu tháng mỗi năm. Còn ở miền nam, Đế quốc Ottoman đóng chốt ở Azov, ngăn chặn Nga tiến ra Biển Azov rồi từ đó đi qua Biển Đen mà tiến ra Địa Trung Hải. Thế là Pyotr muốn chiếm lấy Azov.

Năm 1696, quân Nga dưới quyền chỉ huy của Pyotr có một chiến thắng quân sự quan trọng: đánh chiếm được pháo đài và thị trấn Azov của Đế quốc Ottoman. Nhưng Azov chỉ là bước khởi đầu. Pyotr còn có kế hoạch và ý tưởng khác. Pyotr muốn xây dựng tàu chiến đích thực cho hải quân, không phải chỉ là thuyền galê đi trên sông như ông đã cho đóng để đi đánh Azov. Chiếm được Azov, nước Nga chỉ mới tiếp cận Biển Azov nhỏ bé, trong khi quân Ottoman vẫn kiểm soát Eo biển Kerch giữa Biển Azov và Biển Đen. Để chiếm lấy eo biển này nhằm thông ra biển cả, Pyotr cần một hạm đội viễn dương.
Ngay sau lễ ăn mừng chiến thắng Azov, Pyotr ban hành một loạt chỉ dụ. Xưởng Voronezh hiện có sẽ được mở rộng để đóng tàu chiến, và hạm đội này sẽ theo dòng Sông Don xuống đóng tại một quân cảng mới. Mọi tầng lớp trong xã hội – giáo hội, địa chủ, thương nhân – phải đóng góp chi phí. Triều đình sẽ đóng 10 tàu chiến lớn. Mỗi địa chủ lớn sẽ đóng một tàu. Mỗi tu viện lớn sẽ đóng một tàu. Tất cả phải hoàn thành trong 18 tháng. Triều đình cung cấp gỗ, và địa chủ và giáo hội cung cấp mọi thứ còn lại: dây thừng, buồm, đại bác…
Chuyên viên đóng tàu từ Tây Âu đổ xô đến do chế độ đãi ngộ hậu hĩnh, nhưng họ chỉ là thành phần nòng cốt. Để đóng một hạm đội theo như trù định cần thêm nhiều thợ đóng tàu, cùng đội ngũ hải quân để điều khiển những tàu này. Ít nhất một số này phải là người Nga. Ngày 22-11-1696, vài tuần sau khi công bố chương trình đóng tàu, Pyotr thông báo triều đình sẽ cử 50 người Nga – phần lớn là trai trẻ trong những gia đình quý tộc – đi Tây Âu để học các ngành hàng hải và đóng tàu. Đích thân Pyotr soạn thảo chương trình học tập cho họ: hải đồ, la bàn, thực tập trên thuyền nước ngoài, bắt đầu từ trình độ thủy thủ thông thường và, nếu có thể, học lên thành sĩ quan hải quân. Không ai được trở về Nga nếu không có chứng chỉ do đốc công nước ngoài công nhận đã lành nghề.
Chương trình đóng tàu lớn lao cho hạm đội Azov và việc cử thanh niên Nga đi du học không phải là những cú sốc lớn nhất cho nước Nga thời đó. Hai tuần sau khi cử nhóm đầu tiên đi du học, Bộ Ngoại giao ra một thông báo gây thêm địa chấn: Sa hoàng sẽ cử một phái bộ lớn đi viếng thăm chính thức Anh, Đan Mạch, Rome, Hà Lan, Brandenburg và Venice. Mục đích của đoàn là tạo cơ hội cho thành viên học hỏi từ phương Tây, tuyển dụng sĩ quan, thủy thủ, kỹ sư và đốc công để đóng và điều khiển hạm đội Nga, và cũng để Tây Âu quan sát và cho biết ấn tượng của họ về các nhà lãnh đạo Nga có mặt trong chuyến đi. Không bao lâu sau khi ra thông cáo, hai tin đồn gần như là khó tin lan truyền khắp Moskva: chính Sa hoàng nước Nga sẽ đi theo Đại Phái bộ Sứ thần; và ông sẽ không đi với tư cách sa hoàng mà chỉ là một nhân viên của các đại sứ. Sa hoàng Pyotr, thân người cao hơn 2 mét, có kế hoạch vi hành, vẫn cho mọi người biết tung tích nhưng chính thức thì ẩn giấu.
Vi hành để làm gì?
Kế hoạch cử đi Đại Phái bộ Sứ thần khiến người Nga hết sức kinh ngạc. Chưa bao giờ có một sa hoàng nước Nga đi ra nước ngoài trong thời bình; chỉ có vài sa hoàng đi xuyên qua biên giới trong thời kỳ chiến tranh để công hãm một thành phố hoặc truy đuổi một đội quân, nhưng không phải trong thời bình. Tại sao Sa hoàng này muốn đi? Và nếu ông muốn đi, tại sao phải giấu tung tích?
Nhiều câu hỏi tương tự được đặt ra ở Tây Âu, không phải vì lo lắng mà do kinh ngạc. Lý do nào mà vị quân vương đang trị vì một đất nước bao la, xa xôi cách trở, nửa Âu nửa Á, lại muốn vi hành, khinh thường nghi lễ và từ chối những vinh dự, chỉ hiếu kỳ muốn tìm hiểu mọi thứ? Khi tin tức về cuộc hành trình lan ra, ức đoán càng thêm phong phú. Nhiều người tin rằng Đại Phái bộ Sứ thần chỉ là cái vỏ bọc để Pyotr đi ra nước ngoài mà vui thú một chút chứ chẳng có mục đích nghiêm túc nào. Một số người khác tin nơi lời giải thích của Pyotr rằng ông định làm tròn lời ước nguyện, lúc đi thuyền suýt bị bão đánh đắm, là đến viếng ngôi mộ của Thánh Pyotr ở Roma.
Có lý do nghiêm túc về mặt ngoại giao cho Đại Phái bộ Sứ thần. Pyotr muốn tái xác nhận liên minh chống Đế quốc Ottoman, và nếu có thể thì củng cố liên minh này. Ông nghĩ việc chiếm Azov chỉ là bước đầu. Với hạm đội mới, ông hy vọng sẽ đánh xuyên qua được Eo biển Kerch để thông ra Biển Đen. Để làm được điều này, ông cần đồng minh đáng tin cậy: Nga không thể một mình chống lại Ottoman. Liên minh đang bị đe dọa tan rã. Vua Sobieski của Ba Lan, người chống Ottoman mạnh mẽ, đã qua đời tháng 6/1696. Sau cái chết của ông, lòng nhiệt tình chống người Thổ đang lịm tắt ở Ba Lan. Hoàng đế Louis XIV có thể gây chiến tranh với Đế quốc Habsburg, nên có thể muốn hòa hoãn với Ottoman. Nhằm củng cố liên minh, Đại Phái bộ Sứ thần cần thăm viếng thủ đô của các nước đồng minh: Warszawa, Wien và Venice. Họ cũng cần thăm viếng Hà Lan và Anh để tìm sự ủng hộ. Chỉ có Pháp – thân với Ottoman và thù địch với Áo, Hà Lan và Anh – là nên tránh. Đại Phái bộ Sứ thần còn cần tìm nguồn nhân lực, mua vũ khí và trang thiết bị cho hải quân Nga, cũng như những loại thiết bị mà Nga có thể sao chép và sản xuất trong nước.
Nhưng các đại sứ của Pyotr có thể tự thực hiện những mục tiêu nghiêm túc trên. Thế thì, tại sao ông muốn đi? Câu trả lời đơn giản nhất có vẻ như là đúng nhất: Ông ấy muốn học hỏi. Ông đã học được nhiều từ người nước ngoài sống ở Nga. Họ đã dạy ông tất cả những gì họ biết ở Nga, nhưng còn nhiều điều mới lạ hơn ở Tây Âu, và Lefort luôn thúc giục ông nên đi. Ưu tư dai dẳng của ông là xây dựng lực lượng hải quân hùng mạnh, và ông biết rằng Hà Lan và Anh có chuyên gia đóng tàu giỏi nhất thế giới. Ông muốn đi đến hai nước này vốn có lực lượng hải quân và đội thương thuyền làm chủ thế giới, và đến Venice, nơi có kỹ thuật vượt trội trong ngành đóng thuyền galê.
Người hiểu rõ nhất về động lực của Pyotr chính là ông. Năm 1720, Pyotr viết lời đề tựa cho một tờ báo luật hành hải, kể chuyện về mình nhưng theo ngôi thứ ba:
Ông ấy dốc toàn tâm vào việc đóng một hạm đội… Ông đã cử nhiều người đi Hà Lan và những nước khác để học cách đóng và quản lý tàu thuyền; và vì vị quân vương không muốn bị thua kém thần dân của ông một cách nhục nhã trong ngành nghề này, ông ấy đã tự đi đến Hà Lan; và ở Amsterdam đã cùng với những người tình nguyện khác dốc sức học hỏi về kiến trúc hải quân…
Về quyết định vi hành – được thực hiện bằng lệnh của ông là kiểm duyệt tất cả thư từ gửi ra nước ngoài để giữ bí mật – chủ yếu là để ông được tự do. Ông nôn nóng muốn đi, nhưng ghét nghi lễ rườm rà nếu đi với tư cách quân vương. Bằng cách cử những đại sứ lỗi lạc, ông đảm bảo phái bộ sẽ được đón tiếp trọng vọng; bằng cách giả vờ không có mặt, ông được tự do né tránh thời giờ vô ích của nghi lễ. Khi trọng thị phái bộ, chủ nhà cũng trọng thị Sa hoàng, nhưng người thanh niên tên Pyotr Mikhalov – tên giả của Sa hoàng – có thể đến và đi đâu tùy ý.
Dù cho mục đích của Pyotr xem chừng hạn hẹp, tác động của chuyến đi này trong 18 tháng sẽ vô cùng rộng lớn. Pyotr trở về Nga với quyết tâm cải tổ đất nước theo đường hướng của Tây Âu. Nước Nga cũ – bị cô lập và khép kín – sẽ vươn ra Tây Âu và tự cởi mở với Tây Âu. Ảnh hưởng đi theo vòng tròn: Tây Âu ảnh hưởng đến cá nhân Pyotr, Sa hoàng Pyotr ảnh hưởng mạnh mẽ đến nước Nga, và nước Nga một khi đã hiện đại hóa sẽ có tầm ảnh hưởng mới và mạnh hơn đến Tây Âu. Vì thế, đối với cả ba – Pyotr, nước Nga và Tây Âu – Đại Phái bộ Sứ thần là một điểm ngoặt.
Cách biệt giữa Nga và Tây Âu
Vào thời của Đại Phái bộ Sứ thần, khoảng cách biệt giữa Nga và Tây Âu có vẻ như còn xa hơn bất kỳ thứ gì có thể đo được, nếu xét theo số thương thuyền hoặc kỹ thuật quân sự. Theo ý nghĩ của người phương Tây, nước Nga có vẻ tối tăm và còn ở trong thời kỳ trung cổ. Họ không biết đến hoặc chê bai kiến trúc huy hoàng, tượng thánh, nhạc nhà thờ và nghệ thuật dân gian của Nga; trong khi – ít nhất đối với người có học thức – Tây Âu ở thế kỷ 17 được xem dường như là một cộng đồng sáng chói, hiện đại. Những thế giới mới được khám phá không chỉ xuyên đại dương mà còn trong khoa học, âm nhạc, nghệ thuật và văn học. Những công cụ mới nhằm đáp ứng những nhu cầu thực tiễn đang được phát minh. Nhiều thành quả trở nên thiết yếu cho con người ngày nay – kính viễn vọng, kính hiển vi, nhiệt kế, áp suất kế, la bàn, đồng hồ, nến, đèn chiếu sáng công cộng – đều xuất hiện lần đầu tiên trong thời kỳ này.
Các nhà khoa học Tây Âu – không còn bị bắt buộc phải tuân phục sự răn đe của tôn giáo – đang vươn lên, rút kết luận từ sự kiện được quan sát, không thu hẹp kết quả chỉ vì định kiến. Descartes, Boyle và Leeuwenhoek viết báo cáo khoa học về hình học tọa độ – sự tương quan giữa thể tích, áp suất và mật độ của khí, và thế giới lạ kỳ có thể được nhìn qua kính hiển vi phóng đại 300 lần. Những đầu óc có sáng kiến tài ba nhất làm việc trong nhiều lĩnh vực đa dạng; chẳng hạn Gottfield von Leibniz, đã tìm ra tích phân và vi phân, cũng mơ đến những mô hình xã hội và chính phủ hoàn toàn mới; trong nhiều năm ông sẽ theo đuổi Sa hoàng với hy vọng được dùng nước Nga như là phòng thí nghiệm khổng lồ cho ý tưởng của mình.
Đầu óc khoa học vĩ đại nhất trong thời đại này – bao trùm toán học, vật lý, thiên văn học, quang học, hóa học và thực vật học – thuộc về Isaac Newton. Sinh năm 1642, Nghị viên đại diện cho Cambridge, được phong hiệp sĩ năm 1705, ông đã 55 tuổi khi Pyotr đến Anh, 10 năm sau khi công bố công trình vĩ đại nhất của mình: định luật về vạn vật hấp dẫn.
Với cùng đam mê khám phá, người Tây Âu vào thế kỷ 17 đang vượt đại dương để khai phá và tạo dựng những khu dân cư mới. Tây Ban Nha cai trị phần lớn Nam Mỹ và nhiều vùng Bắc Mỹ. Những quần cư của Anh và Bồ Đào Nha đã được thành lập ở Ấn Độ. Quốc kỳ của vài nước Tây Âu đã bay trên những khu dân cư mới ở Bắc Cực. Thuộc địa của Pháp kéo dài từ Quebec đến Montreal của Canada; người Pháp đã vượt qua Ngũ Đại hồ để đến trung tâm của nước Mỹ. Năm 1672, năm sinh của Pyotr, Jacques Marquette khai phá vùng đất chung quanh Chicago. Năm sau, ông và Cha Louis Jolliet đi xuôi dòng Sông Mississippi cho đến Arkansas. Năm 1686, khi Pyotr đang đi thuyền trên Sông Yauza, vùng hạ lưu con sông vĩ đại được đặt tên Louisiana để tôn vinh Louis XIV.
Để so sánh Nga với Tây Âu, chỉ cần nhắc lại một ít sự kiện giản đơn. Vào thời đó, đội thương thuyền viễn dương và hải quân biển xanh Nga chỉ là hai con số không tròn trĩnh, và cảng biển độc nhất của Nga chỉ hoạt động được 6 tháng mỗi năm.
Số ít ỏi người Nga có dịp đi ra thế giới hiện đại thế kỷ 17 như thế – với tất cả hào quang và tai ương – không khỏi choáng váng, giống như những sinh vật từ trong bóng tối bị dắt ra ngoài ánh nắng. Họ không tin hoặc không chấp nhận những gì họ thấy. Triều đình Nga luôn miễn cưỡng tiếp nhận đại sứ đến nhậm chức ở Moskva. Những sứ quán này “chỉ gây hại cho Nga và lôi kéo Nga đi theo nước khác” – một trong các đại thần của Sa hoàng Aleksei đã giải thích như thế. Và triều đình Nga cũng có thái độ khinh bỉ pha lẫn nghi kỵ trong việc cử đại sứ ra nước ngoài. Sứ thần Nga chỉ lên đường khi có lý do thiết yếu. Dù thế, các sứ thần thường không hiểu gì về nước ngoài, biết rất ít về chính trị hoặc văn hóa Tây Âu và chỉ nói được tiếng Nga. Có mặc cảm yếu kém, họ thường bù đắp bằng cách chú trọng đến nghi lễ, chức tước và cách xưng hô. Họ đòi hỏi được chuyển thông điệp của Sa hoàng nước Nga đến chính tay quân vương nước ngoài. Họ còn đòi hỏi khi quân vương nước ngoài tiếp kiến họ phải chính thức vấn an sức khỏe của Sa hoàng, và trong khi vấn an phải đứng dậy và bỏ mũ ra. Đương nhiên là Louis XIV hoặc ngay cả vương công của các công quốc nhỏ đều không mấy hào hứng với nghi lễ như thế. Khi quân vương của nước chủ nhà bị xúc phạm và đề nghị sứ thần của Nga tuân theo cung cách Tây Âu, sứ thần Nga đáp trả một cách lạnh lùng: “Cung cách của người khác không phải là mẫu mực của chúng tôi.”
Ngoài dốt nát và tự kiêu, sứ thần Nga còn cứng nhắc trong hành xử. Khi đàm phán, họ không đồng ý bất kỳ việc gì trừ khi việc ấy đã được dự kiến và chấp nhận trước qua chỉ thị giao cho họ. Khi gặp bất kỳ việc gì mới dù không mấy quan trọng, họ đều xin chỉ thị từ Moskva tuy phải mất nhiều tuần chờ đợi trong khi liên lạc viên phi ngựa đi về. Vì thế, ít có triều đình nước ngoài nào phấn khởi được tiếp phái bộ Nga, còn quan chức ngoại giao nước chủ nhà có nhiệm vụ tổ chức đón tiếp họ thì nghĩ rằng mình thật vô phúc.
Louis XIV
Tây Âu mà Pyotr chuẩn bị thăm viếng vào mùa xuân năm 1697 bị một người duy nhất chế ngự: Hoàng đế Louis XIV của Pháp. Tầm ảnh hưởng của ông lan rộng khắp cả Châu Âu theo các lĩnh vực chính trị, ngoại giao và nền văn minh. Trong cả cuộc đời của Pyotr ngoại trừ 10 năm cuối, Louis là người gây ảnh hưởng mạnh nhất toàn Châu Âu. Nếu muốn tìm hiểu về Tây Âu mà Nga muốn vươn đến thì trước nhất phải xét đến vị quân vương này của Pháp.
Công cụ cho những cuộc chiến tranh của Hoàng đế Louis XIV là quân đội Pháp, với số quân 150.000 vào thời bình và 400.000 trong thời chiến. Bản thân Louis XIV không có kinh nghiệm chiến trường, nhưng ông là nhà chiến lược và quản lý quân sự tài ba. Kiêm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Chiến tranh, nhà vua bàn luận về vĩ mô chiến lược với các tướng lĩnh dày dạn trận mạc của ông, rồi chỉ đạo các hoạt động cung ứng quân nhu, tuyển quân, huấn luyện, tình báo quân đội… Theo thời gian, uy tín của Louis XIV và của nước Pháp dâng cao mỗi năm. Quân đội Pháp trở nên đáng sợ nhất Châu Âu.
Quan hệ ngoại giao giữa Nga và Pháp xấu đi do sự cố trước đây.
Đấy là trường hợp xảy ra năm 1687, khi cử Hoàng thân Yakov Dolgorukov dẫn đầu một phái bộ đi Hà Lan, Pháp và Tây Ban Nha. Hà Lan tiếp đãi họ một cách chu đáo, nhưng ở Pháp mọi việc đều rối rắm. Liên lạc viên của Nga, được cử đi Paris trước, từ chối trao công văn cho bất kỳ ai ngoại trừ cho chính tay Hoàng đế Pháp. Vì thế ngay cả Bộ trưởng Ngoại giao Pháp vẫn không thể tiếp nhận công văn từ anh người Nga sắt đá; anh ta phải quay về mà không ai ở Paris được đọc công văn anh mang theo.
Nhưng phái bộ Nga vẫn rời Hà Lan để đi Pháp. Khi đến biên giới Pháp ở Dunkerque, hải quan Pháp niêm phong tất cả hành lý của họ với lý do để cấp cao hơn ở Paris khám xét. Bên Nga hứa sẽ không đụng đến niêm phong, nhưng khi đến ngoại ô Paris họ tháo niêm phong, mở hành lý lấy nhiều món ra bày bán. Việc làm ăn đang tấp nập thì quan chức Pháp đến, lấy làm kinh tởm cho rằng nhân viên ngoại giao Nga đã quên địa vị của mình, hành động như con buôn mà không giữ thể diện cho Sa hoàng của họ. Vấn đề ở chỗ, các phái bộ ngoại giao Nga không được lĩnh lương, hoặc lương quá thấp. Triều đình chỉ cấp cho họ một số sản phẩm (thường là lông thú được ưa chuộng ở Tây Âu) để họ bán lấy tiền chi dùng khi đi công cán.
Phái bộ Nga được Hoàng đế Pháp tiếp đãi, tình hình đang thuận lợi cho đến lúc nhân viên hải quan Pháp đến nhà họ đòi khám xét hành lý. Bên Nga từ chối, rồi cảnh sát Pháp đến, dẫn theo thợ phá ổ khóa. Phái bộ Nga giận dữ, lớn tiếng lăng mạ, và một đại sứ đã rút dao ra. Vì thế, nhân viên Pháp rút lui, trình vụ việc lên Hoàng đế. Louis XIV tức giận ra lệnh phái bộ rời đất Pháp, bảo họ mang về các món quà mà hai Sa hoàng gửi cho ông. Các đại sứ Nga từ chối ra về, đòi được yết kiến Hoàng đế trước. Bên Pháp mang đi mọi đồ nội thất trong ngôi nhà mà phái bộ đang ngụ và cắt tiếp tế thực phẩm. Sau một ngày, bên Nga nhượng bộ, van nài được yết kiến, cho biết nếu mang về quà của hai Sa hoàng họ sẽ bị chém đầu. Lần này, họ ngoan ngoãn cho bên Pháp khám xét hành lý và chịu đàm phán với quan chức Pháp cấp thấp với điều kiện Hoàng đế chịu tiếp họ. Hai ngày sau, Hoàng đế Pháp mời họ đến dùng bữa tối ở Điện Versailles và đích thân dẫn họ tham quan hoa viên. Các đại sứ Nga mê mẩn đến nỗi từ chối ra về, tưởng tượng ra đủ lý do để kéo dài chuyến thăm viếng.
Tuy nhiên, khi về đến Nga, họ lớn tiếng than phiền rằng đã bị đối xử một cách tệ hại. Triều đình Nga cảm thấy tổn thương sau vụ rắc rối ngoại giao này, và đây là một yếu tố khiến cho quan hệ giữa Nga và Pháp xấu đi. Hơn nữa, việc Pháp hỗ trợ Ottoman trong khi Nga đang có chiến tranh với Ottoman ảnh hưởng đến quyết định của Pyotr không đi Pháp.
Vì thế, khi Đại Phái bộ Sứ thần chuẩn bị rời Nga, không có dự kiến viếng thăm vị quân vương vĩ đại nhất của Tây Âu, và điều đáng tiếc cho cả lịch sử cùng truyền thuyết là hai quân vương ngoại hạng của thời kỳ này – Pyotr Đại đế và Hoàng đế Louis XIV – sẽ không gặp nhau.
Đại Phái bộ Sứ thần

Pyotr bổ nhiệm ba Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền, đứng đầu là Frank Lefort, người Thụy Sĩ, để dẫn dắt Đại Phái bộ Sứ thần. Việc bổ nhiệm này cho thấy cách Pyotr trọng dụng nhân tài mà không nề hà nguồn gốc ngoại quốc của họ. Khi Pyotr I dẫn quân đi đánh Azov của Đế quốc Ottoman năm 1696, Frank Lefort được phong làm Đô đốc Tư lệnh Hạm đội. Nga thắng trận, chiếm được Azov. Dần dà ông được bổ nhiệm làm Đại tướng-Đô đốc Tổng trấn Novgorod.
Ý kiến tổ chức Đại Phái bộ Sứ thần một phần chịu ảnh hưởng từ Frank Lefort, cũng là người làm thông dịch cho Pyotr trong chuyến vi hành.

Đi trong đoàn là 20 nhà quý tộc và 35 “tình nguyện viên” trẻ, được cử đi học các ngành đóng tàu và hàng hải. Ngoài ra, còn có người hầu, tu sĩ, thư ký, thông dịch viên, nhạc sĩ, ca sĩ, đầu bếp, người đánh xe ngựa, binh sĩ cảnh vệ, lại còn có 4 người lùn làm xiếc… Tổng cộng có khoảng 250 người. Và đâu đấy trong hàng ngũ là một thanh niên có vóc người thật cao, trên 2 m, mang tên giả là Pyotr Mikhailov. Nếu thành viên nào của đoàn gọi anh theo cách khác, hoặc tiết lộ rằng anh là Sa hoàng, hoặc ngay cả nói rằng Sa hoàng đi cùng đoàn, người ấy sẽ bị tử hình.
Ngày 20/3/1697, Đại Phái bộ Sứ thần lên đường. Trong số hành lý cồng kềnh mang theo là một lượng lớn da chồn Nga dùng để trả cho các chi phí khi không có đủ vàng hoặc bạc.
Quá cảnh Thụy Điển
Vượt qua biên giới, Đại Phái bộ Sứ thần đi đến Tỉnh Livonia lúc đó còn thuộc quyền Thụy Điển. (Hiện nay lãnh thổ Livonia tương ứng gần đúng với nước Latvia.) Điều không may là Tổng trấn Thành phố Riga của Thụy Điển – Eric Dahlberg – không hề được chuẩn bị để đón tiếp một đoàn nước ngoài đông đảo đến thế. Trước khi gần đi, đoàn Nga gửi liên lạc viên thông báo cho Tổng trấn Riga, nhưng không chờ phúc đáp mà đã vội vượt qua biên giới Thụy Điển. Khi còn cách Riga khoảng 8 kilômét, họ mới nhận được thư chào mừng của Dahlberg. Bức thư cũng tỏ ý tiếc đã không được đoàn Nga thông báo sớm hơn.
Tổng trấn Pskov, thành phố của Nga gần Thụy Điển nhất, thì được lệnh thông báo trước cho phía Thụy Điển về phái bộ, nhưng quên nói rõ số lượng khách và sự hiện diện của Sa hoàng đang vi hành. Dahlberg vạch ra rằng sự đón tiếp cần thiết phải bị hạn chế bởi vì vụ mùa thất bát khiến cho tỉnh của ông đang lâm vào cảnh đói kém. Điều tệ hại hơn nữa là sự liên lạc điều phối chuệch choạc giữa hai bên. Dahlberg phái những cỗ xe được kỵ binh hộ tống ra biên giới để đón đoàn Nga theo quy tắc ngoại giao. Vì lẽ những nhân vật quan trọng kể cả Pyotr đã đi trước đoàn chính, họ không được đón tiếp đúng cách như thế. Ngay bên ngoài Riga, khi đoàn xe tiếp đón và đội hộ tống bắt kịp các đại sứ, phía Thụy Điển mở cuộc đón tiếp thứ hai và tổ chức một lễ diễu hành quân sự để bù lại.
Nếu chỉ có thế và nếu Pyotr có thể đi qua Sông Dvina như lịch trình dự kiến, tình hình sẽ ổn. Nhưng đoàn đi vào đầu xuân khi băng vừa tan, nước dâng lên dưới chân tường thành. Không có cầu, và thuyền không thể đi qua những tảng băng trôi. Đoàn phải chờ đợi trong bảy ngày.
Riga, thủ phủ của Livonia (hiện nay là thủ đô của nước Latvia), nằm gần thành phố Pskov của Nga nhưng hoàn toàn khác biệt. Pháo đài ở đây có kiến trúc hiện đại, được xây dựng theo kỹ thuật Tây Âu mới nhất để phòng thủ vị trí chiến lược quan trọng của Thụy Điển. Pyotr nhân cơ hội này đi xem xét, đo đạc, ghi chú chi tiết của tòa pháo đài với kết cấu kiên cố. Pyotr xem mình chỉ là người đi tìm tòi học hỏi, nhưng phía Thụy Điển lại cho rằng ông có ý khác. Họ hẳn vẫn còn nhớ cha của ông (Sa hoàng Aleksei I) đã kéo quân đến tấn công pháo đài này – chỉ mới 40 năm trước. Pháo đài mà Pyotr đang xem xét và đo đạc tỉ mỉ như thế đã được xây lên với mục đích đặc biệt là nhằm bảo vệ thành phố chống lại quân Nga và ngăn chặn Nga tiến ra Biển Baltic. Vì thế, cảnh tượng một người có vóc dáng cao lớn đang đứng trên mặt tường thành cầm trong tay giấy ghi chép, bản phác họa và thước đo là đáng ngờ. Ngoài ra, còn có vấn đề do ông giấu tung tích. Một lính canh Thụy Điển trông thấy anh trai trẻ người nước ngoài đang ghi những chi tiết về pháo đài vào một quyển sổ, nên ra lệnh cho người lạ mặt phải rời đi. Vị Sa hoàng từ chối và vẫn tiếp tục công việc. Người lính Thụy Điển nâng khẩu súng lên, dọa bắn ông. Pyotr giận dữ, xem đấy là cử chỉ thiếu mến khách. Trên cương vị Đại sứ thứ Nhất, Lefort phản đối với Dahlberg. Ông này xin lỗi; bên Nga chấp nhận và yêu cầu bên Thụy Điển không trừng phạt người lính canh.

Tuy thế, mối quan hệ giữa hai bên xấu thêm. Dahlberg ở vào tình thế khó khăn. Đại Phái bộ Sứ thần không viếng thăm chính thức triều đình Thụy Điển và Sa hoàng không muốn phía Thụy Điển cử hành nghi lễ quá mức. Vì thế, Dahlberg chỉ xử sự theo cung cách lịch sự đúng mực dành cho đại sứ của một nước láng giềng. Không có trình diễn ca múa, ảo thuật, yến tiệc, pháo bông – những thứ mà Pyotr ưa thích. Vị chỉ huy Thụy Điển cứng nhắc, lạnh lùng sau đấy rút lui – mà phía Nga cho là ông phớt lờ họ. Hơn nữa, vì đoàn không phải viếng thăm Thụy Điển mà chỉ quá cảnh qua lãnh thổ Thụy Điển, nên thông lệ ngoại giao không bắt buộc Thụy Điển phải chịu chi phí. Phía Nga phải tự bỏ tiền ra lo việc ăn ở, chăm sóc ngựa…, còn phải trả ở mức cao vì đang có nạn đói kém và thương gia Thụy Điển đội giá tính cho khách nước ngoài. Đoàn Nga lại thuê nơi trú ngụ kém cỏi ở vùng ngoại ô, không xứng với địa vị sứ thần chút nào.
Cuối cùng, sau một tuần, băng tan đủ để đoàn có thể vượt sông. Dahlberg cố tiễn khách một cách trọng thể. Một đoàn thuyền mang cờ hoàng gia màu vàng và lam của Thụy Điển đưa đoàn sang sông trong khi đại bác từ pháo đài bắn tiễn đưa. Nhưng quá muộn: Pyotr đã âm thầm thuê thuyền đi trước.
Trong ý nghĩ của Pyotr, Riga là một thành phố bủn xỉn, không hiếu khách, gây sỉ nhục. Khi ông đi tiếp, sự khác biệt càng thêm rõ nét. Ở phần lớn những thành phố khác mà Pyotr viếng thăm, quân vương nước chủ nhà nghênh đón và chiêu đãi ông, và dù cho Pyotr nói rõ mình muốn giấu tung tích, các tuyển hầu tước, các vị vua và ngay cả Hoàng đế Áo đều muốn gặp gỡ riêng ông, tổ chức chương trình giúp vui, và trả chi phí cho đoàn.
Pyotr bất mãn một cách cay đắng đối với Riga. Ba năm sau, khi tìm lý do để khởi động chiến tranh chống Thụy Điển, Pyotr viện cớ sự đối xử khiếm nhã của Riga. Và 13 năm sau, năm 1710, khi quân Nga bao vây Riga và bắt đầu tấn công, chính Pyotr có mặt để tự mình bắn ba phát đại bác đầu tiên vào pháo đài. Cuối cùng, Riga bị chiếm và sáp nhập vào Nga trong hơn hai thế kỷ.
Công quốc Courland
Sau khi qua Sông Dvina Tây, ngày 8/4 phái bộ Nga đến Công quốc Courland (hoặc Kurland, hiện giờ thuộc Latvia), với thủ phủ Mitava (sau này mang tên Jelgava) cách Riga 50 kilômét về phía nam. Tuy trên danh nghĩa là một công quốc thuộc Ba Lan, Courland trên thực tế được tự trị.
Ở đây, không có trục trặc như ở Riga. Sa hoàng vẫn là Sa hoàng; vẫn phải tôn trọng việc giấu tung tích, nhưng ai nấy cần phải biết người nào giấu tung tích. Vì thế, mặc dù công quốc của ông còn nghèo, Quận công trị vì Courland là Frederick Casimir tiếp đãi phái bộ một cách trọng hậu.
Khi đoàn Nga tiến đến gần Mitava, các đội cảnh vệ trên lưng ngựa và ban quân nhạc trong trang phục lộng lẫy dàn hàng đón tiếp, theo sau là đại sứ các nước và những đội quân khác cùng toàn thể triều thần của công quốc.
Một bữa tiệc thịnh soạn được tổ chức để khoản đãi đoàn Nga.
Vào ngày thứ ba, thị trưởng von Saken mời các đại sứ Nga đến diện kiến Quận công Frederick Casimir. Chủ điều những cỗ xe đến đón khách. Khi đoàn đến lâu đài của Quận công, đội kỵ binh và quân nhạc dàn hàng tiếp đón. Quận công đích thân ra đón đoàn và đưa họ vào cung điện.
Quận công và Đại sứ Lefort không xa lạ gì nhau. Cả hai đã từng chiến đấu bên nhau trong quân đội Hà Lan chống lại Pháp. Sau buổi hội kiến, các đại sứ Nga đi thăm hỏi phu nhân Quận công, Elizabeth Sofia.
Vào ngày thứ tư, Quận công Frederick Casimir mời đoàn đến hội kiến vào thảo luận về các sự vụ Ba Lan và Ottoman. Pyotr cũng có cuộc diện kiến riêng với Quận công. Sau đó, Pyotr đi xem xét pháo đài, đi tham quan thành phố và đặc biệt là các xưởng gỗ.
Đoàn Nga lưu lại Công quốc Courland từ ngày 8/4 đến ngày 2/5, và mọi chi phí đều do nước chủ nhà chi trả.
Sau những yến tiệc và hòa nhạc, Quận công điều một thuyền buồm mang tên St. Goerge để đưa Pyotr đi tiếp bằng đường biển.
Công quốc Brandenburg
Đoàn Nga đi Koenigsberg, thủ phủ của Công quốc hùng mạnh Brandenburg. (Koenigsberg nay là Thành phố Kaliningrad thuộc Nga.) Khi còn cách cổng thành phố chưa đến 2 km, đoàn dừng lại để nước chủ nhà chuẩn bị đón tiếp đúng theo nghi thức. Đầu tiên là đoàn ngựa do các nài ngựa dẫn dắt, rồi đến đội Cảnh vệ Hoàng gia trong trang phục hoành tráng có đội đánh trống đi đầu. Kế tiếp là những nhà quý tộc, mỗi người ngồi trong một cỗ xe được trang trí lộng lẫy có 6 ngựa kéo. Sau đó là đoàn cổ xe của Tuyển hầu tước. Ông này không ngồi trong cỗ xe nào, bởi vì theo nghi thức ông sẽ chính thức tiếp đón họ trong mư buổi lễ chính thức ở hoàng cung. Đoàn cổ xe của Tuyển hầu tước là nhằm thể hiện sự trọng vọng đối với Sa hoàng nước Nga tuy giấu tung tích. Cuối cùng là đoàn thị thần, mỗi người mặc bộ chế phục đặc trưng mà theo đó người ta có thể nhận ra thị thần nào phục vụ cho nhà quý tộc hoặc đại sứ nào. Họ đi từng hàng ba người, hai thị thần quý tộc hai bên, ở giữa là thị thần đại sứ.
Đoàn Nga đi theo sau. Đầu tiên là 36 cỗ xe chở các quan chức cấp cao có người hầu đi cùng. Sa hoàng Pyotr ngồi im lặng trong một cỗ xe ở nhóm này. Những người dự khán đều biết Sa hoàng nước Nga đi trong đoàn, nhưng hiện giờ không thể nhận ra ông.
Kế tiếp đoàn xe là ban quân nhạc, đội cảnh vệ, đội kỵ binh, rồi ba cỗ xe lớn cho ba vị đại sứ.
Đi sau cùng là đoàn xe của các nhân vật trọng yếu và doanh nhân có tiếng tăm của nước chủ nhà, đến kinh đô để đón tiếp đoàn.
Khi vào trong thành phố, đoàn nhận thấy dân chúng chen chúc hai bên đường để ngắm cảnh tượng tráng lệ. Khi đoàn xe đến cổng thành, họ thấy đội quân đồn trú pháo đài đã sắp hàng tề chỉnh để đón tiếp họ. Rồi đại bác trên pháo đài bắn hàng loạt chào mừng. Đoàn được hộ tống đưa về nơi trú ngụ, và mỗi đại sứ được 24 lính bảo vệ.
Sau 3 ngày cho đoàn nghỉ ngơi vì đã đi qua chặng đường dài và dằn xóc, lễ đón tiếp được cử hành long trọng. Lại có một quang cảnh diễu hành tráng lệ qua đường phố, rồi đoàn được đưa đến hoàng cung. Tuyển hầu tước Friedrich III đang ngồi chờ đợi, chung quanh là các đại thần. Các đại sứ tiến trong triều phục dát vàng và bạc đến làm lễ, rồi trình ra bức thư của Sa hoàng đựng trong một chiếc hộp được trang trí hoa mỹ. Đoàn tùy tùng dâng tặng những món quá quý giá như lông thú, đá quý, các món trang trí làm bằng vàng và bạc…
Vị Tuyển hầu tước tiếp đón đoàn một cách trọng thị. Sau khi đọc thư của Sa hoàng, ông yêu cầu các đại sứ chuyển lời cảm ơn của ông đến Sa hoàng. Trong buổi lễ, chính Sa hoàng cũng có mặt, im lặng đứng trong đoàn tùy tùng, trong trang phục không có gì khác biệt với họ.
Đoàn được đưa về nơi ăn ở, cũng lại có diễu hành tráng lệ qua đường phố. Buổi tối là yến tiệc khoản đãi, kết thúc bằng buổi bắn pháo hoa kéo dài đến nửa đêm.
Sau những nghi lễ chính thức, Sa hoàng Pyotr được đưa vào diện kiến riêng Tuyển hầu tước Friedrich III, và ông này tiếp đón Sa hoàng một cách trọng thị.
Sau đó còn nhiều buổi tiếp tân, yến tiệc và diễu hành, nhưng Pyotr không tham gia gì cả. Ông đi đến vùng vịnh giữa Konigsberg và Danzig (Gdansk), nơi ông xem xét tàu thuyền ở đó và xuống một chiếc thuyền lướt lên lướt xuống trên mặt nước vùng vịnh.

Friedrich III có kế hoạch lớn lao nhằm biến công quốc của ông thành một vương quốc, sau này gọi là nước Phổ, và ông sẽ xưng là Vua Friedrich I của nước Phổ. Tước hiệu là do Hoàng đế Habsburg phong, nhưng một phần lãnh thổ được chiếm từ Thụy Điển. Friedrich mong mỏi được Nga ủng hộ để làm đối trọng với Thụy Điển. Và ở đây, như thể lòng mong mỏi được đáp ứng, chính Sa hoàng đã thân hành đến viếng thăm ông.
Pyotr học lý thuyết và thực hành pháo binh dưới sự hướng dẫn của Đại tá Streltner von Sternfeld của quân đội Brandenburg. Pyotr tập bắn nhiều loại đạn và mục tiêu trong khi von Sternfeld sửa chữa và phân tích các lỗi mắc phải. Khi Pyotr ra đi, von Sternfeld trao cho Pyotr một giấy chứng nhận người mang tên Pyotr Mikhailov đã đạt kiến thức và kỹ năng pháo binh.
Giữa tháng 8, sau khi Pyotr đã lưu lại Koenigsberg vài tuần, ông đi Hà Lan. Ông không thể đi đường biển vì một hạm đội của Pháp đang có mặt trên Biển Baltic, nên phải đi đường bộ.
Dọc đường, nhiều người đổ xô đến muốn xem mặt ông, vì tin tức về ông đã được lan truyền rộng rãi sau thời gian dài ông lưu lại Koenigsberg. Pyotr ra lệnh tiến nhanh qua Berlin để đến Hanover. Nhưng ông không thể thoát khỏi hai phụ nữ vì tò mò muốn gặp ông: Sophia, quả phụ của Tuyển hầu tước của Hanover và con gái, Sophia Charlotte, vợ của Tuyển hầu tước của Brandenburg. Cô này đang đến thăm bà mẹ ở Hanover khi chồng cô, Tuyển hầu tước Friedrich III, đang tiếp đãi Pyotr ở Koenigsberg. Nghe tin Pyotr đã lên đường, cô tức tốc dẫn theo bà mẹ, các anh em và con cái đi vội đến thị trấn Koppenbrügge, rồi cho thị thần đi mời Pyotr đến dùng bữa tối.

Lúc đầu, Pyotr từ chối khi thấy phái đoàn Đức và đám đông dân địa phương đang tập trung ngoài cổng, nhưng vì viên thị thần nài nỉ, Pyotr chấp thuận và tin rằng chỉ có gia đình Sophia Charlotte. Khi gặp hai vị Tuyển hầu tước phu nhân, Pyotr ấp úng, đỏ mặt và không thể nói nên lời. Dù sao, họ cũng là những phụ nữ quý tộc có học thức ở phương Tây đầu tiên mà Pyotr gặp; phụ nữ phương Tây ông gặp ở Nga chỉ là giới trung lưu, vợ và con gái các thương nhân và sĩ quan sống ở Khu Ngoại ô Đức. Nhưng hai Tuyển hầu tước phu nhân này là những nhân vật đặc biệt ngay cả ở Tây Âu. Sophia của Hanover, lúc ấy đã 67 tuổi, sau này được chỉ định kế vị Nữ hoàng Anne của nước Anh, nhưng không may qua đời trước Nữ hoàng. Con trai của bà, George Louis, kế thừa cả hai tước hiệu của bà, sau này trở thành Tuyển hầu tước của Hanover kiêm Vua George I của nước Anh. Con gái bà, Sophia Charlotte của Brandenburg, lúc ấy 29 tuổi, đã từng được chỉ định làm vợ của cháu nội Louis XIV, nhưng cuộc hôn nhân không thành vì lý do chính trị.
Đối diện với hai phụ nữ tôn quý này, Pyotr chỉ biết lấy hai tay che mặt và thì thầm bằng tiếng Đức: “Tôi không biết nói gì.” Nhận thấy ông đang bối rối, hai phụ nữ mời ông ngồi giữa hai người ở bàn ăn rồi bắt đầu chuyện trò. Chỉ một lúc, ông đã hết xấu hổ và nói năng tự nhiên. Bữa tiệc kéo dài 4 giờ, rồi Sophia Charlotte ra lệnh cho bắt đầu âm nhạc và khiêu vũ. Thoạt đầu Pyotr từ chối khiêu vũ, viện cớ không mang găng tay, nhưng một lần nữa hai phụ nữ làm cho ông đổi ý. Quay vòng với họ, ông cảm nhận những vật lạ dưới làn áo của họ: xương cá voi trong áo nịt ngực. Ông lớn tiếng nói với các bạn của mình: “Mấy phụ nữ Đức này có xương như quỷ sứ!” Các phụ nữ đều vui thích.
Pyotr thích thú tột độ. Ông ra lệnh cho đám người lùn của mình khiêu vũ, đặt những nụ hôn lên trán của Công nương Sophia Dorothea, 10 tuổi, tương lai là mẹ của Friedrich Đại đế. Ông cũng ôm hôn Hoàng tử George, 14 tuổi, sau này là Vua George II của nước Anh.
Suốt buổi tối, hai vị Tuyển hầu tước phu nhân quan sát cặn kẽ Pyotr, thấy ông vượt xa hình ảnh một kẻ thô lậu mà họ nghe qua lời đồn đại. Vị Tuyển hầu tước phu nhân mẹ, có kinh nghiệm phán xét người, cho ý kiến như sau:
Ông ấy có tinh thần sống động, sự ứng đối nhanh nhẹn và công tâm. Nhưng, với tất cả lợi điểm mà thiên nhiên đã phú cho ông, có thể mong rằng cách cư xử của ông bớt thô kệch… Ông rất vui vẻ, nói rất nhiều, và giữa chúng tôi phát triển tình thân hữu tốt đẹp… Đúng là chúng tôi ngồi với nhau trong thời gian lâu, nhưng chúng tôi sẽ lấy làm vui nếu được ngồi lâu hơn mà không hề thấy chán, vì Sa hoàng có tư cách rất vui vẻ và không bao giờ ngưng tiếp chuyện chúng tôi…
Tôi hỏi ông ấy thích đi săn không. Ông đáp cha của ông rất thích, nhưng riêng ông, từ lúc còn trẻ, đã thích đi thuyền và bắn pháo bông. Ông ấy nói với chúng tôi rằng chính ông làm công việc đóng tàu, cho chúng tôi xem hai bàn tay của ông và bảo chúng tôi sờ những chỗ chai sần do công việc gây ra…
… Ông ấy là một người rất khác thường. Không thể nào mô tả ông ấy, hoặc ngay cả cho ý kiến về ông, trừ khi đã gặp ông. Ông có tâm hồn rất tốt và có tình cảm cao thượng một cách đặc biệt… Ông có tính tốt lẫn nết xấu; tố chất của ông đúng như đất nước của ông. Nếu có nền giáo dục tốt hơn, ông sẽ là một người xuất chúng, vì ông có những đức tính vĩ đại và trí thông minh vô bờ theo thiên bẩm.
Hà Lan
Vào nửa cuối thế kỷ 17, Hà Lan đang cực thịnh về quyền lực và uy thế. Với số dân 2 triệu người, chuyên cần, sống chen chúc trên một mảnh đất nhỏ bé, Hà Lan là quốc gia giàu có nhất, đô thị hóa rộng nhất và tập hợp nhiều chủng tộc nhất Châu Âu. Không lấy gì lạ là sự phồn thịnh của vương quốc nhỏ bé này đã khiến cho các nước lân cận ngạc nhiên và ganh tỵ; đôi khi ganh tỵ biến thành tham lam. Trong tình huống như thế, người Hà Lan dựa trên vài đặc tính quốc gia của họ để phòng chống. Họ có lòng dũng cảm, kiên cường, đầy mưu lược; và khi họ chiến đấu – lúc đầu chống Tây Ban Nha, kế đến Anh rồi sau cùng Pháp – họ chiến đấu theo cách thực dụng với tính liều mạng anh dũng và sẵn sàng hy sinh. Để bảo vệ nền độc lập và dân chủ, một dân tộc 2 triệu người duy trì đội quân lên đến 120.000 người và hải quân đứng hàng thứ hai trên thế giới.
Giống như nền tự do, sự phồn thịnh của Hà Lan dựa trên tố chất khéo léo và cần cù. Trong mỗi nước Châu Âu vào thời này, đa số dân chúng sống bám lấy mảnh đất của họ, sử dụng phương pháp nuôi trồng thô sơ để kiếm miếng ăn và chỉ còn dư chút đỉnh để cung cấp cho thành thị. Trái lại, cứ mỗi nông dân Hà Lan có thể nuôi hai người khác, nhờ đạt sản lượng hoa màu cao hơn, thu hoạch nhiều bơ sữa hơn từ đàn bò, nhiều thịt hơn từ đàn heo của họ. Vì thế, hơn phân nửa dân số Hà Lan không phải sống nhờ nghề nông, mà tham gia vào các ngành thương mại, công nghiệp và hàng hải.
Thương mại và hàng hải là nguồn gốc tổng sản lượng khổng lồ của Hà Lan. Hai cảng Amsterdam và Rotterdam nằm ở hai cửa của Sông Rhine, là giao điểm của các con kênh và sông quan trọng ở Châu Âu, và của các đại dương trên thế giới. Hầu như mọi thứ xuất ra và nhập vào Châu Âu được vận chuyển lên xuống dọc bờ biển và xuyên biển, đều đi ngang Hà Lan. Thiếc của Anh, lông cừu Tây Ban Nha, sắt Thụy Điển, rượu vang Pháp, lông thú Nga, hương liệu Ấn Độ, gỗ Na Uy, lông cừu của Ailen, đều được vận chuyển đến Hà Lan để qua phân loại, tinh chế, dệt, pha trộn, lựa chọn rồi được xuất ra lại trên những đường hàng hải và đường sông.
Để chuyên chở những hàng hóa này, Hà Lan hầu như nắm độc quyền ngành hàng hải của thế giới. Bốn nghìn tàu hàng hải của Hà Lan – nhiều hơn tất cả đội thương thuyền của các nước còn lại trên thế giới cộng lại – đi khắp đại dương. Các công ty Hà Lan East India (Đông Ấn) thành lập năm 1602 và West India (Tây Ấn) thành lập sau đó đều có văn phòng ở mỗi cảng chính trên thế giới. Những dịch vụ mới hình thành ở Amsterdam để bảo vệ và kích cầu thương mại: bảo hiểm, ngân hàng, thị trường chứng khoán, xưởng in… Tài sản đem lại sự tự tin, sự tự tin đem lại tín dụng, tín dụng đẻ thêm tài sản, để rồi uy thế và tiếng tăm của Hà Lan lan xa thêm. Hà Lan là mẫu mực đích thực của một đất nước thương nghiệp thành công và giàu có, một thiên đường mậu dịch mà tuổi trẻ từ mọi nước Châu Âu theo đạo Tin Lành – đặc biệt là Anh và Scotland – đều muốn đến để học hỏi những kỹ năng xuất chúng về thương mại và tài chính.
Ở Nga, khi trò chuyện với thợ đóng tàu và thuyền trưởng, Pyotr thường nghe nói đến địa danh Zaandam. Cách Amterdam 16 kilômét về hướng bắc, thành phố này được cho là nơi đóng những con tàu tốt nhất trên cả nước Hà Lan. Có đến 350 con tàu được đóng mỗi năm trong 50 xưởng đóng tàu tư nhân, với tiến độ và chuyên môn cao đến mức chỉ mất 5 tuần từ lúc khởi công cho đến khi con tàu sẵn sàng ra khơi. Qua nhiều năm, Pyotr đã nung nấu ý muốn được viếng thăm và học nghề đóng tàu ở Zaandam. Bây giờ, ông nói với thuộc hạ rằng mình sẽ lưu lại Zaandam suốt mùa thu và mùa đông để học đóng tàu. Khi đến Sông Rhine ở Emmerich gần biên giới Hà Lan, ông nôn nóng đến mức thuê một con thuyền, để phần lớn phái bộ đi sau, xuôi dòng sông ngang qua Amsterdam mà không dừng lại để nghỉ ngơi.

Sáng sớm Chủ Nhật, ngày 18/8/1697, khi cùng sáu thuộc hạ đang đi thuyền trên một con kênh dẫn đến Zaandam, Pyotr nhận ra một khuôn mặt quen thuộc trên một thuyền chèo đang đi câu lươn. Đấy là Gerrit Kist, thợ rèn người Hà Lan, trước đó làm việc với Sa hoàng ở Moskva. Quá vui mừng vì gặp người quen, Pyotr cất tiếng chào hỏi. Bị dứt ra khỏi luồng suy tư và ngước lên trông thấy vị Sa hoàng nước Nga đang ngồi thuyền đi ngang, Kist gần như rơi xuống nước. Lái thuyền vào và nhảy lên bờ, Pyotr phấn khích ôm ông thợ người Hà Lan và bắt ông thề không được tiết lộ Sa hoàng đang hiện diện ở đây. Rồi khi được biết rằng Kist đang sống gần đấy, vị Sa hoàng lập tức tuyên bố sẽ đến ngụ với ông người Hà Lan. Kist từ chối vì nhà ông quá nhỏ và nghèo nàn đối với một quân vương, nên đề nghị vị khách ngụ trong nhà một bà quả phụ sát phía sau nhà của mình. Với khoản tiền 7 florin, bà quả phụ được thuyết phục dời đến ở với cha của bà. Thế là, chỉ trong vài giờ, Pyotr vui mừng thu xếp vào sống trong một ngôi nhà gỗ gồm hai phòng nhỏ, hai cửa sổ, một căn bếp và giường ngủ che màn, thiếu thoáng khí, ngắn đến mức ông không thể duỗi chân được thẳng. Hai người tùy tùng ở cùng với ông; bốn người khác thuê chỗ trọ gần đó.

Ngôi nhà nơi Pyotr lưu lại trong 8 ngày được gìn giữ làm di tích lịch sử, có tên theo tiếng Hà Lan là “Pieterhaus” (nhà của Pyotr). Được xây năm 1632, hiện nay đây là ngôi nhà gỗ lâu đời nhất ở Hà Lan. Thêm một ý nghĩa đối với Pyotr là ông đến ngụ để học đóng tàu, trong khi ngôi nhà được xây cho công nhân ở bằng gỗ tái sử dụng từ những con tàu cũ.

Sáng sớm Thứ Hai, Pyotr vội mua đồ nghề làm mộc rồi đi đến xưởng đóng tàu tư nhân Lynst Rogge để xin việc làm, khai tên là Pyotr Mikhailov. Ông làm việc một cách vui sướng, luôn hỏi han người quản đốc tên gọi của mọi thứ ông trông thấy. Sau giờ làm việc, ông đi thăm viếng những người vợ và cha mẹ của các thợ đóng tàu Hà Lan đang còn làm việc ở Nga, cho họ biết là ông đã làm việc bên cạnh con trai và chồng của họ, và thích chí cho biết: “Tôi cũng là thợ mộc.” Ông đến thăm quả phụ của một người thợ mộc Hà Lan đã qua đời ở Nga, mà lúc trước ông đã gửi tặng bà 500 florin. Bà nói với ông rằng bà thường cầu nguyện có cơ hội được nói với Sa hoàng món tiền ấy có ý nghĩa đối với bà như thế nào. Cảm động và vui sướng, Pyotr cùng ngồi ăn bữa tối với bà.
Dù Pyotr muốn giấu tung tích, bí mật vẫn bốc hơi nhanh chóng. Vào sáng Thứ Hai, Pyotr đã ra lệnh cho tùy tùng của mình ăn mặc theo kiểu Hà Lan, nhưng dù vậy, những người Nga này trông không giống người Hà Lan. Chiều cao quá khổ của Pyotr khiến ông không thể che giấu tung tích; đến Thứ Ba mọi người ở Zaandam đã biết rằng có “một nhân vật rất quan trọng” đang ở trong thành phố. Vị Thị trưởng ra lệnh cấm dân cư Zaandam quấy rầy “những người khách quý muốn giữ kín tung tích.”
Chẳng bao lâu, vị “khách quý” được nhận diện chính xác. Một thợ đóng tàu làm việc ở Nga viết thư về nhà cho ông bố rằng Đại Phái bộ Sứ thần đang viếng thăm Hà Lan và có lẽ Sa hoàng cũng tháp tùng, vẫn giấu tung tích. Anh này cho bố biết rằng dễ nhận ra Pyotr nhờ chiều cao đặc biệt, đầu và cánh tay trái hay run rẩy, và có một mụn cóc trên gò má bên phải. Ngày Thứ Tư, ông bố vừa đọc bức thư cho mọi người nghe trong hiệu cắt tóc thì đúng lúc một người có tầm vóc cao bước vào với nhân dạng chính xác như đã mô tả trong thư người con. Chủ nhân của hiệu cắt tóc truyền bá nhanh tin đặc biệt này, cho biết người có chiều cao ấy chính là Sa hoàng nước Nga. Để xác nhận tin này, dân cư đổ xô đến tìm Kist, người đang chứa chấp vị khách lạ và được biết đã quen biết Sa hoàng khi còn làm việc ở Nga. Vì giữ lời hứa với Pyotr, Kist một mực giấu giếm cho đến khi vợ ông cất tiếng: “Thôi đi, tôi không thể chịu đựng được nữa. Đừng nói dối nữa.”
Dù bí mật của Pyotr đã bị lộ, ông vẫn muốn giấu hành tung. Ông từ chối lời mời chiêu đãi của những thương nhân hàng đầu của Zaandam, của thị trưởng và hội đồng thành phố. Ông trả lời rằng không có nhân vật quan trọng nào hiện diện; Sa hoàng chưa đến. Khi một thương nhân hàng đầu đến tìm những người tùy tùng của Pyotr để mời đoàn đến ngụ trong một ngôi nhà rộng với vườn cây ăn trái, họ trả lời rằng đoàn không phải thuộc giới quý tộc mà chỉ là gia nhân, và chỗ cư ngụ hiện tại đã đủ rộng.
Tin tức về sự xuất hiện của Sa hoàng nước Nga nhanh chóng được đồn thổi khắp Hà Lan. Nhiều người nhất quyết không tin; họ còn đánh cược với nhau. Hai thương nhân vốn đã gặp Pyotr ở Arkhangelsk vội đi đến Zaandam. Khi nhìn thấy Pyotr trong nhà trọ vào sáng Thứ Năm, họ bước ra, mặt tái nhợt vì kích xúc, cho biết: “Chắc chắn đó là Sa hoàng, nhưng làm thế nào và tại sao ông ấy đang ở đây?” Một người quen biết khác ở Arkhangelsk nói với Pyotr rằng ông cảm thấy lạ lùng khi thấy Sa hoàng trong bộ quần áo công nhân ở Hà Lan. Pyotr chỉ trả lời ngắn gọn: “Ông đã thấy rồi,” và không muốn nói thêm gì nữa.
Ngày Thứ Năm, Pyotr mua một chiếc thuyền buồm, tự tay ông lắp cột buồm mới cùng những phụ tùng khác. Khi mặt trời mọc vào sáng hôm sau, ông dong thuyền đi dọc theo Sông Ij. Chiều ấy, ông thấy một đội thuyền lướt đến muốn tháp tùng ông. Để lẩn tránh họ, ông lái thuyền vào và nhảy lên bờ, lại thấy một đám đông bao quanh, chen lấn nhau để nhìn được ông như thể ông là con vật trong vườn thú. Quá tức giận, Pyotr đánh lên đầu một người đứng gần, khiến cho đám đông thốt lên với nạn nhân: “Hoan hô! Anh đã được phong hiệp sĩ!” Đến lúc này, đám người trên bờ và trên các thuyền mỗi lúc mỗi đông, đến nỗi Pyotr phải vào trốn trong một quán rượu cho đến khuya rồi mới trở về Zaandam.

Ngày tiếp theo là Thứ Bảy, Pyotr muốn quan sát một công tác khó khăn là kéo một chiếc tàu to ngang qua mặt đê bằng bánh lăn và tời. Để bảo vệ ông, người ta dựng một hàng rào ngăn cách chỗ ông đứng mà không bị đám đông chen lấn. Nhưng tin tức về sự xuất hiện của Sa hoàng ở đây đã lan rộng thêm, nên có thêm nhiều người đến từ những miền xa như Amsterdam, giẫm đạp lên hàng rào. Khi thấy các khung cửa sổ và mái của những ngôi nhà chung quanh dầy đặc những người, Pyotr không muốn đi ra ngoài. Ngay cả khi vị Thị trưởng đến thuyết phục ông bước ra, ông vẫn từ chối, cứ luôn kêu khổ: “Nhiều người quá! Nhiều người quá!”
Ngày Chủ Nhật, thêm nhiều chiếc thuyền chật ních người từ Amterdam kéo đến. Đội quân bảo vệ trên các cây cầu của Zaandam được tăng cường gấp đôi, nhưng dân chúng vẫn xô đẩy họ ra. Suốt ngày Pyotr không dám bước ra khỏi nhà. Bị giam hãm bên trong, với nỗi giận dữ và thất vọng sục sôi, Pyotr khẩn cầu hội đồng thành phố đang bối rối phải ra tay giúp đỡ, nhưng họ không thể làm gì được khi làn sóng người càng ập đến đông thêm từng phút. Pyotr đành phải chọn giải pháp cuối cùng là rời Zaandam. Chiếc thuyền của ông được chuyển đến gần nhà trọ. Pyotr phải dùng tất cả sức mạnh chân tay để chen qua giữa rừng người rồi bước lên thuyền. Dù gió buổi sáng đã mạnh lên giống như cơn bão, Pyotr vẫn quyết định ra đi, mặc cho những người chèo thuyền có kinh nghiệm can ngăn. Ba tiếng đồng hồ sau, ông đến Amsterdam, nhưng ở đây cũng có một đám đông chen lấn để muốn thấy mặt ông. Một lần nữa, vài người lãnh cú đấm từ vị Sa hoàng đang giận dữ. Cuối cùng, ông đi đến một quán trọ đã được đăng ký cho Đại Phái bộ Sứ thần.
Đến đây là chấm dứt giấc mơ thăm viếng Zaandam. Không thể nào làm việc trong một xưởng đóng tàu rộng mở và cũng không thể thong dong đi lại trong thành phố, nên kế hoạch lưu lại vài tháng bị rút lại còn một tuần sống ở đây. Việc học nghề dự kiến ở Zaandam phải chuyển đến Amsterdam. Ngày 25/8/1697, ông đến Amsterdam.
Vào thời của Pyotr, Amsterdam là cảng biển lớn nhất và thành phố giàu có nhất Châu Âu. Được xây nơi hai con sông Amstel và Ij giao nhau, thành phố vươn lên từ mặt nước. Những cây cừ được đóng xuống đất để tạo nền móng, và nước chảy qua thành phố theo những con kênh đồng tâm – có năm con kênh như thế vào thời của Pyotr. Mỗi kênh có nhiều kênh nhỏ hơn cắt ngang dọc, nên cả thành phố như là nổi trên mặt nước, gồm 70 hòn đảo được nối với nhau bằng 500 cây cầu uốn cong trên các kênh để thuyền và sà lan đi qua bên dưới. Bức tường thành được xây kế con kênh ngoài cùng, nên con kênh tự nó biến thành một con hào nhân tạo bảo vệ thành phố. Dọc theo mặt thành là những vọng gác kiên cố nhưng chỉ được sử dụng làm mục đích phụ. Trên nóc mỗi vọng gác và rải rác trên nhiều vùng chung quanh, người Hà Lan đặt cối xay gió để bơm nước từ đất liền cho thoát ra biển.

Cấp lãnh đạo của thành phố lấy làm tự hào với Tòa Thị chính xây trên 13.659 cây cừ và được xem như Kỳ quan thứ Tám của thế giới. Hiện nay, đây là hoàng cung. Khắp thành phố là nhà máy bia, đường, giết mổ gia súc, luyện sắt; nhà kho chứa thuốc lá, cà phê, hương liệu; cùng lò làm bánh – mỗi loại đều đóng góp nét kiến trúc và mùi đặc trưng của nó vào vẻ đa dạng.

Nước và tàu thuyền hiện diện khắp nơi. Rẽ qua bất cứ hướng nào, người ta cũng đều thấy buồm. Dọc theo những con kênh, người đi bộ phải bước qua dây thừng, vòng sắt để buộc tàu, súc gỗ, thùng phuy, mũi neo, ngay cả đại bác. Cả thành phố như là công xưởng đóng tàu. Và bến cảng đầy những tàu thuyền lớn nhỏ khác nhau, từ thuyền đánh cá đến thuyền buồm 3 cột, đến chiến hạm với 80 đại bác – tất cả đều thể hiện nét thiết kế của Hà Lan. Ở đầu phía đông của bến cảng là Công ty East India với những cầu tàu và tường dốc của cơ sở đóng tàu.
Pyotr lưu lại 4 tháng ở xưởng đóng tàu này.

Phái bộ Nga được đón tiếp theo nghi lễ hoàng gia tại Cleves gần biên giới, được cấp bốn thuyền buồm lớn và nhiều cỗ xe ngựa kéo để tùy ý sử dụng. Những nhà lãnh đạo của thành phố thấu hiểu tầm quan trọng của phái bộ này về tiềm năng thương mại với nước Nga trong tương lai, nên trọng thị họ một cách đặc biệt.
Việc tiếp đón gồm những chuyến thăm viếng theo nghi thức đến Tòa Thị chính, Bộ Tư lệnh Hải quân và các bến cảng, trình diễn nhạc kịch và balê, cùng những buổi chiêu đãi kết thúc bằng pháo hoa. Trong những dịp này, Pyotr có cơ hội trò chuyện với Thị trưởng Amsterdam là Nicholas Witsen. Một trong những đam mê của ông này là tàu thuyền, và ông cho Pyotr xem bộ sưu tập của mình gồm những mô hình tàu thuyền, dụng cụ hải hành và đồ nghề dùng trong việc đóng tàu. Witsen bị cuốn hút vì nước Nga và trong một thời gian dài, cùng với công việc khác, ông đóng vai trò là bộ trưởng không chính thức của Nga ở Amsterdam.
Pyotr cũng dự một cuộc tập trận thuyền buồm ngày 01/9/1697. Ông quan sát cặn kẽ, quá thích thú nên yêu cầu phía Hà Lan tổ chức một cuộc tập trận khác vài tuần sau đó.

Trong những tháng Pyotr lưu lại Amsterdam, ông và vị Thị trưởng đàm luận với nhau hằng ngày, và Pyotr nói lại với Witsen vấn đề liên quan đến các đám đông ở Zaandam và Amsterdam. Làm thế nào ông có thể làm việc một cách yên tĩnh để học nghề đóng tàu, trong khi bị bao quanh bởi người tò mò lạ mặt nhìn chằm chằm như thế? Witsen có ngay một đề xuất. Pyotr đến làm việc trong những xưởng của Công ty East India, được bao bọc chung quanh bằng tường rào và không cho phép người ngoài xâm nhập. Pyotr vui mừng với ý kiến này, và Witsen với vai trò là một trong các giám đốc của công ty đã nhận lời thu xếp. Ngày hôm sau, hội đồng quản trị Công ty biểu quyết để chấp nhận “một nhân vật cấp cao muốn giấu tung tích” vào làm việc trong xưởng và dành riêng ngôi nhà của một đốc công nhằm tạo thuận tiện cho ông có thể đến ở và làm việc mà không bị quấy rầy. Hơn nữa, để hỗ trợ ông trong việc học nghề đóng tàu, hội đồng quản trị ra lệnh đặt ki một tàu khu trục mới, để ông và tùy tùng có thể tham gia và quan sát kỹ thuật của Hà Lan ngay từ lúc khởi công.
Tối hôm ấy, trong tiệc chiêu đãi chính thức do Tòa Thị chính tổ chức, Witsen thông báo cho Sa hoàng rõ về quyết định của hội đồng quản trị. Pyotr vui mừng tột độ, và tuy thích ngắm pháo bông, ông cảm thấy khó mà kiên nhẫn. Khi đợt bắn pháo bông chấm dứt, ông đứng bật dậy và tuyên bố muốn đi Zaandam ngay giữa đêm khuya, để mang về đồ lề của mình hầu có thể bắt đầu công việc sáng hôm sau. Cả hai bên Nga và Hà Lan đều không thể ngăn cản ông, và lúc 11 giờ khuya ông bước xuống chiếc thuyền buồm của mình rồi ra đi. Sáng hôm sau ông quay lại, đi ngay đến Công ty East India. Mười “tình nguyện viên” Nga cùng đi với Pyotr, trong khi những người còn lại nhận lệnh ông tản ra khắp bến cảng để học các ngành nghề hải hành khác nhau.
Ba tuần lễ đầu là thu thập và chuẩn bị những loại gỗ cùng những vật liệu khác. Để trình bày cho Pyotr thấy chính xác phải làm thế nào, phía Hà Lan bày ra mọi mảnh vật liệu trước khi đặt ki. Khi mỗi mảnh được ghép vào vị trí của nó, con tàu được lắp ráp nhanh chóng, dài 30 mét, được đặt tên Tông đồ Pyotr và Paul, và Pyotr nhiệt tình làm việc theo mỗi công đoạn lắp đặt.

Hằng ngày, Pyotr đi đến xưởng lúc bình minh, vác trên vai những món đồ nghề giống như những công nhân khác. Ông không cho phép có sự đối xử phân biệt nào giữa ông và họ, cũng nhất quyết không nhận câu xưng hô theo tước hiệu nào. Trong giờ rảnh rỗi, ông thích ngồi trên một súc gỗ, trò chuyện với thủy thủ hoặc thợ đóng tàu hoặc bất cứ ai gọi ông là “Thợ mộc Pyotr” hoặc “Anh Pyotr.” Ông tảng lờ hoặc quay đi hướng khác khi có ai gọi ông là “Bệ hạ” hoặc “Ngài.” Khi có hai nhà quý tộc Anh đến để mong được nhìn thấy Sa hoàng làm việc như một công nhân, người đốc công gọi đến ông: “Thợ mộc Pyotr, sao không đến giúp các bạn?” nhằm để chỉ ra ai là Pyotr. Không nói một lời, Pyotr bước qua, ghé vai dưới một súc gỗ mà vài người đang cố sức nâng lên để đặt vào đúng vị trí.
Pyotr hài lòng với căn nhà dành riêng cho ông. Vài người tùy tùng sống chung với ông theo cung cách như công nhân bình thường. Lúc đầu, nhà bếp của quán trọ nấu thức ăn cho Pyotr, nhưng ông không thích việc này, mà muốn được hoàn toàn độc lập. Ông không dùng bữa theo giờ nhất định; ông thích ăn bất cứ lúc nào thấy đói. Phía Hà Lan dàn xếp cung cấp cho ông củi và thực phẩm, rồi để ông tự lo liệu. Từ lúc này, tự tay Pyotr nhóm bếp và nấu thức ăn cho mình như một thợ mộc giản đơn.
Có một lần, Pyotr thể hiện uy quyền với hai thuộc hạ, đều là quý tộc đi cùng Đại Phái bộ Sứ thần. Nghe tin hai người này phê phán ông, nói ông nên hành xử theo đúng cương vị Sa hoàng thay vì tự hạ thấp mình, ông nổi cơn thịnh nộ, ra lệnh xiềng hai người lại trước khi đem họ đi hành quyết. Witsen can thiệp, yêu cầu Pyotr nhớ rằng ông đang ở trên đất Hà Lan, không ai ngoại trừ tòa án Hà Lan có thể thi hành án tử hình. Rốt cuộc, ông miễn cưỡng chấp nhận giải pháp dung hòa, đày hai người đến hai thuộc địa xa xôi nhất của Hà Lan: một người đi Batavia và người kia đi Surinam.
Bên ngoài xưởng đóng tàu, tính hiếu kỳ của Pyotr là vô bờ. Ông đi đến các thành phố và thị trấn như Leiden, Haarlem, Den Haag, Delft, Utrecht, Dordrecht. Ông muốn chính mắt mình được nhìn thấy mọi thứ. Ông đến những nhà máy chế biến, xưởng cưa, xưởng se sợi, nhà máy giấy cơ xưởng, viện bảo tàng, vườn thực vật và phòng thí nghiệm. Ở nơi nào, ông cũng hỏi “Cái này để làm gì? Nó vận hành như thế nào?” Ông gặp gỡ kiến trúc sư, nhà điêu khắc, kỹ sư… Ở Delft, ông đến gặp Nam tước von Coehorn, chuyên gia xây công sự nổi tiếng, để học kỹ thuật xây pháo đài.
Vài lần ông đến thăm giảng đường và phòng thí nghiệm của Frederick Ruysch, vừa là giáo sư giải phẫu học nổi danh toàn Châu Âu vừa là giáo sư thực vật học. Pyotr trở nên chú tâm đến khoa giải phẫu đến nỗi thấy khó mà ra về; ông muốn ở lại và quan sát thêm. Ông dùng bữa tối cùng Ruysch, lắng nghe lời tham mưu của Giáo sư về cách chọn lựa bác sĩ giải phẫu để mời về phục vụ cho lục quân và hải quân Nga. Pyotr bị lôi cuốn vào môn giải phẫu học và sau đấy tự xem mình có trình độ như y sĩ giải phẫu. Dù sao đi nữa, ông có thể hỏi: Có mấy ai ở Nga được cơ hội học với Giáo sư Ruysch nổi tiếng?
Những năm về sau, Pyotr luôn mang theo người hai chiếc hộp: một đựng dụng cụ toán học để kiểm tra đề án xây dựng đệ trình lên ông, còn hộp kia đựng dụng cụ giải phẫu. Ông ra lệnh báo cho ông biết ca giải phẫu đáng để ý gần đấy, và khi hiện diện ông thường làm trợ lý và tiếp thu kỹ năng tiểu giải phẫu. Gia nhân của ông khi đau yếu thường giấu ông vì sợ Sa hoàng sẽ xuất hiện bên giường bệnh với chiếc hộp dụng cụ giải phẫu để ngỏ lời – và thường là bắt họ phải chấp nhận – cho ông làm công việc giải phẫu trên người họ.
Ở Leyden, ông đến thăm Tiến sĩ Boerhaave nổi danh, phụ trách một vườn thực vật phong phú, cũng là giảng viên môn giải phẫu học, và khi Boerhaave hỏi ngày giờ vị khách muốn đến thăm, Sa hoàng chọn sáu giờ sáng hôm sau. Ông cũng đến xem phòng thí nghiệm giải phẫu học của Boerhaave nơi đặt một xác người. Lúc Pyotr đang say mê xem xét cái xác thì ông nghe tiếng xầm xì lộ vẻ ghê tởm của một người tùy tùng. Trong nỗi kinh hoàng của chuyên gia Hà Lan, ông điên tiết ra lệnh cho người tùy tùng này tiến đến cái xác, cúi xuống và dùng răng cắn rứt một miếng thịt của cái xác.
Ở Delft, ông đến thăm nhà thiên nhiên học nổi tiếng Anton van Leeuwenhoek, người cải tiến kính hiển vi. Pyotr hỏi chuyện ông này trong hai giờ đồng hồ và nhìn qua món thiết bị kỳ diệu mà nhờ nó, Leeuwenhoek đã khám phá ra tinh trùng.
Những lúc rảnh rỗi ở Amsterdam, ông thơ thẩn đi bộ trong thành phố, ngắm nhìn người tất bật qua lại, xe ngựa kéo long cong qua những chiếc cầu, hàng nghìn con thuyền ngược xuôi những con kênh. Ông đi đến khu chợ ngoài trời Botermarket, nơi chất đống hàng hóa đủ loại. Ông thích thú xem nghệ sĩ đường phố biểu diễn, thợ nhổ răng hành nghề bằng dụng cụ khác thường mà ông học hỏi và sau này thí nghiệm với gia nhân. Ông học cách vá quần áo của mình và từ người thợ đóng giày học cách đóng một đôi dép cho riêng mình.
Quan sát sự phồn vinh của Hà Lan, Pyotr tự hỏi làm thế nào dân tộc của mình, với đồng cỏ và rừng bao la, lại sản xuất chỉ đủ nuôi sống họ; trong khi ở Amsterdam, với những cầu tàu, nhà kho và rừng cột buồm, lại có thể tích lũy của cải nhiều hơn cả đất nước Nga bao la. Pyotr nhận thức một nguyên nhân: thương mại, nền kinh tế dựa trên hải hành, sự làm chủ đội thương thuyền. Ông nhất quyết lao mình vào việc tạo dựng những điều kiện như thế cho nước Nga. Một nguyên nhân khác là sự phóng khoáng về tôn giáo. Vì nền thương mại quốc tế không thể phát triển trong môi trường học thuyết hoặc định kiến tôn giáo hẹp hòi, Hà Lan của đạo Tin Lành đi theo con đường phóng khoáng nhất về tôn giáo thời bấy giờ. Chính những giáo dân Calvin trốn lánh khỏi sự đàn áp của Vua James I của Anh năm 1606 được cho tá túc tại Hà Lan, rồi một thập kỷ sau di cư sang Mỹ. Cũng chính giáo dân Tin Lành trốn lánh khỏi sự đàn áp của Hoàng đế Louis của Pháp được đón tiếp ở Hà Lan. Suốt thế kỷ 17, Hà Lan giữ địa vị là kho tàng tri thức và nghệ thuật cũng như là trung tâm kinh tế cho cả Châu Âu. Cũng vì tư tưởng phóng khoáng về tôn giáo và ý chí bảo vệ sự độc tôn thương mại mà người Hà Lan kiên cường chống lại những mưu đồ lớn lao của nước Pháp Thiên chúa giáo dưới triều Louis XIV. Óc tò mò của Pyotr bị kích thích từ không khí phóng khoáng về tôn giáo này. Ông đến thăm nhiều nhà thờ Tin Lành ở Hà Lan và hỏi han các giáo sĩ nhiều điều.
Pyotr được Toàn quyền Hà Lan (sau này cũng là Vua William III của Anh quốc) điều con thuyền đang phục vụ mình mang tên Royal Transport (có nghĩa: Chuyển vận Hoàng gia) để phục vụ ông trong các chuyển hải hành tiếp theo. Con thuyền này mang những đặc tính kỹ thuật độc đáo, đi trước công nghệ đóng tàu hiện hành cả trăm năm. Sau này, một bản sao của con thuyền được đóng ở Sankt-Peterburg theo nguyên mẫu của chiếc Royal Transport.
Trong một thế giới luôn xâu xé nhau, Hà Lan phải chiến đấu cật lực để kiến tạo và duy trì tài sản, uy thế của họ. Nước cộng hòa này được khai sinh trong cuộc đấu tranh vào thế kỷ 16 của các tỉnh theo đạo Tin Lành để thoát ra khỏi kìm kẹp của Tây Ban Nha. Giành độc lập năm 1559, với kỹ năng và quyết tâm, Hà Lan phát triển lực lượng hải quân để đánh bại các đô đốc Tây Ban Nha, kế thừa đường thương mại hàng hải của nước này và đặt nền móng cho đế quốc hải ngoại trong tương lai. Nhưng khi Hà Lan nổi lên, hai nước láng giềng hùng mạnh nhất là Pháp và Anh lại trở nên ganh tỵ và thèm muốn. Ba cuộc chiến hải quân xảy ra giữa Anh và Hà Lan. Chính trong cuộc chiến thứ hai mà một hạm đội Anh dưới quyền chỉ huy của em trai nhà vua, Quận công Xứ York (sau này là Vua James II), chiếm được cảng New Amstersdam bên Mỹ và đặt tên cho một ngôi làng nằm ở mũi hòn đảo Manhattan theo tên của mình, tức là “New York”. Sau đó, Hải quân Hà Lan trả đũa, bắn phá cửa sông Thames rồi tiến đến căn cứ hải quân chính của Anh, đốt cháy bốn chiến hạm và kéo đi chiến hạm Royal Charles, niềm hãnh diện của hải quân Anh. Trong các cuộc chiến này, Hà Lan sử dụng tàu chiến nhỏ để đối đầu với chiến hạm Anh nặng nề, và trở thành quốc gia duy nhất đã từng chiến thắng Hải quân Anh.
Trên đất liền, Hà Lan phải chống chọi cuộc xâm lăng của Pháp. Đối với những người chung quanh Hoàng đế Louis XIV ở Điện Versailles, sự thành công của một nước cộng hòa tí hon theo đạo Tin Lành là điều sỉ nhục đối với nước Pháp hùng mạnh, là một tội lỗi đối với tôn giáo của Pháp và, quan trọng nhất, là rào cản kiêm đối thủ đối với nền thương mại của Pháp. Louis XIV, Bộ trưởng Tài chính Colbert và Bộ trưởng Chiến tranh Louvois đều nhất trí với ý định nghiền nát người Hà Lan mới nổi. Năm 1672, với đội quân lớn nhất và thiện chiến nhất trong lịch sử Tây Âu dưới sự chỉ huy trực tiếp của Louis XIV, Pháp tiến quân mạnh mẽ cho đến khi những tháp chuông của Amsterdam hiện ra trong tầm mắt của họ. Hà Lan xem như chấm dứt… hoặc đáng lẽ như thế nếu không có một nhân vật nổi lên, đi vào lịch sử như là một trong những gương mặt xuất chúng nhất trong thế kỷ 17: Vương công Orange.
William, Vương công Orange, cũng là Tổng đốc Hà Lan và sau này kiêm Vua William III nước Anh, có lẽ là gương mặt chính trị đáng kể nhất mà Pyotr gặp gỡ trong cuộc đời ông. Lúc 21 tuổi, khi đội quân Pháp có vẻ như bách chiến bách thắng đã nuốt chửng phân nửa đất nước Hà Lan, William nhậm chức Tổng đốc Hà Lan kiêm Tổng Tư lệnh Tối cao quân đội và được giao nhiệm vụ đánh đuổi quân xâm lược. Ông đã thành công. Mười lăm năm sau, ở tuổi 36, ông đánh bại cuộc tiến công của Anh.
William trị vì Công quốc Orange lúc mới chào đời; cha ông qua đời một tuần trước đấy vì bệnh đậu mùa. Năm 1672, năm sinh của Pyotr, đội quân Pháp gồm 120.000 người tiến đến biên giới Hà Lan. Trông thấy quân Pháp tiến như vũ bão, dân Hà Lan kinh hãi. Chính trong giai đoạn khủng hoảng ấy mà người Hà Lan thình lình quay mặt đi như những đứa trẻ kinh hoàng, hướng về William. Ông phát biểu chương trình hành động của mình một cách thẳng thắn và ảm đạm: “Chúng ta có thể chết trong chiến hào cuối cùng.”
Trong vòng một tuần sau khi nắm quyền tư lệnh, dù qua bao nỗ lực, đội quân của ông không thể ngăn chặn bước tiến của Pháp, lúc ấy đã cách Amsterdam gần 35 kilômét. Khi mà quân Pháp chỉ cần mất một ngày là có thể tiến đến thành phố cảng lớn này, William ra lệnh phá hệ thống đê biển. Nước biển tràn vào, làm ngập lụt hoa màu và đồng cỏ, nhấn chìm nhà cửa và hoa viên, dìm chết bò và heo, khiến cho công lao khổ nhọc hàng thế kỷ phút chốc phải tiêu tán. Amsterdam trước ở vào vị trí không thể bảo vệ được, giờ trở thành một hòn đảo. Quân Pháp không có tàu thuyền, chỉ đành đứng từ xa mà ngắm nhìn thành phố họ định chiếm đóng.
Trong nỗi phiền muộn của tổng hành dinh Pháp, mặc dù quân Hà Lan đã bị tổn thất và phân nửa đất nước Hà Lan đã bị chiếm, William không muốn đầu hàng. Tuy không thể thắng được quân Pháp đông đảo hơn, các tiểu đoàn Hà Lan vẫn bám trận địa mà chờ đợi. Quân Pháp hy vọng khi mùa đông đến, họ có thể tiến trên mặt băng cứng mà tấn công Amsterdam. Nhưng mùa đông năm ấy không lạnh lắm nên băng quá mỏng, và Louis XIV trở nên bồn chồn, vì ông không bao giờ thích đưa quân Pháp đi hành quân xa xôi. Trong lúc ấy, William mở mặt trận ngoại giao. Với các nước Habsburg, Brandenburg, Hanover, Đan Mạch và Tây Ban Nha, ông vạch ra rằng sức mạnh và tham vọng của Louis XIV không chỉ là mối đe dọa cho Hà Lan, mà còn cho những nước khác. Các nước đều có ấn tượng với lý luận của ông, càng thêm ấn tượng với cuộc kháng chiến dai dẳng của Hà Lan.
Vào mùa xuân, cuộc chiến mở rộng. Đội quân nhỏ bé của William tấn công đường liên lạc và hậu cần của Pháp, khiến cho Louis XIV lo lắng thêm. Cuối cùng, sau khi tàn phá một cách có hệ thống những thị trấn họ đang chiếm đóng, quân Pháp rút lui. Chiến công này gần như là thành tựu của một người duy nhất, một chính khách mới 21 tuổi mà trong vài tháng đã nổi lên là nhà lãnh đạo quốc gia quan trọng hàng thứ hai ở Tây Âu.
Hòa bình cuối cùng đến vào năm 1678 nhưng William không bao giờ bớt nghi kỵ đối với tham vọng của Louis XIV. Ưu tư hàng đầu của ông là làm thế nào chống lại Pháp. Ông hiểu rằng không một quốc gia nào có thể đơn độc chống chọi Pháp; vì thế cả cuộc đời của ông hướng đến tạo dựng mối liên minh với các nước Châu Âu đủ mạnh để đánh lui tham vọng của Hoàng đế Pháp.
Người anh hùng trẻ tuổi nhanh chóng lớn lên thành một chính khách đầy kinh nghiệm. Ông không phải là nhà chỉ huy quân sự tài ba. Tài năng của William không phải là chiến thắng ở trận tiền – ông thường bị đánh bại – mà ở chỗ sống sót sau mỗi thất bại, ở chỗ bám lấy trận địa, ở chỗ rút lui, chịu đựng gian khổ rồi chuẩn bị cho chiến dịch kế tiếp. Thiên tài của ông nằm ở ngoại giao. Nghiêm khắc, khó thương, sôi sục, bướng bỉnh, nồng nàn – tố chất đích thực của ông là không đầu hàng trở ngại nào, xông qua mọi thứ để đạt đến mục đích của mình. Nhưng chỉ vì Hà Lan không có đủ sức mạnh để cho phép ông lộ rõ tính cách của mình, ông đành phải đè nén cảm xúc của mình, để dung hòa với các đồng minh, để chịu nhượng bộ, để nán lòng mà chờ đợi.
Trong nhiều năm, sau khi đã bảo vệ được Hà Lan, mục tiêu ngoại giao của William là kéo người bác (anh của mẹ) có tính đa nghi – Vua Charles II của Anh – đứng về phía Hà Lan để chống lại Pháp. Vào năm 1672 nước Anh trở nên trung lập. Năm 1677, để củng cố chính sách của mình, William cưới cô em họ, Công chúa Mary của Anh quốc, cháu kêu Charles II bằng bác, con gái lớn của Quận công James Xứ York. Vợ ông là con của em trai mẹ ông, vì thế liên hệ giữa hai vợ chồng là “con bác con cậu,” nếu là người Việt thì không được lấy nhau.
Năm 1685, Charles II qua đời sau 25 năm trị vì trên ngai vàng Anh; người em trai là Quận công James Xứ York lên ngôi trở thành Vua James II.
William không ghét bỏ người cậu ruột mà cũng là cha vợ, James II, nhưng rất e sợ sự hiện diện của một vua Anh theo Thiên chúa giáo, có nghĩa là thân thiện với nước Pháp theo Thiên chúa giáo để chống người theo Tin Lành ở Anh. Thế nên, ông cũng chờ đợi cái chết của James II. Nhưng ngày 20/6/1688, vợ của James II sinh hạ một con trai, thế là vị vua theo Thiên chúa giáo có một người thừa kế theo Thiên chúa giáo. Diễn biến kế tiếp không phải là vì William tham lam ngai vàng Anh, mà chỉ vì muốn Anh theo về phía Tin Lành.
Bảy nhà lãnh đạo Tin Lành được trọng vọng nhất mời William thay thế cậu ruột mà cũng là cha vợ của ông để lên ngôi vua nước Anh. Với tư cách này, ông gắn kết quyền lợi nước Anh với Hà Lan, nhưng không để bên nào chịu thiệt. Ông bắt đầu nói đến “quyền lợi chung của Châu Âu.”
Pyotr được may mắn vì William tình cờ có mặt tại Hà Lan khi Đại Phái bộ Sứ thần đến. Từ tuổi ấu thơ của Pyotr, William là vị anh hùng Tây Âu mà ông ngưỡng mộ nhất, vì ông đã nghe người nước ngoài kể nhiều chuyện về William. Vốn luôn mê say những gì thuộc về Hà Lan, muốn học những bí quyết về hàng hải của Hà Lan, hy vọng Hà Lan ủng hộ trong cuộc chiến chống quân Thổ, Pyotr tha thiết muốn gặp gỡ vị vua mà ông hằng ngưỡng mộ.
Họ hội kiến với nhau lần đầu tiên tại Utrecht; Witsen và Lefort đưa Pyotr đến. Buổi gặp gỡ hoàn toàn trong riêng tư và không nghi lễ – là cách thức hai vị quân vương đều thích. William không đáp ứng lời của Pyotr yêu cầu tham gia liên minh giữa những người Cơ đốc giáo chống quân Thổ theo Hồi giáo. William còn đang đàm phán hòa bình với Pháp và không muốn tham gia chiến tranh ở miền Đông, kẻo lực lượng của mình bị phân chia và Louis XIV chớp thời cơ ở phương Tây. Dù sao đi nữa, đề nghị của Nga không phải được chuyển một cách chính thức từ Sa hoàng đến chính William, mà qua sứ thần Nga đến các nhà lãnh đạo của Hà Lan ở The Hague.
Đại Phái bộ Sứ thần sẽ trình thư ủy nhiệm và phát biểu chính thức với triều đình Hà Lan. Vì Nga không có đại sứ quán thường trực ở nước ngoài, thành phần đông đảo trong phái bộ và nghi lễ đón tiếp họ là những vấn đề rất quan trọng đối với Pyotr. Ông muốn nghi lễ phải thật long trọng và Ryswick là một sân khấu rất thuận lợi. Những chính khách và nhà ngoại giao tiếng tăm nhất của các cường quốc Châu Âu đang có mặt ở đây để tiến hành hoặc quan sát các cuộc đàm phán hòa bình; bất kỳ chuyện gì xảy ra ở Ryswick sẽ được họ ghi nhận kỹ càng để báo cáo về mọi quân vương ở Châu Âu.
Trong nhiều ngày ở Amsterdam, các đại sứ Nga chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc triều kiến đến mức rối rắm. Họ đặt mua ba cỗ xe ngựa kéo lộng lẫy, trang phục mới cho họ và cho đoàn tùy tùng. Hai khách sạn ở The Hague được đăng ký trước, trữ đầy rượu vang và thức ăn. Pyotr nói với Witsen rằng ông muốn giấu tung tích khi đi cùng phái bộ để quan sát xem họ được đón tiếp như thế nào. Yêu cầu này khiến cho Witsen khó chiều theo, nhưng từ chối càng khó hơn. Dọc con đường từ Amsterdam đến The Hague, Pyotr luôn nhìn thấy những điều mới lạ. Khi đi ngang một cối xay gió, Pyotr hỏi: “Cái này để làm gì?” Khi nghe trả lời rằng đây là quạt gió dùng để cắt đá, ông tuyên bố: “Ta muốn xem nó!” Cỗ xe dừng lại, nhưng cửa vào quạt gió bị khóa. Ngay cả trong đêm tối, khi đi qua một cây cầu, Pyotr muốn xem xét cách xây dựng và đo kích thước. Cỗ xe dừng lại lần nữa, người ta mang đèn bão đến để soi sáng cho Sa hoàng đo chiều dài và chiều rộng của cây cầu.
Ở The Hague, Pyotr được đưa đến Khách sạn Amsterdam, vào một căn phòng đẹp với chiếc giường lộng lẫy. Ông từ chối, chọn một căn phòng nhỏ ở tầng trên cùng với một chiếc giường đơn giản. Vài phút sau, ông quyết định muốn ở chung với các đại sứ của mình. Lúc ấy là sau nửa đêm, nhưng ông kiên quyết ra lệnh lại thắng ngựa cho cỗ xe để đưa ông đến Khách sạn des Doelens. Ở đây, lại được đưa vào một căn phòng sang trọng mà ông không thích, ông đi tìm chỗ hợp ý hơn. Nhìn thấy một gia nhân của phái bộ đang ngủ trên một tấm da gấu, Pyotr lấy chân đẩy anh này, nói: “Này, này, thức dậy!” Anh gia nhân lăn qua một bên, hấm hứ. Pyotr đá anh lần nữa, thét lên “Nhanh lên, nhanh lên, ta muốn ngủ ở đây!” Lần này, anh gia nhân hiểu ra và nhảy dựng lên. Pyotr thả người lên tấm da gấu ấm áp và ngủ vùi.
Vào ngày các đại sứ Nga được dẫn vào triều kiến, Pyotr ăn mặc như là một người sang trọng của triều đình. Witsen đẩy ông vào một căn phòng nhỏ kế bên phòng khánh tiết, từ nơi đây qua một khung cửa sổ nhỏ ông có thể quan sát và nghe tất cả. Rồi ông đứng chờ các đại sứ Nga đến. Ông than phiền: “Họ đến muộn!” Ông càng thiếu kiên nhẫn hơn khi thấy mọi người luôn quay nhìn ông và nghe tiếng thì thầm truyền đi rằng Sa hoàng nước Nga đứng ở phòng bên. Quá khổ sở, ông yêu cầu Witsen ra lệnh cho các thành viên của triều đình Hà Lan quay mặt về phía khác khi ông đi qua. Witsen cho ông biết là mình không thể ra lệnh bởi họ vốn là những nhà lãnh đạo của Hà Lan, nhưng sẽ ngỏ lời yêu cầu. Họ đáp rằng họ phải đứng dậy với sự hiện diện của Sa hoàng và không chấp nhận việc quay lưng về phía Sa hoàng. Khi nghe nói thế, Pyotr che mặt ông trong bộ tóc và bước nhanh lướt qua gian phòng và đi xuống những bậc cầu thang.
Vài phút sau, các đại sứ đến, buổi triều kiến bắt đầu. Lefort có bài phát biểu bằng tiếng Nga được dịch sang tiếng Pháp. Các đại sứ Nga tạo ấn tượng tốt, các bộ trang phục Nga được ngưỡng mộ, và mọi người bàn tán về Sa hoàng nước Nga.
Trong thời gian lưu lại The Hague, Pyotr vẫn giấu tung tích, chỉ tiếp xúc riêng các chính khách Hà Lan nhưng từ chối bất kỳ sự công nhận nào ngoài công cộng. Ông tiếp tục hội đàm riêng với William, nhưng không có tài liệu gì ghi chép nội dung các cuộc trao đổi này. Cuối cùng, sau khi lấy làm hài lòng về sự đón tiếp dành cho phái bộ Nga, Pyotr giao quyền đàm phán cho các đại sứ để trở về với công việc ở xưởng đóng tàu. Phái bộ Nga chỉ thành công hạn chế. Hà Lan không thiết tha việc gây chiến với Ottoman. Vì đang bị nợ nần chồng chất sau cuộc chiến tranh với Pháp và cần xây dựng lại hải quân, Hà Lan cũng không thể giúp đóng tàu chiến cho Nga theo như yêu cầu.
Ngày 16/11/1697, chín tuần sau khi đặt ki, vỏ chiếc tàu khu trục được hoàn tất, sẵn sàng để hạ thủy. Trong buổi lễ này, Witsen thay mặt cho Thành phố Amsterdam trao tặng con tàu làm món quà biếu cho Sa hoàng nước Nga. Quá cảm động, Sa hoàng ôm hôn ông Thị trưởng, và lập tức đặt tên cho con tàu là Amsterdam. Sau đấy, con tàu thẳng tiến đến Arkhangelsk, chở đầy những món trang thiết bị mà Pyotr mua ở Hà Lan. Vui vì con tàu đã hoàn tất, Pyotr còn cảm thấy hãnh diện hơn khi người đốc công trình cho ông tờ giấy chứng nhận người thợ có tên Pyotr Mikhailov đã làm việc tại xưởng đóng tàu trong bốn tháng, là một thợ đóng tàu có năng lực và đã nắm vững khoa học về kiến trúc hải quân.
Tuy thế, Pyotr cảm thấy lo lắng về những gì ông đã học ở Hà Lan. Đấy chỉ là khá hơn nghề thợ mộc một chút, áp dụng vào việc ghép nối những mảnh gỗ để tạo nên một con tàu. Pyotr muốn học chuyên sâu hơn đến những bí mật trong khoa thiết kế; trên thực tế, ông muốn đi vào ngành công chính hải quân. Ông muốn có những bản vẽ được soạn thảo một cách khoa học, có toán học kiểm soát, không phải là công việc thủ công tinh vi với búa và rìu. Nhưng ở Hà Lan, việc đóng tàu lại theo kinh nghiệm đã quen tay từ trước. Mỗi xưởng đóng tàu có một thiết kế riêng dựa trên cách tính nhẩm; mỗi thợ đóng tàu làm phần việc đã được chỉ dẫn trước. Như thế, Pyotr không thể mang về Nga những nguyên tắc cơ bản của công nghệ đóng tàu. Để đạt mục tiêu đóng cả nghìn con tàu trên Sông Don cách xa cả nghìn kilômét với lực lượng lao động đa phần thiếu chuyên môn, Pyotr cần đến một phương pháp thiết kế nào đấy mà người chưa từng đóng tàu bao giờ có thể được chỉ dẫn, thông hiểu và nhân rộng một cách dễ dàng.
Bây giờ, với chiếc tàu khu trục đã được đóng xong, Pyotr quyết định đi Anh để học thêm về ngành đóng tàu. Tháng 11, khi hội đàm với William, Pyotr đã tỏ ý muốn đi Anh. Câu trả lời của William khiến Pyotr vui mừng tột độ: không những đồng ý, nhà vua còn tặng Sa hoàng một thuyền buồm sắp hoàn tất, có hình dáng đẹp nhất và tốc độ nhanh nhất nước Anh thời ấy. Hơn nữa, nhà vua còn phái một hạm đội gồm 5 con tàu để hộ tống chuyến đi đến Anh của Sa hoàng. Pyotr quyết định chỉ cho Menshikov và vài “tình nguyện viên” tháp tùng, những người khác trong phái bộ ở lại để tiếp tục đàm phán với Hà Lan.
Ngày 7/1/1698, sau gần 5 tháng lưu lại Hà Lan, Pyotr và một đoàn tùy tùng nhỏ bước lên soái hạm York của Phó đô đốc Sir David Mitchell, tư lệnh hạm đội, đi viếng thăm Vương quốc Anh.
Vương quốc Anh
Vào thời gian Pyotr vi hành, London và Paris là hai thành phố đông dân nhất Châu Âu. Trên bình diện sức mạnh thương mại, London đứng hàng thứ hai sau Amsterdam, nhưng không bao lâu sẽ vượt lên đứng nhất. Tuy nhiên, London có tính cách đặc biệt do vị thế chủ đạo kết hợp so với cả đất nước. Giống như Paris, London là thủ đô; và giống như Amsterdam, nó là cảng lớn nhất, trung tâm của nền thương mại, văn hóa và nghệ thuật của đất nước. Vì thế, London kết hợp cả hai ưu thế của Paris và Amsterdam.
Đối với nước Anh, thế kỷ 17 là giai đoạn chuyển tiếp từ một vương quốc hải đảo tương đối nhỏ bé, tầm thường trong thế kỷ 16 của Nữ hoàng Elizabeth I trở thành một cường quốc Châu Âu và sau đấy là một đế quốc toàn cầu trong các thế kỷ 18 và 19.
Chuyến viếng thăm của Pyotr diễn ra đúng vào giai đoạn bản lề khi nước Anh chuyển biến thành cường quốc thế giới. Tiềm năng thương mại của Anh không thể sánh được với đất đai mầu mỡ của Pháp, nhưng Anh có một lợi thế rất lớn: đấy là một đảo quốc. Nền an ninh của Anh được đảm bảo không phải bằng hệ thống pháo đài như ở Hà Lan, mà bằng hạm đội. Và tàu chiến tuy có đắt, vẫn còn ít tốn kém hơn lục quân và pháo đài. Louis XIV đã gây dựng hàng chục đạo quân hoành tráng, nhưng để làm việc này ông đã vắt kiệt dân Pháp vì thuế má. Ở Anh, mức thuế do Nghị viện phê chuẩn làm cho dân Anh nghèo thêm nhưng không bị vắt kiệt. Cả Châu Âu đều lấy làm thán phục tính kiên cường của nền kinh tế Anh và mức độ giàu có của Kho bạc Anh. Đây là hệ thống chắc chắn sẽ tạo ấn tượng cho một quân vương đang mong mỏi nâng đất nước ông đi lên từ nền nông nghiệp giản đơn và bước ra thế giới.
York là chiến hạm lớn nhất mà Pyotr đã từng bước lên cho đến lúc này, và trong chuyến đi 24 giờ đến Anh, ông chú tâm quan sát những hoạt động trên con tàu. Mặc dù thời tiết xấu, Sa hoàng luôn đứng trên boong tàu suốt cuộc hải hành, liên tục hỏi han. Khi vào đến cửa sông Thames, Pyotr và Phó đô đốc Mitchell chuyển qua chiếc thuyền buồm Mary được hai tàu khác hộ tống, và đến thả neo gần Cầu London vào sáng ngày 11/1. Nơi đây, Pyotr chuyển qua một chiếc thuyền chèo hoàng gia để đi đến bến đỗ Strand. Ông được một đại thần Anh đón tiếp với lời chào mừng của Vua William III. Pyotr đáp lời bằng tiếng Hà Lan, và Phó đô đốc Mitchell giúp thông dịch. Pyotr cảm thấy mến mộ Mitchell, nên lời đề nghị đầu tiên của ông với Vua Anh là xin cho Mitchell được tháp tùng và thông dịch cho mình suốt chuyến viếng thăm.
Trong vài ngày đầu, Pyotr ngụ ở số 21 Phố Norfolk. Theo yêu cầu của ông, đấy là một tòa nhà nhỏ và đơn giản, cửa mở trực tiếp ra bờ sông. Hai ngày sau khi Sa hoàng nước Nga đến, Vua nước Anh đến thăm xã giao bằng một cỗ xe nhỏ, không mang dấu hiệu. Hai quân vương bắt đầu chuyện trò, nhưng không bao lâu William cảm thấy khó thở, chứng hen suyển nổi lên vì căn phòng nhỏ xíu đã bị Pyotr đóng kín theo thói quen ở Nga. William phải yêu cầu mở cửa sổ, rồi ông thở một hơi sâu không khí tươi mát từ bên ngoài ùa vào.
Ngày 23/1, Mitchell và hai cận thần Nga hộ tống Pyotr đi đến Điện Kensington (lúc bấy giờ là nơi cư ngụ và làm việc của hoàng gia Anh) để mở đầu chuyến viếng thăm chính thức Vua William III của Vương quốc Anh. Cuộc hội đàm này kéo dài lâu hơn những lần trước hai người gặp nhau ở Hà Lan và trong căn phòng ở Phố Norfolk. Mặc dù hai người không bao giờ trở nên thân thiết với nhau – có khoảng cách quá lớn giữa một Sa hoàng 25 tuổi hồ hởi, thô lỗ và độc đoán so với một vị vua cô đơn, mệt mỏi và u uất – nhưng William cũng chú ý đến Pyotr. Ngoài ấn tượng đối với tính sinh động và tò mò của Sa hoàng, ông không khỏi cảm thấy hãnh diện vì Pyotr tỏ ra ngưỡng mộ cá nhân ông cũng như những chiến công của ông, ông càng thấy vui thêm vì Pyotr có thái độ thù địch với Louis XIV vốn là kẻ đối đầu với ông. Đối với Pyotr, tuổi tác và cung cách của William khiến cho tình thân hữu khó phát triển, nhưng Sa hoàng vẫn tiếp tục tôn trọng người anh hùng gốc Hà Lan của mình.
Sau buổi hội đàm, Pyotr được giới thiệu với Công chúa Anne, lúc ấy 31 tuổi, bốn năm sau sẽ kế vị William III. Ông lấy làm thích thú với thiết bị chỉ hướng gió gắn trong phòng tranh chính của Điện Kensington. Nối với một chong chóng gắn trên nóc, mặt của thiết bị này chỉ gió đang thổi theo hướng nào. Sau này, Pyotr cũng cho gắn một thiết bị như thế trong cung điện mùa hè của mình ở Sankt-Peterburg. Cũng trong buổi gặp gỡ này mà William III thuyết phục Pyotr cho phép Sir Godfrey Kneller vẽ chân dung của ông. Hiện nay, bức chân dung của Pyotr Đại đế – mà người đương thời cho rằng rất giống nhân vật thật – được treo trong phòng tranh của Điện Kensington, cũng là nơi nó được vẽ hơn 300 năm trước.

Tất cả nghi thức của Pyotr ở London gói gọn vào một chuyến viếng thăm Điện Kensington. Thời giờ còn lại, Pyotr đi khắp London như ý muốn, thường là đi bộ ngay cả vào những ngày lộng gió, vẫn muốn giấu tung tích. Cũng giống như khi ở Hà Lan, ông đi thăm viếng cơ xưởng, nhà máy, liên tục hỏi han các bộ phận vận hành như thế nào, lúc nào cũng muốn thu thập bản vẽ và tiêu chí kỹ thuật. Ông mua một đồng hồ bỏ túi và nán lại để học cách tháo ra và lắp lại những bộ phận tinh vi. Ông đến một nhà hát của London nhưng khán giả nhìn đến ông hơn là nhìn về hướng sân khấu khiến cho ông phải lùi về và giấu mặt sau những người tùy tùng.


Nhưng điều thu hút Pyotr mạnh nhất dĩ nhiên là đám rừng những cột buồm của các con tàu đang neo đậu, có ngày lên đến 2.000 tàu. Để được thuận tiện cho việc đi thực tập đóng tàu và tránh đám đông đeo bám, phía Anh đưa Pyotr dời đến ngụ ở Deptford trong 3 tháng, trong một ngôi nhà sang trọng. Chủ nhà, cây bút nổi tiếng John Evelyn, đã tốn 40 năm để quy hoạch mặt bằng, trồng thảm cỏ chơi bowling, tạo dựng đường đi lát sỏi, trồng những hàng cây… Pyotr hài lòng vì không gian rộng rãi đủ cho cả đoàn, khu vườn để ông thư giãn trong riêng tư, và cánh cổng khu vườn mở thẳng ra bến tàu và con song.

Không may cho chủ nhà, đoàn Nga đã không màng đến công lao suốt đời của ông trong việc tạo dựng và duy trì khu vườn. Sau khi người Nga ra đi, người ta thấy các cánh cửa và các tấm thảm đã bị lấm bẩn đầy mực và dầu mỡ, gạch lát bị nạy lên, ổ khóa bằng đồng thau bị cạy ra, lớp sơn tường bị trầy trụa và bẩn thỉu, khung cửa sổ bị vỡ, tất cả ghế gỗ đều biến mất – có lẽ đã cho vào lò sưởi. Nệm và ga giường rách bươm giống như bị thú rừng cắn xé. Hai mươi bức họa và chân dung bị rách nát, có lẽ đã được dùng làm bia tập bắn. Bên ngoài, cả khu vườn bị hủy hại xác xơ, thảm cỏ bị giẫm đạp thành bãi bùn, các hàng rào cây giập nát vì bị xe cút kít chạy qua. Láng giềng cho biết đoàn Nga đã dùng ba chiếc xe cút kít, mà nước Nga không có, để chơi đùa, với một người ngồi trên xe – đôi khi chính là Sa hoàng – để những người khác đẩy chạy vòng khắp nơi.
Chính ở Deptford, một đài kỷ niệm được dựng lên năm 2001, được xem là kỳ quặc nhất: bức tượng của Pyotr đứng ở giữa ở có cái đầu nhỏ xíu, cầm một kính viễn vọng và một ống vố; bên trái là một người lùn trông kỳ quặc không kém, cầm một mẫu con tàu và quả địa cầu, trên vai là một thiên thần thổi sáu; còn bên phải là một ngai vàng trống không, để khách tham quan có thể tùy tiện ngồi lên nếu muốn. Nhà điêu khắc Mikhail M. Shemyakin thực hiện công trình này.

Dòng chữ ghi ở đài kỷ niệm:
Sa hoàng nước Nga Pyotr Đại đế đến London vào tháng 1/1698 và trong bốn tháng ngụ trong nhà của Sir John Evelin “Sayes Court” ở Deptford. Đài kỷ niệm này được dựng lên gần Cơ xưởng Hoàng gia nơi Pyotr Đại đế học kỹ thuật đóng tàu của Anh quốc… khi theo đuổi kiến thức và kinh nghiệm.
Khi không làm việc ở xưởng đóng tàu, Pyotr đi tham quan London và các vùng phụ cận. Ông đến thăm Bệnh viện Hải quân Greenwich và thốt lời khen ngợi kiến trúc của bệnh viện này.
Pyotr cảm phục lối sống đạm bạc của William II trong tòa nhà gạch ở Điện Kensington, nhưng khi ngắm qua bệnh viện tráng lệ ông bị thu hút theo cách ngược lại. Sau chuyến đi thăm Bệnh viện Greenwich, khi ngồi ăn tối với vị Vua nước Anh, Pyotr nói: “Nếu tôi có thể đưa đề xuất cho Ngài, thì Ngài nên dời triều đình của mình vào bệnh viện và đưa bệnh nhân vào cung điện của Ngài.”

Pyotr đến thăm Đài Thiên văn Greenwich và bàn luận về toán học với các chuyên viên thiên văn hoàng gia. Ông đến thăm Xưởng đúc súng Woolwich và chia sẻ với họ niềm đam mê về đại bác và pháo hoa. Ông đến thăm Tháp London, lúc ấy vừa là kho vũ khí, vừa là vườn thú, bảo tàng và Xưởng Đúc tiền Hoàng gia. Khi đi tham quan những vật trưng bày trong bảo tàng, Pyotr không được cho xem cái rìu mà 50 năm trước, đã được dùng để chặt đầu Vua Charles I. Phía Anh vẫn nhớ rằng cha của Pyotr, Sa hoàng Aleksei, sau khi nghe tin dân Anh chặt đầu đấng quân vương của họ, đã nổi cơn thịnh nộ và xóa bỏ mọi quyền lợi của thương nhân Anh tại Nga. Vì thế, phía Anh giấu đi cái rìu “vì sợ rằng ông sẽ ném nó xuống Sông Thames.”
Đối với Pyotr, điều đáng để ý nhất là Xưởng Đúc tiền Hoàng gia. Thán phục chất lượng của đồng tiền Anh và kỹ thuật tinh xảo, ông trở lại vài lần. Không may cho ông, giám đốc Xưởng Đúc tiền Hoàng gia, Isaac Newton, lúc ấy đang làm việc ở Trường Trinity College, Cambridge. Pyotr có ấn tượng với việc cải tổ hệ thống đồng tiền mà Newton góp phần. Thời bấy giờ, người ta có thói quen đưa đồng tiền lên răng cắn một ít lớp bạc ở cạnh, vì thế Anh đã đúc đồng tiền có cạnh răng cưa để giúp đồng tiền được lưu hành lâu dài hơn. Hai năm sau, khi Pyotr cải thiện đồng tiền Nga hay bị móp méo, ông áp dụng kỹ thuật của Anh.

Trong thời gian lưu lại Anh, Pyotr luôn tìm kiếm nhân tài để phục vụ nước Nga. Ông phỏng vấn nhiều người và cuối cùng chọn được khoảng 60 người Anh đi theo ông về Nga. Trong số này, có một đốc công đóng tàu, một kỹ sư thủy lợi sau này nhận công tác xây kênh Volga-Don, một giáo sư toán học sau này được giao nhiệm vụ mở Trường Toán học và Hải hành ở Moskva.
Ngày 2/3, Pyotr càng thêm cảm kích William III khi tiếp nhận món quà hậu hĩnh của vua Anh, chiếc thuyền buồm Royal Transport (có nghĩa: Chuyển vận Hoàng gia). Chiếc thuyền này mang những đặc tính kỹ thuật độc đáo, đi trước cả trăm năm, nổi tiếng là thuyền đi nhanh nhất của Hải quân Anh lúc bấy giờ. Pyotr đi trên thuyền này ngày hôm sau và sử dụng nó mỗi khi có thể thu xếp thời giờ. Sau này, nhiều thuyền của Nga chịu ảnh hưởng từ thiết kế của chiếc Royal Transport.
Thêm nữa, William III ra lệnh thuộc hạ cho Pyotr được tự do xem tất cả những gì ông muốn xem về hải quân Anh. Đỉnh cao của việc này là Pyotr được mời dự khán cuộc tập trận của hạm đội Anh. Pyotr vô cùng vui sướng và thỏa mãn, cố quan sát và ghi chú tất cả. Đây là ngày trọng đại đối với một người trai trẻ mà chưa đầy 10 năm trước lần đầu tiên mới thấy một chiếc thuyền buồm. Khi các tàu chiến quay trở về căn cứ, đại bác bắn 21 phát và thủy thủ đoàn hò reo tiễn chào vị quân vương trẻ tuổi lúc ấy đang mơ đến ngày ông sẽ tự tay kéo lá cờ lệnh của mình trên soái hạm của mình.
William III mời Pyotr đến dự khán một phiên họp của Nghị viện Anh. Không muốn bị mọi người nhìn, Pyotr chọn chỗ ngồi gần một cửa sổ gần hành lang trên cùng. Việc này khiến một người khuyết danh có câu nhận xét lưu hành khắp London: “Hôm nay, tôi đã thấy một cảnh tượng hiếm hoi nhất thế giới: một quân vương ngồi trên ngai và một quân vương khác ngồi trên nóc.” Pyotr lắng nghe cuộc tranh luận qua một thông dịch, tuyên bố với tùy tùng rằng, tuy không chấp nhận việc Nghị viện giới hạn quyền lực của quân vương, ông vẫn thấy “điều hay là được nghe thần dân phát biểu một cách trung thực và cởi mở với vua của họ. Đây là điều chúng ta nên học từ người Anh.”
Chính vì có bao nhiêu điều phải học hỏi và quan sát mà Pyotr luôn lần lữa ngày về, trái với dự tính ban đầu. Nhưng cuối cùng, ngày 18/4, Pyotr vẫn phải chào từ biệt Vua William III, và ngày 2/5 ông miễn cưỡng rời nước Anh trên chiếc Royal Transport. Phó đô đốc Mitchell chỉ huy một hạm đội cũng hộ tống chuyến Pyotr trở về Hà Lan.
Một thời gian dài sau khi Pyotr trở về Nga, Giám mục Gilbert Burnet đặt bút diễn tả cảm nghĩ của mình về vị quân vương Nga:
Tôi gặp ông ấy thường xuyên… Ông là người rất nóng tính, nhanh nổi giận và có niềm đam mê mãnh liệt… Ông bị chứng co giật toàn thân, đầu của ông dường như cũng chịu ảnh hưởng. Ông không thiếu năng lực, xét qua nền học vấn ít ỏi của ông thì ông có kiến thức khá; sự thiếu phán xét khi tính khí không ổn định xuất hiện thường xuyên và khá rõ ràng… Ông quyết tâm khuyến khích việc học tập, khai sáng cho dân mình bằng cách gửi người đi đến những nước khác, đồng thời khuyến dụ người nước ngoài đến sống với họ… Tính khí ông là sự pha trộn của đam mê và nghiêm khắc… Sau khi tôi đã gặp ông thường và trò chuyện nhiều với ông, tôi không khỏi ngưỡng mộ chiều sâu của thiên lương đã nâng một người có tính khí dữ dội như thế lên địa vị tuyệt đối như thế trên một lãnh thổ rộng lớn như thế.
Trở về Hà Lan
Pyotr trở về với Đại Phái bộ Sứ thần ở Hà Lan và thấy hàng đống vật liệu, vũ khí, dụng cụ chuyên ngành, trang bị hải quân… đang chờ để được mang về nước. Quan trọng hơn, phái bộ đã tuyển được 640 người Hà Lan, trong số đó có Phó đô đốc Cornelius Cruys và một số sĩ quan hải quân (cuối cùng, Cruys thuyết phục được 200 sĩ quan hải quân đi theo ông), và thêm thủy thủ, kỹ sư, kỹ thuật viên, thợ đóng tàu, bác sĩ y khoa và chuyên viên những ngành nghề khác. Bên Nga phải thuê 10 chiếc tàu để chuyên chở tất cả về nước. Về sau, Cornelius Cruys được bổ nhiệm làm Tư lệnh đầu tiên của Hạm đội Baltic của Nga được Pyotr thành lập năm 1703.
Công quốc Saxony
Ngày 15/5/1698, Đại Phái bộ Sứ thần và Pyotr rời Amsterdam để đến Wien (Anh văn: Vienna). Khi ghé ngang Dresden, thủ phủ của Công quốc Saxony, Pyotr được tiếp đón nồng hậu. Augustus, vị Tuyển hầu tước của Công quốc Saxony kiêm Vua Augustus II của Ba Lan, lúc này đang ở Ba Lan nhưng đã ra lệnh đối đãi một cách trọng thị Sa hoàng – người mà ông mang ơn một phần vì đã ủng hộ ông lên ngai vàng.
Khi Pyotr đi vào thành phố, ông thấy dân chúng nhìn ông chăm chăm, không những vì thứ bậc mà còn vì chiều cao thân hình của mình. Đã qua nhiều tháng ở Tây Âu, Pyotr càng cảm thấy thêm khó chịu đối với những ánh mắt nhìn như thế. Hoàng thân Fürstenberg – đại diện của vị Tuyển hầu tước và là người được cử đón tiếp phái bộ Nga – cố gắng xoa dịu Pyotr. Vì thế, vào buổi tổi ngày đầu tiên, Fürstenberg đồng ý ngay khi Pyotr yêu cầu được đưa đến hai nơi đặc biệt: Bảo tàng Dresden Kunstkammer và Tòa nhà Green Vault. Sau nửa đêm, Sa hoàng, Hoàng thân và Quản thủ bảo tàng đi vào Kunstkammer. Bảo tàng này đã được thành lập trên 100 năm, trưng bày những hiện vật đặc biệt như đồng hồ, dụng cụ cơ học, dụng cụ hầm mỏ và chế tạo, cùng với sách hiếm, áo giáp quân đội và chân dung các nhà quý tộc…, chính là những thứ làm Pyotr say mê. Ông quyết tâm một ngày nào đấy sẽ thành lập một bảo tàng tương tự cho nước Nga. Kết quả là Bảo tàng Nhân chủng học và Dân tộc học ở Sankt-Peterburg, cũng có tên là Kunstkammer, mở cửa cho công chúng từ năm 1714, được xem là một trong những bảo tàng lớn nhất thế giới trong lĩnh vực này. Hiện có hơn 1 triệu hiện vật thu thập từ khắp nơi trên thế giới được lưu trữ và trưng bày.

Tòa nhà Green Vault, “Hầm Xanh,” gọi như thế là do mầu sơn tường biểu trưng của Saxony, là nơi bí mật sưu tập những loại nữ trang và những món vật quý hiếm khác. Pyotr bị cả hai nơi thu hút, lưu lại xem xét từng món cho đến bình minh.
Đế chế Habsburg của Áo
Hơn 60 kilômét về hướng bắc của thành phố cổ Wien vươn lên hai ngọn đồi; ở hướng đông là Sông Danube chảy về Thành phố Budapest; ở hướng tây là vùng đồng cỏ và cây cối của Rừng Wien. Tuy vậy, cho dù có phong cảnh rực rỡ, Wien không thể sánh với London, Amsterdam, Paris hoặc ngay cả Moskva bởi vì, không giống những thành phố lớn khác của Châu Âu, Wien không phải là thành phố cảng hoặc trung tâm thương mại. Nó chỉ có chức năng duy nhất là thủ phủ của Hoàng tộc Habsburg, là trung tâm hành chính của lãnh thổ rộng lớn trung thành với Hoàng đế Leopold I, trải dài từ Baltic đến Sicily. Thật ra, vào thời của Pyotr, Hoàng đế trị vì hai đế quốc. Thứ nhất là Đế quốc La Mã Thần thánh, kết hợp một cách lỏng lẻo khoảng 300 công quốc và vùng lãnh thổ lớn nhỏ, theo những mối dây liên hệ và truyền thống xưa cũ cả nghìn năm. Đế quốc thứ hai – khá biệt lập và đặc thù – là tập hợp những lãnh địa cũng của dòng họ Habsburg ở Trung Âu gồm Đại Công quốc Áo, Vương quốc Bohemia, Vương quốc Hungary và các lãnh địa vùng Balkan gần đây được chinh phục từ Ottoman.
Chính đế quốc thứ nhất đã tạo cho vị Hoàng để tước hiệu và uy thế lớn lao. Tuy nhiên, tước hiệu chỉ là hư danh, cả đế quốc gần giống như một bình phong. Những người trị vì đích thực là những tước hiệu được cha truyền con nối: tuyển hầu tước, bá tước, lãnh chúa, vương công, quận công… nắm mọi quyền quyết định tôn giáo nào thần dân của họ phải theo, bao nhiêu quân công quốc của họ có quyền huy động, ngay cả quyền quyết định trong thời chiến: về phe với Hoàng đế, hoặc chống lại Hoàng đế, hoặc giữ trung lập. Khi liên quan đến sách lược trọng đại, họ phớt lờ mối dây liên hệ giữa họ và Hoàng đế. Họ hoặc người đại diện của họ tham gia vào Hội đồng Đế quốc, khởi đầu là cơ quan lập pháp, giờ chỉ có chức năng tham khảo và trang trí. Hoàng đế phải thông qua Hội đồng Đế quốc để ban hành luật, và những buổi thảo luận không bao giờ đạt sự nhất trí vì tranh cãi kéo dài không dứt. Khi hoàng đế qua đời, Hội đồng này bầu lên người đứng đầu Hoàng tộc Habsburg. Đây là truyền thống, và truyền thống là phần duy nhất của một đế quốc xưa cũ không được phép xóa bỏ.
Dù cho tước hiệu là hư danh, Hoàng đế không phải là vô nghĩa. Sức mạnh của Hoàng tộc Habsburg, ngân sách, quân đội là tập hợp từ các vương quốc dưới quyền cai trị của Hoàng tộc: Áo, Bohemia, Moravia, Silesia, Hungary và những lãnh thổ khác rải rác cùng khắp. Người của Hoàng tộc Habsburg cũng ngự trị trên ngai vàng Tây Ban Nha lúc ấy mở rộng đến Naples và Sicily của Ý hiện giờ. Đế quốc thứ hai này dòm ngó về hướng nam và hướng đông để tìm kiếm rủi ro và cơ hội. Có vị trí như là rào chắn giữa miền tây Châu Âu và vùng Balkan, đế quốc này xem mình có sứ mệnh thiêng liêng là ngăn chặn bước tiến của Đế quốc Ottoman ở Balkan. Riêng các vương công theo đạo Tin Lành ở miền bắc không quan tâm đến nỗi lo sợ của Hoàng đế hoặc tham vọng ở vùng Balkan; họ xem các vấn đề này là chuyện riêng tư của Hoàng tộc Habsburg, và nếu Hoàng đế có cần họ ủng hộ, ông thường phải bỏ tiền ra mua sự ủng hộ này.
Áo là trung tâm và Wien là con tim của thế giới Habsburg. Đây là một thế giới Thiên chúa giáo, nặng về truyền thống và nghi lễ rườm rà, được các giáo sĩ dòng Tên lèo lái – những người chỉ biết tranh luận trong những buổi họp hội đồng chứ không bao giờ biến lời nói thành hành động. Hoặc, bên cạnh quân vương, họ chỉ biết trấn an rằng mọi chuyện đã có Thượng đế an bài.
Đại diện cho vị Hoàng đế oai nghi, các cố vấn, sử gia và nhà nghiên cứu phả hệ tranh cãi với nhau một cách dằng dai về nghi lễ tiếp đón. Dù Nga có lãnh thổ bao la ở phương Đông, Sa hoàng nước Nga không thể được xem là ngang hàng với Hoàng đế Habsburg vốn là người thay mặt Thượng đế để trị vì một lãnh thổ cũng rộng ở phương Tây. Vấn đề trở nên khúc mắc hơn vì trên danh nghĩa chính thức Sa hoàng không có mặt. Tuy thế, đã có thông báo là nên chú ý đến một người cao lớn có tên là Pyotr Mikhailov. Việc hệ trọng như thế cần nhiều thời gian để giải quyết: phải mất bốn ngày mới dàn xếp những chi tiết đón tiếp Đại Phái bộ Sứ thần đến Wien, và phải mất nguyên một tháng đàm phán để đạt thỏa thuận về cung cách Hoàng đế đón tiếp các đại sứ Nga. Các đại thần Áo nhất quyết cho rằng Hoàng đế của họ không thể công khai đón tiếp một Sa hoàng giấu tung tích, nhưng Lefort kiên trì giúp đạt đến thỏa thuận cho một cuộc hội kiến riêng.
Cuộc hội kiến diễn ra trong Cung điện mùa hè Favorits bên ngoài thành phố. Đúng theo cách giấu tung tích, Pyotr được dẫn qua một cửa nhỏ của khu vườn, đi lên một cầu thang xoắn. Lefort đã dặn dò kỹ lưỡng nghi thức: hai quân vương sẽ đi vào một phòng khánh tiết dài cùng một lúc qua hai cửa đối diện rồi đi chầm chậm để gặp nhau đúng ở điểm giữa phòng, gần cửa sổ thứ năm. Không may là, khi Pyotr mở cánh cửa và trông thấy Leopold, ông quên mất lời dặn, sải dài bước chân tiến đến, tiếp cận Hoàng đế ở cửa sổ thứ ba. Cả triều thần Áo há hốc miệng. Nghi lễ không được tôn trọng. Chuyện gì sẽ xảy ra với Pyotr? Chuyện gì sẽ xảy ra với họ? Nhưng khi hai quân vương cùng tiến vào một nơi riêng tư để hội đàm với Lefort làm thông dịch, triều thần đều nhẹ nhõm mà thấy rằng Sa hoàng nước Nga hết mực tỏ lòng kính trọng Hoàng đế của họ. Hai vị quân vương tạo nên sự tương phản: Hoàng đế 58 tuổi người thấp bé, da xanh xao, vẻ mặt ảm đạm; và Sa hoàng 26 tuổi cao lớn, sinh động, có cử chỉ nhanh nhẹn. Cuộc hội kiến thực ra chỉ là trao đổi những lời chào hỏi và kéo dài 15 phút. Sau đấy, Pyotr đi xuống khu hoa viên cung điện và hào hứng chèo một chiếc thuyền nhỏ vòng quanh một hồ nước.

Trong hai tuần lưu lại Wien, dù quan chức nghi lễ Áo ta thán, Pyotr vẫn giữ tư thái vui vẻ và tôn trọng. Ông đến thăm Hoàng hậu, các công chúa và cố gắng tỏ ra dễ mến. Ông ôn tồn từ chối số tiền triều đình Áo cung ứng cho chi phí của phái bộ Nga. Ông cho là số tiền này quá cao đối với “ông bạn quý” sau khi đã chịu gánh nặng chiến tranh; ông chỉ nhận một nửa. Các đại thần Áo trước đấy đã được thông báo đầy đủ về tư cách lôi thôi của Pyotr ở Moskva cũng như trong chuyến đi Tây Âu, giờ không thể tin rằng con người khiêm tốn trước mặt họ chính là người họ đã từng nghe nói đến. Các đại sứ nước ngoài nói đến “tư cách tinh tế và thanh nhã” của ông. Đại sứ Tây Ban Nha báo cáo về nước:
Ở đây, ông ấy xem chừng không giống như lời mô tả ở những triều đình khác, mà tỏ ra có văn hóa hơn nhiều, thông minh, với tư cách tuyệt vời và khiêm tốn.
Tính thân thiện một cách đáng ngạc nhiên và sự tò mò của Pyotr gây nhiều kỳ vọng cho một thành phần quan trọng ở Wien. Cũng giống như Anh giáo đã muốn dẫn dụ Pyotr theo về giáo lý của họ, bây giờ Thiên chúa giáo – đặc biệt là dòng Tên – mong ông quy thuận làm con chiên của họ. Vào ngày Lễ Thánh Pyotr, sau khi đã dự một buổi cầu nguyện do một tu sĩ Chính thống đi theo phái bộ cử hành, Pyotr đến dự lễ ở một nhà thờ dòng Tên. Rồi ông nghe cha cố giảng: “chìa khóa sẽ được ban lần thứ hai, cho một Pyotr mới, để ông ấy có thể mở một cánh cửa khác.” Không bao lâu sau đó, Pyotr dự buổi giảng thứ hai, rồi dự bữa ăn trưa với Hồng y địa phận Hungary. Từ cuộc hội kiến này, người ta thấy rõ rằng Pyotr không có ý định thay đổi tôn giáo của mình; lời đồn đại cho rằng ông định đi Rome để được chấp nhận vào giáo hội của Giáo hoàng là sai lạc. Ông định đi Venice chỉ vì muốn học cách đóng thuyền galê.
Vị Hồng y mô tả vị khách của mình:
Sa hoàng… có gương mặt hãnh diện và trang trọng và biểu lộ mọi cảm xúc. Mắt trái của ông, cánh tay trái và chân trái của ông đã bị thương tật do người ta đầu độc khi người anh của ông còn sống, nhưng bây giờ chỉ còn là cái nhìn chăm chăm trong mắt ông và sự chuyển động liên tục của cánh tay và chân… Ông có tính hóm hỉnh nhanh nhạy; cử chỉ có phần lễ độ hơn là man rợ. Chuyến đi đã giúp ông cải thiện nhiều, và rõ ràng có sự khác biệt giữa chuyến đi này và chuyến trước, dù vẫn còn sự thô thiển cố hữu; chủ yếu là qua những mối liên hệ với cận thần của ông, những người mà ông cố kiềm chế. Ông có kiến thức về lịch sử và địa lý, và ông muốn tìm hiểu thêm về hai môn này; nhưng mối quan tâm mạnh mẽ nhất của ông là về biển cả và tàu thuyền, mà chính tay ông làm việc trong những lĩnh vực này.
Trong thời gian thăm viếng của phái bộ Nga, Leopold tổ chức một trong những buổi dạ hội hóa trang nổi tiếng nhất trong triều đình Wien. Khung cảnh giả định là một quán trọ đồng quê, với Hoàng đế và Hoàng hậu là chủ nhân của quán trọ, và triều thần cùng các đại sứ nước ngoài là nông dân trong trang phục của nước họ. Buổi yến tiệc loại bỏ tất cả nghi thức; Hoàng đế và Hoàng hậu ngồi ở bất cứ chỗ nào họ muốn. Khi nâng cốc, Leopold tìm ra một cách thức chúc vị khách tôn quý mà theo chính thức không hiện diện ở đấy. Đứng lên để đối diện với người khách đặc biệt đang che mặt nạ, Hoàng đế nói: “Tôi tin rằng ông quen biết Sa hoàng. Chúng ta hãy cùng nâng cốc để chúc sức khỏe ông ấy.” Sáng hôm sau, chiếc cốc mà vị Hoàng đế đã dùng để chúc mừng được gửi đến Pyotr làm quà tặng.
Để trả lễ, vào ngày Lễ Thánh Pyotr, phái bộ Nga tổ chức một dạ hội kéo dài suốt đêm cho 1.000 quan khách. Pháo bông do tự tay Pyotr đốt, cùng với khiêu vũ, nhậu nhẹt và rượt đuổi nhau khắp khu vườn mùa hè.
Dù cho bao vẻ thân thiện bề ngoài, chuyến đi của Pyotr đến Wien thất bại về mặt ngoại giao. Phía Nga đã mong Áo tiếp tục cuộc chiến mạnh hơn chống quân Ottoman. Thay vào đấy, Nga phải nỗ lực ngăn chặn Áo chấp nhận đề nghị hòa bình của Ottoman có lợi cho Áo nhưng thiệt cho Nga: các bên tham chiến cam kết tôn trọng tình trạng hiện tại, mỗi bên giữ phần lãnh thổ đã chiếm được. Như thế, Habsburg sẽ được giữ Hungary và vài vùng đất khác. Triển vọng hòa bình như thế quả là hấp dẫn đối với Áo. Hơn nữa, cái bóng của Louis XIV vẫn bao trùm phía Tây. Áo cần thoát ra phía Đông để lo đối phó với Hoàng đế Pháp.
Bên duy nhất không hài lòng với triển vọng hòa bình là Pyotr. Sau khi đã khơi mào chiến tranh với người Thổ, chiếm được pháo đài Azov và lăm le tiến ra Biển Đen, xây dựng hạm đội và đi ra nước ngoài để học cách đóng tàu, thuê thợ đóng tàu, hạm trưởng và thủy thủ để điều hành hạm đội Biển Đen, Pyotr không muốn chấm dứt chiến tranh nếu ít nhất bên Ottoman không chấp nhận cho Nga thông ra Biển Đen.
Pyotr bày tỏ yêu cầu này với phía Áo. Ông mong Hoàng đế Áo ép Ottoman nhượng cho Nga pháo đài Kerch nằm ở vị trí khống chế eo biển nơi Biển Azov thông ra Biển Đen. Không chiếm được Kerch, hải quân Nga sẽ bị giam hãm trong phạm vi Biển Azov tuy rộng rãi nhưng vô dụng. Bên Áo cho rằng nếu Nga muốn có Kerch thì nên nhanh chóng đánh chiếm vị trí này trước khi ký hòa ước, người Thổ sẽ không nhượng bộ áp lực ở bàn hội nghị, “vì người Thổ không có thói quen bỏ rơi pháo đài mà không qua chiến đấu.” Ít nhất, Hoàng đế hứa rằng ông sẽ tham khảo với Sa hoàng trước khi ký kết bất cứ hòa ước nào.
Đây là điều tốt nhất mà Nga có thể đạt được, và Pyotr nôn nóng muốn ra đi: Wien không có tàu thuyền, và chặng kế tiếp sẽ là Venice, nơi ông muốn học bí mật của loại thuyền đáy nông có hiệu quả một cách thần kỳ.
Ngày 15/7, lúc chuẩn bị lên đường, chuyến thư từ Moskva mang đến tin tức đáng lo. Bốn lữ đoàn Cấm vệ, khi được lệnh di chuyển từ Azov đến biên giới Nga–Ba Lan, đã tạo phản và đang tiến về Moskva. Vào lúc gửi tin, họ chỉ còn cách Moskva 150 kilômét. Triều đình đã điều quân trung thành đi chặn bước tiến của họ. Thư không nói gì đến lý do hoặc tầm mức của cuộc phản loạn, và không có tin gì về những diễn biến kế tiếp. Thư từ phải mất một tháng mới đến. Pyotr chợt nghĩ ra rằng trong khi ông đang vận bộ quần áo dân quê ở dạ hội hóa trang, Cấm vệ có thể đã chiếm Moskva, người chị cùng cha khác mẹ có thể đã chiếm ngai vàng nước Nga và chính ông có thể đã bị kết án phản quốc.
Lập tức, ông quyết định bãi bỏ chuyến đi Venice, trở về ngay để đối diện với bất cứ điều gì đang chờ đợi ông ở nhà.
Ngày 19/7, Pyotr rời Wien lên đường đi Ba Lan, khiến cho triều đình Áo vô cùng ngạc nhiên vì họ không biết gì về cuộc binh biến và nghĩ ông sẽ đi Venice. Ông đi ngày và đêm, chỉ dừng lại để dùng bữa và thay đổi ngựa. Ông vừa đến Kraków thì nhận được tin tức mới nhất. Triều đình đã trấn áp được quân phản loạn, xử tử 130 binh sĩ Cấm vệ và bắt được 1.860 làm tù binh. Pyotr cảm thấy nhẹ nhõm và định quay lại đi Venice như chương trình dự kiến. Nhưng ông đã về được nửa đường, đã vắng mặt một năm rưỡi, và ông muốn làm nhiều việc ở Moskva. Ông tiếp tục hướng về đông nhưng đi chậm lại, ghé ngang Rawa. Ở đây, lần đầu tiên, Sa hoàng gặp một nhân vật khác thường, là người sẽ can dự sâu xa vào các cỗ máy ngoại giao và quân sự của Pyotr và của nước Nga. Đấy là Augustus, Tuyển hầu tước của Công quốc Saxony, nay cũng là Vua Ba Lan nhờ sự ủng hộ của Hoàng đế ở Wien và của Sa hoàng.
Ba Lan
Vào thời của Pyotr, Ba Lan là nước yếu nhất trong số những nước lớn ở Châu Âu. Về mặt lãnh thổ và dân số, Ba Lan là ông khổng lồ: biên giới kéo dài từ Siberia sang Ukraina, từ Biển Baltic xuống Carpathian; dân số 8 triệu người (một trong những nước đông dân nhất Châu Âu), nhưng về mặt chính trị và quân sự lại kém cỏi. Cả vương quốc mênh mông còn tồn tại được chỉ nhờ các nước láng giềng quá bận rộn hoặc bản thân họ quá yếu nên không thể xâu xé Ba Lan. Trong Đại chiến Bắc Âu sắp bắt đầu và sẽ kéo dài 20 năm, Ba Lan nằm phủ phục với chức năng vô phúc là cung ứng bãi chiến trường cho các lân bang đánh nhau. Ba Lan với dân số 8 triệu nằm bất lực trước sức mạnh quân sự của Thụy Điển với dân số 2 triệu rưỡi.
Một số yếu tố đóng góp vào sự yếu kém của Ba Lan. Yếu tố đầu là thiếu kết nối về sắc tộc hoặc tôn giáo. Chỉ có phân nửa dân số là người Ba Lan đích thực, và chỉ phân nửa số này theo Thiên chúa giáo. Còn lại là người Litva, Nga, Do Thái và Đức – là hỗn hợp của các tín đồ Tin Lành, Chính thống Nga và đạo Do Thái, thường đối đầu nhau về chính trị và tôn giáo. Người Litva kình chống lẫn nhau và chỉ đoàn kết với nhau trong sự thù nghịch với người Ba Lan. Người Do Thái – chiếm tỷ lệ lớn ở thành thị – có ưu thế về thương mại nên khiến cho người Ba Lan e sợ và ganh tỵ. Dân Cossack – vốn trung thành trên danh nghĩa với Thủ lĩnh Zappa ở Ukraina và bản thân ông này tuân phục Nga trên danh nghĩa – thì bất tuân mọi mệnh lệnh của Ba Lan.
Tình trạng chính trị càng rối loạn hơn. Ba Lan là nước cộng hòa có vua được bầu, không phải do cha truyền con nối, vì thế vua chỉ hành xử theo cách mà giới quý tộc cho phép – và thường là họ không cho phép gì cả. Vì thế, quân vương trở thành gần như là món trang trí cho nhà nước. Trong thời kỳ mà Pháp đang đi đầu trong việc tập trung quyền lực và lòng trung thành với quân vương, thì Ba Lan đi con đường ngược lại, theo hướng tan rã về chính trị và tình trạng vô chính phủ. Thật sự cầm quyền là những lãnh chúa người Ba Lan và Litva, cai trị từng dải đất rộng mà triều đình trung ương không thể xâm nhập. Riêng dòng họ hùng mạnh cai trị Litva thì dòm ngó ngai vàng, tỏ rõ khinh nhờn tất cả vua Ba Lan.
Chính các nhà quý tộc kiêm địa chủ Ba Lan và Litva vào năm 1572 đã yêu sách là phải bầu vua chứ không được tự động cha truyền con nối. Chính họ vào cuối thế kỷ 17 đã nắm giữ mọi tài nguyên của đất nước và xuất khẩu nông sản xuôi dòng Sông Wistla để đưa ra Biển Baltic. Họ nắm giữ toàn bộ quyền lực chính trị qua quyền hạn bầu lên vua Ba Lan và áp đặt một hiệp ước – được ký kết trước lễ đăng quang – quy định những điều kiện cho việc cai trị của nhà vua. Nghị viện Ba Lan biểu quyết rằng không thể thông qua luật nào nếu có một nghị viên phủ quyết. Hơn nữa, các Nghị viện cấp tỉnh có quyền từ chối tuân thủ phán quyết của Nghị viện quốc gia, khiến cho nền chính trị càng thiếu ổn định, hệ thống hành chính dễ bị tê liệt. Cả nhà vua lẫn Nghị viện đều không có cơ chế nào quy định mức thuế và thu thuế. Không có chính sách ngoại giao theo hệ thống. Một nhà ngoại giao Anh than phiền:
Đất nước chông chênh này giống như biển cả. Mặt biển thì nổi bọt và dậy sóng… nhưng [khối nước] chỉ di chuyển khi có quyền lực mạnh hơn tác động đến.
Quân đội Ba Lan là hữu danh vô thực. Kỵ binh luôn dũng cảm tuyệt vời và được trang bị lộng lẫy, nhưng không có kỷ luật. Đoàn quân Ba Lan trên chiến trường có thể phình to ra hoặc teo tóp lại bất kỳ lúc nào, vì tùy thuộc vào việc một nhà quý tộc và đội quân của ông ta quyết định gia nhập hoặc rời bỏ hàng ngũ. Chính các nhà quý tộc mới là người quyết định nên tham gia hay không và khi nào thì tham gia vào chiến dịch. Nếu cảm thấy mệt mỏi hoặc chán nản, họ chỉ việc rút lui mà không cần biết sẽ gây nguy hiểm thế nào cho những đội quân khác của Ba Lan. Cũng có lúc vua Ba Lan tham gia cuộc chiến, nhưng nước Cộng hòa Ba Lan lại muốn chủ hòa. Chính trong tình hình mù mờ làm hoa cả mắt với một ông vua làm cảnh, một nghị viện bị tê liệt và một quân đội có óc phong kiến cá nhân mà quốc gia Ba Lan rộng lớn, nhiễu nhương đang nghiêng ngả hướng đến tình trạng vô chính phủ.
Với một hệ thống như thế, hy vọng duy nhất của Ba Lan về sự đoàn kết và ổn định là trông cậy vào một quân vương bằng cách nào đấy vượt lên trên các xáo trộn. Tuy nhiên, việc chọn lựa vua Ba Lan không phải chỉ tùy thuộc vào giới quý tộc trong nước. Vào thời kỳ này, cả Châu Âu đều quan tâm đến việc bầu cử vua Ba Lan dù ông này chỉ có quyền uy giới hạn. Tất cả quân vương nước ngoài đều muốn có người thân thiện với mình trên ngai vàng Ba Lan. Pyotr, trên cương vị quân vương của nước láng giềng, thì đặc biệt quan tâm. Sợ rằng một người thân Pháp có thể đăng quang, Pyotr đã chuẩn bị tấn công Ba Lan nếu cần thiết. Để tạo ảnh hưởng cho cuộc bầu cử hoặc đề phòng trường hợp người thân Pháp đắc cử, Pyotr đã điều quân đến biên giới Nga–Ba Lan. (Chính là lệnh điều Cấm vệ từ Azov đến biên giới đã khiến họ phản loạn và bắt buộc Pyotr phải quay về gấp.)
Còn phía bên kia, Louis XIV mong muốn một nước Ba Lan thân Pháp nổi lên ngay sau lưng Đế quốc La Mã Thần thánh. Ứng cử viên của ông là Hoàng thân de Conti, với nhiều chiến công và tư cách thu hút lòng người đã khiến ông rất được yêu mến trong triều đình Pháp. Nhưng Conti không mặn mà với chức vua Ba Lan, vì không muốn rời xa bạn bè và cuộc sống huy hoàng ở Điện Versailles để đi nhậm chức ở vùng bán khai Tây Âu. Nhưng Louis đã nhất quyết, tung tiền ra mua phiếu của nhiều Nghị viên Ba Lan. Nỗ lực của ông đạt kết quả: Conti được bầu. Ông này đi đến Danzig trên một hạm đội Pháp hùng mạnh do đô đốc nổi tiếng Jean Bart chỉ huy.
Conti đến Ba Lan để rồi thấy rằng kết quả bầu cử đã được thay đổi. Ứng viên bất đắc chí – Tuyển hầu tước Augustus của Saxony – được Sa hoàng Nga và Hoàng đế Áo ủng hộ, phớt lờ kết quả bầu cử của Nghị viện, dẫn đầu một đoàn quân Saxony hùng mạnh tiến vào Ba Lan. Đến Warszawa trước Conti, Augustus đổi tôn giáo của mình qua Thiên chúa giáo, thuyết phục Nghị viện thay đổi ý kiến, rồi ngày 15/9/1697 tự đăng quang lên ngôi vua Ba Lan. Conti lấy làm vui mừng mà trở về Pháp, còn Augustus bắt đầu một triều đại kéo dài 36 năm.
Augustus lên ngôi không đầy một năm khi Pyotr đi ngang qua Ba Lan trên đường trở về Nga. Augustus cũng là Tuyển hầu tước của Saxony, tuy việc hợp nhất giữa Saxony và Ba Lan chỉ thể hiện qua chính cá nhân ông. Hai nước không có đường biên giới chung, mà bị ngăn cách bởi Silesia và Brandenburg. Saxony theo giáo phái Lutheran, còn Ba Lan chủ yếu theo Thiên chúa giáo. Giống như tất cả vua Ba Lan trước đây, quyền hành của Augustus bị hạn chế, nhưng ông đang nỗ lực cải thiện tình trạng này.
Trong con người chất phác, nồng nhiệt và thích hưởng thụ của Augustus, Pyotr tìm thấy một tình thân thương. Họ gặp nhau trong 4 ngày, ăn uống với nhau, dự lễ duyệt binh ban ngày, chè chén ban đêm. Cuộc gặp gỡ này cùng tình bạn vừa chớm giữa Augustus và Pyotr mang lại cho nước Nga những kết quả quan trọng. Sau khi đã nhờ Pyotr đưa mình lên ngôi, Augustus lợi dụng thêm tình bạn nồng hậu của Sa hoàng để trình bày ý đồ đầy tham vọng: hai bên cùng tấn công Thụy Điển. Vua Karl XI của Thụy Điển vừa qua đời, để lại ngai vàng cho con trai mới 15 tuổi. Thời điểm dường như chín muồi để đánh chiếm các tỉnh ven bờ Baltic của Thụy Điển, nhờ đó Ba Lan và Nga có lối thông ra Biển Baltic. Augustus đề nghị rằng, để đảm bảo thành công, cần hoạch định trong bí mật phương án tác chiến và khởi động bất ngờ.
Pyotr cảm thông với ông bạn mới vì có lý do riêng: ở Wien ông được nghe rằng cuộc chiến với Ottoman sắp kết thúc. Đường xuống Biển Đen vẫn còn bị khóa chặt, thế thì cần mở đường lên Biển Baltic. Với lòng khao khát mở đường hàng hải trực tiếp ra phương Tây và với chiến cụ cùng ý tưởng về tàu thuyền và hải quân ông đã thu thập ở Hà Lan và Anh, lẽ tự nhiên là ông thấy kế hoạch của Augustus nghe ra hấp dẫn. Hơn nữa, các tỉnh mà họ định tấn công một thời đã thuộc về Nga, thế thì bây giờ phải lấy lại.
Đại Phái bộ Sứ thần chấm dứt; kế hoạch đi Rome và Venice không thực hiện được vì cuộc nổi loạn của Cấm vệ. Chuyến đi giới thiệu người thợ mộc Pyotr Mikhailov với các vương công, các vị vua và một hoàng đế, và chứng tỏ cho Tây Âu thấy rằng không phải người Nga ăn thịt sống và chỉ mặc da gấu. Những kết quả trọng yếu là gì? Về ý đồ củng cố khối liên minh để chống Ottoman, Đại Phái bộ thất bại. Ở mọi nơi đi qua, Pyotr đều cảm nhận cái bóng ảnh hưởng của Louis XIV bao trùm. Chính vị Hoàng đế Pháp này – chứ không phải Hoàng đế Ottoman – đã khiến cả Châu Âu phải kiêng dè. Cả nền ngoại giao, tiền bạc, tàu chiến và quân đội của Tây Âu đang được huy động để đối phó với cuộc khủng hoảng sắp đến, khi ngai vàng của Tây Ban Nha bị trống vắng. Nước Nga bị bỏ mặc để một mình tự quyết định đánh hoặc đàm phán hòa bình với Ottoman, vì thế không có chọn lựa nào khác hơn là phải hòa hoãn.
Tuy nhiên, theo mục đích thực dụng, Đại Phái bộ Sứ thần thành công đáng kể. Họ tuyển mộ được trên 800 người Tây Âu có năng lực để phục vụ nước Nga. Nhiều người ở lại Nga lâu dài, đóng góp phần quan trọng vào công cuộc hiện đại hóa nước Nga và để lại tên tuổi của họ vĩnh viễn ghi vào lịch sử của triều đại Pyotr.
Quan trọng hơn là ấn tượng sâu sắc và lâu dài mà Tây Âu gây cho chính Pyotr. Ông đi Tây Âu để học cách đóng tàu, và đạt được mục đích này. Nhưng tính hiếu kỳ lôi cuốn ông vào nhiều lĩnh vực mới khác. Ông học hỏi từ mọi điều mắt thấy tai nghe – kính hiển vi, áp suất kế, thiết bị chỉ hướng gió, đồng tiền đúc, giải phẫu học, nha khoa, bắn đại bác… Những gì ông trông thấy ở các đô thị và bến cảng, những gì ông nghe được từ nhà khoa học, nhà sáng chế, thương nhân, người buôn bán lẻ, kỹ sư, chủ xưởng in, binh sĩ và thủy thủ, đều tái xác nhận điều ông đã nhận thức từ lúc ở nhà: về mặt công nghệ nước Nga đi sau Tây Âu cả hàng mấy thập kỷ, có lẽ hàng thế kỷ.
Tự hỏi làm thế nào tình trạng này xảy ra và có thể làm gì để chấn chỉnh, Pyotr đi đến kết luận rằng những thành tựu về công nghệ ở Tây Âu là do sự giải phóng đầu óc của con người. Ông nắm bắt được rằng thời kỳ Phục hưng và Phong trào Cải cách đã phá vỡ những trói buộc của giáo hội có từ thời trung cổ và tạo nên môi trường trong đó tranh luận độc lập về triết lý và khoa học được nảy nở và những cơ sở thương mại đa dạng được triển khai, nhưng không hề ảnh hưởng đến Nga. Ông hiểu rằng những trói buộc như thế vẫn còn hiện hữu trong giáo hội Chính thống ở Nga, được củng cố bằng lối sống và truyền thống dân quê đã tồn tại hàng mấy thế kỷ. Pyotr dứt khoát quyết định phải phá vỡ những trói buộc ấy khi ông về nước.
Nhưng, có điều lạ là Pyotr đã không nắm bắt được – hoặc có lẽ ông không muốn nắm bắt – những hệ lụy về mặt chính trị của cách nhìn mới này về con người. Ông đi phương Tây không phải để học “thuật trị quốc.” Dù cho ở những xã hội Tin Lành Tây Âu, ông trông thấy nhan nhản những quyền con người về công dân và chính trị được thể hiện trong các hiến pháp, đạo luật nhân quyền và nghị viện, ông không muốn trở về nhằm san sẻ quyền hành với thần dân của mình. Trái lại, ông trở về không những chỉ với quyết tâm thay đổi đất nước ông, mà còn với niềm tin rằng nếu nước Nga cần được cải tổ, chính ông sẽ là người vừa hướng dẫn vừa thúc đẩy thay đổi. Ông sẽ cố gắng đi đầu; nhưng nếu giáo dục và thuyết phục không đủ mạnh, ông sẽ ra tay lèo lái – và nếu cần sẽ dùng roi vọt – để đất nước đang bị tụt hậu sẽ tiến lên.
Những cải cách đầu tiên
Bình minh ngày 5/9/1698, Moskva tỉnh giấc nhận được tin Sa hoàng đã về nước. Vì tin tức lan nhanh khắp thành phố, một nhóm đông các nhà quý tộc và triều thần kéo đến bệ kiến Pyotr để chào đón ông trở về, như một quan sát viên nhận xét: “Bằng cách nhanh chóng tỏ thái độ khúm núm, họ muốn chứng tỏ lòng trung thành không có gì lay chuyển.” Pyotr tiếp họ với tư thái vui mừng hồ hởi. Đối với người quỳ mọp xuống dưới chân ông theo cung cách Nga truyền thống, ông “cúi nâng họ lên và ôm hôn họ, như cách thức giữa bạn bè với nhau.”
Chính vào ngày này, sự đón tiếp nồng hậu của họ được đưa vào một cuộc trắc nghiệm. Sau khi đã đi vòng quanh đám đông và trao đổi những cái ôm hôn, thình lình Pyotr lấy ra một lưỡi dao cạo dài của thợ cắt tóc rồi tự tay ông cạo hàm râu của họ. Sa hoàng bắt đầu với Đại Nguyên soái Shein, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội; ông này vì quá kinh ngạc nên không thể phản ứng gì. Kế đến là Hoàng thân Romodanovsky – dù là một người trung thành, tận tụy chí tình và là bạn ăn nhậu sảng khoái – cũng không thoát. Những người khác cũng lần lượt bị bắt buộc để cho Sa hoàng cạo bộ râu của họ, cho đến khi tất cả các nhà quý tộc hiện diện đều bị cạo nhẵn và không ai còn có thể chỉ trỏ người khác mà cười cợt được nữa. Chỉ có ba người được miễn bị cạo râu do địa vị đặc biệt của họ: Giáo chủ, người ngắm nhìn Sa hoàng làm việc với nỗi kinh hãi; Hoàng thân Mikhail Tcherkassky, vì đã lớn tuổi; và Tikhon Streshnev, được tôn trọng vì là người giám hộ của Hoàng hậu.
Trong một loáng, các nhà lãnh đạo chính trị, quân sự và xã hội của Nga được thay đổi về diện mạo. Những khuôn mặt thân quen bao lâu nay biến mất. Những gương mặt mới xuất hiện. Cằm, má, miệng, môi từ bao lâu bị giấu kín, giờ lộ hẳn ra, tạo cho con người diện mạo mới. Hành động của Sa hoàng Pyotr không những tạo phản ứng hài hước, mà còn gây lo âu và khiếp đảm. Đối với đa số người Nga theo Chính thống giáo, bộ râu dài là biểu tượng cơ bản của đức tin và tự trọng. Giáo sĩ thường từ chối làm phép cho người không có râu; cho họ là đáng xấu hổ, vượt quá giới hạn cho phép của giáo lý. Tuy thế, khi càng ngày càng có nhiều người nước ngoài đến Nga mà không để râu, Sa hoàng Aleksei đã cho phép người Nga được quyền cạo râu nếu họ muốn. Một vài người làm theo, nhưng lại bị Giáo chủ Adrian kết án:
Thượng đế không tạo ra con người thiếu chòm râu, chỉ tạo ra chó và mèo như thế. Cạo râu không những là việc điên rồ và ô danh; đấy còn là tội lỗi.
Bản thân không để râu, Pyotr xem bộ râu là không cần thiết, thiếu văn minh và kỳ quặc. Để râu còn khiến cho đất nước làm trò cười cho phương Tây. Đây là một biểu hiện lạc hậu rõ nhất mà ông muốn thay đổi và, theo ý nghĩa tượng trưng, là hủ tục mà ông muốn tự mình tấn công, tự tay cầm con dao. Từ lúc này trở đi, mỗi khi Sa hoàng dự một bữa tiệc hoặc nghi lễ, người đến dự mang bộ râu đều ra về mặt mũi nhẵn thín. Trong vòng một tuần sau khi trở về nước, ông đến dự buổi tiệc do Đại Nguyên soái Shein khoản đãi và ra lệnh cho một thị thần đi vòng quanh phòng làm nhiệm vụ thợ cạo. Công việc thường khiến nạn nhân khó chịu, bị trầy sướt là không tránh khỏi. Nhưng không ai dám kháng cự: Sa hoàng đang đứng đấy để nhéo tai người nào tỏ ra lưỡng lự.

Khởi đầu chỉ là việc thực hiện trong giới thân cận và cho thấy ai muốn được lòng Sa hoàng phải cạo râu, dần dà việc này được luật hóa: mọi người Nga ngoại trừ giới tăng lữ và nông dân đều phải cạo râu; quan quân được lệnh cạo râu bất kỳ người nào họ gặp dù người này có địa vị cao đến đâu. Lúc đầu, những người cố xoay xở để mang râu còn hối lộ quan quân cho họ đi qua, nhưng sau đấy họ lại gặp quan quân khác đòi cạo râu. Chẳng bao lâu, họ thấy rằng mang bộ râu là sự xa xỉ vì tốn quá nhiều tiền.
Rốt cuộc, ai muốn được phép mang râu phải trả một khoản thuế hằng năm. Người trả thuế này được cấp một huy hiệu đeo vòng quanh cổ để chứng minh bộ râu của họ là hợp pháp. Nhiều người sẵn lòng nộp thuế để giữ bộ râu, nhưng không mấy ai dám đứng trước mặt Sa hoàng như thế kẻo gây nên cơn thịnh nộ. Thỉnh thoảng thấy người quanh mình còn mang râu, Pyotr đùa cợt bằng cách dùng tay kéo râu của họ ra hoặc cố cạo với một con dao cùn, rứt theo một ít da.
Hình: huy hiệu chứng minh đã nộp thuế nhằm được phép để râu. Hiện mới chỉ có 2 huy hiệu loại này được tìm thấy lại ở Nga., khiến cho huy hiệu trở thành món cổ vật được săn lùng ráo riết.
Mặc dù Pyotr lấy làm vui, đa số người Nga cho đây là hành động gây hấn và sỉ nhục. Nhiều người thà mất đi bất cứ thứ gì khác chứ không muốn bỏ đi bộ râu họ đang mang cả đời, mong rằng sẽ có thể mang bộ râu xuống mồ và hãnh diện là vẫn còn có râu khi qua thế giới bên kia. Họ không thể cưỡng lại: Sa hoàng đã quá quyết tâm. Nhưng họ cố tìm cách chuộc lỗi đối với việc họ đã được dạy bảo là tội lỗi. Một kỹ sư người Anh, người đã được Pyotr tuyển mộ khi di hành đến London, mô tả một người thợ mộc Nga già mà ông gặp ở xưởng đóng tàu Voronezh:
Khoảng thời gian này Sa hoàng đi đến Voronezh nơi tôi đang phục vụ, và nhiều người đàn ông làm việc với tôi vốn đã mang bộ râu cả đời bây giờ phải cạo bỏ. Trong số này là một người thợ mộc Nga già, vừa bước ra khỏi quán cắt tóc… một người thợ rất vững tay nghề mà tôi luôn duy trì tình bằng hữu… Tôi đùa cợt chút ít với ông ấy… nói rằng bây giờ ông trông trẻ ra và hỏi ông định làm gì với bộ râu [đã được cắt đi]… Ông đưa tay vào trong áo, lôi ra bộ râu cho tôi xem; nói với tôi rằng sẽ bảo người bỏ bộ râu vào quan tài khi ông qua đời, để ông có thể kể lại vụ việc với Thánh Nicholas khi đi qua thế giới bên kia, và rằng những bạn đồng nghiệp của ông cũng đã chuẩn bị như thế.
Ngày thứ hai sau khi trở về Moskva, Pyotr đi kiểm tra quân đội và lập tức phật ý. Nhà ngoại giao Johann Korb người Áo kể lại:
Khi trông thấy họ [binh sĩ Nga] quá vụng về so với binh sĩ [các nước] khác, ông biểu diễn mọi tư thái và hành động của việc diễn tập, qua dấu hiệu của mình ông dạy cho họ biết làm thế nào họ phải cố cải thiện thân người nặng nề, vụng về của họ.
Không bao lâu sau khi Pyotr bắt các nhà quý tộc cạo râu, Pyotr lại đòi hỏi họ phải thay trang phục truyền thống Nga sang kiểu Tây Âu. Vài người đã thay đổi như thế; kiểu Ba Lan đã xuất hiện trong triều đình. Năm 1681, Sa hoàng Fyodor đã bắt quần thần cắt bớt áo ngoài để dễ đi lại. Nhưng hầu hết người Nga vẫn còn ăn vận theo kiểu cũ: áo thêu, vạt rộng chèn vào trong giày bốt với các ngón cong lên, bên ngoài thêm áo choàng dài bằng nhung hoặc bằng vải satin, vải thêu kim tuyến, với tay áo rất dài và rất rộng. Khi đi ra ngoài, người Nga còn khoác thêm một áo choàng dài, bằng vải nhẹ trong mùa hè, viền lông thú trong mùa đông, với cổ đứng hình vuông và với hai tay còn dài hơn áo trong, thòng xuống đến gót chân.
Pyotr ghét trang phục kiểu truyền thống vì không được tiện lợi. Trong công việc của ông, ăn mặc như thế mà làm việc ở xưởng đóng tàu, điều khiển thuyền, diễu hành trong đoàn quân… luôn làm ông vướng víu, khó đi đứng được linh hoạt. Và ông cũng không thích thiên hạ nhìn mình chằm chằm pha lẫn tò mò, vui thú và khinh thường khi đi trên đường phố ở Tây Âu. Trở về nước, ông nhất quyết thay đổi. Ngày 3/10, khi tổ chức lễ đón tiếp chính thức Đại Phái bộ Sứ thần trở về, Pyotr ra lệnh người tham dự phải mặc trang phục kiểu Tây Âu. Ngay cả Romodanovsky, vốn bảo thủ về cách ăn mặc, cũng phải tuân phục.
Pyotr mặc trang phục Tây Âu. Mẹ của ông, Hoàng hậu Natalia, lộ vẻ quá kinh ngạc. Giáo chủ Andrian (trái) và Zotov, thầy dạy học của Pyotr, cũng tỏ ra bất bình. Phía trên là bức họa của Sa hoàng Aleksei I, cha của Pyotr, cũng có tính bảo thủ.
Mùa đông năm ấy, trong tiệc mừng khánh thành biệt thự mới của Lefort, Pyotr dùng một chiếc kéo cắt bớt cánh tay áo rộng của các nhà quý tộc chung quanh ông và nói: “Thấy đó, những thứ này làm các ông vướng víu. Các ông không thể nào được an toàn như thế. Có lúc các ông làm đổ ly rượu, lúc khác các ông đãng trí nhúng nó vào nước xốt.” Ông trả các cánh tay áo đã cắt cho chủ nhân và đề nghị: “Hãy dùng làm ghệt cho giày ủng.”
Năm sau, tháng 1/1700, Pyotr biến sự khuyến khích thành luật. Quan quân đi rảo quanh đường phố, đánh trống và tuyên cáo rằng tất cả giới quý tộc, tất cả nhân viên quan chức và người có tài sản, ở Moskva và các tỉnh, phải từ bỏ loại áo lụng thụng và phải đổi qua kiểu Hungary hoặc kiểu Đức gọn gàng hơn. Năm sau, một chỉ dụ ban hành chi tiết về loại trang phục mà đàn ông và phụ nữ phải mặc. Chỉ dụ kế tiếp cấm người Nga mang giày ống cao cổ kiểu Nga và dao dài kiểu Nga. Người đi qua các cổng thành phải nộp tiền phạt, trừ nông dân. Kế tiếp, Pyotr ra lệnh lính canh ở các cổng thành bắt người mặc áo truyền thống phải quỳ xuống và xén vạt áo của họ theo đường chạm với mặt đất. Hàng trăm vạt áo bị cắt xén theo cách khôi hài như thế, khởi đầu gây vui đùa trong dân chúng và dần dần xóa bỏ thói quen mặc áo quá dài, đặc biệt là trong vùng gần Moskva và thành thị nơi Sa hoàng đi qua.
Theo thời gian, những chỉ dụ kế tiếp mở rộng và chỉnh sửa ý muốn của Pyotr rằng phải mặc các kiểu trang phục mới “để thể hiện sự vinh quang và đoan trang của đất nước và tính chuyên nghiệp của quân đội.” Sự chống đối không mạnh như trong việc cạo râu. Giáo sĩ còn có thể nhiếc móc người cạo sạch râu, nhưng giáo hội không đứng lên bảo vệ các kiểu trang phục cổ. Trong vòng năm năm, đại sứ Anh tại Moskva cho biết “trong cả thành phố lớn này không hề thấy có nhân vật quan trọng nào mặc trang phục gì khác hơn là kiểu Đức.”
Việc cải tổ về thời trang là ví dụ cho thấy lòng nôn nóng chính đáng của Pyotr muốn đổi mới theo Tây Âu mà xóa bỏ thói quen của Nga. Đúng là trang phục kiểu Nga quá lụng thụng khiến cho đi đứng hoặc làm việc đều khó khăn. Nhưng trong mùa đông khắc nghiệt ở Nga, trang phục như thế lại hữu ích. Khi nhiệt độ xuống dưới âm 20 hoặc âm 30 độ, người Nga xưa cũ trong bộ áo choàng dài che kín cả chân tay và bộ râu phủ kín cả cằm mặt có thể mãn nguyện nhìn một ông theo Tây Âu mặt nhẵn thín tái nhợt và hai đầu gối phơi ra ngoài khí lạnh liên tục đập vào nhau để cố giữ người được ấm.
Một trong những cải cách khác của Pyotr là về niên lịch. Từ thời cổ xưa, người Nga sử dụng lịch không tính theo năm Jesus ra đời, mà theo năm họ tin rằng thế giới được tạo ra. Theo lịch này, Pyotr trở về từ Tây Âu không phải vào năm 1698, mà là năm 7206. Hơn nữa, người Nga bắt đầu năm mới không phải vào ngày 1/1, mà là ngày 1/9, vì họ tin rằng thế giới được tạo ra khi vụ mùa đã chín, hơn là trong mùa đông khi vạn vật vẫn còn chìm trong tuyết.
Niên lịch mới mà Pyotr ra lệnh áp dụng là lịch Julian, do Hoàng đế Julius Ceasar định năm 45 tCN. Pyotr áp dụng lịch này có lẽ là vì chịu ảnh hưởng của Anh quốc lúc bấy giờ cũng áp dụng. Năm 1582, Giáo hoàng Pope Gregory XIII đã quy định niên lịch mới, gọi là lịch Gregorian được áp dụng bây giờ (theo sau lịch Julian khoảng 11 ngày). Tuy nhiên, các nước theo Anh giáo và Chính thống giáo thời đó không chấp nhận lịch do Giáo hoàng Thiên chúa giáo định. Mãi đến năm 1752 Anh quốc mới đổi qua lịch Gregorian, đến phiên Nga là vào năm 1918.
Tháng 12/1699, Pyotr ra quy định là năm mới sắp đến sẽ là năm 1700 và bắt đầu ngày 1/1. Trong chỉ dụ, Sa hoàng thẳng thắn giải thích việc thay đổi là cho phù hợp với phương Tây. Để đáp trả những người biện luận rằng Thượng đế hẳn đã không thể tạo dựng thế giới trong mùa đông giá buốt, Pyotr mời họ “xem bản đồ thế giới, và bằng giọng nói dễ chịu, giải thích cho họ hiểu rằng nước Nga không phải là tất cả của thế giới, và trong khi ở Nga là mùa đông thì nơi khác là mùa hè.” Để ăn mừng việc thay đổi và tạo ấn tượng về ngày đầu năm, Pyotr ra lệnh cử hành lễ ở tất cả nhà thờ nước Nga vào ngày 1/1. Thêm nữa, ông ra lệnh mọi người trang hoàng nhà cửa trong dịp này, và mọi công dân Moskva phải “biểu lộ niềm hạnh phúc bằng cách lớn tiếng chúc mừng lẫn nhau.”
Pyotr cũng thay đổi tiền tệ của Nga. Lúc trở về từ Tây Âu, ông cảm thấy xấu hổ về hệ thống đồng tiền của Nga: may rủi, thiếu nghiêm túc, lạc hậu. Một lượng lớn tiền là đồng tiền nước ngoài, chủ yếu là Đức và Hà Lan, có đóng thêm chữ “M” để chỉ định “Muscovy.” Đồng tiền thực thụ của Nga là kopek, có chất lượng và kích thước khác nhau rất nhiều, và khi người Nga cần tiền lẻ, họ chỉ việc chặt đồng tiền ra thành vài mảnh nhỏ. Chịu ảnh hưởng từ chuyến thăm viếng Xưởng Đúc tiền Hoàng gia của Anh, Pyotr nhận thức rằng để phát triển thương mại, ông phải có một lượng đồng tiền đầy đủ, được triều đình ban hành và bảo đảm. Vì thế, ông ra lệnh sản xuất một lượng lớn đồng tiền có kích thước to hơn, hình thức đẹp hơn, làm bằng đồng để thay thế cho các đồng kopek. Theo sau đấy, ông ban hành những loại đồng tiền bằng bạc và vàng có mệnh giá tính theo đồng rúp, mỗi rúp bằng 100 kopek.
Một ý tưởng khác của nước ngoài được gửi đến Pyotr qua một bức thư nặc danh được tìm thấy nằm trên sàn một văn phòng của triều đình. Thư nặc danh thường tố cáo triều thần, nhưng lá thư này đề xuất Nga sử dụng loại giấy có đóng dấu, để tất cả bản thỏa thuận, hợp đồng, đơn thỉnh nguyện và những loại giấy tờ khác phải được viết trên loại giấy đặc biệt có hình con ó in trên góc trái. Chỉ triều đình được quyền bán loại giấy này, tiền thu được cho vào Kho bạc. Vô cùng sung sướng, Pyotr ban hành chỉ dụ cho thi hành lập tức, và ra lệnh đi tìm người viết bức thư. Đấy là Aleksei Kurbatov, một gia nhân của Boris Sheremetyev, đã đi theo ông này đến Ý và thấy cách sử dụng loại giấy có đóng dấu của Ý. Pyotr trọng thưởng cho Kurbatov, cử anh vào một chức vụ mới trong triều đình và giao nhiệm vụ cho anh tìm thêm phương thức để tăng mức thu của triều đình.
Chính Pyotr cũng mang về một phương cách Tây Âu để tăng tính hiện đại trong xã hội đồng thời đỡ hao hụt ngân quỹ nhà nước. Cách thức tưởng thưởng theo truyền thống của Sa hoàng là ban tặng những vùng đất rộng hoặc những khoản tiền lớn. Ở Tây Âu, Pyotr đã nhận ra cách thức tiết kiệm hơn để tưởng thưởng. Phỏng theo các loại huân chương ở Tây Âu, năm 1698 Pyotr thành lập Huân chương Sankt-Andrei, được gọi theo tên thánh bảo trợ nước Nga. Huân chương này chỉ có một cấp bậc, được trao tặng cho người có công trạng xuất chúng về dân sự lẫn quân sự, đồng thời cũng phong tước hiệp sĩ của Nga. Những hiệp sĩ mới được phân biệt bằng một dải băng rộng màu xanh dương nhạt, mang chéo qua ngực, với thánh giá của Thánh Andrei màu đen trên nền men trắng. Người đầu tiên được thưởng Huân chương này là Fyodor Golovin, bạn đồng hành trung thành của Pyotr và đại sứ trong Đại Phái bộ Sứ thần, và bây giờ trên thực tế là thủ tướng tuy không chính thức. Sa hoàng cũng trao tặng Huân chương Sankt-Andrei cho Mazeppa, Thủ lĩnh sắc tộc Cossack, và Boris Sheremetyev, người sẽ kế tiếp Shein làm Tổng Tham mưu trưởng quân đội.
Hai mươi lăm năm sau, vào lúc Pyotr qua đời, tổng cộng có 38 nhân vật gồm 24 người Nga và 14 người nước ngoài được trao tặng Huân chương Sankt-Andrei. Từ lúc này cho đến khi chế độ quân chủ của Nga chấm dứt, Huân chương Sankt-Andrei là phần thưởng danh dự cao quý nhất mà Sa hoàng ban tặng. Vì thế, do bản chất của con người, trải qua hai thế kỷ, tướng lĩnh, đô đốc, bộ trưởng và các đại thần khác của triều đình Nga đều xem những mảnh vải, bạc và men ấy có giá trị ngang bằng với hàng nghìn mẫu đất màu mỡ của nước Nga.
Thử tưởng tượng: buổi lễ trao huân chương diễn ra thật trọng thế trong khung cảnh hoành tráng với sự hiện diện của những nhân vật trọng yếu trong bộ đại lễ hoặc triều phục đầy màu sắc, lời tuyên dương được cất lên một cách long trọng với những ngôn từ hoa mỹ cao vời, nhân vật đứng đầu triều đình đích thân gắn huân chương và quàng dải lụa quanh người nhận, rồi tiếng vỗ tay hoan hô vang lên, ban quân nhạc rộn rã, rồi yến tiệc linh đình với vô số lời chúc tụng cho vị tận hiệp sĩ Nga, v.v. Ai còn màng đến đất đai cơ chứ!
Huân chương Sankt-Andrei bị hủy bỏ dưới chế độ Liên Xô, rồi đến năm 1998 được phục hồi thành huân chương cao quý nhất nước Nga. Trong số những nhân vật thời cận đại nhận Huân chương này có Mikhail Gorbachev, Tổng Bí thư cuối cùng của Đảng Cộng sản Liên Xô, và Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc.
Trong mùa thu và mùa đông sau khi Pyotr trở về, lần đầu tiên nước Nga cảm nhận toàn bộ sức nặng của quyết tâm từ Sa hoàng. Lúc vừa từ Tây Âu trở về, Pyotr đã nôn nóng muốn xem các tàu chiến của mình đang được đóng ở Voronezh. Trong suốt mùa đông, không màng đến thời tiết giá lạnh, Pyotr cùng lao động với công nhân. Ông đi rảo khắp xưởng đóng tàu, bước qua những thớt gỗ phủ đầy tuyết, qua những con tàu nằm lặng yên trên bệ đỡ, qua những công nhân đang xúm xít bên ngọn lưả cố giữ cho chân tay và thân người được ấm, qua lò đúc và lò nung nơi những mỏ neo và phụ kiện kim loại đang được đúc thành hình khối. Ông hoạt động không biết mệt mỏi, dốc hết sức lực chỉ huy, khuyến khích, thuyết phục. Công nhân nước ngoài than phiền họ phải làm việc quá nặng nhọc đến nỗi không có thời giờ đi rửa tội ở nhà thờ. Nhưng hạm đội tiếp tục thành hình. Suốt mùa đông, mỗi tuần đều có 5 hoặc 6 tàu được hạ thủy hoặc sẵn sàng chờ hạ thủy khi băng tan.
Không bằng lòng với việc giám sát tổng quát, Pyotr tự tay thiết kế và cùng với công nhân toàn người Nga đóng một chiến hạm lớn. Ông tự đặt ki rồi thường xuyên làm việc xây dựng, cùng với các nhà quý tộc đã đi theo ông. Đấy là một con tàu trông oai hùng, tạo cho Pyotr niềm vui khi làm việc với đồ nghề trong tay ông và nghĩ rằng trong hạm đội tiến ra Biển Đen, sẽ có một chiến hạm do chính tay ông tạo dựng. Đó là chiếc Goto Predestinatsia (có nghĩa: Thiên định của Chúa), có 3 cột buồm và 58 đại bác, được hạ thủy ngày 27/4/1700, chỉ hơn 10 năm sau chuyến vi hành Tây Âu của Pyotr.
Goto Predestinatsia. Chiến hạm đầu tiên của Hải quân Nga do hoàn toàn nguồn lực Nga xây dựng.
Vào mùa xuân, hạm đội đã sẵn sàng, gồm có 86 chiếc tàu đủ kích thước, kể cả 18 chiến hạm viễn dương được trang bị từ 36 đến 46 đại bác mỗi tàu. Ngoài ra, còn có 500 sà lan để chở binh sĩ, quân nhu, vũ khí và đạn dược. Ngày 7/5/1699, hạm đội rời Voronezh xuôi dòng sông. Đô đốc Golovin giữ chức tư lệnh hạm đội trên danh nghĩa, với Phó đô đốc Cruys có quyền chỉ huy thật sự.
Khởi đầu Đại chiến Bắc Âu
Thế rồi, Đại chiến Bắc Âu nổ ra, với ưu thế vượt trội của Thụy Điển trong thời gian đầu và Nga chịu thiệt hại nặng trong Trận Narva tháng 11/1700.
Trong khi quân Nga đang được tập trung và tái trang bị, Pyotr ra lệnh gấp rút xây các pháo đài phòng thủ gần Moskva. Nghi lễ nhà thờ bị bãi bỏ để giáo sĩ có thể tham gia cùng giáo dân đào đất xây dựng hệ thống phòng thủ. Nhà cửa và giáo đường bị dỡ bỏ để lấy mặt bằng xây thành lũy mới. Để nêu gương, chính Sa hoàng tham gia lao động xây những công sự đầu tiên ở Novgorod. Khi ông rời đi, ông giao công việc lại cho Trung tá Shenshin, nhưng ông này nghĩ Sa hoàng đã đi luôn, lập tức ngừng ngay công việc chân tay. Pyotr trở lại và, khi thấy tình trạng này, ra lệnh đánh roi người sĩ quan trước thành lũy và chuyển anh ta đi Smolensk với quân hàm lính quèn.
Nhưng Pyotr nhận thức rằng trong tương lai xa, quân đội của ông cần được cải tổ sâu rộng để trở thành đội ngũ chuyên nghiệp dựa trên thời gian phục vụ 25 năm.
Để chấn chỉnh tình trạng này, Pyotr ra lệnh cải tổ toàn diện chương trình huấn luyện, với tiêu chuẩn mới về kỷ luật và chiến thuật dựa theo các mô hình Tây Âu. Phải bắt đầu nỗ lực này với việc soạn thảo tài liệu huấn luyện mới; tài liệu duy nhất lúc đó có ở Nga ghi năm 1647, được chép từ một tài liệu của Đức năm 1615! Pyotr muốn chú trọng đến việc huấn luyện chiến đấu; ông không cần những đội ngũ để diễu hành đều nhịp một cách lộng lẫy và “đi như thể khiêu vũ.” Ông cũng không màng những bộ đồng phục trau chuốt kiểu Tây Âu “trông như những con rối ăn mặc mỹ miều.” Quân đội Nga phải dùng loại vải đơn giản được sản xuất trong nước. Quan trọng nhất là họ phải được trang bị vũ khí hiện đại. Điều may là, khi ở Anh, Pyotr đã mua về từ 30.000 đến 40.000 khẩu súng kíp với lưỡi lê, để làm mẫu chế tạo trong nước. Mức sản xuất ban đầu còn thấp, nhưng lên đến 30.000 khẩu năm 1706 và 40.000 khẩu năm 1711.
Năm 1699, chỉ một năm sau cuộc vi hành qua Tây Âu, Pyotr ra lệnh cải tổ quân đội – đặc biệt là kỵ binh – theo tiêu chuẩn Tây Âu. Các trung đoàn kỵ binh quý tộc chiến đấu quá hèn yếu, và những trung đoàn được huấn luyện thuần thục ra đời. Khởi đầu với 2 trung đoàn như thế, đến Trận Pultowa 10 năm sau quân Nga có 37 trung đoàn kỵ binh thiện chiến.
Những chiến thuật hiện đại được chú trọng. Binh sĩ được huấn luyện để từng tiểu đội biết cách bắn đồng loạt theo lệnh truyền và biết sử dụng lưỡi lê. Kỵ binh được huấn luyện để biết di chuyển chỉ khi có lệnh, biết cách phi ngựa theo đội hình, tấn công bằng gươm và rút lui có trật tự thay vì chạy khỏi bãi chiến trường như bầy thú hoang. Cuối cùng, Pyotr khổ nhọc để truyền một tinh thần mới cho quân đội: Chiến đấu không phải vì Sa hoàng mà vì “quyền lợi của nước Nga” – theo cách Pyotr tự tay viết ra.
Vấn nạn trầm trọng nhất về mặt chiến cụ là pháo binh. Hầu hết tất cả pháo của quân đội Nga – cả súng cối nặng dùng để hãm thành lẫn đại bác bắn ngoài trận địa – đã bị mất ở Narva; phải bắt đầu từ con số không. Bộ trưởng Bưu điện Vinius nhận chức vụ Thanh tra Pháo binh, và được trao quyền hành rộng rãi. Pyotr chỉ quan tâm đến hành động. Vị đại thần già thấy rằng không có thời giờ để khai thác quặng và tinh lọc kim khí; cần phải đúc đại bác từ nguyên vật liệu đã có sẵn. Pyotr ra lệnh: Trên cả nước, ở các thị trấn chính, ở nhà thờ và tu viện, phải thu gom một số chuông để đúc đại bác và súng cối.
Đây là hành động gần như phạm thánh, vì chuông nhà thờ có ý nghĩa thiêng liêng gần như là chính nhà thờ, mỗi quả chuông có một vai trò thân thương từ nghìn xưa trong đời sống của dân Nga. Tuy thế, vào tháng 6/1701, một phần tư số chuông nhà thờ của nước Nga bị nấu chảy và đúc lại thành đại bác. Vinius bị rắc rối với đám thợ lò đúc: họ uống rượu quá nhiều và ngay cả đòn vọt vẫn không thể bắt họ tăng tiến độ. Nhưng phía sau Vinius lởn vởn cơn thịnh nộ của Sa hoàng, với bức thư:
Cho họ xem thư này, bảo các thị trưởng rằng nếu vì sự chậm trễ của họ khiến cho các khẩu pháo không sẵn sàng, họ sẽ phải trả giá không những bằng tiền bạc mà còn bằng cái đầu của họ.
Dù qua bao khó khăn trong việc tìm đủ nhân công và hợp kim để pha với sắt, Vinius tạo ra phép lạ. Đến cuối năm 1701, ông đã sản xuất được hơn 300 khẩu pháo mới cũng như thành lập một trường huấn luyện cho 250 trai trẻ học về nghề đúc súng và ngành pháo binh. Năm 1702, dù đã lớn tuổi, Vinius được cử đến Siberia để tìm thêm mỏ sắt và đồng. Trong giai đoạn 1701-1704, có tới 7 nhà máy luyện kim được dựng lên, sản xuất loại quặng mà Đại sứ Anh báo cáo là “tốt một cách đáng khen, còn tốt hơn quặng của Thụy Điển.” Số lượng pháo của Nga tiếp tục tăng lên và bắt đầu bắn đến quân Thụy Điển. Đến năm 1705, Đại sứ Anh cho biết đại bác của Nga “đang phục vụ rất đắc lực.”
Trong thời gian được dễ thở vì Vua Karl (Anh văn: Charles) của Thụy Điển bận dẫn quân truy đuổi Vua Augustus qua những khu rừng và đầm lầy của Ba Lan, Nga bắt đầu tạo được những thành tựu nhỏ. Đầu tiên là việc chiến dịch hải quân của Thụy Điển đánh Arkhangelsk không tạo kết quả gì. Kế tiếp là ba chiến công tuy nhỏ nhưng quan trọng. Quan trọng hơn theo ý nghĩa tượng trưng, quân Nga bắt được 350 tù binh Thụy Điển và giải về Moskva. Khi tù binh Thụy Điển đến, Pyotr tổ chức đoàn diễu hành để dẫn họ đi vào thành phố. Tinh thần của người Nga, đã xuống thấp từ Trận Narva, bây giờ bắt đầu lên.
Năm 1702, đội quân mới với những khẩu pháo mới làm từ chuông nhà thờ Nga chiếm được pháo đài quan trọng đầu tiên từ tay Thụy Điển: Nöteborg-Shlisselburg. Đó là thất bại nặng nề cho Thụy Điển vì họ đã mất đi bức tường chặn Nga tiến ra Neva và cả Tỉnh Ingria.
Mùa xuân sau, năm 1703, Pyotr dứt khoát ra lệnh tấn công trực diện để tạo dựng miền đất Nga trên bờ Biển Baltic. Kết quả là ông chiếm được trọn chiều dài của Sông Neva và lấy lại đường thông ra Biển Baltic. Tỉnh Ingria về lại tay Nga.
Xây dựng Cảng và Thành phố Sankt-Peterburg
Khi chiếm được cái gì, Pyotr củng cố cái ấy ngay lập tức. Ông đã mơ đến việc xây dựng một thành phố bên bờ biển – một bến cảng mà từ đấy tàu thuyền Nga và hàng hóa Nga sẽ đi ra những đại dương của thế giới. Vì thế, ngay khi đã tạo được chân đứng trên bờ Biển Baltic, ông bắt đầu xây dựng thành phố của mình: Sankt-Peterburg. Đối với nhiều người, đây là việc điên rồ, một việc làm quá sớm, chỉ phí công vô ích. Ông chỉ mới đặt được một ngón chân, lại là một ngón chân không chắc chắn: Karl đang ở phương xa nhưng chưa bao giờ bị đánh bại. Một ngày nào đó, chắc chắn vị vua này sẽ đến giật lại cái mà Pyotr đã chiếm sau lưng ông ta. Lúc ấy, thành phố này – qua bao kỳ công xây đắp – sẽ chỉ là một thị trấn khác của Thụy Điển trên bờ Biển Baltic.
Pyotr đã quyết định đúng đắn. Quân Thụy Điển quả thực có trở lại, nhưng đều bị đánh lui từ lần này qua lần khác. Qua nhiều thế kỷ, đã có nhiều đoàn quân hùng mạnh – của Karl XII, Napoléon, Hitler – xâm lăng nước Nga, nhưng không ai có thể chiếm lấy thành phố cảng Baltic của Pyotr, tuy quân Đức Quốc xã bao vây thành phố suốt 900 ngày trong Thế chiến 2. Từ ngày Pyotr Đại đế đặt chân lên cửa Sông Neva, vùng đất và thành phố vươn lên nơi đây lúc nào cũng nằm trong tay người Nga.
Có lẽ đây là do tình cờ. Lúc đầu, Pyotr đã không có ý nghĩ xây một thành phố – huống hồ lại là thủ đô – trên bờ Sông Neva. Ông muốn trước nhất có một pháo đài nhằm bảo vệ cửa khẩu để tàu buôn giao dịch với Nga có thể tránh đi vòng đến Arkhangelsk. Có lẽ nếu chiếm được Riga trước, ông hẳn đã không bao giờ cho xây Sankt-Peterburg. Riga đang là một cảng sầm uất, là một trung tâm lớn cho nền thương mại Nga, và thời gian bị đóng băng ngắn hơn 6 tuần so với cửa sông Neva. Nhưng mãi đến năm 1710, Riga mới rơi vào tay Pyotr. Sankt-Peterburg là địa điểm đầu tiên Pyotr đặt chân đến bờ Biển Baltic. Ông không muốn chờ đợi; ai biết tương lai sẽ ra sao? Nắm bắt lấy thời cơ, như ông vẫn thường làm thế, ông bắt đầu việc xây dựng.
Trong những năm sau khi Sankt-Peterburg thành hình, Thụy Điển nhiều lần tấn công và quấy rối thành phố mới qua đường bộ lẫn đường biển, nhưng đều bị đẩy lui.
Thành phố này sẽ trở thành cái nôi của văn học, âm nhạc và kịch nghệ Nga. Trong hai thế kỷ, thành phố này sẽ là chính trường nơi mà các hoàng đế Nga quyết định vận mệnh đất nước của họ trong khi trị vì một đế chế từ thủ đô mà Pyotr đã tạo dựng. Và cũng chính ở thành phố này diễn ra những biến cố cuối cùng dẫn đến việc lật đổ vương triều của Pyotr.
Ngay cả tên của thành phố cũng thay đổi: khi những người theo cách mạng tìm cách tôn vinh người tạo dựng nên chế độ mới, họ quyết định tặng cho Lenin “cái tốt nhất mà chúng tôi có.” Trong một thời gian, thành phố mang tên Leningrad. Nhưng nhiều người Nga cảm thấy cái tên này mắc nghẹn trong cổ họng của họ. Đối với họ, nó mãi mãi vẫn gắn liền với “Piter” (Nga văn: Питер), là tên ngắn gọn mà người Nga gọi Thành phố Sankt-Peterburg một cách thân thương. Hiện nay, thành phố này mang lại tên cũ và được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Vào mùa hè 1703, Pyotr đi trên chiếc tàu Standard tiến ra Vịnh Phần Lan. Đây là một khoảnh khắc lịch sử: chuyến hải hành đầu tiên của một Sa hoàng nước Nga trên một tàu của Nga trên Biển Baltic. Khi tàu ra khỏi Sông Neva và đi về hướng tây, ngay trước mặt, chỉ cách cửa sông Neva 25 kilômét, ông thấy một hòn đảo sau này được Nga gọi là Kotlin, là nơi xây dựng pháo đài và căn cứ hải quân Kronstadt.
Ngay từ lúc đầu, Pyotr đã muốn chân đứng của Nga trên bờ Biển Baltic sẽ trở thành một cảng thương mại và đồng thời là căn cứ hải quân. Ông ra lệnh liên hệ với các nước để khuyến khích họ sử dụng cảng mới. Con tàu đầu tiên là một tàu hàng Hà Lan, cập cảng vào tháng 11/1703, chỉ 6 tháng sau khi cảng mới nằm trong tay Nga. Nhận được tin con tàu đã đến cửa sông, Pyotr ra đón và đích thân lái con tàu đi lên thượng lưu. Sự ngạc nhiên thú vị của viên thuyền trưởng về thân thế của người lái tàu ngang bằng sự mừng vui của Pyotr khi được biết con tàu chở hàng của người bạn ông ở Zaandam. Viên thuyền trưởng được chiêu đãi và thưởng tiền, con tàu nhận vinh dự được đổi tên thành Sankt-Peterburg và vĩnh viễn được miễn trừ mọi loại thuế quan của Nga.
Chẳng bao lâu, một tàu Hà Lan và một tàu Anh nối gót, để được tưởng thưởng theo cách tương tự. Từ đó trở về sau, Sa hoàng làm mọi cách có thể để khuyến khích tàu nước ngoài sử dụng cảng Sankt-Peterburg. Ông giảm phí qua cảng xuống đến không bằng phân nửa so với phí ghé qua các cảng do Thụy Điển kiểm soát. Ông hứa sẽ đưa hàng hóa sang Anh với giá rất thấp, miễn là phía Anh đến nhận hàng ở Sankt-Peterburg thay vì Arkhangelsk. Sau này, ông sẽ dùng quyền uy Sa hoàng của mình để chuyển phần lớn lượng sản phẩm vốn xuất ra Bắc Băng Dương qua cảng mới trên Biển Baltic.
Với thời gian trôi qua, tầm nhìn của Pyotr về Sankt-Peterburg trở nên rộng hơn. Ông thấy nó không chỉ là pháo đài kiểm soát cửa Sông Neva, hoặc ngay cả cảng hàng hải và căn cứ hải quân. Ông bắt đầu xem nó như là một thành phố. Đúng lúc này, một kiến trúc sư người Ý – Domenico Trezzini, người đã xây cho Vua Frederick IV của Đan Mạch một cung điện lộng lẫy – có mặt ở Nga. Ông đã ký hợp đồng nhận chức vụ Tổng Quản trị phụ trách xây dựng các tòa nhà và pháo đài. Vẫn say mê kiến trúc kiểu Tây Âu do ảnh hưởng từ chuyến vi hành, Pyotr nhanh chóng điều ông đến Neva để giám sát tất cả hoạt động thi công ở đây. Trong chín năm, Trezzini để lại dấu ấn ở thành phố mới. Năm 1713, bắt đầu việc thi công Thánh đường Petropavlovsk (Peter and Paul) với ngọn tháp dát vàng kiểu Đức vươn cao 120 mét, vẫn còn tồn tại cho đến bây giờ.
Bên tay trái là “Nhà thuyền” lưu giữ con thuyền “Thủy tổ của Hải quân Nga”, bên tay phải là Thánh đường Petropavlovsk

Những cải cách trong thời chiến
Dù chiến tranh vẫn đang tiếp diễn với Thụy Điển, Pyotr không ngừng canh tân nước Nga. Trong việc phát triển thương mại và công nghiệp, sau khi đã quan sát cách thức hoạt động có hiệu quả của những công ty thương mại Anh và Hà Lan ở Nga, Pyotr ra lệnh cho các thương nhân Nga lập nên những tổ chức tương tự.
Trong nhiều lĩnh vực, Pyotr có nỗ lực nghiêm túc để cải thiện thói quen và điều kiện sống của người Nga. Chính ông đích thân hành động để nâng cao địa vị của phụ nữ Nga, bãi bỏ chế độ khắt khe của biệt cung, cho phép phụ nữ hoàng gia ngồi cùng ăn với đàn ông và tham dự những lễ hội công cộng. Ông cấm bậc cha mẹ ép duyên con cái theo truyền thống mà có khi cô dâu và chú rể không hề được trông thấy mặt nhau trước. Năm 1702, với niềm vui vô bờ của giới trẻ, Sa hoàng ra chỉ dụ rằng tất cả quyết định về hôn nhân phải là tự nguyện, rằng hai bên phải gặp nhau ít nhất sáu tuần trước khi kết hôn, mỗi bên có quyền tự do từ chối bên kia, và việc chú rể vung cây roi trong ngày cưới như là biểu trưng cho quyền hành phải được thay thế bằng nụ hôn thể hiện tình yêu.
Sa hoàng cấm người bán hàng rong bán những loại thảo dược và dược liệu, mà chỉ có những cửa hàng y dược mới được bán. Năm 1706, Sa hoàng thiết lập bệnh viện nhân dân đầu tiên ở Moskva, rồi đến năm 1715 ra chỉ dụ thành lập bệnh viện nhân dân ở tất cả thành phố và thị trấn Nga.
Để chấm dứt tình trạng người ăn xin đeo bám khách qua đường, Sa hoàng ra lệnh người ăn xin chỉ được hiện diện ở nơi phát chẩn, còn người bố thí ngoài đường phố sẽ bị phạt.
Để khuyến khích người nước ngoài đến làm việc ở Nga, Pyotr ra chỉ dụ xóa bỏ tất cả điều luật trước đây giới hạn việc đi lại của công dân nước ngoài qua cửa khẩu biên giới. Mọi người nước ngoài đến làm việc cho nước Nga được đặt dưới sự bảo vệ của Sa hoàng. Không phải luật pháp Nga và tòa án Nga – mà là một tòa án đặc biệt gồm những người nước ngoài áp dụng luật dân sự La Mã – sẽ giải quyết mọi tranh chấp giữa người nước ngoài và người Nga. Thêm nữa, người nước ngoài được đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng.
Dù cho bận bịu vì chiến tranh, Pyotr vẫn quan tâm đến hệ thống giáo dục cho thần dân của mình, ví dụ như:
- Trường Toán học và Hải hành, do Henry Farquharson và hai người Scotland khác giúp thành lập năm 1701. Pyotr nâng cấp trường này thành Học viện Hải quân năm 1715.
- Trường Y khoa, được thành lập năm 1707.
- Thư viện Quốc gia, được thành lập năm 1714, làm nền móng cho Thư viện của Viện Hàn lâm Khoa học Nga.
- Trường Cao đẳng Hầm mỏ và Công nghiệp, được thành lập năm 1714.
Để tạo thêm môi trường giáo dục và nâng cao trình độ văn hóa của dân Nga, Sa hoàng cũng nhờ một người quản lý nhà hát người Đức cùng vợ ông và vài diễn viên đến Moskva để dựng nên một nhà hát nhân dân, dàn dựng vở diễn và đào tạo diễn viên Nga.
Năm 1707, Sa hoàng phê chuẩn hệ thống chữ cái mới để in sách Nga văn. Quyển sách đầu tiên được in như thế là về hình học, kế tiếp là về văn phạm Nga, chỉ dẫn cách khen ngợi, viết thiệp mời và cách đề xuất hôn nhân. Phần lớn những đầu sách kế tiếp là về kỹ thuật, nhưng Sa hoàng cũng ra lệnh in lịch, sách về lịch sử của cuộc chiến Thành Troy, cuộc đời của Alexandr Đại đế, về đời sống dân Nga… Sa hoàng không chỉ ra đề tài in sách, mà còn biên tập và viết chú giải. Ông đã viết cho một người dịch sách: “Các đoạn chỉ dẫn cách xây pháo đài còn khó hiểu.”
Giáo sĩ Gluck được yêu cầu giúp dựng nên Trường Ngôn ngữ Cổ và Hiện đại, và cũng giúp đào tạo nhân viên ngoại giao tương lai của Nga trong các môn học Latinh, Ngôn ngữ hiện đại, Địa lý, Chính trị học, Cưỡi ngựa và Khiêu vũ.
Sa hoàng ra lệnh thu thập mang về Moskva để bảo quản tất cả tài liệu ghi chép lịch sử nước Nga. Ông ra lệnh cho dịch sách vở nước ngoài ra Nga văn một cách trung thực, cho dù nội dung có bất lợi cho Nga. Ông nói, mục đích “không phải là tán dương thần dân của ta, nhưng để giáo dục họ bằng cách cho họ thấy nước ngoài có quan điểm về họ như thế nào.”
Để giúp thần dân Nga có cơ hội cập nhật thông tin trước thế giới, Sa hoàng ra chỉ dụ thành lập tập san Vedomosti (có nghĩa là “ghi chép”) xuất bản ở Moskva. Tất cả cơ quan chính phủ phải đóng góp tin tức, và vì thế, vào năm 1703, số báo đầu tiên ra đời, với chủ đề là những biến cố quân sự đã xảy ra ở Nga và các nước láng giềng.
Về xa hơn, nghe theo ý kiến của nhà khoa học nổi tiếng Leibniz, năm 1724 Pyotr thành lập Viện Hàn lâm Khoa học Nga ở Sankt-Peterburg và đặt nền móng cho Đại học Quốc gia Sankt-Peterburg. Nhờ chính sách trọng dụng nhân tài của Pyotr, trong thời gian đầu Viện Hàn lâm này quy tụ những nhà khoa học hàng đầu thế giới. Năm 1925, Viện được đổi tên thành “Viện Hàn lâm Khoa học Liên Bang Xô viết”, nhưng đến năm 1991 mang lại tên lúc đầu (Viện Hàn lâm Khoa học Nga).
Người đương thời nhận ra điều trái khoáy của một viện hàn lâm hoạt động trong một nước chưa có đủ trường trung học. Nhưng Pyotr Đại đế nhìn về tương lai mà gạt mọi sự chống đối qua một bên. Ông dùng ẩn dụ để giải thích việc làm của mình:
Ta phải thu hoạch vụ mùa lớn mà không có máy xay bột, và không có nguồn nước để chuyển động cối xay nhưng có đủ nước từ nơi xa; chỉ có điều ta không rõ có đủ thời giờ trong đời ta mà đào một con kênh. Vì thế, ta đang xây nhà máy xay bột trước và chỉ ra lệnh bắt đầu đào kênh, để tạo động lực cho những người kế thừa ta mang nước đến nhà máy xay đã hoàn tất.
Chiến thắng Pultowa
Tháng 6/1709, đại quân Nga và Thụy Điển dưới quyền chỉ huy trực tiếp của quân vương họ đối đầu nhau trong Trận Pultowa (Anh văn: Poltava). Quân Nga chiến đấu dũng cảm và có bài bản – cho thấy kết quả của công cuộc trang bị vũ khí mới, chương trình huấn luyện hiện đại và công tác củng cố tinh thần kỷ luật miệt mài của Pyotr.
Bức họa Trận Pultowa của Pièrre-Denis Martin, cho thấy doanh trại Nga bên trái, quân Nga dàn trận trước doanh trại bên trái, quân Thụy Điển dàn trận bên phải, hai bên giao chiến ở khu vực giữa, Pyotr cưỡi ngựa nâu ở giữa
Bắt đầu trận đánh với 19.000 người, quân đội Thụy Điển bị tổn thất 10.000, gồm 6.901 tử trận và bị thương, 2.760 bị bắt làm tù binh. Trong số sĩ quan, 300 tử trận và 260 bị bắt; số bị bắt gồm cả Nguyên soái, Hoàng thân, bốn trung tướng và năm đại tá.
Tổn thất bên Nga tương đối nhẹ – không phải là điều đáng ngạc nhiên vì phần lớn họ chiến đấu từ vị trí phòng ngự trong khi pháo của họ gầm rú trên đầu địch quân. Trong tổng số 42.000 quân, 1.345 chết và 3.290 bị thương. Số thương vong và kết quả đều đảo ngược tất cả các trận đánh trước đấy giữa hai nước.
Thế là, chỉ trong một buổi sáng, Trận Pultowa chấm dứt cuộc xâm lăng của Thụy Điển vào đất Nga và vĩnh viễn thay đổi cục diện chính trị Châu Âu. Trước ngày này, chính khách ở mỗi quốc gia đều trông chờ đón nhận tin Karl chiến thắng lần nữa, quân Thụy Điển tiến vào Moskva, Sa hoàng được thay thế và có lẽ đã bị giết trong cuộc chiến. Một Sa hoàng mới sẽ được tấn phong và trở nên bù nhìn. Thụy Điển – vốn đã là lãnh chúa phương Bắc – sẽ trở thành Đế chế phương Bắc, nắm quyền phán xử mọi việc vùng Bắc và Đông Âu. Nước Nga sẽ bị thu nhỏ lại vì người Thụy Điển, Ba Lan, Cossack, và có lẽ cả Ottoman, Tatar và Trung Hoa chia nhau xâu xé những phần đất béo bở. Sankt-Peterburg sẽ bị xóa khỏi bản đồ, bờ Biển Baltic sẽ bị phong tỏa, và người dân Nga vừa được Pyotr khai sáng sẽ bị chặn lại trên đường cải tổ, bị đưa trở lại vào bóng tối của nước Nga thời xa xưa.
Pultowa là tiếng sấm đầu tiên báo hiệu với thế giới rằng một nước Nga mới đã được khai sinh. Trong những năm về sau, các chính khách Tây Âu – vốn chỉ để tâm đến những sự vụ của Sa hoàng hơn một chút so với Hoàng đế Ba Tư hoặc Đại vương Ấn Độ – biết rằng phải cân nhắc cẩn thận sức mạnh và quyền lợi của nước Nga. Cán cân quyền lực mới – được thiết lập trong buổi sáng này dưới sự đốc thúc của vị quân vương cao 2 mét – sẽ được tiếp nối và phát triển suốt các thế kỷ 18, 19 và 20.
Tất cả đều trực tiếp hoặc gián tiếp hưởng lợi từ chuyến vi hành của Pyotr chỉ hơn 20 năm trước.
Tham khảo
- Grand Embassy of Peter the Great – https://en.wikipedia.org/wiki/Grand_Embassy_of_Pyotr_the_Great
- How Peter the Great Rested on His Great Embassy Mission – https://russkiymir.ru/en/publications/139814/
- Of Russian origin: Grand Embassy – https://russiapedia.rt.com/of-russian-origin/grand-embassy/
- Out with the Old, In with the New: the Legendary Journey of Peter the Great – https://www.rbth.com/travel/2014/18/07/the_legendary_european_journey_of_peter_the_great
- Poltava 1709 – Rise of a new power – http://indiandefence.com/threads/great-battles-12-poltava-1709-rise-of-russia.56661/
- Peter the Great – http://eng.1september.ru/article.php?ID=200801909
- Peter the Great, Emperor of All Russia – https://russianlife.com/stories/online-archive/peter-the-great-emperor-of-all-russia/
- Peter the Great – His life and world (Robert K. Massie). Bản Việt văn: Pyotr Đại đế: Người con vĩ đại của nước Nga (Diệp Minh Tâm dịch), Nhà Xuất bản Tri thức, Hà Nội.
- Russians in London: Peter the Great – http://sarahjyoung.com/site/2010/11/23/russians-in-london-peter-the-great/
- The Grand Embassy – https://peterthegreatwh2.wordpress.com/2017/01/31/the-grand-embassy/
Biên tập: Diệp Minh Tâm