“Quyền của phụ nữ là nhân quyền” – Hillary Rodham Clinton

Bà Hillary Rodham Clinton (1947- ) là Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ (2001-2009), Đệ nhất Phu nhân của Tổng thống Bill Clinton (1993-2001), và Ngoại trưởng Mỹ (2019-1013). Trong thời gian là Đệ Nhất Phu nhân, bà trở thành một biểu tượng mạnh mẽ cho vai trò và vị thế thay đổi của phụ nữ trong xã hội Mỹ. Bà là người đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ đắc cử vào Thượng viện trong khi đang là Đệ Nhất Phu nhân.

Tạp chí Foreign Policy chọn bà và chồng, cựu Tổng thống Bill Clinton, cùng đứng hạng 3 trong số 100 “Khối óc Toàn cầu” năm 2012. Tạp chí Newsweek gọi bà là người phụ nữ mạnh mẽ nhất trong lịch sử nước Mỹ.  

Với tư cách là Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ, Bà Hillary Rodham Clinton được mời phát biểu tại buổi họp đại hội đồng ngày 05 tháng 9 năm 1995 của Hội nghị Thế giới về Phụ nữ của Liên Hiệp Quốc lần thứ Tư tại Bắc Kinh, Trung quốc. Bài diễn văn được đánh giá Hạng 35 trong số 100 diễn văn chính trị ở Mỹ quan trọng nhất trong Thế kỷ 20 (trang mạng AmericanRhetoric).

“Quyền của phụ nữ là nhân quyền”

Tôi xin cảm ơn vị Tổng Thư ký đã mời tôi tham dự sự kiện quan trọng này, Hội nghị Thế giới về Phụ nữ của Liên Hiệp Quốc lần thứ Tư. Đây quả là một sự kiện đáng ca ngợi, ca ngợi sự đóng góp của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống: ở nhà, trong công việc, trong cộng đồng, như là những người mẹ, người vợ, con gái, người đi học, công nhân, công dân, và những nhà lãnh đạo.

Hillary Clinton 2

Đây cũng là cuộc gặp gỡ, giống như cách phụ nữ gặp gỡ hằng ngày ở mỗi nước. Chúng ta đến với nhau trên cánh đồng và trong nhà máy, ở chợ làng và ở siêu thị, trong phòng khách và phòng họp. Dù cho khi chơi đùa với con cái chúng ta trong công viên, hoặc giặt rũ quần áo bên bờ sông, hoặc giải lao ở máy nước lạnh trong văn phòng, chúng ta đến với nhau và chuyện trò về những ước vọng và ưu tư của chúng ta. Lúc này qua lúc khác, những cuộc chuyện trò của chúng ta hướng về con cái và gia đình của chúng ta. Cho dù chúng ta khác biệt với nhau như thế nào đi nữa, có nhiều điều đoàn kết chúng ta hơn là chia rẽ chúng ta. Chúng ta chia sẻ một tương lai chung, và chúng ta ở đây để tìm kiếm lập trường chung hầu chúng ta có thể giúp mang phẩm giá cùng sự tôn trọng mới đến cho đàn bà và con gái trên khắp thế giới, và qua cách này cũng mang sức mạnh cùng sự ổn định mới đến cho các gia đình.

 Qua việc gặp gỡ ở Bắc Kinh, chúng ta đang tập trung mối quan tâm của thế giới vào những vấn đề quan trọng nhất trong cuộc sống của chúng ta – cuộc sống của phụ nữ và gia đình của họ: sự tiếp cận với nền giáo dục, chăm sóc y tế, công ăn việc làm và tín dụng, cơ hội để hưởng những quyền pháp lý cơ bản và quyền con người cũng như để tham gia đầy đủ trong cuộc sống chính trị của đất nước chúng ta.

Có một số người chất vấn lý do cho hội nghị này. Hãy để cho họ nghe những tiếng nói của phụ nữ trong nhà, hàng xóm và sở làm của họ. Có những người tự hỏi liệu cuộc sống của đàn bà con gái có liên quan gì đến tiến bộ kinh tế và chính trị toàn cầu hay không. Hãy để cho họ nhìn những phụ nữ đang tụ hội ở đây và ở Huairou[i] – những người nội trợ và y tá, giáo viên và luật sư, người hoạch định chính sách và những phụ nữ tự điều hành việc kinh doanh của họ. Chính những hội nghị như thế này thúc đẩy các chính phủ và các dân tộc khắp nơi nghe, nhìn và đối mặt với những vấn đề bức thiết nhất của thế giới. Xét cho cùng thì có phải chăng – sau hội nghị phụ nữ ở Nairobi mười năm về trước, lần đầu tiên thế giới để ý đến sự khủng hoảng của nạn bạo hành gia đình?

Trước đó hôm nay, tôi .tham dự vào diễn đàn của Tổ chức Y tế Thế giới. Trong diễn đàn này, chúng tôi bàn về những cách thức mà các quan chức chính phủ, tổ chức phi chính phủ và công dân với tư cách cá nhân làm việc với nhau để khắc phục những vấn đề về y tế cho đàn bà và con gái. Ngày mai, tôi sẽ tham dự cuộc tụ họp của Quỹ Phát triển Liên Hiệp Quốc cho Phụ nữ. Ở đấy, các cuộc thảo luận sẽ tập trung vào những chương trình địa phương – và rất thành công – nhằm mang tín dụng đến cho phụ nữ lao động chăm chỉ hầu họ có thể cải thiện cuộc sống của họ và cuộc sống của gia đình họ.

Điều chúng ta đang tiếp thu khắp thế giới là nếu phụ nữ được khỏe mạnh và có nền học vấn, gia đình họ sẽ hưng thịnh. Nếu phụ nữ có cơ hội làm việc và ăn lương như là những đối tác toàn diện và bình đẳng trong xã hội, gia đình họ sẽ hưng thịnh. Khi gia đình hưng thịnh, cộng đồng và quốc gia cũng hưng thịnh. Đấy là lý do tại sao mỗi phụ nữ, mỗi đàn ông, mỗi trẻ nhỏ, mỗi gia đình và mỗi quốc gia trên hành tinh này đều có phần hưởng lợi trong cuộc thảo luận diễn ra tại đây.

Trong hơn 25 năm qua, tôi kiên trì làm việc về những vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em, và gia đình. Trong hơn hai năm rưỡi qua, tôi có cơ hội để tìm hiểu thêm về những thách thức mà phụ nữ ở chính nước tôi và khắp thế giới đang đối mặt.

Tôi gặp những người mẹ trẻ ở Indonedia, những người thường gặp gỡ nhau trong xóm làng họ để thảo luận về dinh dưỡng, kế hoạch hóa gia đình, và chăm sóc em bé. Tôi gặp những cha mẹ làm công ăn lương ở Đan Mạch, những người nói về mối an tâm khi biết rằng con cái họ được chăm sóc trong những nhà giữ trẻ ngoài giờ được an toàn. Tôi gặp những phụ nữ ở Nam Phi, những người đã lãnh đạo cuộc tranh đấu để chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc và bây giờ đang xây dựng một nền dân chủ mới. Tôi gặp những phụ nữ hàng đầu ở Tây Bán cầu, những người đang làm việc hằng ngày nhằm xóa mù chữ và cải thiện chăm sóc y tế cho trẻ em trên đất nước họ. Tôi gặp những phụ nữ ở Ấn Độ và Bangladesh, những người đang nói về việc vay những khoản tiền nhỏ để mua bò sữa, hoặc xe kéo hoặc chỉ, nhằm tạo phương tiện sinh nhai cho chính họ và cho gia đình họ. Tôi gặp những bác sĩ và y tá ở Belarus và Ukraine, những người đang cố cứu sống trẻ em trong hậu quả của Chernobyl.

Thử thách to tát của hội nghị này là tạo tiếng nói cho phụ nữ khắp nơi có kinh nghiệm nhưng không được chú ý đến, có ý kiến nhưng không được nghe. Phụ nữ chiếm hơn phân nửa dân số thế giới, 70% của số người nghèo trên thế giới, và hai phần ba của số người mù chữ. Chúng ta là những người chăm sóc chủ yếu cho phần lớn trẻ em và người già trên thế giới. Tuy vậy, nhiều công việc của chúng ta không được đánh giá cao – cả các nhà kinh tế, nhà sử học, nhà văn hóa quần chúng, các nhà lãnh đạo chính phủ đều không đánh giá cao.

Khi chúng ta ngồi đây vào lúc này, phụ nữ khắp thế giới đang sinh nở, nuôi con, nấu các bữa ăn, giặt rũ quần áo, quét dọn nhà cửa, trồng hoa màu, làm việc ở dây chuyền lắp ráp, điều hành công ty, và điều hành đất nước. Phụ nữ cũng đang chết vì những bệnh đáng lẽ có thể phòng ngừa hoặc chữa trị được. Họ đang nhìn con cái họ ngắc ngoải vì suy dinh dưỡng do đói nghèo và bị tước đoạt về kinh tế. Họ đang bị cha anh từ chối quyền được đi đến trường. Họ đang bị cưỡng bức vào cảnh mại dâm, họ đang bị văn phòng tín dụng ngân hàng ngăn chặn, và bị cấm cản khỏi phòng bỏ phiếu.

Những người trong chúng ta có cơ hội đến đây có trách nhiệm cất tiếng thay cho những người không thể nói ra. Là người Mỹ, tôi muốn cất tiếng thay cho những phụ nữ ở nước tôi, những phụ nữ đang nuôi con cái bằng đồng lương tối thiểu, những phụ nữ không có đủ tiền cho chăm sóc y tế hoặc chăm sóc trẻ em, những phụ nữ có cuộc sống bị đe dọa bởi bạo hành, kể cả bạo hành trong chính ngôi nhà của họ.

Tôi muốn cất tiếng thay cho những bà mẹ đang tranh đấu để có trường học tốt, hàng xóm an toàn, không khí trong lành, và làn sóng phát thanh lành mạnh; cho những cụ già, một số là quả phụ, những người thấy rằng sau khi .gầy dựng gia đình, kỹ năng và kinh nghiệm cuộc sống của họ không được đánh giá cao trên thị trường; cho những phụ nữ đang làm việc suốt đêm với nghề y tá, nhân viên khách sạn hoặc đầu bếp thức ăn nhanh hầu họ có thể ở nhà ban ngày với con trẻ; và cho những phụ nữ khắp nơi, đơn giản là những người không có thời giờ để làm mọi việc mà hằng ngày họ bị bắt buộc phải làm.

Khi phát biểu với các bạn hôm nay, tôi cất tiếng thay cho họ, cũng giống như mỗi người trong chúng ta cất tiếng thay cho phụ nữ khắp thế giới, những người bị từ khước cơ hội đến trường, hoặc đi gặp bác sĩ, hoặc làm chủ bất động sản, hoặc có tiếng nói về đường hướng của cuộc đời họ, đơn giản chỉ vì họ là phụ nữ. Sự thật là phần đông phụ nữ khắp thế giới làm việc cả bên trong và bên ngoài ngôi nhà của họ, thường là do nhu cầu cần thiết.

Chúng ta cần phải hiểu không có một công thức duy nhất về việc làm thế nào phụ nữ định đoạt cuộc sống của mình. Chính vì thế mà chúng ta phải tôn trọng những chọn lựa của mỗi phụ nữ cho chính người ấy và gia đình của người ấy. Mỗi phụ nữ xứng đáng có cơ hội để phát huy tiềm năng mà Thượng Đế dành cho người ấy. Nhưng chúng ta phải nhận thức rằng phụ nữ sẽ chỉ có đầy đủ phẩm giá khi nhân quyền của họ được tôn trọng và bảo vệ.

Không thể đạt đến những mục tiêu của chúng ta trong hội nghị này, nhằm củng cố gia đình và xã hội bằng cách trao quyền cho phụ nữ để kiểm soát nhiều hơn số mệnh của họ, trừ phi tất cả các chính phủ – ở đây và trên toàn thế giới – nhận trách nhiệm bảo vệ và khuyến khích những quyền con người mà quốc tế nhìn nhận. [vỗ tay] Cộng đồng quốc tế từ lâu nhìn nhận và gần đây tái khẳng định ở Vienna rằng cả phụ nữ và đàn ông có quyền được hưởng những biện pháp bảo vệ và tự do cá nhân, từ quyền an ninh cá nhân cho đến quyền được tự do quyết định số con và cách quãng giữa các lần sinh nở [vỗ tay] Không ai phải bị ép buộc giữ im lặng vì sợ ngược đãi, bắt bớ, lạm dụng, hoặc tra tấn vì lý do tôn giáo hoặc chính trị.

Điều đáng buồn là phụ nữ rất thường là những người bị vi phạm về nhân quyền. Ngay cả bây giờ, trong Thế kỷ 20, việc hãm hiếp phụ nữ tiếp tục được dùng là một công cụ của xung đột vũ trang. Phụ nữ và trẻ em chiếm đa số lớn của người tị nạn trên thế giới. Khi phụ nữ bị gạt ra khỏi tiến trình chính trị, họ lại bị lạm dụng thêm. Tôi tin rằng bây giờ, trước thềm thiên niên kỷ mới, đã đến lúc phá bỏ sự im lặng. Đã đến lúc chúng ta nói ra ở đây Bắc Kinh, và cho cả thế giới cùng nghe, rằng thảo luận về quyền phụ nữ tách biệt khỏi quyền con người là việc không còn được chấp nhận. [vỗ tay]

Những sự lạm dụng ấy còn tiếp tục bởi vì, .từ quá lâu, lịch sử của phụ nữ là lịch sử của sự im lặng. Ngay cả ngày hôm nay, có những người đang cố bắt chúng ta phải im lặng. Nhưng những tiếng nói của hội nghị này và của phụ nữ ở Huairou phải được nghe cho rõ:

Khi em bé bị bỏ đói, hoặc bị trấn nước, hoặc bị bóp cho ngạt thở, hoặc xương sống bị đánh vỡ đơn giản chỉ vì là con gái, thì đó là vi phạm nhân quyền. [vỗ tay]

Khi đàn bà và con gái bị bán vào cảnh nô dịch mãi dâm do lòng tham của con người, thì đó là vi phạm nhân quyền – và mọi lý do nhằm biện minh cho việc này không còn được chấp nhận. [vỗ tay]

Khi phụ nữ bị tưới xăng, bị châm lửa, và bị thiêu cho đến chết bởi vì số tiền hồi môn quá ít, thì đó là vi phạm nhân quyền. [vỗ tay]

Khi phụ nữ bị cưỡng hiếp trong cộng đồng của họ và khi hàng nghìn phụ nữ bị cưỡng hiếp như là chiến thuật hoặc giải thưởng của chiến tranh, thì đó là vi phạm nhân quyền. [vỗ tay]

Khi nguyên nhân hàng đầu toàn thế giới cho cái chết của phụ nữ trong độ tuổi 14 đến 44 là bạo hành trong gia đình bởi thân nhân của họ, thì đó là vi phạm nhân quyền. [vỗ tay]

Khi bé gái lâm vào cảnh tàn nhẫn qua thói quen gây đau đớn và làm giảm phẩm giá của việc cắt bỏ âm vật, thì đó là vi phạm nhân quyền. [vỗ tay]

Khi phụ nữ bị khước từ quyền kế hoạch hóa gia đình, kể cả việc bị ép buộc phải phá thai hoặc làm cho vô sinh ngoài ý muốn của họ, thì đó là vi phạm nhân quyền. [vỗ tay]

Nếu có một thông điệp cần phải vang vọng từ hội nghị này, thì đó là: nhân quyền là quyền của phụ nữ và quyền của phụ nữ là nhân quyền, dứt khoát phải như thế. [vỗ tay] Và trong số những quyền ấy là quyền tự do phát biểu – và quyền được nghe.

Nếu chúng ta muốn tự do và dân chủ phát triển và trường tồn, thì phụ nữ phải được hưởng những quyền nhằm hòa nhập hoàn toàn vào cuộc sống xã hội và chính trị trên nước họ. Không thể nào biện minh được sự kiện là nhiều phụ nữ trong các tổ chức phi chính phủ mong muốn tham gia vào hội nghị này nhưng không thể tham dự – hoặc bị ngăn cấm nên không thể tham dự đầy đủ. [vỗ tay]

Tôi muốn nhấn mạnh: Tự do có nghĩa là quyền của con người được tụ tập, tổ chức và tranh luận công khai. Nó có nghĩa là tôn trọng quan điểm của những người có thể không đồng ý với những quan điểm của chính phủ họ. Nó có nghĩa là không được bắt bớ công dân cho xa rời người thân và giam cầm họ, ngược đãi họ, hoặc tước mất tự do và phẩm giá của họ vì lý do họ phát biểu một cách ôn hòa những suy nghĩ và ý kiến của họ. [vỗ tay]

Ở nước tôi, gần đây chúng tôi làm lễ kỷ niệm tròn 75 năm Quyền Bầu cử của Phụ nữ. Phải mất 150 năm sau khi ký bản Tuyên ngôn Độc lập, phụ nữ mới có quyền bầu cử. Phải mất 72 năm tranh đấu có tổ chức do nhiều phụ nữ và đàn ông can đảm, trước khi chuyện ấy xảy ra. Đấy là một trong những cuộc chiến triết lý gây chia rẽ nhất của nước Mỹ. Quyền bầu cử cuối cùng được công nhận mà không phải bắn một phát súng nào.

Nhưng chúng ta cũng được nhắc nhở, khi kỷ niệm Ngày Chiến thắng Nhật Bản tuần rồi, về thành quả đạt được khi đàn ông và phụ nữ sát cánh bên nhau nhằm chiến đấu chống lại lực lượng của kẻ chuyên chế và nhằm xây dựng một thế giới tốt hơn. Chúng ta thấy hòa bình hiện diện trên phần lớn các nơi chốn trong nửa thế kỷ. Chúng ta tránh được một thế chiến nữa. Nhưng chúng ta vẫn chưa giải quyết được những vấn nạn xưa cũ hơn, có gốc rễ ăn sâu, tiếp tục hạ thấp tiềm năng của phân nửa dân số thế giới.

Bây giờ đã đến lúc hành động thay mặt cho phụ nữ khắp nơi. Nếu chúng ta có những bước đi dũng cảm để cải thiện cuộc sống của phụ nữ, thì chúng ta cũng sẽ có những bước đi dũng cảm để cải thiện cuộc sống của trẻ em và gia đình. Gia đình tùy thuộc vào bà mẹ và người vợ cho sự hỗ trợ và chăm sóc tình cảm. Gia đình tùy thuộc vào phụ nữ cho công việc trong nhà. Khắp nơi, càng ngày càng có thêm những gia đình tùy thuộc vào phụ nữ cho thu nhập cần thiết để nuôi nấng con cái khỏe mạnh và chăm sóc những thân nhân khác.

Chừng nào mà nạn kỳ thị và bất bình đẳng còn hiện diện khắp nơi trên thế giới, chừng nào mà con gái và đàn bà bị hạ thấp giá trị, ăn uống kém hơn, ăn uống sau cùng, làm việc quá sức, đồng lương hạ thấp, không được đi học, bị bạo hành bên trong và bên ngoài ngôi nhà của họ – thì chừng đó tiềm năng của gia đình con người không thể phát huy được để tạo ra một thế giới hòa bình, thịnh vượng. [vỗ tay]

Hội nghị này phải là lời kêu gọi của chúng ta – và là lời kêu gọi của thế giới – cho hành động. Chúng ta hãy nghe theo lời kêu gọi ấy hầu chúng ta có thể tạo dựng một thế giới trong đó mỗi phụ nữ được đối xử với lòng tôn trọng và phẩm giá, mỗi bé trai và bé gái được yêu thương và chăm sóc ngang bằng, mỗi gia đình có hy vọng cho một tương lai sáng sủa và ổn định. Đấy là thế giới trước mặt các bạn. Đấy là thế giới trước mặt tất cả chúng ta – những người có tầm nhìn về thế giới mà chúng ta muốn thấy – cho con và cháu của chúng ta.

Bây giờ đã đến lúc. Chúng ta phải có hành động tiếp theo sau ngôn từ hùng biện. Chúng ta phải có hành động sau khi nhận ra những vấn nạn, để cùng nhau làm việc, để có những nỗ lực chung nhằm xây dựng nền tảng chung ấy mà chúng ta hy vọng được thấy.

Xin Ơn Trên phù hộ các bạn, công việc của bạn, và những người sẽ hưởng lợi từ công việc ấy.

Chúc may mắn và cảm ơn quý vị rất nhiều. [vỗ tay]

Diệp Minh Tâm dịch từ bản ghi hình: YouTubehttp://www.youtube.com/watch?v=xXM4E23Efvk

Chú thích

[1] Huairou: quận nằm ở phía bắc Thành phố Bắc Kinh, nơi diễn ra hội nghị của các tổ chức phi chính phủ năm 1995, cùng lúc với Hội nghị Thế giới về Phụ nữ của Liên Hiệp Quốc lần thứ Tư. Từ đó, Ủy hội Huairou (Huairou Commission) ra đời nhằm liên kết những tổ chức phụ nữ ở cấp cơ sở.

    

One thought on ““Quyền của phụ nữ là nhân quyền” – Hillary Rodham Clinton

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *