Sử dụng muối nở (baking soda) để làm sạch trong nhà

Dẫn nhập

Muối nở có tên hóa học tiếng Việt là natri hydro cacbonat, tên thông dụng tiếng Anh là baking soda. Đó là một chất rắn có màu trắng, vị hơi mặn, không mùi, thường ở dạng bột mịn, hòa tan được trong nước.

Muối nở dùng trong thực phẩm là loại tinh khiết, có thể mua ở hiệu thuốc, nơi bán những dụng cụ làm bánh. Còn cửa hàng hóa chất bán muối nở không tinh khiết, chứa nhiều tạp chất do đó rẻ tiền hơn, thích hợp cho việc làm sạch và dĩ nhiên không nên dùng để nấu nướng.

baking soda & baking powderNgười ta thường gọi lẫn lộn giữa hai tên muối nở (baking soda) và bột nở hoặc bột nổi (baking powder). Cần phân biệt ở chỗ bột nở chỉ có 1/4 là muối nở, còn lại là một hoặc nhiều loại muối axit và tinh bột ngô, nhằm tạo sử dụng linh hoạt hơn trong việc làm bánh. Không nên dùng loại bột nở như thế cho công việc tẩy rửa, bởi vì giá cả cao hơn muối nở trong khi hàm lượng muối nở lại thấp hơn.

Bốn tác dụng chính của muối nở là như sau.

1/ Thay thế sản phẩm gia dụng nguy hại tiềm ẩn. Những sản phẩm này được phân tích trong bài dưới đây:

Một số sản phẩm gia dụng nguy hại tiềm ẩnhttps://tamdiepblog.wordpress.com/2018/06/27/mot-so-san-pham-gia-dung-nguy-hai/

2/ Khử mùi. Khác với các loại hóa chất thơm chỉ khỏa lấp mùi hôi trong khi mùi hôi vẫn còn đó, muối nở có tác dụng hấp thụ hoặc trung hòa mùi hôi, và nếu mùi hôi vẫn còn là do lượng muối nở dùng không đủ hoặc mùi hôi quá đặc biệt mà muối nở không xử lý được. Lúc đó ta biết rằng vấn nạn vẫn còn hiện diện để tìm phương cách khác.

Vì thế, muối nở có công dụng đặc biệt ở chỗ có thể thay thế sản phẩm gia dụng tạo mùi thơm vốn có thể chứa hiểm họa tiềm tàng. Xem:

Sản phẩm gia dụng tạo mùi thơm: Hiểm họa tiềm tànghttps://tamdiepblog.wordpress.com/2018/06/20/san-pham-gia-dung-tao-mui-thom-hiem-hoa-tiem-tang/

3/ Công dụng làm sạch đa năng, cần tận dụng để thay thế nhiều loại hóa chất làm vệ sinh độc hại.

4/ Đỡ tốn kém. Nếu đạt được những công dụng trên, có thêm lợi điểm là so với các sản phẩm thương mại dùng cho việc tẩy rửa, tạo mùi thơm, muối nở dùng một mình hoặc kết hợp với chất tẩy rửa sẽ giúp tiết kiệm ngân sách gia đình.

Trên các trang mạng người ta viết ra cả trăm công dụng của muối nở đến mức thần kỳ. Ta không đề cao thái quá, nhưng sự thật muối nở có nhiều công dụng hữu ích.

Phần dưới đây tổng hợp thông tin từ những nguồn đáng tin cậy với kết quả được minh chứng, chú trọng đến những cách thức đơn giản cho dễ nhớ nhưng vẫn tạo kết quả tốt.

An toàn trên hết

Tránh để muối nở văng vào mắt. Nếu mắt dính muối nở, lập tức dùng vòi hoa sen hoặc vòi ở chậu rửa cho nước chảy qua mắt mở trong vài phút. Nếu muốn cẩn thận hơn thì mang kính. Trước khi vận dụng tay với nhiều muối nở, nên mang găng tay bằng nhựa. Muối nở chỉ làm hại da khi da tiếp xúc lâu, vì thế việc mang găng chỉ là biện pháp phòng xa. Bạn đừng lo lắng.

Bảo quản muối nở

Mua hộp muối nở càng nhỏ càng tốt so với nhu cầu của bạn, để không phải lưu trữ trong thời gian dài. Nên đổ muối nở vào một lọ thủy tinh nhỏ hơn có nắp đậy kín để tiện sử dụng và tránh tiếp xúc không khí nhiều. Phần còn lại cất trong hộp kín. Trữ muối nở luôn đậy kín, nơi khô ráo, thoáng mát, tránh nhiệt độ dưới 50 độ C.

Nếu trong nhà có cả hai loại muối nở, cần ghi rõ bên ngoài công dụng. Loại dùng nấu nướng để trong bếp, loại dùng làm sạch để xa nơi khác.

Khi sử dụng, rót muối nở ra hoặc dùng muỗng khô múc ra. Muỗng ướt mang nước vào khiến cho muối nở trong lọ phản ứng với nước, mất tác dụng khi dùng.

Nếu muối nở có bất kỳ mùi gì thì không nên dùng, bởi vì như trên đã ghi, muối nở không mùi. Khi có mùi tức là muối nở đã hấp thụ mùi đó từ bên ngoài, không còn tác dụng như mong muốn.

Nếu muốn biết muối nở còn có thể sử dụng được nữa hay không, thử bằng cách cho một chút muối nở vào chén nhỏ rồi thêm vài giọt giấm. Nếu hỗn hợp sủi bọt thì muối nở còn dùng được, nếu ngược lại thì nên đem bỏ đi.

Kết hợp với giấm hoặc chanh

Đôi khi giấm hoặc chanh được dùng kết hợp với muối nở. Để dùng trong mục đích làm sạch, mua giấm hóa học rẻ hơn giấm ăn. Không dùng loại giấm nâu, vì lý do hiển nhiên: ta không muốn màu lưu lại sau khi làm sạch.

Nếu trong nhà có cả hai loại giấm, cần ghi rõ bên ngoài công dụng. Loại dùng nấu nướng để trong bếp, loại dùng làm sạch để xa nơi khác.

Những chất liệu kỵ với giấm và chanh

Không nên dùng giấm và chanh để làm sạch những chất liệu dưới đây.

Đá cẩm thạch, đá granit, đá lát. Axit trong giấm và chanh ăn mòn lớp mặt khiến cho bề mặt bị lu mờ.

Marble & stone tileĐồ gỗ được đánh vec-ni, sàn gỗ. Axit trong giấm và chanh làm tan lớp vec-ni khiến cho mặt gỗ bị lu mờ.

Trứng: giấm và chanh làm cho những enzym đạm trong trứng đông lại khiến cho khó làm sạch vết bẩn do trứng.

Thuốc tẩy trắng (eau de javel): khi kết hợp với giấm sẽ tạo ra khí độc có hại cho sức khỏe của bạn và cũng gây hại quần áo, vì thế không cho giấm vào máy giặt cùng với thuốc tẩy trắng.

Máy rửa bát đĩa: giấm làm hỏng các gioăng làm bằng polyacrylate, fluorosilicone, and buna-N. Vì lẽ bạn không thể biết các gioăng trong máy rửa bát đĩa của bạn làm bằng chất gì, nên tránh cho giấm vào máy.

Ngọc trai: giấm và chanh làm tan chất vôi trong ngọc trai khiến cho bề mặt viên ngọc mất vẻ sáng bóng.

Sử dụng muối nở trong nhà

Nhớ: Phải đậy kín muối nở để muối nở không hấp thụ mùi từ bên ngoài, làm mất tác dụng khử mùi.

Những chất liệu kỵ với muối nở

Tuy muối nở có công dụng làm sạch đa năng, tính kiềm của nó có thể gây hại cho một số bề mặt.

Mặt kính: do tính ăn mòn của độ kiềm, muối nở làm lu mờ bề mặt kính.

Nhôm: muối nở có thể làm nhôm có màu nâu do phản ứng oxy hóa. Tuy nhiên, có thể dùng muối nở để làm sạch xoong nồi bằng nhôm với điều kiện phải tráng nước rửa ngay sau khi làm sạch.

Đồ sứ, như nồi bằng sứ, lớp mặt bếp bằng sứ: muối nở làm trầy mặt sứ, để lại màng trắng khó xử lý. Nếu lỡ dùng muối nở, thử dùng giấm để tẩy màng trắng.

Đá cẩm thạch: muối nở làm hại bề mặt bảo vệ, dần dà để lại vết trầy sướt.

Đồ gỗ, sàn gỗ: muối nở làm hại chất liệu gắn kết và bề mặt của gỗ.

antique silverwareĐồ cổ bằng bạc, ví dụ như muỗng nĩa bằng bạc, nữ trang bằng bạc: tuy muối nở có thể tẩy vết ổ, do tính kiềm nó làm hỏng bề mặt của chất liệu bạc và sau đó thêm vết ố xuất hiện. Phải giao việc làm sạch những món này cho nhà chuyên môn.

Vật có khe hở sâu hoặc đường rãnh, như bàn phím, điều khiển từ xa: muối nở còn sót không lau chùi được, dùng máy hút bụi cũng khó đạt kết quả như mong muốn.

Da của bạn: muối nở có tính kiềm, trong khi mồ hôi trên da người có tính axit. Dùng muối nở thường xuyên sẽ trung hòa axit của da, khiến cho da khô và bị nứt nẻ.

Tóc của bạn: dùng muối nở thường xuyên tóc sẽ bị mất chất dầu thiên nhiên, khiến cho tóc khô và dễ gẫy.

Tô đĩa viền vàng: vàng là kim loại rất mềm, dễ bị ăn mòn bởi tính kiềm của muối nở.

Cách sử dụng tổng quát

baking soda & limeChanh tẩm muối nở. Cắt một quả chanh làm hai rồi chấm một mặt cắt vào muối nở. Cầm nửa quả chanh như thế mà dùng, vừa tiện lợi vừa dễ dàng. Những mục dưới đây sẽ gọi đó là “chanh tẩm muối nở”.

Dung dịch muối nở. Pha với tỉ lệ 5 muỗng café muối nở trong 1 lít nước nóng (nhưng không phải nước đun sôi kẻo thiếu an toàn khi sử dụng). Những mục dưới đây sẽ gọi đó là “dung dịch muối nở”. Chỉ có một ít chỉ dẫn, nhưng bạn có thể suy ra những ứng dụng khác.

Hỗn hợp nhão. Dùng 1 phần muối nở và 1 phần nước nóng hòa vào nhau. Những mục dưới đây sẽ gọi đó là “hỗn hợp nhão”.

Công việc bếp núc

Làm sạch khu vực nấu ăn. Trộn muối nở với dung dịch rửa thông thường. Hỗn hợp này sở hữu khả năng tẩy rửa mạnh mẽ hơn nhiều chất hóa học khác, giúp bạn đánh tan mọi vết bẩn ở không gian nấu nướng. Sau khi lau sạch vết bẩn với muối nở và xà phòng, cần lau lại bằng giẻ ướt. Bạn có thể yên tâm rằng đồ dùng của mình trong nhà bếp sẽ không bị ăn mòn hay hư hại với hỗn hợp này.

Để tẩy bề mặt dính dầu mỡ, thức ăn cháy… mà cách thông thường khó xử lý, đổ chút “hỗn hợp nhão” trên vết bẩn, kế tiếp đổ thêm chút giấm trắng. Chờ khoảng 20-30 phút rồi dùng một miếng bọt biển hoặc một tấm giẻ chà xát vết bẩn. Lau lại bằng giẻ ướt.

Làm sạch vết cháy đáy nồi. Rắc một lượng lớn muối nở xuống đáy nồi và thêm nước đủ để phủ lên các khu vực bị cháy, sau đó đun sôi hỗn hợp này.

Nếu vết bẩn cứng đầu vẫn còn, lấy một dụng cụ cọ rửa, thêm một lượng nhỏ nước rửa chén và nhẹ nhàng loại bỏ các chỗ cháy còn sót lại.

Rửa trái cây. Đổ chút “hỗn hợp nhão” lên một tấm khăn sạch, rồi chà nhẹ trên bề mặt trái cây. Cách này giúp loại bỏ tạp chất thừa, bụi bẩn… dính trên lớp vỏ. Có nguồn cho biết cách này xử lý hóa chất trừ sâu trên vỏ trái cây.

Đánh tan vết ố trên hộp nhựa đựng thực phẩm. Đổ chút “hỗn hợp nhão” trên một miếng bọt biển sạch hoặc một tấm khăn sạch, rồi chà xát trên vết ố. Hoặc ngâm hộp nhựa trong “dung dịch muối nở”.

Làm sạch lò nướng/lò vi sóng. Lò nướng, lò vi sóng không chỉ là nơi dễ bị dầu mỡ hay thức ăn thừa bám bẩn, mà còn thường xuyên tỏa mùi khó chịu. Nếu để lâu như thế, hoạt động của lò sẽ xấu đi. Để xử lý tình trạng này, pha muối nở với giấm trắng để có được một hỗn hợp đặc sệt. Sau đó, dùng giẻ thấm vào hỗn hợp vừa pha để lau sạch lò nướng, lò vi sóng và để như vậy trong khoảng 30 phút. Nếu vết bẩn bám quá cứng hoặc thiết bị quá hôi thì nên để qua đêm. Cuối cùng, dùng một miếng bọt biển ướt để lau thêm một lần nữa.

Đặc biệt nếu có thức ăn dính cứng trong lò vi sóng, trộn vài muỗng café muối nở trong một cốc thủy tinh rổi cho vào lò, vặn  lò chạy với nhiệt độ cao trong 3 phút. Dùng giẻ ướt lau các mảng thức ăn đã được làm mềm.

Làm sạch thớt. Sau một thời gian sử dụng, thớt bị bám bẩn từ thức ăn khó làm sạch, đồng thời dễ bị ẩm mốc và có mùi hôi tanh khó chịu, lại chứa vi khuẩn có hại.

Rắc một lớp mỏng muối nở lên bề mặt thớt, chờ 20 phút rồi dùng một miếng chanh chà xát lên thớt và rửa sạch bằng nước.

Vệ sinh tủ lạnh. Đặt một cốc đựng muối nở bên trong tủ lạnh để hút mùi hôi. Khi tủ lạnh bắt đầu có mùi hôi trở lại (khoảng vài ba tháng) là đến lúc thay bằng cốc muối nở mới.

Đánh tan mảng bám trên bát đĩa. Pha nước rửa bát trong nước máy theo cách bình thường cho mỗi lần rửa bát, rồi thêm từ nửa muỗng đến 1 muỗng café muối nở tùy dung tích nước rửa bát. Hỗn hợp này sẽ tăng hiệu quả tẩy rửa lên gấp đôi.

clean_sinkKhử mùi bồn rửa bát. Rửa bồn rửa bát theo cách thông thường cho sạch đồ ăn thừa, dầu, mỡ… Đổ trực tiếp nửa cốc muối nở xuống đường ống nước, chờ 10-15 phút rồi xả nước nóng.

Làm sạch ấm pha trà và cà phê. Ngâm ấm trong trong “dung dịch muối nở”. Tùy tình trạng bám bẩn ít hay nhiều, ngâm vài tiếng đồng hồ hoặc qua đêm rồi dùng nước sạch tráng rửa.

Dùng cho vật dụng trong nhà

Làm sạch đường ống thoát nước. Đổ trực tiếp nửa cốc muối nở xuống đường ống, tiếp theo đổ một tách giấm, chờ 5-10 phút rồi rót xuống một ấm nước thật nóng.

clean_drainLàm thông ống nước thải bị nghẹt.  Đây là trường hợp nghiêm trọng nhưng vẫn có cách xử lý.

  • Rót một ấm nước sôi xuống ống, chờ dăm bảy phút.
  • Rót nửa cốc muối nở, nếu cần rót chút ít nước nóng xuống để dẫn muối nở xuống sâu thêm và tăng hiệu quả do nhiệt độ. Chờ dăm mười phút.
  • Rót 1 cốc giấm pha với 1 cốc nước sôi. Đậy nắp ống, chờ 10 phút.
  • Rót một ấm nước sôi.

Khử mùi thùng rác. Rất đơn giản: rắc một ít muối nở.

Đánh bóng trang sức. Như trên đã ghi: không dùng muối nở cho trang sức bằng bạc.

Dùng bàn chải đánh răng nhúng “hỗn hợp nhão” chà xát nhẹ, để yên 15-20 phút, sau đó rửa sạch bằng nước lã.

Khử mùi hôi của đồ da. Rắc một lớp mỏng muối nở trên bề mặt của đồ da, và cũng rắc bên trong của da. Để an tâm, rắc lên một góc khuất trước xem đồ da bị ảnh hưởng ra sao. Đặt đồ da vào một túi nhựa rồi cột miệng cho kín. Sau 24 giờ lấy đồ da ra, dùng bàn chải mềm hoặc vải sạch để chùi muối nở.

household-toxins_lam sach do da

Làm sạch vật dụng bằng kim loại (trừ đồ nhôm). Những vật dụng như tay nắm cửa, nút vặn trong nhà tắm, vòi nước… lâu ngày có thể bị ố. Chất làm ố đó có thể gây hại cho sức khỏe nếu da tay mẫn cảm tiếp xúc. Dùng “chanh tẩm muối nở” chà lên vật dụng bằng kim loại bị ố. Bạn sẽ thấy hiệu quả thần kỳ!

Có thể dùng “chanh tẩm muối nở” cho những mục đích tương tự. Tùy bạn khám phá thêm.

Làm sạch máy giặt. Khi một mẻ giặt đã được giặt xong và quần áo đã được lấy ra, lồng giặt vẫn còn ẩm hơi nước. Ẩm mốc bên trong sẽ phát triển, nếu cửa máy giặt bị đóng thường xuyên. Vì vậy, khi không dùng đến máy, bạn nên để cửa máy giặt mở càng nhiều càng tốt. Tuy vậy, điều đó vẫn không hoàn toàn loại trừ khả năng nấm mốc sẽ tiếp tục phát triển bên trong, và bột giặt còn sót trong các khe hẹp.

Đổ 4 cốc giấm trắng và 1 cốc muối nở vào máy giặt rồi nhanh chóng khởi động máy ở mực nước cao nhất (quần áo nhiều nhất) và nếu có, ở nhiệt độ cao nhất.

Khi máy đã chạy xong, dùng khăn khô thấm hết nước bên trong lồng giặt. Bây giờ máy giặt của bạn sẽ lại sạch bóng như mới!

Tăng hiệu quả giặt quần áo. Thêm nửa cốc muối nở vào lượng bột giặt thông thường của bạn. Nó cũng giúp làm mềm nước đối với nước giếng, có nghĩa là bạn có thể cần ít bột giặt hơn bình thường. Quần áo được giặt cách này sẽ có màu tươi sáng hơn.

Nhằm xử lý mùi hôi, hãy dùng thêm nửa cốc muối nở để thay thế nước xả vải vốn có thể chứa hóa chất độc hại.

Khử mùi hôi giày. Nên có 2 đôi giày để thay đổi nhau. Rắc một ít muối nở vào trong đôi giày không sử dụng, lắc nhẹ rồi để một vài ngày. Trước khi sử dụng lại, đổ hết lượng muối thừa đi.

Khử mùi hôi trong tủ quần áo, tủ giầy, góc chứa đồ cũ…. Người ta thường dùng băng phiến để khử mùi hôi và trừ gián trong những không gian này. Nhưng băng phiến gây ra một số vấn nạn về sức khỏe, nặng hơn đối với phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ. Xem:

Một số sản phẩm gia dụng nguy hại tiềm ẩnhttps://tamdiepblog.wordpress.com/2018/06/27/mot-so-san-pham-gia-dung-nguy-hai/

Nếu không phải trừ gián, cho muối nở vào một túi vải, buộc chặt miệng túi, rồi treo vào trong những không gian cần khử mùi hôi.

Nếu phòng ngủ hoặc phòng khách có mùi hôi, treo một túi muối nở ở mỗi góc phòng trừ nơi thoáng mát.

Xử lý nấm mốc trong sách vở. Thực sự cần tìm cách xử lý, bởi vì nấm mốc bay vào phổi của người dùng sách vở có thể gây hại cho sức khỏe.

Rắc một lớp mỏng trên dăm bảy trang của cuốn sách hoặc vở, rắc thêm một ít ngoài hai bìa. Cho vào túi nylon hoặc túi giấy rồi cột kín phần miệng, để như thế đôi ba ngày. Sau đó nếu phơi sách được dưới ánh nắng thì càng tốt. Cách này không xử lý vết ố của nấm mốc, nhưng diệt được nấm mốc và ngăn chặn tình hình xấu thêm.

Làm vệ sinh trong nhà

Cleaning surfaceLau sàn và tường gạch. Như trên đã ghi, không nên dùng muối nở cho sàn gỗ, đá cẩm thạch.

Có thể áp dụng cách này cho sàn và tường gạch của nhà tắm và của bất kỳ phòng nào. Nhúng chổi lau sàn hoặc giẻ sạch trong “dung dịch muối nở” để lau sàn, chờ 5-10 phút (có thể lâu hơn nếu có mảng bám dính chặt). Lau lại hoặc xịt rửa với nước sạch. Cách này giúp sàn sạch bóng, và hạn chế mùi hóa chất trong không gian nhà.

Nếu sàn có nhiều vết bẩn đóng lâu ngày, dùng cách mạnh hơn. Trộn 2 cốc muối nở và nửa cốc xà phòng nước (liquid soap) với nửa cốc nước, thêm 2 muỗng canh giấm. Dùng nĩa hoặc muỗng hoặc tay mang găng cao su (không dùng tay trần) để trộn đều đến khi không còn vón cục. Cho vào bình xịt, xịt lên sàn, tường nhà tắm và nhà vệ sinh. Hoặc dùng cây lau nhà nhúng vào dung dịch rồi lau, nhưng với cách này dung dịch không thấm sâu vào các kẽ hở.

Chờ 10-15 phút, rồi xịt nước rửa sạch.

Tẩy trắng bồn rửa mặt. Dùng một miếng bọt biển chấm “hỗn hợp nhão” chà sát hết bề mặt, chờ khoảng 10 phút rồi dội lại bằng nước nóng.

Vệ sinh bồn cầu. Trộn đều 1 cốc muối nở và 1 cốc giấm trắng, đổ đều xung quanh lòng bồn cầu và càng gần vành bồn cầu càng tốt. Đóng nắp để chất tẩy tác động tới vết bẩn và diệt vi khuẩn. Trong lúc đó, dùng “dung dịch muối nở” để lau bề mặt bên ngoài. Tiếp theo, mở nắp bồn cầu và dùng bàn chải bồn cầu cọ từ trên xuống dưới, đặc biệt là góc vành. Cuối cùng đậy nắp và xối nước. Không cần rửa bề mặt bên ngoài, để cho muối nở tiếp tục phát huy tác dụng làm sạch.

Wash groutingCọ rửa đường vữa. Khi lát gạch, người ta dùng vữa (grout) để gắn dính quanh các viên gạch. Người ta cũng dùng silicone để gắn dính bồn tắm vào tường. Lâu ngày, các đường vữa bị ố (nhất là trong phòng tắm nơi có độ ẩm cao), thậm chí sẫm màu do chất bẩn tích tụ, hoặc do nấm mốc, gây độc hại. Các sản phẩm tẩy rửa hóa học tuy làm sạch nấm mốc nhưng làm hại lớp men cũng như không tốt cho sức khỏe.

Dùng một bàn chải sợi nylon hoặc bàn chải đánh răng cũ chấm vào “hỗn hợp nhão” rồi chải dọc theo đường vữa (giữa các khe gạch hoặc khe nối giữa bồn tắm và tường). Nếu diện tích lớn thì dùng cây lau nhà chấm vào “hỗn hợp nhão” mà lau toàn diện tích.

Chờ 10-15 phút, rồi xịt nước rửa.

Nếu đường vữa có màu quá sậm tức do lâu ngày bị nấm mốc, thêm nửa lượng giấm trắng vào 1 lượng “hỗn hợp nhão” rồi dùng như trên.

Tẩy vết ố không phải do dầu, mỡ. Muối nở hữu ích để tẩy vết ố trên quần áo, khăn trải bàn, thảm, vải bọc ghế bành… do rượu vang trắng, rượu vang đỏ, nước trà, cà phê, thức ăn… Nói chung, muối nở có công dụng đa năng trị các vết ố.

Đối với chất liệu nghi có thể bị hỏng, thử trước ở một góc khuất.

Phủ vết ố với “hỗn hợp nhão” pha thêm nửa phần giấm trắng. Chở 3 tiếng đồng hồ, sau đó dùng vải sạch thấm ướt nước ấm để lau. Đối với các vết ố lớn hơn hoặc tối hơn, dùng thêm muối nở trong hỗn hợp.

Tẩy vết ố do dầu, mỡ. Cần kiên nhẫn và làm đúng cách bởi vì vết ố dầu, mỡ khó xử lý hơn.

1/ Nếu vết ố còn mới, dùng giẻ hoặc khăn lau giấy ép nhẹ lên vết bẩn, nhưng không chà xát kẻo dầu, mỡ thấm sâu hơn xuống dưới.

2/ Rắc muối nở lên vết ố rồi chở 12 tiếng đồng hồ.

3/ Nếu vẫn còn vết ố, lấy giẻ sạch nhúng nước rửa bát rồi ép nhẹ lên vết bẩn chứ không chà xát. Chờ khoảng 15 phút.

4/ Dùng khăn khô ép nhẹ lên để vết ố chỉ còn hơi ướt.

5/ Rắc một lớp muối nở lên vết ố, chờ 3 tiếng đồng hồ.

Đến lúc này, phần lớn vết ố sẽ không còn. Nếu còn, lặp lại các bước 3/ đến 5/.

Làm sạch đồ chơi của trẻ. Dùng hóa chất thương mại làm sạch đồ chơi của trẻ có thể tai hại cho sức khỏe của trẻ khi hóa chất còn lưu trên đồ chơi mà nước không thể rửa đi, hoặc mùi hóa chất còn vương… Nhẹ thì trẻ bị dị ứng, rộp da, hắt hơi… Nặng thì có những di chứng lâu dài về sau kể cả chứng tự kỷ.

Dùng “dung dịch muối nở” để lau đồ chơi, lau lại 2 lần bằng nước sạch rồi phơi khô.

Lau giấy dán tường. Dùng một miếng bọt biển nhúng“dung dịch muối nở” để lau, rồi dùng nước ấm lau cho sạch

Làm sạch nấm mốc trong nhà tắm, nhà vệ sinh, dưới mặt thảm chùi chân

  • Pha 1/4 muỗng canh muối nở vào một bình xịt (loại bình xịt nước để ủi quần áo). Lắc đều nước trong bình rồi xịt lên vết nấm mốc. Hoặc thấm ướt giẻ sạch, rắc 1/4 muỗng canh muối nở lên mặt giẻ rồi lau vết nấm mốc, nhưng cách này kém hơn vì không đưa được muối nở xuống sâu.
  • Nếu có nấm mốc sinh sản dọc kẽ hở giữa gạch sàn và gạch tường, hoặc dọc chất silicone bồn tắm, chấm bàn chải vào muối nở rồi chải dọc theo kẽ hở mọc nấm mốc.
  • Dùng giẻ thấm nước lau sạch nấm mốc và cũng để lấy đi bào tử nấm mốc.
  • Xịt một lớp mỏng “dung dịch muối nở”, hoặc lau nhẹ bằng giẻ thấm dung dịch này, để phòng ngừa nấm mốc mọc lại. Muối nở còn có hiệu lực khử mùi hôi của nấm mốc.

Làm sạch thảm trải sàn nhà: vẫn còn ý kiến trái chiều. Ngay từ thập niên 1980s lúc chưa có Internet, người viết bài này thuê một căn hộ được lót thảm ở Canada, được hướng dẫn cách dùng muối nở và giấm để làm sạch vết bẩn trên thảm. Chủ căn hộ hướng dẫn như thế, lẽ nào họ sai? Hiện nay trên Internet có rất nhiều trang mạng hướng dẫn cách dùng tương tự.

Thế mà một vài dịch vụ làm vệ sinh thảm khuyên không nên dùng muối nở trên thảm, biện luận rằng muối nở dính vào sợi thảm và rơi xuống lớp dưới mà không máy hút bụi nào có thể hút được hết, còn phần muối nở hút được vào máy hút bụi sẽ làm hại máy. (Czyzewski, 2019)

Số lời khuyên như thế là rất nhỏ, so với số áp đảo chỉ dẫn theo ý ngược lại. Phải chăng dịch vụ khuyên như thế sợ mất việc nếu ai cũng tự lo liệu?

Thực tế là: có dịch vụ thương mại làm sạch nhưng vừa quá tốn kém vừa để lại mùi hóa chất độc hại, không tốt cho người già và trẻ nhỏ. Vấn đề này còn nghiêm trọng hơn khi ta không rõ họ dùng hóa chất gì, đã qua kiểm nghiệm để được phép dùng hay chưa…

Tùy bạn cân nhắc để có quyết định.

Nếu e ngại các hạt muối nở rơi xuống lớp lót của tấm thảm thì dùng muối nở hòa tan đều trong nước, và nếu e ngại muối nở làm hại máy hút bụi thì pha dung dịch loãng hơn: với tỉ lệ 2-3 muỗng café muối nở trong 1 lít nước ấm (không quá nóng), và dùng máy hút bụi loại giặt thảm.

Dùng cho cơ thể

Dùng muối nở trên da: vẫn còn ý kiến trái chiều. Một số thẩm mỹ viện và nhà chuyên môn trong ngành y khuyên không nên dùng muối nở trên da, nêu 3 lý do chính (Platzer, 2017; Whelan & Cobb, 2019):

1/ làm mất cân bằng kiềm-axit trên da bởi vì muối nở có tính kiềm;
2/ có thể bị dị ứng;
3/ chất nhờn bảo vệ da bị muối nở tẩy đi.

Ngược lại, ý kiến phản biện là (Platzer, 2017):

1/ Phần lớn xà phòng tắm có pH 9 đến 10, trong khi muối nở chỉ có tính kiềm nhẹ. Dùng muối nở trên da thường xuyên có thể không tốt do những lý do khác chứ không phải do pH.

2/ Một số người cho biết họ bị dị ứng khi dùng muối nở trên da. Thế thì những người này chỉ nên dùng muối nở trong những trường hợp đặc biệt, không nên dùng thường xuyên. Một số người khác cho biết đã dùng muối nở nhiều lần vẫn không thấy có phản ứng khó chịu gì.

3/ Một số chất nhờn trên da không tốt cho da. Dùng muối nở đối với một số người có lẽ là “năm ăn năm thua” về mặt cân bằng kiềm-axit.

Thậm chí có nguồn quả quyết, cho rằng việc muối nở gây hại cho da là “hoàn toàn sai”.

Vẫn có tham vấn y khoa về việc dùng muối nở trên da, ví dụ như Việt Cường & Lê Thị Mỹ Duyên (2017). Đúng thật muối nở không phải là từ thiên nhiên; nó là một hóa chất được sản xuất bởi công nghiệp hóa. Nhưng so với những hóa chất phức tạp trong các mỹ phẩm, muối nở an toàn hơn vì không đi kèm với hóa chất nào khác và đã được dùng từ lâu trong ẩm thực và dược liệu.

Xem qua các ý kiến trái chiều nhau, có lẽ kết luận đúng đắn là: không sử dụng muối nở trên da thường xuyên, chỉ dùng cho một số trường hợp khẩn thiết.

Dùng muối nở trên răng: vẫn còn ý kiến trái chiều. Tương tự như trên, trong khi nhiều người ca ngợi tác dụng của muối nở trong việc làm trắng răng và chống hôi miệng, nếu được dùng thường xuyên muối nở có thể làm mòn men răng do tính kiềm. Vì thế, giới chuyên môn khuyên ta nên cẩn trọng (Bunch, 2019; Xuereb, 2018). Riêng các loại kem đánh răng thương mại chứa muối nở được Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (American Dental Association – ADA) công nhận thì ta có thể an tâm bởi vì các loại kem đánh răng đó đã qua quá trình thử nghiệm sâu rộng.

Do những tranh cãi trên, tôi đưa ra những cách dùng muối nở từ mức độ cần thiết đến yêu cầu cẩn trọng.

Nhớ: dùng cho cơ thể thì phải dùng muối nở (baking soda); không được dùng bột nở (baking powder).

Làm dịu vết côn trùng cắn. Nên dùng muối nở bởi vì ít khi bạn phải dùng cho mục đích này. Rửa vết cắn sạch bằng xà phòng rồi lau khô. Dùng “hỗn hợp nhão” đắp lên vùng da bị tổn thương.

Làm dịu da mẩn ngứa do cây gây độc. Cây độc là do độc tố gây ngộ độc theo cơ chế sinh hóa, còn cây gây thương tổn là do tinh thể calcium oxalate gây thương tổn theo cơ chế vật lý. Xem:

Một số cây độc và gây thương tổn quanh tahttps://tamdiepblog.wordpress.com/2018/06/02/mot-so-cay-doc-va-gay-thuong-ton-quanh-ta/

Một số người phương Tây cho biết muối nở giúp làm dịu phần da mẩn ngứa do tiếp xúc với cây thường xuân (English ivy). Khi gặp trường hợp tương tự trên da với cây độc khác và không có phương pháp hay hơn, có thể dùng “hỗn hợp nhão” đắp lên vùng da bị mẩn ngứa, ngay cả phồng rộp (bóng nước).

Làm dịu làn da cháy nắng. Chỉ dùng khi khẩn thiết, ngoài ra nên tránh ánh nắng từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều, hoặc đội mũ, che dù…. Có ba cách lỡ khi da bị cháy nắng.

1/ Tắm: pha nửa cốc muối nở vào bồn tắm rồi ngâm mình, nhưng đừng ngâm quá lâu.

2/ Mặt nạ: bôi “hỗn hợp nhão” lên vùng da bị cháy nắng. Rửa sạch da sau nửa giờ.

3/ Kem dưỡng: trộn một ít muối nở vào kem dưỡng da bạn thường dùng rồi bôi lên vùng da bị cháy nắng. Rửa sạch da sau nửa giờ.

Làm sạch tóc. Nếu dùng sản phẩm tạo kiểu tóc như keo, sáp thì shampoo không đủ mạnh để lấy đi mọi bụi bẩn bám trên tóc. Sau khi dùng shampoo và xối rửa, dùng một ít “hỗn hợp nhão” chà xát tóc từ gốc đến ngọn, sẽ tạo công dụng tốt.

Cũng nên làm sạch dụng cụ làm tóc bằng “hỗn hợp nhão”.

Khử mùi cơ thể. Muối nở được tìm thấy trong nhiều sản phẩm khử mùi, khử kiềm mồ hôi. Nếu bạn không muốn chịu tốn kém lại gánh thêm chất nguy hại tiềm ẩn nào đó trong sản phẩm thương mại, có hai cách.

1/ Khử mùi cục bộ: dùng “hỗn hợp nhão” chà xát dưới nách, bàn chân hoặc bàn tay (như sau khi ăn hải sản hoặc làm bếp còn vương mùi tanh của tôm cá).

2/ Khử mùi hôi chân: ngâm chân trong “dung dịch muối nở”. Cách này còn ngăn ngừa nấm móng và tạo làn da chân mềm mịn, hồng hào.

Làm trắng răng. Một số loại kem đánh răng có chứa muối nở với nồng độ thấp mà bạn có thể dùng. Trong trường hợp khẩn cấp (như trước khi dự buổi họp quan trọng hoặc hẹn hò với người yêu) mà không có sẵn cách nào khác, bạn có thể làm cách như sau.

Rắc một ít đủ muối nở lên kem đánh răng rồi chải răng nhè nhẹ theo chuyển động tròn và chà lên xuống để muối nở dễ đi vào các kẽ răng. Giữ nguyên vài phút, sau đó súc miệng. Ngoài công dụng làm trắng răng, cách này còn có thể giúp chống hôi miệng.

Khuyến cáo nói chung là không nên thực hiện việc này nhiều lần.

Tẩy tế bào chết (?). Dù có một số trang mạng ca ngợi việc này, ta vẫn nên cẩn trọng, bởi vì lớp da là phòng tuyến quan trọng bảo vệ cơ thể, tranh tạo rủi ro khi không có ý kiến đồng thuận của giới chuyên môn.

Trị mụn (?). Nói chung, bác sĩ chuyên ngành da liễu khuyên ta không nên dùng muối nở để trị mụn.

Kết luận

Chúng ta sống trong thời hiện đại bị bủa vây với nhiều loại sản phẩm vừa chứa hóa chất độc hại vừa gây tốn kém. Nên thay thế các sản phẩm đó bằng muối nở có tính an toàn, dùng một mình hoặc dùng chung với chanh hoặc giấm cũng an toàn, lại gần với thiên nhiên hơn. Dần dà, bạn sẽ thấy muối nở có thể thay thế sản phẩm hóa chất trong nhiều trường hợp, tạo cho cơ thể con người được an toàn và không gian sinh sống có bầu không khí trong lành hơn.

Yếu tố an toàn và trong lành này đặc biệt quan trọng đối với trẻ nhỏ và người già vốn mẫn cảm hơn đối với hóa chất độc hại.

Mặt khác, có nhiều tung hô đối với muối nở, thường là “tuyệt vời” và có khi đến mức “cực kỳ tuyệt vời” thậm chí đối với việc trị mụn trong đó muối nở là “thần dược trong việc sát trùng diệt khuẩn”. Không khác gì như ngày xưa người ta “bán thuốc Sơn Đông”! Lại kèm hình ảnh như dưới đây.

baking soda for acne.jpg
Một hình ảnh trình bày kết quả của muối nở!

Một mặt, chúng ta cần cảnh giác trong thời đại bùng nổ thông tin này, khi mà Internet chứa đầy thông tin thiếu chuẩn xác.

Mặt khác, tránh bị sa đà theo những quảng cáo cho sản phẩm thương mại tạo nhiều thuận lợi và kết quả thấy rõ lập tức, nhưng ẩn chứa nhiều mối nguy hại mà các nhà khoa học chân chính đã nghiên cứu và cảnh báo.

Nhiều việc trong cuộc sống có hai mặt: lợi và bất lợi. Một bài trên trang mạng có thể cho ý kiến đúng cho việc này và khả nghi cho việc khác. Có những vết bẩn khó trị mà chỉ hóa chất mạnh mới xử lý được, trong khi muối nở tuy có công dụng đa năng nhưng không đến mức thần kỳ trong mọi trường hợp. Bạn cần cân nhắc giữa hai mặt lợi–hại và so sánh muối nở với những sản phẩm thương mại bạn thường dùng về mặt nguy hại tiềm ẩn, giá cả và hiệu năng (bạn chấp nhận hiệu quả đến mức nào?)

Cuộc sống muôn mặt vẫn là đầy cân nhắc. Bạn hãy suy nghĩ để lấy quyết định đúng đắn nhằm bảo vệ bạn và gia đình bạn.

Nguồn tham khảo

Bunch, E. (2019). Hey dentist: is baking soda paste actually a good way to whiten my teeth? https://www.wellandgood.com/good-advice/baking-soda-teeth-whitening/

Anthony, K. & Cobb, C. (2019). Baking Soda for Acne Treatment. https://www.healthline.com/health/baking-soda-acne

Cutolo, M. 11 Things You Should Never Clean with Baking Soda. https://www.rd.com/home/cleaning-organizing/never-clean-with-baking-soda/

Việt Cường & Lê Thị Mỹ Duyên (2017). 8 cách làm đẹp với Bột Baking Soda (Thuốc Muối).  https://hellobacsi.com/song-khoe/khoe-dep/8-cach-lam-dep-voi-baking-soda-thuoc-muoi/

Free, T.  9 Awesome Things That Cleaning With Baking Soda Can Do. https://www.houselogic.com/organize-maintain/cleaning-decluttering/natural-odor-eliminator/

Gelman, L. 17 of the Most Brilliant Ways to Fix Things with Baking Soda. https://www.rd.com/home/cleaning-organizing/baking-soda-uses/

Piro, L. & Smith, L. (2018). 22 Cleaning Problems You Can Solve With Baking Soda. https://www.goodhousekeeping.com/home/cleaning/tips/a25577/baking-soda-cleaning-uses/

Platzer, T. (2017). Do NOT use Baking Soda on the skin!! https://zerocares.com/not-use-baking-soda-skin/

Ngọc Trâm (2017). Vứt dung dịch hóa học đi, chỉ cần muối nở và giấm là nhà sạch bong. https://eva.vn/nha-dep/vut-dung-dich-hoa-hoc-di-chi-can-muoi-no-va-giam-la-nha-sach-bong-c169a294730.html

Xuereb, J. (2018). Can You Use Baking Soda On Your Teeth? https://www.savinadental.com/can-you-use-baking-soda-on-your-teeth/

Whelan, C. & Cobb, C. (2019). Is Baking Soda Safe and Effective for Skin? https://www.healthline.com/health/beauty-skin-care/baking-soda-for-skin

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *