Sản phẩm gia dụng tạo mùi thơm: Hiểm họa tiềm tàng

Nhiều người hẳn nhận ra mối nguy hại do ô nhiễm không khí, ví dụ như khí thải từ công nghiệp, khói xả từ phương tiện giao thông, và khói thuốc lá. Nhiều người hẳn cũng nhận ra mối nguy hại trong chất tẩy rửa, sơn, véc-ni, keo dán… Nhưng có lẽ chúng ta không bao giờ nghĩ rằng hương thơm từ thuốc xịt khử mùi, thuốc xịt muỗi, nước rửa chén, nước lau sàn nhà, ngay cả nước hoa, v.v. cũng có thể ẩn giấu mối nguy hại. Chúng ta cảm thấy dễ chịu với hương thơm do các sản phẩm gia dụng đưa đến, được sản xuất bởi công ty có tiếng tăm, nghĩ rằng chẳng có gì phải đáng lo về mặt sức khỏe. Vì thế, chúng ta cứ thoải mái dùng những sản phẩm này.

fragrance FTheo bộ luật Fair Packaging and Label Act cho việc đóng gói và ghi nhãn tại Mỹ, các nhà sản xuất không được yêu cầu tiết lộ các hóa chất được dùng để tạo ra mùi thơm trong sản phẩm gia dụng của họ, vì đó là bí mật nghề nghiệp. Kết quả là người tiêu dùng không biết được sản phẩm gia dụng mình dùng chứa những hóa chất gì.

Bài này cho bạn biết đôi điều về những hóa chất tạo mùi thơm và những hiểm họa tiềm ẩn.

Tóm tắt một số nghiên cứu chủ chốt

Theo báo cáo năm 1986 của Viện Hàn lâm Khoa học (National Academy of Sciences) Hoa Kỳ, khoảng 95% hóa chất sử dụng trong chất tạo mùi thơm được tổng hợp từ dầu hỏa, chứa những chất dẫn xuất của benzene (gây ung thư), aldehydes, toluene. Việc sử dụng những hóa chất này sau thời gian dài có thể gây tổn hại đáng kể cho hệ thần kinh và hệ miễn dịch, ung thư, trụy thai hoặc thai dị dạng. Những nghiên cứu y khoa xác định những hậu quả như ung thư, dị ứng, vô sinh, sẩy thai, và rối loạn ứng xử của trẻ nhỏ.

Năm 1991, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (Environmental Protection Agency – EPA) xét nghiệm những chất tạo mùi thơm (fragrance) và phát hiện những hóa chất như: acetone, benzaldehyde, benzyl acetate, benzyl alcohol, camphor, ethanol, ethyl acetate, limonene, linalool and methylene chloride – thường là được kết hợp với nhau. Nhiều hóa chất này nếu hiện diện trong rác thải thì sẽ khiến cho rác thải đó được phân loại là chất thải độc hại theo quy định của EPA, đòi hỏi phương pháp xử lý đặc biệt. Những hóa chất này – đơn độc hoặc kết hợp – khi được hít vào phổi hoặc được thoa trên da đến một mức độ nào đó có thể gây triệu chứng như chóng mặt, buồn nôn, buồn ngủ, khó thở, nhức đầu, v.v… Mỗi chất đều có Bản Dữ liệu An toàn Vật chất (Material Safety Data Sheets – MSDS), và các bản này liệt kê những triệu chứng đó.

Trong nghiên cứu trên, EPA cũng tìm ra toluene (methyl benzene) trong các mẫu chất tạo mùi thơm. Chất này gây hại cho hệ thần kinh, máu, gan, thận, mắt và da, có thể gây nên hen suyễn. Toluene cũng là chất xác định chất thải nguy hại.

Năm 2001, nghiên cứu của EPA tìm thấy trong hóa chất tổng hợp tạo mùi thơm có những tác nhân gây rối loạn nội tiết tố gắn kết với việc sản sinh tế bào dị dạng.

Năm 2010, Nhóm Công tác Môi trường (Environmental Working Group – EWG) và Chiến dịch vì Mỹ phẩm An toàn (Campaign for Safe Cosmetics – CSC) xét nghiệm 17 chất phổ biến tạo mùi thơm. Nghiên cứu này cho thấy điều đáng báo động và gây sốc: vào thời điểm đó một tỉ lệ lớn các chất tạo mùi thơm chưa được đánh giá về an toàn! Các nhà sản xuất chỉ có một hạn chế là không được sử dụng chất cấm, trong khi chất không có trong danh sách cấm theo quy định thì được sử dụng tự do. Lẽ nào bạn tốn tiền để mua hóa chất mà không ai biết rõ độc tính?

Ngay cả chất đã được biết về độc tính vẫn được dùng:

  • Một nghiên cứu năm 1999 của Đại học Michigan, Mỹ, cho biết 30% nến thơm bán ở Mỹ, đặc biệt là những loại sản xuất ở Trung Quốc, phát sinh chì vào không khí vượt tiêu chuẩn của EPA. Vào lúc ấy, Úc đã cấm nến thơm chứa chì, nhưng Mỹ vẫn chưa có quy định tương tự.
  • Theo một báo cáo của Tổ chức Hòa bình Xanh (GreenPeace) năm 2005, một số chất xạ hương tổng hợp và diethyl phthalate (DEP) được sử dụng phổ biến trong nước hoa (eau de parfum) và dầu thơm nhẹ (eau de toilette). DEP có thể ảnh hưởng đến ADN của tinh trùng và hạn chế khả năng hô hấp của con người. Khi hít hương nước hoa nhiều sẽ mắc các bệnh như dị ứng và hen, các bệnh liên quan đến đường hô hấp, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, gây ảo giác, sốt, khó thở, ù tai, viêm mũi, ngứa cổ họng… Hai hóa chất khác cũng được phát hiện: dibutyl phthalate (DBP) và diethylhexyl phthalate (DEHP), cả hai đều được Liên minh Châu Âu (EU) phân loại là chất độc hại đối với đường sinh sản.
  • Xạ hương tổng hợp còn được dùng trong bột giặt, chai xịt làm thơm không khí, kem xoa tay, xà phòng thơm. Các hóa chất này có tính bền khi được phóng thích ra môi trường, chẳng hạn tất cả các mẫu nước mưa được phân tích ở Hà Lan năm đều chứa xạ hương tổng hợp. Các hóa chất này có thể gây rối loạn nội tiết tố của cá, các loài lưỡng cư và có vú, và làm trầm trọng thêm ảnh hưởng của những độc chất khác.
  • Một nghiên cứu của Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (U.S. Food and Drug Administration – FDA) được công bố năm 2010, cho thấy trong số 84 sản phẩm dùng cho người lớn và trẻ em, 31 sản phẩm chứa ít nhất một hợp chất phthalate ester, 20 sản phẩm chứa DEP, 11 sản phẩm làm móng chứa DBP.
  • Nghiên cứu của Đại học Washington năm 2008 và 2011 tìm ra trong khí xả từ máy giặt sử dụng các loại bột giặt bán chạy có hóa chất độc hại, kể cả hai hóa chất được phân loại là gây ung thư: acetaldehyde và benzene. Riêng chất tạo mùi thơm có hóa chất được cho là “rất độc”.
  • Nghiên cứu năm 2011 của Chương trình Độc tính Quốc gia (National Toxicology Program) và Viện Hàn lâm Khoa học (National Academy of Science) của Hoa Kỳ tìm thấy styrene, là chất có thể gây ung thư.

Room Fragrance, Plastic Bottles, Jars & Containers for diffuserSản phẩm nguy hại

Các hóa chất tổng hợp tạo mùi thơm hiện diện trong nhiều sản phẩm gia dụng. Bạn thử kiểm kê trong nhà mình có những sản phẩm dưới đây hay không:

  • xà phòng thơm (chắc chắn là bạn có rồi!)
  • dầu gội đầu (chắc chắn luôn!), dầu xả (conditioner)
  • nước hoa
  • phấn thơm
  • kem dưỡng da
  • thuốc chống khô môi (có dạng như thỏi son)
  • thuốc làm móng
  • thuốc trị hôi nách (hẳn bạn còn nhớ những quảng cáo có cô nàng khoe nách?)
  • chai xịt tóc
  • khăn giấy thơm
  • nước xả vải
  • giấy ủ thơm
  • nước xịt phòng
  • nến thơm
  • sách vở, đồ chơi cho trẻ em ướp mùi thơm

Fragrance HVí dụ về một số sản phẩm được trình bày dưới đây.

Nước xả vải. Hương thơm hầu hết được tạo thành từ những vòng benzene. Những vòng thơm này khi phát tán có thể theo đường hô hấp vào cơ thể gây khó thở, viêm đường hô hấp, kích thích cơn hen, đồng thời có khả năng bẻ gãy cấu trúc tế bào cơ thể gây rối loạn nội tiết. Còn có bốn chất gây ung thư: benzyl acetate, chloroform, dichlorobenzene và limonene, cùng hàng chục hợp chất khác chẳng dính dáng gì với mùi thơm!

Tệ hại hơn nữa là hóa chất tạo mùi thơm trong nước xả vải được chế tạo với chủ đích bám chặt lên sợi vải để người mặc quần áo được “ướp” hương thơm theo kiểu này hài lòng được lâu dài. Hóa chất độc vì thế mà ngấm vào cơ thể con người cũng lâu dài! Độc càng thêm độc khi nội y cũng được ướp hương thơm!

Giấy ủ thơm (dryer sheet). Đây là sản phẩm tương đối mới mẻ đối với nhiều người. Thay vì sử dụng nước xả vải, người ta sử dụng dryer sheet để “ướp” mùi thơm cho quần áo. Lại cũng là hương liệu tổng hợp chứa những chất độc như trong nước xả vải.

Nước xịt phòng. Có đủ loại mùi hương: hoa lài, hương chanh, hoa hồng, oải hương…, còn có “hương tươi mát” và “hương thơ mộng”. Người tiêu dùng mua sản phẩm này nghĩ rằng mục đích là để khử mùi hôi và làm sạch căn nhà (tiếng Anh nghe cũng rất hay: “freshener”, có nghĩa “làm tươi mát”). Thật ra bình xịt không có tác dụng khử mùi hôi, mà chỉ dùng mùi thơm để khỏa lấp mùi hôi, và những thành phần trong bình xịch chẳng có tác dụng làm sạch gì cả.

Tệ hại hơn nữa, đó là mùi thơm từ hóa chất tổng hợp. Vì bầu không khí được “làm tươi mát” nên con người có phản xạ tự nhiên là hít không khí sâu thêm. Kết quả là buồng phổi vẫn tiếp nhận mùi hôi, lại còn tiếp nhận thêm hóa chất có hại. Một trong những hóa chất đó là para-dichlorobenzene, có khả năng gây ung thư.

Nến thơm. Vào một buổi tối, nếu bạn ngẫu hứng muốn tắt đèn điện rồi thắp nến thơm nhằm tạo bầu không khí lãng mạn cho bạn và “người ấy” thì cần dè chừng. Nến thơm chứa những hóa chất nguy hại như acetone, benzene cùng những chất dẫn xuất của benzene, chì, formaldehyde, toluene, và còn nữa. Hít vào phổi trong thời gian dài, những chất này có thể gây ung thư như ung thư thực quản, dị tật bẩm sinh, vô sinh, tổn thương hệ thần kinh…

Sách vở ướp mùi thơm. Đây là chiêu thu hút các em nhỏ, bằng cách dùng hóa chất không rõ nguồn gốc, không đăng ký chất lượng. Chắc chắn hóa chất cho mùi thơm là loại tổng hợp, độ an toàn đáng ngờ, mục đích là cho ra sản phẩm rẻ tiền.

Nhang thơm. Sản phẩm này được ướp hóa chất tạo mùi không rõ xuất xứ để tăng mùi thơm và giả mùi hương thiên nhiên. Chưa có đánh giá cụ thể, nhưng hóa chất tạo mùi giá rẻ, không nhãn hiệu, không rõ xuất xứ chắc chắn thiếu tin cậy về độ an toàn.

Những hóa chất nào?

Dưới đây là một số hóa chất thường được dùng trong chất tạo mùi thơm.

  • Phthalates: Được dùng để kéo dài hiệu lực của chất tạo mùi thơm. Hiện diện trong rất nhiều sản phẩm: lọ xịt phòng, shampoo, keo xịt tóc, nước hoa, kem dưỡng da, xà phòng thơm, thuốc làm móng, nước rửa chén, giấy ủ thơm, thậm chí giấy vệ sinh, từ đó có thể thấm qua da. Một số chất trong nhóm này làm rối loạn hệ nội tiết tố cả nam (như làm giảm lượng tinh trùng) lẫn nữ (như gây vô sinh). Một bài báo khoa học năm 2016 trên tạp chí Environmental Research rà soát có hệ thống những nghiên cứu cho thấy có mối tương quan giữa chứng tự kỷ ở trẻ em và hợp chất. Phụ nữ bị phơi nhiễm các chất di-n-butyl phthalate và di-isobutyl phthalate trong thời gian mang thai có thể sinh con có chỉ số thông minh (IQ) thấp. Các hợp chất phtalate bị cấm sử dụng ở các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU), Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, thậm chí Trung Quốc. Riêng Mỹ vẫn còn cho phép sử dụng trong khi chờ chứng cứ khoa học rõ ràng – hầu như là điều không thể. (Trang web của FDA được truy cập ngày 17-6-2018 vẫn cho rằng không có cơ sở khoa học để có quy định cấm dùng phthalate trong mỹ phẩm.) Trong nhóm này, có chất nguy hại và có chất vô hại. Ví dụ như diethyl phthalate (DEP) dùng trong nến thơm thì an toàn. Cần xem kỹ bao bì và nhãn của sản phẩm, nếu ghi một trong những từ phthalate, DEHP và fragrance thì bạn nên tránh xa sản phẩm đó.
  • Parabens: Nhóm hóa chất này được sử dụng nhằm ngăn chặn sự sinh trưởng của vi trùng và nấm mốc trong mỹ phẩm, giúp kéo dài thời gian lưu trữ. Parabens có thể làm rối loạn hệ nội tiết tố, làm tăng estrogen ở phụ nữ. Đây là điềm xấu cho phụ nữ, bởi vì việc tăng estrogen liên quan đến ung thư vú.
  • Styrene: Styrene acrylate và các polime của styrene được dùng trong thuốc làm móng, thuốc thoa chống nắng, dầu gội, thuốc kẻ mi mắt. Bản thân các chất này được xem là an toàn. Điều đáng lo ngại là sự hiện diện của styrene có thể lẫn lộn trong sản phẩm. Năm 2011, Chương trình Độc chất học Quốc gia (National Toxicology Program) của Mỹ cho biết có lý do chính đáng để xem styrene là chất gây ung thư cho người. Năm 2014, Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ rà soát thông tin và xác nhận kết luận đó là chính đáng.
  • Xạ hương tổng hợp: Đây là những chất bắt chước mùi trong túi xạ của một số loài hươu xạ (hiện diện ở Nga, Trung Quốc, đến Nepal, Ấn Độ, Myanmar, Việt Nam…) Hươu xạ đực có túi xạ nằm ở dưới bụng, giữa rốn và cơ quan sinh dục. Hươu xạ thiên nhiên ngày càng hiếm và đắt, thế nên người ta tổng hợp xạ hương từ để dùng trong mỹ phẩm, vừa tạo nên mùi quyến rũ riêng biệt vừa có tác dụng làm bền mùi của các chất thơm khác. Một số chất trong nhóm xạ hương tổng hợp có thể gây dị ứng, một số chất khác có liên quan đến ung thư, có thể gây hại cho hệ thần kinh và cho sự sinh sản của phụ nữ. Vì thế phụ nữ mang thai nên tránh dùng mỹ phẩm có mùi xạ hương.

Còn nữa: Nhóm Công tác Môi trường (Environmental Working Group – EWG) liệt kê những hóa chất độc hại khác như sau:

Sản phẩm dùng cho cơ thể:

  • Rentinyl palmitate và các hợp chất retinoids trong sản phẩm chăm sóc da
  • Triclocarban trong xà phòng thơm
  • Triclosan trong xà phòng nước (bị FDA cấm năm 2016, nhưng có thể còn hiện diện trong sản phẩm của các nhà máy ngoài nước Mỹ)

Sản phẩm dùng cho tóc:

  • DMDM hydantoin
  • Parabens: propyl, isopropyl, butyl and isobutyl
  • PEG, ceteareth and polyethylene

Sản phẩm dùng cho móng:

  • Dibutyl phthalate (DBP)
  • Formaldehyde hoặc formalin
  • Toluene

Làm thế nào có tình trạng này?

Ngày xưa, công nghiệp chế tạo hàng gia dụng kể cả mỹ phẩm dùng sản phẩm thực vật để tạo mùi thơm, ví dụ như hương hoa hồng là từ hoa hồng thật. Trong hai thập kỷ 1970s và 1980s, công nghệ ngành hóa phát triển: thay thế thiên nhiên bằng hóa chất tổng hợp có giá thành rẻ rất nhiều so với việc chiết xuất tinh dầu thiên nhiên. Hậu quả như Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ cho biết, có đến 95% sản phẩm ở Mỹ có mùi thơm là do hóa chất tổng hợp. Bạn có thể ngây ngất vì mùi nước hoa từ người mà bạn mến, nhưng bạn nghĩ sao nếu biết hương thơm đó được tổng hợp từ dầu thô? Thực tế là vậy!

fragrance_from petroleumCó ba yếu tố sau dẫn đến tình trạng này.

Thứ nhất, lĩnh vực công nghiệp hóa học tiến bộ đến mức chất tổng hợp rẻ tiền hơn sản phẩm thiên nhiên, lại có nguồn cung ứng đầu vào ổn định, đầu ra có đặc tính đồng nhất, công dụng lưu hương thơm lâu hơn, hoặc lan tỏa hương thơm rộng hơn.

Có lẽ bạn thắc mắc: không lẽ nước người buông lỏng quản lý? Có phần nào đúng như thế!

Thứ hai, ngành công nghiệp mỹ phẩm ở Mỹ hoạt động theo cơ chế chủ yếu là tự quy định (self-regulated). Họ không được đòi hỏi phải thử nghiệm độ an toàn của các hóa chất họ đưa vào sản phẩm, thậm chí không được đòi hỏi công bố tên các hóa chất này. Vì thế, bao bì và nhãn mác chỉ ghi chung chung là “fragrance” (chất tạo mùi thơm). Các cơ quan quản lý Mỹ đặt công nghệ mỹ phẩm ở mức ưu tiên thấp. Hậu quả nghe có thể gây sốc: trên 80% các chất tạo mùi thơm chưa từng được thử nghiệm về độc tính đối với con người. Một số chất nếu được thử nghiệm thì chỉ được thực hiện qua quýt, bởi vì thử nghiệm đúng cách để có độ tin cậy khoa học tốn rất nhiều tiền.

Thứ ba, việc này do lịch sử để lại. Ngành công nghiệp mỹ phẩm có truyền thống giữ bí mật rất kỹ về những công thức họ dùng, và họ không được đòi hỏi phải tiết lộ đó cho cơ quan chức năng. Thêm vào đó là Hội đồng Hóa học Mỹ (American Chemistry Council), thực chất là một hiệp hội công nghệ hóa học, có ảnh hưởng mạnh trong việc bảo vệ tính bí mật của sản phẩm hóa chất. Tính chất bí mật này khiến cho việc luật hóa và kiểm tra rất khó khăn.

Quy định về mỹ phẩm ở Mỹ chỉ yêu cầu cung cấp – trong vòng 10 ngày sau khi bắt đầu bán sản phẩm – danh mục những nguyên liệu. Chất tạo mùi thơm (“fragrance”) được xem là một nguyên liệu, và không có yêu cầu tiết lộ hàng trăm hóa chất có trong nguyên liệu đó. Vì thế mà các nhà sản xuất được phép gộp hàng trăm hóa chất trong cái tên chung chung là “fragrance” ghi trên bao bì và nhãn hướng dẫn, mà không phải liệt kê từng hóa chất cụ thể.

Trong trang web của FDA cho đến tháng 6/2018, ta tìm thấy 3 nội dung dưới đây.

  1. Luật không yêu cầu các mỹ phẩm và nguyên liệu, ngoại từ chất tạo màu, được FDA phê duyệt trước khi sản phẩm được đưa ra thị trường.
  2. Luật cấm làm sản phẩm giả mạo, và một trong những tình huống bị xem là giả mạo khi sản phẩm chứa chất độc hại có thể khiến cho người tiêu dùng bị tổn thương do cách sử dụng được ghi trên bao bì, hoặc theo những điều kiện sử dụng bình thường.

Đúng thật là theo cách sử dụng bình thường thì hóa chất độc hại trong mỹ phẩm không gây tổn thương lập tức, ngoại trừ một số ít trường hợp người quá mẫn cảm nên bị dị ứng. Nếu con bạn lỡ uống nhầm lọ mỹ phẩm của bạn mà bị ngộ độc thì đó không phải là cách sử dụng bình thường. Theo ý nghĩa đó, nhà sản xuất vô tội vì họ đã chỉ dẫn chỉ dùng mỹ phẩm đó để thoa ngoài da.

Về lâu dài, hóa chất có thể gây tổn hại nhưng khó xác định được mối liên hệ chính xác giữa nguyên nhân và hậu quả. Làm thế nào xác định được những triệu chứng kể trên (ung thư, dị ứng, vô sinh, sẩy thai, rối loạn ứng xử của trẻ nhỏ…) là do thương hiệu mỹ phẩm nào mà người tiêu dùng đã dùng trong 5-10 năm qua? Thế là nhà sản xuất cũng thoát tội.

  1. Luật không yêu cầu nhãn mác được FDA phê duyệt trước khi mỹ phẩm được đưa ra thị trường.

Nói chung, có sự khác biệt về nhận thức của các cơ quan chức năng Châu Âu và Mỹ. Ở Châu Âu, hóa chất bị xem là tội đồ cho đến khi được minh chứng là an toàn. Ở Mỹ thì ngược lại: hóa chất được xem là an toàn cho đến khi được minh chứng là tội đồ. Nhưng hầu như rất khó khăn, hoặc tốn kém rất nhiều, để kết án hóa chất.

Hậu quả của chất tạo mùi thơm

Phần lớn hương liệu thiên nhiên có tính bốc hơi mạnh. Còn hóa chất tổng hợp tạo mùi thơm bốc hơi kém, thế nên nhà sản xuất thêm những hợp chất dễ bay hơi (volatile organic compound – VOC) để làm dung môi (chất hòa tan), nhưng có độc tính, để mùi hương sản phẩm lan rộng. Họ cũng dùng một số hóa chất độc hại khác nhằm giúp các phân tử tạo mùi tổng hợp dễ dính vào quần áo, tóc và da khiến cho mùi lưu lâu hơn, và tính độc hại cũng lưu theo.

Cuộc sống quá hiện đại khiến cho có người than thở: mang mùi thơm trên người từ tóc, mặt, xuống khắp thân hình kể cả ngón tay và ngón chân, rồi hít mùi thơm, đánh răng với mùi thơm, súc miệng với mùi thơm, rửa tay với mùi thơm, thậm chí hỉ mũi cũng có mùi thơm – toàn là mùi thơm của hóa chất!

fragrance GHóa chất tạo mùi thơm gây những triệu chứng như:

  • Dị ứng
  • Tác hại cho hệ hô hấp
  • Nhức đầu
  • Chóng mặt
  • Buồn nôn

Về lâu dài còn có thể bị:

  • Độc tính đối với hệ thần kinh
  • Nguy hại cho nội tiết tố
  • Ung thư

Tương lai sẽ ra sao?

Nghiên cứu năm 2010 của EWG và CSC đánh động một số nhà sản xuất, ví dụ như:

  • Tháng 10/2014, công ty SC Johnson thông báo “Kể từ mùa xuân năm 2015, nhà tiêu dùng có thể tiếp cận thông tin về những chất tạo nên mùi thơm trong các sản phẩm của SC Johnson.”
  • Tháng 2/2017: Unilever thông báo sẽ cung cấp thông tin về chất tạo mùi thơm trong tất cả các sản phẩm chăm sóc cơ thể, kể cả Dove, Noxzema, Lever 2000 and NEXXUS. Cho dù cơ quan chức năng Hoa Kỳ vẫn chưa đòi hỏi, áp dụng yêu cầu của EU, Unilever sẽ ghi trên nhãn mác những chất tạo mùi thơm có thể gây dị ứng.
  • Tháng 8/2017: Procter & Gamble, tập đoàn sản xuất các sản phẩm làm sạch gia dụng và chăm sóc cơ thể, thông báo sẽ công bố thông tin các chất tạo mùi thơm trong các sản phẩm bày bán ở Mỹ và Canada. (Ngầm hiểu: sản phẩm của tập đoàn này tại các nước khác có thể chưa công bố thông tin.)

Đó là những bước đi đầu tiên trong việc minh bạch hóa những hợp chất dùng để tạo mùi thơm trong sản phẩm. Nhưng còn vô vàn sản phẩm của nhiều nhà sản xuất khác chưa được minh bạch. Theo số liệu 2015 của Bộ Thương mại Mỹ, các sản phẩm chăm sóc da làm từ thiên nhiên ngày càng được chấp nhận trên thị trường Mỹ. Một phần là do số người bị dị ứng da ngày càng tăng trước đó. Ví dụ như số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật (Center for Disease Control and Prevention – CDC) năm 2014 cho thấy 11,6% trẻ dưới 18 tuổi bị dị ứng da.

Hãy tự bảo vệ!

Nên hạn chế đến mức có thể được các loại chất tạo mùi thơm trong nhà và văn phòng bạn: các loại thuốc xịt làm thơm không khí, hoặc làm thơm sàn nhà, hoặc làm thơm ô tô. Cũng hạn chế sử dụng mỹ phẩm: nước hoa, keo xịt tóc, son môi có mùi thơm.

Hãy tìm đến những phương cách thay thế hóa chất độc hại. Một số ý tưởng gợi ý:

  • Tránh dùng mùi thơm nếu có thể được. Tại sao phải dùng bột giặt có mùi thơm rồi thêm nước xả thơm chứa hóa chất cho quần áo khi giặt? Hãy tận dụng ánh nắng để phơi đồ giặt, cho mùi thơm tự nhiên. Hãy nghĩ cách đưa ánh nắng vào nhà.
  • Trên thị trường có một số hiệu bột giặt không mùi, chủ yếu là để tránh dị ứng cho trẻ nhỏ vốn có sự mẫn cảm cao. Có lẽ loại bột giặt này đắt tiền hơn loại thơm vì số lượng bán không cao, cho nên tùy bạn cân nhắc giữa lợi ích và túi tiền.
  • Cũng thế, thị trường hiện có nước hoa thiên nhiên. Các cô dùng đi, rồi nói với chàng đây là mùi từ thiên nhiên, không phải hóa chất. Chàng sẽ ngây ngất thêm! Hoặc là tự pha chế rồi khoe mẽ, chàng còn thán phục thêm!
  • Có hàng trăm công thức pha chế nước hoa thiên nhiên, có công thức dùng cả chục nguyên liệu. Hãy dùng cách đơn giản như sau. Tìm mua: (1) lọ xịt, tốt nhất là loại thủy tinh có màu sậm để giữ mùi hương lâu hơn; (2) loại tinh dầu thiên nhiên mà bạn thích, như hoa hồng, oải hương (lavender), ngọc lan (ylang), nhài (jasmine), hương thảo (rosemary); (3) dầu nền (carrier oil) ví dụ như dầu jojoba, dầu hạnh (almond oil), dầu hạt mơ (apricot kernel oil), dầu quả bơ (avocado oil). Cho dầu nền vào phân nửa lọ xịt rồi cho tinh dầu thiên nhiên vào theo thể tích tùy thích. Bạn tha hồ thử nghiệm bằng cách dùng đơn độc hoặc pha trộn 2-5 loại tinh dầu thiên nhiên khác nhau. Nếu pha tinh dầu đậm thì bạn có eau de parfum, còn pha loãng thì có eau de cologne (dùng tên tiếng Pháp để nghe cho sang trọng!)
  • Ngay cả nước xả giúp vải mềm dịu kèm mùi thơm cũng chứa hóa chất độc hại. Hãy chọn loại vải bạn thích rồi cứ dùng độ mềm hay cứng tự nhiên của vải mà chẳng ngâm vào hóa chất gì cả.
  • Thay vì dùng gel rửa tay sau khi rửa chén, dùng ít lát chanh. Mùi chanh trong gel không hẳn là từ chanh, mà là hóa chất tổng hợp có thể thấm vào da bạn rồi gây tổn hại cho sức khỏe.
  • Tận dụng muối nở (baking soda), ngành dược gọi là thuốc muối. Thay vì nghe theo quảng cáo dùng loại bột giặt gì đó ướp hương thơm vào quần áo, hãy cho vào máy giặt vài muỗng canh muối nở cùng lượng bột giặt như bình thường. Bạn sẽ có hương thơm của quần áo theo cách tự nhiên, không hại cho sức khỏe.
  • Thay vì nghe theo quảng cáo dùng bình xịt gì đó xịt sàn gạch cho thơm, sau khi lau sàn gạch dùng muối nở pha nước lau một lượt để khử mùi hôi như mùi ẩm mốc.
  • Thay vì dùng bình xịt tạo hương thơm, cho muối nở vào một túi vải, buộc chặt miệng túi, rồi treo vào trong những không gian cần khử mùi hôi như tủ quần áo, tủ giày, ô tô. Nếu phòng ngủ hoặc phòng khách có mùi hôi, treo một túi muối nở ở mỗi góc phòng trừ nơi thoáng mát.
  • Cũng có thể thay thế nước xịt phòng bằng tinh dầu thiên nhiên mà bạn yêu thích, ví dụ như oải hương (lavender), hoa cam, hoa hồng… Thêm 12-15 giọt tinh dầu vào nửa cốc dấm và 1 cốc rưỡi nước. Cho vào chai xịt phun sương bằng thủy tinh rồi xịt khi cần.
  • Thay vì dùng sữa tắm thơm, pha loại tinh dầu thiên nhiên bạn thích vào nước ấm để tắm. Nếu không muốn tốn kém quá nhiều tinh dầu trong bồn tắm thì dùng chậu nhỏ đựng nước tắm, ngồi vào đó múc nước đổ lên người. Mỗi lần tắm bạn có thể dùng một công thức tinh dầu khác nhau để thử nghiệm.
  • Khi mua hương liệu, hãy tìm hiểu xem đó là hóa chất tổng hợp hoặc hương liệu thật sự từ thiên nhiên. Ví dụ như có thời nhiều người Việt ghiền mùi cà cuống trong bánh cuốn nhưng tìm không ra tinh dầu cà cuống. Ngay từ thập niên 1970, Thái Lan đã tổng hợp được tinh dầu cà cuống từ hóa chất gì đó. Nhiều người Việt gửi người quen (kể cả người viết bài này!) mua tinh dầu đó về dùng cho đỡ ghiền. Hiện nay có cơ sở cho biết lấy tinh dầu từ cà cuống nuôi. Ví dụ khác là có thời tinh dầu hoa bưởi là loại tổng hợp. Hiện nay có cơ sở cho biết thu gom hoa bưởi từ vườn bưởi của họ và từ các nhà vườn trong vùng để lấy tinh dầu thiên nhiên. Vậy thì, hãy tìm đúng sản phẩm từ thiên nhiên.
  • fragrance_tinh dau romHiện nay vẫn có rất nhiều loại tinh dầu giá rẻ, không rõ nguồn gốc, được bán trong bình lớn. Người bán cho biết mua gì cũng có và mua mấy lít cũng có. Chắc chắn đây là các hóa chất tổng hợp. Từ đó, dè chừng các loại thức ăn như chè, bánh… có hương liệu dầu chuối, dầu hoa bưởi… Đâu có ai dùng hương liệu thiên nhiên vừa đắt tiền, vừa khó mua!
  • Cần tìm hiểu kỹ thực chất ghi trên nhãn mác là gì. Ở Mỹ, các từ ngữ như “herbal” (thảo dược), “organic” (hữu cơ) và “natural” (thiên nhiên) có nghĩa không giống như định nghĩa tiêu chuẩn trong pháp quy. Vì thế, các nhà sản xuất tùy tiện đưa những từ ngữ trên vào nhãn mác của họ, theo cách định nghĩa của riêng họ. Chẳng hạn, suy cho cùng, các sản phẩm hóa dầu để tạo mùi thơm cũng là từ “thiên nhiên” đấy thôi!

Kết luận

Hoa hồng cho mùi hương đúng là hương hoa hồng. Nhưng hương giống hoa hồng trong nước hoa có thể là thứ gì đó hoàn toàn khác biệt, do công nghiệp mỹ phẩm điều chế ra từ 3.100 hóa chất cơ bản theo công thức được giữ bí mật. Ta có thể biết đôi điều – nhưng chưa đủ – về độc tính của từng chất A hoặc B hoặc C… trong sản phẩm gia dụng tạo hương thơm. Tệ hại hơn nữa là ta biết rất ít về độc tính do các hỗn hợp AB, hoặc AC hoặc BC hoặc ABC. Bạn thấy đó: mới chỉ có 3 chất mà ta có thể kể ra 4 hỗn hợp. Nếu có 4 chất thì có tới 11 hỗn hợp. Con số hỗn hợp tăng đến mức chóng mặt theo số hóa chất. Cộng vào đó là những chất ta chưa được biết chứa trong hàng dởm, hàng nhái!

Thị trường tràn ngập những sản phẩm gia dụng có mùi hương của các công ty Mỹ trong khi quy định Mỹ có phần lỏng lẻo, cho nên đừng tưởng hàng Mỹ là an toàn.

Cho dù chính quốc của các nhà sản xuất cấm dùng hóa chất nào đó, không phải đương nhiên họ cũng sẽ loại bỏ ở nhà máy đặt tại Việt Nam nếu quy định Việt Nam không cấm. Lý do là việc loại ra hóa chất thường dùng cần có kinh phí, thế nên chủ trương “nếu luật các anh không cấm thì tôi có thể dùng” được đưa ra để biện minh. Họ có thể viện cớ là việc cấm hóa chất ở chính quốc chỉ là phòng ngừa khi có nghi ngại về hậu quả, chứ không phải vì biết chắc chắn hóa chất đó có hại. Đúng thật là câu chữ mô tả hậu quả của các hóa chất thường là có thể. Chẳng hạn thử nghiệm một hóa chất nào đó trên thú như chuột thấy có triệu chứng ung thư, nhưng theo tinh thần khoa học chỉ được kết luận là hóa chất đó có thể gây ung thư cho người. Muốn chứng minh hóa chất đó đúng thực gây ung thư cho người thì vạn nan: cần thu thập số liệu hàng chục năm, loại bỏ những yếu tố khác, rồi chỉ có thể kết luận với tỷ lệ xác suất nào đó.

Đối với nhiều người, hít phải mùi thơm từ nước hoa, sản phẩm gia dụng và thuốc tẩy rửa chỉ cảm thấy khó chịu chút ít. Nhưng nhiều người khác hít phải những hóa chất dễ bay hơi này – pha trộn nhiều thứ không chỉ từ mỹ phẩm và thuốc giặt, mà còn từ vật liệu xây dựng, màn cửa, trang bị nội thất đồ gỗ cũng như đồ da – có thể khiến sức khỏe suy yếu về lâu dài.

Có lẽ nào bạn bỏ tiền ra để mua những hóa chất chưa được thử nghiệm về độ an toàn? Thế thì, hãy là nhà tiêu dùng có hiểu biết: tránh xa hóa chất, tìm về với thiên nhiên. Một tác giả khuyên các bạn nam không nên cảm thấy vấn vương vì mùi nước hoa của một cô nàng bạn gặp trong thang máy, mà hãy tìm về thiên nhiên, như thưởng thức mùi dạ lý hương trong đêm, hoặc mùi thơm của nhựa cây rừng. Trong bối cảnh Việt Nam, các cô hãy tìm bồ kết để gội tóc như ngày xưa mẹ và các bà, dì, cô vẫn làm. Rồi chàng sẽ ngơ ngẩn lạ lùng – văn học vẫn mô tả ý tình vấn vương về mùi bồ kết đấy thôi!

Nhân tiện đây, để thư giãn sau khi đầu óc hỗn độn về thông tin những hóa chất, mời bạn đọc thơ:

Tóc xanh ngần ấy phai phôi
bàn tay lược thắp đồi mồi tháng năm
ngọc ngà một góc xa xăm
hương bồ kết vẫn khó nhầm tóc ơi

(Trong bài Tóc em, tác giả: Khảo Mai)

Dần dà, đối mặt với người tiêu dùng – nhất là những nhà hoạt động vì sức khỏe và môi trường – đòi hỏi sản phẩm an toàn hơn, nhà sản xuất đang lắng nghe. Bạn có thể nghĩ các sản phẩm dùng hương thơm thiên nhiên phải đắt tiền hơn. Không hẳn vậy. Nhà sản xuất khôn ngoan biết cách giữ giá phải chăng để thu hút bạn. Tin mừng cho giới phụ nữ là hiện có một số mỹ phẩm dùng nguyên liệu thiên nhiên thật sự và vô vàn công thức pha chế nước hoa thiên nhiên. Bạn thử tìm hiểu xem.

Tùy bạn cân nhắc giữa việc hoặc không làm gì cả mà tiếp tục chịu rủi ro, hoặc chịu phí tổn mà tìm kiếm phương cách thay thế sản phẩm nhân tạo. Nhưng chắc chắn là phụ nữ đang mang thai và trẻ nhỏ cần tránh dùng sản phẩm có mùi thơm nhân tạo.

Nguồn tham khảo

  1. GreenPeace (2005). Perfume – An investigation of chemical in 36 eaus de toilette and eaux de parfum.
  2. Hubinger, J.C. (2010). A survey of phthalate esters in consumer cosmetic products. U.S. Food and Drug Administration.
  3. Jeddi M.Z.; Janani, L.; Memari, A.H.; Akhondzadeh, S.; Yunesian, M. (2016). “The role of phthalate esters in autism development: A systematic review”, Environmental Research, Nov.: 493-504.
  4. Sarantis, H.; O.V. Naidenko; S. Gray; J. Houlihan; & S. Malkan (2010). Not so sexy: The health risks of secret chemical in fragrance. Campaign for Safe Cosmetics and Environmental Working Group.
  5. 7 Toxic Chemicals Found in “Clean” Laundry – https://www.annmariegianni.com/toxic-chemicals-in-laundry-detergents/
  6. Deadly Scent: Toxic Perfume Chemicals – https://www.mamavation.com/featured/toxic-perfume-chemicals.html
  7. Documentary Sheds Light on Toxic Household Products – https://articles.mercola.com/sites/articles/archive/2017/04/08/toxic-household-products-documentary.aspx
  8. How to Switch to Organic Perfume – http://www.livingly.com/Beauty+Guide/articles/96qNnCfLUsX/How+Switch+Organic+Perfume
  9. Naphthalene – http://npic.orst.edu/factsheets/naphgen.html
  10. Natural Fragrance Ingredients Market to Perceive Substantial Growth During 2017-2025 – https://www.coherentnews.com/natural-fragrance-ingredients-market-to-perceive-substantial-growth-during-2017-2025/
  11. Phthalates – http://www.safecosmetics.org/get-the-facts/chemicals-of-concern/phthalates/
  12. Phthalates – https://www.fda.gov/Cosmetics/ProductsIngredients/Ingredients/ucm128250.htm
  13. Some candles emit potentially dangerous levels of lead – http://www.ur.umich.edu/9900/Oct18_99/8.htm
  14. Ultimate Guide: The Dangers of Fragrance + Perfume – https://rootandrevel.com/dangers-of-fragrance-perfume/
  15. Why Go Fragrance Free? – https://invisibledisabilities.org/ida-books-pamphlets/chemicalsensitivities/whygofragrancefree/
  16. “Mùi thơm quần áo Mỹ” hóa ra lại rất độc hại – https://healthplus.vn/mui-thom-quan-ao-my—giay-thom-dryer-sheet-hoa-ra-lai-rat-doc-hai-d53009.html
  17. Mặt trái của mùi hương nhân tạo: Thơm nhất thời, độc mãi mãi – https://trithucvn.net/suc-khoe/mat-trai-cua-mui-huong-nhan-tao-thom-nhat-thoi-doc-mai-mai.html

Cập nhật: 20-Jun-2018 – Tổng hợp: Diệp Minh Tâm

Ghi chú: Bài này vẫn còn được mở, sẽ được bổ sung khi có thêm thông tin.