Pyotr Đại đế và công cuộc tạo dựng Hải quân Nga

Cho đến những năm đầu dưới triều đại của Sa hoàng Pyotr I (sau này là Pyotr Đại để), Hải quân nước Nga là một con số không tròn trĩnh: không tàu thuyền, không có xưởng đóng hoặc sửa chữa tàu, không có ai biết lái tàu biển, không có căn cứ hải quân, và dĩ nhiên là không có tổ chức và biên chế gì cho quân chủng hải quân.

map_Russia under Peter the Great
Nước Nga trong thời Pyotr Đại đế

Thủy tổ của Hải quân Nga, 1688

Một sự kiện trọng đại xảy đến vào tháng 6 năm 1688.

Nhưng trước hết, ta nên biết qua một câu chuyện vào năm trước để hiểu rõ hơn về nhân cách của Pyotr. Vào thời gian này, Pyotr là đồng Sa hoàng nhưng là Sa hoàng thứ, trong khi người anh khác mẹ là Ivan V làm Sa hoàng chính, còn quyền phụ chính thuộc Công chúa Sofia, chị ruột của Ivan V và chị khác mẹ của Pyotr.

Sextant
Kính lục phân

Việc sử dụng kính lục phân là một ví dụ điển hình cho tính năng động và ham học hỏi của Pyotr. Năm 1687, khi Pyotr lên 15, Hoàng thân Yakov Dolgorukov, lúc chuẩn bị đi Pháp với nhiệm vụ ngoại giao, cho Pyotr biết có lúc ông có một dụng cụ “có thể đo khoảng cách và diện tích mà người đo không phải di chuyển khỏi vị trí đang đứng,” nhưng không may bị mất cắp. Pyotr nghe thế liền nổi tính hiếu kỳ, nhờ ông mua dụng cụ này khi đến Pháp. Khi Yakov Dolgorukov trở về năm sau, câu hỏi đầu tiên của Pyotr là ông có mang về dụng cụ ấy hay không. Thế là ông đưa ra chiếc hộp đựng một kính lục phân, nhưng không một ai chung quanh biết cách sử dụng ra sao.

Việc tìm kiếm người hướng dẫn truy ra một thương nhân già người Hà Lan tên Franz Timmerman. Ông này cầm lấy cái kính lục phân và nhanh chóng tính toán khoảng cách từ chỗ ông đứng đến một ngôi nhà gần đó. Một gia nhân được lệnh đếm bước theo khoảng cách và quay lại báo cáo con số gần đúng với kết quả của Timmerman. Pyotr náo nức yêu cầu ông dạy cách sử dụng.

Franz Timmerman
Franz Timmerman

Timmerman đồng ý, nhưng cho cậu học trò biết trước nhất cần phải học số học và hình học. Pyotr đã có lần học qua số học, nhưng lâu ngày không dùng giờ đã quên hết, ngay cả làm tính trừ và tính chia cũng không biết. Bây giờ, được thúc đẩy bởi lòng ước ao sử dụng kính lục phân, vị quân vương trẻ tuổi lao vào một số môn học: số học, hình học và cách tính toán đạn đạo. Càng học, càng có nhiều con đường rộng mở trước mắt cậu. Cậu trở nên thích thú với môn địa dư, học về những biên giới của nước Nga, Châu Âu và Tân Thế giới được vẽ trên quả địa cầu của vua cha quá cố.

Timmerman chỉ là một thầy giáo bất đắc dĩ cho dù ông có thể dạy cho Pyotr các môn khoa học về xây pháo đài và tính toán đạn đạo: ông đã sống ở Nga được 20 năm và không biết đến những công nghệ mới nhất ở Tây Âu. Tuy thế, đối với Pyotr, ông vừa là chuyên gia tư vấn vừa là người bạn, và Pyotr luôn giữ ông thầy thường hút ống điếu này bên mình. Timmerman đã nhìn ra thế giới, ông biết cách vận hành của nhiều thứ, nên có thể trả lời ít nhất vài câu hỏi liên tục tuôn ra từ cậu thiếu niên cao lớn, luôn luôn muốn tìm hiểu. Cả hai cùng nhau lang thang trong miền quê chung quanh Moskva, thăm viếng những lâu đài, tu viện và sục sạo trong những làng mạc nhỏ.

Một trong những chuyến đi như thế trong tháng 6 năm 1688 dẫn đến những thành tựu to lớn cho Pyotr và cho nước Nga. Cậu đang lang thang cùng với Timmerman qua Trang viên Hoàng gia Izmaylovo. Họ đi đến một nhà kho; Pyotr được cho biết đây là kho chứa vật dụng cũ nát, đã bị khóa cửa lâu năm. Tính hiếu kỳ nổi lên, Pyotr ra lệnh mở cánh cửa, xem xét những món bên trong mà không để ý đến mùi ẩm mốc.

Tower and Cathedral built in the 1670s in Royal Izmaylovo Estate.jpg
Tòa tháp và giáo đường ở Trang viên Hoàng gia Izmaylovo

Trong ánh sáng lờ mờ, Pyotr chú ý đến một chiếc thuyền cũ, bằng gỗ đã mục, nằm úp xuống ở một góc nhà kho. Chiếc thuyền dài hơn 6 mét và rộng gần 2 mét. Pyotr đã từng trông thấy loại thuyền cồng kềnh mà người Nga dùng để chuyên chở hàng hóa trên sông rộng; cậu cũng đã từng thấy loại thuyền nhỏ dùng để tiêu khiển. Nhưng các loại thuyền của Nga này chủ yếu dùng trên sông: giống như sà lan, với đáy bằng và đuôi vuông, do người trên thuyền chèo bằng cây dầm hoặc do người hoặc súc vật trên bờ kéo đi bằng dây thừng. Chiếc thuyền trước mặt Pyotr có kiểu dáng khác: đáy sâu và cong, có sống dài và đầu nhọn, không thích hợp để lưu thông trên sông.

Botik discovery
Tranh vẽ miêu tả cảnh Pyotr phát hiện chiếc thuyền cũ

Pyotr hỏi Timmerman: “Đây là loại thuyền gì thế?”

Ông già người Hà Lan đáp: “Đây là kiểu thuyền Anh quốc.”

Pyotr hỏi: “Nó dùng để làm gì? Nó có tốt hơn loại thuyền của nước Nga chúng tôi không?”

Timmerman trả lời: “Nếu có cột buồm và cánh buồm mới, nó sẽ đi không những xuôi chiều gió, mà còn có thể đi ngược gió.”

Pyotr vô cùng kinh ngạc: “Ngược gió à? Có thể như thế được sao?”

Nước Nga thời bấy giờ chưa biết đến có một loại thuyền đi được ngược gió. Họ chỉ dùng loại thuyền đáy bằng đi xuôi theo dòng nước. Đến nơi rồi thì tháo dỡ chiếc thuyền ra, chở cá mảnh gỗ xuống điểm xuất phát rồi ráp lại để đi chuyến kế tiếp.

Pyotr muốn sử dụng thử ngay lập tức chiếc thuyền được phát hiện. Nhưng Timmerman xem xét các thớ gỗ đã mục nát và nhất quyết cho rằng cần phải sửa chữa trước; trong khi ấy, có thể làm cột buồm và cánh buồm. Bị Pyotr luôn thúc dục phải làm gấp, Timmerman tìm một ông già Hà Lan khác tên là Karsten Brandt, đã được cha của Pyotr là Sa hoàng Aleksei thuê đóng một chiếc thuyền trên Biển Caspi, hiện đang làm nghề mộc ở. Ông này thay thế các thanh gỗ mục, trét keo và hắc ín lên mặt đáy, dựng cột buồm, mắc cánh buồm, mắc dây leo…, rồi đưa chiếc thuyền xuống Sông Yauza.

Trước đôi mắt quan sát của Pyotr, Brandt lái thuyền sang phải, sang trái, lợi dụng cơn gió nhẹ để đi không những ngược gió, mà còn ngược dòng nước chảy. Ngập tràn khích động, Pyotr gọi Brandt đi vào bờ để cậu cùng xuống thuyền. Cậu nhảy xuống, điều khiển con thuyền đi ngược gió dưới sự chỉ dẫn của Brandt. Sau đó, Pyotr sử dụng con thuyền hằng ngày.

Không ai rõ nguồn gốc thật sự của chiếc thuyền nổi danh này, mà Pyotr gọi là “Thủy tổ của Hải quân Nga.” Pyotr tin rằng đây là thuyền Anh quốc; một truyền thuyết cho rằng nó là con thuyền được Nữ hoàng Elizabeth I của Anh tặng Sa hoàng Ivan IV vào thập kỷ 1580s. Những người khác nghĩ rằng con thuyền do người Hà Lan đóng dưới triều Aleksei. Điều quan trọng là con thuyền có kiểu dáng Anh.

Ý thức được ý nghĩa quan trọng của chiếc thuyền, được đặt tên là Svyatoi Nikolai, Pyotr quyết định phải bảo tồn nó. Năm 1701, nó được mang đến lưu giữ ở Moskva. Năm 1722, khi cuộc chiến với Thụy Điển kết thúc, Pyotr ra lệnh chuyển nó đến Sankt-Peterburg. Nặng 1 tấn rưỡi, nó được kéo qua một số đoạn đường lót gỗ. Pyotr ra lệnh rõ ràng: “Phải cẩn thận tránh làm hư hỏng. Vì lý do này, chỉ đi ban ngày. Dừng lại ban đêm. Khi đường xấu, phải đặc biệt cẩn thận.”

Ngày 30 tháng 5 năm 1723, sinh nhật thứ 51 của Pyotr, chiếc thuyền thủy tổ của Hải quân Nga xuôi dòng Neva tiến ra Vịnh Phần Lan. Pyotr đứng trên thuyền, các đô đốc Nga phụ trách chèo thuyền, có một hạm đội “con cháu” tiếp đón.

Pyotr ra lệnh mang chiếc Svyatoi Nikolai tham dự buổi diễu hành hải quân hằng năm vào ngày 30 tháng 8, ngày kỷ niệm Hòa ước Nystad 1724 giành lại một số lãnh thổ cho nước Nga.

Vào thập niên 1760s, Nữ Đại đế Catherine ra lệnh xây một nhà thuyền bên trong Pháo đài Pyotr and Pavel để lưu giữ chiếc Svyatoi Nikolai.

Hiện nay chiếc thuyền này là hiện vật có giá trị nhất của Bảo tàng Hải quân Trung tâm ở Sankt-Peterburg.

Botik at museum
Thủy tổ của Hải quân Nga trong Bảo tàng Hải quân

Năm 1997, lần đầu tiên chiếc Svyatoi Nikolai được đưa ra khỏi nước Nga, để trưng bày ở Trung tâm Tài chính Thế giới, Thành phố New York.

Botik in navy parade, 30-Jul-2017, St Peterbourg
Thủy tổ của Hải quân Nga trong cuộc diễu hành 30/7/2017 ở Sankt Peterbourg

Hạm đội đầu tiên, 1689-1693

Con sông Yauza quá hẹp, gió thường quá nhẹ, chiếc Svyatoi Nikolai hay bị mắc cạn nên Pyotr không thể thực hành thỏa thích. Nơi gần nhất có mặt nước rộng hơn là Hồ Pleshcheyevo, gần thị trấn Pereslavl-Zalessky, cách Moskva gần 140 kilômét về phía đông-bắc. Pyotr là một Sa hoàng nước Nga nên nếu muốn đi đâu xa thì phải có lý do đặc biệt. Lễ hội tháng 6 gần Tu viện Troitsky tạo dịp may cho Pyotr, và cậu xin phép bà mẹ để đi tham dự nghi lễ tôn giáo này. Natalia đồng ý, và khi nghi lễ kết thúc, Pyotr – bây giờ không còn bị ai ràng buộc – đi ngay đến Hồ Pleshcheyevo bên thị trấn Pereslavl-Zalessky. Theo sự sắp xếp trước, Timmerman và Brandt cùng đi với cậu.

Đứng trên bờ hồ, Pyotr phóng tầm mắt ra xa. Cậu chỉ có thể nhìn thấy lờ mờ bờ hồ bên kia. Ở đây, cậu có thể lái thuyền trong một giờ, hai giờ, mà không cần đổi hướng. Cậu muốn thực tập lái thuyền ngay lập tức, nhưng không có chiếc thuyền nào ở đây, và không thể nào kéo con thuyền kiểu Anh từ Ismailovo đến được. Cậu hỏi Brandt có thể đóng thuyền mới trên bờ hồ này được không.

Người thợ mộc già đáp: “Vâng, chúng ta có thể đóng thuyền ở đây.” Ông nhìn quanh bờ hồ và khu rừng rậm rồi nói tiếp: “Nhưng chúng ta cần nhiều thứ.”

Pyotr nói một cách phấn khích: “Không hề gì. Ta sẽ có bất kỳ thứ gì ta muốn.”

Ý định của Pyotr là phụ giúp vào việc đóng thuyền ở Hồ Pleshcheyevo. Điều này có nghĩa không chỉ là một chuyến đi lén chớp nhoáng, mà phải xin phép mẹ Natalia để lưu lại đây trong một thời gian. Cậu trở về và nài nỉ bà mẹ. Natalia chối từ, nhất quyết bắt buộc cậu phải ở tại Moskva ít nhất cho đến ngày ăn mừng lễ Thánh Pyotr (29 tháng 6). Pyotr vâng lời, nhưng ngày hôm sau cậu, Brandt và một người Hà Lan khác tên Kort vội vã trở lại Hồ Pleshcheyevo.

Họ xây bãi đóng thuyền, lán trại, âu thuyền, rồi đốn cây, cưa gỗ, tẩm thuốc và đục, đẽo. Pyotr và những công nhân khác làm việc từ sáng sớm đến chiều tối dưới sự chỉ huy của hai người Hà Lan, họ đặt ki cho 5 chiếc thuyền – hai tàu khu trục nhỏ và ba thuyền buồm, tất cả đều theo kiểu Hà Lan. Vào tháng 9, khung các con thuyền thành hình, nhưng chưa đi đến hoàn thiện thì Pyotr bắt buộc phải trở lại Moskva trong mùa đông. Cậu đành phải quay về sau khi đã yêu cầu hai người Hà Lan ở lại và làm việc khẩn trương để hoàn tất các con thuyền vào mùa xuân.

Việc khám phá tình cờ chiếc thuyền và những bài học lái thuyền đầu tiên của Pyotr khởi đầu cho hai xu hướng trong cá tính và cuộc đời của ông: lòng đam mê biển cả và ước muốn học hỏi từ Tây Âu. Ngay sau khi trở thành sa hoàng có quyền lực, ông bành trướng đất nước về phía bờ biển, khởi đầu hướng về nam đến Biển Đen, rồi hướng về tây-bắc đến Biển Baltic. Bị thúc đẩy bởi vị quân vương luôn mơ mộng đến biển cả một cách lạ kỳ, cả đất nước rộng mênh mông nhưng bị che chắn trong đất liền dần dần lấn ra đến bờ biển. Đây là điều kỳ diệu, tuy nhiên phần nào là tất yếu. Không một cường quốc nào có thể tồn tại và phồn vinh mà không có đường thông ra biển. Điều khác thường là thành tựu xuất phát từ giấc mơ của một thiếu niên.

Khi Pyotr điều khiển thuyền cùng với Brandt trên Sông Yauza, niềm say mê mới của cậu thiếu niên đối với nước pha trộn với lòng ngưỡng mộ đối với phương Tây. Cậu nhận thức rằng mình đang ngồi trên một chiếc thuyền nước ngoài, đang học tập từ người nước ngoài. Những người Hà Lan này đã giúp sửa chữa chiếc thuyền và chỉ dẫn cho cậu cách sử dụng nó, và họ đến từ một nền văn minh có kỹ thuật tiên tiến so với nước Nga. Hà Lan đã có hàng trăm con thuyền và hàng nghìn thủy thủ; vào lúc này Timmerman và Brandt tượng trưng cho tất cả những điều ấy. Họ trở nên những anh hùng đối với Pyotr. Cậu muốn họ ở luôn bên mình để học hỏi nơi họ.

Chấp nhận ý nguyện của bà mẹ, năm sau, 1689 ở tuổi 17 Pyotr kết hôn với Evdokia. Nhưng ngay cả thời gian trăng mật cũng ngắn ngủi: Pyotr mê thuyền hơn mê vợ! Vào đầu mùa xuân, chỉ vài tuần sau lễ cưới, Pyotr đã nôn nóng nhìn băng tan trên Sông Yauza. Biết rằng chẳng bao lâu băng cũng sẽ tan trên Hồ Pleshcheyevo, anh cố dứt ra khỏi cô vợ, bà mẹ và những nhiệm vụ. Đầu tháng 4 năm 1689, anh vội vã đi đến nơi đóng thuyền, nóng lòng muốn xem Brandt và Kort đã làm đến đâu. Anh thấy băng đang tan, phần lớn các con thuyền đã được hoàn tất, chỉ còn cần vài cuộn dây để buộc cánh buồm. Cùng ngày, anh viết thư cho bà mẹ xin cung cấp dây thừng, nhấn mạnh rằng nếu nhận được dây thừng sớm, anh sẽ có thể trở về sớm.

Cũng trong năm ấy, 1689, Phụ chính Sofia bị hạ bệ, nhưng Pyotr vẫn chưa trị vì thật sự. Trong 5 năm tiếp theo, Sa hoàng Pyotr vẫn thường đi đến Hồ Pleshcheyevo.

Pyotr không quên các con tàu của mình. Để đẩy nhanh tiến độ tại Hồ Pleshcheyevo, năm 1691 hai mươi thợ đóng tàu tại xưởng đóng tàu nổi tiếng Zaadam của Hà Lan nhận hợp đồng làm việc với Brandt. Khi Pyotr trở lại Hồ Pleshcheyevo, họ đang đóng hai tàu khu trục nhỏ với 32 đại bác và ba thuyền buồm. Pyotr chỉ lưu lại ba tuần, nhưng năm sau anh đi đến đây bốn lần, hai lần ở lại hơn một tháng. Anh tham dự vào việc đóng một con tàu chiến từ đầu, làm việc từ bình minh đến sẩm tối, dùng bữa trong xưởng và chỉ đi ngủ khi quá mệt. Quên hết mọi việc khác, anh từ chối quay lại để tiếp kiến đại sứ Ba Tư. Chỉ đến khi hai đại thần của triều đình, ông bác Lev Naryshkin và Boris Golitsyn, đi đến để thuyết phục anh về tầm quan trọng của nghi thức này, anh mới miễn cưỡng quay về Moksva. Chỉ sau một tuần, anh trở lại xưởng đóng tàu.

Tháng 8 năm 1691, anh thuyết phục bà mẹ và cô em Natalia đi thăm xưởng đóng tàu và hạm đội của anh. Cô vợ Evdokia đi cùng những phụ nữ khác, và trong một tháng họ ở đây, Pyotr hồ hởi thực tập trên hạm đội gồm 12 chiếc tàu trước sự quan sát của họ. Ngồi trên một ngọn đồi bên bờ hồ, các phụ nữ có thể thấy Sa hoàng đứng trên boong tàu, khoát tay, chỉ trỏ và ra mệnh lệnh – tất cả đều bí ẩn và náo động đối với nhóm phụ nữ không sống xa khỏi biệt cung.

Những chuyến đi của Pyotr đến Hồ Pleshcheyevo kéo dài cho đến năm 1693. Sau đó chỉ là những lần ghé qua ngắn ngủi. Năm 1722, Pyotr thấy các con tàu và nhà xưởng đã bị mục nát. Ông ra lệnh bảo tồn cẩn thận những gì còn lại, và một nhà quý tộc ở địa phương cố gắng thực hiện một thời gian.

boat_Fortuna on shore of Pleshcheyevo
Chiếc thuyền Fortuna trên bờ Hồ Pleshcheyevo

Năm 1783, một trận hỏa hoạn lớn xảy ra, thiêu rụi tất cả tàu thuyền chỉ trừ một chiếc thuyền nhỏ có tên Fortuna (Nga văn: Фортуна). Con thuyền này kiểu Hà Lan, dài 7,2 m, rộng 2,4 m, có 8 mái chèo, chở được 12 người. Hiện nay, chiếc Fortuna được gìn giữ ở bảo tàng Thuyền nhỏ (Botik Museum) cấp tỉnh ở Veskovo, gần Pereslavl-Zalessky.

boat_Fortuna in Veskovo Museum near Pereslavl-Zalessky
Chiếc thuyền Fortuna trong Bảo tàng Botik ở Veskovo

Trong thế kỷ 19, vào mỗi mùa xuân, tất cả giáo sĩ ở Pereslavl đi trên một sà lan cùng với nhiều người trên những tàu khác, ra giữa hồ để rảy nước thánh tưởng niệm Pyotr Đại đế.

Arkhangelsk, 1693-1694

Ngày 11 tháng 7 năm 1693, Pyotr rời Moskva để đi Arkhangelsk cùng hơn 100 người kể cả Lefort.

Nuoc Nga trong thoi trai tre cua Pyotr
Nước Nga trong thời trai trẻ của Pyotr

Thành phố cảng Arkhangelsk không phải nằm ngay trên bờ Biển Trắng, mà cách bờ biển gần 50 kilômét, dọc theo một con sông, nên cảng bị đóng băng trong nước ngọt nhanh hơn là trong nước biển mặn. Trong các tháng từ tháng 10 năm trước đến tháng 5 năm sau, nước đóng băng cứng như thép. Nhưng vào đầu mùa xuân, khi băng dọc ven bờ Biển Trắng khởi sự tan chảy trước, Arkhangelsk bắt đầu cựa mình. Vào mùa hè, có thể có hàng trăm tàu buôn nước ngoài được chiến hạm hộ tống để chống hải tặc Pháp, đi đến từ London nước Anh, Amsterdam của Hà Lan, Hamburg và Bremen của Đức… chở đến sợi len và bông, tơ lụa, vàng bạc và nữ trang, rượu vang, thuốc nhuộm…, và mang đi da thú, lúa mì, trứng cá caviar…

Ngay ngày đầu tiên, Pyotr đã nóng lòng muốn đi ra biển. Anh chạy vội ra bến cảng, nơi một thuyền buồm nhỏ mang tên Svyatoy Pyot (Thánh Pyotr) với 12 khẩu đại bác đang đậu, được đóng cho anh. Anh đi lên tàu, xem xét và sốt ruột trông chờ cơ hội mang chiếc tàu ra thử giữa biển khơi.

Cơ hội đến khi có một đoàn thuyền Hà Lan và Anh rời cảng. Chiếc Svyatoy Pyot sẽ hộ tống họ qua Biển Trắng đến rìa Bắc Băng Dương. Vào giữa trưa, lần đầu tiên trong lịch sử, một sa hoàng nước Nga đi trên biển khơi. Nhưng chuyến đi quá ngắn ngủi đối với Pyotr. Khi đến điểm xa nhất về phía cực bắc, nơi Biển Trắng mở rộng ra nhưng vẫn nằm giữa đất liền hai bên, Pyotr phải miễn cưỡng quay lại.

Pyotr lưu lại Arkhangelsk cho đến khi một đoàn tàu Hà Lan đến từ Amsterdam. Trong khi chờ đợi, anh vui hưởng những ngày ở cảng. Anh bước lên nhiều con tàu, hỏi han thuyền trưởng trong nhiều giờ đồng hồ, xem xét cột buồm, dây buồm, kết cấu vỏ tàu. Các thuyền trưởng Hà Lan và Anh mở rộng lòng hiếu khách với vị quân vương trẻ tuổi, mời anh ăn uống với họ trên tàu. Họ nói về những kỳ quan ở Amsterdam, về trung tâm đóng tàu mênh mông ở Zaandam, về lòng can đảm của thủy thủ và binh lính Hà Lan khi chống lại tham vọng của Vua Louis XIV. Không bao lâu, Pyotr đều say mê những gì thuộc về Hà Lan.

Ngay khi mùa hè sắp kết thúc, Pyotr đã quyết định sẽ trở lại Arkhangelsk vào năm sau, nhưng có những việc anh muốn thay đổi. Anh lấy làm buồn phiền mà thấy rằng, ngoại trừ chiếc tàu chiến của mình, ở cảng biển Nga này không có con tàu Nga nào được điều khiển bởi thủy thủ Nga. Anh tự tay tham gia vào việc đóng một con tàu lớn hơn chiếc Svyatoy Pyot, và ra lệnh nó phải được hoàn tất trong mùa đông. Thêm nữa, vì muốn có một con tàu hải hành của Tây Âu đích thực, anh yêu cầu Lefort đặt mua một tàu khu trục ở Amsterdam.

Giữa tháng 9, đoàn tàu Hà Lan đến. Pyotr chào đón đoàn và cùng lúc nói lời giã từ Arkhangelsk với chương trình ăn mừng đồ sộ do Lefort tổ chức. Yến tiệc kéo dài một tuần, với những loạt đại bác từ các pháo đài và tàu chiến đang đậu. Khi họ về đến Moskva giữa tháng 10 năm 1693, tuyết đã rơi trên Arkhangelsk. Bến cảng đóng cửa trong suốt mùa đông. Riêng Arkhangelsk có một công trình quan trọng mới: Cơ xưởng đóng tàu.

Mùa xuân 1694, Pyotr trở lại Arkhangelsk. Lần này, cần đến 22 sà lan để chở đoàn gồm 300 người, có thêm 24 đại bác, 1.000 khẩu súng nòng dài, nhiều thùng thuốc súng, và cũng có thêm nhiều thùng bia. Trong tinh thần phấn khởi vì ý nghĩ được đi trên biển lần nữa, Pyotr thăng quân hàm hải quân cấp cao cho một số cận thần: Fyodor Romodanovsky làm đô đốc, Ivan Buturlin làm phó đô đốc và Patrick Gordon làm chuẩn đô đốc. Trong ba người, chỉ có Gordon đã từng đi thuyền, nhưng là hành khách trên một thuyền băng ngang qua eo biển Manche. Riêng Pyotr tự phong chức đại tá (hạm trưởng), với ý định sẽ điều khiển chiếc tàu khu trục đã đặt mua ở Hà Lan.

Tại Arkhangelsk, chiếc khu trục Hà Lan chưa đến, nhưng chiếc thuyền buồm mới mà Pyotr bắt đầu thi công mùa hè trước đã hoàn tất, đang nằm chờ Pyotr đến hạ thủy. Anh cầm lấy một cây rìu, đánh ngã các khối chêm và vui sướng nhìn con thuyền chuồi xuống nước. Trong khi chờ giăng cột buồm và cánh buồm cho con thuyền mới – được đặt tên là Svyatoy Pavel (Tông đồ Pavel) – Pyotr quyết định giết thời giờ bằng cách đi thăm Tu viện Solovetsky nằm trên một hòn đảo giữa Biển Trắng. Đêm 10 tháng 6, anh bước lên chiếc Svyatoy Pyot (Tông đồ Pyotr) cùng với Tổng Giám mục Afanasy ở Arkhangelsk và một nhóm tùy tùng nhỏ. Ngày hôm sau, giữa Biển Trắng cách Arkhangelsk khoảng 130 kilômét, một cơn bão ập đến. Gió gào thét thổi rách các cánh buồm, sóng đánh nước biển tràn lên boong. Chiếc thuyền chao đảo trên những cuộn sóng khổng lồ, có nguy cơ bị lật. Các thủy thủ, những người đi biển có kinh nghiệm túm tụm nhau mà cầu nguyện. Cho rằng họ sẽ chết, các hành khách làm dấu thánh giá và chuẩn bị cho số phận. Vị Tổng Giám mục ướt đẫm cả người, cố gắng đi đến từng người trên boong tàu chao đảo để làm Phép thánh Cuối cùng.

ship_Khu truc Frigate Apostol Pyotr
Chiếc thuyền Svyatoy Pyot

Pyotr giữ chắc bánh lái, cũng nhận Phép thánh Cuối cùng nhưng không tuyệt vọng. Mỗi lần con thuyền nhồi lên ngọn sóng và hụp xuống đáy sóng tiếp theo, Pyotr nỗ lực với bánh lái để giữ cho con thuyền đi ngược gió. Sự kiên trì của anh có kết quả. Với người lái thuyền hỗ trợ ở bánh lái, đi ngang những mỏm đá trong khi những con sóng khổng lồ vẫn gầm thét, con thuyền đi vào cảng Vịnh Unskaya. Khoảng giữa trưa ngày 12 tháng 6, sau 24 giờ kinh hoàng, con thuyền buồm nhỏ hạ neo trong vùng nước yên lặng của Tu viện Pertominsk. Cả đoàn người đi vào nhà nguyện của tu viện để làm lễ tạ ơn. Pyotr tự tay đẽo một cây thánh giá cao hơn 3 mét và vác trên vai mang đến nơi anh đã đặt chân lên bờ. Cây thánh giá mang hàng chữ Hà Lan: “Thánh giá này do Thuyền trưởng Pyotr làm trong mùa hè 1694.”

Vài năm sau, Pyotr viện dẫn sự kiện gần như là phép lạ này là lý do phải đi Tây Âu, trong khi kế hoạch bị phản đối mạnh mẽ. Pyotr kể rằng trong cơn bão, ông đã nguyện với Thánh Pyotr, thánh đỡ đầu của ông, rằng nếu thoát chết ông sẽ đi đến ngôi mộ của Thánh Pyotr ở Thành phố Rome của Ý để làm lễ tạ ơn. Do đó, ông phải làm tròn lời nguyện. Trong chuyến đi Tây Âu, Pyotr không thể đến Rome như dự trù vì phải quay về gấp để đối phó với cuộc nổi loạn của Cấm vệ.

Ngoài khơi, cơn bão hoành hành thêm ba ngày. Vào ngày 16 tháng 7, gió dịu, Pyotr lại ra khơi đi đến Tu viện Solovetsky nổi tiếng nhất ở miền bắc nước Nga. Anh lưu lại đây ba ngày rồi trở về Arkhangelsk trong nỗi vui mừng của bạn hữu, vì họ đã biết về cơn bão và lo ngại cho sự an nguy của đoàn đi trên chiếc Svyatoy Pyotr.

Vài tuần sau chuyến đi thoát chết, chiếc Apostol Pavel được hoàn tất. Đến ngày 21 tháng 7, chiếc khu trục được đặt mua từ Hà Lan về đến nơi, được đặt tên là Svyatoye Prorochestvo (Lời Tiên tri Thiêng liêng). Dưới quyền chỉ huy của Hạm trưởng Jan Flam, người đã có 30 chuyến đi đến Arkhangelsk, đó là một con tàu chắc chắn với 44 đại bác. Công xưởng cố làm vui lòng Sa hoàng nên đóng nội thất thanh lịch và đẹp đẽ bên trong khoang con tàu.

Pyotr phấn khích như điên cuồng, nhảy lên con tàu, leo lên leo xuống hoặc bò qua lại khắp ngóc ngách.

Pyotr say mê với con tàu và say mê tất cả những gì thuộc về nó, kể cả lá cờ Hà Lan phất phới trên con tàu. Anh lập tức quyết định dựa trên quốc kỳ của Hà Lan – từ trên xuống dưới là ba màu đỏ, trắng và xanh – để tạo nên lá cờ của hải quân Nga – từ trên xuống dưới là trắng, xanh và đỏ. Lá cờ của hải quân Nga trở thành quốc kỳ của Nga cho đến khi vương triều chấm dứt vào năm 1917, rồi được phục hồi cho nước Nga hiện giờ.

Năm 1712, Pyotr quyết định kỳ hiệu của hải quân Nga là Cờ Andreevsky gồm nền trắng và hai vệt chéo nhau màu xanh lam. Kỳ hiệu này được dùng cho đến Cách mạng 1917 lật đổ triều đại Romanov, và đến ngày 17 tháng 1 năm 1992 Chính phủ Nga biểu quyết khôi phục lại Kỳ hiệu Andreevsky được kéo lên tất cả tàu của Hải quân Nga.

Trong vòng một tuần, chiếc tàu khu trục mới đã sẵn sàng ra khơi dưới sự điều khiển của hạm trưởng mới. Pyotr đã dàn xếp cho hạm đội nhỏ của mình hộ tống một đoàn thương thuyền nước ngoài rời Nga. Phó đô đốc Ivan Buturlin dẫn đầu trên chiếc Svyatoy Pavel, tiếp theo là bốn thương thuyền Hà Lan chở đầy hàng hóa Nga, rồi đến chiếc khu trục mới Svyatoye Prorochestvo với Đô đốc Fyodor Romodanovsky và Sa hoàng cầm bánh lái (tuy có Jan Flam đứng kế bên), theo sau là Chuẩn đô đốc Patrick Gordon trên chiếc thuyền buồm Svyatoy Pyotr. Hạm đội của Sa hoàng hộ tống đoàn thương thuyền đến nơi Biển Trắng mở rộng ra Bắc Băng Dương. Pyotr định đi xa thêm, nhưng gió to khiến anh được thuyết phục phải trở về. Đại bác được bắn báo hiệu hạm đội hộ tống chuẩn bị quay về, còn các thương thuyền Tây Âu dần khuất dạng nơi chân trời. Ba chiếc thuyền nhỏ của Pyotr trở lại Arkhangelsk. Sa hoàng chủ trì một tiệc rượu, rồi ngày 3 tháng 9 miễn cưỡng lên đường trở về Moskva.

Thế là, trong vòng sáu năm kể từ khi Pyotr trông thấy chiếc thuyền kỳ lạ trong một nhà kho, lần đầu tiên nước Nga có một hạm đội vượt đại dương, khởi đi từ cảng của Nga và trở về cảng của Nga, do tướng lĩnh hải quân Nga chỉ huy (Gordon là người nước ngoài nhưng mang quân hàm Nga và lĩnh lương của Nga).

Việc phong quân hàm các tướng lĩnh hải quân trước chuyến hải hành lịch sử cho thấy có lẽ Pyotr muốn tỏ rõ sự ra đời của hải quân Nga dựa trên nội lực của Nga. Điểm đặc biệt khác của hạm đội phôi thai này là chi phí đều do Nga chi trả: hai thuyền được đóng trên đất Nga với phần lớn công sức của người Nga, còn chiếc thứ ba được Nga đặt mua – tức là đều được thành lập với tài nguyên Nga, không phải là quà biếu.

Hạm đội Azov và Chiến dịch Azov, 1695-1696

Pyotr bây giờ được 22 tuổi. Tố chất khác thường của Pyotr là nguồn sinh lực ngút ngàn. Ông không thể ở yên một chỗ. Ông đi nhanh nhẹn với bước chân dài khiến người đi cùng phải chạy lúp xúp mới theo kịp. Khi bắt buộc phải làm việc với giấy tờ, ông đi đi lại lại quanh chiếc bàn cao. Ngồi trong bữa tiệc, ông chỉ ăn trong ít phút, rồi bật dậy để đi xem những gì đang xảy ra trong gian phòng kế bên hoặc đi dạo bên ngoài. Sau khi đã hiện diện một lúc ở một nơi chốn, ông muốn rời đi để nhìn qua người khác, xem qua quang cảnh khác. Hình ảnh xác thực nhất của Pyotr Đại đế là luôn luôn tò mò, luôn luôn bồn chồn, luôn luôn di chuyển.

Mùa đông 1695, một thông báo được đưa ra khiến cho Moskva kinh ngạc: nước Nga sẽ mở một chiến dịch quân sự vào mùa hè năm sau để đánh chiếm Pháo đài-Trị trấn Azov thuộc Hãn quốc Crimean của người Tatar. Hãn quốc này là xứ bảo hộ thuộc Đế quốc Ottoman của người Thổ, vì thế đánh Azov cũng là gián tiếp đánh Ottoman.

Quan hệ giữa Nga và Ottoman trở nên thù địch vì lý do không đáng có. Ba Lan đã có chiến tranh với Ottoman nhưng thua trận. Năm 1688, Ba Lan đề nghị mối liên minh với Nga. Hai bên đều đạt được mục đích của mình, nhưng cả hai cũng phải trả giá nặng nề. Ba Lan chính thức nhượng vĩnh viễn Kyyiv (tiếng Anh: Kiev) cho Nga để đổi lại Nga tuyên chiến với Ottoman. Lần đầu tiên trong lịch sử, Nga tham gia với một liên minh Tây Âu để chiến đấu chống một kẻ thù chung. Nga chống Ottoman chỉ để duy trì Kyyiv. Do vậy mà khi Pyotr còn nhỏ, Nga đã tiến đánh Azov hai lần, và đều thất bại.

map_Ottoman 1683.jpg
Đế quốc Ottoman năm 1683

Lý do để Pyotr đánh Ottoman lần này có mục đích sâu xa hơn. Ông đang mơ đến việc phát triển quân chủng hải quân thật sự thông ra đại dương. Cảng Arkhangelsk chỉ có thể hoạt động 6 tháng mỗi năm. Biển gần nhất là Baltic thì vẫn còn bị Thụy Điển hùng mạnh kiểm soát. Chỉ còn một ngả thông ra biển: Biển Đen, về phía nam. Nhưng nếu muốn tiến về Biển Đen thì phải chiếm cho được nút chặn là Pháo đài Azov, từ đó thông ra Biển Azov rồi mới ra Biển Đen.

Cũng có lý do khác. Nga vẫn còn trong tình trạng chiến tranh với Đế quốc Ottoman. Mỗi mùa hè, kỵ binh Tatar cướp bóc, đốt phá vùng Ukraina, bắt nhiều người Nga đem đi bán làm nô lệ. Năm 1692, 12.000 quân Tatar tiến đến thị trấn Neimerov, đốt rụi tất cả và bắt đi 2.000 người. Năm sau, số người bị bắt lên đến 15.000.

Hơn nữa, có lý do thuộc về ngoại giao để mở thêm chiến dịch chống Tatar. Vua Jan Sobieski của Ba Lan, đồng minh của Nga, cho rằng Nga đã không đóng góp gì trong cuộc chiến liên minh chống kẻ thù chung, nên dọa sẽ đạt thỏa ước hòa bình riêng với Ottoman mà không màng gì đến quyền lợi của Nga.

Chiến dịch đánh Azov có hai mục tiêu: khuấy phá quân Ottoman và trấn áp quân Tatar. Hai mũi gọng kìm sẽ tiến vào hai bên của Eo đất Perekop. Quân Nga sẽ dùng sà lan để đi đường thủy. Tất cả gồm 31.000 quân chia ra làm 3 sư đoàn do ba người chỉ huy: Avtonom Golovin người Nga, Francis Lefort người Thụy Sĩ, và Patrick Gordon người Scotland. Để tránh ganh tỵ, không một ai trong ba người được cử quyền tư lệnh cao hơn hai người kia.

Thị trấn Azov nằm ở bờ trái của một nhánh Sông Don, cách Biển Azov khoảng 25 kilômét, có bề dày lịch sử từ thế kỷ 5 trước Công nguyên, được quân Thổ gia cố thành pháo đài năm 1475. Azov đã trở thành vị trí chiến lược, kiểm soát chặt chẽ đường thủy thông xuống Biển Đen và ngăn chặn bất kỳ sự tiến quân nào của Nga xuôi dòng Sông Don. Quân Thổ còn gia cố tòa pháo đài và xây thêm hai tháp canh hai bên bờ sông, cách pháo đài khoảng 1,5 kilômét trên thượng lưu, với dây xích nối hai bên băng qua sông để ngăn ngừa thuyền của quân Cossack đi xuống.

Quân Nga không có đủ lực lượng để bao vây hoàn toàn pháo đài, nên vẫn còn một khoảng hở gần bờ sông, qua đó kỵ binh Tatar vẫn kết hợp được với quân trấn giữ Azov. Và quân Nga không có đủ tàu thuyền để kiểm soát con sông. Pyotr chỉ có thể nhìn một cách bất lực khi 20 chiếc thuyền của Ottoman đi ngược lên dòng sông, thả neo gần pháo đài để đổ lên quân tiếp ứng và hàng hậu cần.

Sự chia rẽ trong cấp chỉ huy càng ngày càng trầm trọng. Cả Lefort và Golovin đều bực bội với Gordon và liên kết với nhau để bác lại ý kiến của ông này dù ông có nhiều kinh nghiệm chiến trường hơn. Pyotr cũng mất kiên nhẫn, cùng với Lefort và Golovin quyết định mở cuộc tấn công nhằm tràn ngập thị trấn địch, nhưng Gordon cho rằng cần phải đào đường hào đến gần tường thành hơn để bảo vệ binh sĩ trước cuộc tấn công. Ý kiến của ông bị gạt ra một bên, và cuộc tấn công ngày 15 tháng 8 thất bại như đã được dự báo.

Kết quả là cuộc tấn công thất bại. Ngày 2 tháng 10 năm 1695, đoàn quân thất trận về đến Moskva.

Dù cho chiến bại này có gây sốc, Pyotr không nản lòng. Ông vẫn quyết tâm trở lại Azov. Không viện dẫn lý do bào chữa, chấp nhận đã thất bại, ông xắn tay áo chuẩn bị cho chiến dịch thứ hai. Ông đã bị thất bại vì ba khuyết điểm: sự chia rẽ trong cấp chỉ huy, thiếu lực lượng công binh để xây dựng cơ sở hãm thành, và thiếu sự kiểm soát đường sông.

Khắc phục khuyết điểm thứ nhất là dễ nhất: cử một tư lệnh tối cao.

Pyotr khắc phục khuyết điểm thứ hai bằng cách yêu cầu Hoàng đế Áo và Vua Brandenburg tiếp viện lực lượng công binh có kinh nghiệm hãm thành.

Yếu tố thứ ba là khó nhất: một hạm đội để kiểm soát đường sông. Nhưng Pyotr nhất quyết thực hiện và ra lệnh đến tháng 5 năm 1696 – trong thời gian năm tháng ngắn ngủi – phải đóng xong 25 chiến thuyền được vũ trang và 1.300 sà lan đi trên sông. Các chiến thuyền không chỉ là thuyền có đáy cạn để đi trên sông, mà phải đủ lớn để bắn hạ được chiến thuyền Ottoman ở cửa Sông Don hoặc ngay cả ngoài Biển Azov.

Cũng trong năm 1696, Hội đồng quý tộc chấp thuận chỉ dụ của Pyotr về việc thành lập hạm đội đầu tiên: Hạm đội Azov.

Lệnh đóng thuyền có vẻ như bất khả thi. Không những thời gian cấp bách đến mức khôi hài, mà còn là giai đoạn xấu nhất trong năm: sông và đường sá bị đóng băng, công nhân không thể làm việc lâu ngoài trời buốt giá, không có xưởng đóng tàu, không có thợ đóng tàu lành nghề, không có bến cảng. Người Nga chỉ biết đóng loại thuyền nhỏ, dài 30 mét, ngang 6 mét, ghép gỗ vào nhau mà không dùng đinh, chỉ để đi trên sông xuôi dòng nước, xong chuyến đi rồi thì phá dỡ thuyền để làm củi. Việc đóng chiến thuyền phức tạp hơn nhiều: cần tay nghề, cần dụng cụ, phải làm theo nhiều quy trình kỹ thuật. Thế mà phải hoàn tất mọi thứ trong năm tháng mùa đông!

Nhưng Pyotr lao vào công việc. Ông chọn vị trí xưởng đóng tàu ở thị trấn Voronezh trên thượng lưu Sông Don, gần 500 kilômét phía nam Moskva và 800 kilômét phía bắc bờ biển, chung quanh là rừng để lấy gỗ. Vì thế, Voronezh được xem là sinh quán của Hải quân Đế chế Nga. Pyotr huy động thợ mộc và thợ đóng tàu ở Arkhangelsk, gom nghệ nhân Nga và người nước ngoài khắp nơi, kêu gọi Venice gửi chuyên gia đóng thuyền galê. Một con thuyền đáy cạn được đặt mua từ Hà Lan và vừa đến Arkhangelsk, được xẻ ra làm nhiều mảnh, chở đến Moskva để dùng làm mẫu.

Trong khi Pyotr đang chìm ngập trong công việc khổng lồ, ngày 8 tháng 3 năm 1696, Sa hoàng Ivan đột ngột qua đời ở tuổi 29. Bây giờ, Pyotr là sa hoàng duy nhất, là người trị vì tối cao độc nhất của đất nước Nga.

Khi trở lại Voronezh, Pyotr thấy tình trạng tấp nập nhưng hỗn loạn. Hàng núi gỗ đã được cắt và kéo đến công xưởng; vài chục con thuyền đang thành hình. Nhưng vấn nạn thì vô số: thợ chuyên môn chưa đến kịp, thợ không chuyên môn bỏ trốn vì thiếu ăn thiếu mặc, thời tiết gây khó khăn… Pyotr lao vào công việc. Ông ngủ trong một căn nhà gỗ gần công xưởng và thức dậy trước bình minh. Ông triệu người chèo thuyền làm việc trên mọi sông hồ xa nhất để điều khiển thuyền galê. Ông thành lập lực lượng hải quân 4.000 người, gom từ nhiều trung đoàn để phục vụ trên các chiến thuyền. Thật ra, lực lượng này gần giống như quân chủng thủy quân lục chiến.

Tư lệnh chiến dịch là Aleksei Shein, một boyar chín chắn. Đô đốc Tư lệnh Hạm đội là Lefort, dù ông này không phải là sĩ quan hải quân. Lần này, Pyotr nhận quân hàm đại tá hải quân thay vì sĩ quan pháo binh.

Ngày 01 tháng 5 năm 1696, Nguyên soái Shein bước lên thuyền galê chỉ huy và cho kéo lên hiệu kỳ lớn bằng vải thêu có gắn phù hiệu của Sa hoàng. Hai ngày sau, hạm đội chính gồm thuyền galê và sà lan nhổ neo xuôi dòng Sông Don. Gordon đi theo đoàn thuyền này, còn Golovin chỉ huy bộ binh theo sau. Pyotr lên đường sau với phân đội gồm 8 thuyền galê khinh tốc. Đến cuối tháng, cả hạm đội bắt tay với hai lô cốt của Nga xây năm trước mà người Tatar không màng phá bỏ vì nghĩ quân Nga sẽ không trở lại.

Trận chiến lập tức bắt đầu. Cuối cùng, Nga thắng trận.

Taking Azov
Minh họa trận đánh Azov

Azov bây giờ là một thị trấn của Nga, và Pyotr ra lệnh dỡ bỏ mọi công trình hãm thành, gia cố tường thành và xây thêm lô cốt dưới sự giám sát của kỹ sư Áo. Đường phố được quét dọn, còn nhà thờ Hồi giáo được biến cải thành nhà thờ Chính thống giáo.

Kế tiếp, Pyotr muốn xây dựng một hạm đội mới cho Sông Don. Azov quá xa trên thượng nguồn, còn cửa sông quá cạn chỗ này và quá sâu chỗ kia. Trong một tuần, Pyotr đi thuyền dọc bờ Biển Azov, rồi cuối cùng xác định vị trí xây một cảng và một pháo đài trên bờ bắc, gần mũi Taganrog, cách cửa Sông Don gần 50 kilômét. Taganrog trở thành căn cứ hải quân thật sự đầu tiên trong lịch sử nước Nga.

Ngày 10 tháng 10, Sa hoàng về đến Kolomenskoe để hội cùng đoàn quân. Kolomenskoe là một cung điện đồ sộ, được người Nga đương thời cho là Kỳ quan thứ Tám của Thế giới. Nằm trên một khúc quanh của Sông Moskva, tòa nhà được xây hoàn toàn bằng gỗ, thể hiện sự pha trộn đặc biệt của những mái vòm hình củ hành lợp bằng ván gỗ, nóc vải bạt, những tòa tháp hình chóp vút cao, những mái vòm hình móng ngựa…

Kolomenskoe Palace
Cung điện Kolomenskoe

Từ Kolomenskoe, đoàn quân diễu hành về thủ đô, với hàng ngũ kéo dài nhiều kilômét. Mười tám kỵ binh dẫn đầu, kế tiếp là cỗ xe dát vàng với 6 ngựa kéo chở người thầy giáo già của Pyotr, Hoàng thân Nikita Zotov. Kế tiếp là 14 kỵ binh nữa, rồi đến cỗ xe dát vàng của Đô đốc Lefort. Kế tiếp là Golovin và Lev Naryshkin, rồi đến 30 kỵ binh mặc áo giáp bạc. Hai đại đội quân kèn đi trước hiệu kỳ của Sa hoàng, được hộ vệ chung quanh bởi quân Cảnh vệ mang giáo. Phía sau hiệu kỳ là tư lệnh chiến dịch Alexis Shein, theo sau là 16 cờ của Thổ tịch thu được, cán cờ dốc ngược, lá cờ kéo lê trên mặt đất.

Dân Nga ra đón chào đoàn quân chiến thắng tự hỏi: trong đoàn diễu hành rực rỡ sắc màu, Sa hoàng ở đâu? Họ hết sức ngạc nhiên khi cuối cùng nhận ra Sa hoàng không phải cưỡi trên một con ngựa trắng hoặc ngồi trong một cỗ xe dát vàng dẫn đầu như theo truyền thống, mà đi bộ cùng với những hạm trưởng khác theo sau Đô đốc Francis Lefort. Ông chỉ được nhận dạng nhờ khổ người vượt cao hơn những người chung quanh; thay vì trang phục Nga ông mặc quân phục như là một hạm trưởng Đức. Vị Sa hoàng đi bộ gần 15 kilômét như thế.

Hình thành Hải quân, 1696-1698

Azov chỉ là bước khởi đầu. Nhiều người Nga đã hy vọng sau chiến thắng vĩ đại, lần đầu tiên sau ba thập kỷ, Pyotr sẽ tự mãn mà êm thấm trị vì – như người cha Aleksei và người anh Fyodor đã làm – nhưng chẳng bao lâu họ được biết Pyotr còn có kế hoạch và ý tưởng khác. Chủ yếu là hai dự án lớn: thứ nhất là tạo dựng lực lượng hải quân, và thứ hai là đóng tàu đi biển. Hai dự án này bổ sung và hòa quyện vào nhau. Pyotr muốn xây dựng tàu chiến đích thực cho hải quân, không phải chỉ là thuyền galê đi trên sông như ông đã cho đóng để chở bộ binh đi đánh Azov. Chiếm được Azov, nước Nga chỉ mới tiếp cận Biển Azov nhỏ bé, trong khi quân Thổ vẫn kiểm soát Eo biển Kerch giữa Biển Azov và Biển Đen. Để chiếm lấy eo biển này, Pyotr cần một hạm đội viễn dương.

Ngay sau lễ ăn mừng chiến thắng, ngày 20 tháng 10 năm 1696 Pyotr triệu tập Hội đồng boyar đến để nghe ông thông báo kế hoạch phát triển Azov và Taganrog cùng việc xây dựng hải quân Nga. Ông ban hành một loạt chỉ dụ sau phiên họp lịch sử này. Triều đình sẽ đưa 3.000 gia đình nông dân và 3.000 lính Cấm vệ cùng với vợ con của họ đến cư ngụ ở Azov nhằm phát triển nơi đây thành căn cứ quân sự, và đưa 20.000 công nhân Ukraina đến Taganrog để xây dựng cảng hải quân. Xưởng Voronezh hiện có sẽ được mở rộng để đóng tàu chiến, và hạm đội này sẽ theo dòng Sông Don xuống đóng tại cảng hải quân mới. Mọi tầng lớp trong xã hội – giáo hội, địa chủ, thương nhân – phải đóng góp chi phí. Triều đình sẽ đóng 10 tàu chiến lớn. Mỗi địa chủ lớn sẽ đóng một tàu. Mỗi tu viện lớn sẽ đóng một tàu. Tất cả phải hoàn thành trong 18 tháng. Triều đình cung cấp gỗ, và địa chủ và giáo hội cung cấp mọi thứ còn lại: dây thừng, buồm, đại bác…

Taganrog today
Taganrog ngày nay

Chỉ dụ của Sa hoàng không chừa một ai. Vị Giáo chủ có 8.761 gia đình nông nô, theo chỉ tiêu ông này phải cung ứng một chiếc thuyền cho 8.000 gia đình nông nô; 761 gia đình còn lại được cộng vào con số các gia đình nô bộc của 2 thành thị, 1 tổng giám mục và 12 tu viện để cung ứng một chiếc thuyền khác. Các cận thần của Pyotr cũng phải làm nhiệm vụ tương tự; Pyotr không gia giảm cho một ai. Hơn nữa, địa chủ và giáo hội cũng phải chịu chi phí bảo dưỡng tàu thuyền, chiếc nào bị hư hại thì phải chịu chi phí đóng chiếc mới.

Mệnh lệnh của Sa hoàng được thi hành nghiêm ngặt. Ai không tuân theo sẽ bị tịch thu tài sản. Khi thương nhân ở Moskva và những thành phố khác cho rằng 12 tàu phân bổ cho họ là quá nhiều, kiến nghị xin Sa hoàng giảm xuống, họ nhận câu trả lời: phải đóng 14 tàu! Trong nhiều trường hợp, địa chủ và thương nhân không trực tiếp tham gia đóng tàu. Họ chỉ việc trả cho mọi chi phí và thuê thợ đóng tàu người nước ngoài ở Khu Ngoại ô Đức làm việc cho họ.

Trước đó, vào tháng 7 năm 1696, trong khi đang tất bật chỉ huy chiến dịch tấn công Azov, Pyotr không quên chuyện mai sau: ông ra lệnh cho triều đình Nga yêu cầu triều đình Venice “gửi 13 đốc công đóng tàu có năng lực đóng đủ mọi loại tàu viễn dương”. Vào tháng 1 năm sau, 13 đốc công đến Nga. Còn có những chuyên viên đóng tàu khác đến từ Hà Lan, Anh quốc, Đan Mạch và Thụy Điển đổ xô đến. Nhưng người nước ngoài chỉ là thành phần nòng cốt. Để đóng một hạm đội theo như trù định cần thêm nhiều thợ đóng tàu, cùng đội ngũ hải quân để điều khiển những tàu này. Ít nhất một số này phải là người Nga.

Ngày 22 tháng 11 năm 1696, vài tuần sau khi công bố chương trình đóng tàu, Pyotr thông báo triều đình sẽ cử hơn 61 người Nga – phần lớn là trai trẻ trong những gia đình quý tộc – đi Tây Âu để học các ngành hàng hải và đóng tàu. Chính Pyotr soạn thảo chương trình học tập cho họ: hải đồ, la bàn, thực tập trên thuyền nước ngoài, bắt đầu từ trình độ thủy thủ thông thường và, nếu có thể, học lên thành sĩ quan hải quân. Không ai được trở về Nga nếu không có chứng chỉ do đốc công nước ngoài công nhận đã lành nghề.

Mệnh lệnh của Pyotr rót vào những đôi tai kinh hoàng. Vài người được chọn đã kết hôn – Pyotr Tolstoy, người già nhất, 52 tuổi khi phải đi. Ý nghĩ lo sợ phổ biến là họ sẽ phải dứt bỏ vợ con để rồi bị hư người ở Tây Âu. Bậc cha mẹ sợ con cái bị ảnh hưởng tôn giáo xấu, còn các cô vợ sợ nghệ thuật cám dỗ của phụ nữ phương Tây. Và tất cả phải tự bỏ ra chi phí. Nhưng không có cách nào tránh né; họ phải đi. Không ai về nước trở thành đô đốc lẫy lừng, nhưng những năm học tập nơi đất người không phải là uổng phí. Một số trở thành đại sứ, thượng nghị sĩ, học giả. Và 50 người này chỉ là đợt đầu tiên. Trong những năm tiếp theo, nhiều thanh niên – dân thường cũng như quý tộc – được chọn đi nước ngoài để được huấn luyện trong quân chủng hải quân. Kiến thức họ mang về giúp thay đổi nước Nga.

Đại Phái bộ Sứ thần 1697-1698

Chương trình đóng tàu lớn lao cho hạm đội Azov và việc cử thanh niên Nga đi du học không phải là những cú sốc lớn nhất cho nước Nga sau chiến thắng của Pyotr. Hai tuần sau khi cử nhóm đầu tiên đi du học, Bộ Ngoại giao ra một thông báo gây thêm cơn địa chấn: chuyến vi hành của Sa hoàng Nga, Pyotr Đại đế, qua một số nước Tây Âu, chỉ một năm sau khi ông nắm quyền cai trị độc tôn. Mục đích của đoàn là tạo cơ hội cho thành viên học hỏi từ phương Tây, tuyển dụng sĩ quan, thủy thủ, kỹ sư và đốc công để đóng và điều khiển hạm đội Nga, và cũng để Tây Âu quan sát và cho biết ấn tượng của họ về các nhà lãnh đạo Nga có mặt trong chuyến đi.

Sự kiện này được gọi là Đại Phái bộ Sứ thần (Anh văn: The Great Embassy; Nga văn: Великое посольство, phiên âm: Velikoye posolstvo). Chuyến đi tạo tiền đề vững chắc cho việc bành trướng Hải quân Nga từ một số xà lan đi trên sông thành một lực lượng viễn dương hùng mạnh. Câu chuyện về chuyển đi này được thuật lại trong bài viết:

Pyotr Đại đế và chuyến vi hành Châu Âu (1697-1698)https://tamdiepblog.wordpress.com/2018/10/24/pyotr-dai-de-va-chuyen-vi-hanh-chau-au-1697-1698/

Hạm đội Azov, 1698

Sau khi từ Tây Âu trở về, Pyotr nôn nóng muốn xem ngay các tàu chiến của mình đang được đóng ở Voronezh. Ông đi thị sát chuyến đầu tiên vào cuối tháng 10 năm 1698, và nhận ra nhiều vấn nạn. Nhân lực và tài lực vừa thừa vừa thiếu. Trong khi đẩy mạnh tiến độ như Sa hoàng đã ra lệnh, các thợ đóng tàu đã sử dụng gỗ chưa qua xử lý, sẽ bị mục nhanh trong nước. Nhưng cần ghi nhận là việc sử dụng gỗ tươi không chỉ giới hạn ở tàu Nga. Trong hai thế kỷ 17-18, vòng đời của nhiều chiếc tàu Anh chỉ là khoảng 10 năm, vì lý do sử dụng gỗ chưa qua xử lý.

Khi từ Hà Lan đến, Chuẩn đô đốc Cruys kiểm tra các tàu chiến và ra lệnh mang nhiều chiếc lên để đóng lại hoặc gia cố. Các thợ đóng tàu chỉ áp dụng thiết kế của riêng mình mà không có ai hướng dẫn hoặc kiểm soát, sinh ra cãi cọ nhau với nhau thường xuyên. Đã nhận lệnh của Pyotr ở London là phải làm việc dưới sự giám sát của người khác, thợ đóng tàu Hà Lan đâm ra chán nản và trì trệ. Tinh thần thợ Nga không được khá hơn. Nhận vương lệnh đi đến Voronezh để học ngành đóng tàu, họ hiểu rằng nếu tỏ ra có triển vọng về năng lực họ sẽ phải đi học thêm kỹ năng ở Tây Âu. Vì thế, nhiều người chỉ làm vừa đủ cho qua ngày giờ, hy vọng bằng cách nào đó được phép trở về quê nhà.

Vấn nạn tệ hại nhất là đám công nhân không lành nghề. Hàng nghìn người bị huy động – nông dân và nông nô vốn chưa từng trông thấy một con tàu nào lớn hơn sà lan. Họ đến mang theo búa và rìu của riêng mình, đôi lúc dẫn theo cả ngựa, để đốn cây rừng, cắt tỉa nhánh rồi thả gỗ xuôi dòng sông cho đến Voronezh. Điều kiện sống rất đơn sơ, bệnh tật lây lan nhanh chóng gây nhiều thương vong. Nhiều người bỏ trốn, cuối cùng phải xây hàng rào và đặt lính canh chung quanh lán trại. Mặc dù bề ngoài tỏ ra lạc quan, Pyotr cảm thấy buồn rầu và chán nản vì tiến độ chậm chạp.

Dù cho bao nỗi lo của Pyotr, thiếu thốn mọi loại dụng cụ và mọi việc phải làm thủ công, công tác vẫn tiến triển. Trong suốt mùa đông, không màng đến thời tiết giá lạnh, Pyotr cùng lao động với công nhân. Ông đi rảo khắp xưởng đóng tàu, bước qua những thớt gỗ phủ đầy tuyết, qua những con tàu nằm lặng yên trên bệ đỡ, qua những công nhân đang xúm xít bên ngọn lưả cố giữ cho chân tay và thân người được ấm, qua lò đúc và lò nung nơi những mỏ neo và phụ kiện kim loại đang được đúc thành hình khối. Ông hoạt động không biết mệt mỏi, dốc hết sức lực chỉ huy, khuyến khích, thuyết phục. Công nhân nước ngoài than phiền họ phải làm việc quá nặng nhọc đến nỗi không có thời giờ đi rửa tội ở nhà thờ. Nhưng hạm đội tiếp tục thành hình. Suốt mùa đông, mỗi tuần đều có 5 hoặc 6 tàu được hạ thủy hoặc sẵn sàng chờ hạ thủy khi băng tan.

Launching ship at Novorezh
Hạ thủy chiến hạm ở Vonorezh

Không bằng lòng với việc giám sát tổng quát, Pyotr tự tay thiết kế và cùng với công nhân toàn người Nga đóng một chiến hạm với 50 đại bác. Ông tự đặt ki rồi thường xuyên làm việc xây dựng, cùng với các boyar đã đi theo ông. Đó là một con tàu trông oai hùng, dài 40 mét, tạo cho Pyotr niềm vui khi làm việc với đồ nghề trong tay ông và nghĩ rằng trong hạm đội tiến ra Biển Đen, sẽ có một chiến hạm do chính tay ông tạo dựng. Đó là chiếc Goto Predestinatsia (có nghĩa: Thiên định của Chúa), có 3 cột buồm và 58 đại bác, được hạ thủy ngày 27 tháng 4 năm 1700, chỉ hơn 10 năm sau chuyến vi hành Tây Âu của Pyotr. Chiến hạm này được dùng làm kỳ hạm cho Hạm đội Azov.

ship_Goto Predestinatsia = The Providence of God (Adriaan Schoonebeek) 2
Chiến hạm Goto Predestinatsia

Vào mùa xuân, hạm đội đã sẵn sàng, gồm có 86 chiếc tàu đủ kích thước, kể cả 18 chiến hạm viễn dương được trang bị từ 36 đến 46 đại bác mỗi tàu. Ngoài ra, còn có 500 sà lan để chở binh sĩ, quân nhu, vũ khí và đạn dược. Ngày 7 tháng 5 năm 1699, hạm đội rời Voronezh xuôi dòng sông. Đô đốc Golovin giữ chức tư lệnh hạm đội trên danh nghĩa (ông chỉ có một chuyến đi vài giờ trên Biển Baltic), với Chuẩn đô đốc Cruys là Phó tư lệnh có quyền chỉ huy thật sự. Tất cả hạm trưởng đều là người nước ngoài, ngoại trừ Pyotr.

Khi đến Azov vào ngày 24 tháng 5 năm 1699, Pyotr lên bờ để thị sát các thành lũy mới mà ông biết chắc chắn là cần thiết: mùa xuân năm ấy, một đội quân Tatar đã tiến đến tận Azov, đốt phá và để lại những cánh đồng trơ trọi, làng mạc bị cháy, còn dân chúng hoảng loạn chạy trốn. Hài lòng với những công sự phòng thủ mới, Pyotr đi tiếp đến Taganrog thị sát việc nạo vét và xây dựng một căn cứ hải quân. Khi hạm đội đã tập trung ở đây, Pyotr cho lệnh tập trận để binh sĩ thành thạo việc báo hiệu, bắn đại bác và lái tàu. Cuộc tập trận tiếp tục đến gần cuối tháng 7, lên đến đỉnh điểm là một trận hải chiến giả theo cách thức Pyotr đã chứng kiến ở Hà Lan.

Hạm đội đã sẵn sàng; bây giờ Pyotr đối diện với vấn đề là sẽ dùng vào việc gì. Pyotr đã khổ nhọc suốt mùa đông xây dựng hạm đội hầu đi chiếm Eo biển Kerch của Ottoman nhằm thông ra Biển Đen. Nhưng tình hình đã thay đổi. Prokofy Voznitsyn đã ở lại Wien để vớt vát cho Nga trong cuộc đàm phán giữa một bên là liên minh Áo, Ba Lan, Venice và Nga; bên kia là Ottoman. Vấn đề nằm ở chỗ, hòa ước có lẽ chỉ công nhận lãnh thổ đã được chiếm giữ thật sự, trong khi Pyotr muốn tiếp tục chiến tranh, ít nhất trong một thời gian. Chính vì muốn tiến hành chiến tranh và chiếm lấy Eo biển Kerch để mở đường ra Biển Đen mà Pyotr đã lao động khổ nhọc suốt mùa đông để xây dựng hạm đội.

Trong khi Pyotr đang gây dựng hạm đội ở Voronezh, Đại sứ Prokofy Voznitsyn lo đàm phán hòa bình với Đế quốc Ottoman. Anh quốc thuyết phục Ottoman nên nhân nhượng vì muốn Áo được rảnh tay để cùng đối phó với Pháp. Ottoman đành phải dằn lòng chấp nhận nhường Azov cho Nga, nhưng nhất quyểt không nhường lãnh thổ nào chưa bị chiếm, ví dụ như Eo biển Kerch. Voznitsyn đề xuất với Pyotr là Nga cử đặc sứ đi Ottoman để thử đàm phán xem Nga có thể đạt được gì thêm hay không.

Bây giờ, với hạm đội đã sẵn sàng ở Taganrog nhưng vì đang có đàm phán mà không thể mang ra chiến đấu, Pyotr làm theo lời khuyên của Voznitsyn: cử Bộ trưởng Ngoại giao Emilian Ukraintsev làm đặc sứ đi Constantinople, thủ đô của Ottoman (bây giờ là Istanbul, thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ). Việc này là nhất cử lưỡng tiện vì có cơ hội sử dụng hạm đội để phô trương thanh thế: hộ tống vị đặc sứ cho đến Kerch, từ đây ông này có thể đi đến thủ đô Ottoman trên chiếc chiến hạm lớn nhất và là niềm hãnh diện của Pyotr.

Ngày 5 tháng 8 năm 1699, 12 tàu lớn của Nga, tất cả đều được người nước ngoài chỉ huy ngoại trừ một tàu khu trục nhỏ do Sa hoàng dưới chức danh Đại tá Hải quân Pyotr Mikhailov làm hạm trưởng, từ Taganrog tiến ra Eo biển Kerch. Viên tổng trấn Ottoman đóng chốt ở pháo đài, chỉ huy dàn đại bác khống chế eo biển, hoàn toàn bất ngờ. Ông nghe loạt súng đại bác của Pyotr tỏ ý chào hỏi và chạy vội ra xem, thấy một hạm đội ngay trước thềm căn cứ của mình. Pyotr yêu cầu cho phép một chiến hạm Nga duy nhất, chiếc Krepost (Pháo đài) với 46 khẩu đại bác, đi qua eo biển để đưa đặc sứ Nga đến Constantinople. Khởi đầu, viên tổng trấn chuẩn bị đại bác để ứng chiến, nói rằng không nhận được lệnh gì từ thủ đô nước ông. Pyotr đối đáp bằng cách dọa sẽ xông qua bằng vũ lực nếu cần, và các chiến hạm của ông có thêm thuyền nhỏ và sà lan chở binh sĩ đến họp đoàn. Sau 10 ngày, viên tổng trấn đồng ý nhưng đòi hỏi chiến hạm của Nga phải chịu để cho 4 tàu của Ottoman hộ tống. Sa hoàng rút về, và chiếc Krepost đi qua eo biển Kerch. Khi đã ra Biển Đen, hạm trưởng Van Pamburg người Hà Lan ra lệnh giăng tất cả các cánh buồm cho no gió và chẳng bao lâu để lại 4 tàu của Ottoman phía sau chân trời.

ship_Krepost in 1699
Chiến hạm Krepost

Đó là thời khắc lịch sử: Lần đầu tiên, một chiến hạm của Nga, mang cờ hiệu của Sa hoàng, thực hiện một cuộc hải hành đơn độc và tự do trên lãnh hải Ottoman. Vào buổi chiều tà ngày 13 tháng 9 năm 1699, khi chiếc tàu tiến đến đầu eo biển Bosphorus, Constantinople kinh ngạc và run rẩy. Vị Hoàng đế phản ứng một cách chững chạc: cử đại diện ra chào hỏi và đưa một tàu nhỏ ra đón phái đoàn vào bờ. Tuy nhiên, đặc sứ Nga từ chối rời khỏi tàu, mà đòi cho phép tàu Nga đi lên Bosphorus để đưa ông đến sát thành phố. Hoàng đế nhượng bộ, và chiếc chiến hạm Nga đi lên, cuối cùng thả neo ngay trước cung điện của Hoàng đế. Chưa từng có con tàu Nga nào thả neo ở đây.

Người Thổ chăm chăm nhìn chiếc Krepost, tỏ ra lo lắng không phải chỉ vì dáng vẻ mà còn vì kích thước: họ không hiểu làm thế nào một con tàu lớn đến thế lại được đóng trên Sông Don với nước cạn; nhưng rồi họ an tâm phần nào khi chuyên gia kiến trúc hải quân của họ cho biết con tàu phải có đáy khá bằng và vì thế sẽ không được ổn định khi giao chiến bằng đại bác giữa biển khơi.

Ukraintsev được tiếp đãi một cách trọng thị. Sau đó, theo lệnh của Pyotr muốn phô trương lực lượng hải quân mới của Nga, chiếc Krepost đón tiếp khách lên tham quan. Hàng trăm con thuyền đi đến cạnh sườn tàu và từng đoàn người đủ thành phần chen chúc lên tàu. Đỉnh điểm là chuyến tham quan của Hoàng đế cùng các hạm trưởng Ottoman đi theo.

Pyotr có quyết định sáng suốt khi điều một chiến hạm đến chân tường thành của thủ đô Ottoman. Từ đây, hoàng đế Ottoman sẽ nhìn nước Nga với cặp mắt nể trọng hơn lúc trước.

Sau các cuộc đàm phán nhùng nhằng, Nga và Ottoman ký Hiệp ước Constantinople 1700 – không phải là hòa ước nhưng là thỏa thuận đình chiến trong 30 năm mà không bên nào được quyền đòi hỏi lãnh thổ – để mọi vấn đề bỏ ngỏ, và khi hết hạn nếu không được gia hạn thì chiến tranh có thể tái diễn. Các điều khoản thể hiện sự dung hòa: Nga được giữ lại Azov và một ít lãnh thổ, nhưng phải phá hủy các pháo đài vùng hạ lưu Sông Dnepr và trả lại vùng đất này cho Ottoman.

Tháng 6 năm 1700, chiến hạm Krepost mới trở về Nga, kết thúc một chuyến hải hành lịch sử, chỉ 11 năm sau khi Pyotr tìm ra con thuyền “Thủy tổ của Hải quân Nga”.

Điều trái khoáy là việc ký hiệp ước đình chiến 30 năm với Ottoman khiến cho công lao xây dựng hạm đội ở Voronezh trở nên vô nghĩa. Một thời gian lâu trước khi hiệp ước hết hiệu lực, thủy thủ đoàn đã bị giải tán và các con tàu đã mục nát. Dĩ nhiên là vào lúc này, trong tư tưởng của Pyotr, hiệp ước chỉ là tạm thời. Dù chủ ý của ông bắt đầu hướng về Đại chiến Bắc Âu với Thụy Điển, các công cuộc xây dựng hạm đội và căn cứ hải quân miền nam chỉ chậm lại chứ không hề ngưng hẳn. Trong cuộc đời mình, Pyotr không bao giờ từ bỏ ý định tiến ra Biển Đen. Đúng thế: trong sự tức tối và thất vọng của Thổ, xưởng đóng tàu ở Voronezh vẫn tiếp tục hoạt động, những con tàu mới vẫn đi xuống Taganrog và các bức tường thành Azov được xây cao thêm.

Trong lịch sử 15 năm (1696-1711) của Hạm đội Azov, khoảng 200 chiếc tàu được đóng ở Voronezh. Cơ xưởng ở đây tạo thành trung tâm huấn luyện cho nguồn nhân lực hải quân trong giai đoạn phôi thai, và cũng tạo nền móng cho việc tạo dựng Hạm đội Baltic ở Sankt Peterburg.

vo de 1

Hạm đội Azov không bao giờ can dự vào chiến trận, nhưng sau này là yếu tố khiến cho người Thổ không dám ủng hộ Thụy Điển trong chiến tranh với Nga. Khi Vua Karl XII của Thụy Điển dẫn quân tiến sâu vào đất Nga, ông mong được liên minh với Ottoman. Trong thời gian này, Pyotr khẩn trương tăng cường hạm đội. Hai tháng trước khi Trận Pultowa diễn ra, tháng 5 năm 1709, đích thân Pyotr đi đến Azov và Taganrog để tổ chức diễn tập hạm đội. Vì Hoàng đế Ottoman có ấn tượng với sức mạnh của hải quân Nga, nên ông cấm Hãn vương Crimea Devlet Gerey về phe với Thụy Điển. Kết quả này đủ biện minh cho nỗ lực xây dựng hạm đội.

Nước Nga mất Pháo đài-Trị trấn Azov và Hạm đội Azov do một khinh suất khó tin của Pyotr. Say men chiến thắng Trận Patuwa năm 1709, hai năm sau Pyotr dẫn 38.000 quân đi đánh Đế quốc Ottoman để rồi bị 190.000 quân Ottoman vây hãm. May mắn cho Pyotr và nước Nga, Ottoman không tìm cách tiêu diệt quân Nga, nhưng chấp nhận đàm phán. Nga chỉ trả một giá quá rẻ so với khả năng thất trận toàn diện: trả lại Azov, tiêu hủy hạm đội Azov và phá hủy pháo đài tại Thành phố Taganrog. Nước Nga lại mất đường thông ra Biển Đen.

Chỉ đến năm 1733 Nga mới xây dựng lại Hạm đội Azov (cũng được gọi là Hạm đội Sông Don) để đánh thắng Ottoman, và năm 1774 Nga nhận lại vĩnh viễn Thành phố Taganrog cùng Pháo đài-Thị trấn Azov.

Đại chiến Bắc Âu bắt đầu, 1700

Đại chiến Bắc Âu diễn ra từ năm 1700 đến năm 1721 giữa một bên là Thụy Điển và bên kia là liên minh gồm Nga, Đan Mạch, Saxony, Ba Lan; từ 1715 có thêm Phổ và Hanover.

Mầm mống của Đại chiến Bắc Âu phát xuất từ những lý do lịch sử và kinh tế cũng như lòng khát khao của Pyotr về biển cả. Nga và Thụy Điển đã đối đầu với nhau trong nhiều thế kỷ để tranh giành vùng ven bờ Vịnh Phần Lan. Thoạt đầu, Karelia và Ingria – nằm phía bắc và nam Sông Neva – là lãnh thổ xưa cũ của Nga. Sau cái chết của Ivan Bạo chúa, nước Nga lâm vào thời kỳ khủng hoảng khiến cho Thụy Điển có cơ hội chiếm đoạt một dải đất rộng kể cả Novgorod. Đến năm 1616, Thụy Điển trả lại Novgorod cho Nga nhưng vẫn giữ lấy nguyên bờ biển với các pháo đài trấn giữ như Nöteborg (bên bờ Hồ Ladoga), Narva và Riga, tiếp tục cô lập Nga khỏi biển cả.

map_Swedish Baltic
Các lãnh thổ vùng Baltic thuộc Thụy Điển

Sa hoàng Aleksei đã cố lấy lại các vùng đất này, nhưng rồi phải bỏ ý định. Cuộc chiến chống Ba Lan là quan trọng hơn, và Nga không thể cùng lúc chống cả Ba Lan và Thụy Điển. Hòa ước Nga–Thụy Điển năm 1664 tái xác nhận các vùng đất này thuộc Thụy Điển.

Tuy thế, trong ý nghĩ của Pyotr, đó là những lãnh thổ của Nga, và Nga đang chịu thiệt hại đáng kể về kinh tế khi những vùng đất này nằm trong tay nước ngoài. Hàng hóa của Nga tuôn ra các cửa khẩu Riga, Reval và Narva bị Thụy Điển thu thuế quan nặng nề, làm kho bạc của Thụy Điển béo thêm. Chung quy là do đường biển.

Thế là, Đại chiến Bắc Âu bắt đầu. Trong 20 năm, các trận đánh chủ yếu xảy ra giữa hai quân vương trẻ tuổi – Sa hoàng Pyotr I 28 tuổi của Nga và Vua Karl 18 tuổi của Thụy Điển – chiến đấu với nhau để cuối cùng quyết định số phận của cả hai đế quốc. Các trận đánh thường liên quan đến kỵ binh và bộ binh, tuy cũng có một số chạm trán giữa hai lực lượng hải quân Nga và Thụy Điển.

Những đụng độ hải quân đầu tiên

Tâm tư của Pyotr không bao giờ rời xa biển, và ông có sáng kiến nghĩ ra cách thức để tấn công Thụy Điển trên Biển Baltic bằng cách sử dụng tàu nhỏ đi trên sông hồ. Trong khi Thụy Điển chiếm ưu thế về loại chiến hạm thông thường, Pyotr xây một đội đông đảo loại thuyền nhỏ hơn nhằm áp đảo quân thù bằng số lượng. Ông cho đóng loại thuyền này – do người chèo và chỉ có một cột buồm – trên Hồ Ladoga, hồ lớn nhất Châu Âu, nơi một đội thuyền galê và tàu chiến nhỏ 2 cột buồm của Thụy Điển đồn trú.

Ngày 20 tháng 6 năm 1702, nơi đầu cực nam của hồ này, 400 quân Nga đi trên 18 thuyền nhỏ tấn công 3 thuyền galê và 3 tàu chiến nhỏ. Bên Thụy Điển bị thất thế: thuyền của họ đang thả neo và binh sĩ của họ đang lên bờ cướp phá một ngôi làng thì quân Nga tràn đến. Soái hạm của Thụy Điển – một tàu chiến được trang bị 12 đại bác – bị hư hại nên quân Thụy Điển phải rút lui. Ngày 7 tháng 9, cũng đội tàu Thụy Điển này bị tấn công, lần này có 30 thuyền Nga tham dự. Bị thuyền của Nga quấy nhiễu như đàn sói, Đô đốc Nummers của Thụy Điển không thể giữ vững vị trí mà phải rút về đầu cực bắc của hồ. Việc này mở đường cho quân Nga tiến công mạnh thêm, dẫn đến chiến thắng quan trọng ở Nöteborg vào mùa thu.

Đồng thời, quân Nga áp dụng cùng chiến thuật trên Hồ Peipus, phía nam Narva. Ngày 31 tháng 5 năm 1702, gần 100 thuyền Nga tấn công bốn tàu lớn của Thụy Điển, bị chìm 3 chiếc nhưng cũng khiến cho Thụy Điển phải rút về đầu cực bắc của hồ này. Vào hai ngày 20 tháng 6 và 21 tháng 7, hai tàu Thụy Điển chuyên dụng chở hàng hậu cần và đạn dược bị các thuyền nhỏ của Nga tấn công. Một chiếc bị mắc cạn, bị bỏ phế sau khi thuyền trưởng ra lệnh vứt tất cả súng xuống nước. Chiếc kia bị quân Nga tràn lên đốt cháy. Kết quả là quân Thụy Điển rút lui hoàn toàn khỏi Hồ Peipus năm 1702. Năm sau, họ trở lại với lực lượng hùng mạnh hơn, bắn chìm 20 thuyền Nga và chiếm lại quyền kiểm soát hồ.

Nhưng năm 1704, bên Nga lật ngược tình thế một lần cuối: để đón đầu một hạm đội Thụy Điển đang thả neo trên Sông Embach gần Dorpat, họ dùng dây xích chắn ngang cửa sông và đặt pháo trên bờ, phía sau dây xích là 200 thuyền Nga sẵn sàng chờ đợi tàu Thụy Điển nào có thể thoát qua. Khi 13 tàu Thụy Điển đi xuống con sông, dòng nước cuốn họ va vào dây xích mà không tài nào kiểm soát được, rồi bị pháo Nga bắn tới tấp. Binh sĩ Thụy Điển đổ bộ lên bờ, cố gắng tiến đánh một khẩu đội pháo Nga và cuối cùng mở đường máu về Dorpat. Nhưng tất cả tàu Thụy Điển đều bị bắn chìm, hải quân Thụy Điển không còn hiện diện ở Hồ Peipus nữa.

Cuối năm 1704 đó, quân Nga chiếm được cả Narva và Dorpat.

Mùa xuân 1702, Nga nhận được tin tình báo cho biết Thụy Điển đang chuẩn bị một cuộc tấn công lớn vào Arkhangelsk trong mùa hè. Pyotr quyết định đi đến Arkhangelsk để đảm bảo cảng biển duy nhất vẫn còn trong tay Nga. Khi ông đến, công cuộc phòng thủ đã sẵn sàng, họ bắt đầu chờ đợi. Trong gần 3 tháng, Pyotr lại lao vào việc đóng tàu, hạ thủy hai chiếc và đặt ki cho một tàu chiến có 26 đại bác.

Tháng 8 năm 1702, đoàn thương thuyền Hà Lan và Anh đến theo thông lệ hằng năm, nhưng lần này đông hơn vì tất cả hoạt động xuất nhập khẩu của Nga qua các cảng của Thụy Điển ở Biển Baltic bây giờ được chuyển đến Arkhangelsk. Cùng với hàng hóa, các thương thuyền cũng mang theo tin tức là phía Thụy Điển đã từ bỏ hẳn ý định tấn công Arkhangelsk mùa hè năm ấy. Pyotr lập tức đi về nam. Khi đến bờ bắc của Hồ Ladoga, ông ra lệnh cho Sheremetyev ở Livonia và Pyotr Apraksin ở Ingria hội quân với ông và quân Cảnh vệ nhằm kiểm soát toàn diện hồ này bằng cách chiếm lấy pháo đài Thụy Điển ở Nöteborg, nơi Hồ Ladoga chảy vào Sông Neva.

Thị trấn Nöteborg được Pháo đài Oreshka (cũng được gọi là Pháo đài Nöteborg) trên Đảo Orekhovy kiên cố án ngữ mặt trước, khởi đầu được xây vào thế kỷ 14. Bằng cách khống chế cửa sông, Pháo đài Oreshka kiểm soát mọi con đường thương mại từ Biển Baltic đi lên Hồ Ladoga và qua hệ thống sông ngòi để vào trong đất liền. Bên nào kiểm soát Nöteborg sẽ kiểm soát con đường thương mại kéo dài đến phương Đông. Pháo đài Oreshka bị Thụy Điển chiếm vào năm 1611, tạo thành tấm chắn giữa đất Nga và Biển Baltic. Bây giờ, bức tường thành dày và sáu tháp công sự của nó được trang bị với 142 khẩu đại bác. Đội quân trấn giữ chỉ có 450 người, nhưng dòng nước chảy xiết khiến cho tàu thuyền khó tiếp cận ngay cả khi không có đạn pháo rơi lên đầu.

fort_Oreshek Shlisselburg, Orekhovy island
Một góc Pháo đài Oreshek án ngữ Nöteborg

Pyotr cảm thấy phấn khởi với viễn cảnh chiếm được tòa pháo đài. Một khi binh sĩ và đại bác của Nga đã bố trí xong xuôi, số phận của tòa pháo đài hẻo lánh xem như đã bị định đoạt, không trông mong gì được cứu viện. Mặt hồ phủ đầy thuyền nhỏ của Nga chở binh sĩ sẵn sàng mở cuộc tấn công. Quân Nga đặt những ụ súng cối phía sau công sự xây bằng đất dọc hai bên bờ sông – bờ nam chỉ cách mục tiêu tấn công không đầy 300 mét. Đợt hãm thành đầu tiên của đoàn thuyền và binh sĩ leo thang dây bị đẩy lui, nhưng súng cối mở cuộc pháo kích dữ dội, bắn phá bức tường thành.

Đến ngày thứ ba, người vợ của một sĩ quan Thụy Điển gửi thư đến doanh trại Nga, yêu cầu cho phép các bà vợ của sĩ quan Thụy Điển được rời khỏi thành. Pyotr đích thân phúc đáp, giải thích với giọng văn galăng pha châm biếm rằng ông ghét cách ly phụ nữ Thụy Điển khỏi người chồng của họ; ông bảo dĩ nhiên họ có thể rời đi với điều kiện là họ dẫn chồng đi theo. Một tuần sau, nghĩa là sau 10 ngày bắn phá, những người còn sống sót trong tòa pháo đài chịu đầu hàng.

Pyotr vô cùng vui sướng với việc đội quân mới và những khẩu pháo mới làm từ chuông nhà thờ Nga chiếm được pháo đài quan trọng đầu tiên từ tay Thụy Điển. Ông đón nhận chiếc chìa khóa từ tay vị chỉ huy Thụy Điển đầu hàng rồi gắn nó lên lô cốt phía tây của pháo đài, và đổi tên của pháo đài thành Schlüsselburg, từ chữ Đức schlüssel có nghĩa là “chìa khóa,” cũng có ý nghĩa pháo đài là chìa khóa mở ra Biển Baltic. Hiện nay trung tâm thành phố và pháo đài gần đó là Di sản Thế giới UNESCO.

Sự thất thủ của Nöteborg- Schlüsselburg là thất bại nặng nề cho Thụy Điển vì họ đã mất đi bức tường chặn Nga tiến ra Neva và cả Tỉnh Ingria. Lúc ấy đang chinh chiến ở Ba Lan, Karl XII ý thức được tầm quan trọng khi nhận được tin do Bá tước Piper buồn rầu mang đến. Nhà Vua nhẹ nhàng nói: “Hãy tự an ủi, ông Piper thân yêu. Quân thù sẽ không thể mang nó đi theo.” Tuy thế, vào những dịp khác, nhà Vua nói một cách cứng rắn rằng bên Nga sẽ phải trả giá cao cho Nöteborg.

Thụy Điển không bao giờ chiếm lại được Schlüsselburg. Năm sau Pyotr tạo dựng nên Thành phố Sankt Peterbourg ở cửa Sông Neva là lá chắn ngay trên bờ Vịnh Phần Lan.

Mùa xuân sau, năm 1703, trong khi Karl vẫn còn ở Ba Lan, Pyotr dứt khoát “không để mất thời giờ mà Thượng đế đã ban,” ra lệnh tấn công trực diện để tạo dựng miền đất Nga trên bờ Biển Baltic. Sheremetyev dẫn một cánh quân từ Schlüsselburg đi dọc bờ bắc Sông Neva để tiến ra biển; Pyotr dẫn 60 chiếc thuyền từ Hồ Ladoga xuống. Dòng Neva chỉ dài hơn 70 kilômét, không hẳn là sông mà thật ra là một dòng thác rộng với nước chảy xiết từ Hồ Ladoga đổ ra Vịnh Phần Lan. Dọc đường, họ không gặp sự kháng cự nào đáng kể của Thụy Điển. Ngày 12 tháng 5 năm 1703, quân Nga chiếm được một căn cứ nhỏ của Thụy Điển là Nyenskans, cách bờ biển 10 kilômét.

Vào buổi tối sau khi chiếm được Nyenskans, bên Nga nhận được tin một hạm đội Thụy Điển đang tiến lên trong vịnh. Đô đốc Nummers chỉ huy 9 chiếc tàu xuất hiện ngoài cửa Sông Neva và cho bắn hai phát đại bác để báo tin với đồng đội ở Nyenskans. Bên Nga bắn đại bác đáp lại để đánh lừa. Vẫn chưa chắc chắn, Nummers cử một chiếc thuyền tiến vào sông để dò xét. Chiếc thuyền bị bắt. Ba ngày sau, vẫn còn hoang mang, Nummers lại cử tiếp hai tàu nhỏ đi vào sông để tìm hiểu thực hư. Hai chiếc tàu đi ngược dòng nước chảy xiết rồi đến thả neo ở Đảo Vasilevsky.

Trong khi ấy, Pyotr và Menshikov đưa hai lữ đoàn Cảnh vệ xuống 30 thuyền lớn, xuôi dòng Neva rồi ẩn náu giữa vô số hòn đảo. Bình minh ngày 18 tháng 5, quân Nga thình lình xuất hiện, chèo đến tấn công tàu Thụy Điển từ mọi phía. Trận chiến diễn ra khốc liệt: bên Thụy Điển nã đại pháo nhằm bắn các thuyền Nga vây quanh, còn bên Nga đáp trả bằng lựu đạn và súng nòng dài. Rốt cuộc, đội quân của Pyotr đoạt được hai tàu Thụy Điển và bắt số ít binh sĩ còn sống sót làm tù binh. Quân Nga dẫn hai con tàu và tù binh về Nyenskans, bây giờ có tên mới là Sloteburg. Pyotr hồ hởi với trận đánh hải quân đầu tiên mà ông đích thân tham dự, vì thế cả ông và Menshikov được trao tặng Huân chương Sankt-Andrei cao quý.

Với chiến thắng này, Pyotr đạt được mục đích – ít nhất là tạm thời – mà theo đó ông đã tuyên chiến. Ông đã chiếm được trọn chiều dài của Sông Neva và lấy lại đường thông ra Biển Baltic. Tỉnh Ingria đã về lại tay Nga. Trong cuộc diễu hành chiến thắng đi về Moskva, có một biểu ngữ vẽ bản đồ của Ingria với câu chú thích: “Chúng ta không lấy đất của người khác, mà nhận thừa kế từ tổ tiên ta.”

Tạo dựng Thành phố Sankt Peterbourg

Khi chiếm được cái gì, Pyotr củng cố cái ấy ngay lập tức. Ông đã mơ đến việc xây dựng một thành phố bên bờ biển – một thành phố cảng mà từ đó tàu thuyền Nga và hàng hóa Nga sẽ đi ra những đại dương của thế giới. Vì thế, ngay khi đã tạo được chân đứng trên bờ Biển Baltic, ông bắt đầu xây dựng thành phố của mình, đó là Thành phố Sankt Peterbourg. Đối với nhiều người, đây là việc điên rồ, một việc làm quá sớm, chỉ phí công vô ích. Ông chỉ mới đặt được một ngón chân, lại là một ngón chân không chắc chắn: Karl XII đang ở phương xa nhưng chưa bao giờ bị đánh bại. Một ngày nào đó, chắc chắn vị vua này sẽ đến giật lại cái mà Pyotr đã chiếm sau lưng ông ta. Lúc ấy, thành phố này – qua bao kỳ công xây đắp – sẽ chỉ là một lãnh thổ khác của Thụy Điển trên bờ Biển Baltic.

Khi Pyotr đi xuyên qua rừng và đến cửa sông Neva, ông thấy mình đứng giữa một vùng đầm lầy hoang dã, bằng phẳng, vắng ngắt. Ở vùng cửa sông Neva, dòng nước chảy vòng lên hướng bắc theo hình chữ S ngược rồi hướng về phía tây để đổ ra biển. Ở đoạn 8 kilômét cuối, con sông chia ra bốn nhánh với nhiều dòng nước nhỏ cắt ngang vùng đầm lầy tạo ra hàng chục hòn đảo bao phủ bằng bụi rậm và rừng cây thấp. Năm 1703, cả vùng bị ngập sũng nước. Vào mùa xuân, sương mù từ tuyết và băng đang tan chảy bao phủ dày đặc. Khi ngọn gió tây-nam từ ngoài Vịnh Phần Lan thổi vào, con sông bị ứ nước và nhiều hòn đảo chìm trong biển nước. Ngay cả các thương nhân trong nhiều thế kỷ đi trên Sông Neva để vào đất Nga đã chưa hề xây một khu dân cư nào ở đây: vùng đất quá hoang dã, quá ẩm thấp, tóm lại là không thích hợp cho con người đến ở. Trong tiếng Phần Lan, chữ neva có nghĩa là “đầm lầy.” Nhưng trong ý nghĩ của Pyotr, con sông chảy xiết rộng hơn Sông Thames ở London trông thật tuyệt vời. Chính trên một hòn đảo tên Zayachy (có nghĩa: con thỏ) nằm giữa dòng sông mà Pyotr quyết định xây một pháo đài lớn để bảo vệ vùng cửa sông vừa mới chiếm được.

Việc động thổ xảy ra ngày 16 tháng 5 năm 1703, là ngày khai sinh ra Thành phố Sankt-Peterburg. Tòa pháo đài – được đặt tên là “Petropavlovskaya Krepost” theo hai vị thánh Pyotr và Pavel – chiếm cả hòn đảo Zayachy. Vì mặt nền hòn đảo chỉ là đầm lầy trũng, cần phải chở đất đến để tôn nền lên khỏi mức nước. Công nhân Nga không có dụng cụ gì khác hơn là cuốc và xẻng. Không có xe cút kít, họ phải hốt đất vào vạt áo hoặc túi vải thô, mang đến đổ bằng tay để tạo nên thành lũy.

Hare Island with Peter and Paul Fortress today
Đảo Zayachy ngày nay với Pháo đài Petropavlovskaya

Tuy trải qua bao khó khăn, trong vòng 5 tháng, tòa pháo đài bắt đầu thành hình. Nó có hình lục giác dài với sáu công sự lớn. Công việc xây pháo đài được tiến hành khẩn trương vì trong những tháng năm này, Pyotr không bao giờ biết khi nào quân Thụy Điển sẽ trở lại. Đúng thế: mỗi mùa hè họ đều trở lại. Lần đầu tiên là vào năm 1703, trong vòng một tháng sau khi Pyotr chiếm được vùng châu thổ, một đội quân Thụy Điển gồm 4.000 người tiến đến từ hướng bắc và cắm trại trên bờ bắc của Sông Neva. Ngày 7 tháng 7, Pyotr đích thân dẫn đầu sáu trung đoàn – bốn kỵ binh và hai bộ binh, tất cả gồm 7.000 người – đánh lui quân Thụy Điển.

map_St Peterburg
Sankt Peterburg. Rìa phải: Pháo đài Nöteborg, rìa trái: căn cứ Hải quân Kronstatd.

Cũng trong mùa hè này, Đô đốc Thụy Điển Summers luôn giữ 9 tàu chiến thả neo ở cửa sông Neva, ngăn chặn lối ra vịnh và chờ cơ hội đi vào sông để đánh đuổi quân Nga. Trong lúc này, Pyotr đã trở lại xưởng đóng tàu trên Hồ Ladoga để đốc thúc. Cuối cùng, một số tàu – trong đó có tàu khu trục Shtandart (tên Nga: (Russian: Штандартъ) tàu chiến đầu tiên của Hạm đội Baltic và cũng là kỳ hạm đầu tiên của Hải quân Đế chế Nga), xuôi dòng sông xuống đậu bên ngoài pháo đài mới. Vì không muốn thách thức với hạm đội mạnh hơn của Summers, tàu Nga đậu một chỗ để chờ đến mùa đông khi tàu Thụy Điển phải rút về. Khi ấy, Pyotr đi trên chiếc Shtandart tiến ra Vịnh Phần Lan. Chiếc Shtandart là tàu chiến đầu tiên của Hạm đội Baltic và cũng là kỳ hạm đầu tiên của Hải quân Đế chế Nga.

ship_Shtandart
Bức họa tàu khu trục Shtandart nguyên thủy

Đây là một khoảnh khắc lịch sử: chuyến hải hành đầu tiên của một Sa hoàng nước Nga trên một tàu chiến của Nga trên Biển Baltic. Dù mặt nước đã bắt đầu đóng băng, Pyotr vẫn náo nức muốn khám phá. Khi tàu ra khỏi Sông Neva và đi về hướng tây, ngay trước mặt, chỉ cách cửa sông Neva 25 kilômét, ông thấy một hòn đảo sau này được Nga gọi là Kotlin, là nơi xây dựng pháo đài và căn cứ hải quân Kronstadt. Đi vòng quanh đảo và đo độ sâu của nước bằng một sợi dây buộc chì trong tay, ông thấy vùng nước phía bắc quá cạn, nhưng phía nam là một luồng chạy xuyên suốt đến cửa sông.

ship_Shtandart replicate 1999
Ảnh chụp bản tái tạo tàu khu trục Shtandart năm 1999

Để bảo vệ luồng nước này và để xây dựng công sự tiền đồn cho một công trình lớn hơn ông đang xây trên Đảo Kotlin, Pyotr ra lệnh xây một pháo đài giữa con sông, ở rìa luồng nước. Đây là một công tác khó khăn: phải cho đá vào rọ, rồi kéo rọ đá đi qua băng cứng và nhấn chìm dưới những đợt sóng. Nhưng vào mùa xuân, một công sự nhỏ được trang bị với 14 khẩu đại bác vươn lên từ mặt nước.

Ngay từ lúc đầu, Pyotr đã muốn chân đứng của Nga trên bờ Biển Baltic sẽ trở thành một cảng thương mại và đồng thời là căn cứ hải quân. Ông ra lệnh liên hệ với các nước để khuyến khích họ sử dụng cảng mới. Con tàu đầu tiên là một tàu hàng Hà Lan, cập cảng vào tháng 11 năm 1703, chỉ 6 tháng sau khi cảng mới nằm trong tay Nga. Nhận được tin con tàu đã đến cửa sông, Pyotr ra đón và đích thân lái con tàu đi lên thượng lưu. Sự ngạc nhiên thú vị của viên thuyền trưởng về thân thế của người lái tàu ngang bằng sự mừng vui của Pyotr khi được biết con tàu chở hàng của người bạn ông ở Zaandam. Viên thuyền trưởng được chiêu đãi và thưởng tiền, con tàu nhận vinh dự được đổi tên thành Sankt-Peterburg và vĩnh viễn được miễn trừ mọi loại thuế quan của Nga.

Chẳng bao lâu, một tàu Hà Lan và một tàu Anh nối gót, để được tưởng thưởng theo cách tương tự. Từ đó trở về sau, Sa hoàng làm mọi cách có thể để khuyến khích tàu nước ngoài sử dụng cảng Sankt-Peterburg. Ông giảm phí qua cảng xuống đến không bằng phân nửa so với phí ghé qua các cảng do Thụy Điển kiểm soát. Ông hứa sẽ đưa hàng hóa sang Anh với giá rất thấp, miễn là phía Anh đến nhận hàng ở Sankt-Peterburg thay vì Arkhangelsk. Sau này, ông sẽ dùng quyền uy Sa hoàng của mình để chuyển phần lớn lượng sản phẩm vốn xuất ra Bắc Băng Dương qua cảng mới trên Biển Baltic.

Để củng cố sự kiểm soát vùng đất mới, Pyotr cũng nỗ lực đóng thêm tàu trên Hồ Ladoga. Nhưng hồ này có sóng gió to; đã có nhiều tàu bị mắc cạn khi tiến gần đến pháo đài Schlüsselburg nơi Hồ Ladoga chảy vào Sông Neva. Pyotr giải quyết vấn đề bằng cách dời xưởng đóng tàu xuống Sankt-Peterburg để không phải di chuyển tàu mới đóng trên Sông Neva. Tháng 11 năm 1704, ông đặt móng cho xưởng đóng tàu mới trong Bộ Tư lệnh Hải quân trên bờ trái của Sông Neva, ngay phía hạ lưu của Pháo đài Petropavlovsk. Lúc đầu, Bộ Tư lệnh Hải quân chỉ là một lán trại nhỏ. Ở khu trung tâm, được dùng làm văn phòng và sau này là tổng hành dinh của hạm đội Nga, vươn lên một tòa tháp cao, trên cùng là một chong chóng gió hình chiếc thuyền. Đến đầu thế kỷ 19, Bộ Tư lệnh Hải quân được xây lại bằng gạch và đá, nhưng khuôn viên hình chữ nhật, tòa tháp và chong chóng gió được giữ lại. Hiện giờ, hai tòa tháp của Bộ Tư lệnh Hải quân và Thánh đường Pháo đài, đối diện nhau qua Sông Neva, là hai kiến trúc nổi lên trên nền trời ở đây.

Với thời gian trôi qua, tầm nhìn của Pyotr về Sankt-Peterburg trở nên rộng hơn. Ông thấy nó không chỉ là pháo đài kiểm soát cửa Sông Neva, cũng không chỉ là cảng hàng hải và căn cứ hải quân. Ông bắt đầu xem nó như là một thành phố. Những hoạt động xây dựng tiến hành không ngừng nghỉ. Để đóng cừ xuống vùng đầm lầy, đẵn và kéo gỗ, di chuyển đá, phá rừng, đào bạt đồi, xẻ đường, xây bến cảng và nhà kho, dựng lên lô cốt, xây nhà và cơ xưởng, đào kênh, tất cả đều phải huy động sức người. Để cung ứng nguồn nhân công này, Sa hoàng ra chỉ dụ từ năm này qua năm khác triệu thợ mộc, thợ cắt đá, thợ nề, và nhất là công nhân không tay nghề từ nông thôn đến làm việc ở Sankt-Peterburg.

Cùng với việc huy động sức người, còn cần phải mang vật liệu xây dựng đến. Vùng đầm lầy chung quanh châu thổ Sông Neva không thể cung cấp gỗ cỡ lớn, và không có mỏ đá. Những tảng đá đầu tiên của thành phố là từ việc phá hủy pháo đài và thị trấn Nyenskans của Thụy Điển lúc trước phía thượng lưu. Trong nhiều năm, mỗi xe đẩy, mỗi xe ngựa kéo, mỗi tàu hàng Nga đi đến thành phố được đòi hỏi phải chở một lượng đá theo quy định cùng với hàng hóa thông thường. Một văn phòng đặc biệt ở mỗi bến cảng và cổng vào có nhiệm vụ tiếp nhận số đá này, nếu không có đá thì không cho phép xe hoặc tàu đi vào. Đôi lúc, khi nhu cầu về đá tăng vọt, cần có nhân viên cấp cao để quyết định mỗi tảng đá sẽ được dùng ở nơi nào.

Pyotr đã quyết định đúng đắn khi tiến hành xây dựng Sankt-Peterburg. Trong những năm tiếp theo, Thụy Điển nhiều lần tấn công và quấy rối thành phố mới qua đường bộ lẫn đường biển, nhưng đều bị đẩy lui. Qua nhiều thế kỷ, có nhiều đoàn quân hùng mạnh – của Karl XII, Napoléon của Pháo, Hitler của Đức quốc xã – xâm lăng nước Nga, nhưng không ai có thể chiếm lấy thành phố cảng Baltic của Pyotr, tuy quân Đức Quốc xã bao vây thành phố suốt 900 ngày trong Thế chiến II.

Từ ngày Pyotr đặt chân lên cửa Sông Neva, vùng đất và thành phố vươn lên nơi đây lúc nào cũng nằm trong tay người Nga.

Có lúc tên của thành phố bị thay đổi: khi những người theo cách mạng tìm cách tôn vinh người tạo dựng nên chế độ mới, họ quyết định tặng cho Lenin “cái tốt nhất mà chúng tôi có”. Trong một thời gian, thành phố mang tên Leningrad. Nhưng nhiều người Nga cảm thấy cái tên này mắc nghẹn trong cổ họng của họ. Đối với họ, nó mãi mãi vẫn gắn liền với cái tên thân thương “Piter”.

Hiện nay thành phố Sankt Peterbourg đã được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.

Chiến tranh trên đất Nga

Vào 4 giờ sáng ngày 27 tháng 8 năm 1707, Vua Karl XII của Thụy Điển kéo quân tiến đánh Nga xuyên qua Ba Lan, bắt đầu một cuộc phiêu lưu lớn lao nhất trong đời ông. Tổng cộng lực lượng của Thụy Điển lên đến gần 62.000 quân, được huấn luyện và mài giũa thành một cỗ máy quân sự đáng sợ.

Nga có tổng cộng 110.000 quân. Sự khác biệt này không có ý nghĩa nhiều ngoại trừ yếu tố là trong cuộc chiến dằng dai, bên Nga có thể thay thế dễ dàng số thương vong còn Thụy Điển rất khó làm thế.

Pyotr dàn quân trấn giữ để ngăn quân Thụy Điển tiến đánh thủ đô Moskva. Trong khi đó quân Thụy Điển đang trông đợi tiếp viện hàng hậu cần và Karl XII thiếu kiên nhẫn nên dẫn quân tiến về hướng nam để tìm cỏ cho ngựa và thức ăn cho binh sĩ. Pyotr luôn dẫn quân theo che chắn ở mặt đông.

Dần dà các lực lượng hội tụ ở Pultowa, và một trận đánh quyết định diễn ra ở đây ngày 8 tháng 7 năm 1709 (theo lịch hiện nay), với sự hiện diện của Karl XII đang bị thương nằm trên cáng và Pyotr I đầy sinh lực cưỡi ngựa đốc thúc.

Kết quả chung cục là Thụy Điển đại bại.

Hòa bình xa vời

Đầu năm 1711, Pyotr có ý dàn hòa với Thụy Điển. Ông đã hoàn tất các mục tiêu trong cuộc chiến: Vyborg và Tỉnh Karelia làm “vùng đệm” phía bắc cho Sankt-Peterburg, Ingria và Livonia về phía nam giúp củng cố thêm, và các cảng biển Riga, Reval cùng Sankt-Peterburg giúp Nga thông ra Tây Âu. Pyotr không còn muốn gì thêm, và ông thành thật mong mỏi hòa bình.

Hội đồng Phụ chính và dân Thụy Điển cũng mong mỏi hòa bình. Thụy Điển đã bị chiến bại, cuộc chiến gây quá tốn kém và nếu tiếp tục sẽ càng bất lợi.

Nhưng hòa bình không đến chủ yếu là do Vua Thụy Điển Karl XII ngăn cấm. Ông muốn mọi thứ phải được giao trả cho Thụy Điển, kể cả Sankt-Peterburg. Vì Sa hoàng không muốn giao thành phố này, Thụy Điển sẽ phải đánh chiếm bằng lưỡi gươm. Và Sa hoàng cũng khăng khăng muốn giữ Sankt-Peterburg. Thế là tình trạng chiến tranh vẫn tiếp tục.

Trong giai đoạn 1711-1712, liên minh Nga-Đan Mạch chủ yếu hướng về những lãnh thổ Thụy Điển ở Bắc Đức, không có kết quả.

Mùa thu 1712, điều khó tin nhưng có thật là Karl XII đang chuẩn bị đợt tấn công trên lục địa Châu Âu, trong khi quân đội Nga đang bị sa lầy. Nhưng liên minh Nga–Đan Mạch–Saxony đánh bại Thụy Điển. Nga đánh chiếm Stettin rồi giao cho Phổ, một thành phần trong liên minh chống Thụy Điển. Bây giờ, lãnh thổ của đế quốc Thụy Điển trên bờ nam Biển Baltic chỉ còn có hai cảng biển Stralsund và Wismar.

Bờ biển Phần Lan

Năm 1713, Pyotr tiến đánh Phần Lan, lúc đó là một tỉnh thuộc Thụy Điển. Ông không có ý định lấy hẳn tỉnh này, nhưng chỉ muốn chiếm một ít lãnh thổ để mang ra mặc cả trong cuộc đàm phán hòa bình về sau.

Có sự thay đổi sâu xa về thiết kế tàu chiến và chiến thuật hải quân dưới triều đại của Pyotr. Trong thập niên 1690s, cụm từ “tàu trong hàng” xuất hiện lần đầu tiên khi tình trạng hỗn chiến giữa những tàu được thay thế bằng chiến thuật “theo hàng” – hai hàng chiến hạm di chuyển song song với nhau và dùng đại pháo bắn vào nhau. Chiến thuật “theo hàng” đòi hỏi chiến hạm phải đủ mạnh để chiến đấu, không thể nhỏ như là loại tàu khu trục hoặc tàu tuần tra, phải có cấu trúc vững chắc, có từ 50 đại bác trở lên. Riêng thủy thủ đoàn phải được huấn luyện nhuần nhuyễn về hải hành và đạn đạo. Hải quân Anh vượt trội về mọi điểm này.

Chiến hạm “theo hàng” cỡ trung bình được trang bị từ 60 đến 80 đại bác đặt hai bên hông, trên hai hoặc ba boong tàu, chia ra hai cụm ở đầu tàu và đuôi tàu. Vài loại còn lớn hơn, cỡ khổng lồ có đến 90-100 đại bác, với thủy thủ đoàn lên đến 800 kể cả những tay súng thiện xạ có nhiệm vụ nhắm bắn sĩ quan và pháo thủ trên tàu địch.

Ngoài thiệt hại do đạn pháo bên địch gây ra, chiến hạm còn bị hạn chế do vật liệu bị lão hóa hoặc do thời tiết. Phải đưa chiến hạm về cảng khi cần đại tu, và việc trang bị cho cảng sửa chữa tàu là yếu tố quan trọng của hải quân.

Vào mùa đông – đặc biệt trên vùng Biển Baltic nơi tàu thuyền không thể hoạt động khi mặt nước đóng băng – các hạm đội vào trú đông. Mọi phụ tùng và đại pháo của tàu được tháo ra, xếp thành hàng hoặc chất đống trên bến cảng. Vào mùa xuân, vỏ tàu được cạo sạch, những vết nứt được bịt trét, rồi phụ tùng và đại pháo được gắn lên; vỏ tàu trở lại thành một chiến hạm.

So với Hải quân Hoàng gia Anh có 100 chiến hạm, các nước vùng Biển Baltic có hạm đội nhỏ hơn, chỉ dùng để chiến đấu với nhau trong vùng biển hạn hẹp này. Đan Mạch gần như là một đảo quốc, với thủ đô Copenhagen hướng ra mặt biển. Đế quốc Thụy Điển khi Karl XII lên ngôi cũng là quốc gia hàng hải, sống dựa trên mạng đường biển để vận chuyển quân đội và hàng hóa giữa Thụy Điển, Phần Lan, Estonia, Livonia và Bắc Đức. Từ căn cứ hải quân Karlskrona đặt ở vị trí chiến lược, Thụy Điển có thể kiểm soát phần lớn mặt biển Baltic. Ngay cả sau khi Trận Pultowa đã đánh bại lục quân Thụy Điển bách chiến bách thắng, Thụy Điển vẫn còn có lực lượng hải quân đáng nể. Năm 1710, một năm sau Trận Pultowa, Thụy Điển có 41 chiến hạm, Đan Mạch có 41 chiếc, nhưng Nga chưa có chiếc nào. Đô đốc Thụy Điển Wachtmeister lo tập trung vào việc đối phó với Đan Mạch, nhưng các phân đội của Thụy Điển vẫn còn ngang dọc Vịnh Phần Lan và ngoài khơi bờ biển Livonia.

Hạm đội Thụy Điển không thể làm được gì nhiều để đối đầu với Nga. Họ có thể chuyên chở hàng hậu cần và quân tăng viện, nhưng một khi chiến trận xảy ra trên đất liền, chiến hạm không làm được gì. Trong khi quân Nga đang công hãm Riga, cả hạm đội Thụy Điển tập trung ngoài cửa Sông Dvina Tây nhưng không giúp gì được cho việc phòng thủ thị trấn; rốt cuộc Riga phải đầu hàng.

Tuy nhiên, trong giai đoạn cuối của Đại chiến Bắc Âu, hải quân chiếm vai trò ngày càng quan trọng. Pyotr nhận ra rằng cách duy nhất bắt buộc Thụy Điển chấp nhận hòa bình là vượt qua Biển Baltic để uy hiếp chính quốc Thụy Điển. Một hải trình như thế là dọc theo bờ biển Phần Lan, vượt qua Vịnh Bothnia để đổ bộ lên Đảo Åland, rồi từ đây tiến qua Stockholm. Pyotr đã chọn hải trình này trong hai mùa hè 1713 và 1714.

Pyotr đáng lẽ đã nghiêng về ý tưởng gây dựng một hạm đội viễn dương gồm 50 chiến hạm lớn để dẫn đầu chiến dịch. Nhưng việc đóng hạm đội này là công trình to tát. Dù đã tuyển mộ thợ đóng tàu, đô đốc, sĩ quan và thủy thủ đoàn từ nước ngoài, công việc vẫn tiến triển chậm chạp. Công tác to lớn ở Voronezh, Azov và Taganrog giờ đã trở thành công cốc; việc gây dựng hạm đội Baltic phải khởi lại từ đầu.

Dần dà trong những năm 1710-1711, một số tàu được hoàn tất nhưng không đủ để đối đầu với hạm đội Thụy Điển nhằm kiểm soát phần trên của Biển Baltic. Hơn nữa, khi Pyotr đã có trong tay một ít chiến hạm, ông muốn bảo toàn hạm đội. Theo đó, ông ra lệnh cho các đô đốc nhất quyết không giao chiến với hải quân Thụy Điển trừ khi chiếm vị thế áp đảo. Vì thế, trong phần lớn chiến dịch, chiến hạm Nga vẫn thả neo ở căn cứ.

Dù Pyotr tiếp tục cho đóng chiến hạm ở Nga và mua thêm từ Hà Lan và Anh, chiến công hiển hách của ông trong những trận hải chiến trong hai năm 1713 và 1714 trên Vịnh Phần Lan là do việc sử dụng loại thuyền trước giờ chưa từng xuất hiện trên Biển Baltic: thuyền galê. Loại thuyền này thường dài khoảng 25-30 mét, có một cột buồm và một cánh buồm, nhưng có nhiều người chèo bằng dầm. Vì thế, thuyền galê kết hợp sức gió và sức người chèo, có thể di chuyển ngược chiều gió hoặc khi gió lặng. Qua nhiều thế kỷ, thuyền galê được sử dụng ở những vùng nước kín của Biển Địa Trung Hải nơi gió hay thổi bất thường. Ngay cả trong thế kỷ 18, chiến thuật hải quân truyền thống sử dụng thuyền galê của những hoàng đế Ba Tư và La Mã vẫn tồn tại. Có thể thêm một vài khẩu pháo nhỏ, nhưng thuyền galê quá nhỏ và thiếu ổn định nên không thích hợp để mang đại bác lớn. Vì thế, chiến thuật của thuyền galê vẫn giống như thời cổ đại là chèo đến áp sát tàu của địch, cho bộ binh tràn qua đánh giáp lá cà trên những boong tàu chật chội và trơn trượt.

Vào thời của Pyotr, hải quân Ottoman sử dụng chủ yếu thuyền galê. Được sĩ quan Hy Lạp chỉ huy và sức nô lệ chèo bằng dầm, các thuyền này có kích thước khổng lồ, loại lớn nhất có thể chở 2.000 người chia ra làm hai boong chở người chèo và mười đại đội binh sĩ. Để chống lại Ottoman trên các vùng biển kín, Venice cũng dùng thuyền galê, và chính Pyotr đã gửi nhiều thanh niên Nga đi học cách đóng thuyền galê ở Venice. Pháp có 40 thuyền galê ở Địa Trung Hải, bắt tử tội làm nhiệm vụ chèo thuyền suốt đời thay vì chịu án tử hình. Riêng Anh quốc vốn chung quanh là biển thường dậy sóng to nên không sử dụng thuyền galê.

Pyotr luôn chú tâm đến thuyền galê. Loại thuyền này có thể được đóng nhanh chóng, sử dụng gỗ thông thay vì gỗ cứng, có thể bố trí người chèo ít kinh nghiệm, hoặc binh sĩ chèo thuyền có thể kiêm nhiệm chức năng chiến đấu. Thuyền galê cỡ lớn của Nga có thể chở 300 người và 5 khẩu pháo; cỡ nhỏ nhất chở 150 người và 3 khẩu pháo. Vì lý do bờ biển Phần Lan có nhiều đảo đá lởm chởm và vịnh hẹp, Pyotr có thể vô hiệu hóa hạm đội Thụy Điển bằng cách nhường hẳn vùng nước sâu cho họ trong khi đội thuyền galê của mình bám sát bờ biển. Chiến hạm Thụy Điển nào muốn đến giao chiến sẽ bị mắc cạn hoặc rò nước trên đá ngầm, hoặc bị bất động khi gió lặng mặc cho thuyền galê của Nga chèo đến tấn công.

Galley of Russia 1719
Thuyền galê cỡ lớn của Nga năm 1719

Việc xuất hiện của hạm đội galê Nga trên Biển Baltic gây nhức nhối cho đối thủ: vì đã kiệt quệ về tài chính, Thụy Điển không thể vừa duy trì chiến hạm để đối phó với Đan Mạch vừa đóng thêm thuyền galê để chống chọi với Nga. Vì thế, các đô đốc và hạm trưởng Thụy Điển đành bất lực nhìn đội thuyền của Pyotr di chuyển ven bờ mà đánh phá Phần Lan.

Tư lệnh chiến dịch là Đại tướng kiêm Đô đốc Fyodor Apraksin, cũng phụ trách chỉ huy các đội thuyền galê. Phó đô đốc Cornelius Cruys, tư lệnh đầu tiên của Hạm đội Baltic, thường đi trên một chiến hạm, trong khi Pyotr bắt mọi người gọi mình là “Chuẩn đô đốc Pyotr Alekseyevich,” thường qua lại giữa các đội tàu chiến và thuyền galê.

Apraksin gây ấn tượng tốt đối với sĩ quan nước ngoài qua kỹ năng và tài chỉ huy của ông. Trên mặt đất và mặt biển, Apraksin luôn giữ mối quan hệ với Pyotr dựa trên sự pha trộn giữa phẩm giá và cẩn trọng. Trong triều đình, một khi đã xác định điều gì là đúng, ông vẫn tiếp tục biện luận chống lại Sa hoàng cho đến khi quân vương cất tiếng đe dọa ông mới thôi. Nhưng trên mặt biển, Apraksin không muốn nhân nhượng Pyotr. Ông chưa từng đi ra nước ngoài và không được huấn luyện về hải hành và chiến thuật hải quân. Tuy nhiên ông không chịu nhượng bộ ngay cả khi Sa hoàng, trong tư cách sĩ quan hải quân ở cấp thấp hơn, vì có ý kiến khác biệt mà vạch ra rằng ông chưa từng trông thấy hải quân nước ngoài. Bá tước Apraksin sẽ lập tức phản bác đến mức trêu tức Sa hoàng, tuy sau cùng ông thưa bẩm với Pyotr:

“Trong khi với tư cách Đô đốc mà biện luận với Hoàng thượng về sự hiểu biết của một tư lệnh hạm đội thì tôi không bao giờ nhân nhượng; nhưng nếu Ngài lấy tư cách Sa hoàng để sai khiến thì tôi biết nhiệm vụ của mình.”

Mùa xuân 1713, đội thuyền galê đã sẵn sàng. Cuối tháng 4, Pyotr đi cùng 93 thuyền galê và 110 thuyền lớn khác, tất cả chở theo 16.000 quân. Apraksin chỉ huy toàn hạm đội; Pyotr chỉ huy đội tiên phong. Chiến dịch đạt thành công trọn vẹn. Với đội thuyền galê đổ bộ binh sĩ từ điểm này sang điểm khác, quân Nga tuần tự tiến công dọc bờ biển Phần Lan hướng về phía tây. Đó là ví dụ kinh điển cho chiến thuật thủy-bộ: Mỗi khi Tướng Thụy Điển Lybecker dàn lực lượng của ông ở một vị trí phòng thủ cẩn mật nào đó, thuyền galê Nga chỉ việc đi vòng qua ông, chèo vào một bến cảng ở nơi khác rồi đổ lên đội quân còn sung sức vì không phải đi bộ, cùng với pháo và hàng hậu cần. Lybecker không thể làm gì khác hơn là phải rút lui.

Đầu tháng 5, hàng chục tàu Nga chở đầy binh sĩ xuất hiện ngoài khơi Helsingfors (hiện nay là Helsinki, thủ đô của Phần Lan). Đối mặt với hàng nghìn quân Nga thình lình tiến vào từ ngoài biển, quân trú phòng chỉ có thể đốt rụi hàng hậu cần của họ mà rút lui. Pyotr lập tức dẫn quân đến đánh cảng Borga gần đó, và Lybecker cũng rút lui.

Chỉ trong một mùa hè, quân Nga chinh phục toàn miền nam Phần Lan mà không cần có đồng minh nào hỗ trợ.

Hải chiến Hangö (Gangut)

Trên mặt biển, Thụy Điển vẫn giữ ưu thế: chiến hạm của họ có thể trụ lại và sẵn sàng sử dụng đại pháo bắn tan tác thuyền galê của Nga. Thuyền galê chỉ có cơ hội nếu dụ chiến hạm Thụy Điển vào gần bờ rồi xông ra đánh khi lặng gió. Đây là trường hợp mà Pyotr lợi dụng trong trận hải chiến Hangö (tên Nga là Gangut) vào tháng 8 năm 1714.

Khi chuẩn bị cho chiến dịch hải quân năm 1714, Pyotr đã gia tăng gần gấp đôi hạm đội Baltic. Đến tháng 5, 20 tàu chiến và gần 200 thuyền galê đã sẵn sàng. Ngày 22 tháng 6 năm 1714, 100 thuyền galê dưới quyền chỉ huy của người Venice và Hy Lạp có kinh nghiệm ở Biển Địa Trung Hải chèo đi Phần Lan với Apraksin làm tư lệnh và Pyotr làm tư lệnh phó. Trong nhiều tuần, hạm đội Nga không dám tiến quá Mũi Hangö để tránh chạm trán với hạm đội Thụy Điển gồm 16 chiến hạm, 5 tàu khu trục và một số thuyền nhỏ hơn dưới quyền chỉ huy của Đô đốc Wattrang, lãnh nhiệm vụ ngăn chặn sự xâm nhập đến Đảo Åland và bờ biển Thụy Điển.

Trong nhiều tuần, hai bên đều ở vào thế bế tắc. Wattrang không muốn giao chiến gần bờ, còn thuyền galê của Nga không muốn hứng chịu đạn pháo của Wattrang ngoài khơi, thế nên neo lại cách Hangö 10 kilômét về hướng đông. Cuối cùng, ngày 4 tháng 8, chiến hạm của Wattrang tiến đến, và khi thấy đông đảo thuyền Nga, trở ra biển khơi. Thuyền galê của Nga vội đuổi theo, hy vọng bắt kịp vài chiến hạm địch khi gió ngưng thổi. Nhưng phần lớn chiến hạm Thụy Điển chạy thoát được.

Sáng hôm sau, điều mà Pyotr chờ đợi cuối cùng đã đến: gió ngừng thổi, biển lặng, và trên mặt nước phẳng lì như gương là một phân đội chiến hạm Thụy Điển dưới quyền của Chuẩn đô đốc Nils Ehrenskiöld. Lúc bình minh, 20 thuyền galê Nga vội rời vùng biển cạn dọc bờ, tiến đến đội chiến hạm Thụy Điển đang bất động. Tối hôm ấy, lực lượng của Apraksin gồm trên 60 thuyền galê luồn vào giữa hạm đội Thụy Điển và bờ biển rồi tiến ra khơi giữa hai phân đội của Wattrang và Ehrenskiöld. Để ẩn náu, Ehrenskiöld rút phân đội của mình vào một vịnh hẹp, các chiến hạm nối đuôi nhau dàn thành hàng ngang từ bờ này sang bờ kia. Ngày hôm sau, với chiến hạm Thụy Điển bị cô lập, Apraksin sẵn sàng tấn công. Đầu tiên, ông phái người lên soái hạm của Thụy Điển để ra điều kiện cho Ehrenskiöld đầu hàng trong danh dự. Ehrenskiöld từ chối, và cuộc chiến bắt đầu.

Đó là cuộc chiến kỳ lạ giữa loại tàu chiến cổ xưa và loại hiện đại. Thụy Điển vượt trội về hỏa lực đại pháo và kinh nghiệm chiến trường của thủy thủ đoàn, nhưng Nga chiếm ưu thế về số lượng tàu và quân số. Thuyền galê có tính cơ động hơn, trên boong đầy lính bộ binh, đổ xô đến, lúc đầu hứng chịu tổn thất vì đạn pháo, áp sát rồi đổ quân qua chiến hạm Thụy Điển.

Thật ra, Apraksin chỉ huy giống như tướng lục quân hơn là đô đốc hải quân. Hai giờ chiều 6 tháng 8 năm 1714, ông phát động đợt đầu tiên gồm 35 thuyền galê. Bên Thụy Điển chờ cho họ đến gần rồi khai hỏa đạn pháo khiến cho thuyền Nga phải lui về. Đợt tấn công thứ hai gồm 85 thuyền galê cũng bị đẩy lui. Rồi Apraksin ra lệnh toàn hạm đội 95 thuyền Nga đánh tổng lực vào bên trái của hàng các chiến hạm nối đuôi nhau của Thụy Điển; quân Nga tràn lên, một chiến hạm Thụy Điển bị lật vì lượng người quá lớn trên boong.

Battle of Gangut
Hải chiến Hangö (Gangut)

Khi hàng chiến hạm Thụy Điển đã bị một lỗ hổng, thuyền Nga chèo qua rồi rẽ qua tấn công hai bên, lần lượt đánh hạ từ chiến hạm này qua chiến hạm khác. Cuộc chiến kéo dài ba giờ đồng hồ với tổn thất nặng cho mỗi bên. Rốt cuộc, hạm đội Thụy Điển bị khuất phục, 361 người tử trận và trên 900 bị bắt làm tù binh. Ehrenskiöld cũng bị bắt, cùng với soái hạm của ông và 9 thuyền nhỏ khác.

Có tin tức khác nhau về vị trí của Pyotr trong trận đánh. Có người nói ông chỉ huy phân đội thuyền galê đầu; người khác nói ông đứng thị sát trên bờ. Hangö là trận thắng đầu tiên của hải quân Nga. Pyotr luôn xem đó là sự kiện đã biện minh cho những năm gian khổ gây dựng nên hạm đội, và là chiến thắng có tầm quan trọng ngang với Trận Pultowa.

Vui mừng tột độ, Pyotr muốn ăn mừng chiến thắng một cách long trọng. Ngày 20 tháng 9 năm 1714, ông dẫn chiếc soái hạm và sáu tàu khác của Thụy Điển ngược dòng Sông Neva trong khi đại bác bắn 150 phát chào mừng. Đoàn tàu thả neo gần Pháo đài Petropavlovsk, hai bên Nga và Thụy Điển cùng bước lên bờ để tham dự diễu hành. Chuẩn đô đốc Ehrenskiöld được mặc một bộ đồ mới do Sa hoàng ban tặng. Pyotr mặc quân phục Chuẩn đô đốc Hải quân Nga. Thượng viện Nga nhất trí tuyên bố rằng xét qua công trạng, thăng quân hàm cho Pyotr lên Phó đô đốc, và mọi người cất tiếng hô “Chúc sức khỏe Phó đô đốc.”

Trong diễn từ cảm ơn, Pyotr nhắc cho mọi người:

“Hỡi Bạn hữu và Chiến hữu: hai mươi năm trước, có ai trong số các người dám nghĩ đến việc chúng ta sẽ tràn ngập Biển Baltic với tàu do chúng ta đóng hoặc sống trên thành phố này xây trên đất chiếm lại từ kẻ địch của chúng ta?”

Khi nghi lễ kết thúc, Pyotr bước lên chiếc tàu của mình và tự tay kéo lên hiệu kỳ phó đô đốc. Trong yến tiệc tối hôm ấy khoản đãi cả hai bên Nga và Thụy Điển, Pyotr đứng dậy, quay nhìn về phía quần thần Nga và ca ngợi Chuẩn đô đốc Ehrenskiöld:

“Ở đây là một bầy tôi dũng cảm và trung thành với quân vương của ông, người xứng đáng nhận phần thưởng cao quý nhất từ chủ nhân của ông, người sẽ luôn được ta che chở khi nào còn ở bên ta, dù đã giết nhiều binh sĩ Nga anh dũng.”

Và ông quay qua nói trực tiếp với Ehrenskiöld:

“Ta ân xá cho ông, và ông có thể tin nơi lòng thành của ta.”

Ehrenskiöld cảm ơn Sa hoàng và đáp lại:

“Tôi cảm thấy an ủi nhiều khi làm tù binh của Ngài, được đối xử tử tế bởi một tướng lĩnh hải quân vĩ đại như thế và bây giờ xứng đáng là một phó đô đốc.”

Sau đó, khi tiếp chuyện các nhà ngoại giao nước ngoài hiện diện, Ehrenskiöld tuyên bố quân Nga thật sự đã chiến đấu với kỹ năng, và kinh nghiệm cá nhân của ông cho thấy Sa hoàng có khả năng biến thần dân của mình thành chiến binh và thủy thủ giỏi. Sau đó, Ehrenskiöld được trả tự do. Trước khi về nước, ông được diện kiến Pyotr, và được Pyotr trao tặng bức chân dung của Sa hoàng cẩn kim cương. Sa hoàng cũng nhờ ông trao một lá thư gửi Karl XII cho biết mình tôn trọng Ehrenskiöld như là một tướng lĩnh dũng cảm và có kỹ năng.

Chiến thắng Hangö đánh đuổi hạm đội Thụy Điển ra khỏi không những Vịnh Phần Lan mà còn bờ đông của Vịnh Bothnia. Đô đốc Wattrang bây giờ rút lui khỏi phần trên Biển Baltic, không dám mạo hiểm cho chiến hạm giao chiến với thuyền galê của Nga nữa. Vì thế, hải quân Nga rộng đường tiến về hướng tây.

Qua mọi thời kỳ, Hải quân Nga đều luôn xem trọng chiến thắng Hangö. Vì lẽ tên Nga của Hangö là Gangut, truyền thống của Hải quân Nga là thời nào cũng có một chiếc tàu mang tên Gangut.

Tháng 9 năm 1714, một hạm đội 60 thuyền galê đổ 16.000 quân lên đảo Åland, rồi tiến lên Vịnh Bothnia, đốt phá thị trấn Umean của Thụy Điển.

Sự thành công của chiến dịch Phần Lan thúc đẩy Pyotr gia tăng chương trình đóng tàu. Ông cũng quan tâm đến việc trồng rừng, với mục đích chính là tạo nguồn cung ứng gỗ đầy đủ cho chương trình đóng tàu dài hạn của Nga. Ông phái chuyên viên đi điều tra trữ lượng gỗ ở nhiều khu rừng, và cá nhân ông cũng dành nhiều thời giờ làm gương mà trồng cây gây rừng chung quanh Sankt-Peterburg.

Gần đến cuối triều đại của Pyotr, Hạm đội Baltic gồm có 34 chiến hạm (nhiều chiếc được trang bị 60 đến 80 đại pháo), 15 tàu khu trục, 800 thuyền galê và thuyền nhỏ hơn, với 28.000 thủy thủ. Đây là một thành tựu vĩ đại. Tuy hạm đội Nga vẫn còn nhỏ hơn hải quân Anh, Nga đã khởi đầu mà không có thợ đóng tàu, sĩ quan hải quân, nhân viên hải hành hoặc thủy thủ. Gần cuối cuộc đời của Pyotr, vài chiến hạm Nga có chất lượng tương đương với những chiến hạm tốt nhất của Anh.

Nhược điểm duy nhất mà Pyotr không thể khắc phục là dân Nga không thích đi biển. Sĩ quan hải quân nước ngoài – Hy Lạp, Venice, Đan Mạch và Hà Lan – tiếp tục chỉ huy các tàu của Nga. Giới quý tộc Nga vẫn có ác cảm với biển và bất mãn nặng nề nhất khi phải phục vụ quân chủng hải quân. Với lòng đam mê sóng biển xanh và không khí mặn vì muối biển, Pyotr vẫn là con người độc đáo trong số những người Nga đương thời.

Đánh phá Thụy Điển

Năm 1714, nước Anh có vua mới là George I. Vốn là vương công Hanover, ông này không nói được tiếng Anh, luôn có ý định lợi dụng thế lực của Anh quốc để phục vụ cho quyền lợi của Hanover. Khi thấy đế quốc Thụy Điển suy yếu, ông nhắm đến việc chia chiến lợi phẩm ở hai công quốc này bằng cách tham gia vào liên minh chống Thụy Điển, nhưng với tư cách Hanover, không phải trên danh nghĩa Anh quốc. Đại sứ Vasily Nga tại Đan Mạch đã giải thích tình trạng khó hiểu này với Sa hoàng:

“Dù Vua nước Anh tuyên chiến với Thụy Điển, ông ấy tuyên chiến chỉ với tư cách Tuyển hầu tước của Hanover, còn hạm đội Anh đi vào [Biển Baltic] là chỉ để bảo vệ doanh nhân Anh. Nếu hạm đội Thụy Điển tấn công hạm đội của Hoàng thượng, xin đừng nghĩ rằng Anh sẽ giao chiến với Thụy Điển.”

Pyotr lấy làm vui, và càng vui mừng thêm khi nghe Đô đốc Anh John Norris đã chỉ huy 18 chiến hạm hộ tống 106 thương thuyền đi vào Biển Baltic. Pyotr một hạm đội gồm 19 chiến hạm đi đến Reval.

Norris lưu lại Reval trong ba tuần, trong khi các đô đốc và sĩ quan hai bên thay phiên chiêu đãi nhau. Trong chuyến viếng thăm này, Pyotr xem xét những chi tiết của tàu Anh từ bánh lái lên đến cột buồm, còn Norris cũng được tự do xem qua tàu Nga. Ông thấy ba chiến hạm mới với 60 đại bác được đóng ở Sankt-Peterburg mà ông mô tả “theo mọi khía cạnh đều ngang bằng loại tàu cùng cỡ trong nước ta mà còn được trang bị đẹp hơn.”

Vào cuối chuyến viếng thăm, Sa hoàng phấn khích mời Norris lãnh chức vụ chỉ huy hạm đội Nga. Tuy vị Đô đốc từ chối, Sa hoàng vẫn tặng ông một bức họa của mình được cẩn với kim cương.

Từ đó về sau cho đến khi Karl XII tử trận, vào mỗi mùa hè 1715, 1716, 1717 và 1718, Norris đều quay lại Biển Baltic với một hạm đội Anh và với cùng chỉ thị: không được giao chiến với tàu Thụy Điển trừ khi tàu Anh bị tấn công. Riêng Norris tỏ ra hòa hoãn đặc biệt với Nga phần lớn là do tài ngoại giao khôn khéo và lòng ngưỡng mộ thật tình của Pyotr đối với Norris vào năm 1714 ấy.

Trong khi “Người em Karl” cứng đầu vẫn chưa tỏ dấu hiệu dàn hòa, vào năm 1716, Pyotr tiến hành kế hoạch tiến công Thụy Điển, trong liên minh với Đan Mạch, Anh quốc, Phổ. Vì lẽ Vì lẽ cả Đô đốc Norris của Anh và Đô đốc Gyldenløve của Đan Mạch không muốn ở dưới quyền của ai, Sa hoàng được chỉ định làm tổng tư lệnh hạm đội.

Ngày 16 tháng 8, Pyotr kéo hiệu kỳ của mình trên chiến hạm Ingria được dùng làm soái hạm và phát hiệu lệnh cho hạm đội nhổ neo. Các nước đồng minh tạo thành một hạm đội khổng lồ: 69 chiến hạm – gồm 19 của Anh, 6 của Hà Lan, 23 Đan Mạch và 21 Nga – và có thêm 400 tàu vận tải. Tất cả dưới quyền chỉ huy tối cao của Pyotr, con người tự mày mò học hỏi ngành hải quân của một quốc gia 20 năm trước không có một chiếc tàu đi biển nào.

Tuy vậy, hạm đội hùng mạnh này không đạt kết quả gì nhiều. Hạm đội Thụy Điển gồm 21 chiến hạm vẫn lưu lại Karlskrona. Đô đốc Norris của Anh muốn hạm đội phía liên minh lướt qua làn đạn đại bác từ những pháo đài để tiêu diệt các chiến hạm Thụy Điển đang thả neo, nhưng đô đốc của Đan Mạch từ chối, một phần do ganh tỵ, một phần do chính phủ ông bí mật ra lệnh không được đưa hạm đội mình vào chỗ bất trắc.

Pyotr cảm thấy bất mãn, thế nên ông dẫn 2 tàu khu trục và 2 thuyền galê đi thám thính. Ông thấy Karl đã không bỏ phí thời giờ để phòng bị khi liên minh chậm trễ trong việc tiến công: thuyền của ông và một chiếc khác bị đạn pháo Thụy Điển bắn trúng. Một đội quân Cossack từ thuyền galê đổ bộ lên và bắt sống vài tù binh Thụy Điển, qua đó họ được biết Vua Thụy Điển có đoàn quân gồm 20.000 người.

Karl đã tạo ra phép mầu: ông chia quân ra trấn giữ và củng cố những pháo đài dọc bờ biển Scania. Ở những thị trấn phía trong, bộ binh và kỵ binh trừ bị được tụ họp, sẵn sàng phản công lại đầu cầu của địch. Một lực lượng pháo binh dự phòng được đặt ở Karlskrona, sẵn sàng đợi lệnh của nhà Vua. Karl chỉ có 22.000 quân – 12.000 kỵ binh và 10.000 bộ binh – nhưng ông biết phía liên minh không thể tập trung tất cả vào một lúc, nên ông hy vọng có thể đánh tan quân tiền phong trước khi lực lượng chủ lực tiến đến. Nếu bị đánh lui, ông có thể áp dụng chiến thuật tiêu thổ kháng chiến của Nga mà chống cự.

Ở Zealand, việc chuẩn bị cho cuộc tiến công được tiến hành vào đầu tháng 9. Tất cả gồm có 51.000 quân: 29.000 quân Nga và 22.000 quân Đan Mạch. Ngày đổ bộ được định là 21 tháng 9. Nhưng ngày 17 tháng 9, thình lình Pyotr tuyên bố bãi bỏ cuộc tiến công. Ông cho rằng đã quá muộn, phải hoãn đến năm sau. Cả Vua George I của Anh và Vua Frederick IV của Đan Mạch cùng triều thần, đô đốc và tướng lĩnh của họ đều kinh ngạc. Frederick IV cho biết trì hoãn có nghĩa là bãi bỏ hẳn, vì Pyotr không thể chỉ huy đội thuyền vận tải của Đan Mạch trong hai năm liền.

Nhưng Pyotr vẫn kiên quyết. Ông biện luận rằng liên minh đã bỏ phí cả mùa hè vì chần chừ, và bây giờ khi mùa thu đã đến, chiến dịch sẽ bị nguy hiểm. Ông hiểu rằng Karl sẽ nghiền nát đội quân đổ bộ đầu tiên; nếu phải đối phó với đợt tấn công này và lập một đầu cầu để chiếm giữ suốt mùa đông sẽ phải cho đổ bộ một đoàn quân đông đảo và chiếm được ít nhất 2 thị trấn. Nếu thất bại, quân Nga sẽ trú đóng ở đâu trong suốt mùa đông? Bên Đan Mạch trả lời rằng quân Nga có thể đào công sự ngoài trời. Pyotr trả lời rằng việc này sẽ gây thương vong nặng hơn là chiến đấu. Và làm thế nào quân Nga có thể tìm được lương thực cho người và ngựa?

Bên Đan Mạch cho rằng có thể vận chuyển hàng hậu cần qua các đảo của Đan Mạch. Pyotr trả lời:

“Quân sĩ không thể được no bụng với những lời hứa hão huyền, họ cần có kho quân nhu đầy đủ.”

Hơn nữa, ông hỏi, làm thế nào quân liên minh có thể ngăn chặn Karl thực hiện tiêu thổ kháng chiến khi rút lên hướng bắc? Làm thế nào có thể bắt ông ta phải trụ lại mà đánh? Liệu quân liên minh có thể bị tiêu hao trên đất địch giữa mùa đông buốt giá, giống như quân Thụy Điển đã bị tiêu hao trên đất Nga? Thay vì đánh gục Thụy Điển, liệu quân liên minh sẽ bị gục ngã? Pyotr thấu hiểu và tôn trọng Karl.

“Tôi biết chiến thuật của ông ấy. Ông sẽ không cho chúng ta có thời giờ ngơi nghỉ, và quân đội của chúng ta sẽ suy yếu.”

Không, ông nhất quyết lặp lại, vì lý do thời tiết và sức mạnh của quân Thụy Điển, phải hoãn cuộc tiến công.

Mùa xuân 1717, Pyotr thăm viếng nước Pháp. Năm 1718, ông phải lo đối phó với Hoàng Thái tử Aleksei có âm mưu tạo phản và xử lý những người tham gia muốn đưa Aleksei lên làm Sa hoàng. Do hai sự kiện này, chiến sự giữa Nga và Thụy Điển lắng dịu trong hai năm 1717-1718.

Tháng 5 năm 1718 Nga và Thụy Điển gặp nhau trên bàn hội nghị hòa đàm. Hai bên trải qua nhiều vòng đàm phán nhưng không thể đạt thỏa thuận.

Rồi họ được thông báo rằng trong khi chỉ huy quân đội vây hãm một thị trấn ở Na Uy, tối ngày 30 tháng 11 năm 1718 vua Karl XII của Thụy Điển trúng đạn tử thương.

Khi nghe tin báo cái chết của kỳ phùng địch thủ, Pyotr đẫm nước mắt thốt lên: “Karl thân yêu, ta thương xót cho ông xiết bao!” Rồi ông ra lệnh cho triều đình Nga để tang trong một tuần.

Quân vương mới của Thụy Điển là Nữ hoàng Ulrika vẫn giữ thái độ nhùng nhằng về đàm phán hòa bình vì ỷ vào thế liên minh với Anh quốc.

Thấy không thể đàm phán với Thụy Điển, Pyotr xúc tiến việc đánh phá nước này trên chiến trường. Nỗ lực chính của chiến dịch năm 1719 là đổ bộ tấn công chính quốc Thụy Điển dọc Vịnh Bothnia.

Mùa hè năm ấy, hạm đội Nga đạt thắng lợi. Ngày 4 tháng 6 năm 1719, 7 tàu chiến của Nga chặn đánh 3 tàu nhỏ hơn của Thụy Điển giữa biển khơi và, sau cuộc hải chiến kéo dài 8 tiếng đồng hồ, bắt giữ cả 3 tàu này. Pyotr vô cùng hồ hởi với chiến lợi phẩm này, vì đây là chiến thắng trên vùng nước sâu, không phải như ở Trận Hangö.

Ngày 30 tháng 6 năm 1719, Pyotr cùng một phân đội tàu đi đến Reval gồm những chiến hạm Nga lớn nhất, kể cả một tàu 96 đại bác, ba tàu 70 đại bác và một chiếc 64 đại bác. Dù có sự hiện diện của hạm đội Anh dưới quyền Đô đốc Norris gồm 16 chiến hạm, Pyotr dẫn phân đội cùng 130 thuyền galê chở đầy binh sĩ tiến đến Thụy Điển. Sương mù và gió lặng khiến cho chiến hạm phải thả neo, nhưng thuyền galê chèo tới dưới quyền chỉ huy của Apraksin, ngày 22 tháng 6 đổ bộ lên hòn đảo đầu tiên của Thụy Điển.

Trong 5 tuần lễ kế tiếp, hạm đội và 30.000 quân dưới quyền Apraksin đánh phá vùng bờ biển phía đông của Thụy Điển. Apraksin phái Trung tướng Lacy dẫn một lực lượng tiến lên hướng bắc rồi đưa hạm đội chính tiến xuống phía nam. Ông phái một lực lượng Cossack tiến đánh Stockholm, nhưng họ bị chặn lại. Một lực lượng hải quân Thụy Điển gồm 4 chiến hạm và 9 tàu khu trục trú đóng trong cảng Stockholm khiến thuyền galê của Nga không dám tiến vào.

Apraksin chia lực lượng tàu Nga thành từng nhóm nhỏ đánh phá dọc bờ biển phía nam, đốt phá thị trấn, nhà máy và xưởng lọc sắt, và bắt giữ một số tàu của Thụy Điển chở quặng sắt rồi mang số tàu này về Nga. Trong một xưởng đúc đại bác, quân Nga tịch thu được 300 khẩu pháo chưa kịp gửi đi cho quân đội Thụy Điển.

Cùng lúc, lực lượng dưới quyền Trung tướng Lacy đánh phá và gây tổn thất tương tự cho vùng bờ biển phía bắc của Thụy Điển, phá hủy nhà máy, kho tàng, và đốt phá 3 thị trấn. Quân Nga tịch thu và mang về một lượng lớn quặng sắt và nông sản, và ném xuống biển hoặc đốt phần không thể mang theo. Ngày 31 tháng 8, toàn thể lực lượng Nga dưới quyền Lacy và Apraksin rút về nước.

Hải chiến Grengam

Tháng 3 năm 1720, chỉ sau 17 tháng trị vì, Nữ hoàng Ulrika thoái vị để nhường ngôi cho chồng lên làm Vua Friedrich I của Thụy Điển. Ông này chống Nga mạnh mẽ và nhất quyết theo đuổi chiến tranh.

Tháng 5 năm 1720, Đô đốc John Norris của Anh quốc tiến vào Biển Baltic với hạm đội hùng hậu hơn bao giờ, gồm 21 chiến hạm và 10 tàu khu trục. Chỉ thị cho ông trong năm này là rõ ràng ý đồ gây hấn: trong trường hợp Sa hoàng từ chối việc trung gian của Anh mà vẫn chống Thụy Điển, Norris phải đánh chìm hạm đội Nga để gây áp lực.

Norris cũng được Vua Friedrich I của Thụy Điển yêu cầu dẫn hạm đội tuần tiễu để ngăn thuyền galê của Nga xâm nhập đánh phá như năm trước. Nhưng cũng giống như các đô đốc Thụy Điển, vị tư lệnh hạm đội Anh không muốn chạm trán với thuyền Nga trong vùng biển nguy hiểm này. Có quá nhiều bãi đá ngầm, nhiều cơn gió bất ngờ, thiếu bản đồ hải hành, và không có tài công giỏi. Nếu hạm đội viễn dương nào đi vào đây thì phân nửa sẽ chạm đá ngầm, phân nửa còn lại sẽ làm mồi cho thuyền galê của Nga khi gặp gió lặng.

Thay vào đó, Norris cương quyết dẫn hạm đội gồm 20 chiến hạm Anh và 11 chiến hạm Thụy Điển tiến đến Reval, bây giờ là căn cứ của hạm đội Nga. Cùng lúc, ông gửi thư cho Sa hoàng, đề nghị cho Anh làm trung gian hòa giải. Lá thư được gửi trả lại mà không mở ra. Hiểu rằng bây giờ Anh đã rõ ràng về phe với Thụy Điển, Pyotr đã ra lệnh không nhận thư từ gì nữa từ Anh. Đô đốc Apraksin của Nga còn cảnh cáo vị Đô đốc Anh nên giữ hạm đội Anh khỏi tầm đại bác của những pháo đài Nga dọc duyên hải. Bị khước từ và nhận thấy sự bố phòng ở Neval quá mạnh, hạm đội của Norris biến mất khỏi chân trời.

Trong khi Norris đang biểu dương lực lượng ngoài khơi Reval, thuyền galê của Apraksin đã đi vòng quanh hạm đội Anh và một lần nữa tiến đánh bờ biển Thụy Điển. Một lực lượng gồm 8.000 quân – kể cả quân Cossack – đổ bộ và xâm nhập vào đất liền đến 45 kilômét mà không gặp sức kháng cự nào, thỏa sức đốt phá thị trấn và làng mạc Thụy Điển. Được vua Thụy Điển gọi cầu cứu, Norris dẫn hạm đội Anh về, nhưng thuyền galê của Nga đã đi mất, lẩn lút qua những vùng biển cạn mà chiến hạm Anh không dám truy kích. Ngoại trừ một điều và đó chính là điều Norris đã e sợ: Hải chiến Grengam.

Xét qua vụ việc, động thái của hạm đội Anh có vẻ kỳ lạ: dù ở trong tình trạng thù địch vũ trang, tàu Anh không hề bắn phát đạn nào qua tàu Nga. Nếu chiến hạm Anh chạm trán với thuyền galê của Nga, tàu Anh với tốc độ nhanh hơn và hỏa lực mạnh hơn chắc chắn sẽ bắn tan tác thuyền Nga. Nhưng dù Norris đã nhận lệnh rõ ràng từ cấp trên, ông vẫn hỗ trợ Thụy Điển chỉ qua sự hiện diện của hạm đội, kéo cờ Anh trong cảng Thụy Điển và tuần tiễu giữa Biển Baltic. Khó mà tin rằng một đô đốc thích tham chiến cầm đầu một hạm đội Anh hùng mạnh mà lại không gây tổn thất gì cho Nga, nếu họ thật sự muốn. Có nghi vấn là Norris không muốn tham chiến với hạm đội của Sa hoàng, người đã tỏ ra ngưỡng mộ ông khi hai bên gặp nhau 5 năm về trước trong liên minh chống Thụy Điển.

Battle of Grengam.jpg
Hải chiến Grengam

Sau hải chiến Grengam, cả Thụy Điển và Nga đều tuyên bố chiến thắng. Hai bên chỉ đồng ý với nhau ở một điểm: bốn tàu khu trục của Thụy Điển bị Nga bắt giữ.

Đây là trận hải chiến cuối cùng trong Đại chiến Bắc Âu.

Thắng lợi

Vua George I của Anh cảm thấy xấu hổ vì thất bại của Đô đốc Norris. Mặc cho bao tấn trò của ông nhằm cô lập Nga và tách rời các nước đồng minh của Nga, mặc cho việc điều động hạm đội Anh trên Biển Baltic, cả ngành ngoại giao lẫn hải quân của Anh đã không thể giúp đỡ Thụy Điển gì được và không làm hại Nga gì được. Trong khi chiến hạm của Anh tuần tiễu trên Biển Baltic hoặc trú đóng trong các cảng của Thụy Điển, các đoàn thuyền galê của Nga vẫn chèo lên xuống dọc bờ biển Thụy Điển, đổ quân lên đốt phá và cướp bóc tùy thích. Tại nước Anh, phe đối lập của nhà Vua chế nhạo hạm đội vốn được phái đến để bảo vệ Thụy Điển, nhưng bằng cách nào đó không hề hiện diện đúng nơi và đúng lúc.

Ít lâu sau, Pyotr bãi bỏ lệnh phong tỏa ở các cảng của Thụy Điển, cho phép tàu buôn của Anh và Hà Lan tự do thông thương. Bằng mọi cách, Sa hoàng muốn nhấn mạnh rằng ông không có tranh chấp gì với nước Anh, mà chỉ với chính sách của nhà Vua vốn muốn lợi dụng nước Anh để mưu đồ cho quyền lợi của Công quốc Hanover.

Cuối cùng, vì không còn được Anh quốc hậu thuẫn, Thụy Điển chấp nhận đàm phán với Nga nhưng vẫn nhùng nhằng.

Kỳ vọng của Anh cho nền hòa bình không có nghĩa là hoàn toàn bỏ rơi Thụy Điển. Vào tháng 4 năm 1721, vua Anh George I gửi thư cho vua Thụy Điển Friedrich I thông báo rằng, chiếu theo hiệp ước giữa hai nước, một hạm đội Anh sẽ tiến vào Biển Baltic mùa hè năm ấy. Nhưng George I cũng van nài Thụy Điển nên kết thúc chiến tranh với Nga, vì chi phí cho một hạm đội hoạt động mỗi mùa hè ở Baltic là quá cao. Vài tuần sau, 22 chiến hạm của Đô đốc Norris xuất hiện, nhưng suốt mùa hè hạm đội này thả neo trong cảng Stockholm, hoàn toàn bất động.

Trong khi ấy, với sự bế tắc trên bàn đàm phán qua vấn đề Livonia và không có hiệp định đình chiến nào, một lần nữa Sa hoàng ra lệnh tấn công dọc bờ biển Thụy Điển. Trung tướng Lacy dẫn 5.000 quân Nga đổ bộ cách Stockholm 160 kilômét về phía bắc và tấn công thị trấn pháo đài Gefle nhưng không chiếm được, bèn chuyển về phía nam, tàn phá dọc đường tiến quân. Lacy đánh hạ một lực lượng Thụy Điển chống cự ông, trong khi thuyền galê của ông đốt cháy 6 thuyền galê của Thụy Điển. Ngày 24 tháng 6, sau khi đã tàn phá nhiều thị trấn và hàng trăm làng mạc dọc bờ biển dài hơn 600 kilômét, Lacy được lệnh rút lui.

Dù cuộc tấn công của Lacy có mức độ nhỏ hơn năm trước, Thụy Điển không thể tiếp tục chịu đựng được nữa. Friedrich I rốt cuộc nhượng bộ.

Hòa ước Nystad giữa Nga và Thụy Điển được ký kết ngày 14 tháng 9 năm 1721. Hòa ước này nhượng cho Nga các lãnh thổ Pyotr đã ước muốn từ lâu. Livonia, Ingria và Estonia được nhượng vĩnh viễn cho Nga, cùng với Karelia kéo dài đến Vyborg. Phần còn lại của Phần Lan được trả lại cho Thụy Điển.

Trong phiên họp ngày 31 tháng 10 năm 1721, Thượng viện biểu quyết ban tặng cho Pyotr tước vị “Pyotr Đại đế”.

Pyotr Đại đế cất tiếng đáp từ:

“Qua những chiến công, từ trong bóng tối chúng ta đã bước ra vùng ánh sáng của thế giới, và những người trước đây chưa từng biết đến chúng ta thì bây giờ đã tôn trọng chúng ta. Ta muốn cả đất nước phải nhận ra bàn tay trực tiếp của Thượng đế đã phù hộ cho chúng ta trong cuộc chiến vừa qua và trong việc đi đến nền hòa bình này. Chúng ta phải có phép tắc tạ ơn Thượng đế với tất cả tấm lòng, nhưng trong khi hy vọng vui hưởng hòa bình, chúng ta không được trở nên yếu kém về mặt quân sự… Chúng ta phải nỗ lực cho sự phồn vinh mà Thượng đế có thể ban cho chúng ta cả trong và ngoài nước.”

Hà Lan và Phổ lập tức công nhận tước vị Hoàng đế của Pyotr. Tuy nhiên, Thụy Điển công nhận Pyotr là Hoàng đế năm 1723, và Đế quốc Ottoman công nhận Anna là Nữ Hoàng đế năm 1739. Mãi đến 1742, Anh mới công nhận tước vị này. Cùng năm này, Hoàng đế Habsburg cũng công nhận Hoàng đế Nga ngang hàng với mình, theo sau là Pháp và Tây Ban Nha năm 1745 và Ba Lan năm 1764.

Tước vị Hoàng đế của Nga được sử dụng bắt đầu từ tuyên cáo của Pyotr năm 1721 cho đến khi Hoàng đế Nikolai II thoái vị năm 1917.

Lúc nào cũng vui trên mặt nước

Lúc nào cũng thế, Pyotr cảm thấy vui thú nhất trên mặt nước. Ngay cả khi ông ở trên bờ, ông chỉ định quy trình theo đó khi có ba phát đại bác bắn từ Pháo đài Petropavlovsk, tất cả tàu thuyền đang hiện diện trên đoạn sông giữa Pháo đài và Cung điện Mùa Đông phải cho thủy thủ đoàn diễn tập bằng cách căng buồm lên, kéo neo lên rồi lái thuyền tiến lên xuống con sông. Pyotr đứng ở một cửa sổ của Cung điện Mùa Đông chăm chú quan sát mọi hoạt động với tất cả niềm vui.

Vào mùa xuân, ông dành nhiều thời giờ trên một con tàu. Khi tổ chức một cuộc diễn tập, ông cho treo những lá cờ đặc biệt ở mọi ngã tư khắp thành phố. Vào ngày này, tất cả chủ thuyền đưa thuyền tập trung trước Pháo đài Petropavlovsk. Theo lệnh của Pyotr, đoàn thuyền xuôi dòng với Sa hoàng dẫn đầu trên chiếc thuyền do ông cầm lái. Nhiều nhà quý tộc mang theo dàn nhạc trỗi vang lừng trên mặt sông. Gần cửa sông, đoàn thuyền thường rẽ vào một con kênh dẫn vào một cung điện đồng quê nhỏ của Ekaterina. Đoàn người đi lên bờ rồi ngồi vào những bàn tiệc đặt dưới bóng mát của những cây ăn trái rồi thưởng thức rượu vang.

Sở thích của Pyotr là lái thuyền trên Vịnh Phần Lan, giữa Sankt-Peterburg và Kronstadt. Khi thời tiết tốt, lênh đênh trên mặt biển dưới bầu trời xanh, ánh mặt trời chói chang, tiếng sóng vỗ rầm rì ở mạn thuyền và bàn tay đặt trên bánh lái, vị Sa hoàng cảm thấy niềm an bình.

Thuật dùng người

Suốt cuộc đời của Pyotr, năng lực, lòng trung thành và sự gắn bó với nghĩa vụ luôn là những tiêu chí để theo đó ông chọn lựa, đánh giá và cất nhắc. Dù là thuộc giới quý tộc hoặc người bán bánh rán, người Nga hoặc Thụy Sĩ, người Scotland hoặc Đức, người theo đạo Chính thống, Thiên chúa giáo, Tin Lành hoặc người Do Thái, Pyotr đều có thể ban tước vị hoặc tiền của một cách trọng hậu nếu họ sẵn sàng phục vụ và có năng lực. Sheremetyev, Dolgorukov, Golitsyn và Kurakin là những dòng họ danh giá lâu đời, nhưng dưới triều Pyotr Đại đế, người trong các họ này đi lên không phải vì huyết thống mà do công lao thật sự.

Trong khi đó, Alexander Menshikov (cận thần thân tín của Pyotr Đại đế, Đại Nguyên soái, Thống đốc Sankt-Peterburg) có cha làm thư ký, Pavel Yaguzhinsky (Tổng Kiểm sát) có cha đánh đàn oócgan trong nhà thờ, Peter Shafirov (Thứ trưởng Ngoại gia) nguyên là người Do Thái đổi qua Chính thống giáo, còn cha của Kurbatov là nông nô; riêng Anthony Devier Cảnh sát Trưởng đầu tiên của Sankt-Peterburg nguyên là người Bồ Đào Nha gốc Do Thái làm phục dịch trên tàu mà Pyotr gặp ở Hà Lan và dẫn về Nga. Nikita Demidov là một thợ kim khí mù chữ nhưng chăm chỉ, cho đến khi Pyotr – ngưỡng mộ ông vì tính nết và sự thành công – giao cho ông quyền sử dụng một vùng đất rộng ở rặng Urals để phát triển hầm mỏ.

Một ý tưởng của nước ngoài được gửi đến Pyotr qua một bức thư nặc danh được tìm thấy nằm trên sàn một văn phòng của triều đình. Thư nặc danh thường tố cáo triều thần, nhưng lá thư này đề xuất Nga sử dụng loại giấy có đóng dấu, để tất cả bản thỏa thuận, hợp đồng, đơn thỉnh nguyện và những loại giấy tờ khác phải được viết trên loại giấy đặc biệt có hình con ó in trên góc trái. Chỉ triều đình được quyền bán loại giấy này, tiền thu được cho vào Kho bạc. Vô cùng sung sướng, Pyotr ban hành chỉ dụ cho thi hành lập tức, và ra lệnh đi tìm người viết bức thư. Đó là Aleksei Kurbatov, chỉ là gia nhân của một tướng lĩnh, đã đi theo ông này đến Ý và thấy cách sử dụng loại giấy có đóng dấu của Ý. Pyotr trọng thưởng cho Kurbatov, cử anh vào một chức vụ mới trong triều đình và cử anh đứng đầu đội công khố có nhiệm vụ tìm thêm phương thức để tăng mức thu của triều đình.

Kurbatov và những đồng nghiệp tài năng quy định hàng loạt loại thuế và phí mới đánh lên nhiều hoạt động trong xã hội: từ khai sinh, kết hôn, khai tử, lập di chúc, cho đến cả ngựa, da ngựa và vòng cổ ngựa, mũ và giày da cao cổ, ngay cả thực phẩm và nước uống. Thuế cho phép người để râu được thi hành triệt để; còn có thêm khoản thuế cho phép mang bộ ria. Tiền đi xe ngựa bị tính thuế mười phần trăm. Có thuế đánh lên nhà cửa ở Moskva, và tổ ong nuôi khắp nước Nga. Có thuế đánh lên giường ngủ, bồn tắm, quán trọ, lò sưởi trong bếp ăn và củi đốt…

Ibrahim Hannibal là một hoàng thân gốc Abyssinia (Ethiopia hiện giờ), bị mua làm nô lệ ở Constantinople rồi được gửi đến cho Pyotr làm quà tặng. Pyotr trả tự do cho ông và còn nhận ông làm con nuôi, gửi ông đi du học ở Paris, và cuối cùng trao quân hàm Đại tướng Pháo binh cho ông. Sau khi qua đời, Hannibal trở nên bất tử vì ông là ông ngoại của Alesandr Puskin và cũng là nhân vật chính trong một tiểu thuyết của Pushkin: Người da đen của Pyotr Đại đế, tuy bản thảo còn dang dở.

Những người kể trên xuất thân không là gì cả, nhưng khi qua đời họ là hoàng thân, bá tước, nam tước…, và tên tuổi của họ gắn liền với sự nghiệp của Pyotr Đại đế trong lịch sử nước Nga.

Trường hợp của Ivan Neplyuev là ví dụ sống động nhất về sự thăng thưởng của Pyotr dựa trên năng lực. Neplyuev là con của một địa chủ nhỏ, được gọi đi nghĩa vụ năm 1715 lúc 22 tuổi và làm cha của 2 đứa con. Anh được cho theo học toán, rồi vào một trường hải hành và kế tiếp là Học viện Hải quân ở Sankt-Peterburg. Năm 1716, anh đi Venice để được huấn luyện trên thuyền galê. Sau hai năm chinh chiến chống Thổ và 6 tháng phục vụ hải quân Tây Ban Nha, anh trở về Sankt-Peterburg năm 1720, rồi được triệu đến Bộ Tư lệnh Hải quân để Pyotr đích thân sát hạch.

Khi đến phiên anh, Pyotr đưa bàn tay cho anh hôn rồi nói:

“Anh thấy đó, ta là Sa hoàng, nhưng hai bàn tay ta có nhiều vết chai vì ta muốn cho anh xem một ví dụ.”

Trong khi Neplyuev vẫn quỳ, Pyotr nói:

“Anh hãy đứng dậy và trả lời các câu hỏi. Đừng sợ hãi. Nếu biết thì nói biết. Nếu không biết thì nói không biết.”

Neplyuev vượt qua cuộc sát hạch và được trao quyền chỉ huy một thuyền galê.

Nhưng ngay sau đó, anh được chuyển đến xưởng đóng tàu ở Sankt-Peterburg. Khi anh nhận việc, anh được khuyên: “Luôn luôn nói sự thật và không bao giờ gian dối. Ngay cả khi sự việc trở nên xấu đi, Sa hoàng sẽ càng giận dữ hơn nếu anh nói dối.” Chẳng bao lâu sau, người trai trẻ có cơ hội để thử nghiệm lời khuyên này. Một buổi sáng đến làm việc muộn, anh thấy Pyotr đã có mặt. Anh định chạy về nhà và gửi tin nhắn rằng anh đang bệnh, nhưng rồi anh nhớ đến lời khuyên kia và bước đến trước mặt Pyotr. Pyotr nhìn lên, nói: “Anh bạn trẻ, anh thấy đó, ta đến đây trước anh.” Neplyuev trả lời: “Thưa Ngài, tôi có lỗi. Tối qua, tôi vui chơi với bạn bè rồi thức khuya và sáng nay thức dậy muộn.” Pyotr nắm lấy vai anh và bóp mạnh. Neplyuev tin rằng số phận mình đã hết. Nhưng Pyotr nói:

“Cám ơn, anh trai trẻ, vì anh đã nói ra sự thật. Thượng đế sẽ tha thứ cho anh. Tất cả chúng ta chỉ là con người.”

Nhưng Neplyuev không ở lâu trong công tác này. Nhờ trình độ ngoại ngữ, anh thường nhận công việc thông dịch, và đến tháng 1 năm 1721, khi chỉ mới 28 tuổi anh được cử làm đại sứ ở Đế quốc Ottoman, rồi năm 1734 trở về để vui hưởng trên mảnh đất mà Pyotr đã cấp cho anh khi anh đi vắng. Cuối cùng, anh trở thành thượng nghị sĩ. Năm 1774, dưới triều đại của Ekaterina Nữ Đại đế, Neplyuev qua đời ở tuổi 80.

Pyotr cũng trọng dụng người nước ngoài có kiến thức và kỹ năng để giúp ông nhanh chóng hiện đại hóa đất nước nói chung và tạo dựng hải quân Nga nói riêng. Có hai người tương phản về xuất xứ và cung cách, sau này trở nên quan trọng trong cuộc đời của Pyotr Đại đế. Họ là Patrick Gordon, người Scotland chuyên đi đánh thuê; và Francis Lefort, người Thụy Sĩ thích phiêu lưu.

Patrick Gordon
Patrick Gordon

Patrick Gordon sinh năm 1635, đi ra nước ngoài để lập nghiệp ở tuổi 16. Vào năm 1660, một nhà ngoại giao Nga gặp ông ở Thụy Điển và mời ông phục vụ quân đội Nga trong thời gian 3 năm, khởi đầu với quân hàm thiếu tá. Gordon chấp nhận và rồi, khi đến Moskva, mới biết thời gian quy định trong hợp đồng không có nghĩa lý gì cả: vì là sĩ quan đắc lực, ông không được phép ra đi. Khi ông xin đi, bên Nga dọa sẽ kết án ông làm gián điệp cho Ba Lan và có thể đày ông đi Siberia. Sau thời gian tạm thời chấp nhận số phận của mình, ông hòa nhập vào cuộc sống Moskva. Nhanh chóng hiểu ra rằng cơ hội tốt nhất để thăng tiến là cưới một phụ nữ Nga, ông tìm được một người, rồi tạo dựng một gia đình.

Nhiều năm trôi qua, ông đã phục vụ nước Nga từ thời Sa hoàng Aleksei (cha của Pyotr), tham gia vào các trận chiến chống Ba Lan, các sắc tộc Thổ, Tatar và Bashkir. Ông được thăng lên cấp tướng và đã về thăm Anh và Scotland hai lần, sau khi người Nga đảm bảo nhân vật sáng giá này sẽ trở lại bằng cách giữ vợ con ông ở lại Moskva. Năm 1686, Vua James II đích thân yêu cầu Sofia chấm dứt nhiệm vụ của ông ở Nga để ông có thể về nước; Phụ chính Sofia (chị cùng cha khác mẹ của Pyotr) từ chối, và trong một thời gian có thêm lời nói bóng gió về việc tiêu tan sự nghiệp và Siberia. Rồi Vua James II gửi công hàm thông báo muốn bổ nhiệm Gordon làm đại sứ ở Moskva; việc đề cử lại bị từ chối vì ông vẫn còn ở trong quân ngũ và sắp lên đường đi chinh chiến chống Tatar. Thế là, vào năm 1689, ở tuổi 54, được mọi người kính trọng, Gordon trở nên cực kỳ giàu có (lương 1.000 rúp mỗi năm, trong khi lương của giáo sĩ Lutheran chỉ có 60) và là một nhân vật nổi danh.

Lẽ tự nhiên là Gordon – con người dũng cảm, đã đi qua nhiều nước, dày dạn kinh nghiệm chiến trường, trung thành và thận trọng – có thể thu hút Pyotr. Điều đáng ngạc nhiên là chàng thanh niên Pyotr ở tuổi 18 lại thu hút Gordon. Pyotr là sa hoàng, chắc chắn rồi, nhưng Gordon đã phục vụ những sa hoàng khác chỉ theo quan hệ bằng hữu. Tuy nhiên, trong con người của Pyotr, vị tướng già tìm thấy một anh học trò tinh thông và ngưỡng mộ ông. Với tư cách huấn luyện viên quân sự bán chính thức, ông dạy cho Pyotr mọi khía cạnh của chiến tranh. Gordon trở thành không chỉ là một tướng lĩnh đánh thuê, mà còn là một người bạn của Pyotr.  Khi Pyotr còn là thiếu niên, Gordon thường giúp đỡ trong trò chơi với đại bác, chỉ dẫn cách thức dàn quân và đánh trận. Những bữa ăn tối của Sa hoàng cùng với Tướng Gordon luôn được lấp đầy với những cuộc thảo luận về kỹ năng và chiến thuật mới của Tây Âu để mang ra huấn luyện cho binh sĩ.

Qua sự chỉ bảo của Gordon, sau này Pyotr có thể chỉ huy hiệu quả quân Nga trên chiến trận.

Không ai có thể xen vào tình thân thương và lòng cảm mến mà Pyotr dành cho Gordon. Ngày 10 tháng 3 năm 1690, Pyotr mời Tướng Gordon đến hoàng cung để dự sinh nhật con trai mình, Hoàng Thái tử Aleksei. Gordon nhận lời mời, nhưng Giáo chủ phản đối kịch liệt sự có mặt của người nước ngoài trong tiệc mừng người kế vị ngai vàng nước Nga. Pyotr giận dữ nhưng rút lời mời. Ngày hôm sau, Pyotr mời Gordon đến dùng bữa tối tại nhà riêng của mình ngoài ngoại ô, rồi cùng Gordon phi ngựa về Moskva, cùng nhau chuyện trò một cách công khai suốt cuộc hành trình.

Vấn đề tự nó giải quyết một tuần sau, khi Joachim đột ngột qua đời. Ông để lại di chúc khuyên Sa hoàng nên tránh tiếp xúc với người theo Tin Lành hoặc Thiên chúa giáo, trục xuất họ khỏi Nga; bản thân nên tránh ăn mặc và sống theo cung cách người nước ngoài. Ông còn đòi hỏi Pyotr không được cử người nước ngoài vào chức vụ có thể ra lệnh cho tín đồ Chính thống giáo. Khi tang lễ cho Joachim đã xong xuôi, Pyotr đáp lại bằng cách đặt may một bộ trang phục kiểu Đức và, một tuần sau, đến dùng bữa tối với Gordon lần đầu tiên.

Đối với Gordon, tình bạn với Pyotr là yếu tố quyết định. Bây giờ, vừa là bạn thân vừa là cố vấn cho vị quân vương trẻ, ông từ bỏ giấc mơ trở về quê nhà. Thay vào đó, ông chấp nhận sống những năm cuối đời trên đất Nga. Đúng thế: năm 1699 khi vị tướng già từ trần, Pyotr đứng bên cạnh giường và vuốt mắt cho ông.

Sau khi quen biết Gordon, Pyotr trở nên thân thiết với Francis Lefort. Trong nhiều năm sau, ông này trở thành người đồng hành đắc lực và bạn thân thiết của Pyotr.

Frank Lefort 2
Francis Lefort

Francis Lefort sinh năm 1656, con của một thương nhân giàu có. Tính thích hưởng thụ cuộc đời vui tươi đã nhanh chóng dập tắt mọi ý tưởng về buôn bán như người cha, nên ông gia nhập quân đội Hà Lan để chống Pháp, rồi năm lên 19 đi đến Nga. Năm 34 tuổi Lefort được thăng trung tướng.

Pyotr cảm thấy mê mẩn với con người của thế giới có sức quyến rũ mạnh mẽ. Lefort không được sâu sắc, nhưng đầu óc của ông làm việc nhạy bén và ông thích chuyện trò, hay nói về phương Tây: đời sống, phong cách và công nghệ. Bắt đầu từ 1690, Lefort luôn bên cạnh Pyotr; họ ăn tối với nhau hai hoặc ba lần mỗi tuần và gặp nhau hằng ngày. Càng ngày Lefort càng được yêu mến nhờ tính thẳng thắn, cởi mở và hào phóng. Trong khi Gordon đem đến sự cố vấn chín chắn và tham mưu nhạy cảm, thì Lefort mang lại không khí vui nhộn, tình bằng hữu, sự cảm thông và thấu hiểu. Pyotr được thư giãn với Lefort, và khi Sa hoàng thình lình giận dữ với người nào hoặc việc nào, la mắng tất cả mọi người chung quanh, chỉ một mình Lefort có thể đi đến, nắm chặt hai tay của Pyotr cho đến khi nhà vua bình tĩnh trở lại.

Lefort được thành công phần lớn là do tính hào phóng. Mặc dù thích xa hoa, ông không bao giờ màng đến chắt móp cho tương lai – tính chất mà Pyotr yêu thích, nên vị quân vương luôn cung ứng mọi thứ mà Lefort cần đến: trả nợ cho Lefort, cấp cho ông một biệt thự và ngân khoản để sống. Ông được nhanh chóng phong làm đại tướng, đô đốc và đại sứ. Điều quan trọng nhất đối với Pyotr là Lefort thật sự yêu thích cuộc sống ở Nga. Không giống như Gordon, ông không bao giờ mơ đến việc trở về sống luôn ở quê nhà.

Lefort có công với Pyotr trong nhiều việc lớn hoặc nhỏ. Việc đầu tiên là Lefort nhận xét Cấm vệ mặc quân phục quá bất tiện, nên ông nhờ thợ may của Đại sứ Đan Mạch may hai bộ quân phục của sĩ quan và binh sĩ, rồi ông mặc vào từng bộ cho Pyotr xem. Lúc đầu Pyotr không nhận ra Lefort, sau đó tỏ ra thích thú và xem xét cặn kẽ các chi tiết của hai bộ quân phục. Rồi Pyotr tỏ ý muốn xem một đại đội mặc quân phục như thế biểu diễn các thao tác quân sự. Lefort tuyển lựa trong số những người nước ngoài có hiểu biết về quân sự của Tây Âu, lập thành một đại đội, cho mặc quân phục kiểu Tây Âu rồi trình diễn các thao tác quân sự cho Pyotr xem. Pyotr có ấn tượng mạnh đến nỗi ông gia nhập đại đội như là lính thường, mặc quân phục như họ và tham dự các thao tác quân sự như họ. Từ bước khởi đầu này, quân đội Nga bắt đầu thay đổi quân phục và được huấn luyện theo kiểu Tây Âu.

Kế tiếp, nhận thấy Pyotr quan tâm đặc biệt đến tàu thuyền, Lefort tập họp một số thợ đóng thuyền người Hà Lan ở Nga rồi chỉ đạo đóng một số thuyền buồm và tàu khu trục, với đủ trang bị và khí tài, trên một hồ nước không cách xa Moskva bao nhiêu. Rồi Pyotr tập lái và làm hạm trưởng một trong số tàu này. Tất cả việc này xảy ra khi Pyotr 22 tuổi, năm 1694.

Sau đó, Lefort được trọng dụng. Như ta đã thấy ở trên, trong chiến dịch thứ hai của Pyotr đánh Azov, Lefort là Đô đốc Tư lệnh Hạm đội. Và khi Pyotr vi hành cùng Đại Phái bộ Sứ thần qua các nước Tây Âu, Đại tướng–Đô đốc Francis Lefort  – lúc đó đang làm Tổng trấn Novgorod  – được cử làm Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền cầm đầu, và cũng làm thông dịch khi Pyotr hội kiến với quân vương nước chủ nhà. Chính Lefort đã luôn thúc giục Pyotr nên đi để quan sát và học hỏi.

Trong chuyến đi thứ hai đến Voronezh vào tháng 3 năm 1699, Sa hoàng nhận một tin gây đau đớn cho cá nhân ông: Francis Lefort qua đời. Cả hai lần khi Pyotr làm việc ở Voronezh, Lefort đều ở lại Moskva. Vào tuổi 43, xem ra ông vẫn còn sức khỏe và tinh thần nồng nhiệt. Với tư cách Đại sứ thứ Nhất của Đại Phái bộ Sứ thần, ông đã trải qua 18 tám tháng liên tục những yến tiệc ở Tây Âu, và vẫn còn khả năng uống rượu trong những lễ hội và giải trí ồn ào suốt mùa thu và đông ở Moskva. Ông vẫn lộ vẻ vui tươi và phấn khởi khi tiễn Pyotr đi Voronezh.

Khi Pyotr nhận được hung tin, ông buông rơi chiếc búa khỏi tay, ngồi trên một súc gỗ và, giấu mặt trong hai bàn tay, ông khóc. Trong giọng khàn khàn pha lẫn tiếng nấc, ông nói:

“Bây giờ tôi cô đơn một mình, không có người đáng tin cậy. Chỉ có ông ấy là trung thực với tôi. Bây giờ, tôi biết tâm sự cùng ai?”

Pyotr đích thân lo sắp xếp tang lễ cấp nhà nước của vị đại tướng và đô đốc người Thụy Sĩ, trang trọng hơn bất cứ tang lễ nào ở Nga trừ nghi thức dành cho Sa hoàng và Hoàng hậu.

Cái chết của người bạn phương Tây để lại một khoảng trống lớn trong đời sống cá nhân của Pyotr. Con người vui tươi gốc Thụy Sĩ đã lèo lái người bạn trẻ và chủ nhân của mình qua những năm đầu tiên, tập cho chàng thanh niên uống rượu, khiêu vũ, bắn cung; tìm cho anh một người tình và tạo ra mọi trò đùa nghịch cho anh vui thú. Ông đã đi theo Sa hoàng trong những cuộc chinh chiến đầu tiên ở Azov. Ông đã thuyết phục Pyotr đi Tây Âu rồi đứng ra dẫn đầu Đại Phái bộ Sứ thần, và chuyến đi dài ngày đã thúc đẩy những nỗ lực của Sa hoàng trong việc mang về cho nước Nga công nghệ và cung cách của Tây Âu. Và rồi, hầu như ngay trước ngày Pyotr đối diện với một thách thức lớn nhất – cuộc chiến 20 năm với Thụy Điển – Lefort qua đời.

Pyotr thấm thía sự mất mát lớn lao như thế nào. Cả đời ông, chung quanh ông toàn là người lợi dụng chức vụ và quyền hạn để trục lợi cho riêng mình. Lefort thì khác. Dù cho việc kề cận với Sa hoàng đã tạo cơ hội cho ông làm giàu bằng cách nhũng lạm nếu muốn, Lefort chết trong nghèo túng. Đúng thế: trước khi Pyotr từ Voronezh quay về, gia đình Lefort đã phải cầu xin Hoàng thân Boris Golitsyn cho tiền mua một bộ trang phục để mặc cho Lefort nằm trong quan tài.

Pyotr giữ cháu trai của Lefort, Peter Lefort, phục vụ cho mình. Ông gửi thư yêu cầu con trai duy nhất của Lefort là Henry đến Nga, nói rằng ông mong muốn có một thân nhân gần gũi của người bạn kề bên mình. Trong những năm kết tiếp, có những người khác thế vào vai trò của Lefort. Pyotr lúc nào cũng muốn quanh mình có những người thân cận với quyền lực lớn lao, tận tâm với Sa hoàng theo cung cách cá nhân, và quyền lực chỉ do sự thân thiết với ông. Nhưng Pyotr không bao giờ quên được Lefort.

Và rồi, sáu tháng sau, như thể để đánh dấu năm cuối cùng của thế kỷ cũ làm cột mốc quan trọng trong đời của Pyotr, ông mất người cố vấn và người bạn phương Tây thứ hai: Patrick Gordon. Người lính già đã đau yếu một thời gian. Lần cuối ông xuất hiện ở nơi công cộng là khi ông có mặt cùng với binh sĩ của ông vào tháng 9 năm 1699, và đến tháng 10 ông về hưu hẳn trên giường bệnh. Gần cuối tháng 11, khi sức khỏe của Gordon tàn tạ, Pyotr thường xuyên đến thăm. Ông đến thăm hai lần vào ngày 29 tháng 11 khi Gordon đang hấp hối. Lần thứ hai, một tu sĩ dòng Tên đã làm xong Phép thánh Cuối cùng, định quay trở ra thì Sa hoàng bước vào. Pyotr nói: “Xin Cha cứ ở lại mà làm việc phải làm. Tôi không muốn gây trở ngại.” Pyotr hỏi chuyện Gordon, nhưng vị tướng không trả lời. Rồi Pyotr cầm lấy một chiếc gương nhỏ kề sát mũi người bệnh, hy vọng tìm thấy dấu hiệu của hơi thở, nhưng không thấy gì. Sa hoàng nói với vị tu sĩ: “Thưa Cha, tôi nghĩ ông ấy đã chết.” Chính tay Pyotr vuốt mắt người chết; đôi mắt ông đẫm lệ khi bước ra.

Tang lễ của Gordon cũng được tổ chức theo nghi thức cấp nhà nước và được tất cả nhân vật quan trọng ở Moskva tham dự. Người Nga tự nguyện đến dự, vì sự tận tâm và công trạng của người lính già đối với ba Sa hoàng đều được mọi người đánh giá cao.

Chẳng bao lâu, Pyotr nhận ra sự mất mát cả về mặt chuyên nghiệp lẫn cá nhân sau cái chết của vị tướng già. Gordon là vị tướng tài ba nhất ở Nga, với kinh nghiệm dày dạn qua nhiều chiến dịch. Trong cuộc chiến sắp đến với Thụy Điển, ông đáng lẽ là tư lệnh và cố vấn đắc lực. Nếu ông còn sống, trận đại bại ở Narva – chỉ 12 tháng sau khi ông qua đời – hẳn sẽ không bao giờ xảy ra. Pyotr cũng cảm thấy mất mát bạn nhậu người Scotland nơi bàn tiệc, nơi mà người lính già trung thành cố làm vui lòng chủ nhân bằng cách nâng cốc này đến cốc khác với người chỉ bằng nửa tuổi mình. Vì cả hai lý do này, con người Pyotr đau khổ nói về cái chết của Gordon:

“Đất nước đã mất đi nơi ông một thuộc hạ hăng hái và dũng cảm, người đã dẫn dắt chúng ta vượt qua nhiều tai họa.”

Cornelius Cruys
Cornelis Cruys

Người nước ngoài thứ ba cũng có tầm quan trọng đối với sự nghiệp của Pyotr là Cornelis Cruys, có hai dòng máu Na Uy và Hà Lan. Ông được Pyotr tuyển mộ trong chuyến đi của Đại Phái bộ Sứ thần, và còn thuyết phục được 200 sĩ quan hải quân đi theo mình. Nhóm người này là nòng cốt quý báu cho công cuộc tạo dựng hải quân của Pyotr. Riêng Cruys được xem là kiến trúc sư của Hải quân Nga trong bước đầu phôi thai.

Trong việc tạo dựng Hạm đội Azov, Pyotr chỉ định Golovin làm Tư lệnh Hạm đội nhưng chỉ trên danh nghĩa, còn Chuẩn đô đốc Cornelis Cruys là Phó tư lệnh có quyền chỉ huy thật sự. Sau đó, Cruys được được cử làm Thị trưởng đầu tiên của thành phố cảng Taganrog (1698-1702), cũng là căn cứ đầu tiên của Hải quân Nga.

Cruys là người đầu tiên đo đạc và vẽ nên bản đồ hàng hải cho Sông Don và Biển Azov.

Từ năm 1705, Cruys làm tư lệnh đầu tiên của Hạm đội Baltic, và là tổng công trình sư cho việc xây dựng pháo đài và căn cứ hải quân Kronstadt. Căn cứ này đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến hải quân giữa Nga và Thụy Điển, và cũng quan trọng trong Thế chiến II chống Đức Quốc xã.

Được thăng đô đốc năm 1721, Cruys phục vụ Hải quân Nga cho đến năm 1727, hai năm sau khi Pyotr Đại đế qua đời.

Robert Erskine cũng là một nhân vật quan trọng. Ông theo học y khoa ở Edinburgh, Paris và Utrecht, năm 1703 được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia (Fellow of the Royal Society). Ông đến Nga năm 1704 rồi phục vụ Sa hoàng cho đến khi qua đời năm 1718. Ông làm bác sĩ riêng cho Peter, và là một trong những cố vấn có ảnh hưởng mạnh nhất. Ông được cử làm Giám đốc Bảo tàng và Thư viện Kunstkamera, và một chức vụ tương đương Bộ trưởng Y tế bây giờ. Năm 1716, Sa hoàng bổ nhiệm ông vào Hội đồng Cơ mật, là cơ quan cố vấn cao nhất cho triều đình.

Việc trọng dụng người nước ngoài được thể hiện rõ vào năm 1717, khi Pyotr thành lập nội các gồm 9 bộ. Chỉ trừ bộ ngoại giao, thứ trưởng các bộ khác là người nước ngoài (Cornelis Cruys là Thứ trưởng Bộ Hải quân). Riêng Tướng Bruce là Bộ trưởng bộ Hầm mỏ và Công nghiệp.

Xây dựng đường thủy nội địa

Đất Nga quá rộng và đường sá quá thiếu kém khiến cho việc vận chuyển hàng hóa và hành khách cực kỳ gian khổ, nhất là khi cần vận chuyển nông sản từ vùng sâu ra Sankt-Peterburg để nuôi thành phố này. Dù các sông lớn của Nga đều chảy về hướng Nam: Dniepr, Don và Volga (riêng Sông Dvina chảy về hướng Bắc), vẫn có thể chuyên chở hàng hóa đi ngược dòng qua nỗ lực của sức người hoặc súc vật. Chỉ cần hệ thống kênh đào để nối những con sông thiên nhiên với nhau ở những giao điểm quan trọng.

Công trình khổng lồ đầu tiên của Pyotr là tìm cách nối Sông Volga với Sông Don, để có lối ra Biển Đen qua Azov mà Nga đã chiếm được. Sau mười năm khổ nhọc, công trình bị bỏ dỡ khi Nga phải trả lại Azov cho Ottoman vào năm 1711.

Sự hình thành của Sankt-Peterburg làm nảy sinh tầm nhìn khác: nối toàn nước Nga với Biển Baltic bằng kênh đào từ Sông Volga qua Sông Neva. Qua khảo sát kỹ lưỡng, Pyotr tìm ra ở vùng Tver và Novgorod một chi lưu của Sông Volga cách một dòng sông khoảng hơn 1 kilômét chảy vào Hồ Ladoga rồi ra Sông Neva. Vấn đề là một con kênh ngắn ở Vyshny-Volochyok. Phải mất 4 năm với 20.000 người để đào con kênh cùng với hệ thống âu thuyền. Khi hoàn tất, Biển Caspi được nối với Sankt-Peterburg, Biển Baltic và Đại Tây Dương. Nhờ đó, sà lan đáy bằng có thể chở nông sản và lâm sản từ miền nam và trung Nga ra cảng xuất khẩu, và mang hàng hóa nhập khẩu từ Ba Tư (Iran bây giờ) và Viễn Đông vào sâu trong đất Nga.

Lẽ tự nhiên là có nhiều khó khăn và chống đối. Hoàng thân Boris Golitsyn, được phái giám sát dự án đầu tiên, than phiền: “Thượng đế đã khiến cho dòng sông chảy theo một hướng, con người quá ngạo mạn khi muốn chuyển dòng theo hướng khác.” Các âu thuyền trên kênh Vyshny-Volochyok thỉnh thoảng có bùn bồi lắng, cần phải được nạo vét.

Nhưng đó chỉ là trở ngại nhỏ so với Hồ Ladoga, hồ lớn nhất Châu Âu. Mặt nước hồ này thường có sóng to dễ đánh chìm sà lan đáy bằng vốn phải có đáy thật nông để có thể vượt qua các âu thuyền trên kênh Vyshny-Volochyok. Mỗi năm, gió to làm hàng trăm sà lan bị đắm hoặc trôi dạt vào bờ rồi bị sóng đánh tan tành. Pyotr ra lệnh đóng loại tàu đặc biệt có đáy sâu hơn để đi trên hồ nước sâu, nhưng lại phải chuyển hàng hóa qua lại giữa sà lan và tàu, tốn chi phí và thời gian đối với ngũ cốc hoặc gỗ. Pyotr tìm lối khác để tránh đi qua hồ. Năm 1718, ông quyết định cho đào một con kênh qua vùng đầm lầy dọc bờ nam của Hồ Ladoga đến cửa Sông Neva. Chiều dài tổng cộng sẽ là hơn 100 kilômét.

Dự án được giao cho Menshikov, người không biết gì về kỹ thuật nhưng sẵn sàng làm mọi việc để lấy cảm tình của Pyotr. Nhiều công tác không cần thiết được thực hiện, tiêu tốn chi phí cao và cướp đi sinh mạng của 7.000 công nhân. Khi gần đi đến ý định hủy bỏ công trình, Pyotr gặp kỹ sư Burkhard Christopher von Munnich người Đức, có nhiều kinh nghiệm xây đê biển và kênh ở Bắc Đức và Đan Mạch, và giao trách nhiệm cho ông này. Công tác tiến hành tốt hơn, nhưng khi Pyotr Đại đế qua đời năm 1725, ông chỉ mới thấy được hơn 30 kilômét của con kênh (rộng hơn 20 mét và sâu gần 5 mét). Mãi đến năm 1732, con kênh mới được hoàn tất, và Munnich hãnh diện tháp tùng Nữ Hoàng đế Anna dẫn đầu một đoàn sà lan đi suốt chiều dài của con kênh phi thường.

waterway_five seas
Hệ thống đường thủy nối năm biển

Ngày nay, hệ thống kênh đào vĩ đại do Pyotr Đại đế khởi xướng tạo thành đường thủy huyết mạch cho nước Nga, qua đó tàu lớn có thể đi lên xuống từ Biển Đen và Biển Caspi ở phía nam đến Biển Trắng và Biển Baltic ở phía bắc. Tàu viễn dương có thể đi ngược dòng Sông Neva ở Sankt-Peterburg rồi vào sâu trong đất liền cách xa hơn 1.500 kilômét.

Mở rộng lãnh thổ xuống Biển Caspi

Qua hòa ước ký với Thụy Điển, rốt cuộc Nga được hưởng hòa bình. Dường như bây giờ là lúc khối năng lượng ngút ngàn rót vào các chiến dịch quân sự được chuyển qua cho chính nước Nga. Pyotr Đại đế không muốn được nhớ đến trong lịch sử như là chiến binh hoặc người đi xâm chiếm lãnh thổ; ông xem vị thế của mình là nhà cải tổ. Tuy vậy, ngay khi các lễ ăn mừng hòa bình ở Sankt-Peterburg chưa chấm dứt, Pyotr Đại đế ra lệnh quân đội chuẩn bị cho chiến dịch mới. Mùa xuân năm sau, quân đội sẽ đi đánh Ba Tư (Iran bây giờ). Một lần nữa, Pyotr sẽ đích thân cầm đầu đoàn quân.

Không thể tìm đường đi đến Ấn Độ qua Trung Á, Pyotr xoay qua cố mở con đường đi qua Ba Tư. Mục đích là dầu hỏa từ lãnh thổ hiện giờ là nước Azerbaijan, hiện đang đóng góp nhiều vào kho bạc của Ba Tư. Bề ngoài, ông muốn thuyết phục Hoàng đế Ba Tư cho chuyển việc buôn bán tơ lụa từ Ba Tư qua đường Astrakhan rồi đi đến Sankt-Peterburg thay cho con đường truyền thống qua Thổ đến Địa Trung Hải.

Pyotr phái Artemius Volynsky dẫn đầu phái bộ để đạt thỏa thuận này, đồng thời để tìm hiểu “đế quốc Ba Tư thật sự, lực lượng, những pháo đài, những hạn chế”, và cũng để xem “có con sông nào chảy từ Ấn Độ vào Biển Caspi hay không.” Pyotr nghĩ việc này là không khó; quan hệ giữa ông và Hoàng đế Ba Tư vẫn luôn thân thiện.

Vào tháng 3 năm 1717, Volynsky đi đến Isfahan, thủ đô cũ của Ba Tư, rồi bị Ba Tư bắt quản thúc tại gia. Tuy bị hạn chế, Volynsky vẫn có thể nhận định về con người của Hoàng đế Ba Tư, “một người ngu xuẩn… tự mình không quyết định việc gì mà chỉ thông qua tể tướng còn ngu hơn bò nhưng vẫn được Hoàng đế lắng nghe mọi việc…” Volynsky còn cố gắng đạt một hiệp ước thương mại qua đó thương nhân Nga được quyền mua bán tơ lụa khắp Ba Tư. Ông cũng thu thập đủ thông tin để báo cáo cho Pyotr rằng Ba Tư đã quá suy yếu, nên Nga có thể chinh phục và khai thác.

Khi trở về, Volynsky được tưởng thưởng với chức vụ Thống đốc Astrakhan và Đại tướng Tùy viên cho Sa hoàng. Ngoài việc cho biết một đoàn quân Nga nhỏ có thể đánh chiếm Ba Tư, Volynsky luôn tham mưu cho Pyotr rằng nếu Nga không chiếm lấy vùng này trước, Ottoman cũng sẽ chiếm.

Pyotr trì hoãn quyết định vì còn bận bịu trong cuộc chiến với Thụy Điển. Thế rồi, gần đến lúc Nga ký hòa ước với Thụy Điển, một biến cố xảy ra khơi mào cho sự can dự của Nga. Một sắc tộc miền núi Caucasus vốn thân Nga mà chống lại Ba Tư, quyết định không thể chờ đợi được nữa, tràn xuống giết hại và cướp bóc vùng trọng điểm mậu dịch Shemaha của Ba Tư. Ban đầu, thương nhân Nga không lo ngại, được hứa là cửa hàng và nhà kho của họ sẽ không bị xâm phạm. Nhưng sắc tộc miền núi này lại giết bừa bãi vài người Nga và cướp đi nhiều hàng hóa của người Nga.

Volynsky lập tức báo cáo cho Pyotr rằng đây là cơ hội tốt nhất cho Nga gửi quân đến Ba Tư với danh nghĩa bảo vệ công dân Nga và giúp Hoàng đế Ba Tư vãn hồi trật tự.

Trong khi Pyotr chờ cho đến mùa xuân để hành động theo cách phù hợp hơn, tình hình mới ở Ba Tư khiến ông lo lắng. Hoàng đế Ba Tư bị bộ tộc Afghan lật đổ, con trai thứ ba lên ngôi và đang tranh đấu chống lại người Afghan để giữ yên ngôi vị. Điều nguy hiểm là Ottoman đang lăm le lợi dụng thời cơ.

Tại Astrakhan, Pyotr phải mất một tháng để hoàn tất những bước chuẩn bị cuối cùng cho chiến dịch tiến xuống Biển Caspi. Đoàn quân gồm có 61.000 người, kể cả 20.000 quân Cossack và 5.000 quân Kalmuck. Ngày 18 tháng 7 năm 1722, Pyotr dẫn theo Hoàng hậu Ekaterina lên thuyền đi 360 kí-lô-mét dọc bờ tây của Biển Caspi, trong khi kỵ binh vượt qua vùng thảo nguyên bán hoang mạc.

Mục tiêu quan trọng đầu tiên của Pyotr Đại đế là Thị trấn Derbent, được cho là do Alexander Đại đế thành lập. Derbent có tầm quan trọng về cả mặt quân sự lẫn thương mại: có vị trí chiến lược trên đường bắc-nam dọc bờ tây Biển Caspi. Ở đây, núi kéo dài gần biển nhất, vì thế thị trấn tọa lạc ở con đường hẹp này khống chế tất cả đường di chuyển của quân đội hoặc thương nhân. Derbent đầu hàng quân Nga mà không kháng cự gì, ngược lại vị tổng trấn còn trao tặng chìa khóa vàng của thị trấn cho Sa hoàng.

Mục tiêu kế tiếp của Pyotr Đại đế là Thành phố Baku, cách 240 kilômét về phía Nam, vì ông muốn thành lập ở đây một thành phố thương mại mới làm trung gian giữa Ấn Độ, Ba Tư và Nga. Tuy nhiên, Pyotr không được toại nguyện. Tổng trấn Baku từ chối việc Nga thiết lập doanh trại quân đội Nga ở đây, có nghĩa là Nga chỉ có thể dùng vũ lực nếu muốn hiện diện ở Baku. Dù đoàn quân Nga đủ mạnh để trấn áp bất kỳ sự kháng cự nào, Pyotr lo lắng về mặt hậu cần.

Old view of Baku (Jean-Pierre Moynet, 1858)
Quang cảnh Baku thời xưa (tranh của Jean-Pierre Moynet, 1858)

Thuyền tiếp vận từ Astrakhan có thể bị bão tố trên Biển Caspi nên không thể đến Baku, và nguồn lực địa phương không đủ cung ứng cho quân Nga. Hơn nữa, cái nóng trong tháng 8 đang khiến quân Nga suy yếu, binh sĩ Nga ăn quá nhiều trái cây địa phương đến nỗi bị bệnh. Cả Hoàng đế và Hoàng hậu đều cạo đầu để đỡ nóng ban ngày, lấy khăn trùm đầu cho đỡ lạnh ban đêm.

Hoàng hậu còn lo cho binh sĩ hơn là người chồng, thậm chí một lần còn dám đi ngược lại quân lệnh của ông. Hoàng đế đã ra lệnh quân đội di chuyển rồi trở vào lều của ông mà ngủ. Khi thức dậy, ông thấy họ vẫn còn ở trong doanh trại. Ông tức giận hỏi tướng nào đã làm trái lệnh của ông. Ekaterina đáp: “Chính tôi, bởi vì binh sĩ của ông có thể chết vì nóng bức và khô khát.”

Khi điểm qua tình hình đoàn quân Nga, Pyotr cảm thấy bất an. Ông đang ở cách hậu phương Astrakhan quá xa, tuyến hậu cần đường biển không ổn định, một số bộ lạc sống trên những triền núi gần đó có khả năng trở nên thù địch, và luôn có nguy cơ là quân Ottoman tiến vào để bảo vệ những quyền lợi của họ ở đây. Pyotr không muốn lặp lại kinh nghiệm ở chiến dịch Pruth. Thế nên ông quyết định dẫn quân Nga rút về nước, chỉ để lại một doanh trại ở Derbent.

Pyotr trở về Astrakhan vào ngày 4 tháng 10 năm 1722. Ông vạch rõ rằng dù đã rút ngắn chiến dịch mùa hè này, ông không từ bỏ tham vọng ở Biển Caspi.

Tháng 11 năm 1722, Pyotr phái một lực lượng lục quân và hải quân kết hợp đánh chiếm cảng Resht (hoặc Rasht, giờ thuộc về Iran) trên bờ nam của Biển Caspi.

Tháng 7 năm sau, Nga chiếm được Baku, qua đó kiểm soát toàn bờ tây Biển Caspi. Hoàng đế Ba Tư giờ đã trở nên bất lực, nên sau một cuộc đàm phán, Ba Tư nhượng cho Nga Derbent cùng với ba tỉnh dọc bờ đông của vùng Caucasus. Pyotr Đại đế giải thích với đại sứ Ba Tư rằng, nếu Ba Tư không nhượng các tỉnh này cho Nga – vốn vẫn muốn thân thiện với Ba Tư – chắc chắn Ottoman sẽ vào chiếm. Phía Ba Tư không có vị thế để chống lại luận cứ này.

Sự tan rã của Ba Tư và chiến dịch của Nga dọc Biển Caspi một lần nữa khiến cho Nga và Ottoman đối đầu với nhau. Hoàng đế Ottoman chấp nhận Nga chiếm các tỉnh Ba Tư dọc Biển Caspi, nhưng không muốn Nga tiến xuống Biển Đen vốn luôn được xem là nằm trong lãnh thổ của họ. Rốt cuộc, Nga và Ottoman đạt thỏa thuận để chia nhau các tỉnh của Ba Tư. Tuy nhiên, Ba Tư không chấp nhận thỏa thuận này và vẫn thỉnh thoảng chiến đấu với cả Nga và Ottoman.

Năm 1732, Nữ Hoàng đế Anna chán ngán vì những tổn hại liên tục ở vùng này (khoảng 15.000 quân Nga chết mỗi năm vì bệnh tật do phong thổ lạ), nên trả lại các tỉnh ven Biển Caspi cho Ba Tư.

Phải đợi đến năm 1813, dưới triều đại của Aleksandr I, Ba Tư mới vĩnh viễn nhường cho Nga các lãnh thổ dọc bờ Biển Caspi mà Pyotr Đại đế đã đi qua trong chiến dịch cuối cùng của ông. Chỉ đến lúc đó, ý nguyện của Pyort Đại đến mới thành hiện thực: mở đường về phương Đông, biến Biển Caspi thành một biển nội địa của Nga, nắm lấy tài nguyên dầu hỏa ở Baku, và mở rộng mậu dịch với các nước phương Đông qua đường thủy Volga-Caspi.

Đến cuối đời

Có lẽ định mệnh của Pyotr Đại đế luôn nối kết với biển cả: khi sống say mê biển cả, và cuộc đời kết thúc gián tiếp qua biển cả.

Ngày 5 tháng 11 năm 1925, Pyotr Đại đế đi thị sát một nhà máy luyện sắt và một nhà máy chế tạo vũ khí trên bờ Vịnh Phần Lan. Khi đi quá cửa sông Neva, ông trông thấy phía trước có một chiếc thuyền chở 20 binh sĩ bị gió và sóng cuốn đi và chạm đá ngầm, bị đẩy tới lui, có nguy cơ bị chìm. Những người trên thuyền, rõ ràng là không biết bơi, dường như không thể làm gì để thoát thân. Pyotr Đại đế phái một thuyền nhỏ của mình chèo đến cứu nhưng họ không thể giúp gì được, trong khi những binh sĩ trên thuyền bị nạn đang cóng người vì sợ hãi. Pyotr Đại đế nôn nóng ra lệnh cho chiếc thuyền nhỏ của mình đưa ông đến gần con thuyền bị nạn. Không thể đến gần hơn vì bị sóng to, Pyotr Đại đế thình lình nhảy xuống nước lạnh giá ngập đến ngực ông rồi đi đến con thuyền bị nạn. Sự hiện diện của ông tác động lên tinh thần những binh sĩ đang mắc nạn. Đáp lại những tiếng hô của ông, họ nắm bắt lấy những sợi dây từ thuyền cứu hộ ném sang, rồi với sự trợ giúp của những thủy thủ khác giờ cũng ngâm mình dưới nước như Hoàng đế của họ, kéo con thuyền bị nạn ra khỏi rạn đá ngầm.

Pyotr Đại đế trở về thuyền của mình để thay quần áo. Lúc đầu, dù đã ngâm mình trong nước giá lạnh khá lâu, dường như ông không có vấn đề gì. Tuy nhiên, ban đêm ông lên cơn rét và sốt. Từ lúc này trở đi, cơn bệnh vẫn đeo bám ông.

Cuối cùng, lúc 6 giờ sáng ngày 28 tháng 1 năm 1725, sau 43 năm trị vì, Pyotr Đại đế đi vào cõi vĩnh hằng, hưởng thọ 53 tuổi.

Những cột mốc quan trọng

1688. Pyotr phát hiện chiếc thuyền “Thủy tổ của Hải quân Nga”.

1689. Lần đầu tiên, tàu kiểu Hà Lan được đóng trên đất Nga, bên bờ Hồ Pleshcheyevo. Pyotr thường đến đây để đóng thuyền và lái thuyền cho đến năm 1693, khi công xưởng nơi đây đã đóng được khoảng 100 chiếc tàu.

1693. Lần đầu tiên trong lịch sử, một sa hoàng nước Nga đi trên biển khơi: trên Biển Trắng đến rìa Bắc Băng Dương.

1694. Lần đầu tiên, nước Nga có một hạm đội vượt đại dương, khởi đi từ cảng của Nga và trở về cảng của Nga, do tướng lĩnh hải quân Nga chỉ huy.

1696. Hội đồng Quý tộc (Boyar) biểu quyết chấp thuận chỉ dụ của Pyotr về việc thành lập Hạm đội Azov. Ngày biểu quyết, 20 tháng 10 năm 1696, được xem là ngày thành lập Hải quân Nga. Hạm đội Azov đánh chiếm pháo đài-thị trấn Azov của Đế quốc Ottoman.

1697-1698. Phái bộ Đại Sứ thần đi Tây Âu. Pyotr vi hành học nghề đóng tàu. Trong chuyến đi này, Nga mua vật liệu, vũ khí, dụng cụ chuyên ngành, trang bị hải quân… Quan trọng hơn, phái bộ tuyển được 640 người Hà Lan, trong số đó có Phó đô đốc Cornelius Cruys và một số sĩ quan hải quân (cuối cùng, Cruys thuyết phục được 200 sĩ quan hải quân đi theo ông), và thêm thủy thủ, kỹ sư, kỹ thuật viên, thợ đóng tàu, bác sĩ y khoa và chuyên viên những ngành nghề khác đến Nga phục vụ triều đình Sa hoàng. Bên Nga phải thuê 10 chiếc tàu để chuyên chở tất cả về nước.

1698. Thành lập Bộ Hải quân. Học viện Hải quân đầu tiên được thành lập ở Moskva, sau đó được dời về Azov. Thành lập căn cứ hải quân đầu tiên của Nga tại Taganrog, được dùng làm căn cứ cho Hạm đội Azov.

1699. Lần đầu tiên trong lịch sử, một chiến hạm của Nga, mang cờ hiệu của Sa hoàng, thực hiện một cuộc hải hành đơn độc và tự do trên lãnh hải Ottoman.

1700. Đánh lui hạm đội Thụy Điển tấn công thành phố cảng Arkhangelsk.

1701: Trường Hàng hải mở cửa ở Moskva. Xưởng đóng tàu ở Sankt Peterbourg bắt đầu hoạt động.

1702. Lực lượng bộ binh phối hợp cùng hải quân Nga chiếm Pháo đài Nöteborg, sau đó được đổi tên là Schlüsselburg.

1703. Hạ thủy tàu viễn dương đầu tiên cho Hạm đội Baltic, chiếc khu trục Shtandart, được dùng làm kỳ hạm cho hạm đội này, do Pyotr làm hạm trưởng. Dời Trường Hàng hải về Sankt Peterbourg. Thành lập Hạm đội Baltic, Cornelius Cruys được bổ nhiệm làm Tư lệnh đầu tiên của hạm đội này.

1704. Xây dựng căn cứ hải quân Kronshtadt.

1706. Chính thức thành lập quân hàm đô đốc.

1709. Thành lập Bảo tàng Hải quân Trung ương.

1712. Thành lập cơ xưởng đóng thuyền galê. Hạ thủy chiến hạm đầu tiên của Hạm đội Baltic, chiếc Pultowa.

1714. Chiến thắng trong Hải chiến Gangut, có tầm quan trọng ngang chiến thắng Pultowa.

1715. Thành lập Bệnh viện Hải quân đầu tiên, ở Sankt Peterburg.

1716. Thành lập Học viện Hải quân ở Sankt Peterburg.

1720. Hải chiến Grengam.

1721. Ký kết Hòa ước Nishtadt. Đế chế Thụy Nga mất vị thế ở Bắc Âu, còn chiếm vai trò thống trị trên Biển Baltic.

Kết luận

Lịch sử dành cho Pyotr Đại đế nhiều lời khen ngợi. Có lẽ lời khen ngợi trước tiên là tầm nhìn chiến lược của ông, kế đến là nhận thức rồi quyết tâm. Những tầm nhìn, nhận thức và quyết tâm ấy hầu như thiếu vắng trong khắp nước Nga thời bấy giờ. Chỉ một mình ông có tầm nhìn sâu rộng, nhận thức đúng đắn, rồi có quyết tâm sắt đá để đi đến đích. Chẳng hạn, trong khi bao triều đại trước đều không nhận ra là nước Nga bao la chỉ có một cảng biển thông ra bên ngoài thế giới trong sáu tháng mỗi năm, không có hải quân, và cả nước Nga mãn nguyện với đội thuyền đi theo dòng nước trên sông; chỉ riêng Pyotr Đại đế nhận ra đó là những khiếm khuyết vô cùng hệ trọng trong chiến lược xây dựng kinh tế và quân sự cho đất nước ông. Chính Pyotr Đại đế đã nhận thức được công dụng diệu kỳ của một chiếc thuyền buồm không những có thể đi xuôi chiều gió, mà còn có thể đi ngược lại chiều gió – điều mà loại thuyền bè Nga hồi ấy không thực hiện được. Quyết tâm xây dựng cảng biển và tạo dựng nên hải quân Nga khởi phát từ tầm nhìn và nhận thức như thế.

Peter at a shipyard (Lemersoue 1709)

Tham khảo

Mir-Babayev, M.Y (2017). Peter the Great and Baku oil. http://www.visions.az/en/news/947/69bf17cc/

Encyclopedia Britannica. The reign of Peter I (the Great; 1689–1725). https://www.britannica.com/place/Russia/Romanov-Muscovy#ref421779

Grey, I. (1960). Peter the Great, Emperor of All Russia. J. B.Lippincott Company, Philadelphia & New York.

Kalinin, M. (no date). Peter the Great. https://www.moscovery.com/peter-the-great/

Karabell, S. (2017). Leadership in Russia: The Legacy of Peter the Great. https://www.forbes.com/sites/shelliekarabell/2017/11/05/leadership-in-russia-the-legacy-of-peter-the-great/#26c993564999

Massie, R.K. (1980). Peter the Great – His life and world. Bản Việt văn: Pyotr Đại đế: Người con vĩ đại của nước Nga, Diệp Minh Tâm dịch, Nhà Xuất bản Tri thức.

Matveichuk, A. (2010). Peter the Great’s plans for russian oil. http://www.oilru.com/or/44/924/

Nikiforov, L.A. (2018). Peter I , Emperor of Russia – Encyclopedia Britannica. https://www.britannica.com/biography/Peter-the-Great

Trueman C N (2018). Peter the Great – Military Reforms. https://www.historylearningsite.co.uk/peter-the-great/peter-the-great-military-reforms/

Wikipedia. Peter the Greathttps://en.wikipedia.org/wiki/Peter_the_Great

Wikipedia. Russo-Persian War (1722–1723). https://en.wikipedia.org/wiki/Russo-Persian_War_(1722%E2%80%931723)

Wikipedia. Siege of Nöteborg (1702). https://en.wikipedia.org/wiki/Siege_of_N%C3%B6teborg_(1702)

Biên soạn: Diệp Minh Tâm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *