Sức khỏe và an toàn cho trẻ nhỏ

Đã có nhiều vấn đề về sức khỏe và an toàn cho trẻ nhỏ. Có nhiều trường hợp người ta không ngờ tổn hại có thể xảy ra, trong khi những biện pháp ngăn chặn lại đơn giản, ít tốn kém hoặc chẳng tốn kém gì cả. Bài viết này trình bày thông tin cơ bản nhằm phòng tránh tai nạn và tật bệnh đau lòng cho trẻ.

Đầu tiên, giới thiệu với người đọc những bài viết về sức khỏe và an toàn có liên quan mà nội dung không lặp lại trong bài viết này.

Đề phòng trượt, vấp, ngã

Xem:
https://tamdiepblog.wordpress.com/2018/05/18/de-phong-truot-vap-nga/

Sản phẩm gia dụng nguy hại

Xem:
https://tamdiepblog.wordpress.com/2018/06/27/mot-so-san-pham-gia-dung-nguy-hai/

Sản phẩm gia dụng tạo mùi thơm

Xem:
https://tamdiepblog.wordpress.com/2018/06/20/san-pham-gia-dung-tao-mui-thom-hiem-hoa-tiem-tang/

Cây độc và gây thương tổn

Xem:
https://tamdiepblog.wordpress.com/2018/06/06/mot-so-cay-nen-trong-trong-nha-va-van-phong/

Nhận định những nguyên nhân gây mất an toàn

  • Nguyên nhân thông thường nhất làm cho trẻ bị thương tích là té ngã: từ ghế, cầu thang, thậm chí từ ban công trên cao…, hoặc té ngã khi chạy nhảy. Có khá nhiều tai nạn trẻ rơi từ ban công trên cao, hoặc đong đưa lơ lửng mặt ngoài ban công hút chết.
  • Những nguyên nhân thông thường khác đối với trẻ còn non là nuốt phải vật lạ. Trẻ có thể bị mắc nghẹn vì thức ăn cứng (như cà rốt sống). Nguy hiểm hơn nữa là khi thức ăn nhỏ (như hạt đậu phộng) đi vào phổi.
  • Những nguyên nhân thông thường kế tiếp là khi trẻ tập kỹ năng mới: bơi lội, đi xe đạp, đi patin (nhất là khi xuống dốc).

Những yếu tố liên quan đến sức khỏe và an toàn

  • So với người lớn, cơ thể trẻ có chức năng giữ thăng bằng kém, tầm quan sát hạn hẹp (như khi chạy hoặc đạp xe đạp chỉ hướng mắt về phía trước), sự thích ứng kém đối với nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh, và dễ bị ngạt thở (như khi chơi đùa với bao nhựa trùm lên đầu, hoặc vướng víu với tấm chăn trùm lên đầu).
  • Mặt khác, trẻ em có thể leo đến độ cao, hoặc luồn qua khe hẹp, mà bạn không ngờ tới. Trẻ cũng có thể lọt xuống một miệng hố nhỏ mà bạn cũng không ngờ tới.
  • Do tính hiếu động của trẻ, chỉ trong một khoảnh khắc ngắn người lớn lơ là, trẻ có thể lâm vào tình huống nguy hiểm.
  • Trẻ có thể hiểu và có hành động đáp ứng khi bạn nói “Đừng”, hoặc “Thôi”, nhưng có thể không hiểu và đáp ứng với câu nói như “Đừng đi nhanh quá” (thế nào là nhanh quá?). Tốt hơn là trước mỗi tình huống tiềm ẩn nguy hại, giải thích cho trẻ hiểu ra vấn đề.
  • Trẻ có thể hiểu “Đừng” nhưng có thể không muốn làm theo, thường có thể vì ham chơi.
  • Trẻ không thể nhận định được vận tốc một người hoặc một chiếc xe đạp của một trẻ khác đang chạy đến là nhanh thế nào để né tránh.
  • Do tính náo động, trẻ có thể có những hành động nguy hiểm như leo qua bên ngoài tay vịn thang cuốn, một mình bước vào thang máy, hoặc chơi đùa không đúng cách với chó, mèo hàng xóm…

Hiểu được những yếu tố trên, trong nhiều trường hợp bạn có thể tự nghĩ ra cách đáp ứng và ngăn chặn tại nạn cho trẻ.

Nguyên tắc chủ chốt

Trước khi bàn đến những nguyên tắc khác, cần nhớ nguyên tắc này: Không bao giờ để trẻ một mình trong nhà, hoặc một mình trong ô tô khóa cửa rồi đi nơi khác mà bạn không đáp ứng kịp khi có nguy hại cho trẻ. Ở nhiều nước, làm như thế là vi phạm pháp luật: nếu trẻ bị tai nạn trong tình huống đó thì cha mẹ hoặc người giám hộ có thể ngồi tù.

An toàn với đồ chơi

Con quay spinner (xem hình)

child_spinnersĐây là đồ chơi nhiều trẻ em yêu thích, nhưng có thể gây tai nạn và được chứng minh là nguy hại cho trẻ nhỏ. Sản phẩm này xét ở khía cạnh nào đó, có khá nhiều công dụng như giúp người chơi giải tỏa stress, bỏ được những thói quen xấu… Tuy nhiên đứng ở góc độ khoa học, spinner được chứng minh là gây ra nhiều nguy hại, đặc biệt là cho trẻ em. Những vấn đề chính:

  • Gây nghiện: các nhà khoa học cảnh báo, spinner có thể “gây nghiện” và khiến trẻ lười vận động. Thay vào đó là luôn cầm spinner trên tay, xoay tròn và không làm bất cứ việc gì khác.
  • Khiến trẻ phân tâm: vệc nghiện spinner thái quá có thể khiến trẻ ham chơi, xao nhãng chuyện học tập. Do được đánh giá là làm trẻ mất tập trung vào học tập và có thể nguy hiểm, nhiều trường học tại Mỹ, Anh, Đức đã cấm học trò chơi spinner và mang spinner tới trường.
  • Gây tai nạn: chính quyền nhiều nước đưa ra khuyến cáo cần thận trọng với loại đồ chơi này. Một bé trai người Mỹ khi đang chơi spinner bị mắc kẹt ngón tay trong con quay khiến ngón tay sưng tấy. Người nhà tìm mọi cách để lấy con quay bị mắc kẹt nhưng không được. Cuối cùng, họ phải dùng đến máy cưa để cưa phần kim loại của chiếc spinner này. Một bé gái khác tại bang Texas, Mỹ, suýt mất mạng vì không may nuốt phải mảnh kim loại trong con quay spinner. Các bác sĩ phát hiện ra miếng kim loại spinner mắc kẹt trong thực quản của em bé sau khi chụp X-quang. Em bé được phẫu thuật nội soi để loại bỏ dị vật. Đây chỉ là hai trong rất nhiều vụ tai nạn như bị spinner văng vào mắt, cứa đứt da hay thậm chí là cắt đứt ngón tay người chơi…

Cần kiểm tra các bộ phận nhỏ và độ sắc nhọn của spinner, đảm bảo không cho trẻ chơi spinner quá nhọn, sắc bén – gây rách da, chảy máu khi quay.

Đối với trẻ từ 3-6 tuổi, cha mẹ hãy giám sát kỹ nếu chúng chơi spinner. Đối với trẻ lớn hơn, hãy trao đổi với chúng về những nguy hiểm tiềm ẩn từ món đồ chơi này.

Nên cai nghiện spinner từ từ bằng cách giảm dần thời gian cho phép chơi spinner, và hướng trẻ đến những hoạt động hữu ích hơn.

Tham khảo thêm:
Những nguy hại khi cho trẻ chơi con quay spinner – http://voh.com.vn/an-toan-cho-tre/nhung-nguy-hai-khi-cho-tre-choi-con-quay-spinner-246541.html

An toàn với đồ nội thất

  • Khi mua đồ nội thất cho trẻ đã qua sử dụng, cần đảm bảo hàng có đủ bộ phận cần thiết, không thiếu đi bộ phận quan trọng như thanh chắn. Cũng cần đảm bảo vật dụng còn chắc chắn, khó bị rung lắc.
  • Tránh góc cạnh sắc nhọn. Góc nhọn của bàn thường ở ngang tầm mắt của trẻ, có nguy cơ tiềm ẩn khi trẻ chơi đùa. Thị trường có bán các loại vật dụng để bao góc bàn. Cần chọn loại có màu sắc dễ nhận và cũng để trang trí.

Child_bao chot cua

  • Ghế cao cho trẻ cần phải có dây thắt an toàn.
  • Đối với nôi, thử quy tắc “Hai ngón tay”: nếu bạn có thể để lọt hơn 2 ngón tay giữa cạnh nệm và cạnh nôi thì bé của bạn có nguy cơ bị kẹt tay, chân.
  • Đồ nội thất cho trẻ em nên được làm bằng vật liệu phù hợp. Tránh vật liệu kính, vì lý do hiển nhiên.
  • Không chọn đồ nội thất có bề mặt dễ trơn trượt.
  • Đồ vật cho trẻ không được sơn bằng hóa chất độc hại. Trẻ nhỏ thường có thói quen cắn, gặm những đồ vật trong nhà nhất là khi mọc răng. Thị trường có bán sơn hữu cơ an toàn cho trẻ.
  • Nếu sắm giường tầng cho trẻ thì không bao giờ đặt một trẻ dưới 6 tuổi lên tầng trên của giường tầng. Phải đảm bảo giường tầng trên có đường ray bảo vệ ở mỗi bên – không chỉ ở phía tường. Thang trèo không có bậc thang nào bị thiếu, không trơn trượt, và được gắn chặt vào một bên của cạnh giường tầng trên.
  • Nếu là giường đơn thì chọn một chiếc giường thấp, tương xứng với chiều cao của trẻ, nhưng vẫn nên có thanh chắn bảo vệ xung quanh.
  • Nệm phải vừa khít với bốn mặt của giường để trẻ không bị rơi ra khỏi giường.
  • Cất giữ đồ vật của trẻ ở những nơi rộng rãi, có độ cao thấp.
  • Nếu trong nhà có vật dụng nào có thể leo trèo thì trẻ sẽ tìm cách trèo lên bằng được. Bản tính đó có thể khiến trẻ rơi vào nguy cơ bị tai nạn nghiêm trọng khi vật dụng đổ đè lên người. Dùng 2 giá hoặc bản lề để gắn mỗi đồ nội thất như ngăn kéo, kệ sách, tủ quần áo chặt vào tường nhằm tránh ngã đổ. Tuy tủ, kệ sách… có thể nặng đối với người lớn nhưng trẻ vẫn có thể làm ngã đổ. Neo vào phần nơi vững chắc của tường và đồ nội thất. Để ý một số loại tủ có vách sau mỏng và yếu, không thể chịu được sức ngã đổ.

Hình từ camera quan sát thực tế ở Bang Utah, Hoa Kỳ: một trong hai đứa trẻ sinh đôi 2 tuổi bị tủ ngã đè lên người, đứa trẻ kia cố nâng tủ lên. Trường hợp may mắn bởi vì tủ nhẹ và cạnh sắc không đập trúng chỗ hiểm trên người trẻ. Xem video:
https://www.youtube.com/watch?v=ZjHcVBUKif0

Child_furniture tipping on twins

Hình: hai cách neo tủ vào tường.

Child_neo tu

  • Thị trường có nhiều loại đai để khóa cửa của tủ áo, tủ lạnh, lò vi sóng, ngăn kéo… Hình: đai khóa được làm từ nhựa dẻo an toàn, với hai đầu khoá có phủ một lớp keo giúp khóa dính vào phần cần khóa.

child_dai khoa an toan

  • Kiểm tra những nguyên tắc trên và áp dụng xuyên suốt cho mọi phòng trong nhà. Đừng nghĩ trẻ sẽ không vào phòng cha mẹ do đã được dặn dò. Khi người lớn lơ là thì bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra.

An toàn bỏng

Nhà có trẻ nhỏ cần kiểm tra đồ gia dụng để phòng chống bỏng, ví dụ như:

  • Giữ nguồn cung cấp nước nóng không quá 50 °C, nhằm tránh việc trẻ nghịch ngợm mở vòi nước nóng và bị bỏng. Nhiều khách sạn có nước rất nóng, khi mở vòi nước nóng có thể chảy ra lập tức. Trong tình huống đó nếu trẻ đứng sẵn dưới vòi hoa sen thì sẽ rất nguy hiểm.
  • Trên thị trường có nhiều loại vật liệu dùng để bọc núm mở lò nướng, chỉ người lớn mới vặn núm mở được.

Sơ cứu trong tai nạn bỏng:

  • Đặt trẻ ở tư thế nằm và chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Trong khi chờ đợi phương tiện chuyên chở có thể thực hiện các bước sau.
  • Nhanh chóng đưa vùng da bị bỏng của trẻ vào chậu nước nguội, sạch hoặc đưa vùng da bị bỏng dưới vòi nước (vòi sen) và xả nhẹ trong khoảng từ 15-20 phút. Việc làm này sẽ giúp vết bỏng dịu lại, bớt đau rát, giảm sưng phồng, giảm độ sâu của vết bỏng và làm sạch vùng bị bỏng, tránh các viêm nhiễm.
  • Nếu vết bỏng nặng, nên dùng kéo cắt áo quần khỏi vết bỏng, tránh để áo quần dính chặt vào vết bỏng khiến trẻ bị đau rát, dễ viêm nhiễm.
  • Tháo bỏ các tư trang cá nhân, vòng lắc, nhẫn hoặc đồng hồ, giày dép… trước khi vết bỏng bị sưng nề.
  • Nếu vết bỏng đã phồng rộp, không nên chọc vỡ các bong bóng nước trên da trẻ.
  • Cho trẻ uống nhiều nước khoáng, muối để tránh tình trạng bệnh nhân bị sốc nặng vì mất nước qua vết bỏng…

Không làm những việc sau khi trẻ bị bỏng:

  • Áp dụng cách chữa bỏng dân gian như dùng kem đáng răng, mỡ trăn hay nước mắm bôi lên phần da bị bỏng, vì có thể làm tổn thương da hoặc nhiễm trùng nặng hơn.
  • Dùng nước đá làm mát vết bỏng trực tiếp, vì có thể khiến vết bỏng trở nên trầm trọng hơn.
  • Dùng các loại vải có sợi tua rua, dễ bám vào vùng da bị tổn thương. Có thể che phủ da bị bỏng bằng gạc vô khuẩn.

Để sơ cứu phỏng cho trẻ đúng cách – http://voh.com.vn/an-toan-cho-tre/de-so-cuu-phong-cho-tre-dung-cach-225400.html

Trẻ nuốt dị vật

Child_vien thuoc giatThuốc giặt dạng viên. Từ năm 2012, ở Anh và Mỹ thuốc giặt dạng viên bắt đầu được đưa ra thị trường và ngay lập tức được ưa chuộng. Mỗi viên chứa lượng thuốc giặt đã định, chỉ cần bỏ 1, 2 viên vào máy giặt, không cần đo lường, không bị dính tay, vỏ ngoài viên thuốc giặt sẽ tan nhanh trong máy giặt. Vô cùng tiện lợi. Và cũng nguy hiểm cho trẻ nhỏ vì trong thời gian đầu sử dụng người lớn không cẩn thận. Chỉ vì viên viên thuốc giặt có màu hấp dẫn trông giống như kẹo, lại mềm mại dễ nuốt. Càng nguy hiểm hơn bột giặt thông thường do nồng độ đậm đặc – giống như đưa cả 2, 3 muỗng canh bột giặt vào miệng.

Vài ví dụ:

  • Một trẻ trai 7 tháng tuổi ở Mỹ nuốt nhầm một viên thuốc giặt. Lập tức cậu bé phát ho, được đưa ngay đến bệnh viện, nhưng một giờ sau thì tử vong. Khán nghiệm tử thi xác định nguyên nhân cái chết là do nuốt phải viên thuốc giặt.
  • Một gia đình khác ở Mỹ có ý thức giữ mọi vật nguy hại xa tầm với của trẻ. Thế mà một viên thuốc giặt lại rơi xuống sàn nhà, và một trẻ 18 tháng tuổi nhặt lấy bỏ vào miệng. Người cha cho biết đứa trẻ chỉ vừa chơi đùa trên sàn nhà khoảng 15 giây đồng hồ. Thế mà trong khu cấp cứu, phải cho đứa trẻ thở bằng ống hô hấp suốt 10 ngày.
  • Tạp chí khoa học Pediatrics báo cáo trong giai đoạn 2013-2014, có 104 trẻ ở Mỹ được cấp cứu qua ống hô hấp do ngộ độc với thuốc giặt dạng viên, và có 2 trẻ tử vong.

Tham khảo thêm:
Laundry pods poisoning: How it happened in a child-proof home – https://www.checkupnewsroom.com/laundry-pods-poisoning/

Theo khuyến cáo của Tide, nhà sản xuất thuốc giặt, khi biết trẻ nuốt nhầm viên thuốc giặt nên cho trẻ dùng sữa hoặc ít nhất cho uống nước, rồi lập tức đưa đi cấp cứu.

Chuyên gia sức khỏe cộng đồng Sheila Merrill khuyến cáo: “Hãy để mắt đến trẻ khi bạn đang giặt đồ khi trẻ đang chơi gần đó, bởi vì trẻ chỉ cần một vài giây là đã lấy được viên nước giặt.”

Pin điện tử. Loại pin dạng cúc áo (cho đồng hồ đeo tay, chìa khóa ô tô, và máy tính cầm tay…) nếu bị trẻ nhai và nuốt vào bụng sẽ giải phóng một lượng chất độc hóa học. Phải đảm bảo bất kỳ loại đồ chơi nào vận hành bằng pin dạng cúc áo nên được khóa ổ pin bằng ốc vít trước khi cho trẻ sử dụng. Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận một bé trai 3 tuổi, bị chảy máu mũi đã vài ngày, đau vùng mũi và mắt, mũi chảy dịch lẫn máu. Chẩn đoán bằng hình ảnh cho thấy: mũi trẻ có dị vật là viên pin hình tròn, đường kính khoảng 1cm, dày khoảng 2mm. Hốc mũi bệnh nhi bị viêm loét gây chảy máu mũi. Khi có dị vật là viên pin, nhẹ thì bị vết loét nhẹ niêm mạc, nặng thì có thể gây hoại tử niêm mạc, nặng hơn có thể gây viêm mô tế bào, nhiễm trùng, nhiễm độc, thậm chí có thể tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Nam châm. Các bác sĩ ở Úc nói rằng họ đã thấy sự gia tăng đáng báo động về số lượng trẻ em nuốt nam châm, trong khi đó nhiều bậc cha mẹ chưa nhận thức được sự nguy hiểm của chúng. Những viên nam châm có thể gây tổn thương cho dạ dạy và ruột khi chúng cố hút nhau ở những vòng ruột khác nhau. Chúng có thể gây thiếu máu, làm thủng ruột và có thể dẫn đến chết người.

Trang Brightside liệt kê các khối xếp hình nam châm vào một trong các loại đồ chơi nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Loại đồ chơi này được dán nhãn cho trẻ trên 3 tuổi nhưng trên thực tế nó chỉ phù hợp với độ tuổi trên 14. Trong khi cố gắng dùng răng để tách những viên bi nam châm này ra, không ít bé vô tình nuối phải vài viên bi vào bụng. Sau đó, những viên bi nam châm này sẽ liên kết mạnh với nhau và làm mỏng thành ruột. Bé sẽ cần giải phẫu.

Tham khảo thêm:
Đang chơi với bà, bé trai 5 tuổi đột nhiên đau bụng dữ dội, cả nhà bất ngờ khi nhìn ảnh chụp X-quang – http://afamily.vn/be-trai-5-tuoi-dot-nhien-dau-bung-du-doi-ca-nha-bat-ngo-khi-nhin-hau-qua-trong-anh-chup-x-quang-2018072909355881.chn

Viên nước đá. Là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tai nạn nghẹn, hóc ở trẻ lớn, bởi chúng có thể dễ dàng trôi vào cổ họng khi trẻ uống nước. Nên loại ra viên nước đá trong ly nước của trẻ.

Những vật khác. Kẹo cao su, kẹo cứng và kẹo mút cũng tiềm ẩn những nguy cơ tương tự.

Những tai nạn khác

  • Ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc: Sau khi thấy con trai nghịch đồ cắt móng tay, người mẹ nhanh chóng lao đến lấy lại. Thế nhưng cậu bé lại tưởng mẹ đuổi theo đùa giỡn nên đã bỏ chạy đồng thời cho luôn đồ cắt móng tay vào miệng nuốt chửng.
  • Ở New South Wales, Úc, một bà mẹ đẩy xe đấy cho con đi chơi, treo chuỗi hạt vòng đồ chơi để cho bé nhai. Đây là món đồ dành cho trẻ ở độ tuổi mọc răng và được nhà sản xuất ghi chú là quy trình sản xuất và chất liệu an toàn cho trẻ nhỏ. Bà mẹ ngồi ngay cạnh con và một lát sau thì thấy bé có biểu hiện lạ, bà phát hiện con bị hóc nghẹn. Kiểm tra miệng bé thấy có hạt vòng, bà đưa tay vào và lấy ra được 1 hạt vòng. Nhưng vẫn còn hạt khác mắc ở cổ họng của bé khiến bé bị nghẹn và không thể thở được. Người mẹ này vừa mới hoàn thành khóa học an toàn cho trẻ nhỏ với các bài đào tạo cách sơ cứu cho trẻ trong những trường hợp khẩn cấp. Thế nhưng bà lại không thể hành động theo những gì được học để tự cứu con mình. Khi nhìn thấy sắc mặt của con chuyển sang đỏ rồi tím lịm đi, bà chỉ biết hét thật to để cầu cứu sự giúp đỡ. Rất may, một cựu quân nhân vô tình đi ngang qua và nghe thấy tiếng hét, chạy lại và ngay lập thực hiện thao tác vỗ lưng, ấn ngực giúp đẩy dị vật ra khỏi cổ họng của bé.
  • Bài học từ tai nạn này: Không được quá tin tưởng vào các sản phẩm gắn mác “An toàn cho trẻ nhỏ”: Các sản phẩm dành cho trẻ nhỏ đều cần được kiểm tra lại trước khi cho bé dùng. Chuỗi hạt vòng mà bà mẹ cho bé nhai mặc dù được nhà sản xuất chứng nhận là nguyên liệu an toàn nhưng nó vẫn là dạng vật chất với kích thước khá nhỏ, hình tròn, trơn, nhẵn nên rất dễ gây hóc nghẹn cho trẻ. Cha mẹ cần ngay lập tức loại bỏ những đồ vật nguy hiểm như vậy ra khỏi tầm với của trẻ nhỏ.

Sơ cứu trẻ hóc dị vật, thức ăn

Sơ cứu là bước vô cùng quan trọng. Nếu biết cách xử lý, các sơ cứu đơn giản có thể cứu song nạn nhân. Nếu nạn nhân tỉnh táo, hay khuyến khích nạn nhân ho. Nếu nạn nhân không ho được hoặc ho không hiệu quả, cần nhanh chóng làm lieu pháp vỗ lung và ấn ngực.

Hình: phương pháp đẩy dị vật khỏi cổ họng của trẻ.

Child_Cuu cap mac nghen

Nếu nạn nhân không tỉnh, nghe nạn nhân còn thở hay không. Nếu không thở, cần hà hơi 5 lần rồi ép ngực 15 lần. Kiên nhẫn lặp lại cho đến khi có nhân viên y tế đến.

An toàn điện

Người viết bài này vẫn còn nhớ rõ lúc tuổi thơ: khi chơi một mình trong phòng khách, kiếm được một sợi dây kẽm bèn chọc vào một ổ cắm điện. Thế là bị điện giật, khóc thét lên. Trẻ em thời nay làm như thế sẽ không may mắn như người viết: thời xưa dùng điện 110 volt, còn bây giờ ở Việt Nam là 220 volt. Không thể nào bịt kín ổ cắm điện, vì khi muốn cắm phích vào vẫn thiếu an toàn. Nhiều người mua loại nắp an toàn ổ điện, vừa rẻ vừa tiện. Tuy nhiên, loại này lại tỏ ra nguy hiểm.

Ảnh: Trẻ nhỏ có thể tháo nắp an toàn ra rồi lắp lại chiếc nắp nhưng lắp sai theo bất cứ chiều nào chúng thích. Điều nguy hại xảy ra khi chiếc nắp được cắm vào một lỗ duy nhất – lỗ tiếp đất. Khi đó, ổ cắm sẽ bị hở điện. Bởi vậy, người lớn dùng nắp che không khác nào đưa cho con trẻ một chiếc tuốc-nơ-vít để nghịch điện. Còn có một mối nguy nữa là các loại nắp trên thị trường có nhiều kích cỡ, kiểu dáng khác nhau. Nếu nắp nhựa quá lớn so với ổ điện, khi bạn sử dụng ổ cắm, phần nhiệt sẽ nóng hơn thông thường.

child_nap che o cam

Bộ Y tế Anh đưa ra khuyến cáo về mối nguy khi sử dụng nắp che ổ điện và kêu gọi không nên dùng chúng.

Child_o cam dien BẢnh: TRÁI: ổ cắm thông thường có khe cắm hở, PHẢI: một bộ phận an toàn gắn bên trong mỗi ổ cắm, có trang bị lò xo. Để ý lỗ cắm màu nhạt do có màng ngăn. Chỉ khi cắm 2 chấu vào 2 lỗ cùng lúc và phải dùng lực mạnh để nén lò xo xuống thì mới cắm phích được. Trẻ em nghịch với 1 lỗ cắm thì không thể chọc bất kỳ vật gì vào được, còn muốn cắm cả 2 chấu thì không đủ lực nén lò xo. Đây là loại ổ cắm được trang bị cho các khu căn hộ cao cấp (như ở Phú Mỹ Hưng, Tp HCM). Người mua căn hộ hoặc xây nhà cần để ý đến loại ổ cắm này. Dĩ nhiên là khe tròn phải được nối đất.

Thế là bạn có thể lo liệu an toàn điện trong nhà. Khi ra bên ngoài, cần dặn dò trẻ ở những điểm sau:

  • Không động chạm gì đến các ổ điện, như khi vào nhà hàng, ra sân bay…
  • Tránh xa các tủ điện và cột điện (như ở dọc đường phố).
  • Không bao giờ leo lên cột điện.
  • Không bao giờ thả diều gần đường dây điện.
  • Tránh xa mọi loại dây điện trên mặt đất

Xem thêm thông tin về cách phòng chống điện giật:

An toàn khi sống ở nhà cao tầng

Một số tai nạn trên cao điển hình

  • Ở Khu đô thị Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội: một trẻ trai 8 tuổi rơi xuống đất từ tầng 11 tử vong. Đứa trẻ đang chơi đùa với 4 người bạn cùng tầng 11, sau đó đứa trẻ cùng 2 người bạn trèo lên đoạn lan can thì không may bị rơi xuống phần mái tầng 2 tử vong tại chỗ. Vị trí rơi thuộc khu vực giếng trời mặt trước của tòa nhà.
  • Ở thành phố Đạt Châu, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc: Bà ngoại một cậu bé 5 tuổi thấy cháu đang ngủ say nên để cháu ở nhà để xuống tầng 1 tập thể dục, không ngờ cậu bé dậy sớm hơn dự tính. Cậu bé thức giấc và đi ra ban công để nhìn ra ngoài, xem người nhà đâu rồi bất ngờ bị trượt chân ngã. Cậu bé rơi từ tầng 20 xuống tầng 19 nhưng may mắn bám được vào mặt ngoài của thanh chắn ban công tầng dưới. Một người thu gom rác nhìn thấy cậu bé đang bị treo lơ lửng, cố gắng không hét lên để không làm bé bị giật mình. Người thu gom rác kêu gọi sự giúp đỡ. 3 nhân viên an ninh cùng với hàng xóm của cậu bé chạy lên, giải cứu được cậu bé thành công.

Ảnh : bé trai 5 tuổi treo mình lơ lửng trên ban công tầng 19.

child_boy hang at height

  • Ở khu Linh Đàm, Hà Nội, một bé trai 6 tuổi bị tử vong do rơi từ ban công chung cư tầng 11. Bé ở nhà một mình. Trong quá trình chơi, đồ chơi của cháu bé bị rơi ra lan can khu giếng trời của tòa nhà. Cháu bé ra cố với lấy đồ chơi thì gặp nạn. Chỉ trong vòng 10 năm lại đây, riêng trên địa bàn Linh Đàm và một số phường quận Hoàng Mai đã xảy ra 9 vụ trẻ em rơi từ ban công xuống đất. Điểm chung của hầu hết các vụ tai nạn này là các bé trai ở độ tuổi còn nhỏ, hiếu động, rơi ngã khỏi ban công khi ở nhà một mình.

Để phòng chống tai nạn trên cao:

  • Nếu có thanh chắn cửa sổ và ban công: kiểm tra độ chắc chắn, và độ rộng của khe hở. Khe hở lớn hơn 10 cm đều tiềm ẩn nguy cơ cho sự an toàn của trẻ. Một đứa trẻ 6 tuổi vẫn có thể chui lọt qua một khe hở chỉ rộng chừng 15 cm. Không nên tin cậy nơi chiều cao của ban công, vì thế bạn cần luôn ở bên trẻ khi đứng trên ban công.
  • Khóa cửa sổ và cửa ra vào ban công mỗi khi bạn không ở bên cạnh trẻ: Hãy tạo thành thói quen khi làm việc này. Ghi vào mảnh giấy nhắn và để ở vị trí bạn cất chìa khóa. Nhờ đó, bạn sẽ nhớ ra bất cứ khi nào rời khỏi phòng.
  • Không để các vật dụng lớn ở khu vực xung quanh cửa sổ, tường ban công: Trẻ có thể trèo lên đó và tai nạn rất dễ xảy ra.

An toàn với gia súc

Một số tai nạn với gia súc:

  • Ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội: Trong lúc chơi đùa với chó nhà, bé trai 7 tuổi bị con chó cắn đứt rời môi. Do bị dập nát nên phần môi này không thể ghép lại.
  • Ở Đông Anh, Hà Nội, một bé 18 tháng tuổi qua nhà hàng xóm chơi bị chó cắn vào vùng hàm mặt và tai. Tuy có mẹ chứng kiến và đã cố gắng để kéo con ra nhưng bé vẫn bị tổn thương nặng nề vì bị cắn nát vành tai.
  • Ở tỉnh Bình Phước, một bé trai 8 tuổi bị chó nhà cắn nát mặt. Các bác sĩ xác định bé có khoảng 15 vết thương, trong đó có 5 vết thương sâu, trầm trọng. Con chó lai nhà nuôi nặng khoảng 20kg ra đường và trở về với vết thương ở chân. Thấy con chó bị thương, bé chạy lại ôm chân chó. Con vật đau nên quay lại và cào cắn vào trúng mặt cô bé.
  • Thương tâm nhất là trường hợp một gia đình ở Hà Nội, nuôi một con chó ngao Tây Tạng 40 kg. Bé 8 tháng tuổi của gia đình bất ngờ bị con chó này cắn tử vong. Ngay khi phát hiện con mình bị cắn, người mẹ chạy đến can thiệp cũng bị con chó cắn gây thương tích.

Trẻ dễ bị hiểm nguy đối với gia súc, thậm chí thú cưng trong nhà. Lý do thường thấy là trẻ chơi đùa với thú cưng như chó, mèo, không đúng cách khiến cho con vật hốt hoảng, bị đau… nên vì bản năng tự vệ làm hại trẻ. Cần hướng dẫn và cho trẻ thực tập cách chơi đùa với gia súc, và luôn ở kề bên để sẵn sàng can thiệp bất kỳ lúc nào.

An toàn với bút chiếu laser

Trẻ nhỏ thường rất phấn khích với bút chiếu laser, và nhiều bậc phụ huynh không ngần ngại cho con loại vật dụng này vốn được nhiều nhà sản xuất quảng cáo là đồ chơi trẻ em. Tuy nhiên, bút chiếu laser có thể gây thương tổn nghiêm trọng cho thị lực của trẻ nếu không được sử dụng một cách an toàn. Khi mắt bị tia laser chiếu vào chưa đến 1 giây đồng hồ là đủ đê gây tổn hại cho thị lực. Bởi tác hại đó, ngày càng có nhiều trẻ nhỏ bị mù vì chơi với bút chiếu laser.

Annegret Dahlmann-Noor, chuyên gia tư vấn khoa nhãn nhi thuộc Bệnh viện Moorfield, Anh Quốc, cho biết: “Trẻ nhỏ khi chơi trò đấu kiếm ánh sáng thường rất phấn khích với ánh sáng phát ra từ tia laser và có thể nhìn chằm chằm vào chúng. Điều này khiến võng mạc trong mắt của trẻ bị tổn thương nghiêm trọng và không thể hồi phục được. Vì vậy, các bậc phụ huynh, giáo viên và trẻ nhỏ cần nhận thức được mối nguy hại tia laser gây ra với thị lực của trẻ.”

An toàn với các loại dây

Tại một gia đình ở Nottingham, nước Anh, người mẹ đang mải dọn nhà thì sực nhớ ra cô con gái 6 tuổi đang chơi một mình trên lầu. Thấy bên trên phòng con yên lặng bất thường, người mẹ lập tức chạy lên phòng kiểm tra. Bà thấy con gái mình đang mắc kẹt trong một mớ dây làm cô bé nghẹt thở. Quá bối rối và sợ hãi, người mẹ vẫn đủ lý trí để cứu con gái mình khỏi mớ dây hỗn độn, thực hiện hô hấp nhân tạo và hồi sức tim phổi cho cô bé, đồng thời gọi cứu thương khẩn cấp. Bé gái qua đời trên xe cứu thương. Điều tra cho thấy có thể đứa bé đang tự bày trò chơi khá khó khăn rồi phải vật lộn với đống dây đó, dẫn đến chúng bị rối lại và thắt cổ chính mình. Phán quyết cuối cùng của tòa án cho rằng không có sự xô xát hay cố ý gây thương tích nào. Đây đơn thuần là một tai nạn.

Trẻ đùa nghịch với các loại dây như dây mành cửa sổ, dây cột ba lô v.v. đều có thể gặp nguy hiểm, nhất là khi không có người lớn gần đó có thể bị tử vong do dây rối quấn quanh cổ mà trẻ không biết cách tháo ra.

Hiệp hội mành cửa sổ của Anh quốc khuyến cáo các gia đình chỉ nên lắp đặt loại mành cửa sổ không có dây, đặc biệt là trong phòng trẻ nhỏ. Nếu mành cửa sổ nhà bạn có dây, hãy tìm cách quấn chúng lên cao hơn tầm tay với của trẻ.

Một số lưu ý khác trong nhà

  • Khung chứa thực phẩm tươi trong tủ lạnh có nhiệt độ cao nhất khoảng 8 ºC.
  • Không để trẻ có thể tiếp cận ngăn nước đá trong tủ lạnh. Đã có một số tai nạn do liếm nước đá trong tủ lạnh khiến cho lưỡi bị dính chặt vào nước đá. Tai nạn khó tin nhưng vẫn xảy ra!
  • Nền nhà, nền đất nơi trẻ chơi đùa phải khô ráo. Ở nhiều vùng nông thôn Việt Nam, 100% trẻ bị giun bởi vì trứng giun sống lâu nơi ẩm ướt, gây nhiễm từ phân trẻ này qua trẻ khác.
  • Nếu nhà có cửa kính, dùng băng dán để dán ở vị trí ngang tầm mắt của trẻ. Có nhiều loại decal cho cửa kính, vừa ngăn chặn tai nạn vừa trang trí cho đẹp mắt.
  • Để xa tầm với của trẻ em tất cả các loại dược phẩm và vật dụng mà trẻ có thể cho vào mồm. Rất nhiều tai nạn xảy ra do trẻ đưa mọi thứ vào mồm, thường là đồng tiền, nhưng bất kỳ vật gì mà người lớn sơ ý để gần trẻ.
  • Đảm bảo quanh nhà không có vũng nước, lu chứa nước không có nắp đậy, vật dụng như lon, hộp, lốp xe… chứa nước mưa, nhằm ngăn chặn sự sinh sản của muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết và bệnh virút Zika. Trẻ em có sức đề kháng yếu đối với bệnh sốt xuất huyết, vì thế cần cảnh giác cao độ với bệnh này. Xem thêm:
    https://hellobacsi.com/benh/sot-xuat-huyet/
    http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/cac-loai-benh/benh-sot-xuat-huyet-co-5-dau-hieu-nay-phai-den-vien-ngay-387563.html

An toàn khi trượt patin, trượt ván, xe điện cân bằng

Child_patinCác bậc cha mẹ nên hướng dẫn và giám sát trẻ về một số quy tắc an toàn:

  • Luôn mang trang bị bảo hộ: nón bảo hiểm chuyên dụng, đệm đầu gối, tấm lót khuỷu tay và bảo vệ cổ tay khi trượt.
  • Sử dụng giày trượt, ván trượt hoặc xe điện cân bằng, đủ chắc chắn.
  • Chọn những nơi vắng người như bãi đậu xe trống, đường tại các khu vực dự án ít người ở… để tập luyện nhưng phải đảm bảo nơi tập không có ổ gà, vết nứt hay những trở ngại khác. Tuyệt đối không trượt, đi xe điện cân bằng trên vỉa hè và đường phố đông người qua lại.
  • Không bao giờ cố gắng tập ở những đoạn đường phức tạp cho đến khi trở thành một vận động viên thực sự.
  • Không đeo tai nghe khi trượt vì tai nghe khiến trẻ khó khăn để nghe các hoạt động xung quanh và phòng tránh tai nạn.
  • Luôn nhường đường cho người đi bộ, người đi xe đạp và bất cứ ai khác trên đường trượt.
  • Không bao giờ được bám tay vào xe máy, xe hơi khi đang trượt, kẻo có thể khiến trẻ gặp tai nạn nghiêm trọng.
  • Không trượt, đi xe điện cân bằng vào ban đêm hoặc lúc hoàng hôn vì khó nhìn thấy đường và người xung quanh.
  • Không trượt khi trời mưa vì đường trơn và tăng khả năng bị thương.
  • Tìm bạn đồng hành để chơi cùng để có thể giúp đỡ nhau trong trường hợp khẩn cấp, nhất là khi tập tại các khu vực ít người qua lại.

An toàn xe đẩy

Trong giai đoạn 1990-2010, khoảng 361.000 trẻ em tại Mỹ phải nhập viện cấp cứu khi được di chuyển bằng xe đẩy hay nôi xách tay, địu. Hơn 17.000 trẻ bị thương mỗi năm, nghĩa là tương đương khoảng 50 trẻ mỗi ngày hay 2 trẻ mỗi giờ.

Nhằm phòng chống tai nạn do xe đẩy:

  • Dùng xe phù hợp với tuổi bởi mức độ phát triển thể lực, cơ xương, tâm lý khác nhau nên trẻ ở mỗi giai đoạn, độ tuổi phải sử dụng loại xe riêng biệt. Thường xuyên kiểm tra độ an toàn của xe, trục trặc kỹ thuật, nếu là lần đầu dùng nhất thiết phải đọc hướng dẫn sử dụng.
  • Khi đã cho bé vào xe, phải thắt dây an toàn cho trẻ.
  • Tuyệt đối không để bé một mình trên xe đây, luôn phải có sự quan sát của người lớn khi cho trẻ ngồi xe.
  • Khi dừng lại, nên khóa an toàn cho xe để xe không tự trôi đi, rất nguy hiểm cho trẻ.
    Cất, treo đồ đạc đúng nơi quy định, để tránh xe mất cân bằng, bị lật, ngã.

Trẻ bị nhốt trong ô tô ngoài trời

Đã có khá nhiều tai nạn thương tâm vì trẻ bị nhốt, hoặc bị bỏ quên, một mình trong ô tô ngoài trời trong khi người lớn đi vắng khỏi xe một thời gian.

Vài ví dụ điển hình:

  • Một bé trai 3 tuổi ở Mỹ được tìm thấy tử vong trong xe hơi giữa trời nắng nóng khi bố mẹ tham dự một buổi lễ ở nhà thờ.
  • Một người mẹ ở Mỹ bị cảnh sát bắt giữ và đối mặt với tội danh gây nguy hiểm cho trẻ em khi để lại con gái mới một tuổi một mình bên trong ô tô trong bãi đậu xe của một trung tâm thương mại. Nhiệt độ ngoài trời là 28 độ C, trong khi nhiệt độ trong xe đã lên đến 40 độ C. May mắn em bé không có vấn đề nghiêm trọng nào về sức khỏe sau khi được đưa ra khỏi xe; tuy nhiên, da của bé đã ửng đỏ và chảy mồ hôi đầm đìa vì sức nóng bên trong xe. Khai báo với cảnh sát, bà mẹ cho biết đã cố ý để con của mình ngủ lại trong xe vì dự định chỉ vào trong trung tâm thương mại mua ít đồ và trở ra xe nhanh chóng. Bà cho biết chỉ rời khỏi xe khoảng 10 đến 15 phút.
  • Một bà mẹ người Mỹ gốc Hàn Quốc bị cảnh sát bắt giam và khởi tố với tội danh gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ khi nhốt con gái 2 tuổi trong ô tô đóng kín dưới trời nóng. Ít nhất 17 bang ở Mỹ cho phép người dân đập kính xe người khác để cứu trẻ em và thú nuôi.

An toàn chống đuối nước

child_baby bath seatỞ Mỹ, đuối nước là tai nạn đứng hàng đầu gây tử vong cho trẻ 1-4 tuổi. Trẻ có thể tử vong trong dăm bảy phân nước, trong chậu và bồn tắm ở nhà, thậm chí trong bồn cầu, nhưng phân nửa trường hợp là ở hồ tắm. Khoảng phân nửa số trẻ tử vong khi chỉ cách người lớn trong vòng 22 m, và 10% người lớn chứng kiến cảnh tượng nhưng không nhận ra có tai nạn đuối nước. Đó là vì dấu hiệu như trẻ khoác tay và kêu cầu cứu thường không diễn ra, trong khi đuối nước có thể gây tử vong trong vài phút.

Ngay cả ghế tắm cho trẻ (xem hình) vẫn không an toàn. Đừng để trẻ một mình với vật dụng này.

  • Ở Viện Công nghệ Châu Á (Asian Institute of Technology – AIT), Bangkok, có hồ tiểu cảnh đặt những bồn sen trong nước chỉ ngập khoảng 30 cm, tức chưa đến đầu gối người lớn. Một buổi tối, các bà mẹ ngồi trên băng ghế đá trò chuyện, con các bà chơi xung quanh. Một đứa trẻ 4-5 tuổi đi vào hồ nước chơi đùa, nước không lên đến đũng quần cậu. Các bà mẹ hẳn thấy không đáng lo, thế nên để mặc đứa trẻ nghịch trong nước mà không trông nom gì cả. Một lúc sau, họ mới thấy đứa trẻ nằm chết trong hồ. Có lẽ đứa trẻ trượt chân, ngã xuống, đầu đập vào thành hồ bất tỉnh mà không kêu được tiếng nào, rồi nước đi vào phổi.
  • Ở Gia Lai, một bé gái ngã vào xô nước dẫn đến tử vong. Xô chỉ cao khoảng 60 cm, mực nước trong xô chỉ cao khoảng 20 cm. Lúc đó không có người lớn kế bên, bé tự mình đi vào nhà tắm, cúi xuống xô nước để rửa tay hay rửa mặt (bắt chước người lớn) rồi bị ngã lộn nhào vào trong xô. Bé mới 21 tháng tuổi, không biết cách tự đứng dậy nên cuối cùng bị ngạt nước.
  • Ở Bang Queensland, nước Úc, một bà mẹ đang chuẩn bị tắm cho cậu con trai 9 tháng tuổi thì chợt nhớ ra mình có việc bận. Vì vậy, bà đặt bé vào bồn tắm rồi nhờ cậu con trai 10 tuổi trông hộ em. Chỉ một lúc sau, cậu con trai lớn đã bỏ em một mình trong nhà tắm để chạy đi chơi cùng với những đứa trẻ khác. Tuy nhiên, bà mẹ không hề biết chuyện đó. Mãi cho đến khi cậu bé 10 tuổi trở về nhà, người mẹ mới nhận ra là không có ai trông em bé cả. Người ta tin rằng em bé đã bị trượt khỏi ghế tắm của mình và bị úp mặt vào nước khi không có ai bên cạnh. Bà mẹ bị kết án 12 tháng tù vì tội ngộ sát.

Tóm lại, tử vong do đuối nước có thể xảy ra thậm chí ở vùng nước nông mà người ta không ngờ tai nạn lại xảy ra. Người lớn cần trông nom kế bên từng phút một khi trẻ chơi đùa trong nước.

An toàn cho trẻ khi tắm biển

  • Da của trẻ còn non nên dễ bị tổn thương do ánh nắng hơn người lớn. Ngay cả khi trời râm, tia cực tím có thể còn mạnh và gây tác hại nếu thiếu phòng chống. Cần thoa da cho trẻ kem chống nắng và tia UV, cho trẻ mang kính chống tia UV. Nên cẩn trọng với hàng dỏm: kính râm làm cho đồng tử mắt mở rộng, nếu kính không thể chống tia UV thì càng nguy hại hơn là khi không mang kính râm.
  • Tìm hiểu thông tin về bãi biển trước khi cho trẻ tắm bằng cách hỏi người địa phương về dòng chảy xa bờ, động vật nguy hiểm như sứa, cầu…
  • Chỉ cho trẻ tắm tại các bãi biển có đội cứu hộ và tắm trong khu vực bơi được chỉ định.
  • Luôn cho trẻ mặc áo phao. Còn phao thì vẫn có vấn đề an toàn khi phao vuột khỏi tay trẻ.
  • Kiểm tra độ sâu và chướng ngại vật trước khi cho trẻ bước chân xuống nước
  • Luôn bơi cùng trẻ và bơi không quá xa bờ 5-7m.
  • Không nên để trẻ tắm biển quá 2 tiếng liên tiếp, để tránh trẻ bị nhiễm lạnh.
  • Không nên tắm biển vào thời điểm từ 11h trưa đến 3h chiều.
  • Nên thường xuyên chú ý đến trẻ em vì ngay cả trong nước cạn, sóng cũng có thể đánh úp khiến trẻ chới với.
  • Cần thận trọng khi cho trẻ tắm biển trong thời tiết xấu, sóng lớn; tắm ở vùng biển hoang vắng; tắm gần các bến bãi tàu bè, mỏm đá, cọc đóng trên biển…

Trẻ không được tắm biển nếu mắc bệnh:

  • Viêm phế quản
  • Hen suyễn
  • Lao phổi
  • Viêm tai giữa
  • Viêm thận
  • Các bệnh tim mạch…

Ngoài ra, cần cho trẻ lập tức lên bờ nếu trẻ cảm thấy lạnh người, mệt mỏi đột ngột, nhức đầu hoặc đau nhức sau gáy, chuột rút, ngứa ngáy cơ thể, rối loạn thị giác, đau khuỷu tay và đầu gối, có dấu hiệu bị trướng bụng…

Dòng nước xa bờ: Nguy hiểm tiềm ẩn

Chỉ riêng ở New Jersey và Delaware, trong thời khoảng 1988-2016 có 39 người tử vong và 88 người bị thương tổn do dòng nước xa bờ (tiếng Anh: rip current). Những khoảng nước lặng, hầu như không có sóng ở giữa 2 vùng có sóng đánh vào bờ thì đó là nơi có dòng nước xa bờ. Dòng nước này chảy từ bãi biển hướng ra khơi biển và cuốn mọi thứ xa khỏi bờ. Vận tốc trung bình dòng chảy xa bờ có thể thay đổi từ 0,5 m đến 1m/giây, có khi lên đến 2,5 m/giây, nhanh hơn cả vận tốc bơi của một vận động viên Olympic. Đây là nguyên nhân của khoảng 80% các vụ cấp cứu nạn nhân tắm biển.

Đặc điểm của dòng nước xa bờ:

  • Có màu sậm hơn vì nơi đó nước sâu hơn.
  • Có mặt nước lặng hơn, thường có sóng nhỏ hơn.
  • Đôi khi có thể thấy các mảnh vỡ/bọt nước nổi trên mặt dòng chảy xa bờ và trôi ra biển.
  • Dòng chảy xa bờ thường hẹp, nằm giữa hai con sóng, có chiều ngang từ 1-3 m, thậm chí lên tới cả chục mét.

Child_rip current

Khi không may bị cuốn vào dòng chảy xa bờ, ngay cả người lớn không thể bơi được vào bờ, nếu cố bơi ngược lại sẽ bị đuối sức và có thể bị đuối nước. Cha mẹ hãy tự nhắc mình và nhắc trẻ:

  • Dạy cho trẻ nhận định dòng chảy xa bờ mà tránh xa.
  • Luôn bơi gần nhân viên cứu hộ.
  • Nếu không may bị nước cuốn hãy giơ tay vẫy và la lớn để nhờ người trợ giúp.
  • Nếu trẻ biết bơi, dạy trẻ đừng hoảng hốt, hãy bơi song song với bờ biển để thoát ra khỏi dòng chảy xa bờ rồi các con sóng sẽ đưa dạt vào bờ.
  • Nếu người lớn muốn cứu một ai đó bị dòng chảy xa bờ cuốn, tốt nhất nên ném các vật nổi để người đó bám vào chứ không nên nhảy xuống vì bạn cũng có thể bị cuốn ra xa.

An toàn ở thang cuốn, thang máy

Hãy xem clip dưới đây trình bày một số tai nạn của trẻ ở thang cuốn:
https://www.youtube.com/watch?v=ft0TaqT6ci8

Hoặc sự cố ở thang máy:
https://www.youtube.com/watch?v=jHpqMn4y5K8

Tai nạn thang cuốn điển hình

  • Đây là vụ tai nạn cướp đi mạng sống của một bé gái 3 tuổi tại một trung tâm thương mại ở Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Video cho thấy bé chơi ở thang cuốn suốt 13 phút mà không được người lớn giám sát. Sau đó, bé bám vào tay vịn của thang cuốn, bị tay vịn đưa lên cao và ngã xuống khoảng không bên dưới, bị tử vong.
  • Ở Sân bay Tân Sơn Nhất, hai mẹ con đã làm thủ tục chuyến bay và vào phòng chờ đợi chuyến bay. Trong thời gian chờ, bé 17 tháng tuổi tự chạy đi chơi. Khi nhiều người nghe tiếng kêu và chạy đến thì thấy bé ngã xuống thang cuốn cảm ứng tự động, bị kẹp cổ tay phải. Ngón tay út của bé bị hoại tử, bác sĩ phải phẫu thuật cắt bỏ, ngón áp út chỉ còn một nửa do bị thang cuốn kẹp dập nát tế bào.

Thật ra, người lớn cũng có thể bị tai nạn ở thang cuốn, thang máy do trang phục dài phất phơ, hoặc do sơ ý để dép mềm bị kẹt trong khe hở, do vấp ngã…

Hình: thêm chỉ dẫn an toàn khi dùng thang cuốn. Ba điều nên:
1.  dặn dò trẻ vịn tay vịn
2.  người lớn nắm tay trẻ
3.  nhận biết nút dừng khẩn cấp để khi cần thiết dừng thang cuốn cho nhanh.

child_escalator safetySáu điều không nên:
1.  đứng ở chân thang cuốn khiến chân có thể bị cuốn vào khe hở
2.  dùng điện thoại di động
3.  dùng xe đẩy, nên dùng thang máy thay vì thang cuốn
4.  chơi đùa, tựa người vào tay vịn
5.  bước lên rìa bên của bậc thang, dép mềm có thể bị cuốn vào khe hở
6.  bước lên rìa ngoài của bậc thang, có thể bị mất thăng bằng.

An toàn ở băng chuyền hành lý

Người viết đã thấy một số trường hợp trẻ em đùa nghịch gần băng chuyền hành lý ở sân bay mà không thấy người lớn can thiệp, dạy bảo. Có một số trường hợp tai nạn cho trẻ em do băng chuyền hành lý gây ra, như vài ví dụ dưới đây.

Ảnh: khi thấy vạch giới hạn hoặc hình cảnh báo, hay giảng giải ý nghĩa cho trẻ hiểu. Trẻ sẽ nhớ lâu.

child_baggage carouselĐể ngăn chặn tai nạn cho trẻ ở thang cuốn, thang máy, băng chuyền hành lý:

  • Dặn dò trẻ không chơi đùa và cũng không nghịch phá gì cả ở thang cuốn, thang máy, băng chuyền hành lý cho dù khi hệ thống không chuyển động.
  • Để ý tà áo phất phơ, dây cột giày lòng thòng… có thể bị cuốn vào bộ phận chuyển động
  • Ngón tay nhỏ bé của trẻ có thể bị kẹt trong khe hở.
  • Người lớn cần nắm tay trẻ mọi lúc khi dùng thang cuốn, thang máy và ở gần băng chuyền hành lý, và cũng để ý tránh chân tay trẻ đưa vào khe hở.

Một số lưu ý khác khi đi ra ngoài nhà

  • Không bao giờ để trẻ tiếp cận bất kỳ con thú nào. Một con thú bình thường hiền lành có thể trở nên hung dữ do sự đùa nghịch của trẻ, thậm chí do cử chỉ âu yếm không đúng cách. Nếu trẻ bị một loài thú có vú cắn phải thì rất phiền phức do phải ngăn ngừa bệnh dại.
  • Dè chừng những miệng hố, miệng giếng cho dù kích thước nhỏ. Một miệng giếng có đường kính chỉ 2 tấc (bằng một gang tay người lớn) nên không ai ngờ một bé gái 18 tháng có thể lọt xuống, đến độ sâu 6,7 m dưới mặt đất. Đó là trường hợp nổi tiếng toàn nước Mỹ do công tác cứu hộ phức tạp và tốn kém đối với bé Jessica McClure. Không thể đưa bé lên trực tiếp từ giếng bởi vì lòng giếng quá nhỏ. Cần khoan một giếng song song kế bên rồi khoan ngang đến vị trí của bé để một người xuống đưa bé lên. Công tác khoan gặp trở ngại do nền đá cứng, cần đến thiết bị khoan chuyên dụng và đội ngũ có kinh nghiệm chuyên sâu như của ngành hầm mỏ. Một kỹ sư hầm mỏ tình nguyện chỉ đạo đội ngũ. Bé được cứu sống 58 tiếng đồng hồ sau, nhưng bị cắt mất một ngón chân do hoại tử và sau đó trải qua 15 cuộc giải phẫu khác. Xem:
    https://en.wikipedia.org/wiki/Jessica_McClure

Hình: cảnh phim minh họa lúc cảnh sát mới đến, cùng người mẹ nhìn xuống bé Jessica bị lọt xuống giếng đường kính 2 tấc.

child_jessica

  • Dè chừng côn trùng độc như rết, kiến lửa, kiến vàng… Nọc độc của côn trùng có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho trẻ nhỏ vốn có da mỏng và hệ đề kháng còn yếu.

Thêm một số tai nạn gây suy nghĩ

  • Một bà mẹ ở Hạt Somerset, Anh quốc, trải qua khoảnh khắc đau đớn vì chỉ trong tích tắc, ngón tay của đứa con trai 16 tháng của bà bị kẹt trong ống hút của máy hút bụi khiến một phần bàn tay bị bỏng nặng. Bà cho biết mỗi lần dùng máy hút bụi, cậu bé đi theo. Hôm đó, bà đã tắt máy hút bụi và đang đi rút phích cắm ra khỏi ổ điện thì cậu bé bật được máy lên, và ngón tay cái bị mắc kẹt bên trong phần có chổi quay. Bà mẹ cho biết rất hối hận về việc đã thường xuyên để con trai chạy theo chơi bên chiếc máy hút bụi. Bà chia sẻ: “Tôi vẫn để mắt tới đứa con nhưng tôi vẫn không tin rằng chỉ trong vài giây lơ là thôi mà thằng bé lại bỏng nặng như vậy”. Bà hy vọng các bậc phụ huynh hãy để các thiết bị nguy hiểm xa tầm tay con trẻ.
  • Trong một căn hộ ở New Delhi, Ấn Độ, một cặp bé trai song sinh 3 tuổi chẳng may ngã vào máy giặt và chết đuối vì người mẹ chủ quan. Bà mẹ kể lại rằng chị để hai con chơi gần phòng tắm, nơi đặt chiếc máy giặt. Sau khi ôm đống áo quần dơ để cạnh máy giặt và khởi động để máy giặt bơm nước, chị đi ra ngoài để mua bột giặt tại một tiệm tạp hóa. Chỉ trong vòng 6 phút, chị trở về nhưng không thấy bọn trẻ ở đâu cả. Hai vợ chồng kiểm tra máy giặt và phát hiện cả hai đứa con đang trong tư thế đầu chúi xuống nước trong lồng giặt. Máy giặt có lượng nước khoảng 12-15 lít. Hai đứa trẻ có thể đã trèo lên chiếc thùng đặt bên ngoài máy giặt và tò mò nhìn vào lồng giặt. Chiếc thùng có thể đã bị trượt, khiến cả hai lộn đầu vào lồng giặt.
  • Trong khi lắp đặt máy giặt mới, hai vợ chồng ở Bang Colorado, Hoa Kỳ, liên tục nhắc nhở các con không được đến gần nó. Nhưng sự việc đau lòng xảy ra ngay sau đó. Khi còn chưa kịp sử dụng thì cô con gái 3 tuổi đã bò vào trong máy giặt, đóng cửa lại và bắt đầu la hét khủng khiếp khi máy giặt hoạt động. Bà mẹ chia sẻ: “Thật tình tôi đã không nhận ra được sự nguy hiểm của chiếc máy giặt này với các con. Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên trước sự nghịch ngợm này của trẻ em, nó có thể khiến chúng tử vong nếu không được phát hiện kịp thời. Máy giặt cửa trước hoàn toàn không được khuyến khích sử dụng“.
  • Một người cha ở Thái Lan cho axít vào một chai thuốc nhỏ mắt cũ rồi để vương vãi. Khi đứa con nhỏ kêu đau mắt, người mẹ lấy chai axít để nhỏ vào một mắt của bé. Khi bé kêu khóc, người mẹ cố đè đứa bé xuống để nhỏ tiếp vào mắt bên kia. Tai nạn tưởng chừng khủng khiếp nhưng đứa trẻ được cứu cấp kịp thời mà không bị mù, một phần do axít đã được pha loãng.
  • Hai mẹ con cùng tự tay làm món trà sữa trân châu rồi cùng thưởng thức thành quả. Một hạt trân châu kẹt trong ống hút nên bé (11 tuổi) hút mạnh. Hạt trân châu bay thẳng vào cuống họng của bé làm tắt đường thở, bé không thể hít vào hay thở ra. Người mẹ (bác sĩ chuyên khoa 2 về hô hấp) không thể sơ cứu thành công. Khi được đưa đến bệnh viện thì bé tử vong. Thật ra tai nạn như thế không phải là hiếm. Các bệnh viện Nhi Trung ương, Bạch Mai, Nhi đồng 1… cũng từng tiếp nhận trường hợp trẻ hóc thức ăn kể cả hột trân châu. Vấn đề ở chỗ dùng ống hút mạnh sẽ làm lọt thức ăn vào thanh quản. Cũng phải cẩn trọng với các loại thức ăn dạng hạt làm từ bột: chè trôi nước, rau câu, thạch dừa… Nên cho trẻ ăn bằng muỗng, không cho dùng ống hút.
  • Một phụ nữ lái xe đạp điện đưa con trai hơn 1 tuổi và con gái 7 tuổi đi mua đồ ăn sáng. Khi dừng lại ở cửa hàng, cô không tắt máy mà để con trai nhỏ đứng ngay ở phần để chân trên xe. Khi cô đang thanh toán tiền thì chiếc xe bị oải chân chống nên nghiêng khiến cậu bé đứng trên xe theo phản xạ nắm chặt lấy tay lái, lại đúng là tay ga khiến chiếc xe vọt lên đâm thẳng vào chảo dầu nóng của cửa hàng đặt ngay phía trước. Dầu sôi có sức nóng khủng khiếp lại dội vào làn da non nớt của đứa trẻ mới hơn 1 tuổi. Cậu bé bị bỏng nặng, nhưng được cứu sống. Đây là bài học dành cho các bậc phụ huynh khi đi xe tay ga hoặc xe đạp điện, với thói quen là chỉ dừng một lát rồi lại đi nên nhiều người coi thường, không tắt máy và rút chìa khóa. Nếu có trẻ nhỏ ngồi trên xe hoặc có người nào đó đi ngang qua quệt vào thì không ai lường trước được hậu quả.

Những nguyên tắc đúc kết

  • Tùy độ tuổi của trẻ và tùy đề tài, phân tích cho trẻ hiểu về các nguy cơ tiềm ẩn. Có thể kể cho trẻ nghe những mẩu truyện về tai nạn thực tế đã xảy ra. Tuy nhiên, phải dè chừng: bé quá ham chơi quên mất lời dặn dò!
  • Cảnh báo tất cả những người lớn khác chịu trách nhiệm chăm sóc trẻ: Người giúp việc, người trông trẻ: phải đặc biệt coi trọng các quy tắc an toàn khi sống ở nhà cao tầng. Trong những vụ tai nạn kể trên, ngoài trường hợp trẻ ở một mình trong nhà, phần lớn các trường hợp còn lại, trẻ ở người chăm sóc không phải là cha/mẹ mình.
  • Giữ bình tĩnh, không nên hoảng loạn khi gặp sự cố. Việc tham gia các khóa huấn luyện giữ an toàn cho trẻ là cần thiết đối với các bậc cha mẹ. Nhưng việc thực hành, luyện tập để giữ kỹ năng thuần thục cũng quan trọng không kém. Cha mẹ cần chuẩn bị tốt cả về mặt tinh thần. Việc giữ bình tĩnh sẽ giúp cha mẹ xử lý tình huống một cách nhanh chóng và đúng cách.

Nguồn tham khảo thêm

Kết luận

Khi nêu ra những nguyên tắc an toàn như trên thì nhiều người nghĩ đó là hiển nhiên. Vấn đề là chỉ trong một khoảnh khắc sơ ý, tai nạn có thể xảy ra. Những sự việc nêu trên chỉ là một số ví dụ điển hình.

Cần xác tín một điều: bạn có thể ngăn chặn tai nạn. Thỉnh thoảng đi một vòng trong nhà kiểm tra tình trạng an toàn. Vật dụng có thể thay đổi, nội thất có thể thay đổi, an toàn do đó có thể xuống cấp.

Khi đối diện với hiểm nguy tàng ẩn: cơ khí di động như thang cuốn, vùng nước tuy nông trong bể bơi… cần nhớ luôn luôn kề cận trẻ, thậm chí nắm lấy tay trẻ nhỏ. Luôn nhắc nhở và răn dạy trẻ biết cách tự bảo vệ.

Diệp Minh Tâm

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *