Rùa Việt Nam

Rùa Việt Nam
Diệp Minh Tâm
2020

Phân hạng bảo tồn chủng loài
Nghị định 03/VBHN-BTNMT
Nghị định 06/2019/NĐ-CP
Công ước về Buôn bán Quốc tế động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES)
Phân hạng bảo tồn của IUCN
Phân hạng bảo tồn của Sách Đỏ Việt Nam

Rùa nước ngọt và rùa đất

1/ ba ba gai – wattle-necked softshell turtle (Palea steindachneri)
2/ ba ba Nam Bộ – Southeast Asian softshell turtle (Amyda cartilaginea)
3/ ba ba trơn – Chinese softshell turtle (Pelodiscus sinensis)
4/ giải, giải khổng lồ – Asian giant softshell turtle (Pelochelys cantorii)
5/ giải Sin-hoe, rùa Hoàn Kiếm – Yangtze giant softshell turtle (Rafetus swinhoei)
6/ rùa ba gờ – Mekong snail-eating turtle (Malayemys subtrijuga)
7/ rùa Batagur miền Nam – Southern river terrapin (Batagur affinis)
8/ rùa bốn mắt – four-eyed turtle (Sacalia quadriocellata)
9/ rùa câm – yellow pond turtle (Mauremys mutica)
10/  rùa cổ bự – black marsh turtle, Siamese temple turtle (Siebenrockiella crassicollis)
11/  rùa cổ sọc – Chinese stripe-necked turtle (Mauremys sinensis)
12/  rùa dứa – Asian leaf turtle (Cyclemys dentata)
13/  rùa đất lớn – giant Asian pond turtle (Heosemys grandis)
14/  rùa đất Pulkin – Eastern black-bridged leaf turtle (Cyclemys pulchristriata)
15/  rùa đất Sêpôn – Oldham’s leaf turtle (Cyclemys oldhamii)
16/  rùa đất Spengleri – black-breasted leaf turtle (Geomyda spengleri)
17/  rùa đầu to – big-headed turtle (Platysternum megacephalum)
18/  rùa hộp ba vạch – golden coin turtle (Cuora trifasciata)
19/  rùa hộp lưng đen – Asian box turtle (Cuora amboinensis)
20/  rùa hộp trán vàng miền Bắc – Indochinese box turtle (Cuora galbinifrons)
21/  rùa hộp trán vàng miền Trung – Central Vietnamese flowerback box turtle (Cuora bourreti)
22/  rùa hộp trán vàng miền Nam – southern Vietnamese box turtle (Cuora picturata)
23/  rùa núi vàng – elongated tortoise (Indotestudo elongata)
24/  rùa núi viền – impressed tortoise (Manouria impressa)
25/  rùa răng – yellow-headed temple turtle (Heosemys annandalii)
26/  rùa sa nhân – keeled box turtle (Cuora mouhotii)
27/  rùa Trung Bộ – Vietnamese box turtle (Mauremys annamensis)

Rùa biển

28/  đồi mồi – hawksbill sea turtle (Eretmochelys imbricata)
29/  đồi mồi dứa – olive ridley sea turtle (Lepidochelys olivacea)
30/  quản đồng – loggerhead sea turtle (Caretta caretta)
31/  vích, rùa xanh – green sea turtle (Chelonia mydas)
32/  rùa da – leatherback sea turtle (Dermochelys coriacea)

Rùa du nhập vào Việt Nam

33/  rùa bản đồ – common map turtle (Graptemys geographica)
34/  rùa bụng hồng – red-bellied short-necked turtle (Emydura albertisii)
35/  rùa bụng vàng – yellow-bellied slider turtle (Trachemys scripta scripta)
36/  rùa cá sấu – alligator snapping turtle (Macrochelys temminckii)
37/  rùa chân đỏ – red-footed tortoise (Chelonoidis carbonarius)
38/  rùa Châu Phi – African spurred tortoise (Centrochelys sulcata)
39/  rùa common snapping – snapping turtle (Chelydra serpentina)
40/  rùa da báo – leopard tortoise (Stigmochelys pardalis)
41/  rùa gỗ Trung Mỹ – Central American wood turtle (Rhinoclemmys pulcherimma)
42/  rùa Hermann – Hermann’s tortoise (Testudo hermanni)
43/  rùa khổng lồ – Aldabra giant tortoise (Aldabrachelys gigantea)
44/  rùa kim cương – diamondback terrapin (Malaclemys terrapin)
45/  rùa lá mata mata – mata mata (Chelus fimbriata)
46/  rùa lưỡi dao – razor-backed musk turtle (Sternotherus carinatus)
47/  rùa mũi lợn – pig nose turtle (Carettochelys insculpta)
48/  rùa ninja – yellow-spotted river turtle (Podocnemis unifilis)
49/  rùa núi nâu – Asian giant tortoise (Manouria emys)
50/  rùa sao Ấn Độ – Indian star tortoise (Geochelone elegans)
51/  rùa tai đỏ – red-eared slider turtle (Trachemys scripta elegans)
52/  rùa vẽ – painted turtle (Chrysemys picta)

Kết luận
Tài liệu tham khảo

Phân hạng bảo tồn chủng loài

Nghị định 03/VBHN-BTNMT

Nghị định 03/VBHN-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 11 tháng 5 năm 2020 “Về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ” có Phụ lục I “Danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ”, cũng liệt kê một số giống vật nuôi.

Nghị định 06/2019/NĐ-CP

Nghị định 06/2019/NĐ-CP về “quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp” nhằm luật hóa việc bảo vệ chủng loài nguy cấp, quý hiếm. Các loài động, thực vật rừng được chia thành các nhóm chính sau:

Công ước về Buôn bán Quốc tế động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES)

22 trong tổng số 25 loài rùa cạn và rùa nước ngọt Việt Nam được liệt kê trong phụ lục II và III của Công ước về Buôn bán Quốc tế Động Thực vật Hoang dã Nguy cấp (The Convention on International Trade in Endangered Species of Wild Fauna and Flora – CITES). Việc buôn bán các loài này qua biên giới quốc gia bị cấm nếu không có giấy phép của cơ quan quản lý CITES. Các loài bị cấm buôn bán qua biên giới được liệt kê trong 3 Phụ lục dưới đây, được tổng hợp năm 2019.

Việc xuất khẩu bất kỹ mẫu vật (sống hay chết) thuộc ba Phụ lục trên phải được cho phép trước, theo những điều kiện từ nghiêm nhặt ít đến nghiêm nhặt tối đa.

Việt Nam tham gia Công ước CITES từ năm 1994. Phiên bản CITES tham khảo cho bài này ghi ngày 26-11-2019; tham khảo online https://checklist.cites.org/ tháng 7-2020.

Phân hạng bảo tồn của IUCN

Nhằm nhận định đặc tính quý hiếm trên toàn cầu của các chủng loài, ta có thể tham khảo hệ thống phân hạng bảo tồn của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (International Union for Conservation of Nature and Natural Resources, viết tắt là IUCN) đối với các chủng loài chưa tuyệt chủng, tóm tắt như sau.

  • Rất nguy cấp (Critically Endangered – CR): đang có nguy cơ tuyệt chủng rất cao trong hoang dã.
  • Nguy cấp (Endangered – EN): đang có nguy cơ tuyệt chủng cao trong hoang dã, kém hơn mức CR.
  • Sẽ nguy cấp (Vulnerable – VU): đang có nguy cơ tuyệt chủng khá cao trong hoang dã.
  • Sắp bị đe dọa (Near-Threatened – NT): có nguy cơ tuyệt chủng khá cao trong hoang dã trong tương lai không xa.
  • Ít lo ngại (Least Concern – LC): ít có nguy cơ tuyệt chủng.
  • Thiếu dẫn liệu (Data Deficient – DD): chưa đủ thông tin về hiện trạng, có thể chuyển đổi thành cấp khác khi có đủ thông tin này.

CR, EN và VU là ba mức độ nguy cấp khác nhau.

Phân hạng bảo tồn của Sách Đỏ Việt Nam

Hệ thống phân hạng bảo tồn của Sách Đỏ Việt Nam 2007 cho các chủng loài ở Việt Nam – để tham khảo theo ý nghĩa khoa học – tương tự như hệ thống phân hạng của IUCN.

Rùa nước ngọt và rùa đất

ba ba gai – wattle-necked softshell turtle (Palea steindachneri)

Một trong năm loài rùa mai mềm của Việt Nam, thuộc Họ Ba ba (Trionychidae), gồm 22-25 loài có thân có thể dài đến 1 m, mỗi chân có ba móng, phiến giáp bụng hở, không liền với mai lưng, vỏ phủ một lượt da mềm, hô hấp phụ bằng da hỗ trợ cho phổi..

Thường dễ bị nhầm lẫn với các loài rùa mai mềm khác như: ba ba Nam bộ (Amyda cartilaginea), ba ba trơn (Pelodiscus sinensis), giải (Pelochelys cantorii), đặc biệt là giải Sin-hoe (Rafetus swinhoei). Đặc điểm phân biệt với các loài ba ba khác: các vết gấp của da sần tạo thành đám sần ở cổ (thấy rõ nhất khi chúng thò cổ dài), rìa trước và trên mai có nhiều nốt sần không đều.

Ba ba gai cái dài đến 44,5 cm; đực chỉ dài đến 36 cm nhưng có đuôi dài hơn. Mai có màu nâu đến xám. Mai của cá thể trưởng thành thường khá nhẵn, không có các gai. Yếm gần như trắng toàn bộ, có vài vết mờ hoặc lốm đốm. Đầu màu nâu hoặc xám có các đốm màu vàng, mũi dài giống như cái vòi. Con non: một viền trắng nhạt màu từ sau mắt đến đầu.

Sinh cảnh: Sông hồ, ao đầm đến độ cao 1500 m. Con trưởng thành chủ yếu sống dưới nước và ít khi lên bờ phơi nắng. Hoạt động ngày lẫn đêm và quanh năm.

Phân bố: Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Đang bị săn lùng ráo riết để làm thực phẩm. Mặt khác, hàng nghìn cá thể được sản xuất hàng năm trong các trại chăn nuôi ở Trung Quốc và Việt Nam.

Phân hạng bảo vệ: Nghị định 06/2019/NĐ-CP Nhóm IIB; CITES Phụ lục II; Sách Đỏ Việt Nam hạng EN; IUCN 2000 hạng EN.

ba ba Nam Bộ – Southeast Asian softshell turtle (Amyda cartilaginea)

Một trong năm loài rùa mai mềm của Việt Nam, thuộc Họ Ba ba (Trionychidae). Tên khoa học cũ là Amyda cartilaginea.

Thường dễ bị nhầm lẫn với các loài rùa mai mềm khác như: ba ba trơn (Pelodiscus sinensis), ba ba gai (Palea steindachneri), giải (Pelochelys cantorii), và đặc biệt là giải Sin-hoe (Rafetus swinhoei). Có thể nhận biết ba ba Nam bộ với các loài rùa mai mềm khác bởi các nốt sần dọc rìa trước của mai, ngay phía sau đầu.

60-100 cm. Đầu màu nâu hoặc xám có các đốm màu vàng, mũi dài giống như cái vòi. Mai màu nâu hoặc xám, khá nhẵn, không có các gai hay nốt sần ngoại trừ một hàng các nốt sần nhỏ dọc theo rìa trước. Đầu tròn, màu nâu hoặc xám có các đốm màu vàng, mũi dài giống như cái vòi. Cổ dài. Yếm mềm, tương đối tròn, màu trắng hoặc nâu nhạt. Con non: các chấm hoặc đốm màu vàng nhạt trên mai. Chân có màng, móng chân khỏe và nhọn, đặc biệt ở chân trước. Bụng phẳng, mềm, màu nâu nhạt. Con non: có các chấm hoặc đốm màu vàng trên mai.

Sinh cảnh: Đầm lầy, suối, các khu vực nước rộng, thích nơi nước có bùn. Ăn tạp: cá, ếch nhái, tôm, côn trùng, thực vật, và cũng ăn xác chết. Mai mềm và phẳng giúp con vật dễ vùi thân trong bùn. Cổ dài và đầu hẹp có thể cử động nhanh để bắt loài thủy sinh, cũng như để vươn lên thở trên mặt nước mà không lộ thân ra. Chân rộng và phẳng có công dụng như mái chèo để bơi trong nước.

Phân bố: Nam Trung Bộ đến Nam Bộ.

Phân hạng bảo vệ: CITES Phụ lục II; IUCN 2000 hạng VU.

ba ba trơn – Chinese softshell turtle (Pelodiscus sinensis)

Một trong năm loài rùa mai mềm của Việt Nam, thuộc Họ Ba ba (Trionychidae). Tên khoa học cũ là Trionyx sinensis.

Thường dễ bị nhầm lẫn với các loài rùa mai mềm khác như: ba ba Nam bộ (Amyda cartilaginea), ba ba gai (Palea steindachneri), giải (Pelochelys cantorii) và đặc biệt là giải Sin-hoe (Rafetus swinhoei). Có thể nhận biết ba ba trơn dựa vào đặc điểm mũi dài, các đốm đen trên yếm đối xứng rõ ràng ở các con non, không có nếp gấp tạo thành đám sần ở phía cổ như ba ba gai hay các nốt sần dọc phần rìa trước của mai như ba ba Nam Bộ.

Chiều dài mai con cái có thể đến 33 cm; con đực chỉ đến 27 cm. Có chân màng để bơi.

Mai và thân màu ô-liu hoặc nâu, có thể có những đốm sậm, có những gờ nhỏ chạy dọc suốt chiều dài mai và một đường gờ hình trụ chạy quanh mai. Có mũi dài giống ba ba Nam Bộ và ba ba gai. Yếm màu trắng hoặc vàng tươi kèm đốm màu đậm đối xứng. Con non: yếm màu cam kèm theo đốm đen đối xứng.

Sinh thái: sống ở ao, đầm lầy, đất ngập nước ở vùng nước nông. Săn mồi về đêm, ăn động vật giáp xác, động vật thân mềm, cá, côn trùng, các loài lưỡng cư. Lúc nghỉ nằm ở đáy, vùi trong cát hoặc bùn, đầu nhô lên để hô hấp và phát hiện con mồi.

Phân bố: toàn cõi Việt Nam.

Ba ba trơn được nuôi tại các trang trại ở Việt Nam và các khu vực khác ở Châu Á. Hầu hết các trường hợp loài động vật này bị mua bán đều có nguồn gốc từ các trang trại.

Phân hạng bảo vệ: CITES không tìm thấy phân hạng; IUCN 2000 hạng VU.

giải, giải khổng lồ – Asian giant softshell turtle (Pelochelys cantorii)

Một trong năm loài rùa mai mềm của Việt Nam, thuộc Họ Ba ba (Trionychidae).

Thường dễ bị nhầm lẫn với các loài rùa mai mềm khác như: ba ba Nam bộ (Amyda cartilaginea), ba ba trơn (Pelodiscus sinensis), ba ba gai (Palea steindachneri),và đặc biệt là giải sin-hoe (Rafetus swinhoei). Có thể nhận dạng loài này dựa vào đặc điểm mũi ngắn (không dài như cái vòi ở những loài rùa mai mềm khác), và vùng da quanh cổ kéo dài ra phía sau cùng với phần rìa trước của mai.

Mai dài 70-100 cm (kích thước lớn hơn là do đồn đại), hình tròn, có màu xám-nâu. Mặt giống con ếch. Đầu nhỏ; mắt nhỏ ở gần chót mũi. Toàn bộ yếm có màu trắng ngà.

Sinh cảnh: Khu vực sông lớn, tĩnh. Chủ yếu ăn động vật giáp xác, nhuyễn thể và cá. Bắt mồi bằng cách rình rập, nằm bất động khoảng 95% thời gian, chỉ có mắt và mũi nhô lên phía trên bùn hoặc cát.

Tình trạng: ngày xưa phân bố ở Bắc Bộ (ngoại trừ Đông-Bắc và Tây Bắc), Trung Bộ (ngoại trừ cao nguyên), Nam Bộ (ngoại trừ vùng phía Tây). Hiện nay gần như biến mất hoàn toàn ở Việt Nam.

Phân hạng bảo vệ: Nghị định 03/VBHN-BTNMT Phụ lục I; Nghị định 06/2019/NĐ-CP Nhóm IB; CITES Phụ lục II (đối với cả chi Pelochelys); IUCN 2000 hạng EN.

giải Sin-hoe, rùa Hoàn Kiếm – Yangtze giant softshell turtle (Rafetus swinhoei)

Còn được gọi là rùa Hồ Gươm, rùa mai mềm khổng lồ Dương Tử – Red River giant softshell turtle, Shanghai softshell turtle hoặc Swinhoe’s softshell turtle, thuộc Họ Ba ba (Trionychidae). Tên khoa học được đặt theo tên nhà sinh vật học người Anh Robert Swinhoe, người gửi một mẫu vật giải Sin-hoe cho Bảo tàng Anh quốc năm 1873 để nghiên cứu và mô tả lần đầu tiên cho khoa học.

Thường dễ bị nhầm lẫn với các loài rùa mai mềm khác như: ba ba Nam Bộ, ba ba trơn, ba ba gai, và giải. Có thể phân biệt giải sin-hoe với các loài khác dựa vào đặc điểm mũi ngắn hơn, không có nếp gấp tạo thành đám sần ở phía cổ như ba ba gai hay các nốt sần dọc rìa trước của mai như ba ba Nam Bộ.

Đây chính là loài rùa gắn kết với truyền thuyết kể rằng sau khi đánh tan quân Minh và lên ngôi hoàng đế, nhân một buổi đẹp trời Lê Lợi ngự giá ra chơi Hồ Tả Vọng (còn gọi là Hồ Lục Thủy vì nước xanh sẫm). Thuyền rồng vừa đến giữa hồ, bỗng dưới nước nổi lên một rùa vàng rất to. Rùa bơi đến trước thuyền rồng, cúi đầu như có ý bái lạy và cất tiếng: “Việc nước đã xong, xin bệ hạ hoàn lại kiếm thần.” Khi đó, nhà vua liền phán: “Khi ta dựng cờ khởi nghĩa, Đức Long Quân cho ta mượn thanh bảo kiếm. Nay việc lớn đã xong, Người sai phái sứ thần đến đòi, ta trao trả lại”. Vua tung gươm, rùa vàng liền đớp lấy gươm lặn xuống nước mất tăm. Từ đó, hồ có tên là Hoàn Kiếm (dân gian quen gọi là Hồ Gươm).

GS Hà Đình Đức, người được coi là bỏ nhiều công nhất để nghiên cứu rùa Hoàn Kiếm, cho biết trong thời cận đại có 4 cụ rùa. Cụ thể: cho đến năm 2016 trong hồ còn lại duy nhất một cụ – đang được chữa bệnh. Hai cụ bị chết, tiêu bản xác một cụ được trưng bày ở Đền Ngọc Sơn, bộ xương cụ kia hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội. Một cụ nữa hiện không còn lưu dấu tích nhưng qua lời kể của nhà văn Đào Quang Thép, vào năm 1963, sau một đợt mưa lớn, nước Hồ Gươm tràn bờ, cụ rùa bò lên vườn hoa Chí Linh (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ), bị một nhóm tuần tra bắt gặp, tròng dây vào cổ, kéo về trụ sở, sau đó làm thịt.

Giải Sin-hoe là một trong năm loài rùa mai mềm của Việt Nam và thường dễ bị nhầm lẫn với các loài rùa mai mềm khác như: ba ba Nam bộ (Amyda cartilaginea), ba ba trơn (Pelodiscus sinensis), ba ba gai (Palea steindachneri), và giải (Pelochelys cantorii). Có thể phân biệt giải Sin-hoe với các loài khác dựa vào đặc điểm mũi ngắn hơn, không có nếp gấp tạo thành đám sần ở phía cổ như loài Ba ba gai hay các nốt sần dọc rìa trước của mai như loài ba ba Nam bộ.

Kích thước khá lớn. Mai mềm, màu nâu đến xám. Đầu tương đối nhỏ và rộng. Mũi ngắn hơn các loài rùa mai mềm khác. Mõm ngắn, tròn, vòi rất ngắn. Lưng màu vàng lục có những đốm vàng. Yếm bụng màu trắng nhạt. Đầu và cằm màu vàng với các đốm hoặc vằn màu đậm, đỉnh đầu có màu tối hơn.

Đẻ nhiều trứng. Một cá thể cái trong Vườn thú Suzhou, Trung Quốc, đẻ 51 trứng (11 bị nứt vỏ) ngày 07-6-2011, 67 trứng (5 bị nứt vỏ) ngày 27-6, và 70 trứng (16 5 bị nứt vỏ) ngày 10-7. Không có trứng nào nở. Hai cá thể có giao phối nhưng có lẽ con đực không có tinh trùng. Việc thụ tinh nhân tạo sau đó cũng không thành công.

Giải Sin-hoe từng sống tại Hồ Gươm. Con cuối cùng chết vào ngày 19 tháng 1 năm 2016.

Theo di thể rùa chết vào thập niên 1960 hiện lưu giữ trong đền Ngọc Sơn, cá thể đó cân nặng 250 kg với chiều dài 2,1 m và chiều rộng 1,8 m. Cá thể mà Thành phố Hà Nội bắt để chữa trị vết thương trên thân rùa hồi tháng 4 năm 2011 là giống cái, nặng 169 kg, thân dài 185 cm, mai rộng 99 cm, đuôi dài 35 cm.

Sinh cảnh: sông lớn, hệ thống đầm lầy, hồ rộng có cấu tạo phức tạp.

Ngày 13-4-2019, cá thể cái cuối cùng được biết trên thế giới chết ở Trung Quốc (Platt, 2019). Lúc này trên thế giới chỉ còn lại 3 cá thể đực được biết đến, một nuôi nhốt ở công viên Sơn Phương, Trung Quốc và hai ngoài hoang dã ở Việt Nam: Hồ Đồng Mô và Hồ Xuân Khanh, đều ở Sơn Tây, Hà Nội.

Đây là loài cực kỳ nguy cấp; có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới.

Trong nỗ lực tìm kiếm thêm các cá thể rùa Hoàn Kiếm, Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã (Wildlife Conservation Society  WCS) đang tiến hành thăm dò tại nhiều hồ tự nhiên của Việt Nam và gần đây đã xây dựng bộ dụng cụ di động chẩn đoán phân tử nhằm xác định gen của Rafetus swinhoei trong môi trường, mang lại hy vọng mới cho việc tìm kiếm cá thể rùa Hoàn Kiếm ngoài hoang dã.

Trong năm 2019, một số khảo sát dựa trên phỏng vấn được thực hiện ở các khu vực Sông Đà và Sông Hồng ở Bắc Bộ, Sông Mã và Sông Chu ở Việt Nam và Lào. Nhóm nghiên cứu tìm thấy vài địa điểm có tiềm năng phát hiện giải Sin-hoe. Nghiên cứu vẫn đang được tiếp tục.

Phân hạng bảo vệ: Nghị định 03/VBHN-BTNMT Phụ lục I; Nghị định 06/2019/NĐ-CP Nhóm IB; CITES Phụ lục II [đáng lẽ phải trong Phụ lục I]; IUCN 2000 hạng CR.

rùa ba gờ – Mekong snail-eating turtle (Malayemys subtrijuga)

Thuộc Họ Rùa đầm lầy (Emydidae) gồm 50 loài.

Dễ phân biệt với các loài khác bởi mai có ba gờ dọc rõ ràng trên lưng, đầu khá lớn, có những sọc màu trắng sữa quanh mắt và ở mũi.

Mai dài 21 cm, màu nâu sáng hoặc sẫm, đôi khi nâu-đỏ, rìa mai màu trắng ngà, bờ sau mai không có răng cưa. Yếm cứng, màu vàng-nâu, có những cặp đốm đen dài khá lớn đối xứng nhau, bờ trước yếm gần thẳng, bờ sau yếm lõm. Đầu to, có sọc màu trắng ngà (một sọc từ mút mõm qua phía trên ổ mắt kéo về phía cổ, một sọc từ mũi qua phía dưới ổ mắt tới cổ), một đốm trắng ở phía sau ổ mắt.

Sinh cảnh: đầm lầy, kênh rạch và dòng sông tĩnh. Ăn chủ yếu động vật: cua, tôm, côn trùng, giun, cá nhỏ, đặc biệt thích ăn ốc, trai, hến.

Phân bố: Đồng Nai, Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau. Số lượng bị giảm sút do săn bắt, nơi cư trú bị ô nhiễm (bón phân hóa học và phun thuốc trừ sâu trên đồng ruộng).

Giá trị: có giá trị khoa học, thẩm mỹ, giúp học sinh, sinh viên tìm hiểu về tập tính sinh thái của loài này trong tự nhiên. Chúng còn được nuôi ở những nơi vui chơi, giải trí (vườn động vật).

Rùa ba gờ được buôn bán nhiều để làm cảnh.

Phân hạng bảo vệ: Nghị định 06/2019/NĐ-CP Nhóm IIB; CITES Phụ lục II; IUCN 2000 hạng VU.

rùa Batagur miền Nam – Southern river terrapin (Batagur affinis)

Thuộc Họ Rùa đầm lầy (Emydidae). Tên khoa học đồng nghĩa: Tetraonyx affinis.

Kích thước lớn: mai dài đến 62 cm, gồ lên, khá nhẵn, màu xám pha nâu hoặc xám pha lam. Con cái dài hơn con đực khoảng 11%. Chân mạnh mẽ, móng có màng bơi, chân trước có 4 móng vuốt. Đầu thon nhỏ so với thân còn lại.

Sinh thái: sống ở vùng cửa sông nước ngọt hoặc nước lợ có hàm lượng muối dưới 20 ppt. Di chuyển lên vùng thượng nguồn khi triều lên, và di chuyển xuống hạ nguồn trở lại khi triều xuống. Đẻ trứng trên bãi cát dọc bờ sông vào mùa nước lũ rút xuống. Mỗi mùa có thể đẻ vài ổ. Rùa cái cũng đào ổ giả mà không đẻ trứng nhằm đánh lừa các loài thiên địch săn trứng. Rùa con nở ra sau 88 ngày, dài 56-66 mm. Trưởng thành sinh dục sau 25 năm. Ăn tạp động vật lẫn thực vật.

Từ xưa vẫn được xem là “Rùa Hoàng gia” ở Campuchia do được bảo vệ bởi một chiếu chỉ của hoàng gia và trứng được xem là một món ăn cung đình. Năm 2005, được vinh danh là rùa quốc gia của Campuchia nhằm nâng cao ý thức bảo vệ loài rùa này.

Năm 2012, Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên (TP.HCM) trao tặng rùa Batagur miền Nam về cho Chính phủ Hoàng gia Campuchia. Năm 1980 Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên mua cá thể này từ một nông dân tìm thấy trong thiên nhiên, khi đó rùa khoảng 2 kg; 32 năm sau rùa nặng hơn 45 kg. Tháng 10-2010, trong một lần tham quan Suối Tiên, một cán bộ Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) phát hiện cá thể rùa nước ngọt này có tên khoa học là Batagur affinis và xác định đây là giống Rùa Hoàng gia quý hiếm. (Hương Thu, 2012)

Các tài liệu quốc tế hiện giờ đều ghi loài rùa này đã biến mất hoàn toàn ở Việt Nam.

Phân hạng bảo vệ: Nghị định 06/2019/NĐ-CP Nhóm IB; CITES Phụ lục I; IUCN 2018 CR.

rùa bốn mắt – four-eyed turtle (Sacalia quadriocellata)

Thuộc Họ Rùa đầm lầy (Emydidae). Tên khoa học đồng nghĩa: Clemmys bealei quadriocellata.

Kích thước nhỏ: con đực dài 12-15 cm, con cái dài 15-18 cm. Đặc điểm phân biệt: bốn mắt giả trên đầu ở cả con đực và cái. Mai hình ô-van có màu xám đậm đến nâu, một gờ nổi rất rõ ở sống lưng, viền mai nhẵn. Cổ có 3 sọc màu trắng nhạt ở mỗi bên. Đuôi ngắn. Yếm màu nâu nhạt. Bốn chân khỏe mạnh, có màng để bơi. Con cái: mắt giả màu vàng tươi; yếm màu vàng nhạt hoặc kem, có thể có những vạch hoặc đốm đen. Con đực: mắt giả màu xanh nhạt, chuyển dần sang màu sậm hơn khi chúng trưởng thành; yếm màu cam, có thể có các đốm hơi đỏ. Con non; mắt giả màu vàng tươi.

Sinh thái: sống ở ao, hồ, suối và đất ngập nước trong rừng thường xanh. Cần thủy vực có nước sạch và chứa nhiều oxy. Khi nước bị ô nhiễm, dễ bị vi trùng và nấm ăn da và mai. Chủ yếu đi trên đáy thủy vực để kiếm mồi. Hoạt động chủ yếu lúc bình minh và hoàng hôn; ban ngày ẩn thân trong đám thực hoặc phơi nắng trên cát/đá, và lúc nào cũng gần bờ nước. Thức ăn là ốc, cua, tôm, loài giáp xác nhỏ.

Phân bố: Lào Cai (Bảo Hà), Quảng Ninh (Tân Ấp), Hà Tĩnh (Vụ Quang), Quảng Nam–Đà Nẵng (Phúc Sơn) ở độ cao 170-500 m. Số lượng ít nên rất hiếm gặp.

Phân hạng bảo vệ: Nghị định 06/2019/NĐ-CP Nhóm IIB; CITES Phụ lục II; IUCN 2000 hạng EN.

Ghi chú: Có mô tả về loài Sacalia pseudocellata, nhưng thật ra đây là chủng lai giữa rùa bốn mắt và rùa hộp ba vạch.

rùa câm – yellow pond turtle (Mauremys mutica)

Có tên khác là rùa đẹp hay rùa ao vàng – Asian yellow pond turtle, thuộc Họ Rùa đầm (Geoemydidae, trước đây là Bataguridae), gồm 70 loài loài rùa ao hồ, đầm, sông ngòi tại đại lục Á-Âu cũng như rùa rừng Tân Thế giới. Đực cái thường khác nhau. Ngón chân có màng. Cổ thẳng đứng. Mai có 24 tấm.

Mai màu nâu hoặc nâu gụ, đầu màu nâu xám, hai bên má màu vàng nhạt, trên đầu có hai sọc màu vàng nhạt. Yếm màu vàng, có các tấm đen ở mỗi tấm yếm.

Thức ăn chính là giun, ếch nhái, tép, cá.

Theo quan niệm của Đông y, rùa câm là một dược liệu rất quý. Thịt rùa là thức ăn bổ dưỡng có tác dụng cường dương, yếm và mai dùng để nấu cao, huyết rùa có thể chữa một số bệnh tim mạch, điều hoà huyết áp. Mai rùa có hàm lượng khoáng chất cao, có giá trị dược liệu quý, là nguyên liệu làm “quy bản”.

Tình trạng: từng phân bố ở Bắc Bộ và Trung Bộ nhưng đã gần như biến mất hoàn toàn ngoài hoang dã, được nuôi thương phẩm ở nhiều nơi để xuất bán sang Trung Quốc. Chỉ có những cặp rùa bắt từ hoang dã mới có thể phối giống, đẻ trứng và ấp thành rùa con. Những thế hệ rùa từ F2 trở đi không cỏn khả năng này.

Được nuôi để giúp nhiều hộ vượt qua đói nghèo. Tuy nhiên, có lúc không có đầu ra, người nuôi rùa câm gặp nhiều khó khăn. Việc này hẳn là do thiếu sự nối kết giữa hai bên cung và cầu.

Phân hạng bảo vệ: Nghị định 06/2019/NĐ-CP Nhóm IIB; CITES Phụ lục II; IUCN hạng EN.

rùa cổ bự – black marsh turtle, Siamese temple turtle (Siebenrockiella crassicollis)

Các tên khoa học đồng nghĩa: Emys crassicollis, Pangshura cochinchinensis, Kachuga cochinchinensis, thuộc Họ Rùa đầm lầy (Emydidae).

Kích thước mai trung bình 17 cm, ít khi quá 20 cm. Đặc điểm nhận dạng: đầu sẫm màu có một khoang trắng hoặc phớt vàng phía sau mỗi mắt và một vài chấm mờ khác xung quanh miệng và cằm. Đầu rộng. Mỗi bên rìa hàm trên cong hướng lên trên giống như môi đang cười nên tạo ra tên “rùa cười” (smiling terrapin). Mai đen tuyền, rìa mai phía đuôi xẻ răng cưa, một gờ chạy dọc phần giữa của mai. Yếm màu nâu đen và có các chùm tia hình rẻ quạt màu đen, hoặc yếm gần đen toàn bộ với các đốm đậm bao phủ mỗi tấm yếm. Con non có các điểm tương tự như con trưởng thành.

Sinh thái: chủ yếu sống dưới nước nhưng cũng lên bờ phơi nắng để điều hòa thân nhiệt. Thích nơi nước lặng, cạn, đất trũng và có nhiều mầm thực vật. Di chuyển chậm chạp, bơi lội kém linh hoạt. Ăn tạp: động vật không xương sống, xác động vật chết và thực vật thủy sinh.

Rùa cổ bự thường được nuôi làm cảnh và cũng được xem là con vật linh thiêng nên thường được nuôi ở chùa Phật. Tuy vậy, chúng vẫn bị săn bắt ráo riết để làm thực phẩm và dược phẩm Đông y, trở thành là đối tượng mua bán trên thị trường quốc tế.

Tình trạng: phân bố ở Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau. Số lượng ít nên hiếm gặp.

Phân hạng bảo vệ: Nghị định 06/2019/NĐ-CP Nhóm IIB; CITES Phụ lục II;

rùa cổ sọc – Chinese stripe-necked turtle (Mauremys sinensis)

Thuộc Họ Rùa đầm lầy (Emydidae). Các tên khoa học đồng nghĩa: Emys sinensis, Emys bennettii.

Khi rụt vào trong mai, loài rùa này có thể bị nhầm với rùa Trung Bộ và rùa câm, yếm của rùa cổ sọc thường tối màu hơn hai loài rùa trên.

Rùa cổ sọc có kích thước trung bình: 20-22 cm. Mai hơi phồng, gờ sống lưng rõ, màu xanh-xám đến đen. Đúng như tên gọi: nhiều sọc mảnh từ vàng nhạt đến lục nhạt chạy dọc hai bên cổ. Đầu, chân và đuôi có màu từ xanh ô-liu đến xám. Họng có những sọc nâu nhạt hay nâu hồng. Yếm có màu nâu-vàng, mỗi tấm yếm có viền nhạt và có đốm nâu to đối xứng, bờ trước gần phẳng, bờ sau lõm hình chữ V. Chi trước 5 ngón, chi sau 4 ngón, các ngón có màng hoàn toàn. Con non: có 4 gờ, lặn dần theo thời gian.

Tình trạng: sống ven khe suối, đầm lầy và kênh rạch trong rừng núi, gần vực nước chảy chậm hoặc nước tĩnh có bùn ở đáy. Phân bố ở độ cao 150-600 m đến Quảng Ngãi (Bình Sơn), là giới hạn xa nhất về phía Nam. Ăn tạp: côn trùng, giun, cá và thực vật thủy sinh.

Đẻ mỗi năm 3 lứa, mỗi lứa 5-20 trứng, nở sau 60 ngày. Con non dài 3-3,5 cm.

Phân bố: Vĩnh Phúc, Hà Tây, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam và Bình Phước

Tình trạng: số lượng ngoài tự nhiên ngày càng suy giảm do săn bắt vì vùng phân bố hẹp, số lượng cá thể không nhiều lại bị khai thác quá mức.

Phân hạng bảo vệ: CITES không tìm thấy phân hạng, IUCN hạng EN.

rùa dứa – Asian leaf turtle (Cyclemys dentata)

Các tên khoa học đồng nghĩa: Emys dentata, Cyclemys oldhami, thuộc Họ Rùa đầm lầy (Emydidae).

Loài rùa nhỏ. Có những mảnh sừng trên mai cùng một kiểu hoa văn. Thường có những sọc màu vàng hay vàng-cam ở đầu và cổ. Một khớp nối ở yếm lớn theo quá trình phát triển từ con non đến con trưởng thành. Yếm màu vàng, thường có những sọc ngắn trên các tấm. Đuôi nhỏ và ngắn. Con non: có nhiều đốm rõ, nhạt dần theo tuổi.

Sinh thái: sống phổ biến nhất ở suối trong rừng ở độ cao từ 300-1200 m. Hoạt động từ lúc tảng sáng đến sẩm tối. Thức ăn chính là trái cây, thực vật có nhiều lá, loài động vật không xương sống và thịt xác chết đang thối rữa. Mỗi lần chỉ đẻ 1-3 trứng lớn có vỏ cứng. Rùa con mới nở dài khoảng 5,5 cm, hầu như có hình dáng tròn và màu sáng hơn con lớn.

Tình trạng: phân bố ở Quảng Ninh. Vì có kích thước nhỏ đẹp nên thường bị săn bắt và buôn bán để nuôi làm cảnh.

Giá trị: loài có giá trị khoa học, thẩm mỹ, giúp học sinh, sinh viên tìm hiểu về tập tính sinh thái của loài này trong hoang dã.

Phân hạng bảo vệ: CITES Phụ lục II (đối với cả chi Cyclemys)

rùa đất lớn – giant Asian pond turtle (Heosemys grandis)

Có tên trong dân gian là càng đước, thuộc Họ Rùa đầm lầy (Emydidae).

Rùa đất lớn thường bị nhầm với rùa đất Pulkin và loài rùa đất Sêpôn do giống nhau về bề ngoài. Tuy nhiên, trong khi cả hai loài sau đều có một phần bản lề ở yếm, rùa đất lớn lại không có. Có thể phân biệt rùa đất lớn trưởng thành với các loài tương tự nhờ vào gờ có màu vàng nhạt trên mai. Loài rùa này cũng lớn hơn so với các loài rùa mai cứng khác (ngoại trừ loài rùa răng).

Rùa đất lớn có cỡ lớn: chiều dài mai 40-48 cm. Đầu có những chấm màu cam và đen. Mai nhô cao, màu nâu-đen, có một gờ màu vàng nhạt dọc sống lưng, bờ sau mai có răng cưa rõ. Đặc biệt, tấm bìa 1 thường có góc lồi khỏi bờ mai rõ ràng và có hình tam giác. Yếm màu vàng nhạt hay nâu nhạt, các tấm yếm có những tia màu nâu sẫm hay đen từ những chấm đen trên từng tấm yếm, bờ trước yếm gần như thẳng, bờ sau yếm khuyết. Đuôi rất ngắn.

Sinh thái: sống ở ao, sông, suối, đầm lầy có nước chảy chậm trên nhiều địa hình có độ cao khác nhau. Thức ăn là quả, thực vật thủy sinh và động vật nhỏ, trong điều kiện nuôi rất thích ăn chuối chín.

Tình trạng: phân bố ở Gia Lai, Dak Lak, Đồng Nai, Bình Phước và các tỉnh Nam Bộ. Nơi cư trú bị chia cắt. Số lượng ngoài hoang dã giảm sút do săn bắt.

Giá trị: có giá trị nghiên cứu khoa học và thẩm mỹ. Rùa còn được nuôi ở những nơi vui chơi giải trí như công viên, vườn động vật giúp học sinh, sinh viên tìm hiểu về tập tính sinh thái.

Phân hạng bảo vệ: Nghị định 06/2019/NĐ-CP Nhóm IIB; CITES Phụ lục II; IUCN hạng VU.

rùa đất Pulkin – Eastern black-bridged leaf turtle (Cyclemys pulchristriata)

Có tên khác là rùa dứa sọc, thuộc Họ Rùa đầm lầy (Emydidae).

Rùa đất Pulkin và rùa đất Sêpôn rất giống nhau về kích thước, hình dáng và đặc điểm bên ngoài. Tuy nhiên, rùa đất Pulkin có yếm màu vàng-nâu hoặc vàng-xám với sọc, còn rùa đất Sêpôn lại có yếm màu đen. Rùa đất lớn khi còn nhỏ có thể khá giống hai loài trên, nhưng trên mỗi tấm yếm có hình tia rẻ quạt tạo thành từ các sọc đen và không có bản lề trong khi cả hai loài tren lại có bản lề không đóng kín.

Rùa đất Pulkin có kích thước trung bình. Mai hơi phồng, màu từ xám đến nâu, các tấm có những sọc nâu nhạt. Có các sọc màu cam hay vàng nhạt ở đầu và cổ. Yếm vàng, thường có những sọc ngắn trên các tấm. Có bản lề trên yếm cho phép chúng đóng một phần cơ thể trong mai.

Kích thước, hình dáng bên ngoài rất giống với loài rùa đất Sêpôn (Cyclemys tcheponensis) nhưng các sọc trên mai rùa đất Sêpôn có màu đen. Con non: có nhiều đốm rõ ràng, mờ dần khi trưởng thành

Cũng rất giống loài rùa đất lớn (Heosemys grandis) lúc chưa trưởng thành, nhưng trên mỗi tấm yếm của rùa đất lớn có hình tia rẻ quạt tạo thành từ các sọc đen và mai không có bản lề trong khi các loài thuộc giống Cyclemys có bản lề không đóng kín.

Sinh thái: sống ở suối và đầm lầy, nơi nước chảy chậm hay tĩnh; ăn tạp (côn trùng, giun, cá và thực vật thủy sinh).

Tình trạng: Phân bố hầu khắp đất nước từ Bắc vào Nam. Mặc dù có vùng phân bố rộng khắp nhưng số lượng cá thể không nhiều vì bị khai thác quá mức.

Giá trị: loài có giá trị khoa học, thẩm mỹ, giúp học sinh, sinh viên tìm hiểu về tập tính sinh thái của loài này trong thiên nhiên. Cần tổ chức nhân nuôi ở các khu bảo tồn nhằm nhân giống để thả vào môi trường tự nhiên và giữ lại nguồn gen.

Phân hạng bảo vệ: Nghị định 06/2019/NĐ-CP Nhóm IIB; CITES Phụ lục II (đối với cả chi Cyclemys); IUCN không tìm thấy phân hạng.

rùa đất Sêpôn – Oldham’s leaf turtle (Cyclemys oldhamii)

Thuộc Họ Rùa đầm lầy (Emydidae). Có những tên khoa học đồng nghĩa: Cyclemys tcheponensis, Geoemydas tcheponensis.

Rùa đất Sêpôn và rùa đất Pulkin giống nhau về kích thước, hình dáng và đặc điểm bên ngoài. Tuy nhiên, rùa đất Sêpôn có yếm màu nâu-đen, còn rùa đất Pulkin có yếm màu vàng nhạt hoặc có các sọc. Rùa đất lớn khi còn nhỏ có thể khá giống hai loài trên, nhưng trên mỗi tấm yếm có những tia rẻ quạt tạo thành từ các sọc đen và không có bản lề, trong khi hai loài trên có bản lề không đóng kín.

Rùa đất Sêpôn có kích thước trung bình, dài đến 22 cm. Mai màu xám, nâu tối hoặc đen; có một gờ giữa lưng nhưng không rõ rệt. Có vài sọc màu hồng, vàng nhạt hoặc vàng-cam phía dưới cổ mở rộng về phía dưới ổ mắt đến tận mũi và cằm. Yếm màu nâu-đen, có bản lề như rùa đất Pulkin. Con đực có đuôi dài và dầy hơn con cái.

Sinh thái: sống ở sông suối bao quanh bởi rừng ở cao độ thấp, di chuyển giữa hai môi trường nước và trên bộ. Thức ăn chủ yếu là giun đất, côn trùng, cá, tôm và hoa quả, lá xanh. Hiện chưa có số liệu về sinh sản.

Phân bố: Lai Châu (Chà Cang), Hoà Bình (Mai Châu) Hà Tĩnh (Vũ Quang), Quảng Trị, Gia Lai (Sơklang), Đồng Nai (VQG Cát Tiên).

Giá trị: loài rùa có giá trị khoa học, thẩm mỹ, giúp học sinh, sinh viên tìm hiểu về tập tính sinh thái của loài này trong hoang dã.

Tình trạng: bị mua bán nhiều trên thị trường toàn cầu.

Phân hạng bảo vệ: Nghị định 06/2019/NĐ-CP Nhóm IIB; CITES Phụ lục II (đối với cả chi Cyclemys); IUCN hạng VU.

rùa đất Spengleri – black-breasted leaf turtle (Geomyda spengleri)

Thuộc Họ Rùa đầm (Geoemydidae), có tên khoa học đồng nghĩa là Testudo spengleri.

Còn được gọi là rùa lá, rùa vàng Tam Đảo, có tên khoa học đồng nghĩa là Testudo spengleri.

Rùa đất Spengler thường bị nhầm với rùa sa nhân lúc nhỏ vì chúng rất giống nhau về màu sắc, cùng có 3 gờ cao ở lưng và viền mai sau có hình răng cưa sâu. Tuy nhiên, rùa đất Spenglơ có mai thuôn dài và dẹt hơn, còn con non của rùa sa nhân có mai gồ cao hơn.

Rùa đất Spengler có kích thước nhỏ: dài không tới 12 cm. Mai dài, phẳng, hẹp; màu cam, nâu, xám hoặc nâu nhạt. Mắt lồi to, con ngươi tròn màu đen. Yếm màu đen, có hai vạch vàng hai bên, không có bản lề.

Sinh thái: sống trong rừng nguyên sinh và thứ sinh, sườn đồi Bắc Bộ ở độ cao từ 800-1500 m. Thường gặp nằm dưới lớp thảm mục thực vật hay những tảng đá ven bờ suối nhỏ. Thức ăn chủ yếu là động vật nhỏ như ốc sên, giun đất và các động vật không xương sống khác.

Tình trạng: phân bố ở vùng núi đồi VQG Hoàng Liên, VQG Ba Bể, Khu BTTN Tây Yên Tử, VQG Phong Nha–Kẻ Bàng, VQG Tam Đảo, ở cả khu vực Trung Bộ (Quảng Trị), vào đến Tây Nguyên. Vì có kích thước nhỏ đẹp nên thường bị bắt để bán cho người nuôi cảnh nên số lượng giảm sút nhanh chóng.

Giá trị: loài có giá trị khoa học, thẩm mỹ, giúp học sinh, sinh viên tìm hiểu về tập tính sinh thái của loài này trong tự nhiên.

Phân hạng bảo vệ: Nghị định 06/2019/NĐ-CP Nhóm IIB; CITES Phụ lục II;

rùa đầu to – big-headed turtle (Platysternum megacephalum)

Đây là loài duy nhất thuộc Họ (Platysternidae).

Kích thước mai 20 cm.Đặc điểm nhận dạng: đuôi rất dài (bằng chiều dài thân), đầu rất to (được phủ bởi các mảnh sừng rất cứng) không thụt vào mai được, hàm trên tạo thành móc (chính vì thế nên chúng còn được gọi là rùa mỏ vẹt). Mai màu từ nâu đến nâu-đen, thuôn dài và dẹt, có gờ dọc giữa mai. Con non có màu vàng cam và có sọc vàng nhạt trên đầu.

Sinh thái: sống ở các khe suối trong rừng nguyên sinh, nơi nước trong và chảy chậm. Ban ngày ẩn dưới các tảng đá hoặc phơi nắng trên bờ suối, đi tìm mồi ban đêm. Có khả năng bò vượt qua chướng ngại vật giỏi hơn các loài rùa khác, bằng cách dùng đuôi dài để chống đỡ thân và hàm móc để bấu vào vật cản. Thức ăn là động vật không xương sống, các loài thân mềm hoặc động vật giáp xác nhỏ.

Phân bố: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Gia Lai.

Bị tiêu thụ làm thực phẩm ở Châu Á, vì thế bị buôn bán nhiều. Hiện nay số lượng loài này đang suy giảm nghiêm trọng do rừng nguyên sinh mất dần (ít gặp chúng trong các khu rừng thứ sinh) và đặc biệt là do tình trạng săn bắt quá mức để mua bán trao đổi với nước ngoài. Ngay cả nỗ lực bảo tồn và sinh sản loài này của Chương trình Bảo tồn Rùa ở BQG Cúc Phương cũng gặp khó khăn.

Phân hạng bảo vệ: Nghị định 03/VBHN-BTNMT Phụ lục I; Nghị định 06/2019/NĐ-CP Nhóm IB; CITES Phụ lục I (đối với cả Họ Platysternidae); IUCN hạng EN.

rùa hộp ba vạch – golden coin turtle (Cuora trifasciata)

Thuộc Họ Rùa đầm (Geoemydidae).

Còn được gọi là rùa vàng hay rùa đỏ – Chinese three-striped box turtle. Các tên khoa học đồng nghĩa: Cuora cyclornata, Sternothaerus trifasciatus, Cistudo trifasciata, Cyclemys trifasciata.

Chi Rùa hộp (Cuora) có 12 loài với đặc điểm là yếm được tạo nên bởi hai mảnh có tấm bản lề tạo khả năng cử động, khi đầu rùa thụt vào trong mai thì nửa yếm phía trước khép kín đóng một phần cơ thể bên trong mai, vì thế chúng được gọi là rùa hộp. Mai của chúng cao và gồ lên, có nhiều màu sắc và hoa văn đa dạng, vì thế chúng được nhiều người tìm mua để nuôi làm cảnh.

Các loài rùa hộp bị săn bắt mạnh để bán cho người nuôi làm vật cảnh. Do thời gian trưởng thành khá chậm, kéo dài cả chục năm và khả năng sinh sản kém, chỉ cho khoảng 2-3 trứng trong một năm, nên chúng gặp nhiều khó khăn để duy trì số lượng quần thể ổn định ngay cả khi ít bị săn bắt. Trên thế giới, chúng cũng được nuôi nhốt trong các vườn thú hoặc trong các trung tâm bảo tồn, chúng rất khó nuôi và khó gây giống trong điều kiện nuôi nhốt. Vì các lý do trên, các loài rùa hộp ở trong tình trạng nguy cấp cao.

Rùa hộp ba vạch dài 17-26 cm, gần gấp đôi chiều rộng. Mai có màu nâu-đỏ với 3 gờ (1 gờ sống lưng, 2 gờ bên) chạy dọc. Đỉnh đầu vàng nhạt với các sọc đen hai bên mặt. Các chi và da thường có màu cam. Yếm màu xám-đen, viền đỏ-nâu.

Sinh thái: sống ở ven suối trong rừng rậm ở độ cao trên dưới 1000 m. Ban ngày trốn dưới đống lá cây mục nát dọc sông suối, ban đêm ra kiếm ăn. Thức ăn gồm quả, lá cây, rong, bèo mọc ở ven suối và khe rãnh, kể cả sâu bọ. Có sức nhịn đói lâu, có thể kéo dài 2 tháng. Thường đẻ 2 trứng vào mùa hè, trứng có hình ô van, kích thước 2750mm.

Phân bố ở Bắc Bộ tiếp giáp với Trung Quốc: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh. (Quần thể phía Nam được xem là loài riêng rẽ Vietnamese three-striped box turtle (Cuora cyclornata).

Rùa hộp ba vạch có lịch sử lâu đời trong truyền thuyết và y học cổ truyền của Trung Quốc. Đúng như tên tiếng Anh, có giá trị như vàng bởi tin đồn loài này là nguyên liệu để chế biến thuốc chữa ung thư. Bột mai rùa được dùng trong món cao quy linh, là một loại thuốc Đông y dạng thạch, cũng được phục vụ như món tráng miệng đặc sản. Bị thương lái Trung Quốc thu mua cật lực nên bị săn bắt đến gần cạn kiệt, trở nên hiếm đến nỗi giá mỗi kg lên đến 300 triệu VND năm 2015 trong khi giá rùa nuôi nhốt chỉ bằng 1/5. Tuy được nuôi nhiều ở Trung Quốc, nhưng nhu cầu cho rùa hoang dã vẫn cao. Việc nuôi nhốt không giúp ích cho việc bảo tồn do nguy cơ lai với loài khác tạo thế hệ thứ hai vô sinh và làm mất nguồn gien.

Đây là một trong những loài rùa bị nguy cấp nhất thế giới.

Phân hạng bảo vệ: Nghị định 03/VBHN-BTNMT Phụ lục I; Nghị định 06/2019/NĐ-CP Nhóm IIB; CITES Phụ lục II;

rùa hộp lưng đen – Asian box turtle (Cuora amboinensis)

Thuộc Họ Rùa đầm (Geoemydidae). Các tên khoa học đồng nghĩa: Cistudo amboinensis, Cyclemys amboinensis.

Cỡ trung bình, mai dài khoảng 20 cm. Mai hình vòm giống cái mũ bảo hiểm, màu xám-đen, nhẵn. Gờ sống lưng rõ. Yếm màu trắng đục, thường có chấm đen, bờ sau yếm không khuyết, bờ ngoài các tấm ở yếm có vết xám đen. Có 3 sọc màu vàng nhạt ở bên đầu: 1 sọc chạy dài từ mút mõm qua mí mắt trên tới cổ, 2 sọc khác chạy từ mũi qua ổ mắt tới cổ. Yếm lồi ở rùa cái và lõm ở rùa đực.

Sinh thái: sống ở ao, đầm lầy, kênh rạch, suối, ruộng lúa ngập nước, nơi có nền đất mềm và nước chảy chậm. Thức ăn chủ yếu là cỏ và thực vật thủy sinh, đôi khi tôm, giun đất. Mỗi lứa đẻ 2-5 trứng hình bầu dục, kích thước trứng 40-46 x 30-34 mm.

Tình trạng: từng phân bố ở Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Thuận, Bà Rịa–Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An, Kiên Giang, Cà Mau. Một số vùng phân bố đã bị tuyệt diệt do săn bắt quá mức và sinh cảnh bị tàn phá. Có thể sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt.

Giá trị: loài được nuôi ở những nơi vui chơi giải trí, vườn thú, nên thường bị buôn bán làm vật nuôi cảnh ở Việt Nam và quốc tế. Có giá trị nghiên cứu khoa học về sinh thái và tập tính của loài.

Phân hạng bảo vệ: Nghị định 06/2019/NĐ-CP Nhóm IIB; CITES Phụ lục II;

rùa hộp trán vàng miền Bắc – Indochinese box turtle (Cuora galbinifrons)

Vietnamese box turtle, or flowerback box turtle Thuộc Họ Rùa đầm (Geoemydidae). Các tên khoa học đồng nghĩa: Cistoclemmys galbinifrons, Cuora galbinifrons, Cyclemus flavomarginata.

Ghi chú: có trên 20 tên khoa học cho loài và phân loài, một số phân loài là con lai vô tính.

Ba loài rùa hộp trán vàng miền Bắc, rùa hộp trán vàng miền Nam và rùa hộp trán vàng miền Trung trước đây là ba phân loài của rùa hộp trán vàng (Cuora galbinifrons). Các nhà khoa học cho rằng ba loài này rất khó phân biệt với nhau nếu chỉ dựa vào sự thay đổi về màu sắc. Tuy nhiên, rùa hộp trán vàng miền Bắc (Cuora galbinifrons) có yếm màu đen hoặc gần đen hoàn toàn khác với hai loài rùa còn lại. Cách hiệu quả nhất để phân biệt rùa hộp trán vàng miền Trung và rùa hộp trán vàng miền Nam là dựa vào hình dạng của mai.

Những khác biệt về hình thái giữa ba loài rùa hộp trán vàng được trình bày dưới đây (Xiaoli Liu, 2019):

Dù có pháp quy nghiêm cấm săn bắt và buôn bán, ba loài rùa hộp trán vàng vẫn bị trao đổi trên thị trường mạng với giá hàng chục triệu mỗi con vào thời điểm 2020.

Rùa hộp trán vàng miền Bắc là một trong những loài rùa lớn nhất thuộc chi Cuora: chiều dài mai khoảng 28 cm. Mai cao, gồ hẳn lên. Mai có màu sắc đa dạng: hoặc nâu-vàng hoặc màu hạt dẻ, thậm chí hoàn toàn đen. Hoa văn trên mai cũng đa dạng: một vệt dài hoặc mảnh hoặc rộng, màu nâu hoặc đen; có một ít đốm đen hoặc chẳng có đốm nào. Da cổ hoặc nâu đen hoặc đỏ. Đầu màu vàng có đốm đen, hoặc pha trộn giữa đen, đỏ, cam, vàng, hồng, có hoặc không có hoa văn. Yếm màu đen, gồm hai mảnh cử động được, nửa yếm phía trước có thể khép kín lại khi đầu thụt vào trong mai. Hai tấm vảy hậu môn của yếm gắn liền làm một.

Sinh thái: sống ở nơi ẩm ướt bụi rậm trong rừng cây gỗ ở vùng trung du và vùng núi. Ăn chủ yếu động vật (giun đất, cá, thịt) và cả thực vật (hoa, quả, chuối). Trước khi đẻ có tập tính bới đất để vùi trứng.

Phân bố: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên–Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Kon Tum. Chính vì màu sắc và hoa văn đa dạng khiến cho nhiều người tìm mua loài rùa này để nuôi làm cảnh, tạo ra thị trường buôn bán xuyên biên giới tấp nập.

Giá trị: có giá trị khoa học, thẩm mỹ giúp học sinh sinh viên tìm hiểu về tập tính sinh thái của loài này trong thiên nhiên.

Phân hạng bảo vệ: Nghị định 03/VBHN-BTNMT Phụ lục I; Nghị định 06/2019/NĐ-CP Nhóm IIB; CITES Phụ lục II (zero quota cho mục đích thương mại);

Ghi chú: Nghị định 06/2019/NĐ-CP ghi Cuora galbinifrons là rùa hộp trán vàng miền “Trung”, có lẽ là do lỗi in ấn.

rùa hộp trán vàng miền Trung – Central Vietnamese flowerback box turtle (Cuora bourreti)

Thuộc Họ Rùa đầm lầy (Emydidae). Trước đây được xếp vào loài phụ của loài rùa hộp trán vàng miền Bắc (Cuora galbinifrons), đến năm 2014 được Nhóm Chuyên gia Phân loại học về các loài rùa của thế giới chấp nhận là loài riêng rẽ.

Mai thuôn dài, ít hoa văn hơn loài miền Bắc.

Tình trạng: có phân bốhẹp từ Thừa Thiên–Huế (Khu Bảo tồn Sao la) tới Đắk Nông.

Có thể sống tới 50 năm.

Bị săn bắt ráo riết và buôn bán tại các chợ ở Trung Quốc.

Được nuôi cho sinh sản thành công ở ít nhất hai vườn thú Châu Âu (Minh Long, 2012) và ở Cúc Phương.

Phân hạng bảo vệ: Nghị định 03/VBHN-BTNMT Phụ lục I; Nghị định 06/2019/NĐ-CP Nhóm IB; CITES Phụ lục I;

Ghi chú: Nghị định 06/2019/NĐ-CP ghi Cuora bourreti là rùa hộp trán vàng miền “bắc” – có lẽ là do lỗi in ấn.

rùa hộp trán vàng miền Nam – southern Vietnamese box turtle (Cuora picturata)

Thuộc Họ Rùa đầm lầy (Emydidae). Loài này được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1998 tại Thành phố Hồ Chí Minh qua điều tra hoạt động mua bán động vật hoang dã. Ban đầu được cho là một phân loài của rùa hộp trán vàng miền Bắc (Cuora galbinifrons), đến năm 2014 được Nhóm Chuyên gia Phân loại học về các loài rùa của thế giới chấp nhận là loài riêng rẽ.

Hình dáng tương tự rùa hộp trán vàng miền Bắc với mai gồ cao và yếm có bản lề. Điểm khác biệt là ở màu sắc mai nhạt hơn, ít hoa văn hơn, yếm vàng có chấm đen.

Sinh thái: sống nơi mát, ẩm ướt và có nhiều nước trong các bụi rậm ở rừng vùng núi và trung du. Thức ăn là ốc nhỏ và thực vật. Trước khi đẻ có tập tính bới đất để vùi trứng. Thường chỉ đẻ 1 trứng.

Tình trạng: Khánh Hòa, Phú Yên (Rừng đặc dụng Đèo Cả, chỉ bảo vệ cây rừng, không bảo vệ động vật), Cao nguyên Lang Bian.

Giá trị: có khu vực phân bố hạn hẹp, vô cùng hiếm, có giá trị về thẩm mỹ và nguồn gien.

Khó nuôi nhốt cho sinh sản, trong khi nhu cầu trên thị trường quốc tế còn cao, vì thế gây áp lực cho các quần thể hoang dã.

Phân hạng bảo vệ: Nghị định 03/VBHN-BTNMT Phụ lục I; Nghị định 06/2019/NĐ-CP Nhóm IB; CITES Phụ lục I;

rùa núi vàng – elongated tortoise (Indotestudo elongata)

Còn được gọi là con quy, rùa đá, rùa gối, thuộc Họ Rùa cạn (Testudinidae). Các loài rùa cạn, như tên gọi, sống trên cạn, ít khi xuống nước. Chúng có mai cứng và dầy, gồ lên rất cao, da dầy, chân không có màng bơi. Hầu hết ăn thực vật.

Dài 30 cm, nặng 3,5 kg. Mai dài, gồ cao, đôi khi hơi thắt ở giữa, giữa mỗi tấm vảy có đốm đen, màu sắc khác nhau theo từng cá thể: màu chủ đạo hoặc là vàng-nâu hoặc xám sẫm. Đầu màu vàng thẫm, có nhiều tấm sừng. Hoa văn trên mai cũng phong phú. Yếm có màu vàng với những đốm đen, phía trước yếm phẳng, phía sau yếm lõm sâu. Chân hình trụ, ngón chân không có màng. Con cái có xu hướng to hơn và tròn hơn con đực, trong khi con đực có đuôi lớn hơn nhiều so với con cái.

Sinh thái: sống gần nơi có nguồn nước với khí hậu nhiệt đới, có đủ điều kiện có thể tắm nắng hoặc trú ngụ trong bóng râm. Vào mùa khô có cá tính trú khô, nằm lì trong bụi và không ăn tức là một hình thức ngủ đông; sang mùa mưa mới ra hoạt động kiếm ăn. Ăn thực vật như quả rụng. Mỗi lứa đẻ 4-5 trứng, có tập tính vùi trứng vào đất.

Tình trạng: phân bố ở ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hà Nội, Hòa Bình, Tây Ninh, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông. Bị săn bắt rất nhiều để làm thịt và nuôi cảnh (đối với những người bắt đầu nuôi rùa), đang dần đến bờ tuyệt chủng.

Giá trị: có giá trị khoa học, thẩm mỹ, giúp học sinh, sinh viên tìm hiểu về tập tính sinh thái của loài này trong tự nhiên. Chúng còn được nuôi ở những nơi vui chơi, giải trí (vườn động vật).

Phân hạng bảo vệ: Nghị định 06/2019/NĐ-CP Nhóm IIB; CITES Phụ lục II (đối với cả Họ Testudinidae);

rùa núi viền – impressed tortoise (Manouria impressa)

Còn được gọi là rùa xe tăng, thuộc Họ Rùa cạn (Testudinidae). Các tên khoa học đồng nghĩa: Geoemyda latinuchalis, Testudo impressa.

Loài rùa này là một trong số các loài rùa cạn đẹp nhất. Cỡ trung bình, chiều dài mai 18-21 cm. Mai không gồ cao, màu vàng-nâu hoặc xám, vảy có những tia đen to. Phía trước và phía sau mai có những gai hình răng cưa nhọn và cong lên với đường viền. Những tấm vảy ở giữa mai phẳng. Yếm màu vàng, có thể có nhiều vệt đen. Hai chân sau có hai cái cựa rất đặc trưng. Phía trước và sau yếm lõm sâu hình chữ V. Đầu lớn, màu vàng nhạt đến xám đen, trên đầu có nhiều tấm sừng. Chân lớn hình trụ, có vảy dày, ngón chân không có màng da. Yếm màu vàng, có những tia màu nâu sẫm.

Sinh thái: sống ở khe rãnh, thung lũng ẩm ướt trên độ cao 1500-2000 m. Hoạt động vào buổi chiều, ban ngày trú trong các hang hốc. Ăn các quả rụng, mầm cỏ, măng non, nấm.

Tình trạng: phân bố ở Lai Châu, Lào Cai, Nghệ An, Hà Tĩnh, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng. Số lượng ngoài hoang dã suy giảm. Cư dân địa phương bắt chủ yếu để làm thịt bởi vì việc nuôi nhốt khó khăn.

Giá trị: loài có giá trị khoa học, thẩm mỹ, giúp học sinh, sinh viên tìm hiểu về tập tính sinh thái của loài này trong tự nhiên. Chúng còn được nuôi ở những nơi vui chơi, giải trí (vườn động vật).

Phân hạng bảo vệ: Nghị định 06/2019/NĐ-CP Nhóm IIB; CITES Phụ lục II (đối với cả Họ Testudinidae);

rùa răng – yellow-headed temple turtle (Heosemys annandalii)

Có tên khác là càng đước, thuộc Họ Rùa đầm lầy (Emydidae).

Kích thức lớn tới 47-51 cm. Mỏ làm thành 2 mấu nhọn hình răng ở hàm trên. Mai phồng, thuôn dài, màu nâu thẫm hay đen, bờ sau mai không có răng cưa. Yếm màu đen, có dải vàng ở giữa hoặc vàng với vệt đen phía ngoài, bờ trước yếm lồi, bờ sau yếm khuyết, bờ bên phần sau yếm thẳng. Đầu nhỏ, màu vàng nhạt hay xám, có những vết đốm đen và vàng. Cổ màu vàng với những dải sậm. Chân dẹp, ngón chân có màng da dầy. hàm màu vàng.

Sinh thái: sống ở kênh rạch, ao hồ, đầm lầy, kể cả ruộng lúa nước nơi có dòng chảy chậm. Khi bị trêu chọc, rùa thường phản ứng bằng cách khoe mỏ hình răng để dọa. Ăn thực vật thủy sinh, cỏ; trong điều kiện nuôi còn ăn quả và các loại rau. Đẻ mỗi 4 trứng có vỏ vôi.

Phân bố: Đồng Nai, Kiên Giang, Cà Mau.

Giá trị: có giá trị khoa học, thẩm mỹ giúp học sinh sinh viên tìm hiểu về tập tính sinh thái của loài này trong tự nhiên. Chúng còn được nuôi ở nơi vui chơi, giải trí (vườn động vật).

Phân hạng bảo vệ: Nghị định 06/2019/NĐ-CP Nhóm IIB; CITES Phụ lục II;

rùa sa nhân – keeled box turtle (Cuora mouhotii)

Thuộc Họ Rùa đầm (Geoemydidae). Tên khoa học đồng nghĩa: Pyxidea mouhotii.

Ghi chú: ngoài hoang dã rùa sa nhân giao phối với rùa hộp trán vàng miền Bắc, rùa hộp trán vàng miền Nam hoặc rùa hộp ba vạch tạo ra thế hệ lai được đặt tên là phân loài Cuora galbinifrons serrata hoặc loài Cuora serrata. Những nghiên cứu về sau cho thấy các tên khoa học này không hợp lệ. (Gray, 2018)

Rùa sa nhân còn non dễ bị nhầm với loài rùa đất Spengler vì chúng có màu sắc giống nhau, có các gờ trên mai và có các tấm rìa phía cuối mai hình răng cưa. Tuy nhiên, mai của rùa sa nhân tròn hơn và gồ cao hơn trong khi mai rùa đất Spengler lại dài và có hình ôvan.

Mai dài 15-17 cm, ít khi quá 20 cm, con cái lớn hơn con đực một chút. Mai màu nâu nhạt đến vàng nhạt hoặc xám, dọc mai có ba gờ rõ ràng, đỉnh mai phẳng, thường có màu sáng hơn hai bên, cuối mai có rìa răng cưa. Yếm màu vàng có vạch đen ở rìa xen lẫn các vạch tối màu. Con đực: móng dầy và dài hơn con cái, mắt đen hoặc nâu. Con cái: mắt màu cam hoặc đỏ.

Sinh thái: sống trên cạn, thường ẩn mình dưới các lớp lá mục, cỏ khô, gỗ mục trong hang động, kẽ đá trong rừng ẩm nhiệt đới, rừng đồi đá vôi ở độ cao thấp. Vào mùa nóng đi xuống thung lũng rừng, vào mùa lạnh ẩn mình trong kẽ đá, một hình thức ngủ đông. Ăn chủ yếu động vật như dế, giun đất, ốc.., cũng ăn nấm, quả rụng. Đẻ mỗi lứa 1-7 trứng dưới lớp lá cây khô hoặc dưới hố đào bằng hai chân sau.

Tình trạng: phân bố ở Lào Cai, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An.

Được nhân giống với quy mô nhỏ ở Trung Quốc để cung cấp cho người nuôi làm cảnh. Rùa có thể sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt.

Tình trạng: số lượng giảm sút trầm trọng.

Phân hạng bảo vệ: Nghị định 06/2019/NĐ-CP Nhóm IIB; CITES Phụ lục II (zero quota cho mục đích thương mại);

rùa Trung Bộ – Vietnamese box turtle (Mauremys annamensis)

Thuộc Họ Rùa đầm (Geoemydidae).

Mai màu nâu đen hình ô-van, không gồ cao, đầu có hai hoặc ba vạch màu vàng, một vạch đi qua mắt, yếm có những vệt đậm màu đối xứng trên từng tấm yếm và có viền vàng xung quanh.

Có thể bị nhầm với rùa câm. Ảnh dưới đây chỉ ra sự khác biệt giữa hai loài:

Được mô tả lần đầu tiên cho khoa học năm 1941, trong suốt 65 năm kế tiếp các nhà khoa học không hề phát hiện được rùa Trung Bộ trong hoang dã, tuy họ từng thấy một số cá thể bị vận chuyển và mua bán. Mãi đến năm 2006, các nhà khoa học mới có thể mới bắt được một cá thể trong hoang dã.

Giá trị: loài đặc hữu của Việt Nam, vô cùng hiếm, có giá trị về thẩm mỹ và nguồn gien.

Phân hạng bảo vệ: Nghị định 03/VBHN-BTNMT Phụ lục I; Nghị định 06/2019/NĐ-CP Nhóm IB; CITES Phụ lục I;

Rùa biển

Rùa biển có tuổi thọ cao (60-100 năm) và vòng đời phức tạp, mỗi giai đoạn lại yêu cầu một sinh cảnh sống khác nhau như bãi cát, thảm cỏ biển, rạn san hô, rạn đá, vùng nước sâu. Tuy số lượng ổ trứng và số trứng trong một ổ cao nhưng tỷ lệ tử vong ở giai đoạn con non rất lớn (lên đến 60%), nên ước tính chỉ 1/1000 con non có thể sống sót đến giai đoạn trưởng thành. Do đó, nếu rùa trưởng thành bị tận diệt và trứng của chúng bị lấy hết thì quần thể đó sẽ bị tiêu diệt sau một vài thập kỷ.

Rùa biển di cư hàng trăm (đôi khi hàng nghìn) km từ nơi kiếm ăn sinh sống đến bãi đẻ và sau đó quay về. Rùa biển cái bơi qua những ngọn sóng để đẻ trứng trên bờ biển. Chúng chỉ rời khỏi mặt nước lên bờ trong thời kỳ đẻ trứng này. Rùa biển cái đào ổ bằng hai chi sau và đẻ khoảng 70-190 trứng. Trứng rùa cần 6-10 tuần để nở.

Giới tính của rùa con được quyết định bởi nhiệt độ của ổ trứmg: dưới 30°C chủ yếu là rùa đực, ngược lại trên 30°C là rùa cái. Rùa con ngay khi sinh ra đã có thể định vị phương hướng và bơi ngay về hướng biển, bắt đầu một hành trình dài.

Chúng chuyển ra sinh sống tại vùng biển sâu cho đến 5-10 tuổi. Khi kích thước được khoảng 20 cm, rùa non mới rời khỏi vùng biển sâu, quay lại vùng biển gần bờ và sống ở các rạn san hô hoặc ở những thảm cỏ biển. Do có rất nhiều mối đe dọa đối với rùa con nên chỉ khoảng 1 trong số 1.000-10.000 con sống sót đến lúc trưởng thành.

Khi rùa biển đến tuổi trưởng thành, chúng bắt đầu quá trình sinh sản. Cả rùa đực và cái di cư đến bãi biển gần nơi chúng được sinh ra để sinh đẻ. Khả năng định hướng của rùa biển khi di cư, khả năng ghi nhớ vị trí nơi mình được sinh ra, lý do lựa chọn bãi đẻ của rùa mẹ… vẫn còn tồn tại nhiều bí ẩn chưa được các nhà khoa học khám phá.

Tại Việt Nam, rùa biển mới chỉ được đưa vào trong danh mục các loài cấm khai thác từ thập kỷ 1990s, và hiện tại việc bảo vệ rùa biển ở nhiều địa phương còn nhiều hạn chế. Điều này góp phần làm cho quần thể rùa biển tại Việt Nam bị thu hẹp cả về số loài cũng như số lượng cá thể trong từng loài. Những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này như sau (Chu Thế Cường, 2014):

Đánh bắt rùa biển không chủ ý.  Theo tập tục và tín ngưỡng của phần lớn ngư dân, đặc biệt là từ các tỉnh miền Trung và miền Bắc, rùa biển là loại sinh vật cần kiêng cữ. Trước đây, khi bắt gặp rùa biển hoặc rùa bị vướng lưới, ngư dân thường thả trở lại biển. Rùa biển không phải là đối tượng khai thác mà chỉ là các sản phẩm phụ do bị vô tình mắc lưới và chết. Rùa biển thở bằng phổi, chúng có thể ở dưới nước 4-6 tiếng. Nhưng khi bị mắc vào lưới của ngư dân, chúng sẽ vẫy vùng để thoát ra, điều này tiêu hao nhiều oxy trong thời gian ngắn và dẫn đến chết đuối.

Các nghề gây chết rùa biển nhiều nhất là giã cào, lưới vây và câu cá ngừ đại dương. Nghề giã cào thường hoạt động tại khu vực nước ven bờ, đặc biệt là trong các thảm cỏ biển, còn nghề lưới vây và câu cá ngừ hoạt động ở các khu vực nước sâu xa bờ. Do đó, phần lớn vích thường bị đánh bắt không chủ ý do nghề giã cào, còn các loài khác thường do lưới vây và câu cá ngừ. Tổng số lượng rùa biển có thể bị đánh bắt không chủ ý do nghề câu cá ngừ trên toàn vùng biển Việt Nam khoảng 1000 cá thể/năm.

Thu nhặt trứng và bắt rùa mẹ lên đẻ.  Trong một thời gian dài, người dân sống ven biển (đặc biệt là những người không làm nghề biển) đã coi rùa biển là loại thức ăn thay thế quan trọng. Việc khai thác trứng rùa ở Châu Á được xem như yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến sự suy giảm số lượng của chúng. Ở Đông Nam Á việc thu hoạch trứng rùa dẫn đến tình trạng làm cho rùa gần như không còn đến làm ổ trong khu vực đẻ trứng trước kia. Qua kết quả phỏng vấn người dân, gần như 100% số rùa mẹ lên đẻ và trứng của chúng (nếu bị phát hiện) đều bị giết thịt và thu gom. Đặc biệt hơn, tại một số nơi còn trực tiếp tiêu thụ thịt rùa và thậm chí trứng rùa cũng là món khoái khẩu của những du khách thập phương.

Thời gian gần đây, do công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về việc bảo vệ rùa biển nên chúng không còn bị đánh bắt công khai, tuy nhiên ở nhiều địa phương rùa mẹ và trứng vẫn bị lén lút đánh bắt và thu nhặt.

Buôn bán, tiêu thụ trái phép các sản phẩm từ rùa biển.  Rất nhiều sản phẩm thương mại được chế biến từ rùa biển được bày bán khắp nơi, kể cả đồ trang sức, mỹ nghệ và mẫu nhồi. Song song theo đó là các hoạt động bất hợp pháp khác như tổ chức xuất, nhập khẩu mai rùa biển nhằm cung ứng cho nhu cầu của khách du lịch. Một số lượng đáng kể các sản phẩm từ mai rùa được bán cho thương lái người nước ngoài ngay tại biển ngoài hải phận quốc tế.

Phát triển cơ sở hạ tầng ven biển.  Các hoạt động kinh tế như nuôi tôm trên cát, khai thác cát, phát triển du lịch, xây dựng kè chống xói mòn… là những nguyên nhân chính gây nên tác động tiêu cực đến nơi sinh sản của rùa biển, khiến cho rùa cái không trở lại nữa. Thậm chí, tiếng ồn và ánh sáng nhân tạo từ các khu du lịch ven biển cũng gây tác động tiêu cực đến các hoạt động đẻ trứng, di chuyển và kiếm ăn của rùa biển.

Hoạt động du lịch ven biển khiến rùa mẹ không còn lên đẻ trứng. Tại Thái Lan, các bãi biển vắng khách vì phong tỏa do đại dịch Covid-19 tạo điều kiện cho loài rùa da quý hiếm lên bờ làm tổ đẻ trứng kỷ lục trong 22 năm trở lại đây. Theo Trung tâm sinh học biển Phuket, Thái Lan, do số lượng du khách đến nước này giảm, các bãi biển du lịch nổi tiếng ở miền Nam Thái Lan chứng kiến một số lượng kỷ lục rùa biển con sinh sôi nảy nở.

Tương tự, tại Ấn Độ, hơn 70.000 rùa mẹ xuất hiện tại bờ biển Rushikulya trong một sự việc bất thường. Sự việc diễn ra trong khi bãi biển vắng lặng không bóng người vì phong trào ở nhà tránh dịch Covid-19 của người dân địa phương. thông thường, sự đông đúc nhộn nhịp của khách du lịch và hoạt động của người dân địa phương khiến rùa biển hiếm khi xuất hiện trong khu vực này. (Hoàng Dung, 2020)

Ô nhiễm rác thải. Dầu thải, rác thải (túi ni lông, lưới hỏng…) tác động tới các quần thể rùa biển và các loài khác khi chúng ăn, bị vướng phải, bị thương, bị tắc hệ thống tiêu hóa hay làm giảm diện tích nơi kiếm ăn và sinh sản. Những yếu tố này cũng góp phần làm tăng tỷ lệ rùa biển bị tử vong tại Việt Nam.

Rác thải đại dương đóng góp vào nhiều cái chết của rùa biển, nguy hại nhất là túi nilon và các loại rác nhựa khác. Rùa biển thường lầm tưởng những mảnh nhựa và túi nhựa là sứa biển –  thức ăn ưa thích của chúng. Rác thải nhựa chặn đường tiêu hóa của rùa, dẫn đến một cái chết chậm và đau đớn vì đói. Tại Hawaii người ta tìm thấy hơn 1.000 mảnh nhựa trong dạ dày một con rùa chết.

Rác thải ở biển không chỉ ảnh hưởng đến rùa biển mà còn đe dọa đến sức khỏe của hệ sinh thái nơi rùa biển kiếm ăn, đo đó lại tác động thêm lên rùa biển.

Suy thoái sinh cảnh, suy giảm số lượng và diện tích bãi đẻ của rùa biển. Các rạn san hô ở Việt Nam bị tàn phá do khai thác thủy sản bằng chất nổ và chất độc xyanua, các thảm cỏ biển và rừng ngập mặn bị khai thác cạn kiệt, lắng đọng trầm tích làm cho rùa biển suy giảm chất lượng sinh sản do không tích lũy đủ năng lượng cho chu kỳ sinh sản tiếp theo: thời gian giữa hai mùa sinh sản tăng lên, số lượng trứng và con non giảm đi và chất lượng trứng và con non cũng sẽ bị suy giảm.

Trong những năm gần đây, các cơ quan chính phủ và tổ chức quốc tế, phi chính phủ có những nỗ lực đáng kể nhằm ngăn chặn việc sử dụng các phương pháp khai thác hải sản mang tính hủy diệt và đã có các phương án bảo vệ, sử dụng hợp lý các hệ sinh thái biển và vùng ven biển. Tuy nhiên, cần phải có thời gian rất dài để các hệ sinh thái này có thể khôi phục được trạng thái ban đầu.

Hoạt động tàu thuyền.  Đây cũng là một nguyên nhân gây nên thương vong cho rùa biển. Lưu lượng cao của tàu thuyền các loại còn khiến các sinh vật biển lạc hướng trong lộ trình kiếm ăn, đi vào đất liền.

Biến đổi khí hậu và nước biển dâng.  Giới tính của rùa biển phụ thuộc nhiệt độ môi trường trong giai đoạn ấp trứng, nhiệt độ ấp càng cao thì càng nhiều con cái sinh ra, nhiệt độ thấp thì nhiều con đực được sinh ra. Các quần thể rùa biển có nhiệt độ ấp cân bằng giới tính là tương tự như nhau trong 29,3–29,4 độ C. Theo các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng tại Việt Nam, đến năm 2100, phần lớn rùa biển sinh ra tại các bãi đẻ hiện tại (Côn Đảo và Núi Chúa) sẽ mang giới tính cái. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cân bằng giới tính của quần thể rùa biển ngoài tự nhiên. Bên cạnh đó, nước biển dâng làm mất phần lớn diện tích các bãi đẻ tại Côn Đảo, nơi có độ cao bãi thấp và là khu vực rùa biển lên đẻ lớn nhất tại Việt Nam.

Không thể bảo tồn bằng cách nuôi nhốt

Câu hỏi được đặt ra: Tại sao chúng ta không nuôi nhốt, đợi cho rùa trưởng thành rồi mới thả chúng ra biển? Tại Côn Đảo, đã từng có một thời gian ngắn thực hiện công việc này, nhưng đó là một cách làm hết sức tai hại, may mà sai lầm ấy sớm được phát hiện và sửa chữa. Đó là vào khoảng đầu tháng 5-1995, với cách nghĩ như câu hỏi trên, những hồ xi măng rộng khoảng vài mét vuông được xây dựng tại một số trạm kiểm lâm để nuôi nhốt rùa con sau khi nở. Đến tháng 9 năm đó, một đoàn chuyên gia quốc tế về rùa biển đến thăm, tìm hiểu công tác bảo tồn rùa biển tại Côn Đảo. Nhìn cảnh hàng nghìn rùa con bơi trong bể nhỏ xíu, đoàn chuyên gia ngạc nhiên và nói “bảo tồn như vậy là sai rồi”. Họ yêu cầu vớt số rùa này lên và thả ra biển ngay tức khắc. Họ giảng giải xong mới biết, là nuôi nhốt kiểu đó sẽ làm rùa đuối sức, và quan trọng hơn là sẽ giết chết những đặc tính sinh học về cảm nhận hướng biển, tiếng sóng biển cũng như kỹ năng sinh tồn khác của rùa. (Xuân Thọ, 2018)

Riêng người viết bài này có lần đến thăm một cơ sở nuôi rùa biển ở Thái Lan. Khi đến mỗi hồ xi măng nuôi rùa, rùa lớn rùa nhỏ thấy người đến đều trồi lên mặt nước để đòi thức ăn! Với tình trạng như thế thì không thể nào thả chúng xuống biển: mỗi khi thấy tàu thuyền chúng lại đuổi theo và trồi lên mặt nước để mong cho ăn. Cơ sở nuôi rùa biển nêu trên rất tốn kém nhưng không đạt mục đích bảo tồn, lại không tiếp đón khách tham quan rộng rãi nhằm giáo dục quần chúng.

Cho dù chỉ nuôi rùa mới nở vài ngày rồi thả xuống biển vẫn có vấn đề. Kinh nghiệm ở Côn Đảo cho thấy mới nuôi được vài ngày, nhưng khi thả ra, chỉ có một con rùa non nhằm hướng biển bò xuống, còn lại đều bò ngược về hướng núi, nghĩa là chúng mất khả năng định vị. Khả năng của rùa non, là tự định vị được hướng biển, ghi nhận và lưu giữ những thông tin nơi mình nở ra và bò xuống biển, để rồi vài chục năm sau đó, khi sống sót và trưởng thành, rùa sẽ quay trở lại chính nơi này để tiếp tục đẻ trứng. Khi mất khả năng định vị đầu đời, rùa khó hoàn thiện chu trình sinh sống.

Trên thế giới có 7 loài rùa biển thuộc hai họ như sau:

Họ Vích (Cheloniidae):

  • đồi mồi (Eretmochelys imbricata)
  • đồi mồi dứa (Lepidochelys olivacea)
  • quản đồng (Caretta caretta)
  • rùa lưng phẳng (Natator depressus)
  • vích, rùa xanh (Chelonia mydas)
  • vích Kemp (Lepidochelys kempii)

Họ Rùa da (Dermochelyidae):

  • rùa da (Dermochelys coriacea)

Khác với rùa cạn và rùa nước ngọt, rùa biển không thể thu đầu và chân vào trong mai. Chúng có 4 chân (chi) mở rộng và hoạt động như mái chèo. Rùa biển sinh sống ở tất cả các vùng biển trên thế giới ngoại trừ vùng Bắc Cực. Riêng loài rùa lưng phẳng chỉ được tìm thấy ở vùng biển phía bắc Australia.

Phân biệt các loài rùa biển theo các đặc tính minh họa dưới đây.

Trong số 7 loài rùa biển, có 5 loài được tìm thấy tại các vùng biển ở Việt Nam. Đồi mồi, đồi mồi dứa, vích và rùa da đã từng lên đẻ trứng trên vùng bờ biển Việt Nam. Riêng quản đồng chỉ kiếm ăn chứ không sinh sản tại vùng biển Việt Nam.

Ghi chú: các tên tiếng Việt được sử dụng thiếu nhất quán:

Điều này có nghĩa những cơ sở dữ liệu có tiếng tăm và những ban ngành chuyên môn sử dụng các tên tiếng Việt khác biệt nhau, gây rắc rối cho người muốn tra cứu nếu chỉ dựa vào tên tiếng Việt – trong khi các tên này khá thông dụng trong dân gian.

Bài này ghi các tên tiếng Việt theo dòng đầu. Các mô tả là dựa theo tên khoa học.

đồi mồi – hawksbill sea turtle (Eretmochelys imbricata)

Thuộc Họ Vích (Cheloniidae). Đây là loài duy nhất trong chi Eretmochelys. Có hai phân loài: ở Eretmochelys imbricata imbricata Đại Tây Dương và Eretmochelys imbricata bissa ở Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương.

Phân biệt với đồi mồi dứa: hàm trên mỏ kéo dài ra và quặp xuống khiến cho mỏ trông giống mỏ chim ưng (hawk’s bill), và có 2 cặp vảy trước trán (prefrontal scale).

Cơ thể tương đối dẹp từ trên xuống dưới. Mai hình ô-van, dài đến 144 cm, 4 tấm sườn (lateral scale) mỗi bên xếp gối lên nhau. Các chi giống mái chèo, chi trước có 2 móng vuốt.

Sinh thái: có bộ hàm khỏe mạnh giúp cắn xé bọt biển (hải miên) trong các rạn san hô, giúp tạo không gian cho ấu trùng san hô định cư, duy trì sự ổn định cấu trúc rạn san hô. Sống chủ yếu ở vùng biển cạn và rặng san hô, rạn đá ngầm có nhiều hang để làm nơi trú ẩn, thỉnh thoảng hiện diện ở rừng sát và ngoài biển khơi. Có thể thích nghi với môi trường nước ngọt.

Ăn các loại sứa, nhuyễn thể, giáp xác, rong biển và cỏ biển. Sống cô độc ngoài mùa giao phối, hoạt động ban ngày và nghỉ ban đêm.

Con cái bò lên bãi cát ven biển đào lỗ sâu 30–40 cm và đẻ trứng vào đó. Nhờ mặt trời sưởi cát “ấp” cho trứng nở. Đồi mồi non sau khi nở chui lên khỏi cát và bò xuống biển.

Đẻ 2 năm một lứa, mỗi lứa đến 140 trứng. Con non nở sau 2 tháng, dài 2,5 cm, có màu đen-nâu; rìa mai màu nhạt. Sống đến 30-40 năm.

Vào đầu thế kỷ 20, đồi mồi khá phổ biến dọc bờ biển Việt Nam. Các khu vực như Côn Đảo, Cát Bà hoàn toàn không còn loài này lên đẻ trứng từ những năm 2000. Từ năm 2008 đến 2013, hầu như không còn ghi nhận được bất kỳ cá thể nào lên đẻ trứng tại các bãi biển của Việt Nam. (Nguyễn Diệu Thúy, 2016) VQG Núi Chúa (Ninh Thuận) có lẽ là một trong số ít khu vực hiếm hoi trên đất liền ở Việt Nam có đồi mồi lên đẻ trứng.Việc con người săn bắt các quần thể đe dọa đồi mồi biến mất hoàn toàn ở Việt Nam.

Công ước CITES cấm săn bắt và buôn bán các sản phẩm từ đồi mồi vì mọi mục đích.

Phân hạng bảo vệ: Nghị định 03/VBHN-BTNMT Phụ lục I; CITES Phụ lục I (đối với cả Họ Cheloniidae); Sách Đỏ Việt Nam 2007 hạng EN.

đồi mồi dứa – olive ridley sea turtle (Lepidochelys olivacea)

Thuộc Họ Vích (Cheloniidae). Tên khoa học đồng nghĩa: Chelonia olivacea.

Loài rùa biển cỡ nhỏ, mai dài 60-70 cm; cân nặng 25-46 kg, hiếm khi trên 50 kg. Con đực nhẹ hơn con cái một chút. Đầu hình tam giác khi nhìn từ trên xuống. Mai hình tim, dẹp từ trên xuống dưới, màu lục-xám đến ô-liu nhưng đôi khi đỏ nhạt do tảo mọc trên mặt mai,. Đặc điểm: có số tấm sườn (lateral scute) thay đổi và không đối xứng, từ 5-9 vảy mỗi bên. Một phần vích trưởng thành lưỡng tính. Vích đực có đuôi dài và to hơn vích cái. Hai chi trước có 2 móng vuốt.

Sinh thái: giúp duy trì sự ổn định của hệ sinh thái cỏ biển bằng cách tạo ra các luống khi ăn cỏ, làm tăng trao đổi chất dinh dưỡng trong khu vực có cỏ biển.

Có tập tính đẻ trứng tập thể: hàng nghìn con cái lên một bờ biển để cùng đẻ trứng. Con non mới nở có màu xám.

Từng phân bố tập trung tại Vịnh Bái Tử Long và các tỉnh miền Trung (từ Hà Tĩnh đến Phú Yên). Hiện nay chỉ còn khoảng 10 con lên đẻ mỗi năm tại một số bãi biển thuộc khu vực Bái Tử Long (Đảo Quan Lạn, Ngọc Vừng) và Tỉnh Quảng Bình. Đặc biệt tại Bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), sau khi hoàn thành tuyến đường chạy xung quanh bán đảo và phát triển các khu nghỉ dưỡng tại các bãi biển thì đồi mồi dứa không còn xuất hiện nữa. (Chu Thế Cường, 2014)

Phân hạng bảo vệ: Nghị định 03/VBHN-BTNMT Phụ lục I; CITES Phụ lục I (đối với cả Họ Cheloniidae); Sách Đỏ Việt Nam 2007 hạng EN.

quản đồng – loggerhead sea turtle (Caretta caretta)

Còn được gọi là đú hay rùa biển đầu to, thuộc Họ Vích (Cheloniidae). Tên khoa học đồng nghĩa: Testudo caretta.

Loài rùa mai cứng lớn nhất thế giới: chiều dài trung bình 1,8 m (cá biệt 213 cm), trọng lượng 300-400 kg (cá biệt 545 kg). Màu da từ vàng đến nâu, mai có màu nâu-đỏ đặc sắc, có 5 tấm sườn (lateral scute) mỗi bên. Đầu to, có 2 cặp vảy trước trán (prefrontal scale). Chi trước có 2 móng vuốt, chi sau có 2-3 móng vuốt. Đuôi rất dài. Đầu được phủ bởi các mảnh sừng rất cứng. Bộ hàm trên tạo thành móc chắc khỏe giúp con vật có thể ăn được các loài có vỏ cứng như cua, ốc. Không có sự khác biệt giới tính bên ngoài cho đến khi loài này trưởng thành, sự khác biệt rõ ràng nhất là con đực trưởng thành có đuôi dày hơn và yếm ngắn hơn so với con cái.

Con cái đẻ đào hố cát trên bãi biển để đẻ trứng, mỗi lần đẻ 170-200 trứng, và 2-3 năm kế tiếp ngưng đẻ trứng. Nhiệt độ quyết định giới tính: con đực nở ra ở 28 độ C, con cái ở 32 độ C. Sau khoảng 80 ngày, con non nở ra, có màu từ nâu đến gần như đen, bò ngay xuống biển. Nhiều con non ẩn náu giữa các bè tảo nâu Sargassum. Con cái sống trong đại dương khoảng 20 năm rồi trở lại cùng bãi biển nơi chúng nở ra để đẻ trứng. Một con cái có thể giao phối với nhiều con đực và có khả năng trữ tinh trùng trong tử cung chờ đến khi rụng trứng. Vì thế, một lứa trứng có thể thụ tinh từ 7 con đực. Con non mới nở có màu xám.

Ăn tạp, chủ yếu động vật không xương sống.

Sinh thái: cư trú ở vùng cát, vùng triều, vùng khơi, ven đảo.

Phân bố: không sinh sản tại vùng biển Việt Nam; từng xuất hiện tại các vùng biển Cô Tô– Thanh Lân (Quảng Ninh), từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận, và Côn Đảo. Tuy không có đủ thông tin để đánh giá số lượng quản đồng vẫn giữ nguyên hay suy giảm tại vùng biển Việt Nam, nhưng theo những kết quả khảo sát thực địa và phỏng vấn ngư dân, số lượng loài này bắt gặp ngoài hoang dã đang suy giảm đáng kể. (Chu Thế Cường, 2014)

Nhiều chuyên gia kết luận quản đồng dường như không sinh sản tại Việt Nam từ những năm 1970, nhưng chúng vẫn được bắt gặp trong quá trình ngư dân khai thác trên biển. Đây là những cá thể sinh sản từ các nước khác trong khu vực. (Nguyễn Diệu Thúy, 2016)

Hiện giờ thu hẹp ở khu vực Đảo Bạch Long Vĩ đến Đảo Cát Bà. VQG Núi Chúa (Ninh Thuận) là một trong số ít khu vực hiếm hoi trên đất liền ở Việt Nam có rùa quản đồng lên đẻ trứng. Một khu vực khác là Côn Đảo.

Phân hạng bảo vệ: Nghị định 03/VBHN-BTNMT Phụ lục I; CITES Phụ lục I (đối với cả Họ Cheloniidae) ; Sách Đỏ Việt Nam 2007 hạng CR.

vích, rùa xanh – green sea turtle (Chelonia mydas)

Còn được gọi là tráng bông, thuộc Họ Vích (Cheloniidae). Tên tiếng Anh “rùa xanh” là do lớp mỡ màu lục tích tụ trong cơ thể. Tên khoa học đồng nghĩa: Testudo mydas.

Từ trên nhìn xuống, mai hình trái tim.

Phân biệt với đồi mồi: mõm không nhọn như mỏ chim ưng, và có một cặp vảy trước trán (prefrontal scale), 4 tấm sườn (lateral scale) mỏng và mỗi bên không xếp gối lên nhau.

Dài trung bình 70 cm, nặng đến 130 kg. Mai trơn láng và rộng, có màu từ nâu nhạt đến nâu pha lục – có khi trông giống đồi mồi. Hoa văn thường là dạng sọc tỏa tròn hoặc có đốm trên vảy. Chi trước cong vừa phải; phía trên chi trước có 1 móng vuốt.

Sinh thái: Thức ăn là các loài nhuyễn thể, giáp xác, cá, giun và cỏ biển. Giống như nhiều loài rùa biển khác, đồi mồi dứa di cư với khoảng cách khá xa giữa khu vực kiếm ăn và nơi sinh sản. Rùa cái tìm vị trí thích hợp trên bờ biển cát, đào ổ và đẻ trứng vào ban đêm. Sau 49-62 ngày trong điều kiện nhiệt đới, rùa con nở ra và bò ngay xuống biển. Con non mới nở có màu từ xám đến đen.

Có thể sống đến 80 năm trong môi trường thiên nhiên. Chưa được nuôi nhốt.

Phân bố tại khắp các vùng biển nhiệt đới và cận nhiệt đới, với hai quần thể khá khác biệt tại Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Ở Việt Nam, đồi mồi dứa phân bố ở Quần đảo Hoàng Sa, Quần đảo Trường Sa, Cát Bà, Côn Đảo, Thổ Chu, Phú Quốc.

Vào đầu thế kỷ 20, vích là loài rùa biển phổ biến nhất dọc bờ biển Việt Nam, kể cả quần thể kiếm ăn và sinh sản. Trước thập niên 1970s có 700 rùa mẹ lên bờ đẻ trứng hàng năm. Con số này hiện giảm xuống còn khoảng 300 con lên đẻ tại 7 khu vực là Côn Đảo (Bà Rịa–Vũng Tàu), Núi Chúa (Ninh Thuận), Bái Tử Long và Cô Tô–Thanh Lân (Quảng Ninh), Hòn Cau (Bình Thuận), Hòn Khô–Hải Giang (Bình Định), Hải Lăng (Quảng Trị) và Hòn Cao Cát (Kiên Giang). (Nguyễn Diệu Thúy, 2016)

VQG Núi Chúa (Ninh Thuận) là một trong số ít khu vực hiếm hoi trên đất liền ở Việt Nam có đồi mồi dứa lên đẻ trứng.

Côn Đảo là địa điểm đầu tiên (từ năm 1994) của Việt Nam thực hiện bảo tồn loài vích. Số lượng vích mẹ làm ổ tại Côn Đảo hàng năm chiếm hơn 80% vích đẻ trứng ở Việt Nam (Nguyễn Đức Thế & Chu Thế Cường, 2013).

Có thể sống đến 80 năm trong môi trường thiên nhiên.

Phân hạng bảo vệ: Nghị định 03/VBHN-BTNMT Phụ lục I; CITES Phụ lục I (đối với cả Họ Cheloniidae); Sách Đỏ Việt Nam 2007 hạng EN.

rùa da – leatherback sea turtle (Dermochelys coriacea)

Còn được gọi là rùa luýt hay con luýt, là loài duy nhất còn sống thuộc Họ Rùa da (Dermochelyidae).

Rùa da là loài rùa biển lớn nhất, và là loài bò sát lớn thứ tư sau 3 loài cá sấu: dài 1-2 mét, nặng 250-700 kg. Con rùa da to nhất được biết dài 3 mét, nặng 916 kg.

Rất dễ phân biệt với các loài rùa biển khác vì không có mai, thay vào đó lưng được bao phủ bởi lớp da và thịt trơn. Chạy dọc lưng là 7 đường gờ riêng biệt. Lưng có màu xám sẫm hoặc đen và các chấm, vết màu trắng. Bụng có màu sáng hơn. Không có răng mà chỉ có các điểm trên rìa cắt sắc nhọn thuộc môi trên với các gai mọc ngược trong họng giúp nuốt thức ăn.

Sinh thái: Rùa da giúp duy trì lưới thức ăn của biển. Chúng có khẩu phần ăn ưa thích là sứa, có thể tiêu hóa được các chất độc từ sứa, với kích thước và khối lượng lớn giúp chúng tiêu thụ rất nhiều sứa trong một ngày. Do đó, rùa da giúp kiểm soát số lượng sứa trong thiên nhiên, giúp cho trứng cá và cá con (thức ăn chủ yếu của sứa) có cơ hội để phát triển. Số lượng rùa da giảm đi sẽ dẫn đến sự tăng lên của sứa, giảm số lượng cá trong tự nhiên.

Rùa da sống chủ yếu ngoài biển khơi. Rùa da trưởng thành thường có đường di cư rất dài. Các nhà khoa học đã theo dõi được một con rùa da bơi từ Indonesia đến Hoa Kỳ trên quãng đường khoảng 20.000 km trong vòng trên 647 ngày trong quá trình nó tìm kiếm thức ăn. Rùa da thích sống ở vùng nước sâu nhưng vẫn bắt gặp trên cạn. Khác với các loài bò sát khác, chúng sống tốt trong nước lạnh, chúng có thể sống ở những vùng lạnh đến 4,5°C. Có thể lặn sâu đến 1200 mét. Là loài bò sát di chuyển nhanh nhất thế giới và được ghi nhận năm 1992 bởi sách kỷ lục Guinness với tốc độ 35,28 kilômét trên giờ trong nước.

Hầu như chỉ ăn sứa. Vì thế lộ trình di cư phù hợp với những vùng phân bố sứa.

Trong khi các loài rùa biển khác hầu như chỉ quay lại bãi biển nơi chúng nở để làm ổ thì rùa da cái lại thay đổi nơi đẻ trứng trong vùng mà chúng nở. Các bãi biển được chọn thường có cát mềm vì mai và yếm của chúng rất mềm và dễ bị tổn thương bởi đá. Một con rùa da cái đẻ khoảng 9 ổ trong mỗi mùa sinh sản. Khoảng cách giữa hai lần đào ổ là khoảng 9 ngày. Trung bình mỗi ổ trứng có khoảng 110 quả, 85% có khả năng sống. Trứng nở sau 60-70 ngày. Giống như nhiều loài bò sát khác, nhiệt độ môi trường của ổ trứng quyết định giới tính của con non. Khi đêm xuống, rùa con phá vỡ vỏ trứng và bò về phía biển. Con non có màu sắc và hình thái tương tự con trưởng thành. Rùa da đực không bao giờ rời biển từ khi chúng xuống biển.

Phân bố: Trong số các loài rùa biển còn sinh tồn thì rùa da có khu vực phân bố rộng nhất, trong tất cả các vùng biển nhiệt đới và cận nhiệt đới, và còn được tìm thấy ở vùng Bắc cực.

Rùa da Thái Bình Dương thuộc về 2 quần thể khác biệt nhau. Một quần thể làm ổ ở các bãi biển của Papua New Guinea, Indonesia và Quần đảo Solomon, quần thể thứ hai làm ổ ở bờ Thái Bình Dương thuộc Trung Mỹ, khu tập trung nằm ở Mexico và Costa Rica. Quần thể rùa làm ổ ở Malaysia, với số lượng ít hơn 100 cá thể vào năm 2006, được đề xuất là quần thể thứ 3 ở Thái Bình Dương.

Vào các thập kỷ 1960-1970 có 500 rùa da mẹ lên các bãi biển Trung Bộ làm ổ hàng năm. Đến 2002 chỉ còn 10 rùa mẹ lên làm ổ. Trong suốt thời gian từ năm 2008 đến 2013, giới nghiên cứu chỉ ghi nhận một cá thể rùa da lên đẻ trên bãi Cát Dài tại Huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) và Hải Lăng (Quảng Trị) vào năm 2013. Các địa phương khác từng có rùa lên đẻ như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… thì đến nay không còn dấu vết của rùa da lên bờ đẻ trứng. (Nguyễn Diệu Thúy, 2016)

Tuy thỉnh thoảng ngư dân vẫn thấy rùa da xuất hiện trong vùng biển Việt Nam, cơ hội để rùa da quay trở lại đẻ trứng trên bãi biển Việt Nam là rất nhỏ.

Phân hạng bảo vệ: Nghị định 03/VBHN-BTNMT Phụ lục I; CITES Phụ lục I;

Rùa du nhập vào Việt Nam

Một số loài rùa được du nhập vào Việt Nam để làm vật cảnh, và việc này đặt ra một số vấn đề về sinh thái. Rùa du nhập có thể mang vào Việt Nam mầm bệnh cho người và gia súc. Ví dụ, chuyên gia đã cảnh báo rùa tai đỏ mang nhiều mầm bệnh, trong đó có vi khuẩn Salmonella – một dạng vi khuẩn gây bệnh thương hàn. Nếu được nuôi rộng rãi, con người khi tiếp xúc có thể bị nhiễm khuẩn, dẫn đến tiêu chảy, đau bụng dữ dội, sốt cao, thậm chí là tử vong.

Việc du nhập có thể mang vào Việt Nam loài rùa ngoại lai xâm hại, như đã xảy ra với ốc bươu vàng (Pomacea canaliculata) và cá lau kính (Hypostomus plecostomus). Riêng rùa tai đỏ (rùa mini) là một trong những loài đã được quốc tế cảnh báo là loài xâm hại nguy hiểm, tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học và các ngành kinh tế, nhưng cho đến năm 2019 vẫn tiếp tục được nhập khẩu, phát tán và nuôi tự phát tại Việt Nam (Kiều Linh, 2019).

Việc nuôi rùa du nhập cần tuân thủ những điều kiện sau:

  1. Không nuôi loài được pháp quy xác định là ngoại lai xâm hại.
  2. Nếu nuôi loài có tên trong các Phụ lục của CITES, phải đảm bảo nhà nhập khẩu hoặc nhà phân phối có đủ hồ sơ cho phép hoặc chứng minh nguồn gốc cá thể là từ cơ sở nuôi dưỡng được cấp phép. Nếu không thể đảm bảo việc này thì tốt nhất không nên mua loài có tên trong các Phụ lục của CITES, để không tiếp tay cho việc buôn bán trái phép xuyên biên giới.
  3. Cần tìm hiểu kích thước khi rùa lớn lên kẻo gặp phải khó khăn khi rùa quá lớn trong khi điều kiện tài chính hoặc không gian nuôi nhốt bị hạn chế.
  4. Không bao giờ thả rùa du nhập ra hoang dã. Liên hệ với cơ quan chức năng (chẳng hạn: cục kiểm lâm địa phương, hoặc vườn thú) để họ có cách giải quyết.

rùa bản đồ – common map turtle (Graptemys geographica)

Thuộc Họ Rùa đầm (Geoemydidae). Loài bản địa ở Bắc Mỹ.

Con cái dài 15-25 cm, con đực chỉ bằng một nửa. Giống như tên gọi: mai có những đường nét giống như đường đồng mức trên bản đồ. Mai có màu ô-liu hoặc xám với những đốm màu nhưng thường mờ dần khi con vật lớn lên, lúc đó chỉ có thể thấy được khi mai bị ướt. Các đường nét trên mai thường có màu vàng, nâu hoặc cam, đều được bao quanh bởi các đường viền sẫm màu. Phía sau mai hơi cong lên, mép mai có răng cưa. Da đầu, cổ và bốn chân màu vàng với những đường vằn vện màu ô-liu. Yếm màu vàng với một vệt đen ở giữa. Con cái thường có đầu rộng, hàm khỏe, con đực nhỏ và yếu hơn.

Sinh thái: sống chủ yếu trong nước không bị ô nhiễm ở sông, hiện diện ít hơn ở hồ và suối. Khá nhút nhát và khó tiếp cận, thường trượt xuống nước và ẩn nấp khi cảm thấy nguy hiểm. Hoạt động ban ngày. Thường lên bờ phơi nắng cả đàn. Ăn thịt nhiều hơn các loại rùa khác cùng họ: chủ yếu loài nhuyễn thể, cũng ăn côn trùng, tép, cá… Luôn kiếm ăn trong nước. Giao phối thường diễn ra ở vùng nước sâu.

Rùa cái dùng hai chi sau để đào ổ trên bãi cát không có bóng mát để đẻ 6-20 trứng. Rùa con nở ra sau 50-70 ngày. Ở nhiệt độ 25 độ C đa số rùa nở ra là con đực; ở nhiệt độ 30-35 độ C đa số rùa nở ra là con cái.

Phân hạng bảo vệ: CITES Phụ lục III;

rùa bụng hồng – red-bellied short-necked turtle (Emydura albertisii)

Xuất xứ từ Bắc Mỹ. Tên khoa học đồng nghĩa: Emydura subglobosa.

Mai dài 20 cm, màu nâu hạt rẻ, hoặc xám hoặc ô-liu, và viền mai màu cam, hồng hoặc đỏ. Bụng có màu hồng hoặc màu đỏ cam. Da có màu xám và có một số vệt màu hồng nhạt. Đầu rùa màu xám hoặc ô-liu, có 2 sọc màu vàng ở 2 bên mi mắt.

Con đực có đuôi dài hơn, to hơn, dầy hơn con cái – chỉ thấy rõ khi rùa đạt tới kích thước khoảng 10 cm.

Sinh thái: sống trong ao hồ. Ăn các động vật thân mềm, động vật giáp xác, côn trùng thủy sinh. Rất nhút nhát, chỉ cảm thấy an toàn khi có thể ẩn nấp dưới nước.

Tuổi thọ nuôi nhốt 30–50 năm.

Phân hạng bảo vệ: CITES không tìm thấy phân hạng;

rùa bụng vàng – yellow-bellied slider turtle (Trachemys scripta scripta)

Thuộc Họ Rùa đầm lầy (Emydidae). Xuất xứ từ miền đông-nam Hoa Kỳ, đặc biệt từ Florida đến đông-nam Virginia.

Chiều dài mai con đực từ 12–22 cm, con cái 2 –33 cm. Mai thường là màu nâu với những sọc vàng. Yếm chủ yếu màu vàng, cạnh bên có những đốm đen to. Da đầu, cổ và chân màu vàng nhạt với những vệt to màu ô-liu.

Sinh thái: sống ở nhiều sinh cảnh đa dạng kể cả đầm lầy, ao, sông có nước chảy chậm, và đất ngập trong mùa mưa. Hoạt động ban ngày. Ăn tạp: côn trùng, cá, tôm cùng các lá xanh.

Giao phối diễn ra trong nước.

Tuổi thọ nuôi nhốt đến 40 năm.

Cảnh báo: Vì tập tính ăn tạp và khả năng thích nghi với nhiều sinh cảnh khác nhau, rùa bụng vàng có thể trở thành loài ngoại lai xâm hại nếu được phóng thích ra hoang dã.

Phân hạng bảo vệ: CITES không tìm thấy phân hạng; IUCN 2010 LC (đối với loài Trachemys scripta).

rùa cá sấu – alligator snapping turtle (Macrochelys temminckii)

Thuộc Họ Chelydridae. Xuất xứ từ Bắc Mỹ, được du nhập vào Việt Nam vào khoảng năm 2013.

Đây là loài rùa nước ngọt lớn nhất ở Bắc Mỹ: dài 35-81 cm và nặng đến 80 kg (một vài cá thể trên 100 kg); rùa cái nhỏ hơn, nặng trên dưới 30 kg. Mai có nhiều vỏ gai nhọn, hàm răng sắc, đuôi dày. Cơ thể có mầu xám, đen, nâu, hiếm khi màu ô-liu. Đầu to so với cơ thể còn lại. Có thể há miệng to tạo ra góc 120 độ. Trong miệng có một bộ phận phụ trên lưỡi nhìn giống như con giun đỏ ngoe nguẩy. Lực của hàm rất mạnh, từng cắn đứt ngón tay của người sơ ý.

Trông tương tự như rùa common snapping cùng họ nhưng rùa cá sấu có mai gồ lên cao hơn, những hàng gai trên mai cũng cao hơn, và đuôi ngắn hơn.

Sinh thái: chủ yếu sống trong thủy vực nước ngọt; chỉ con cái mới lên bờ khi đẻ trứng. Ăn hầu như bất kỳ thứ gì tìm được: động vật không xương sống, thịt động vật thối rữa, rắn, tôm tép, chim nước, rùa nhỏ, cá sấu nhỏ, thậm chí sóc và chồn khi các con vật này xuống uống nước. Ngư dân địa phương than phiền rùa cá sấu làm giảm số lượng cá trong vùng, nhưng thật ra không đúng. Rùa săn mồi bằng cách phục kích: nằm bất động, được ngụy trang bởi rong rêu trên mai, há miệng để lộ hình con giun đỏ ở trong miệng ngo ngoe ra nhằm thu hút cá và động vật khác đến bắt mồi. Khi con mồi xuất hiện đi vào miệng chúng sẽ bị giết như chớp với tốc độ và lực của hàm rùa. Việc săn mồi như thế không thể bắt được nhiều cá so với việc ăn tạp những thứ khác.

Sinh sản khi trưởng thành ở độ tuổi 12-13 tuổi. Mỗi ổ đẻ 10-50 trứng. Sau 100–140 ngày trứng nở; giới tính của con non được xác định do nhiệt độ của ổ trứng.

Tuổi thọ đến 80-120 năm trong hoang dã và 20-70 năm trong nuôi nhốt.

Cảnh báo: Khi thả ra hoang dã, rùa cá sấu có khả năng trở thành loài ngoại lai xâm hại do tính hung dữ sát hại các loài thủy tộc. Điều này thường xảy ra khi rùa trở nên quá lớn và người nuôi không còn có đủ điều kiện về tài chính hoặc không gian để tiếp tục nuôi dưỡng con vật. Hệ sinh thái ở một số nước Châu Âu đã lâm vào tình trạng bị xâm lấn bởi rùa cá sấu.

Điều trái khoáy là vì bị săn bắt quá nhiều, số lượng rùa cá sấu hoang dã ở Mỹ giảm mạnh, và cần thiết có biện pháp bảo tồn.

Phân hạng bảo vệ: CITES Phụ lục III; IUCN 1996 VU.

rùa chân đỏ – red-footed tortoise (Chelonoidis carbonarius)

Kích thước trung bình: dài 30 cm, cá biệt 40 cm. Mỗi vảy sậm trên mai có viền xám sậm hoặc nâu sậm, trung tâm nâu sáng. Chân màu sậm với vảy màu sáng từ vàng đến đỏ.

Xuất xứ từ vùng Amazon, được nuôi phổ biến nhất tại Mỹ. Chủ yếu ăn thực vật: quả, cỏ, hoa, nấm, cũng ăn thêm động vật không xương sống. Hoạt động chậm lại vào mùa khô và nóng với sự chuyển hóa chậm trong cơ thể.

Tuổi thọ: 50-100 năm.

Loài rùa này được du nhập về Việt Nam từ khoảng 2014, chủ yếu từ Thái Lan và Trung Quốc. Tuy nhiên, một trang trại ở Hà Nội nhập loài khổng lồ này về từ chính quê hương của nó, với những cá thể 30-50 kg.

Bị săn bắt mạnh để bán làm thú cảnh. Vì thế, nuôi làm cảnh càng khuyến khích việc săn bắt loài rùa này.

Phân hạng bảo vệ: CITES Phụ lục II; IUCN không tìm thấy phân hạng.

rùa Châu Phi – African spurred tortoise (Centrochelys sulcata)

Còn được gọi là rùa cạn Sulcata khổng lồ, thuộc Họ Rùa cạn (Testudinidae).

Rùa Châu Phi là một trong những loài rùa cạn lớn nhất thế giới: đạt đến chiều dài 83 cm và nặng 105 kg. Loài rùa này có xuất xứ từ miền nam hoang mạc Sahara ở Châu Phi, nhưng có khả năng thích ứng với những điều kiện khí hậu khác nhau.

Con chưa trưởng thành có hoa văn đẹp gồm màu nâu sậm trên nền nâu nhạt. Càng lớn lên, hoa văn càng nhạt rồi thành màu xám xỉn.

Lớn khá nhanh: từ con mới nở dài 5-7 cm, đạt 15-25 cm sau ít năm. Sống thọ đến 70 năm.

Sinh thái: trong vùng khô hạn, đào hang rất sâu: dài đến 30 m và sâu đến 15 m để khi trời nóng nhất trong ngày trú ẩn dưới hang. Ăn thực vật, chủ yếu gồm các loại cỏ có nhiều chất xơ và đạm thấp, cũng ăn các loại xương rồng. Gần như không uống nước vì nước được hấp thụ từ thức ăn là đủ đối với sự chuyển hóa trong cơ thể.

Con cái đào ổ để đẻ 15-30 trứng. Con non nở ra sau 90-120 ngày.

Phân hạng bảo vệ: CITES Phụ lục II (đối với cả Họ Testudinidae); IUCN 1996 VU.

rùa common snapping – snapping turtle (Chelydra serpentina)

Thuộc Họ Chelydridae.

Loài rùa này được nuôi làm cảnh khá nhiều ở Việt Nam nhưng vẫn chưa có tên tiếng Việt; người bán và người nuôi đều gọi theo tên tiếng Anh.

Dài 20-36 cm, kỷ lục 49 cm; trọng lượng 4,5–16 kg, kỷ lục 39 kg. Mai từ nâu sậm đến đen, có 3 hàng gai chạy dọc theo chiều dài với các tấm vảy sừng nhô cao như vảy cá sấu, mõm như hình mỏ chim, thân. Đầu to so với mai. Đầu và cổ có nhiều gai nhọn. Đôi chân chắc khỏe, cũng có gai. Trông tương tự như rùa cá sấu cảnh cùng họ nhưng rùa common snapping có mai dẹt hơn, những hàng gai trên mai thấp hơn, riêng đuôi dài hơn nhiều.

Xuất xứ ở vùng đông-bắc nước Mỹ, bao gồm cả Nam Carolina và Georgia. Có thể thọ hơn 100 tuổi.

Sinh thái: thích sống ở khu vực nước ngọt có nước sâu. Thỉnh thoảng lên bờ phơi nắng. Ăn tạp: động vật không xương sống, cá, chim, động vật có vú, thực vật, cũng thường ăn xác động vật chết lâu ngày.

Được sử dụng nhiều làm thực phẩm. Chính vì có hình thù kỳ dị nên được ưa chuộng nuôi làm cảnh, nhưng khi cầm nắm người nuôi có thể bị con vật cắn do mỏ bén và cổ linh hoạt. Một số trang trại ở Trung Quốc nuôi loài rùa này.

Cảnh báo: Khi thả ra hoang dã, rùa common snapping có khả năng trở thành loài ngoại lai xâm hại do tính hung dữ sát hại các loài thủy tộc.

Phân hạng bảo vệ: CITES Phụ lục III; IUCN 2010 LC.

rùa da báo – leopard tortoise (Stigmochelys pardalis)

Thuộc Họ Rùa cạn (Testudinidae).

Kích thước khá lớn: dài 40 cm và nặng 13 kg, cá biệt dài 70 cm và nặng 40 kg. Khi còn non, mai có hoa văn đẹp với màu đen trên nền trắng ngà hoặc nâu-đỏ trên nền hồng. Khi lớn lên, hoa văn mờ dần thành màu nâu và xám. Mai gồ cao, hai bên gần như thẳng đứng. Đầu và bốn chân có màu đồng đều vàng hoặc nâu.

Sinh thái: xuất xứ ở thảo nguyên miền đông và nam Châu Phi, sống ở đồng cỏ, bụi cây gai vùng bán khô hạn đến độ cao 2900 m; không sống ở vùng trung Châu Phi ẩm ướt. Di chuyển nhanh, bơi giỏi. Ăn các loại cỏ, cây mọng nước.

Con cái đào ổ để đẻ 5-30 trứng, mỗi mùa sinh sản có thể đẻ 5-7 ổ. Con non nở sau 8-15 tháng tùy nhiệt độ môi trường và trưởng thành sinh dục sau 12-15 năm. Tuổi thọ trung bình 80 năm.

Được nuôi nhốt cho sinh sản để phục vụ người nuôi rùa cảnh, giúp giảm áp lực cho quần thể hoang dã.

Phân hạng bảo vệ: CITES Phụ lục II (đối với cả Họ Testudinidae); IUCN 2014 LC.

rùa gỗ Trung Mỹ – Central American wood turtle (Rhinoclemmys pulcherimma)

Thuộc Họ Rùa đầm (Geoemydidae). Xuất xứ ở Trung Mỹ, từ Mexico đến Brazil.

Dài 20 cm. Con đực nhỏ hơn nhưng có đuôi dài hơn con cái. Mai thường có gờ chạy dọc trên đỉnh, có hoa văn và màu sắc sặc sỡ đa dạng, nhưng cũng có những cá thể với mai màu xám hoặc nâu trơn. Đầu có những vằn nhỏ màu cam hoặc hồng. Các hoa văn và màu sắc dần mờ nhạt khi con vật lớn lên.

Sinh thái: thích sống gần nguồn nước ở rừng hoặc lùm bụi ẩm với cao độ thấp. Ăn tạp: quả, côn trùng, giun đất… Mỗi mùa đẻ vài ổ 3-5 trứng. Trứng ngủ đông khi nhiệt độ xuống thấp, và phôi phát triển khi nhiệt độ tăng. Khi đó, nhiệt độ quyết định giới tính: tất cả là con đực với 24-27 độ C, tất cả là con cái với trên 30 độ C.

Tuổi thọ hơn 20 năm.

Bị mua bán nhiều xuyên quốc gia để phục vụ nhu cầu nuôi làm cảnh.

Phân hạng bảo vệ: CITES không tìm thấy phân hạng; IUCN không tìm thấy phân hạng.

rùa Hermann – Hermann’s tortoise (Testudo hermanni)

Thuộc Họ Rùa cạn (Testudinidae).

Kích thước khác biệt tùy phân loài: dài 18-28 cm. Điểm đặc biệt của loài rùa này là phần đuôi và móng sắc nhọn. Con chưa trưởng thành có mai với hoa văn đẹp màu đen và vàng, khi lớn lên hoa văn nhạt dần thành màu xám, nâu nhạt hoặc vàng không rõ nét.

Xuất từ vùng nam Châu Âu, vì thế thích nhiệt độ mát ở mức 26–27 độ C. Các cá thể được rao bán ở Việt Nam được cho là nhập từ Trung Quốc, Thái Lan và Mỹ.

Rùa Hermann Tortoise thích leo trèo, đào hang.

Phân hạng bảo vệ: CITES Phụ lục II (đối với cả Họ Testudinidae); IUCN 2004 NT.

rùa khổng lồ – Aldabra giant tortoise (Aldabrachelys gigantea)

Còn được gọi là rùa đảo cổ đại, thuộc Họ Rùa cạn (Testudinidae).

Một trong những loài rùa lớn nhất thế giới: dài trung bình 122 cm và nặng trung bình 250 kg. Mai gồ cao. Con non có màu nâu nhạt hoặc sậm, lớn lên thành xám sậm. Cổ rất dài, giúp con vật ăn cành lá cao 1 m khỏi mặt đất.

Sinh thái: sống ở đồng cỏ, lùm bụi, rừng ngập mặn, đồi cát ven biển, Xuất xứ ở Quần đảo Aldadbra của Seychelles. Ăn thực vật kể cả cành cây thân gỗ. Do sự thích nghi ở vùng khô hạn, lấy nước chủ yếu từ thức ăn.

Được nuôi nhiều ở các vườn thú trên thế giới.

Tuổi thọ lên tới 255 năm.

Phân hạng bảo vệ: CITES Phụ lục II (đối với cả Họ Testudinidae); IUCN không tìm thấy phân hạng.

rùa kim cương – diamondback terrapin (Malaclemys terrapin)

Thuộc Họ Rùa đầm lầy (Emydidae).

Đực dài 19 cm và nặng 300 g, cái dài 23 cm và nặng 500 g. Nhìn từ trên xuống, mai mở rộng về phía đuôi. Màu mai thay đổi từ nâu đến xám, xanh lục và đen. Da có màu xám, hoặc nâu, vàng, trắng. Mỗi cá thể có hoa văn khác nhau gồm những gợn sóng và đốm đen hoặc nâu trên đầu và thân.

Sinh thái: thích sống trong khu vực có nhiệt độ từ 27–29 độ C. Có thể thích nghi trong nước với những độ mặn khác nhau thậm chí mặn như nước biển. Khi sống trong những mặn, uống nước ngọt bằng cách uống lớp nước mặt ít mặn, hoặc nhô đầu lên khỏi mặt nước khi trời mưa để uống nước mưa.

Tuổi thọ của rùa kim cương lên tới 20 năm.

Phân hạng bảo vệ: CITES Phụ lục II; IUCN 2018 VU.

rùa lá mata mata – mata mata (Chelus fimbriata)

Thuộc Họ Rùa cổ Úc-Nam Mỹ (Chelidae), chứa khoảng 60 loài sống dưới nước, chân có màng bơi.

Dài tới 45 cm và nặng tới 15 kg. Hình dáng đặc biệt: đầu to và bè, cổ rất dài, mũi nhọn hướng về phía trước giống như mũi tên, mai có hình dáng giống như lá cây, có màu vàng hoặc nâu vừa đến nâu sậm.

Sinh thái: bắt nguồn từ sông Amazon và khu Orinoco Nam Mỹ. Sống trong môi trường nước có độ pH 5-6. Ăn động vật: cá, tôm, ốc, cua.

Phân hạng bảo vệ: CITES không tìm thấy phân hạng; IUCN không tìm thấy phân hạng.

rùa lưỡi dao – razor-backed musk turtle (Sternotherus carinatus)

Thuộc Họ Kinosternidae, gồm 25 loài có chiều dài 10–15 cm, sống trong vùng nước chảy chậm có đáy mềm, lầy lội và thảm thực vật phong phú. Hầu hết các loài trong họ này có kích thước nhỏ.

Rùa lưỡi dao có mai dài 15 cm, màu nâu với những vệt đen. Trên đỉnh mai có một sống bén chạy dọc. Cổ dài, chân ngắn, mỏ bén.

Xuất xứ từ miền nam nước Mỹ. Tuổi thọ 20 năm.

Sinh thái: sống trong suối nước chảy chậm, ao, đầm lầy có nền cát hoặc đá, không sống ở vùng nước lợ, thường lên bờ để phơi nắng. Ăn chủ yếu động vật: tôm, cua, ốc, côn trùng kể cả xác chết.

Phân hạng bảo vệ: CITES không tìm thấy phân hạng; IUCN 2010 LC.

rùa mũi lợn – pig nose turtle (Carettochelys insculpta)

Thuộc Họ Carettochelyidae.

Xuất xứ từ miền bắc Úc và miền nam Papua New Guinea.

Dài 70 cm, nặng trên 20 kg. Hình thái không giống với bất kỳ loài rùa nước ngọt nào: mũi giống mũi lợn, bốn chi mở rộng thành mái chèo như rùa biển. Mai màu xám hoặc ô-liu giống như da, mai màu kem.

Sinh thái: không sống hoàn toàn trong nước, có tính bảo vệ lãnh thổ mạnh hơn phần lớn các loài rùa khác. Ăn tạp: quả, lá, loài giáp xác, loài nhuyễn thể, và côn trùng.

Con cái trưởng thành sinh dục lúc 18 tuổi, con đực lúc 16 tuổi. Rùa mẹ đẻ trứng trên bờ cát. Ngay cả khi con non phát triển đầy đủ trong trứng, chúng vẫn ngủ đông cho đến khi có điều kiện thích hợp mới chui ra khỏi trứng. Một yếu tố thích hợp là có nhiều sự chuyển động của rùa con trong trứng, khi đó tất cả rùa con đồng loạt chui ra, được an toàn nhờ số đông.

Do hình thái kỳ lạ, rùa mũi lợn được yêu thích để nuôi làm vật cảnh. Có phân bố hẹp trong hoang dã.

Phân hạng bảo vệ: CITES Phụ lục II; IUCN 2017 EN.

rùa ninja – yellow-spotted river turtle (Podocnemis unifilis)

Thuộc Họ Podocnemididae. Xuất xứ từ các hệ thống sông ở Nam Mỹ và một vài nhánh sông ở Bắc Mỹ,

Kích thước khá lớn: dài đến 45 cm và nặng đến 8 kg. Con cái có thể lớn gấp đôi con đực. Mai màu đen hoặc nâu. Đầu có những đốm lớn màu vàng, dần phai đi khi rùa lớn lên. Đầu không rút được thẳng vào mai, cổ phải uốn qua một bên để đặt đầu dưới rìa mai.

Sinh thái: sống ở sông hồ có nước tĩnh lặng. Ăn tạp: quả, cỏ, cá, động vật không xương sống.

Con cái đẻ mỗi năm hai ổ, mỗi ổ 4-35 trứng. Đẻ trứng trên bãi cát dọc bờ sông vào mùa khô để ổ trứng không bị nước lũ cuốn đi. Rùa con nở sau 66-159 ngày. Con đực nở khi nhiệt độ dưới 32 độ C, con cái nở khi nhiệt độ trên 32 độ C. Chỉ vài ngày sau khi nở, rùa con bắt đầu kiếm ăn.

Phân hạng bảo vệ: CITES Phụ lục II; IUCN 1996 VU.

rùa núi nâu – Asian giant tortoise (Manouria emys)

Thuộc Họ Rùa cạn (Testudinidae). Các tên khoa học đồng nghĩa: Geochelone emys, Testudo phayrei, Manouria fusca, Testudo emys.

Loài rùa to lớn này có các mảnh sừng kỳ lạ ở ngực trên phần yếm, đứng tách biệt hẳn. Mỗi bên sườn có các vảy to có gai. Mai và các bộ phận mềm màu nâu hoặc xám, đôi khi có các vệt màu vàng mờ ở chính giữa mỗi mảnh sừng trên mai. Con đực gần giống như con cái. Rùa con có các mảnh sừng ít nhô ra hơn, và các mảnh sừng ở sống lưng và cạnh rìa có thể hơi lõm vào.

Sinh thái: sống ở rừng thường xanh nhiệt đới, thích nơi thoát nước tốt ở độ cao 600-1500 m. Thức ăn chủ yếu là thực vật (quả, nấm). thỉnh thoảng thịt động vật chết thối rữa. Đẻ mỗi lần khoảng 30 trứng.

Tình trạng: loài bị săn bắt mạnh để làm thực phẩm và cũng để bán xuyên biên giới cho người nuôi làm cảnh nên số lượng giảm sút nhanh chóng trong hoang dã.

Phân hạng bảo vệ: CITES Phụ lục II (đối với cả Họ Testudinidae); IUCN 2018 CR.

rùa sao Ấn Độ – Indian star tortoise (Geochelone elegans)

Các tên khoa học đồng nghĩa: Testudo actinoides, Testudo elegans, Testudo stellata.

Tên gọi xuất phát từ những hoa văn màu cam-vàng tỏa ra như ngôi sao giữa các tấm mai màu đen-lam. Khi mới nở, mai rùa con khá nhẵn; càng lớn, mai càng gồ ghề.

Xuất xứ từ những vùng khô cằn và rừng cây bụi ở Ấn Độ và Sri Lanka. Những năm gần đây, loài rùa này đã được nhập vào Việt Nam.

Mặc dù được được nhân nuôi rộng rãi tại nhiều quốc gia để bán làm vật cưng, nhưng giá trị lớn cùng nhu cầu cao từ thị trường khiến rùa sao Ấn Độ bị săn bắt ráo riết ngoài thiên nhiên.

Phân hạng bảo vệ: CITES Phụ lục I; IUCN 2018 VU.

rùa tai đỏ – red-eared slider turtle (Trachemys scripta elegans)

Thuộc Họ Rùa đầm (Geoemydidae).

Còn được giới buôn bán thú cảnh gọi là rùa mini, có nguồn gốc từ Mexico và Hoa Kỳ.

Kích thước trung bình: mai dài 12,5-29 cm. Điểm nhận dạng: sau hai mắt có vệt đỏ dài và rộng. Mai màu lục, vàng-xám hoặc hoặc thẫm tối với nhiều hoa văn, da đầu và cổ có những vệt lượn sóng xem kẽ màu ô-liu  và vàng hoặc xám và trắng. Yếm màu vàng, có các đốm tối trên mỗi tấm yếm. Cá thể non có màu lục nhạt.

Phân loài rùa này được du nhập vào Việt Nam khoảng năm 1994 và lập tức được ưa chuộng làm vật cảnh vì có màu đẹp. Chẳng bao lâu rùa tai đỏ có mặt tại nhiều ao hồ ở Việt Nam do việc phóng thích rùa nuôi nhốt. Đây là loại rùa được ưa thích nhất trong việc mua bán thú cưng, với trên 52 triệu cá thể được xuất khẩu từ Mỹ đến các thị trường nước ngoài trong giai đoạn 1989-1997. Sự thích ứng với nhiều sinh cảnh khác nhau và sự ăn tạp hung dữ, ăn tất cả các loài cá bé hơn nó và các động vật thủy sinh khác, khiến cho rùa tai đỏ có khả năng gây tác động xấu trên hệ sinh thái địa phương.

Trứng hình o-val, dài 3-4 cm, ngang 1,9-2,6 cm, nặng 6,1-15,4 g.

Đây là một trong những loài xâm thực nguy hiểm. TS Nguyễn Đình Hòe, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, cho rằng rùa tai đỏ gây hại cả về mặt thủy sản và trồng trọt, bởi nó ăn cả động vật và thực vật nước. Mức độ tàn phá của nó thì kinh khủng hơn ốc bươu vàng rất nhiều vì rùa to hơn, khoẻ hơn, sống lâu hơn và ăn tạp. Thậm chí, rùa tai đỏ còn ăn thịt cả loài rùa khác. (Ngọc Yến, 2010)

Phụ lục I Thông tư liên tịch 27/2013/TTLT-BTNMT-BNNPTNT ngày 13 tháng 11 năm 2008 xác định rùa tai đỏ là loài ngoại lai xâm hại.

Phân hạng bảo vệ: CITES không tìm thấy phân hạng; IUCN 2010 LC (đối với loài Trachemys scripta).

rùa vẽ – painted turtle (Chrysemys picta)

Còn được gọi là rùa sơn, có xuất xứ từ Bắc Mỹ, thuộc Họ Rùa đầm (Geoemydidae).

Dài 10-20 cm; con đực nhỏ hơn con cái. Mai nhẵn, có màu sậm, không có gờ mai. Da có màu từ ô-liu đến đen với những vằn màu cam, hoặc đỏ, vàng trên đầu và bốn chân, trông như được vẽ.

Các phân loài được phân biệt bởi những khác biệt trên mai:

  • rùa vẽ Đông – Eastern painted turtle (Chrysemys picta picta): các đường thẳng trên mai và yếm vàng trơn, không có họa tiết
  • rùa vẽ Nam – Southern painted turtle (Chrysemys picta dorsalis): có một đường màu đỏ hoặc hồng hoặc trắng ngà chạy dọc trên đỉnh mai
  • rùa vẽ Tây – Western painted turtle (Chrysemys picta bellii): có hoa văn màu đỏ dưới yếm
  • rùa vẽ Trung du – Midland painted turtle (Chrysemys picta marginata): yếm màu hồng hoặc trắng ngà có một vệt rộng không đều màu sậm chạy dọc chính giữa.

Rùa vẽ thường bị nhầm lẫn với rùa tai đỏ. Trong khi rùa tai đỏ có 2 viền màu đỏ ngắn ngay phía sau mắt, thì các sọc đỏ và vàng ở rùa vẽ kéo dài đến cổ và tứ chi.

Sinh thái: sống ở các thủy vực nước ngọt có nước chảy chậm, không bị hạn vào mùa khô, và có nhiều thủy thực vật. Thích lên bờ sưởi dưới ánh nắng hàng giờ. Ăn thảo mộc, tảo, côn trùng, loài giáp xác, và cá. Vào mùa đông, ngủ đông dưới lớp bùn của ao hồ.

Tuổi thọ ngoài hoang dã đạt 55 năm.

Cảnh báo: có nguy cơ chứa vi khuẩn Salmonella, đe dọa người già và trẻ em trong nhà có nuôi rùa vẽ làm vật cảnh.

Phân hạng bảo vệ: CITES không tìm thấy phân hạng; IUCN 2010 LC.

Kết luận

Việt Nam được coi là một trong những điểm nóng quan trọng về đa dạng rùa ở Châu Á vì là nơi sinh sống của 27 loài rùa nước ngọt và rùa cạn. Việt Nam còn là quê hương của ít nhất 2 loài rùa đặc hữu là rùa hộp trán vàng miền Nam (Cuora picturata) và rùa Trung Bộ (Mauremys annamensis). Cả hai loài được xếp ở mức cực kỳ nguy cấp với số lượng trên đà suy giảm trầm trọng.

Hiện tại trên phân nửa các loài rùa nước ngọt và rùa cạn có nguy cơ tuyệt chủng. Việt Nam nằm trong điểm nóng Đông Dương-Miến Điện về đa dạng các loài rùa với khoảng 36 loài và phân loài rùa. Rất nhiều loài rùa trong đó đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng cao như: giải sin-hoe tức rùa Hoàn Kiếm (Rafetus swinhoei), nhóm rùa hộp (Cuora ssp.). Rùa Hoàn Kiếm là một trong những loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất hiện nay: tính đến tháng 6/2019 trên thế giới chỉ xác định được ba cá thể rùa còn đang sống: một cá thể đực ở Trung Quốc và hai cá thể ở Việt Nam chưa xác định được giới tính, độ tuổi, tình trạng sức khỏe và khả năng sinh sản.

Theo Liên minh Bảo tồn Rùa (2018), có 3 loài rùa ở Việt Nam nằm trong danh sách 25 loài rùa có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới là rùa Hoàn Kiếm, rùa Trung bộ và rùa hộp ba vạch. Nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm các quần thể rùa là do săn bắt bất hợp pháp và mất môi trường sống.

Thảm cảnh rùa hoang dã ở Việt Nam nằm ở hai phương diện: vào nồi nấu cao và lên bàn nhậu. Trước sức hút khổng lồ của thị trường Trung Quốc, nhiều tư thương thu gom rùa của thợ săn rồi chở xe tải qua biên giới, xuất bán. Đặc biệt, khi đường biên thắt chặt hơn, họ tiến hành thu gom rồi nấu cao rùa bán ở trong nước. Lại có đường dây hợp thức hóa rùa rắn ngoài hoang dã vào “rửa” nguồn gốc động vật trong các trang trại. Tất cả là mua bán “rửa nguồn gốc” bằng danh hiệu trang trại, chứ động vật cũng chẳng hề… bò qua trang trại!

Vẫn tồn tại một thị trường đáng kể về rùa quý hiếm ở Việt Nam phục vụ nhu cầu làm thú cưng, đặc sản và làm thuốc. Thị trường này đang tăng trưởng, tạo nên áp lực khốc liệt vào công tác bảo vệ đa dạng sinh học và thượng tôn luật pháp.

Số liệu của Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã Quốc tế (WCS): Gần 1/3 trong số hơn 26.000 bộ phận động vật hoang dã bị tịch thu từ năm 2013 đến 2017 là rùa. Khảo sát trong số 1.504 vụ bắt giữ liên quan đến động vật hoang dã, thì có đến 10,31% vụ việc liên quan rùa. Rùa trở thành nhóm loài lớn thứ hai trong số các vụ bắt giữ động vật hoang dã ở Việt Nam. (Tâm Am, 2019).

Ngày càng có thêm nhiều báo cáo về tình trạng buôn lậu diễn biến phức tạp, đưa Việt Nam vào danh sách những quốc gia đe dọa tuyệt chủng rùa biển cao nhất thế giới hiện nay. Theo kết quả nghiên cứu mới nhất về tình trạng buôn lậu rùa biển ở 3 quốc gia Indonesia, Malaysia và Việt Nam, công bố tháng 9-2019, Việt Nam là nơi cung cấp nguồn rùa chính để đáp ứng nhu cầu trong nước và ngày càng bị liên lụy là nguồn cung cấp rùa nhập lậu cho các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Pháp trong vai trò là một thị trường tiêu thụ và là tuyến đường quá cảnh trong việc buôn bán rùa biển (Kim Thùy, 2020).

VQG Cúc Phương có Trung tâm Bảo tồn Rùa (TCC) nuôi dưỡng các loài rùa được giải cứu để phục hồi sức khỏe rồi thả lại vào hoang dã. Trong năm 2017, có 9 loài rùa được ấp nở thành công tại đây: rùa bốn mắt, rùa cổ bự, rùa cổ sọc, rùa đất lớn, rùa hộp trán vàng miền Trung, rùa núi vàng, rùa răng rùa sa nhân, và rùa Trung bộ. Nhưng những nỗ lực này như muối bỏ bể.

Về rùa biển, theo kết quả nghiên cứu do IUCN và Viện Nghiên cứu Môi trường Biển (IMER) thực hiện, số lượng rùa lên đẻ trứng tại Việt Nam đã giảm từ 10.000 cá thể mỗi năm (những năm 1980) xuống còn 450 cá thể (năm 2019). Điều đáng lo ngại là các bãi đẻ của rùa biển ngày càng bị xóa sổ: số liệu của IUCN cho thấy, hầu hết số lượng rùa lên đẻ trứng tập trung ở Côn Đảo (425 cá thể/năm) và hầu hết là vích. (Lan Anh, 2019)

Tài liệu tham khảo

Chu Thế Cường (2014). “Những thách thức đối với bảo tồn rùa biển tại Việt Nam”, Tạp chí Môi trường, số 7.

Environment Canada; CITES Secretariat & TRAFFIC North America (1999). CITES Identification Guide – Turtles & Tortoises.

Gray, J. (2018). “Keeled box turtle (Cuora mouhotii)”, Species Spotlight, 13. http://turtlesurvival.nonprofitsoapbox.com/blog/1-blog/519-species-spotlight-vol-13#.Xy3jCIgzapo

Hạnh Nguyên (2018). Bí ẩn loài rùa đắt như vàng ròng: Bị săn lùng đến tận diệt. https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/bi-an-loai-rua-dat-nhu-vang-rong-bi-sang-lung-den-tan-diet-495760.html

Hendrie, D.B. et al. (2010). Sách hướng dẫn thi hành luật về định dạng các loài rùa cạn và rùa nước ngọt Việt Nam. Humane International, Taronga, ATCN.

Hoàng Dung (2020). 70.000 rùa biển xuất hiện bất thường trên bờ biển vắng bóng người. https://infonet.vietnamnet.vn/chuyen-la/70-000-rua-bien-xuat-hien-bat-thuong-tren-bo-bien-vang-bong-nguoi-60220.html

Hương Thu (2012). Việt Nam tặng lại rùa quý cho Campuchia. https://vnexpress.net/viet-nam-tang-lai-rua-quy-cho-campuchia-2245040.html

Kiều Linh (2019). Quốc tế cảnh báo rùa tai đỏ gây tổn thất kinh tế nhưng Việt Nam vẫn nhập. https://vn.investing.com/news/latest-news/news/commodities-news/quoc-te-canh-bao-rua-tai-do-gay-ton-that-kinh-te-nhung-viet-nam-van-nhap-1900927

Kim Thùy (2020). Việt Nam: Nguy cơ tuyệt chủng rùa biển cao nhất thế giới. https://nhipcaudautu.vn/phong-cach-song/bao-ve-bao-ton/viet-nam-nguy-co-tuyet-chung-rua-bien-cao-nhat-the-gioi-3332378/

Lan Anh (2019). Một số loài rùa biển xác nhận đã biến mất. https://baotainguyenmoitruong.vn/mot-so-loai-rua-bien-xac-nhan-da-bien-mat-294672.html

McCormack, T.  Turtle field skill training manual. Asian Turtle Program (ATP).

Minh Đức (2019). Hy vọng phục hồi quần thể rùa Hoàn Kiếm chỉ còn ở Việt Nam. http://baoquangngai.vn/channel/2031/201909/hy-vong-phuc-hoi-quan-the-rua-hoan-kiem-chi-con-o-viet-nam-2966024/index.htm

Minh Long (2012). Rùa hiếm của Việt Nam ra đời tại Anh. https://vnexpress.net/rua-hiem-cua-viet-nam-ra-doi-tai-anh-2242025.html

Ngọc Yến (2010). Bộ Nông nghiệp chỉ đạo cấm nuôi rùa tai đỏ. http://cand.com.vn/Xa-hoi/Bo-Nong-nghiep-chi-dao-cam-nuoi-rua-tai-do-165106/

Nguyễn Diệu Thúy (2016). Việt Nam có nhiều hơn một ‘cụ rùa’ cần được bảo vệ. http://thuvien.mard.gov.vn/san-pham/diem-bao/viet-nam-co-nhieu-hon-mot-cu-rua-can-duoc-bao-ve-1654/

Nguyễn Đức Thế & Chu Thế Cường (2013). “Một số chỉ tiêu sinh học của quần thể vích (Chelonia mydas) sinh sản tại Côn Đảo, Việt Nam”, Hội nghị Khoa học Toàn quốc về Sinh thái và Tài nguyên lần thứ 5.

Nguyễn Hoài (2020). Hình ảnh mới nhất về rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô. https://www.tienphong.vn/cong-nghe/hinh-anh-moi-nhat-ve-rua-hoan-kiem-o-ho-dong-mo-1654064.tpo

Nhật Vũ (2020). Trào lưu nuôi rùa cạn khổng lồ làm thú cưng dịp Tết Nguyên đán. https://laodong.vn/photo/trao-luu-nuoi-rua-can-khong-lo-lam-thu-cung-dip-tet-nguyen-dan-777640.ldo

Platt, J.R. (2019). The last known female yangtze giant turtle has died — What happens next? https://therevelator.org/last-female-yangtze-turtle-died/

Seateun, S; Karraker, NE; Stuart, BL; Aowphol, A. (2019). “Population demography of Oldham’s leaf turtle (Cyclemys oldhamii) in protected and disturbed habitats in Thailand”. PeerJ 7:e7196 https://doi.org/10.7717/peerj.7196.

Tâm Am (2019). Thảm cảnh rùa hoang dã ở Việt Nam: Vào nồi nấu cao, lên bàn nhậu. https://laodong.vn/xa-hoi/tham-canh-rua-hoang-da-o-viet-nam-vao-noi-nau-cao-len-ban-nhau-775258.ldo

Trung Hiếu (2020). Bãi biển Thái Lan vắng khách, rùa lên bờ đẻ trứng kỷ lục trong 22 năm. https://zingnews.vn/bai-bien-thai-lan-vang-khach-rua-len-bo-de-trung-ky-luc-trong-22-nam-post1075414.html

Viết Tuân (2019). Việt Nam thành lập ba khu bảo tồn rùa nguy cấp. http://www.baodongthap.vn/moi-truong/viet-nam-thanh-lap-ba-khu-bao-ton-rua-nguy-cap-86638.aspx

Việt Pet Garden (2018). Tổng hợp 35 loại rùa nước ngọt được nuôi nhiều nhất tại Việt Nam. https://vietpetgarden.net/cac-loai-rua-nuoc-ngot/

Xiaoli Liu;  Wei Li;  Zhaoyang Ye;  Yanyu Zhu;  Xiaoyou Hong;  Xinping Zh (2019). “Morphological characterization and phylogenetic relationships of Indochinese box turtles—The Cuora galbinifrons complex”, Ecology and Evolution, 9(23).

Xuân Thọ (2018). Hành trình rùa biển – Bài 1: Những “công dân” tự do. http://baoquangnam.vn/phong-su-ky-su/hanh-trinh-rua-bien-bai-1-nhung-cong-dan-tu-do-63079.html

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *