Cập nhật: 26-8-2020
Chữ viết tắt
CDC Center for Disease Control and Prevention – Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (ở Mỹ, Trung Quốc, Việt Nam v.v.)
ERC European Research Council – Hội đồng Nghiên cứu Châu Âu
FDA Food and Drug Administration, U.S.A. – Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ
ICU intensive care unit (khu chăm sóc tích cực)
NCIRD National Center for Immunization and Respiratory Diseases, U.S.A. – Trung tâm Quốc gia Miễn dịch và Bệnh Hô hấp Hoa Kỳ
NEA National Environment Agency, Singapore – Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore (một số quốc gia cũng có cơ quan mang tên NEA)
NIAID National Institute of Allergy and Infectious Diseases, U.S.A. – Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ
NIH National Institutes of Health, U.S.A. – Các Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ
UNICEF United Nations International Children’s Emergency Fund – Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc
WHO World Health Organization – Tổ chức Y tế Thế giới
Tóm tắt những điểm chính yếu
Bệnh lây cực kỳ nhanh, không những qua việc ho và hắt hơi, mà còn qua trò chuyện thông thường và hơi thở. Có nghĩa là bệnh có thể lây qua giao tế thông thường.
Bệnh lây chủ yếu qua những giọt dịch mang virus bắn ra trong vòng 2 mét, và cũng có thể qua những giọt li ti lan đi xa hơn.
Virus gây bệnh khi nhiễm vào mắt, mũi, miệng.
Phân người bệnh có thể chứa virus, nên không loại trừ lây nhiễm qua đường phân.
Một số lớn người bệnh không có triệu chứng nhưng vẫn có thể lây bệnh cho người khác.
Trẻ em ít bị nhiễm hơn người lớn, nếu bị thì thường bị nhẹ, khó nhận ra, nhưng vẫn lây cho người khác.
Không có vaccine để phòng bệnh; không có thuốc chữa trị; chỉ hành vi phù hợp mới có thể giúp phòng chống bệnh.
Rửa tay thường xuyên và đúng cách là một trong những biện pháp phòng chống hữu hiệu nhất.
Một số cách phòng chống khác là giữ thân người ấm, giữ nhà cửa vệ sinh và ngăn nắp, tạo sự thoáng khí, tránh chạy máy điều hòa không khí, không hút thuốc, có dinh dưỡng hợp lý, thường xuyên làm sạch những bề mặt dễ dính virus, người sống nơi có bệnh cúm nên được chủng vaccine phòng cúm, và giữ tinh thần nhẹ nhàng, thoải mái.
Sao nhiều tranh cãi, bây giờ có thể xác định việc đeo khẩu trang nơi công cộng có hiệu quả phòng chống, nhưng phải kết hợp với những biện pháp trên. Phải đeo khẩu trang đúng cách; không chủ quan nghĩ rằng chỉ cần có khẩu trang là ngăn chặn được dịch bệnh.
Cần triệt để thực hiện mọi nguyên tắc bảo vệ, bởi vì một sơ suất nhỏ trong một khoảnh khắc có thể khiến cho người khỏe bị nhiễm từ người bệnh, hoặc người bệnh không có triệu chứng có thể lây cho người khỏe.
Dẫn nhập
Tài liệu này nhằm đưa đến hiểu biết cơ bản cho việc phòng chống bệnh Covid-19, dựa trên những nguồn được xem là đáng tin cậy từ giới truyền thông cũng như giới học thuật. Vì lẽ nội dung chính liên quan đến phòng chống, tài liệu không đi vào chi tiết nội dung ở các mặt khác.
Bạn cần đọc kỹ tài liệu này, kể cả đọc giữa những hàng chữ, để từ đó suy luận mà định ra những biện pháp phòng chống cho cá nhân, gia đình và cộng đồng.
Tài liệu dành cho người không cần có kiến thức chuyên môn, tuy nhiên giới chuyên môn cũng có thể xem qua như là bước đầu trước khi tham khảo thêm sách báo khoa học mà người tổng hợp bài này không có điều kiện tiếp cận đầy đủ.
Tài liệu này được cập nhật tùy tầm quan trọng của thông tin mới nhất. Phần hiệu đính và bổ sung so với phiên bản trước có font chữ màu lam.
Tổng quát
Coronaviruses
Coronaviruses là một nhóm lớn chủng virus mà một số gây bệnh cho người và động vật. Hai chủng virus quan trọng và có liên quan từng gây dịch bệnh cho người là:
- MERS (Middle East respiratory syndrome – Hội chứng hô hấp Trung Đông)
- SARS (Severe acute respiratory syndrome – Hội chứng hô hấp cấp tính nặng)
SARS-CoV-2 và Covid-19
SARS-CoV-2 là chủng virus gây bệnh Covid-19; cả hai thuật ngữ do WHO đặt ra. Tương tự như cách đặt tên tác nhân HIV gây AIDS.
Hình dưới đây cho thấy SARS-CoV-2 (màu tím) xuất hiện từ bề mặt tế bào người bệnh.

Nguồn gốc SARS-CoV-2
Viện Nghiên cứu Scripps được NIH, ERC cùng một số tổ chức khác tài trợ để nghiên cứu nguồn gốc SARS-CoV-2. Phân tích chuỗi gien của SARS-CoV-2 và của những virus có liên quan không thấy có chứng cứ virus này được tạo ra trong một phòng thí nghiệm hoặc được cấu trúc (engineered) theo cách nào khác. Kết luận: SARS-CoV-2 có nguồn gốc thiên nhiên (Andersen et al., 2020; Kim Thoa, 2020a).
Vào tháng 12-2019, trong số 41 bệnh nhân Covid-19 đầu tiên nhập viện, 27 người (66%) có lịch sử đi qua khu chợ hải sản nằm giữa trung tâm Vũ Hán. Nhưng một nghiên cứu ở Bệnh viện Vũ Hán cho biết chính người bệnh đầu tiên đã không đi qua khu chợ đó (Chaolin Huang et al., 2020).
Hiện vẫn còn có nghi vấn chưa có giải đáp về loài động vật nào lan truyền SARS-CoV-2: một con dơi, một con tê tê, hay loài khác? (Hassanin, 2020)
Nghiên cứu ở Los Alamos National Laboratory cho thấy chủng virus xuất hiện ở Vũ Hán đã đột biến. Chủng virus mới dường như có tính lây nhiễm mạnh hơn, bắt đầu lan ở Châu Âu vào đầu tháng 2-2020 trước khi lan qua các nước khác kể cả Mỹ và Canada, rồi trở thành chủng chiếm ưu thế toàn cầu vào cuối tháng 3-2020. Nếu vào mùa hè coronavirus không giảm đi, nó có thể đột biến lần nữa, khiến cho việc nghiên cứu vaccine gặp khó khăn. (Lovelace, 2020)
Nguồn gốc bệnh Covid-19
Ca bệnh đầu tiên ở Trung Quốc được phát hiện ngày 17-11-2019, nhiều tuần lễ trước khi chính quyền Trung Quốc nhìn nhận một chủng virus mới (Davidson, 2020; Josephine Ma, 2020). Trong khoảng một tháng sau ca trên, mỗi ngày chỉ có 1-5 ca mới. Đến ngày 20-12-2019, có 60 ca được xác nhận.
Ca đầu tiên ở Việt Nam đến từ Vũ Hán ngày 14-1-2020, phát bệnh ba ngày sau, và bốn ngày sau nữa lây cho con trai. Bài báo trên tạp chí The New England Journal of Medicine nêu quan ngại về việc lây từ người sang người (Lan T. Phan et al., 2020).
Ngày 20-1-2020, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc xác nhận bệnh có thể lây từ người sang người, và nhân viên y tế đã bị lây bệnh (Geraghty, 2020).
Ngày 20-1-2020, một người đàn ông ở bang Washington, sau khi ghé thăm gia đình ở Vũ Hán, trở thành bệnh nhân đầu tiên ở Mỹ dương tính. Cùng ngày, ca đầu tiên cũng được ghi nhận tại Hàn Quốc. (Kiều Anh, 2020)
Ngày 11-3-2020, WHO đánh giá Covid-19 là đại dịch (WHO 08-4-2020).
Trong khi trường hợp tử vong đầu tiên ở nước Mỹ được ghi nhận ngày 29-2-2020, giới chức Hạt Santa Clara, Bang California, khán nghiệm tử thi cho thấy một cư dân ở đây chết vì bệnh Covid-19 vào ngày 6-2-2020. Người này – và một người tử vong ngày 17-2 – đều không có tiền sử đi ra nước ngoài, vì thế được cho là bị lây nhiễm trong cộng đồng. Giới chức y tế Hạt Santa Clara cho rằng có lẽ virus đã lây lan ở California từ lúc sớm hơn là người ta vẫn nghĩ. (Fuller & Baker, 2020; Hanna, et al., 2020).
Một nghiên cứu của các nhà khoa học Pháp cho thấy một người đàn ông đã nhiễm virus gây bệnh Covid-19 sớm nhất là vào ngày 27-12-2019, gần một tháng trước khi Pháp xác nhận các trường hợp đầu tiên (TTXVN, 06-5-2020).
Sự lây nhiễm
Tốc độ và quy mô lây nhiễm
SARS-CoV-2 lây cực kỳ nhanh, nhanh hơn nhiều so với các chủng Coronavirus trước kia, và đây có lẽ là bất ngờ lớn nhất của Covid-19 thậm chí đối với giới chuyên môn. Một số ví dụ:
- Chỉ cần đứng kế bên người bị nhiễm trong 15 giây, cả hai không đeo khẩu trang, vẫn có lây nhiễm. Người bị lây chỉ hoạt động quanh nơi sinh sống như chợ rau, siêu thị và cửa hàng. (Hướng Dương, 2020; Mail Online, 2020; Phương An, 2020)
- Một nhân viên lễ tân làm thủ tục nhận phòng cho khách không có triệu chứng. Sau đó khách phát triệu chứng, nhân viên lễ tân bị nhiễm theo (D.Thanh et al., 2020).
- Một nhân viên siêu thị điện máy bình thường đeo khẩu trang, nhưng khi tiếp khách không có triệu chứng trong 10 phút thì kéo khẩu trang xuống, cuối cùng bị lây nhiễm (Hà Nam, 2020).
- Một nữ sinh Hàn Quốc “vô cùng khỏe mạnh” kể lại: Chỉ 10 phút cởi bỏ khẩu trang vì muốn giữ lịch sự khi nói chuyện với người lớn tuổi hơn, cô bị lây nhiễm Covid-19 từ người bệnh (Imacho, 2020).
Hình dưới đây cho thấy quy mô lây nhiễm rộng rãi từ một quán bar ở Tp HCM với ca đầu tiên được phát hiện ngày 19-3 nhưng không rõ ai là “bệnh nhân zero” của ổ dịch này.

Biểu đồ dưới đây (số liệu Worldometers.info) chỉ diễn tiến tăng theo cấp số nhân của cơn dịch. Thế giới mất hơn 4 tháng mới có 1 triệu ca đầu tiên, 12 ngày kế tiếp có thêm 1 triệu ca. Ngày 20-5-2020, thế giới vượt mốc 5 triệu ca chỉ sau khoảng nửa năm bệnh xuất hiện. Tổng số ca toàn cầu vượt mức 20 triệu vào ngày 09-8, một dấu mốc quan trọng cho thấy đại dịch Covid-19 đang gia tăng với tốc độ chóng mặt. Con số tăng nhanh đến mức chỉ trong vòng 3 ngày, từ 20-7-2020 đến 23-7-2020, có thêm 1 triệu ca bệnh. Đó là trong tình trạng thống kê không đầy đủ.


Tỷ lệ tử vong cũng tăng theo thời gian. Thế giới mất hơn 3 tháng mới có 10.000 tử vong đầu tiên, 6 ngày kế tiếp có thêm 10.000 tử vong, và đến ngày 19-4 chỉ sau 2 ngày có hơn 10.000 tử vong.
Nói chung toàn cầu và ở Mỹ, từ đầu tháng 7-2020 số ca vẫn tăng mạnh nhưng số tử vong tăng nhẹ hơn.
Ghi chú: Nhiều nguồn cho rằng các thống kê về số ca và số tử vong ở nhiều nước thấp hơn so với thực tế, do thiếu sót trong việc báo cáo ca bệnh, và/hoặc do báo cáo nguyên nhân khác đối với một số tử vong vì Covid-19. Một số ví dụ:
- Trung Quốc thông báo bắt đầu từ ngày 01-4-2020, sẽ gộp các ca không có triệu chứng vào thống kê chính thức, tức thầm công nhận trước ngày đó, số liệu ca dưới mức thực tế (Moore, 2020).
- Một bác sĩ ở Brazil cảnh báo việc số liệu thấp hơn thực tế (Phillips, 2020).
- Một nghiên cứu cho thấy số ca ở Rumani thấp hơn một phần năm số người có triệu chứng (Romania Insider, 2020).
- Số tử vong ở Ý được cho là cao hơn nhiều so với số báo cáo (Stancati & Eric Sylvers, 2020).
- Khoảng 1.100 ca ở Tỉnh Ontario, Canada, không được báo cáo, có thể là những người không có triệu chứng hoặc không được xét nghiệm (Allen, 2020).
- Báo cáo cho biết các con số tử vong ở Mỹ cao hơn thống kê chính thức (PressTV, 06-4-2020; Abdelmalek, 2020).
- Ngày 18-7, Tổng thống Iran công bố 25 triệu người đã mắc Covid-19, cao gấp 92 lần con số chính thức được công bố từ trước đến nay (Bảo Duy, 2020).
Trong công trình đăng trên tạp chí Emerging Infectious Diseases, các nhà nghiên cứu của Phòng Thí nghiệm Quốc gia Los Alamos (New Mexico, Mỹ) tính ra một bệnh nhân Covid-19 ở Vũ Hán trung bình lây cho 5,7 người khác, so với ước tính ban đầu là 2,2 người, lúc số liệu chưa đầy đủ. Các nhà nghiên cứu Mỹ cũng tính ra số người mắc bệnh có thể tăng gấp đôi chỉ trong vòng 2,3-3,3 ngày, thay vì trong 6-7 ngày như tính toán trước kia. (Ho, 2020).
Một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nature Medicine cho biết sự lây lan lên mạnh nhất vào giai đoạn ngay trước khi có triệu chứng và vừa bắt đầu có triệu chứng (Xi He et al., 2020).
Lây khi không có triệu chứng
Ba trường hợp cuối nêu trên là sự lây nhiễm từ người không có triệu chứng – một vấn nạn ngày càng có ý nghĩa quan trọng.
Từ khá lâu, nhiều nguồn khác xác nhận việc người bệnh không có triệu chứng vẫn lây cho người khỏe mạnh. (Australian Department of Health, no date; BBC.COM, 26-Jan-2020; Phúc Long, 2020)
Ở Việt Nam, tính đến ngày 28-3-2020 hơn 60% bệnh nhân không có triệu chứng (Chí Hiếu, 2020).
Theo Bình Giang (2020),
“Có bằng chứng đủ vững chắc cho thấy đa số các ca lây nhiễm, kể cả ở Trung Quốc, xảy ra ngay từ giai đoạn trước khi có triệu chứng hoặc từ người không có triệu chứng”, GS Babak Javid, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại ĐH Thanh Hoa ở Bắc Kinh, nói.
Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học tìm ra rằng các ca nhiễm không được phát hiện vì chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, là nguồn gốc gây ra tình trạng số lượng bệnh nhân Covid-19 tăng vọt ở Trung Quốc.
Dựa trên mô hình máy tính, nghiên cứu đăng trên tạp chí Science nói rằng có đến 86% số ca nhiễm ở Trung Quốc không được phát hiện trong vài tuần trước khi tâm dịch Vũ Hán bị phong tỏa hôm 23/1. Những ca bệnh không được thống kê chiếm đến một nửa số ca được thống kê.
Ngày 31/3, nhà vi trùng học công tác tại Vũ Hán, TS Yang Zhanqiu nói với Thời báo Hoàn cầu rằng có tới 200.000 người mang bệnh thầm lặng ở Trung Quốc. Những người này có hệ miễn dịch tốt hoặc bị nhiễm virus yếu, những vẫn có thể truyền mầm bệnh cho người khác trong giai đoạn đầu.
Ngày 31/3, nhà vi trùng học công tác tại Vũ Hán, TS Yang Zhanqiu nói rằng có tới 200.000 người mang bệnh thầm lặng ở Trung Quốc. Những người này có hệ miễn dịch tốt hoặc bị nhiễm virus yếu, những vẫn có thể truyền mầm bệnh cho người khác trong giai đoạn đầu. (Bình Giang, 2020)
Giám đốc CDC-Mỹ, Robert Redfield, ước tính có tới 25% số người nhiễm SARS-CoV-2 không có triệu chứng. Còn dữ liệu từ cuộc xét nghiệm quy mô lớn ở Iceland cho thấy 50% số người nhiễm Covid-19 không có triệu chứng. (Văn Khoa, 2020)
Nghiên cứu của CDC-Mỹ cũng xác nhận người nhiễm virus có thể lây bệnh cho người khác trong khoảng 1-3 ngày trước khi bản thân họ phát lộ triệu chứng. Điều này cho thấy việc hạn chế tiếp xúc với người có triệu chứng là không đủ để ngăn chặn cơn dịch. CDC-Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ nghiêm túc các quy định về giãn cách xã hội. (D.Kim Thoa, 2020b; Đặng Huyền & Đoàn Hùng, 2020)
Đường lây nhiễm phổ biến nhất
Phổ biến nhất là qua những giọt li ti đờm, dịch nhầy mà người bệnh bắn ra khi ho, hắt hơi, hoặc thậm chí nói chuyện bình thường.
Bộ Y tế Anh và WHO cho biết virus có thể hiện diện trong máu, phân và nước tiểu (Nuki, 2020).
Nhiều trường hợp cho thấy bệnh lây nhiễm rất dễ dàng, chỉ qua giao tế thông thường chứ không cần có sự tiếp xúc thân mật.
*** Chính vì thế mà một số nhân vật quan trọng đã mắc bệnh:
- một số tướng lĩnh NATO
- hai Phó Tổng thống, Bộ trưởng Du lịch và Thứ trưởng Y tế Iran
- phu nhân Thủ tướng Canada
- ba dân biểu và một thượng nghị sĩ Mỹ
- Thái tử Charles của Anh quốc
- Hoàng thân Albert của Monaco
- Phó Thủ tướng Tây Ban Nha
- Thủ tướng và Bộ trưởng Y tế Anh quốc
- Chủ tịch Quốc hội
- Tổng thống Brazil và Tổng thống Bolivia, v.v.
Có nhiều trường hợp không rõ lây nhiễm như thế nào; không thể tìm ra bệnh nhân đầu tiên (“patient number zero”).
Lây qua không khí
Khamsi (2020) phân tích như sau:
Khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, họ bắn ra những giọt đờm và dịch nhầy lớn nhỏ khác nhau mang virus. Giọt có kích thước lớn hơn 5 micron được gọi là giọt nhỏ (droplet, tuy còn tranh cãi về thuật ngữ), và kích thước từ 5 micron trở xuống được gọi là aerosol – tạm gọi là giọt li ti. Vấn đề phức tạp hơn khi nước trong giọt bốc hơi nhưng virus vẫn lơ lửng trong không khí, và vì nhẹ hơn nên có thể phát tán xa hơn. Giọt to dù nặng vẫn có thể được gió đưa đi xa. Tương tự như khi ta ra bãi biển trong một ngày lộng gió, dù đứng cách xa bờ nước nhưng mặt ta vẫn có thể cảm nhận những giọt nước biển li ti do gió ngoài biển thổi vào. Vì thế mà cho dù những nghiên cứu chạy mô hình chỉ ra giọt li ti 5 micron có thể phát tán 1-2 mét, nhưng aerosol có thể phát tán đến 8 mét.
SARS-CoV-2 từng được tìm thấy trên cánh quạt hút gió trong phòng bệnh nhân (Sean Wei Xiang Ong et al., 2020).
WHO đã phát cảnh báo về những cẩn trọng đường không khí đối với đội ngũ y bác sĩ chăm sóc bệnh nhân Covid-19 đặc biệt khi phun aerosol cho mục đích khử trùng (Lovelace et al., 2020).
Trong thông tin chia sẻ trên tài khoản Twitter chính thức của tổ chức ngày 29-3, WHO khẳng định “virus corona chủng mới chủ yếu lây nhiễm qua các giọt dịch phát tán ở khoảng cách tiếp xúc gần khi một người bệnh ho, hắt hơi hay nói chuyện” (D.Kim Thoa, 2020a).
WHO cho biết, dựa theo chứng cứ hiện giờ, Covid-19 chủ yếu lây qua giọt nhỏ có đường kính >5-10 micron (WHO, 29-3-2020).
Như vậy, theo WHO “chủ yếu” là lây qua giọt nhỏ (droplet transmission), còn “thứ yếu” thì sao? Phải chăng là theo định nghĩa của WHO: lây qua không khí (airborne transmission) trong giọt <5 micron và cách xa trên 2 m?
Dr Donald Milton thuộc Trường Y tế Cộng đồng, Đại học Maryland, có ý kiến về thông tin của WHO cho rằng không có vẻ như virus của Covid-19 lây qua không khí cách xa trên 3 feet tức 0,9 m (Greenfieldboyce, 2010).
Tôi nghĩ WHO là vô trách nhiệm (“irresponsible”) khi đưa thông tin này. Thông tin sai lệch (“misinformation”) này là nguy hiểm.
… Không có phân biệt rạch ròi như trắng và đen giữa virus lơ lửng lây qua đường không khí và virus nằm trong giọt dịch nhỏ lây bệnh qua sự tiếp xúc.
… Một nghiên cứu trong phòng bệnh nhân chỉ ra rằng quạt hút mang virus, vì thế các giọt dịch nhỏ mang virus có thể được luồng gió thổi đi và bám trên ống thoát khí.
… Trong khi tình hình chưa sáng tỏ, đáng lẽ WHO nên noi gương CDC-Mỹ để áp dụng nguyên tắc cẩn trọng mà đưa ra đề nghị về sự cẩn trọng đối với khả năng lây qua đường không khí.
Read (2020) tường thuật sự kiện sau.
Vào đầu tháng 3-2020, bệnh đang lan nhanh trong Bang Washington, vùng Seattle đã có người tử vong. Nhưng Hạt Skagit, cách Seattle khoảng 1 tiếng đồng hồ lái ô tô, chưa báo cáo ca bệnh nào; trường học và cơ sở thương mại vẫn mở cửa, chưa có lệnh cấm tụ tập đông người.
Ngày 10-3-2020, ca đoàn Skagit Valley Chorale tổ chức một buổi tập dượt theo lịch hàng tuần ở Nhà thờ Mount Vernon Presbyterian.
Sáu mươi ca sĩ trong ca đoàn đến dự tập dượt. Có dung dịch rửa tay đặt ở cửa vào. Mọi người không ôm hoặc bắt tay nhau gì cả, giữ khoảng cách xa nhau. Sau này, 8 người trong số họ cho biết không có ai ho, hắt hơi hoặc có vẻ bị bệnh trong buổi tập dượt. Mọi người đều mang theo giấy nhạc riêng cho mình và tránh tiếp xúc nhau. Buổi tập dượt kéo dài 2 tiếng rưỡi đồng hồ.
Gần 3 tuần lễ sau, 45 người được xét nghiệm dương tính với Covid-19 hoặc có triệu chứng, ít nhất 3 người phải nhập viện, và 2 người tử vong.
Các giới chức y tế trong Hạt Skagit kết luận có phần chắc chắn rằng virus lan truyền trong không khí từ người không có triệu chứng.
Các chuyên gia nói rằng sự bùng nổ bệnh này phù hợp với chứng cứ ngày càng nhiều là virus có thể lây qua aerosol nhỏ hơn 5 micron lơ lửng nhiều phút trong không khí.
Theo nhà dịch tễ học Hassan Vally thuộc Đại học La Trobe (Lyons & Willis, 2020):
Khi người ta ho hoặc hắt hơi, có những giọt dịch nhỏ bắn ra từ miệng họ. Khoảng cách bắn ra khoảng 1,5 mét, phù hợp với lời khuyên về việc giữ khoảng cách với người khác.
Nhưng liệu bạn có thể bị nhiễm virus ngay cả sau khi người nhiễm bệnh đã rời khỏi căn phòng của bạn?
Câu trả lời là có thể, tuy rằng chưa có chứng cứ cho thấy việc này đang xảy ra trong cộng đồng.
Một nghiên cứu của Trung tâm Y tế Đại học Nebraska và các cộng sự cho chứng cứ Covid-19 có thể lây qua không khí. Các mẫu thu từ những khu vực kể cả nhà vệ sinh trong phòng chăm sóc bệnh nhân cho thấy bị nhiễm virus với mức độ cao. Các mẫu không khí thu từ hành lang bên ngoài phòng bệnh nơi nhân viên thường ra vào cũng cho kết quả dương tính (Young, 2020).
Một hội đồng khoa học có uy tín của Mỹ ngày 02-4 thông báo với Nhà Trắng rằng nghiên cứu của họ cho thấy, virus SARS-CoV-2 có thể lây lan không chỉ khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, mà ngay cả khi họ nói chuyện và thậm chí là thở (Đặng Huyền & Đoàn Hùng, 2020).
Những nhóm nghiên cứu khác nhau ở Phần Lan chạy mô hình trong không gian giả dụ của một siêu thị. Kết quả của các nhóm này là tương tự như nhau. Sau khi một người ho, hắt hơi hoặc thậm chí chỉ trò chuyện bình thường, những giọt dịch li ti (aerosol) từ người này lan rộng qua không khí trong nhiều phút thay vì rơi ngay xuống. Vì thế, aerosol từ người bị nhiễm chứa virus có thể xâm nhập vào đường hô hấp của những người xung quanh. (Steinbuch, 2020)

Xem video mô phỏng:
https://soha.vn/mo-hinh-3d-tiet-lo-thuc-te-dang-so-cach-sars-cov-2-lay-lan-trong-sieu-thi-20200410212458568.htm
Một nhóm nghiên cứu Hà Lan và Bỉ công bố kết quả chạy mô hình cho biết người chạy bộ và đạp xe đạp có thể lan truyền virus xa đến 10 mét cho người theo sau, và người vận động song song hoặc so le thì an toàn hơn là vận động phía sau người bắn giọt dịch chứa virus (Bảo Hà, 2020; Elangovan, 2020). Bài báo của nghiên cứu này, vốn không được bình duyệt – nhận được sự đồng tình lẫn phản bác từ các nhà chuyên môn. Ý kiến đồng tình giải thích rằng người vận động thường thở mạnh nên bắn các giọt dịch đi xa hơn trong không khí, và người vận động khác cũng vì thở mạnh nên dễ hít virus vào phổi hơn.
Sau những nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, nghiên cứu thực tế được công bố trên tạp chí Nature phát hiện những giọt li ti trong không khí ở hai bệnh viện ở Vũ Hán chứa virus SARS-CoV-2. GS Linsey Marr ở Virginia Tech cho biết những giọt li ti có thể lơ lửng trong không khí 2 tiếng đồng hồ, và có khả năng lây bệnh. Càng ngày càng có thêm chứng cứ cho thấy bệnh Covid-19 có thể lây lan qua khí dung chứa virus, tuy WHO vẫn xem nhẹ khả năng này. (The New York Times, 28-4-2020).
Ước tính ít nhất 107 người được cho là nhiễm virus SAR-CoV-2 khi tới tham dự các nghi thức trong một nhà thờ ở Đức. Wladimir Pritzkau, thành viên cấp cao của Hội thánh Tin Lành Baptist Frankfurt, khẳng định các tín đồ của họ vẫn tuân thủ việc giãn cách xã hội, giữ khoảng cách ít nhất 2 m với nhau và có khử trùng. (Huy Hoàng, 2020)
Sau một thời gian dài phủ nhận và nghi ngờ, Tổ chức Y tế thế giới ngày 9-7-2020 lên tiếng công nhận virus SAR-CoV-2 có thể lây qua không khí trong không gian chật đông người (Phúc Long, 2020c).
Theo Ji-Xiang Wang et al. (2020), việc xả nước bồn cầu và bồn tiểu trong nhà vệ sinh có thể khiến các giọt aerosol văng ra tứ phía. Những aerosol này có thể chứa virus corona, con người nếu hít phải có thể bị nhiễm virus, bởi lẽ virus có thể lây qua đường tiêu hóa (xem mục kế tiếp).
Hình dưới đây mô phỏng arosol bắn lên 2,6 giây sau khi xả bồn tiểu.

Kết luận của nghiên cứu này thêm một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang ở những nơi công cộng, đặc biệt là các nhà vệ sinh. Một mình ở trong nhà vệ sinh không có nghĩa là chúng ta đã an toàn và không thể bị lây nhiễm Covid-19.
Lây qua mắt
Đã có trường hợp cụ thể đăng trên tạp chí có uy tín The Lancet cho thấy virus từ người bệnh có thể nhiễm vào niêm mạc mắt của người khỏe để gây bệnh (Cheng-wei Lu et al., 2020).
Một số báo cáo cho thấy virus có thể gây viêm kết mạc với triệu chứng mắt đỏ và virus cũng hiện diện trong nước mắt (CDC & WHO, 2020).
Các nhà khoa học tìm thấy virus trong mắt của bệnh nhân Covid-19 đầu tiên tại Ý và cho rằng đây có thể là một trong những đường lây lan (Vi Trân, 2020b).
Lây qua đường tiêu hóa
Bệnh cũng có thể lây qua đường tiêu hóa. SARS-CoV-2 đã được phát hiện trong phân bệnh nhân. Hiện chưa rõ số lượng virus thải ra trong phân, thải ra trong bao lâu, và liệu virus trong phân có gây nhiễm hay không (CDC, 10-3-2020).
Việc SARS-CoV-2 được phát hiện trong phân của bệnh nhân với các triệu chứng không điển hình cho thấy khả năng lây nhiễm qua đường tiêu hóa ở mức cao (Khánh An, 2020). Tiêu chảy có thể là đường lây nhiễm thứ hai của dịch Covid-19, chỉ sau việc lây nhiễm thông qua những chất dịch văng ra do người bệnh hắt hơi, ho hoặc tiếp xúc trực tiếp (Vi Trân, 2020).
Theo nhà virus học Sacha Stelzer-Braid thuộc Đại học New South Wales Sydney (Lyons & Willis, 2020):
Bởi lẽ virus được tìm thấy trong phân người, bệnh có thể lây qua đường phân–miệng.
Nếu một người bệnh đi vệ sinh rồi xả bồn cầu mà không đậy nắp, sẽ có những giọt nhỏ và aerosol bắn lên rồi bám trên các bề mặt trong nhà vệ sinh. Những người khác sờ tay lên các bề mặt này và từ đó có thể bị nhiễm bệnh.
Nhóm nghiên cứu Đại học Y Quảng Châu, Trung Quốc, công bố phát hiện mới về đường lây của virus SARS-CoV-2, đăng tải trên tạp chí Emerging Infectious Diseases. Theo đó, ngoài lây theo đường hô hấp thông qua các giọt bắn như đã biết, loại virus này còn lây theo đường phân – miệng hoặc phân – phát tán vào không khí. Trong 17-28 ngày kể từ khi bệnh nhân có triệu chứng, tải lượng virus SARS-CoV-2 trong phân thậm chí còn cao hơn tải lượng virus lấy từ dịch mũi họng. (Minh Anh, 2020)
Với những chứng cứ mới về đường lây của Covid-19, nhóm nghiên cứu cảnh báo sự cần thiết phải có các biện pháp phòng lây nhiễm theo đường lây lan mới.
Lây qua đường nước
Theo Mohammed Munir ở Đại học Lancaster, virus SARS thực tế có thể lây qua đường nước mà SARS-CoV-2 giống SARS đến 80%, cho nên không loại trừ SARS-CoV-2 cũng lây qua đường nước. Tuy nhiên, cho đến hiện giờ (20-3-2020) không có chứng cứ cho thấy SARS-CoV-2 có thể lây qua đường nước. Chưa phát hiện SARS-CoV-2 trong nước uống ở Mỹ, và quy trình xử lý nước uống đủ để loại bỏ hoặc vô hiệu hóa virus này (CDC, 10-3-2020). Tuy vậy, vẫn cần xem xét khả năng lây qua đường nước trong trường hợp virus có đột biến (mutation).
Cơ quan quản lý cấp thoát nước Eau de Paris của Thành phố Paris phát hiện 4 trong 7 mẫu nước thải có những “dấu vết” của virus SARS-CoV-2 (Vietnam+, 2020b).
Yếu tố rủi ro
GS Erin Bromage ở Đại học Massachusetts Dartmouth phân tích dữ liệu và cho thấy yếu tố rủi ro lớn nhất là khi có nhiều người tụ tập trò chuyện hoặc ca hát trong một không gian kín, không khí ít lưu thông (Sangal, 2020).
Một số môi trường có rủi ro cao gây bệnh Covid-19 là nhà dưỡng lão, trại giam, buổi lễ tôn giáo, buổi tập ca hát, thể thao trong nhà, tiệc mừng sinh nhật. Đó là những khi nhiều người cùng ở trong một không gian kín chuyện trò hoặc cất tiếng la hét, ca hát, thở mạnh hoặc thậm chí hắt hơi và ho.
Bromage ước tính chỉ một cái hắt hơi phóng ra 30.000 giọt dịch li ti với vận tốc 200 dặm/giờ (tức 360 km/giờ), dễ lan ra khắp một căn phòng rộng.
Một số đặc tính dịch tễ học khác
Triệu chứng
Một nhóm các nhà khoa học Mỹ phân tích các ca ở Trung Quốc và các nước khác, thấy rằng hầu hết người nhiễm virus lộ triệu chứng sau 5 ngày, và những người không có triệu chứng gì cho tới ngày thứ 12 thì thường sẽ không có triệu chứng gì sau đó nhưng họ vẫn có thể mang virus gây bệnh (Roberts, 2020).
Một số bệnh nhân không biểu lộ triệu chứng gì nhưng vẫn cho kết quả xét nghiệm dương tính. Số liệu toàn cầu cho thấy 80-85% bệnh nhân phát triệu chứng nhẹ (Bendix, 2020; The Guardian, 22-3-2020).
Khi có triệu chứng, ba triệu chứng thường thấy là (LaMotte, 2020):
- sốt nhẹ, đây thường là triệu chứng đầu tiên (Bendix, 2020).
- ho khan, tức ho mà không khạc ra gì, cổ họng không ngứa.
- khó thở, thở ngắn.
Một số triệu chứng khác:
- mệt mỏi
- đau nhức
- sổ mũi và/hoặc nghẹt mũi
- đau họng
- tiêu chảy
Nếu bạn muốn tự kiểm tra thân nhiệt thì chuyên gia khuyên nên kiểm tra lúc xế chiều hoặc chiều tối (LaMotte, 2020).
Kinh nghiệm ở Anh quốc cho thấy hai triệu chứng sau xác định mắc Covid-19 (The Guardian, 22-3-2020):
- sốt cao
- ho nhiều
Khá nhiều bệnh nhân mất cảm giác về mùi và vị. Hiệp hội Tai Mũi Họng Hoa Kỳ tuyên bố triệu chứng mất cảm giác về mùi và vị cần được đưa vào “danh mục những công cụ sàng lọc” cho Covid-19 (Howard & Guy, 2020). Dr Nirmal Kumar, chủ tịch ENTUK (nhóm chuyên gia tai mũi họng) Anh quốc, cho biết khoảng 500 bệnh nhân nói họ mất cảm giác về mùi (Perrigo, 2020).
Ngày 18/5, Anh Quốc bổ sung triệu chứng mất khứu giác và vị giác vào danh sách các triệu chứng của bệnh Covid-19. Trước đó, giới chuyên gia cảnh báo nhiều ca mắc Covid-19 có thể bị bỏ lọt nếu không có thêm các triệu chứng này trong khuyến cáo. (Ngọc Hà, 2020)
Nghiên cứu ở một bệnh viện Vũ Hán cho thấy trong số 204 người mắc bệnh nhẹ, 67 người (32,8% của tổng số) có triệu chứng tiêu chảy và 13 người trong số này (6,4% của tổng số) có tiêu chảy là triệu chứng đầu tiên trước khi biểu hiện triệu chứng về hô hấp (Chaoqun Han et al., 2020). Kết quả này có tầm quan trọng ở chỗ người bệnh không có triệu chứng thường thấy của Covid-19 (sốt, ho và khó thở) có thể không được chẩn đoán đúng và vì thế dễ lây bệnh qua những người khác.
Các nghiên cứu mới cho thấy có đến phân nửa số bệnh nhân có các triệu chứng về tiêu hóa như tiêu chảy và nôn mửa (Landsverk, 2020).
CDC-Mỹ cho biết các biểu hiện sốt, ho, khó thở, ớn lạnh, run rẩy, đau cơ, đau đầu, đau họng và mất vị giác hoặc khứu giác đều là các triệu chứng có thể xuất hiện từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 14 sau khi bị nhiễm bệnh (Anh Thư, 2020; McNamara, 2020).
Khác biệt về triệu chứng với dị ứng và cúm mùa
Giáo sư Y khoa Greg Poland hướng dẫn phân biệt Covid-19 với cúm mùa và dị ứng vốn có những triệu chứng tương tự nhưng vẫn có khác biệt, như sau (Willingham, 2020):
Dị ứng: Triệu chứng và cảm giác thường tập trung ở mũi. Hai triệu chứng thường thấy là chảy nước mũi và mắt ngứa. Không có sốt; không khó thở trừ người mắc suyễn; không gây đau nhức cơ hoặc khớp. Thường phát lộ vào cùng thời khoảng trong năm, ví dụ như mùa cây cho bóng mát nở hoa.
Cúm mùa: Triệu chứng thường cải thiện sau ít ngày nghỉ ngơi và được chăm sóc, trong khi Covid-19 ngày trở nặng hơn. Covid-19 thường gây khó thở hơn. Cả Covid-19 và cúm mùa không làm chảy nước mũi.

Bạn cũng nên làm thám tử cho riêng mình, bằng cách kiểm tra những tình huống của bạn và của người trong gia đình bạn trong vòng 2-3 tuần trước đáng ngờ gây Covid-19, ví dụ như:
- chuyến đi xa
- tham dự sự kiện có nhiều người tiếp xúc với nhau
- kiểm tra những người quen biết cùng đi ăn uống, xem phim…
- nếu có thể, theo dõi tin tức về người bệnh đã đi cùng chuyến bay, tuyến xe bus, xe đò… bạn đã đi.
Thời gian sống tồn của SARS-CoV-2
SARS-CoV-2 có thể sống tồn 3 giờ trong aerosol, 72 giờ trên bề mặt nhựa và thép không gỉ, sống ngắn hơn trên bề mặt đồng và giấy carton (van Doremalen et al., 2020).
Aerosol là những giọt li ti (đường kính nhỏ hơn 5 μm) như đờm, dịch nhầy bắn ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, thậm chí cũng có một số ít bắn ra khi nói chuyện bình thường. Aerosol thường được dịch ra tiếng Việt là “khí dung”, nhưng thuật ngữ này cũng được dùng để chỉ một phương pháp điều trị sử dụng máy xông khí, xông thuốc cho bệnh đường hô hấp. Có lẽ do sự thông hiểu khác nhau về thuật ngữ “aerosol” và “khí dung” mà có lúc xảy ra tranh cãi liệu aerosol bắn ra từ người bệnh lây nhiễm hay không. Bây giờ thì rõ ràng: SARS-CoV-2 có thể hiện diện và lây bệnh từ những giọt dịch li ti có thể lơ lửng 3 tiếng đồng hồ trong không khí (Havard Medical School, 20-3-2020).
Theo nghiên cứu ở Trung Quốc, SARS-CoV-2 lơ lửng trong không khí ít nhất 30 phút, và ở 98 °F (37.7 °C) sống tồn 2-3 ngày trên bề mặt kính, vải vóc, kim loại, nhựa hoặc giấy (Chen, 2020; Lapin, 2020a).
Nghiên cứu ở Mỹ tiếp theo cũng chỉ ra SARS-CoV-2 được phát hiện trong 3 giờ trong aerosol, 4 giờ trên bề mặt đồng, và 24 giờ trên giấy carton (Lovelace, 2020).
Nghiên cứu của Đại học Aix-Marseille (Pháp) cho thấy virus vẫn có thể sinh sôi sau 1 giờ đun nóng ở nhiệt độ 60 độ C, và chỉ có thể bị tiêu diệt hoàn toàn ở gần độ sôi (Chen, 2020b).
Nghiên cứu cho thấy sau 18 giờ số lượng virus có thể giảm phân nửa trên các bề mặt như tay nắm cửa và thép không rỉ với nhiệt độ 21-24 độ C và độ ẩm 20%. Cùng điều kiện này, sau 1 giờ số lượng virus trong không khí sẽ giảm phân nửa. Trong khi đó, khi độ ẩm tăng lên 80% thì số lượng virus trên các bề mặt giảm phân nửa sau 6 giờ, và chỉ sau 2 phút nếu có thêm ánh nắng. Với độ ẩm 80% và có ánh nắng, chỉ sau 1 phút rưỡi virus trong không khí sẽ giảm phân nửa. (Khánh An, 2020b)
Bệnh theo thời tiết
Những chứng cứ hiện giờ cho thấy bệnh có thể lan mạnh trong tất cả các vùng, kể cả thời tiết nóng và ẩm. Bằng chứng là hiện giờ, bệnh ở các nước Đông Nam Á nhiệt đới lây lan mạnh.
Bệnh theo độ tuổi
Có vẻ như trẻ em ít bị nhiễm hơn người lớn (NCIRD, 2020; Van Beusekom, 2020). Trong khi một số em bé và trẻ em bị bệnh, người lớn chiếm đa số vượt trội. Phân tích hơn 72.000 ca ở Trung Quốc, có 1% số ca từ 9 tuổi trở xuống, và 1% số ca từ 10 đến 19 tuổi. Tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân dưới 40 tuổi chỉ 0.2%. Các triệu chứng ở trẻ em bị nhiễm Covid-19 rất nhẹ, đến mức không phát hiện ra (Thục Minh, 2020).
Ở Việt Nam tính đến ngày 20-3-2020, trong số 87 người mắc Covid-19 từ làn sóng thứ hai chỉ có 7 ca trên 60 tuổi, so với Ý có 92% người nhiễm bệnh và tử vong trên 80 tuổi, và Trung Quốc có 80% người nhiễm và tử vong trên 60 tuổi (Xuân Long, 2020). Cần nhận rõ sự khác biệt: trong nhóm ca mới có nhiều người trẻ và trung niên có chủ đích về Việt Nam để lánh bệnh chứ không đại diện cho toàn thể dân số nói chung như thống kê của Ý và Trung Quốc.
Tính đến ngày 6-3-2020, nhóm tuổi từ 65 trở lên ở Mỹ chiếm 31% ca bệnh, 45% nhập viện, 53% vào phòng hồi sức tích cực (ICU), và 80% tử vong (CDC, 18-3-2020; CDC, 21-3-2020).
Số liệu của CDC cho nhiều ý nghĩa: độ tuổi dưới 65 chiếm hơn hai phần ba ca bệnh, và 40% số nhập viện ở nhóm tuổi 20-54. Tham khảo số liệu tương tự ở Ý và Pháp, các chuyên gia khuyến cáo những người trẻ tuổi không nên chủ quan (Belluck, 2020).
Theo TTXVN, Dr Anthony Fauci, Giám đốc NIAID, cho biết một số người trẻ tuổi và khỏe mạnh ở Mỹ đã bị bệnh rất nặng khi bị nhiễm virus SARS-CoV-2, đồng thời nhấn mạnh nhiều người đã sai lầm khi cho rằng virus SARS-CoV2 chỉ là mối đe dọa đối với người già và những người có bệnh lý trước đó. Cảnh báo của Dr Fauci được đưa ra một ngày sau khi CDC-Mỹ thông báo khoảng 38% ca mắc bệnh COVID-19 phải nhập viện trong độ tuổi từ 20 đến 54 (TTXVN, 27-3-2020).
Bệnh theo giới tính
Số liệu ở Trung Quốc cũng như ở Đức, Hàn quốc, Iran, Italy, Pháp và Ý cho thấy con số và tỷ lệ tử vong của nam cao hơn nữ (Devlin, 2020).
Số liệu ở Tây Ban Nha dựa trên 20,648 ca và 722 tử vong cho thấy nam nhiều hơn hẳn so với nữ về số nhập viện, số bị viêm phổi, số phải đưa vào ICU, và số tử vong (Mooney & Rolfe, 2020).
Nam giới hút thuốc nhiều hơn nữ giới, và đây là một trong những yếu tố có thể giải thích sự khác biệt về bệnh học giữa nam và nữ (Devlin, 2020; Mooney & Rolfe, 2020).
Thời kỳ ủ bệnh
Thời kỳ ủ bệnh được tính từ lúc nhiễm SARS-CoV-2 đến lúc lộ triệu chứng thứ nhất (khác với lúc xét nghiệm dương tính vốn có thể xảy ra trước). Thời kỳ này thường trong vòng 2-10 ngày (Nuki, 2020), hoặc 2-14 ngày (CDC, 21-3-2020; Michigan Medicine, 2020).
Theo nghiên cứu khác, thời kỳ ủ bệnh là 5.1 ngày (số median – tức ở giữa phân bố thống kê), và đại đa số bệnh nhân phát triệu chứng trong vòng 11,5 ngày (Lauer et al., 2020).
Một số ca cho thấy thời kỳ ủ bệnh kéo dài đến 24 ngày (Australian Department of Health, no date; Kate Ng, 2020; Nuki, 2020).
Tỷ lệ tử vong
Theo số liệu Worldometers.info, tính đến cuối ngày 20-4-2020, toàn thế giới có gần 2,5 triệu ca bệnh với hơn 170.000 tử vong, tức tỷ lệ tử vong thô là 6,9%. Vì lẽ càng ngày càng có thêm báo cáo cho rằng số ca và số tử vong thật sự cao hơn nhiều so với thống kê chính thức, kể từ ngày 20-4-2020 các con số trên không được cập nhật.
Ghi chú: tỷ lệ tử vong của Covid-19 nêu trên là tỷ lệ thô theo ngày, không phải là tử suất (mortality) theo nghĩa dịch tể học, bởi vì số liệu còn thay đổi. Lấy ví dụ: hôm nay có 100 bệnh nhân, 1 trong số đó tử vong, ta không thể biết sau này 99 người kia sẽ ra sao nên không thể nói mortality là 1%. Đợi cho cơn dịch qua đi rồi mới biết mortality của 100 người này. Nhưng hiện giờ mỗi ngày có thêm người…

Thật ra cúm mùa (influenza hoặc flu) là đáng lo hơn. Người sống nơi có cúm mùa (như ở Mỹ và Úc) cần được chủng ngừa influenza theo chỉ dẫn của bác sĩ, để tránh cơ thể suy yếu rồi bị yếu thêm do virus khác (Australian Department of Health, 2020; Vergun, 2020).
Một nhóm nghiên cứu phân tích những ca tử vong ở Hồ Bắc đến ngày 08-2-2020 và những ca bình phục ở 37 quốc gia khác đến ngày 25-2-2020. Kết quả được đăng tải trên tạp chí The Lancet ngày 30-3-2020, cho thấy (Verity et al., 2020):
- Thời khoảng trung bình từ lúc khởi phát đến tử vong ở Trung Quốc là 17,8 ngày.
- Thời khoảng trung bình từ lúc khởi phát đến khi xuất viện ở các nước khác là 24,7 ngày.
- Tử suất theo ca (case fatality ratio, tính trong thời gian nghiên cứu và chỉ xét các ca dương tính) ở Trung Quốc khoảng 1,38% và tăng theo tuổi, thấp hơn SARS và MERS nhưng cao hơn nhiều so với H1N1. (Các tác giả so sánh với những con số được điều chỉnh theo phương pháp dịch tễ học.)
- Tử suất theo ca ở các nước khác khoảng 1,4%.
- Tử suất toàn bộ (overall fatality ratio, tính cả người bệnh không được chẩn đoán và xét nghiệm) ở Trung Quốc được ước tính ở mức 0,66%.
Số liệu ở Hồ Bắc tính đến tháng 2-2020 cho thấy trong từng nhóm tuổi, tử suất ca (case fatality rate) là như sau (Matthews, 2020):
Henriques (2020) phân tích như sau.
Tại Ý, tỷ lệ tử vong vào cuối tháng Ba là 11%. Trong khi đó ở nước láng giềng Đức, tỷ lệ tử vong cũng do chủng viurus này gây ra lại chỉ có 1%. Ở Trung Quốc, tỷ lệ này là 4%, trong khi Israel có tỷ lệ thấp nhất trên toàn thế giới, chỉ 0,35%.
Một số yếu tố chính gây nên phần lớn sự khác biệt là cách người ta ghi nhận số lượng ca tử vong, cũng như tính toán số lượng ca nhiễm.
Đầu tiên là do khái niệm “tỷ lệ tử vong” không rõ ràng. Trên thực tế, có hai loại tỷ lệ tử vong.
Loại thứ nhất là tỷ lệ người chết tính trên số người đã được xét nghiệm dương tính. Đây được gọi là “tỷ lệ tử vong trên số ca bệnh”.
Loại thứ hai là tỷ lệ người chết sau khi nhiễm virus tính trên số bị lây nhiễm nói chung; vì có rất nhiều người không bao giờ được xét nghiệm, cho nên con số này chỉ có thể ước tính. Đây được gọi là “tỷ lệ tử vong trên số ca lây nhiễm”.
Để hiểu rõ sự khác biệt của hai khái niệm này, hãy xem xét ví dụ có 100 người bị nhiễm, 10 người được xét nghiệm dương tính; 90 người khác không được xét nghiệm gì cả. Một trong những bệnh nhân nhập viện sau đó chết vì virus; 99 người còn lại sống sót. Vì vậy “tỷ lệ tử vong trên số ca bệnh” là một trên 10, hay 10%; nhưng “tỷ lệ tử vong trên số ca lây nhiễm” sẽ chỉ là một trên 100, tức 1%.
Vì vậy, nếu chỉ xét nghiệm bệnh nhân nặng nhập viện và không xét nghiệm bệnh nhân nhẹ (như ở Vương quốc Anh), thì tỷ lệ tử vong có vẻ như cao hơn so với các quốc gia xét nghiệm trên diện rộng (như Đức hoặc Hàn Quốc).
Những yếu tố nguy hiểm
Người có bệnh nền sau cần đặc biệt cẩn trọng đối với Covid-19 (LaMotte, 2020; The Guardian, 22-3-2020):
- Tiểu đường
- Cao huyết áp
- Ung thư
- Bệnh tim
- Suyễn và bệnh hô hấp mãn tính khác
- Người đang phải chạy lọc thận
- Béo phì (Brethauer, 2020; Khan, 2020). Thống kê chính thức tại Anh cho thấy 73,4% bệnh nhân là người thừa cân hoặc béo phì (Tường Nguyễn, 2020).
Tái nhiễm sau khi khỏi bệnh
Có một số báo cáo về tái nhiễm sau khi đã khỏi bệnh nhưng thật ra cho đến lúc này người ta vẫn chưa rõ có phải thật sự là hoàn toàn bình phục rồi bị nhiễm lại hay không. Một số lý do là như sau (Linlin Bao et al., 2020; Mikkelson, 2020):
- Người bệnh chưa hoàn toàn khỏi bệnh mà đã cho xuất viện
- Thủ thuật lấy mẫu có sai sót
- Xét nghiệm cho kết quả âm tính giả trước khi xuất viện
- Có phương pháp xét nghiệm không phân biệt được virus “còn sống” và virus đã bị vô hiệu hóa.
Nghiên cứu của các nhà khoa học trên loài khỉ được công bố ngày 14-3-2020 (chưa bình duyệt) cho thấy sự tái nhiễm không phải là điều đáng quan ngại (Linlin Bao et al., 2020).
Peter Jung ở Trường Y Đại học Texas cho biết vì lẽ cúm mùa đột biến (mutate), Covid-19 cũng thế, và điều này khiến cho bệnh nhân có thể tái nhiễm (Ritschel, 2020).
GS Keiji Fukuda, Giám đốc Trường Y Đại học Hong Kong, giải thích (Mikkelson, 2020):
Nếu bạn bị nhiễm thì hệ miễn nhiễm của bạn được kích hoạt để chống lại virus đó. Bị tái nhiễm là tình huống khá bất thường trừ phi hệ thống miễn nhiễm của bạn không hoạt động đúng cách.
Điều có thể xảy ra là khi được xuất viện người ta vẫn còn mang một mảng bệnh không gây nhiễm nhưng cho kết quả giống như virus qua xét nghiệm nucleic acid.
Xét nghiệm có thể là dương tính, nhưng không có chuyện nhiễm bệnh.
Li QinGyuan ở Bệnh viện China-Japan Friendship tại Bắc Kinh cho biết người khỏi bệnh có kháng thể, nhưng kháng thể ở một số người không kéo dài lâu, vì thế nhiều người vẫn có nguy cơ tái nhiễm, người đã khỏi bệnh được khuyên vẫn nên cảnh giác phòng chống (Bacon, 2020).
Nghiên cứu đối với 147 bệnh nhân hồi phục ở Vũ Hán chỉ phát hiện 5 người (tương đương hơn 3%) dương tính trong xét nghiệm axit nucleic, không bộc lộ bất kỳ triệu chứng bệnh nào, và không lây cho ai trong gia đình họ. Vì vậy, nhóm nghiên cứu tin rằng hiện không đủ bằng chứng để kết luận các bệnh nhân đã tái nhiễm sau khi được chữa khỏi.
Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng việc tiếp tục theo dõi các bệnh nhân sau hồi phục là rất quan trọng, và Hồ Bắc đang cách ly theo dõi 2 tuần những bệnh nhân đã xuất viện. (Tuấn Anh, 2020). Việt Nam cũng tiếp tục cho người bệnh cách ly tại nhà 14 ngày sau khi ra viện (Quyết định số 1344/QĐ-BYT ngày 25 tháng 3 năm 2020)
Nhà virus học Mike Skinner ở Imperial College London cho biết người đã nhiễm bệnh có kháng thể chống lại sự nhiễm khác trong tương lai, nhưng tính miễn dịch sẽ không kéo dài suốt đời. Phần lớn các nhà virus học tin rằng tính miễn dịch chống lại Covid-19 chỉ kéo dài 1-2 năm. (McKie, 2020)
Giới chức y tế Hàn Quốc cho biết đã có trên 180 ca khỏi bệnh rồi có kết quả dương tính trở lại, nhưng không có ai trong số này lây bệnh cho người khác (Hyonhee Shin, 2020).
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết khỏi bệnh Covid-19 không chắc được miễn dịch (Bảo Anh, et al., 2020; McNamara, 2020).
“Người bệnh tái dương tính COVID-19 không lây nhiễm” – ông Nguyễn Văn Kính, chuyên gia cao cấp, nguyên giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, khẳng định (Lan Anh, 2020b).
Theo D.Kim Thoa (2020d), Hong Kong xác nhận ca tái nhiễm virus corona đầu tiên trên thế giới. Khoảng hơn 4 tháng sau khi được chữa khỏi, một người đàn ông 33 tuổi bị tái nhiễm. Anh đã mắc phải hai chủng virus corona khác nhau. Lần thứ hai (chuyến đi Tây Ban Nha và có quá cảnh ở Anh) hoàn toàn không có biểu hiện triệu chứng bệnh.
Chữa trị
Các nghiên cứu ban đầu ở Pháp và Trung Quốc cho thấy những loại thuốc như hydroxychloroquine và chloroquine có thể giúp bệnh nhân đối phó với Covid-19. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học thúc giục công chúng thận trọng cho đến khi có thử nghiệm lâm sàng lớn hơn.
“Tôi nghĩ thuốc hydroxychloroquine và azithromycin khi kết hợp với nhau có lẽ rất và rất tốt” – Tổng thống Trump phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 23-3.
Các chuyên gia cho rằng vẫn còn quá sớm để nói về hiệu lực của loại thuốc nào (Busari & Adebayo, 2020).
Một nhóm nghiên cứu đã tổng kê gần 70 loại thuốc có thể xem xét chữa trị Covid-19. Các loại thuốc này từng được dùng cho các mục đích khác, thậm chí cho bệnh chẳng liên quan gì với Covid-19 (như ung thư, cao huyết áp, Parkinson). Nhờ nghiên cứu chuỗi gien của virus, việc tìm kiếm thuốc cho Covid-19 không phải bắt đầu từ con số không (Zimmer, 2020).
Chloroquine, loại thuốc chữa sốt rét thông dụng và có giá hạ, nằm trong nhóm thuốc đang được xem xét. Chloroquine gây sốt trên báo đài do Tổng thống Trump tuyên bố một cách sai lạc (“falsely claimed”) (Johnson, 2020; Sheth, 2020; The Guardian, 24-3-2020) rằng FDA đã phê duyệt thuốc chloroquine “rất hiệu nghiệm” (“very powerful”) để chữa coronavirus, cho kết quả ban đầu “rất, rất khích lệ” (Sheth, 2020).
Thật ra, FDA không hề phê duyệt chloroquine cho mục đích chữa trị Covid-19, nói rằng họ vẫn còn đang nghiên cứu (Seitz, 2020; Epstein, 2020; Soto, 2020). WHO cũng chưa từng chấp thuận dùng chloroquine để chữa Covid-19 (Soto, 2020).
Dr Anthony Fauci, Giám đốc NIAID, cho rằng hiệu lực của chloroquine trong việc chữa trị Covid-19 chỉ là “chứng cứ truyền miệng” (“anecdotal evidence”) vì lẽ chloroquine chưa được nghiên cứu cho công dụng này (Epstein, 2020; Flaherty & Phelps, 2020). Dr Fauci vạch rõ ông nói theo tinh thần khoa học (Robertson, 2020), và nhấn mạnh cần có nghiên cứu lâm sàng về việc dùng chloroquine để chữa Covid-19 (Epstein, 2020).
Theo AFP, một số người trong cộng đồng khoa học đang chỉ trích Trump vì “lăngxê quá mức” các loại thuốc trị sốt rét (Bình An, 2020).
Đến nay (26-3-2020), FDA chưa cấp phép bất cứ phương pháp điều trị Covid-19 nào. Hiện có rất ít bằng chứng cho thấy chloroquine chống được virus (Trần Phương & Kim Thoa, 2020a).
Một số sự cố đã xảy ra do tuyên bố sai lạc của Tổng thống Trump:
- Nigeria có ba ca ngộ độc chloroquine phải nhập viện vì nghe Tổng thống Trump ca ngợi đó là thuốc chữa coronavirus (Johnson, 2020; Soto, 2020).
- Bang Arizona cho biết một người chết và vợ trong tình trạng nguy kịch do dùng chloroquine phosphate vì muốn chữa trị Covid-19 (Lapin, 2020b; The Guardian, 24-3-2020). Thuốc này có mục đích làm sạch bể cá cảnh.
Ngày 23-3-2020, Bang New York cho biết đang dự trù dùng huyết tương (plasma, thành phần dịch lỏng của máu) từ người khỏi bệnh Covid-19 để thử nghiệm việc chữa trị cho những ca bệnh nặng (Gaurav, 2020).
Ngày 05-4-2020, Tổng thống Trump hối thúc dùng hydroxychloroquine để chữa trị Covid-19, cho rằng “không có gì để mất”. Tuy nhiên, BS Megan L. Ranney, chuyên gia hồi sức cấp cứu tại Đại học Brown cảnh báo: “Hydroxychloroquine có thể gây ra nhiều tác dụng phụ về tim mạch và tâm sinh lý của bệnh nhân. … Hydroxychloroquine có thể tốt cho một vài người, nhưng để nói với toàn dân Mỹ rằng chúng ta còn gì để mất đâu là không chính xác. Chắc chắn sẽ có tổn thất nếu mọi người nhắm mắt uống bừa hydroxychloroquine.” (Trần Khánh/VOV.VN, 2020)
Ngày 07-4-2020, CDC-Mỹ vẫn cho biết không có thuốc hoặc liệu pháp nào khác được FDA chấp nhận để ngăn ngừa hoặc chữa trị Covid-19 (CDC, 07-4-2020).
Ghi chú: Từ đây trở đi, do chú tâm vào thông tin liên quan đến phòng chống, bài viết này sẽ không còn cập nhật tin tức về việc chữa trị Covid-19.
Vaccine
Các nhà khoa học Trung Quốc báo cáo virus đã phân ra hai nhánh chính, một nhánh gây bệnh tích cực hơn nhánh kia, khiến cho việc chế vaccine thêm khó khăn (Knapton, 2020).
Ngày 14-3-2020, Dr Joshua Sharfstein thuộc Trường Y Johns Hopkins Bloomberg cho biết bình thường sẽ mất khoảng 18 tháng đến 2 năm để có vaccine sử dụng, giả dụ các thử nghiệm cho thấy vaccine có hiệu lực.
Việc nghiên cứu vaccine phải qua nhiều bước, mỗi bước có quy mô từ nhỏ đến lớn dần với những mục đích khác nhau.
Tờ báo The Guardian (23-3-2020) phân tích về việc nghiên cứu và sản xuất vaccine như sau:
Có khoảng 35 công ty và viện đang nghiên cứu vaccine cho Covid-19, ít nhất có 4 loại đã được thí nghiệm trên động vật và 1 loại sắp được thử nghiệm trên người. Tổng thống Trump gieo rắc hoang mang khi thúc ép có vaccine vào mùa bầu cử tháng 11 – là thời hạn bất khả thi. GS Annelies Wilder-Smith ở Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London cho biết giới chuyên gia vaccine đồng ý rằng không thể nào có vaccine trước 18 tháng.
Sau khi vaccine được phê duyệt, còn có trở ngại khác: nhiều tổ chức không có đủ công suất đẻ sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu.
Ngoài ra, trong một đại dịch như từng thấy trong cơn dịch H1N1 năm 2009, nước giàu bỏ tiền ra thu gom số lượng lớn vaccine trong khi nước nghèo đành chịu thiếu thốn. Có thể tưởng tượng một tình huống khác, ví dụ như Ấn Độ sản xuất được vaccine nhưng phải dành ưu tiên cho 1,3 tỉ dân của họ nên không muốn xuất khẩu liều nào.
WHO thông báo hiện có ít nhất 20 loại vaccine đang trong quá trình nghiên cứu và thử nghiệm, và các nhà khoa học hàng đầu thế giới cho biết thử nghiệm lâm sàng và phê duyệt an toàn cần thiết để đưa vaccines ra thị trường có thể mất tới 18 tháng (Thy An, 2020).
Có tia hy vọng về một vaccine ổn định: Những chuyên gia đã theo dõi sự lây lan của SARS-CoV-2 kết luận rằng nó đột biến với tốc độ chậm hơn so với những virus khác gây bệnh hô hấp như cúm. Peter Thielen thuộc Đại học Johns Hopkins cho biết vào lúc này (26-3-2020), có thể mong đợi một loại vaccine duy nhất cho SARS-CoV-2 để dùng lâu dài, thay vì một vaccine mới mỗi năm như vaccine cúm (Woodward, 2020).
Một số nhà nghiên cứu thuộc Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London kêu gọi cho phép tháo gỡ những giới hạn về đạo đức (ethical restrictions) và quy định bình thường. Nhờ đó có thể tiến hành thử nghiệm virus trên người khỏe mạnh và tăng tốc tiến trình chế ra vaccine, rút ngắn thời gian được nhiều tháng (O’Neill, 2020).
Dr Jerome Kim, Tổng Giám đốc Viện Vaccine Quốc tế (International Vaccine Institute) giải thích như sau (Power, 2020).
Trung bình, cần đến 1-2 tỉ USD và 5-10 năm để có một vaccine được phê duyệt lần cuối và đưa ra thị trường. Tỷ lệ thất bại là trên 90 phần trăm, cho thấy việc sản xuất vaccine đầy thách thức như thế nào thậm chí đối với những công ty đa quốc gia có tầm cỡ.
Nhưng trong một cơn đại dịch, có thể rút ngắn thời gian. Sau khi cơn dịch bùng phát, các nhà khoa học chỉ mất 2 tháng rưỡi để thử nghiệm vaccine trên người.
Bình thường, việc thử nghiệm gồm có 3 giai đoạn. Giai đoạn I là thử nghiệm trên nhóm ít hơn 50 người để đánh giá độ an toàn và phản ứng với vaxine. Giai đoạn II thử nghiệm trên nhóm lớn hơn, đánh giá tầm mức và thời gian hiệu lực của vaccine. Giai đoạn III là thử nghiệm lớn trên hàng chục nghìn người để đánh giá công dụng thật sự của vaccine.
Do tính cấp bách của trận đại dịch, có thể thực hiện cùng một lúc Giai đoạn I và Giai đoạn II, đánh giá song song hiệu lực và tính an toàn. Nếu thấy một vaccine có hứa hẹn, có thể bắt đầu Giai đoạn III trước khi Giai đoạn II kết thúc.
Tiến hành đốt giai đoạn có nhiều rủi ro, bởi vì người ta vẫn chưa hiểu biết nhiều về Covid-19. Tuy nhiên, do tính cấp bách của trận đại dịch này, chúng ta bắt buộc phải cân bằng giữa tính an toàn và thời gian, nhưng không thể xem thường an toàn.
Có một ít thông tin cho thấy người đã bị nhiễm và khỉ được thử nghiệm có tính miễn nhiễm với Covid-19. Vì thế, trên lý thuyết có vaccine hữu hiệu cho bệnh này, tốt hơn là đối với bệnh không tạo miễn nhiễm – ví dụ như HIV và bệnh lao.
Kết quả thử nghiệm đầu tiên của một loại vaccine RNA vào tháng 3-2020 cho thấy có thể nhanh chóng tiến hành thử nghiệm trên người. Chúng ta vẫn chưa biết có loại vaccine nào tạo hiệu ứng miễn dịch, nhưng kế hoạch hiện giờ là đẩy nhanh thử nghiệm đến Giai đoạn II, và trước cuối năm đến Giai đoạn III.
Cần nhận thức rõ rằng phương tiện phòng vệ ở tuyến đầu không phải là vaccine. Đó là sự quản lý cơn dịch – kiểm soát, xét nghiệm, cách ly, theo dõi và trị liệu.
Theo Phúc Long (2020b).
David Nabarro, Giáo sư Trường Imperial College (London, Anh), khuyên công chúng không nên đặt tất cả hy vọng vào một loại văcxin ngừa Covid-19 vì rất khó để phát triển nó; “thích nghi” là điều duy nhất con người có thể làm trong tương lai sắp tới.
“Không phải loại virus nào cũng có văcxin hiệu quả và an toàn. Một số virus rất khó phát triển văcxin. Vậy nên trong tương lai trước mắt, chúng ta sẽ phải tìm cách sống chung với mối đe dọa thường trực này.
Điều đó có nghĩa là cách ly người có triệu chứng bệnh, người tiếp xúc gần; bảo vệ người lớn tuổi; tăng cường năng lực điều trị… Đây sẽ là điều bình thường mới đối với tất cả chúng ta”, GS Nabarro giải thích.
Phòng chống
Rửa tay
*** Rửa tay đúng cách và thường xuyên là một trong những biện pháp phòng chống hiệu quả nhất.
Những trường hợp phải rửa tay:
- Trước và sau khi làm bếp
- Trước khi ăn
- Trước và sau khi chăm sóc người có triệu chứng ho, nôn mửa hoặc tiêu chảy
- Trước và sau khi chăm sóc một vết thương
- Sau khi dùng nhà vệ sinh
- Sau khi thay tã cho em bé hoặc rửa ráy cho trẻ đã đi vệ sinh
- Sau khi bạn hắt hơi hay ho
- Sau khi sờ thú cưng hoặc phân thú
- Sau khi chạm tay vào thùng rác.
- Sau khi từ bên ngoài trở về nhà: lập tức rửa tay trước khi làm việc gì khác!
Phải rửa tay đúng cách, gồm 5 bước:
- Rửa với nước cho sạch bụi bặm và chất bẩn khác.
- Thoa xà phòng toàn bộ cho đến cổ tay.
- Kỳ cọ đủ các mặt của hai bàn tay trong 20 giây, hoặc khi hát Happy Birthday.
- Rửa bằng nước đang chảy từ vòi.
- Lau khô bằng giấy hoặc khăn sạch. Nếu dùng bồn rửa công cộng, dùng giấy đã lau tay để đóng vòi nước.
Xem video của Bộ Y tế Anh quốc:
https://www.nhs.uk/live-well/healthy-body/best-way-to-wash-your-hands/
Nước và xà phòng là cách tốt nhất. Nếu không có hai thứ này, CDC-Mỹ khuyên dùng dung dịch rửa tay chứa ít nhất 60% cồn (Vergun, 2020). Tuy nhiên, CDC-Mỹ cũng lưu ý về các sản phẩm rửa tay (hand sanitizer):
- không diệt được tất cả mầm bệnh
- không có hiệu lực khi tay bị bẩn thấy rõ, nhất là bẩn dầu mỡ
- không tẩy được hóa chất trừ sâu và kim loại nặng.
Đeo khẩu trang
Ban đầu, các tổ chức y tế và chính quyền nhiều nước khuyến cáo chỉ đeo khẩu trang khi đi vào vùng dịch, khi chăm sóc người mắc Covid-19, hoặc khi chính mình có triệu chứng. Ví dụ như:
- Trang web của WHO truy cập ngày 23-3-2020 vẫn không đổi như bao lâu nay: không khuyến khích người khỏe mạnh dùng khẩu trang.
- CDC-Mỹ từ lâu vẫn cho rằng khẩu trang không thể ngăn chặn những vật thể li ti trong không khí có thể gây nhiễm, và cũng vì khẩu trang không thể bịt kín khuôn mặt. (CDC, 14-3-2020). Vì thế, cho đến ngày 04-3-2020 vẫn có thông tin cho rằng khẩu trang chỉ được CDC-Mỹ khuyến cáo đối với người đã có triệu chứng phải đi ra khỏi nhà (Oaklander, 2020).
- Ngày 01-3-2020 Y sĩ Trưởng (Surgeon General) Mỹ khuyên dân Mỹ không nên đổ xô mua khẩu trang, nhằm để dành khẩu trang cho giới y tế sử dụng khi chăm sóc người bệnh (Balluck, 2020). Có vẻ như đây là lý do chính cho khuyến cáo này. Nhưng cách nói như thế đưa ra ý nghĩa ngược ngạo: khẩu trang có thể bảo vệ nhân viên y tế nhưng lại vô dụng đối với dân thường!?
- Cho đến 14-3-2020, ý kiến ở Anh quốc cũng cho rằng khẩu trang không thể bảo vệ người đeo (Gallagher, 2020).
- Trang web của Bộ Y tế Úc cập nhật ngày 25-3-2020 vẫn ghi người khỏe mạnh không cần dùng khẩu trang (Australian Department of Health, 2020).
*** Những ý kiến trên chưa xét đến yếu tố: ngay từ ngày 01-2-2020 Dr Anthony Fauci đã cho biết chắc chắn rằng người mang Covid-19 có thể lây bệnh khi không có triệu chứng, tức là người khỏe mạnh bề ngoài có thể đang lan truyền virus (Cohen & Bonifield, 2020). Trong tình hình này, làm thế nào biết ai đang bị nhiễm hay không để quyết định đeo hay không đeo khẩu trang? Trong khi bất kỳ nơi đâu cũng có thể là “vùng dịch”!
Phân tích được đăng tải ngày 20-3-2020 trên tạp chí được bình duyệt The Lancet, tóm tắt như sau (Shuo Feng et al., 2020):
Nhiều nước Châu Á dùng khẩu trang như là biện pháp vệ sinh, trong khi Châu Âu và Bắc Mỹ cho rằng chỉ người bệnh mới đeo khẩu trang. Từ sự khác biệt này mà gây ra những kỳ thị…
… Cần phân biệt giữa sự thiếu chứng cứ (absence of evidence) và chứng cứ không đủ (evidence of absence)… [Thiếu chứng cứ về hiệu lực không có nghĩa không có hiệu lực]
… Việc không khuyến khích người khỏe mạnh đeo khẩu trang một phần là vì lý do nguồn cung bị hạn chế, nên phải dành khẩu trang cho y bác sĩ chăm sóc bệnh nhân.
… Có chứng cứ cho thấy bệnh nhân có thể phát tán Covid-19 trước khi có triệu chứng. Vì thế, nếu mọi người đeo khẩu trang thì có thể hạn chế việc lây nhiễm trong cộng đồng.
… Cần xem xét việc sử dụng khẩu trang rộng rãi nếu nguồn cung cho phép … Đài Loan đã đi trước một bước bằng cách tạo một kho dự trữ đủ khẩu trang. Các quốc gia khác có thể xem xét việc này…
Ông Gao Fu, Giám đốc CDC-Trung Quốc, khuyến cáo việc đeo khẩu trang. Ông phát biểu như thế trong cuộc phỏng vấn được đăng tải ngày 27-3-3030 bởi tạp chí Science, một trong những tạp chí học thuật hàng đầu thế giới. Ông giải thích (Cohen, 2020; Song Minh, 2020):
Tôi nghĩ sai lầm lớn lao ở Mỹ và Châu Âu là người ta không đeo khẩu trang. Chủng virus này lây lan từ giọt dịch nhỏ và sự tiếp xúc. Giọt nhỏ có vai trò rất quan trọng – bạn phải đeo khẩu trang, bởi vì khi bạn nói chuyện, luôn có những giọt nhỏ bắn ra từ miệng bạn. Nhiều người bị nhiễm bệnh mà không có triệu chứng hoặc ở trong giai đoạn trước khi có triệu chứng. Nếu họ đeo khẩu trang, họ có thể ngăn những giọt bắn chứa virus thoát ra mà lây nhiễm cho người khác.
BS Tom Frieden, cựu giám đốc CDC, nói: “Khẩu trang ngăn chặn người đang mắc bệnh truyền virus cho người khác. Đó là tính cả những người không có triệu chứng. Chúng ta đã biết rằng người không có triệu chứng vẫn lan truyền virus.” (Roberts, 2020)
Như vậy, mục đích đeo khẩu trang ở đây là vừa phòng nhiễm bệnh từ người khác vừa phòng lây bệnh cho người khác. WHO, Bắc Mỹ và Châu Âu chú trọng đến việc phòng nhiễm bệnh nên cho rằng khẩu trang không có tác dụng, mà bỏ qua mục đích phòng lây bệnh.
Từ ngày 16/3, Việt Nam yêu cầu đeo khẩu trang tại các nơi công cộng có tập trung đông người như siêu thị, sân bay, nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng…
Cuối cùng, tuy muộn còn hơn không và tuy còn có giải pháp nửa vời, các giới chức phương Tây có nhận thức lại mà yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi đi ra nơi công cộng:
- Czech, Slovakia, Bosnia và Herzegovina, từ ngày 30-3-2020 (Tait, 2020; Trkanjec & Trubić 2020);
- Áo, từ ngày 30-3-2020, chỉ yêu cầu mang khẩu trang khi vào siêu thị (Capatides, 2020);
- Thành phố Los Angeles, từ ngày 02-4-2020 (Wise, 2020);
- Thành phố New York, từ ngày 02-4-2020, được khuyên “che mặt” để dành khẩu trang y tế cho nhân viên y tế (Winsor et al., 2020);
- Toàn nước Mỹ, từ ngày 03-4-2020, Tổng thống Trump khuyến khích dùng khăn quàng để che mặt, “không bắt buộc bởi vì có người không thích nên để tùy họ quyết định (Liptak, 2020).
- Các nước Đức, Séc, Hungari, Latvia… cũng nhìn nhận việc đeo khẩu trang có tác dụng phòng tránh dịch bệnh và khuyến cáo người dân đeo khẩu trang (Bích Liên, 2020).
- Mãi đến ngày 06-4-2020, Canada mới thay đổi quan điểm mà khuyến cáo việc đeo khẩu trang (Young, 2020).
Sự tranh cãi đeo khẩu trang hay không nơi công cộng chấm dứt ở đây.
Ngày 20/5, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Hongkong cho biết một thí nghiệm trên chuột hamster chứng minh khẩu trang có ích trong việc phòng chống Covid-19 (Micu, 2020; Turak, 2020). Đây là bằng chứng khoa học về hiệu năng của khẩu trang trong mục đích này.
Dùng khẩu trang đúng cách như sau:
- Loại N95 đắt hơn dùng để ngăn bụi mịn, chỉ dùng khi chất lượng không khí xuống thấp cần có công dụng thứ hai này, hoặc khi đi vào ổ dịch hoặc chăm sóc người bệnh.
- Phân biệt mặt nào ngoài và mặt nào trong, bởi vì mỗi mặt có chức năng khác nhau. Mặt quay ra ngoài (thường có màu xanh) là mặt chống nước, các giọt nước bọt lớn bắn vào sẽ không thấm vào trong; còn mặt quay vào trong có tính hút ẩm, để hơi thở thoát ra thấm vào khẩu trang.
- Khẩu trang phải che kín cả mũi lẫn miệng. Động tác đơn giản nhưng quan trọng: khi mới đeo khẩu trang, kéo mép trên lên cao rồi dùng tay ấn nhẹ rìa kim loại cho mép trên áp sát sống mũi, và kéo mép dưới thật thấp để khẩu trang che kín hoàn toàn mũi và miệng
Khi mang khẩu trang tuyệt đối không chạm tay vào mặt ngoài, kẻo tay bị dính mầm bệnh.
- Không có gì phải lăn tăn khi mang khẩu trang nói chuyện với bất cứ ai. Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Bệnh viện Nhi đồng I, TP.HCM cho rằng việc đeo khẩu trang rồi lại tháo xuống còn nguy hiểm hơn không đeo.
- Khi tháo khẩu trang chỉ được nắm dây đeo qua tai, không chạm tay vào phần khác của khẩu trang.
- Cho khẩu trang vào thùng rác có nắp đậy. Có thể mang theo một túi nhựa để cho khẩu trang vào và gấp hoặc xoắn túi nhựa lại.
- Khẩu trang loại dùng 1 lần không nên sử dụng quá 8 tiếng đồng hồ. Chỉ sử dụng 1 lần đối với khẩu trang dùng một lần.
- Rửa tay với xà phòng và nước sạch ngay sau khi vứt bỏ khẩu trang.
*** Cho đến những ngày trong khi soạn bài này, trên TV vẫn còn thấy những khẩu trang được đeo quá thấp, gần để lộ hai lỗ mũi ra ngoài. Đối với Covid-19, một sơ suất nhỏ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi đủ để bị nhiễm hoặc lây cho người khác!
Tiệt trùng khẩu trang y tế đã qua sử dụng
Theo PGS.TS Doãn Ngọc Hải, Viện Trưởng Viện Sức khoẻ Nghề nghiệp và Môi trưởng Y tế, Bộ Y tế, có thể dùng lò vi sóng (lò viba) để tiệt trùng khẩu trang y tế, khẩu trang vải (không có kim loại) đã qua sử dụng. Có 2 bước chính (Thúy Hạnh, 2020):
Bước 1: Phun/xịt nước khử khuẩn, nước sát trùng lên khẩu trang hoặc có thể thay thế bằng nước muối sinh lý 9‰ để tạo độ ẩm (nếu không xịt ẩm, khẩu trang sẽ bị cháy).
Bước 2: đặt khẩu trang vào lò vi sóng ở công suất viba 800W và quay trong 1 phút.
Ttrước khi quay cần tiệt trùng lò vi sóng sạch sẽ. Kết quả nghiên cứu của Viện Sức khoẻ Nghề nghiệp và Môi trưởng Y tế cho thấy, khẩu trang sau khi được tiệt trùng bằng cách này sạch tối đa (99,999999%). Đây chỉ là giải pháp tạm thời mùa dịch, chỉ áp dụng cho hộ gia đình và khẩu trang của ai người đó dùng.
Ra khỏi nhà trong mùa dịch
- Giảm thiểu đi ra ngoài nếu không thực sự cần thiết.
Khi đeo khẩu trang thì phải đeo cho đúng cách. Khẩu trang dễ tạo tâm lý ỷ lại về an toàn, do đó đeo không đúng cách tạo rủi ro cao.
- Mang kính cận hoặc kính râm để phần nào bảo vệ mắt, còn hơn là không mang gì.
- Không bắt tay với ai.
- Tay chạm càng ít càng tốt những bề mặt công cộng có nhiều người chạm tới: lan can, tay vịn, nắm cửa, vòi vặn nước, chốt xả bồn cầu, nút bấm ATM, nút bấm thang máy (chỉ bấm số tầng, không bấm cho cửa đóng nhanh)… Hoặc dùng khuỷu tay áo thay vì bàn tay để đẩy cánh cửa ra vào.
- Có thể xem xét dùng găng tay sợi (găng tay cao su dễ dính virus hơn).
- Không bao giờ để tay chạm mặt, mũi, mắt, miệng.
Giữ khoảng cách với người lạ. Những thông tin mới nhất (CDC 14-3-2020; Lee, 2020) vẫn khuyến cáo giữ khoảng cách 6 feet tức 1,8 m. Một poster của Bộ Y tế Úc đề ngày 20-3-2020 ghi khoảng cách 1,5 m, một hình ảnh của Singapore ngày 20-3-2020 ghi 1 m, còn Hà Lan khuyến cáo 1-2 m (RIVM, no date). Ít nhất, phải tuân thủ yêu cầu giữ giãn cách xã hội hiện hành. Xem thêm Phụ lục 3.
*** Cần giữ khoảng cách xa hơn nếu có thể được. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà dịch tễ học Trung Quốc đăng tải trên tạp chí khoa học được bình duyệt Practical Preventive Medicine ngày 06-3-2020, virus có thể lan xa 4,5 mét trên xe bus (Chen, 2020; Lapin, 2020a). Cũng nghiên cứu này cho biết trong không gian kín chạy máy điều hòa không khí, khoảng cách lây nhiễm có thể xa hơn khoảng cách an toàn thường được khuyến cáo.
Một nghiên cứu của MIT cho biết aerosol có thể mang virus đi xa 29 feet tức 9 mét, do đó nhà nghiên cứu Dr. Lydia Bourouiba đề nghị WHO và CDC khẩn trương xem xét lại lời khuyên về giãn cách xã hội (Bourouiba, 2020). Tuy nhiên, Dr. Paul Pottinger, giáo sư môn bệnh truyền nhiễm ở Trường Y Đại học Washington, cho rằng vấn đề không phải là virus lan đi bao xa, mà là gây bệnh trong khoảng cách bao xa. Nguy hiểm nhất vẫn là những giọt dịch lớn, giọt càng nhỏ càng gây rủi ro ít hơn. (Culver, 2020)
Kết quả ban đầu của các nhà nghiên cứu Trung Quốc được công bố ngày 10-4 trên tạp chí Emerging infectious diseases của CDC-Mỹ, nhận thấy virus có thể lan xa tới 4 mét. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng thận trọng cho rằng các số lượng nhỏ virus họ tìm thấy ở khoảng cách này không nhất thiết sẽ gây lây nhiễm. (D. Kim Thoa, 2020c.)
Tóm lại, ở khoảng cách xa hơn 2 mét, vẫn còn có nguy cơ nhiễm bệnh tuy nguy cơ có thể không cao.
- Khi mua hàng:
- Thay vì dùng giỏ hàng hoặc xe đẩy công cộng, mang theo túi đựng đã được rửa sạch để có thể chắc chắn bạn là người duy nhất cầm vào nó. Còn nếu sử dụng giỏ hoặc xe đẩy của cửa hàng, bạn nên mang theo lọ sát khuẩn tay.
- Khi cầm nắm món hàng, có thể sử dụng túi được cửa hàng cung cấp sẵn, đút tay vào bên trong túi rồi cầm nắm món hàng bằng mặt bên ngoài của chiếc túi.
- Hạn chế dùng tiền mặt. Nếu dùng thẻ để thanh toán, nhớ khử trùng thẻ thường xuyên và mang theo bút của mình để ký hóa đơn.
Xem thêm: Anh Minh (2020).
- Tắm gội lập tức sau khi về tới nhà.
*** Có thể tập thói quen mới: khi ra ngoài mang theo một lọ cồn nhỏ. Chỉ dùng tay phải để mở cửa, nhấn nút trong thang máy… Rồi dùng tay trái móc lọ cồn ra mà rửa tay phải. Trong chuyến đi ra ngoài có thể làm như thế dăm ba lần.
*** Nếu có thể, mang dép nhựa khi ra ngoài. Lúc về tới cửa nhà, xách dép nhựa mang ngay vào nhà tắm rồi lập tức tắm rửa, lau kính mắt, thay quần áo mới…
Một số yêu cầu của Việt Nam
Ngày 25-3, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi người dân giữ khoảng cách từ 2 m với người khác (Viết Tuân, 2020).
Ngày 26-3, Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo người dân không ra đường nếu không thực sự cần thiết (Lan Anh, 2020).
Thủ tướng chỉ thị cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày, bắt đầu từ 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2020 (Chỉ thị số 16/CT-TTg). Nguyên tắc là gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh …
Toàn dân được yêu cầu ở nhà, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu.
Khi cần giao tiếp cần đứng cách 2m và không tập trung quá hai người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.
Ghi chú: Bài này nêu các yêu cầu trên như là ví dụ cho biện pháp phòng dịch, vì thế sẽ không tổng hợp tất cả yêu cầu và cũng không theo dõi để cập nhật khi nào dỡ bỏ các yêu cầu này.
Một số biện pháp phòng chống khác trong mùa dịch
- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Dùng nhiều rau và quả. Vitamine C giúp hỗ trợ hệ miễn dịch.
- Ngủ đủ giấc.
- Không hút thuốc.
- Giữ tinh thần không căng thẳng. Đề nghị tìm nguồn vui khi gò bó trong nhà: nghe nhạc, xem phim, đọc sách, tìm việc gì đó vui thích để làm mà bình thường không có thời giờ để làm.
- Giữ người ấm; uống nước ấm (bệnh đường hô hấp kỵ nước có đá lạnh!)
- Giữ nhà thông thoáng, hạn chế dùng điều hòa không khí hoặc đừng để chế độ quá mát. virus sống lâu hơn trong không gian bít kín và nhiệt độ mát.
- Khi cháu về sau chuyến đi bên ngoài, ông bà khoan ôm cháu! Cho các cháu tắm rửa ngay sau khi về tới nhà.
- Trong một tòa nhà chúng cư, người ta dùng 1 tấm nhựa dán bên trên bảng nút bấm thang máy rồi cứ cách mỗi tiếng đồng hồ xịt thuốc diệt virus lên đó. Có thể áp dụng cách này cho ĐTDĐ và những vật dụng tương tự, tránh virus len vào các khe hở.
Trong văn phòng: thường xuyên làm sạch các bề mặt: mặt bàn, bàn phím vi tính, tay ghế, điện thoại, nút bấm máy photocopy và máy in… và các vật dùng thường được cầm nắm: núm cửa, lan can, tay vịn, cần xả bồn cầu. Cũng nên dán ngoài cửa vào khuyến cáo khách mang khẩu trang.
Bộ Quốc Phòng Mỹ khuyến cáo người Mỹ (mà người sống ở các nước khác nên tham khảo) chủng ngừa viêm phổi cho người từ 65 tuổi trở lên, trẻ em dưới 2 tuổi và người 19-64 tuổi hút thuốc, nhằm giảm nguy cơ nhiễm vi trùng vốn có thể làm suy yếu thêm khi nhiễm Covid-19 (Vergun, 2020).
Dược sĩ Christian Fehske, Giám đốc Điều hành hãng bào chế Rathaus-Apotheke Hagen ở Đức, chia sẻ về các biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả tại doanh nghiệp của ông như sau (Xuân Hoài, 2020):
- Hiện tại ở mỗi vị trí tư vấn chỉ có một nhân viên – trước đây là hai người. Hàng ngày, trước mỗi ca, mọi người đều phải đo thân nhiệt.
- Trước khi làm việc phải gội đầu. Theo một nguồn tin ở Trung Quốc thì virus có thể bám vào mi mắt hoặc tóc.
- Công ty thuê thợ lắp các tấm chắn bằng mica, để chắn không cho giọt dịch bắn vào nhân viên hoặc khách hàng ở quầy thu ngân.
- Mọi người đều mang đeo trang, không chỉ nhằm tránh mình bị lây nhiễm mà còn tránh lây nhiễm cho người khác nếu như bản thân mình đã nhiễm bệnh. Bởi vì hai ngày trước khi có biểu hiện bệnh, người ta đã bị lây nhiễm rồi.
Ghi chú: cho đến ngày 08-4-2020, nước Đức vẫn chưa yêu cầu người dân Đức đeo khẩu trang ngoài công cộng, và Thủ hiến Bang Bavaria đề nghị chính quyền liên bang phải ra yêu cầu này (The Local, 2020).
Làm vệ sinh ĐTDĐ trong mùa dịch
Mỗi ĐTDĐ có thể được chạm đến 2.000 lần mỗi ngày. Ước lượng ĐTDĐ có thể mang mầm bệnh gấp 10 lần số mầm bệnh được tìm thấy ở bồn cầu.
Theo Apple, các chất tẩy rửa gây hại cho lớp tráng trên màn hình có mục đích giữ sạch dấu vân tay và độ ẩm. Tương tự, Samsung cho biết Windex và chất lau kính khác có thể làm hại mặt hình Galaxy. Cách tốt nhất là dùng vải mềm không có sợi, nhúng nước ấm pha xà phòng để lau mobile. (Stieg, 2020)
*** Xà phòng không diệt virus; chỉ làm tan chất béo trên đó virus bám vào, do đó cuốn trôi đi virus. Vì thế, sau khi lau bằng nước xà phòng, cần lau lại vài lần bằng nước ấm sạch.
Lysol và Clorox diệt được Coronavirus không?
Theo CNN.COM (26-2-2020) và DiFlotio (2020), Clorox (chứa sodium hypochlorite, như Eau de Javel) có thể diệt SARS-CoV-2 trên mặt phẳng cứng, bởi vì đã được minh chứng đối với mầm bệnh tương tự như SARS, còn Lysol (thường chứa benzalkonium chloride hoặc hydrogen peroxide tức oxy già) cũng có thể diệt những virus tương tự như Coronavirus, nhưng chỉ trên mặt phẳng cứng (không có tác dụng trên bề mặt xốp như giấy và vải sợi.) Hai loại này có thể hữu ích trong việc lau chùi các bề mặt cứng nhiễm Coronavirus.
Tuy nhiên, ngay cả một công ty sản xuất sản phẩm làm sạch cũng nói cần có nghiên cứu để đưa ra thông tin khoa học chính xác.
Các sản phẩm lau tay (hand sanitizer) không đảm bảo hữu hiệu chống lại tất cả các chủng virus (CNN.COM, 26-2-2020).
*** Tránh xa nguồn lây nhiễm và rửa tay thường xuyên vẫn là những cách phòng chống hữu hiệu nhất.
Khăn giấy ướt diệt khuẩn và nước rửa tay
Một số sản phẩm khăn giấy ướt diệt khuẩn và nước rửa tay ghi trên bao bì là diệt được Coronavirus. Như trên đã nêu, Coronavirus là tên chỉ một nhóm virus, còn SARS-CoV-2 chỉ một chủng virus đặc thù. Vì thế, bác sĩ vạch rõ: “Ta không thể biết chắc. Phải đợi đến lúc ta hiểu rõ thêm về SARS-CoV-2.”
Các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc nói SARS-CoV-2 tương đồng với SARS đến 80%, và khăn giấy ướt diệt khuẩn có hiệu quả. Tuy nhiên, cần có thêm nghiên cứu để biết chắc.
Bác sĩ bảo ta cứ dùng, và CDC-Mỹ cũng khuyên dùng. Nhưng ta không thể biết chắc là luôn luôn hữu hiệu.
Tóm lại: các sản phẩm tẩy rửa có thể diệt Coronavirus, nhưng không phải đương nhiên là diệt được SARS-CoV-2.
*** Phải quay về cơ bản: giữ gìn vệ sinh, ngăn nắp trong nhà, lau chùi các mặt cứng thường xuyên, và rửa tay thường xuyên vẫn là những cách thức hữu hiệu nhất.
Các loại hóa chất có công dụng diệt Coronavirus
Các chất và hàm lượng có công dụng chống lại Covid-19 là (NEA Singapore, 2020):
- Sodium hypochlorite (0.1 – 0.5%)
- 70% ethyl alcohol
- Povidone-iodine (1% iodine)
- Chloroxylenol (0.12%)
- 50% isopropanol
- 05% benzalkonium chloride
- 50ppm iodine in iodophor
- 23% sodium chlorite
- Accelerated hydrogen peroxide (0.5%)
Một số điểm cần chú ý trước khi dùng các chất trên (NEA Singapore, 2020):
- Thực hiện theo hướng dẫn sử dụng.
- Trách để hóa chất vương vào mắt và da [kể cả niêm mạc mũi, miệng…]
- Để hóa chất tránh xa trẻ em.
- Không pha trộn các loại sản phẩm khác nhau.
- Sử dụng trong điều kiện thoáng khí.
- Đối với bề mặt hoặc chất liệu vị nhiễm bẩn cao, không dùng phương pháp xịch, và dành thời gian đủ cho tác dụng diệt mầm bệnh (xem chỉ dẫn trên sản phẩm).
Làm sạch trong nhà
Nếu có nghi ngờ nhà của bạn bị nhiễm Covid-19, NEA Singapore (2020) chỉ ra 5 bước sau.
- Mang khẩu trang, găng tay, rồi pha dung dịch tẩy rửa. Mở các cửa sổ để tạo thoáng khí. Tránh đưa tay chạm mặt và mắt.
- Lau tất cả mặt sàn. Dùng giẻ lau bồn cầu và những bề mặt thường được sờ đến: tay vịn, nắm cửa, tay ghế, công tắc điện, [nút mở vòi nước, nút bàn cầu, bàn phím, remote control, mặt bàn…] Không dùng bình xịt (spray pack) vì việc này có thể phát tán virus đi xa hơn.
- Cho vào máy giặt áo gối, vải trải giường, chăn màn, [vải phủ sofa….]
- Lau lại tất cả mặt sàn, nhưng tránh đi từ khu vực bẩn đến khu vực sạch. Tháo khẩu trang, găng tay, rồi rửa tay. Cho các loại rác nhiễm bẩn vào bao/thùng riêng biệt.
- Tắm rửa, thay quần áo sạch, rồi mở quạt gió trong các phòng. Những người trong nhà không dùng chung các vật dụng cá nhân kể cả [ly tách, muỗng nĩa…], lau hoặc rửa các vật dụng này thường xuyên bằng nước xà phòng. Vì lẽ virus có thể sống tồn trên các bề mặt khác nhau trong 2-3 ngày [có thể lâu hơn], phải làm sạch các bền mặt này thường xuyên. Không tiếp khách cho đến khi nhà bạn được làm sạch.
NEA Singapore (2020) cũng khuyến cáo: Dùng dung dịch bleach (sodium hypochlorite) 1000 ppm (1 phần ngàn) hoặc theo chỉ dẫn của nhà sản xuất. Có thể dùng isopropyl 70% hoặc ethyl alcohol 70% cho các bề mặt không thể dùng chlorine.
Cách ly tại nhà
Theo CDC-Mỹ, phần lớn người nhiễm Covid-19 có triệu chứng nhẹ và có khả năng khỏi bệnh ở nhà mà không cần có chăm sóc y tế (CDC, 25-3-2020). Vì thế, một số quốc gia có thể yêu cầu người nhiễm bệnh nhẹ tự cách ly ở nhà.
Dưới đây là những hướng dẫn cho người được cách ly tại nhà (CDC, 25-3-2020; Thu Phương, 2020; Vinmec, 2020):
- Ở trong một phòng riêng; nếu không thì giường ngủ đặt riêng một góc và cách xa giường ngủ của người khác ít nhất 2m, càng xa càng tốt.
- Phòng cách ly đảm bảo thông thoáng khí, không chạy máy điều hòa không khí, hạn chế những vật dụng không cấp thiết.
- Nếu có thể, ở cuối hướng gió so với những người khác.
- Tìm cách đón ánh nắng chiếu vào phòng cách ly, và phơi nắng 20-30 phút mỗi sáng sớm.
- Nếu có thể, dùng riêng phòng tắm và nhà vệ sinh.
- Dùng riêng vật dụng cá nhân.
- Rửa tay đúng cách (xem mục “Rửa tay” ở trên).
- Luôn đeo khẩu trang đúng cách (xem mục “Đeo khẩu trang” ở trên).
- Luôn có khăn vắt vai để khi ho hoặc hắt hơi có ngay khăn này mà che miệng.
- Điều khiển tivi, điện thoại di động và vật dụng tương tự: bỏ trong túi khóa ziplock hoặc túi nilong để diệt khuẩn cho dễ.
- Giữ khoảng cách xa người khác, không tiếp xúc trực tiếp với người khác khi không cấp thiết.
- Hạn chế ra khỏi phòng riêng khi không cần thiết, nhưng nên đi dạo hoặc tập thể dục ngoài trời.
- Tự đo nhiệt độ cơ thể ít nhất 2 lần/ngày (không đo vào buổi sáng), ghi chép kết quả đo và tình trạng sức khỏe chung vào phiếu theo dõi sức khỏe hằng ngày. Nếu thân nhiệt cao hơn 37,5 °C ở hai lần đo liên tiếp, phải đến khám ngay tại cơ sở y tế (Quyết định 1344/QĐ-BYT ngày 25 tháng 3 năm 2020).
- Thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào túi đựng rác thải riêng và để gọn vào góc phòng của người được cách ly.
- Hằng ngày làm sạch nền nhà và các bề mặt (xem mục “Làm sạch trong nhà” ở trên).
- Nên giặt giũ áo gối, vải trải giường… thường xuyên hơn bình thường.
- Tránh để họng bị khô, nên thường xuyên uống nước ấm. Súc miệng họng bằng nước muối hoặc dung dịch vệ sinh miệng họng thông thường. Vệ sinh mũi họng; có thể giữ ẩm mũi bằng cách nhỏ dung dịch nước muối sinh lý.
- Ngủ đủ giấc (7-8 tiếng đồng hồ mỗi ngày đối với người lớn), và ngủ có điều độ theo thời khóa biểu như trước khi cách ly.
- Nếu phải đi ra ngoài, người trong thời hạn cách ly tránh dùng phương tiện chuyên chở công cộng, taxi, hoặc đi nhờ xe người khác.
- Cần ghi lại nhật ký tiếp xúc hằng ngày để nếu sau này có ca bệnh thì chính quyền dễ khoanh vùng đối tượng cần tìm.
- Đối với người được cách ly vì nghi nhiễm: Khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: sốt, ho, khó thở, thông báo ngay cho giới chức y tế được phân công phụ trách theo dõi cách ly.
- Đối với người được cách ly vì bệnh nhẹ: Khi có một trong các triệu chứng trở nặng hơn, thông báo ngay cho cơ sở y tế được chỉ định.
- Mọi người tìm cách giữ tinh thần thư thái, đọc sách, nghe nhạc, xem phim, tìm việc hữu ích mà làm… để tránh thời giờ trống trải.
Người được cách ly nên cố gắng làm những việc trên để có cơ hội vận động và đỡ có thời giờ trống trải.
Ứng xử trong việc cách ly
Anh Trần Thống Nhất, trở về từ Thái Lan và được cách ly, chia sẻ (Bùi Thư, 2020):
Tôi hơi hồi hộp vì phải sống 14 ngày ở một nơi mà không phải là nhà của mình. Nhưng khi nghĩ tới lợi ích chung, nếu mình có bệnh sẽ được chữa trị kịp thời và không lây lan cho người khác thì tôi thấy ổn hơn.
… Tâm lý người trẻ khi mệt mỏi mà nhận phòng điều kiện không tốt thì sẽ thấy mệt, không kìm nén được nên than thở là điều bình thường. Bản thân tôi cảm thấy hơi hụt hẫng vì lúc đó khá mệt và phải dọn dẹp nhiều. Nhưng khi qua cái cảm giác tiêu cực ban đầu thì tôi hiểu được rằng hệ thống cách ly đang quá tải, nhà nước đâu thể nào kịp hỗ trợ hết, nên phải kiên nhẫn một tí.
… Tôi mong mọi người có lòng bao dung với nhau. Người bên ngoài nên thông cảm và rộng lòng một tí. Người trong khu cách ly bớt than vãn một tí. Vì nếu đặt bản thân vào vị trí đó thì sẽ dễ thấu hiểu cho nhau hơn, nhất là trong cơn đại dịch này.
Ngăn chặn sự lan truyền của thông tin sai lạc
Những gì bạn có thể làm để ngăn chặn sự lan truyền của thông tin sai lạc là như sau (Carmichael & Spring, 2020):
Dừng lại và suy nghĩ. Các chuyên gia nói rằng điều số một bạn có thể làm để ngăn chặn thông tin sai lệch là chỉ cần dừng một chút và suy nghĩ, kiểm tra thêm.
Kiểm tra nguồn tin. Trước khi chuyển tin, hãy hỏi điều cơ bản là thông tin này đến từ đâu. Nên đề cao cảnh giác nếu nguồn tin đến từ “bạn của một người bạn” hoặc “hàng xóm của đồng nghiệp của dì tôi”.
Tin đó có thể là giả? Nhìn thoáng qua, thông tin giả trông rất giống thật. Ví dụ, ảnh chụp màn hình có thể được sửa đổi để làm cho nó trông giống như tin đến từ một cơ quan đáng tin cậy.
Có lẽ tin này đúng? Đừng chuyển tiếp mọi tin chỉ vì “may ra tin này đúng”, làm như thế bạn sẽ gây ra nhiều tai hại hơn là lợi ích. Hãy chắc chắn rằng bạn đã suy nghĩ kỹ về những nghi ngờ của mình.
Kiểm tra từng sự việc một. Có một đoạn audio được lưu hành rộng rãi trên WhatsApp. Người đọc trong audio này nói rằng cô ấy đang dịch lời khuyên từ một “đồng nghiệp có một người bạn” làm việc tại một bệnh viện. Đoạn audio này được gửi tới BBC bởi hàng chục người trên khắp thế giới. Nhưng đó là khúc audio pha trộn của những lời khuyên chính xác và không chính xác.
Coi chừng bài viết gây đầy cảm xúc. Những bài viết gây cảm xúc có nội dung khiến chúng ta sợ hãi, tức giận, lo lắng hoặc vui mừng, thường hay được chia sẻ rất nhanh, và lan đi còn rộng và xa hơn virus. Những lời kêu gọi người đọc phải có hành động cấp thiết được viết ra để làm tăng sự lo lắng – vì vậy hãy cẩn thận.
Nghĩ về những thành kiến. Có phải bạn đang chia sẻ điều gì đó vì bạn biết đó là sự thật – hay chỉ vì bạn đồng ý với những gì được viết? Chậm lại để có thì giờ suy nghĩ, phân tích và kiểm chứng.
Diễn giải một số thắc mắc
Có thể bị nhiễm qua thư từ và gói chuyển phát nhanh hay không?
Rủi ro là rất nhỏ, nhưng không thể loại bỏ hoàn toàn. Nên mở gói và bỏ giấy gói, dây cột… vào thùng rác bên ngoài nhà, rồi rửa tay đúng cách. (KidsHealth, Mar-2020; RIVM, no date).
Người bệnh có thể dùng thuốc gì?
Để giúp hạ sốt trong khi chờ chữa trị, WHO cho biết có thể dùng acetaminophen [hay còn được gọi là paracetamol] hoặc ibuprofen (Havard Medical School, 20-3-2020).
Có thể dùng một số thuốc không cần toa bác sĩ như sau (Watson-Fisher, 2020):
- acetaminophen (Tylenol) dùng được an toàn với Covid-19
- dextromethorphan (Robitussin) để giảm ho
*** Người yếu gan phải thận trọng với acetaminophen. Tham khảo bác sĩ của bạn.
Xét nghiệm đáng tin cậy đến đâu?
Nếu phương pháp đúng chuẩn và xét nghiệm cho kết quả dương tính thì có phần chắc là đã nhiễm bệnh, nhưng kết quả âm tính có thể cho kết luận sai, do thủ thuật lấy mẫu có sai sót hoặc phương pháp xét nghiệm không chuẩn. Hiện giờ người ta vẫn chưa biết trong tiến trình của cơn bệnh thì thời điểm nào xét nghiệm chắc chắn cho kết quả dương tính (Havard Medical School, 20-3-2020)
Phụ nữ mang thai có nguy cơ ra sao?
Không có nguy cơ sẩy thai hoặc sinh con dị dạng. Theo những thông tin hiện có, có vẻ như hậu quả của việc thai phụ nhiễm Covid-19 không khác với những bệnh gây sốt khác (RIVM, no date).
Thú cưng bị nhiễm Covid-19 không?
Hồng Kông xác nhận chó cảnh cũng nhiễm Covid-19 (Hải Yến, 2020). Kết luận của Bộ Nông nghiệp, Ngư nghiệp và Bảo tồn Hong Kong: Mèo và chó nuôi không thể truyền Covid-19 sang cho người, nhưng chúng có thể xét nghiệm dương tính với mầm bệnh ở mức độ thấp nếu chúng bị lây từ chủ (VOA, 07-3-2020).
Hong Kong ghi nhận thêm một chú chó mắc Covid-19. Chủ vật nuôi được nhắc nhở duy trì các thói quen vệ sinh tốt, tránh hôn vật nuôi, đồng thời giữ cho môi trường trong nhà được sạch sẽ và vệ sinh. Hiện không có bằng chứng cho thấy thú nuôi có thể truyền virus SARS-CoV-2 sang người (TTXVN, 20-3-2020).
Để đảm bảo an toàn, người bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh không nên tiếp xúc với thú cưng. Bất kỳ người nào tiếp xúc khi chăm sóc thú cưng phải mang khẩu trang, rửa tay trước và sau khi chăm sóc (KidsHealth, Mar-2020).
Một con mèo tại Bỉ bị nhiễm virus một tuần lễ sau khi người chủ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng nhiễm bệnh. Nhà virus học Steven Van Gucht nhấn mạnh rằng đây là trường hợp cá biệt, và nguy cơ lây truyền từ động vật sang người là rất nhỏ. Con mèo lộ triệu chứng tiêu chảy, nôn mửa, khó thở, rồi khỏi bệnh sau 9 ngày. Đây là trường hợp đầu tiên trên thế giới mèo bị nhiễm Covid-19 từ chủ nuôi (Bryner, 2020; Tạ Ban, 2020).
Buồng khử khuẩn toàn thân di động an toàn không?

Bộ Y tế Việt Nam có ý kiến về việc sử dụng buồng khử khuẩn toàn thân di động để phòng chống Covid-19 như sau (D.Thu, 2020; Thùy Linh, 2020):
- Buồng khử khuẩn toàn thân với các hóa chất dạng phun sương dung dịch clo hoạt tính có thể gây hại cho sức khỏe con người, nhất là người già, trẻ em và những người có bệnh đường hô hấp.
- Không có khuyến cáo dùng ozone để khử khuẩn quần áo, da người trong điều kiện bình thường.
- Hiện chưa có nghiên cứu nào được công bố chỉ ra dung dịch clo hoạt tính dạng phun sương có tác dụng khử khuẩn quần áo, da người trong vòng 30 giây. Clo hoạt tính dạng phun sương dễ xâm nhập vào đường hô hấp và phổi gây hại cho con người khi hít phải.
- Tổ chức Y tế Thế giới không khuyến cáo áp dụng phương pháp phun sương trong khử khuẩn bề mặt.
- Đề xuất về việc sử dụng buồng khử khuẩn toàn thân chưa được hội đồng khoa học cấp Bộ thông qua do chưa đủ tài liệu minh chứng, cần được đánh giá về hiệu quả diệt virus và an toàn đối với người sử dụng.
- Để đảm bảo an toàn, không nên sử dụng buồng khử khuẩn toàn thân di động chưa được cấp phép.
Virus sống tới 9 ngày trên bề mặt đồ vật?
Cư dân trên mạng xã hội xôn xao báo động: “Virus corona có thể sống tới 9 ngày”.
Thực ra, đây là thông tin mà các nhà khoa học Đức đưa ra khi nghiên cứu về các chủng cùng nhóm Coronavirus, như SARS và MERS. Theo tạp chí Sciences et Avenir, trong nghiên cứu nói trên, các nhà khoa học Đức xác nhận virus có thể sống sót trên bề mặt nhiều đồ vật “từ 2 giờ đến 9 ngày” (Đức Tâm, 2020).
Giải đáp thắc mắc khác
Theo WHO (no date):
- Không có chứng cứ cho thấy bệnh có thể lây qua đường muỗi đốt.
- Máy sấy tay không diệt được virus.
- Không nên dùng đèn UV để diệt virus trên da.
- Các loại vaccine ngừa viêm phổi không ngừa được Covid-19.
- Xịt mũi bằng nước muối thường xuyên có thể giúp khỏi bệnh cúm mùa nhanh hơn, nhưng không có hiệu lực ngăn chặn bệnh hô hấp.
- Tỏi có đặc tính chống vi trùng, nhưng trong cơn dịch hiện nay không có chứng cứ cho thấy ăn tỏi bảo vệ chống Covid-19.
- Hiện không có thuốc nào được khuyến cáo dùng để phòng hoặc chữa Covid-19.
Theo FRI (08-4-2020):
- Xông hơi bằng nước muối và vỏ cam không chống được Covid-19
- Hơi nước có thể làm dịu triệu chứng, song không diệt được virus
- Việt Nam cũng bác bỏ lập luận xông hơi diệt được Covid-19
- Uống nước nóng, chanh và thuốc muối không chữa được Covid-19
- Thuốc mỡ có kháng sinh không hiệu quả với Covid-19.
Cảnh báo
Bệnh sởi
Cần đề phòng bệnh sởi bộc phát trong cơn dịch Covid-19, nếu cha mẹ e ngại mang con cái đi chủng ngừa bệnh sởi vì sợ con em bị lây Covid-19 ở cơ sở y tế, hoặc nếu giới chức y tế lơ là chương trình chủng ngừa sởi trong khi bận lo đối phó với dịch Covid-19. UNICEF cho biết 117 triệu trẻ em ở 37 quốc gia có thể đang chịu rủi ro vì không được chủng ngừa kịp thời. Bởi lẽ bệnh sởi lây lan rất nhanh, bất kỳ ổ dịch sởi dù nhỏ có thể gây hậu quả nghiêm trọng. (Roberts, 2020b). Theo WHO, ngay cả khi chưa có đại dịch Covid-19, bệnh sởi đã có chiều hướng tăng cao trở lại. Năm 2017 thế giới có khoảng 124.000 tử vong do bệnh sởi, và năm 2018 con số này là 142.300 (Hoffman, 2020).
Trong khi đó, trẻ em chỉ cần hai mũi vaccine sởi-quai bị-rubella sẽ có khả năng phòng bệnh cao, lên đến 95%, theo Vinmec.
Kết luận
Càng ngày càng có thêm thông tin cho thấy bệnh Covid-19 có sức lây nhiễm mạnh và dễ dàng, vì thế mọi người phải luôn luôn thực hiện đúng cách các biện pháp bảo vệ. Không hoang mang, không quá lo lắng, nhưng phải luôn cảnh giác! Chỉ cần nhận định đúng và làm những việc cần làm để bảo vệ cho mình, những người thân và cộng đồng.
Đối với một số chủ đề về phòng chống gây tranh cãi, nguyên tắc nên áp dụng là cẩn tắc vô ưu, có nghĩa càng thận trọng thì càng yên tâm. Ví dụ rõ ràng là việc đeo khẩu trang. Trong một thời gian dài phương Tây vẫn cho rằng không có bằng chứng cho thấy việc này là có lợi trong khi một chuyên gia Trung Quốc nêu rõ không có bằng chứng không có nghĩa là không có lợi. Vì thế mà người Châu Á được bảo vệ do mang khẩu trang ngoài công cộng, trong lúc WHO, Bắc Mỹ, Châu Âu và Úc quên mất câu người phương Tây thường nói khi phân vân giữa việc làm hay không làm: play safe.
Một ví dụ khác là do định nghĩa dịch tễ học của thuật ngữ “airborne”, WHO phát biểu – và được dịch ra cho người không chuyên môn – rằng virus không lây qua đường không khí, khiến cho có nguồn viết rằng virus này không phải là airborne nhưng chắc chắn là được mang trong không khí (“borne by air”).
Người tổng hợp bài này tâm đắc với ý nghĩ của luật sư Hoàng Đức Thắng (2020):
Về mặt cá nhân, tôi nghĩ mùa dịch này là lúc chúng ta hãy thêm yêu đời và yêu người, hãy ở bên các bậc cha mẹ và người thân già yếu, hãy làm những việc mình còn đắn đo, hãy chăm sóc và nâng niu những gì mình đã lỡ làng…
Có thể, chúng ta không có được sự uyên thâm của các chuyên gia, chúng ta chẳng có được sự cân nhắc các lợi ích đa chiều như của các nhà chính trị; và thậm chí, chúng ta cũng chẳng có được sự tự quyết bất đắc dĩ của “người tiêu dùng/người dân thông thái”.
Nhưng có lẽ, chúng ta sẽ duy trì được sự bình tĩnh và điềm đạm để đón nhận và xử lý sự việc bằng nhận thức và hiểu biết chung…
Phụ lục
Phụ lục A: Phương pháp làm sạch các bề mặt
Lưu ý: những hình ảnh dưới đây là từ một công ty chế tạo dung dịch tẩy rửa, nhưng các dữ liệu là tin được. Đã xóa hình ảnh quảng cáo sản phẩm.
Phụ lục B: Ví dụ về poster nhắc nhở khi ho
Sợ nhất là thấy người ta ho hay hắc xì ngoài không khí. Nếu thấy thói xấu đó, dán trên cánh cửa ra vào văn phòng hoặc cửa nhà mình graphic dưới đây để nhắc nhở mọi người.
Phụ lục C: Ví dụ về giữ khoảng cách xã hội trong mùa dịch Covid-19
Phụ lục D: Ví dụ về nghĩa cử trong mùa dịch
Máy “ATM gạo” phát gạo miễn phí
Một hệ thống máy tự động hoạt động như ATM, chỉ cần nhấn nút sẽ có khoảng 1,5 kg gạo chảy xuống một bao nylon. Máy hoạt động 24/24h tại số 204B đường Vườn Lài, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh
Sẵn làm trong nghề tự động, anh Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công ty PHGLock, cùng nhóm nhân viên tận dụng máy móc có sẵn của công ty chế tạo ra chiếc máy phát gạo tự động.

Chiếc máy cũng giám sát người tới lấy gạo: nếu lấy gạo quá 1 lần, máy sẽ không rót gạo xuống.
Để phòng ngừa dịch bệnh, nhân viên Công ty PHGLock liên tục dùng loa kêu gọi mọi người đứng giãn cách nhau 2 m; đồng thời quy định khu vực không tập trung quá 10 người, sai quy định máy sẽ ngừng hoạt động. Ngoài việc phát gạo miễn phí, Công ty cũng bố trí một quầy rửa tay khô và phát khẩu trang miễn phí cho người dân. (H.Chung, 2020)
Tiếng lành đồn xa, câu chuyện về chiếc “ATM gạo” lan tỏa. Người dân nghe tin về hành động hiệp nghĩa của anh Tuấn Anh nên tới tiếp sức cùng anh trong việc hỗ trợ người khó khăn.
Sáng 08-4, nhiều người Saigon đến góp gạo cho chiếc máy “ATM gạo”. Người vài chục ký, người hơn tạ, có người góp vài tạ. Kho gạo để giúp đỡ cho người khó khăn bỗng chốc đầy ắp hẳn lên. Có người còn góp tiền để Anh Tuấn mua thêm gạo. (Le Phan, 2020)
Phụ lục E: Tiêu chí an toàn của cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống
Ngày 23-4-2020, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Tp HCM ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP.
Tiêu chí 1: Hồ sơ nguồn gốc nguyên liệu có ghi chép theo dõi sổ tự kiểm thực 3 bước, có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm hoặc hợp đồng cung cấp thực phẩm, hồ sơ tự công bố (nếu có theo quy định).
Tiêu chí 2: Khu vực nhập hàng, kho bảo quản thực phẩm đảm bảo theo quy định của ngành chức năng, có chế độ vệ sinh định kỳ đảm bảo sạch, sắp xếp ngăn nắp, không bị côn trùng xâm nhập.
Tiêu chí 3: Khu vực sơ chế có đầy đủ trang thiết bị đảm bảo an toàn sơ chế, cống rãnh thông thoát nước, được che đậy và không bị ứ đọng, thực phẩm được kê cao, có dụng cụ thu gom rác thải có nắp đậy, có dụng cụ sơ chế riêng đối với thực phẩm tươi sống.
Tiêu chí 4: Khu vực chế biến thực phẩm có trang bị phương tiện phòng chống côn trùng và động vật gây hại, có dụng cụ chế biến đảm bảo vệ sinh, chế biến trên bàn cao cách mặt đất tối thiểu 60cm, có phương tiện rửa tay cho nhân viên trực tiếp chế biến thực phẩm.
Tiêu chí 5: Khu vực ăn uống yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu giữa 2 người là 1m và diện tích tối thiểu bố trí 3 m2 cho mỗi người hoặc chiều cao vách ngăn cố định cách ly giữa 2 người ăn là 1m trên bàn ăn trong khu vực phục vụ ăn uống.
Tiêu chí 6: Khu vực ăn uống thông thoáng, có trang bị đầy đủ nước rửa tay, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, có dụng cụ làm khô tay hoặc khăn làm khô tay sử dụng 1 lần.
Tiêu chí 7: Bàn ghế phải sát khuẩn thường xuyên trước và sau khi sử dụng.
Tiêu chí 8: Dụng cụ ăn uống có tủ bảo quản riêng, đũa, muỗng, nĩa… phải được rửa sạch, khô và bao kín; không được để trên bàn khi chưa phục vụ ăn uống.
Tiêu chí 9: Người chế biến, người phục vụ, người vận chuyển phải được đeo khẩu trang, đo nhiệt độ bằng nhiệt kế chuyên dụng cho nhân viên khi vào làm việc và khách khi vào ăn uống.
Tiêu chí 10: Có đầy đủ nước rửa tay, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn cho người chế biến, người ăn, người giao nhận thực phẩm.
Phụ lục F: Ảnh đánh lừa thị giác về giãn cách xã hội
Hai nhiếp ảnh gia Đan Mạch Ólafur Steinar Gestsson và Philip Davali chụp những bức ảnh thú vị cho thấy đôi khi những góc chụp khác nhau có thể dẫn đến sự cảm nhận khác nhau trong dịch Covid-19. Ở mỗi đôi ảnh dưới đây, ảnh trên chụp zoom và ảnh dưới chụp tele, cho thấy nhận định khác biệt về thực hiện giãn cách xã hội.
Nguồn tham khảo và đọc thêm
Abdelmalek, M. et al. (2020). Coronavirus death toll in US likely worse than numbers say. https://abcnews.go.com/Health/coronavirus-death-toll-us-worse-numbers/story?id=70018321 – truy cập 07-4-2020
Allen, K. (2020). Ontario is not reporting more than 1,000 likely COVID-19 cases. https://www.thestar.com/news/canada/2020/04/01/ontario-is-not-reporting-more-than-1000-likely-covid-19-cases.html – truy cập 07-4-2020
Andersen, K.G. et al. (2020). “The proximal origin of SARS-CoV-2”, Nature Medicine, 17 March.
Anh Minh (2020). 10 lưu ý giúp bạn tránh lây nhiễm Covid-19 khi phải đi mua sắm trong thời dịch. http://baodansinh.vn/10-luu-y-giup-ban-tranh-lay-nhiem-covid-19-khi-phai-di-mua-sam-trong-thoi-dich-2202026384647959.htm – truy cập 26-3-2020
Anh Thư (2020). Mỹ bổ sung thêm các triệu chứng nhận diện nhiễm COVID-19. https://tuoitre.vn/my-bo-sung-them-cac-trieu-chung-nhan-dien-nhiem-covid-19-20200425131035054.htm – truy cập 25-4-2020
Australian Department of Health (no date). Novel coronavirus (COVID-19). https://www.health.gov.au/sites/default/files/documents/2020/03/coronavirus-covid-19-information-for-clinicians.pdf – truy cập 23-3-2020
Australian Department of Health (2020). How to protect yourself and others from coronavirus (COVID-19), Last updated: 25 March 2020. https://www.health.gov.au/news/health-alerts/novel-coronavirus-2019-ncov-health-alert/how-to-protect-yourself-and-others-from-coronavirus-covid-19
Bacon, J. (2020). 75,000 ill, 2,000 deaths, many thousands recovered: Can you get coronavirus twice? https://www.usatoday.com/story/news/nation/2020/02/19/coronavirus-after-2000-deaths-can-you-get-virus-again/4804905002/ – truy cập 23-3-2020
Bảo Hà (2020). Nguy cơ mắc COVID-19 từ việc ra ngoài chạy bộ, tập thể dục cao đến đâu? https://baomoi.com/nguy-co-mac-covid-19-tu-viec-ra-ngoai-chay-bo-tap-the-duc-cao-den-dau/c/34682395.epi – truy cập 19-7-2020
Balluck, K. (2020). Surgeon general: Stop buying masks. https://thehill.com/policy/healthcare/485332-surgeon-general-stop-buying-masks – truy cập 23-3-2020
Bảo Anh et al., (2020). Dịch COVID-19 chiều 25-4: Việt Nam 0 ca nhiễm mới, Mỹ 925.000 người nhiễm. https://tuoitre.vn/dich-covid-19-chieu-25-4-viet-nam-0-ca-nhiem-moi-my-925-000-nguoi-nhiem-20200425132026981.htm – truy cập 25-4-2020
Bảo Hà (2020). Nguy cơ mắc COVID-19 từ việc ra ngoài chạy bộ, tập thể dục cao đến đâu? https://baomoi.com/nguy-co-mac-covid-19-tu-viec-ra-ngoai-chay-bo-tap-the-duc-cao-den-dau/c/34682395.epi – truy cập 20-4-2020
BBC.COM (26-Jan-2020). Virus corona: Không có dấu hiệu bệnh nhưng vẫn có thể phát tán bệnh. https://www.bbc.com/vietnamese/world-51253848 – truy cập 23-3-2020
Belluck, P. (2020). Younger adults make up big portion of Coronavirus hospitalizations in U.S. https://www.nytimes.com/2020/03/18/health/coronavirus-young-people.html – truy cập 23-3-2020
Bendix, A. (2020). A day-by-day breakdown of coronavirus symptoms shows how the disease, COVID-19, goes from bad to worse. https://www.businessinsider.com/coronavirus-covid19-day-by-day-symptoms-patients-2020-2 – truy cập 23-3-2020
Bích Liên (2020). Các nước châu Âu thừa nhận tác dụng của khẩu trang trong phòng dịch. https://www.vietnamplus.vn/cac-nuoc-chau-au-thua-nhan-tac-dung-cua-khau-trang-trong-phong-dich/632089.vnp – truy cập 03-4-2020
Bình An (2020). Ông Trump: Các thuốc trị COVID-19 sắp thử nghiệm có thể là ‘quà từ Thượng đế’. https://tuoitre.vn/ong-trump-cac-thuoc-tri-covid-19-sap-thu-nghiem-co-the-la-qua-tu-thuong-de-20200324071836863.htm – truy cập 24-3-2020
Bình Giang (2020). Trung Quốc có thể còn 200.000 người mắc COVID-19 thầm lặng. https://soha.vn/trung-quoc-co-the-con-200000-nguoi-mac-covid-19-tham-lang-20200401193524564rf20200401193524564.htm – truy cập 01-4-2020
Bourouiba, L. (2020). “Turbulent gas clouds and respiratory pathogen emissions Potential – Implications for reducing transmission of COVID-19”, Journal of American Medical Association, 26 Mar 2020. https://jamanetwork.com/journals/jama/fullarticle/2763852?appId=scweb – truy cập 01-4-2020
Brethauer, S. (2020). Why is obesity a risk factor for severe COVID-19 symptoms? https://wexnermedical.osu.edu/blog/why-is-obesity-a-risk-factor-for-severe-covid19-symptoms – truy cập 07-4-2020
Bryner, J. (2020). Cat infected with COVID-19 from owner in Belgium. https://www.livescience.com/cat-infected-covid-19-from-owner.html – truy cập 31-3-2020
Busari, S. & Adebayo, B. (2020). Nigeria records chloroquine poisoning after Trump endorses it for coronavirus treatment. https://edition.cnn.com/2020/03/23/africa/chloroquine-trump-nigeria-intl/index.html – truy cập 23-3-2020
Bùi Thư (2020). Cách ly ở TP HCM: “Xin người ngoài bao dung và người cách ly hãy có ý thức”. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52059616 – truy cập 28-3-2020
Capatides, C. (2020). Austria is making everyone who goes inside a supermarket wear a face mask. https://www.cbsnews.com/news/austria-supermarket-face-mask/ – truy cập 31-3-2020
Carmichael, F. & Spring, M. (2020). Virus corona: Những gì bạn có thể làm để ngăn chặn sự lan truyền của thông tin sai lạc. https://www.bbc.com/vietnamese/world-52059806 – truy cập 30-3-2020
Cavanagh, N. (2020). VIRUS PERIL: Terrifying video shows how a single cough can spread a cloud of coronavirus across supermarket that lingers for minutes. https://www.the-sun.com/news/657783/video-cough-can-spread-cloud-coronavirus-across-supermarket-lingers/ – truy cập 10-4-2020
CDC (10-3-2020). Water Transmission and COVID-19. https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/php/water.htmlv – truy cập 23-3-2020
CDC (14-3-2020). Frequently asked questions about personal protective equipment. https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/hcp/respirator-use-faq.htmlv – truy cập 23-3-2020
CDC (18-3-2020). Morbidity and Mortality Weekly Report (MMWR). https://www.cdc.gov/mmwr/volumes/69/wr/mm6912e2.htm – truy cập 23-3-2020
CDC (21-3-2020). Coronavirus Disease 2019 (COVID-19) – Older adults. https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/specific-groups/high-risk-complications/older-adults.html – truy cập 23-3-2020
CDC (21-3-2020). Coronavirus Disease 2019 (COVID-19) – Symptoms. https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/symptoms-testing/symptoms.html – truy cập 23-3-2020
CDC (25-3-2020). What to do if you are sick. https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/if-you-are-sick/steps-when-sick.html – truy cập 26-3-2020
CDC (07-4-2020). Information for clinicians on therapeutic options for patients with Covid-19. https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/hcp/therapeutic-options.html – truy cập 07-4-2020
CDC & WHO (2020). Alert: Important coronavirus updates for ophthalmologists. https://www.aao.org/headline/alert-important-coronavirus-context – truy cập 23-3-2020
Chaolin Huang et al. (2020) “Clinical features of patients infected with 2019 novel coronavirus in Wuhan, China”, The Lancet, 24-January.
Chaoqun Han et al. (2020). “Digestive symptoms in Covid-19 patients with mild disease severity: Clinical presentation, stool viral RNA testing, and outcomes”, American Journal of Gastroenterology, March 30. https://journals.lww.com/ajg/Documents/COVID19_Han_et_al_AJG_Preproof.pdf
Chen, S. (2020). Coronavirus can travel twice as far as official ‘safe distance’ and stay in air for 30 minutes, Chinese study finds. https://www.scmp.com/news/china/science/article/3074351/coronavirus-can-travel-twice-far-official-safe-distance-and-stay – truy cập 23-3-2020
Chen, S. (2020b). Coronavirus can survive long exposure to high temperature, a threat to lab staff around world: paper. https://www.scmp.com/news/china/science/article/3079831/coronavirus-can-survive-long-exposure-high-temperature-threat – truy cập 15-4-2020
Cheng-wei Lu; Xiu-fen Liu & Zhi-fang Jia (2020). “2019-nCoV transmission through the ocular surface must not be ignored”, The Lancet, 395(10224): 537-658.
Chí Hiếu (2020). Hơn 60% bệnh nhân không có triệu chứng khi phát hiện mắc Covid-19. https://thanhnien.vn/thoi-su/hon-60-benh-nhan-khong-co-trieu-chung-khi-phat-hien-mac-covid-19-1202943.html – truy cập 30-3-2020
CNN.COM (26-2-2020). Can Lysol and Clorox products kill the coronavirus? The answer is … complicated. https://www.mercurynews.com/2020/02/26/can-lysol-and-clorox-products-kill-the-coronavirus-the-answer-is-complicated/ – truy cập 23-3-2020
Cohen, E. & Bonifield, J. (2020). ‘There’s no doubt’: Top US infectious disease doctor says Wuhan coronavirus can spread even when people have no symptoms. https://edition.cnn.com/2020/01/31/health/coronavirus-asymptomatic-spread-study/index.html
Cohen, J. (2020). Not wearing masks to protect against coronavirus is a ‘big mistake,’ top Chinese scientist says. https://www.sciencemag.org/news/2020/03/not-wearing-mask – truy cập 31-3-2020
Culver, J. (2020). 6 feet enough for social distancing? MIT researcher says droplets carrying coronavirus can travel up to 27 feet. https://www.statesmanjournal.com/story/news/health/2020/03/30/coronavirus-social-distancing-mit-researcher-lydia-bourouiba-27-feet/5091526002/?cid=facebook_Statesman_Journal – truy cập 01-4-2020
D.Kim Thoa (2020a). WHO lại lên tiếng: COVID-19 không phải bệnh lây qua không khí. https://tuoitre.vn/who-lai-len-tieng-covid-19-khong-phai-benh-lay-qua-khong-khi-20200330094806988.htm – truy cập 31-3-2020
D.Kim Thoa (2020b). CDC Mỹ: Virus corona có thể lây từ 1-3 ngày trước khi phát triệu chứng bệnh. https://tuoitre.vn/cdc-my-virus-corona-co-the-lay-tu-1-3-ngay-truoc-khi-phat-trieu-chung-benh-20200402104900086.htm
D.Kim Thoa (2020c). Virus corona chủng mới từ người bệnh có thể ‘đi’ xa 4 mét? https://tuoitre.vn/virus-corona-chung-moi-tu-nguoi-benh-co-the-di-xa-4-met-20200411073702133.htm
D.Kim Thoa (2020d). Hong Kong xác nhận ca tái nhiễm virus corona đầu tiên trên thế giới. https://tuoitre.vn/hong-kong-xac-nhan-ca-tai-nhiem-virus-corona-dau-tien-tren-the-gioi-20200825103316773.htm
D.Thanh; Hoàng Dương & P.S.Ngân (2020). Nữ nhân viên lễ tân tiếp xúc bệnh nhân Trung Quốc đã bị nhiễm corona. https://tuoitre.vn/nu-nhan-vien-le-tan-tiep-xuc-benh-nhan-trung-quoc-da-bi-nhiem-corona-2020020109180137.htm – truy cập 23-3-2020
D.Thu (2020). Bộ Y tế cảnh báo tác hại của buồng khử khuẩn toàn thân ngừa Covid-19. https://nld.com.vn/suc-khoe/bo-y-te-canh-bao-tac-hai-cua-buong-khu-khuan-toan-than-ngua-covid-19-20200326164635511.htm – truy cập 26-3-2020
Davidson, H. (2020). First Covid-19 case happened in November, China government records show – report. https://www.theguardian.com/world/2020/mar/13/first-covid-19-case-happened-in-november-china-government-records-show-report – truy cập 24-3-2020
Devlin, H. (2020). Men are much more likely to die from coronavirus – but why? https://www.theguardian.com/world/2020/mar/26/men-are-much-more-likely-to-die-from-coronavirus-but-why – truy cập 27-3-2020
DiFlotio, A. (2020). Can Lysol or Clorox kill the coronavirus? https://thehill.com/changing-america/well-being/prevention-cures/484794-can-lysol-or-clorox-kill-the-coronavirus – truy cập 23-3-2020
Dilanian et al. (2020). U.S. spy agencies collected raw intelligence hinting at public health crisis in Wuhan, China, in November. https://www.nbcnews.com/politics/national-security/u-s-spy-agencies-collected-raw-intel-hinting-public-health-n1180646
Durschlag, J. (2020). Coronavirus: Social distancing gap should be greatly increased, MIT researcher says. https://www.foxnews.com/health/mit-research-claims-social-distancing-gap-should-be-greatly-increased-report – truy cập 02-4-2020
Đặng Huyền & Đoàn Hùng (2020). Virus SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm qua nói chuyện hoặc hơi thở. https://www.vietnamplus.vn/virus-sarscov2-co-the-lay-nhiem-qua-noi-chuyen-hoac-hoi-tho/632102.vnp – truy cập 03-4-2020
Đức Tâm (2020). Virus corona – Covid-19 : Một vài ngộ nhận. http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200221-virus-corona-%E2%80%93-covid-19-m%E1%BB%99t-v%C3%A0i-ng%E1%BB%99-nh%E1%BA%ADn – truy cập 27-3-2020
Elangovan, N. (2020). Explainer: Could jogging behind someone get you infected with Covid-19? https://www.todayonline.com/singapore/explainer-could-jogging-behind-someone-get-you-infected-covid-19 – truy cập 20-4-2020
Epstein, K. (2020). Trump keeps touting a decades-old malaria pill as a coronavirus ‘game changer’, undercutting his top infectious-disease expert. https://www.businessinsider.com/trump-undercuts-fauci-on-whether-chloroquine-can-treat-coronavirus-2020-3 – truy cập 24-3-2020
Flaherty, A. & Phelps, J. (2020). Fauci throws cold water on Trump’s declaration that malaria drug chloroquine is a ‘game changer’. https://abcnews.go.com/Politics/fauci-throws-cold-water-trumps-declaration-malaria-drug/story?id=69716324 – truy cập 24-3-2020
FRI (08-4-2020). Covid-19 : Nên cẩn thận với những “liệu pháp thần diệu”. http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200408-covid-19-n%C3%AAn-c%C3%A2%CC%89n-th%C3%A2%CC%A3n-v%C6%A1%CC%81i-nh%C6%B0%CC%83ng-li%C3%AA%CC%A3u-pha%CC%81p-th%C3%A2%CC%80n-di%C3%AA%CC%A3u – truy cập 08-4-2020
Fuller, T. & Baker, M. (2020). Coronavirus death in California came weeks before first known U.S. death. https://www.nytimes.com/2020/04/22/us/coronavirus-first-united-states-death.html – truy cập 23-4-2020
Gallagher, S. (2020). Coronavirus: Can face masks protect you from catching deadly virus? https://www.independent.co.uk/life-style/coronavirus-do-face-masks-work-stop-virus-spread-symptoms-usa-outbreak-china-a9359336.html – truy cập 23-3-2020
Gaurav, K. (2020). New York to start Coronavirus treatment trial using plasma of recovered patients. https://www.republicworld.com/world-news/us-news/new-york-start-coronavirus-treatment-trial-using-blood-plasma-recover.html – truy cập 24-3-2020
Geraghty, J. (2020). The comprehensive timeline of China’s COVID-19 lies. https://www.nationalreview.com/the-morning-jolt/chinas-devastating-lies/ – truy cập 11-4-2020
Givas, N. (2020). WHO haunted by old tweet saying China found no human transmission of coronavirus. https://nypost.com/2020/03/20/who-haunted-by-old-tweet-saying-china-found-no-human-transmission-of-coronavirus/
Government of Singapore (20-3-2020). Keeping a safe distance can lower the spread of COVID-19 – How do we do it? https://www.gov.sg/article/keeping-a-safe-distance-can-lower-the-spread-of-covid-19 – truy cập 23-3-2020
Greenfieldboyce, N. (2020). WHO reviews ‘current’ evidence on Coronavirus transmission through air. https://www.npr.org/2020/03/28/823292062/who-reviews-available-evidence-on-coronavirus-transmission-through-air – truy cập 30-3-2020
H.Chung (2020). “ATM” gạo: Hỗ trợ người dân nghèo qua mùa dịch bệnh. https://bnews.vn/atm-gao-ho-tro-nguoi-dan-ngheo-qua-mua-dich-benh/153049.html – truy cập 07-4-2020
Hanna, J. et al., (2020). 2 Californians died of coronavirus weeks before previously known 1st US death. https://edition.cnn.com/2020/04/22/us/california-deaths-earliest-in-us/index.html – truy cập 23-4-2020
Hassanin, A. (2020). Coronavirus origins: genome analysis suggests two viruses may have combined. https://theconversation.com/coronavirus-origins-genome-analysis-suggests-two-viruses-may-have-combined-134059 – truy cập 23-3-2020
Havard Medical School (20-3-2020). As coronavirus spreads, many questions and some answers. https://www.health.harvard.edu/diseases-and-conditions/coronavirus-resource-center – truy cập 23-3-2020
Hà Nam (2020). PGĐ Sở Y tế Đà Nẵng: Nữ nhân viên Điện Máy Xanh nhiễm Covid-19 đã kéo khẩu trang xuống khi tư vấn cho 2 du khách Anh. https://kenh14.vn/pho-giam-doc-so-y-te-tp-da-nang-nu-nhan-vien-dien-may-xanh-nhiem-covid-19-da-keo-khau-trang-xuong-khi-noi-chuyen-va-tu-van-cho-2-du-khach-anh-20200311145847033.chn – truy cập 23-3-2020
Hải Yến (2020). Hồng Kông xác nhận chó cảnh cũng nhiễm Covid-19. https://anninhthudo.vn/the-gioi/hong-kong-xac-nhan-cho-canh-cung-nhiem-covid19/845209.antd – truy cập 23-3-2020
Henriques, M. (2020). Vì sao tỷ lệ tử vong do virus corona mỗi nước mỗi khác? https://www.bbc.com/vietnamese/vert-fut-52266114 – truy cập 14-4-2020
Hickey, S. (2020). Your questions answered: Is Covid-19 waterborne? Can I have it without knowing? https://www.lbc.co.uk/radio/presenters/nick-ferrari/your-questions-answered-is-covid-19-waterborne-can/ – truy cập 23-3-2020
Ho, M. (2020). China’s initial coronavirus outbreak in Wuhan spread twice as fast as we thought, new study suggests. https://www.scmp.com/news/china/science/article/3079879/chinas-initial-coronavirus-outbreak-wuhan-spread-twice-fast-we – truy cập 15-4-2020
Hoàng Đức Thắng (2020). Virus corona: Anh và Việt Nam tương phản nhau về cách chống dịch. https://www.bbc.com/vietnamese/forum-51892962 – truy cập 30-3-2020
Hoffman, J. (2020). Millions of children are at risk for measles as coronavirus fears halt vaccines. https://www.nytimes.com/2020/04/13/health/coronavirus-measles-vaccines.html – truy cập 15-4-2020
Howard, J. & Guy, J. (2020). Doctors say loss of sense of smell might be Covid-19 symptom. https://edition.cnn.com/2020/03/23/health/coronavirus-symptoms-smell-intl/index.html – truy cập 26-3-2020
Huy Hoàng (2020). Hơn 100 người nhiễm Covid-19 khi đi nhà thờ. https://dulich.dantri.com.vn/du-lich/hon-100-nguoi-nhiem-covid-19-khi-di-nha-tho-20200525150819583.htm – truy cập 27-5-2020
Hướng Dương (2020). Lây corona sau 15 giây đứng cạnh người nhiễm. https://www.msn.com/vi-vn/news/other/l%C3%A2y-corona-sau-15-gi%C3%A2y-%C4%91%E1%BB%A9ng-c%E1%BA%A1nh-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-nhi%E1%BB%85m/ar-BBZJOFf?li=BBTsZmd – truy cập 23-3-2020
Imacho (2020). Chỉ 10 phút cởi bỏ khẩu trang, nữ sinh Hàn Quốc bị lây nhiễm Covid-19 từ người bệnh và trải nghiệm đau đớn: “Tôi cảm giác như ruột bị xé toạc”. http://nhipsongviet.toquoc.vn/chi-10-phut-coi-bo-khau-trang-nu-sinh-han-quoc-bi-lay-nhiem-covid-19-tu-nguoi-benh-va-trai-nghiem-dau-don-toi-cam-giac-nhu-ruot-bi-xe-toac-22202022321232529.htm – truy cập 23-3-2020
Ji-Xiang Wang, Yun-Yun Li, Xiang-Dong Liu, and Xiang Cao (2020). “Virus transmission from urinals.” Physics of Fluids, 32.
Johnson, J. (2020). Nigeria reports chloroquine overdoses after Trump—without evidence—touted drug as possible coronavirus treatment. https://www.commondreams.org/news/2020/03/23/nigeria-reports-chloroquine-overdoses-after-trump-without-evidence-touted-drug – truy cập 23-3-2020
Josephine Ma (2020). Coronavirus: China’s first confirmed Covid-19 case traced back to November 17. https://www.scmp.com/news/china/society/article/3074991/coronavirus-chinas-first-confirmed-covid-19-case-traced-back – truy cập 23-3-2020
Kate Ng (2020). Coronavirus could have incubation period of 24 days — 10 days longer than previously thought. https://www.independent.co.uk/news/world/asia/coronavirus-incubation-period-symptoms-china-sars-length-days-time-a9326591.html – truy cập 23-3-2020
Kates, G. (2020). N95 mask shortage comes down to this key material: “The supply chain has gotten nuts”. https://www.cbsnews.com/news/n95-mask-shortage-melt-blown-filters/
Khamsi, R. (2020). They say Coronavirus isn’t airborne—but it’s definitely borne by air. https://www.wired.com/story/they-say-coronavirus-isnt-airborne-but-its-definitely-borne-by-air/ – truy cập 23-3-2020
Khan, A. (2020). Doctor’s Note: Is obesity a risk factor for coronavirus? https://www.aljazeera.com/indepth/features/doctor-note-obesity-risk-factor-coronavirus-200406065716658.html?utm_source=website&utm_medium=article_page&utm_campaign=read_more_links – truy cập 07-4-2020
Khánh An (2020). Cảnh báo mới: viêm phổi Vũ Hán có thể lây qua đường tiêu hóa. https://thanhnien.vn/the-gioi/canh-bao-moi-viem-phoi-vu-han-co-the-lay-qua-duong-tieu-hoa-1177747.html – truy cập 23-3-2020
Khánh An (2020b). Nghiên cứu mới: virus Corona bị tiêu diệt nhanh chóng dưới ánh nắng. https://thanhnien.vn/the-gioi/nghien-cuu-moi-virus-corona-bi-tieu-diet-nhanh-chong-duoi-anh-nang-1215229.html – truy cập 23-4-2020
KidsHealth (Mar-2020). Coronavirus (COVID-19): Your questions answered. https://kidshealth.org/en/parents/coronavirus-questions-answers.html?WT.ac=p-ra – truy cập 23-3-2020
Kiều Anh (2020). “Cơn địa chấn” Covid-19: Sai lầm của nước Mỹ và phép thử với D.Trump. https://magazine.vov.vn/20200408/covid19omy/index.html?fbclid=IwAR2fy0BzzcouwmtwZCJF_4IRNELaz2aBoz3G1wC1B4TdjzJ2nBi_6dqULaQ
Kim Thoa (2020). Virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 không phải là vũ khí sinh học từ phòng lab. https://tuoitre.vn/virus-sars-cov-2-gay-dich-covid-19-khong-phai-la-vu-khi-sinh-hoc-tu-phong-lab-2020032412095139.htm – truy cập 26-3-2020
Knapton, S. (2020). Coronavirus has mutated into more aggressive disease, say scientists. https://www.telegraph.co.uk/science/2020/03/04/coronavirus-has-mutated-aggressive-disease-say-scientists/ – truy cập 23-3-2020
LaMotte, S. (2020). Coronavirus symptoms: A list and when to seek help. https://edition.cnn.com/2020/03/20/health/coronavirus-symptoms-list-what-to-do-wellness/index.html – truy cập 23-3-2020
Lan Anh (2020). Thêm 7 ca bệnh COVID-19, Bộ Y tế khuyến cáo về việc đi ra ngoài đường. https://tuoitre.vn/them-7-ca-benh-covid-19-bo-y-te-khuyen-cao-ve-viec-di-ra-ngoai-duong-20200326061203668.htm – truy cập 26-3-2020
Lan T. Phan et al. (2020). “Importation and human-to-human transmission of a novel Coronavirus in Vietnam”, The New England Journal of Medicine, published 28 January 2020.
Landsverk, G. (2020). Some Covid-19 symptoms are turning out to be atypical. Here’s what we know so far. https://www.sciencealert.com/10-coronavirus-symptoms-you-may-not-be-aware-of – truy cập 02-4-2020
Lapin, T. (2020a). Coronavirus can travel much farther than previously thought, study finds. https://nypost.com/2020/03/09/coronavirus-can-travel-much-farther-than-previously-thought-study-finds/ – truy cập 23-3-2020
Lapin, T. (2020b). Man dies after self-medicating with chloroquine phosphate to treat coronavirus. https://nypost.com/2020/03/23/man-dies-after-self-medicating-with-chloroquine-phosphate-to-treat-coronavirus/ – truy cập 24-3-2020
Lauer, S.A. et al. (2020). “The incubation period of Coronavirus disease 2019 (COVID-19) from publicly reported confirmed cases: Estimation and application”, Annals of Internal Medicine, 17 March.
Lee, B.Y. (2020). “Social distancing 101 for COVID-19 Coronavirus: Here are the dos and don’ts”, Forbes, 21-March.
Lewis, B. (2020). VERIFY: Are disinfecting wipes and hand sanitizer effective against the coronavirus? https://www.cbs8.com/article/news/verify/wipes-lysol-coronavirus-verify/509-198f13af-590a-47a1-b098-cb724f996c3f – truy cập 23-3-2020
Lê Phan (2020). Người Sài Gòn rủ nhau chở gạo tới góp, ‘ATM gạo’ nhân ái tuôn trào như suối. https://tuoitre.vn/nguoi-sai-gon-ru-nhau-cho-gao-toi-gop-atm-gao-nhan-ai-tuon-trao-nhu-suoi-2020040811154921.htm – truy cập 08-4-2020
Linlin Bao et al. (2020). Reinfection could not occur in SARS-CoV-2 infected rhesus macaques”, bioRxiv, 14 March.
Liptak, K. (2020). Trump says new recommendations on face masks are coming. https://edition.cnn.com/2020/04/02/politics/trump-birx-face-masks-coronavirus/index.html
Lovelace, B. (2020). The coronavirus has mutated and appears to be more contagious now, new study finds. https://www.cnbc.com/2020/05/05/the-coronavirus-mutated-and-appears-to-be-more-contagious-now-new-study-finds.html – truy cập 06-5-2020
Lovelace, B. et al. (2020). WHO considers ‘airborne precautions’ for medical staff after study shows coronavirus can survive in air. https://www.cnbc.com/2020/03/16/who-considers-airborne-precautions-for-medical-staff-after-study-shows-coronavirus-can-survive-in-air.html – truy cập 23-3-2020
Lyons, S. & Willis, O. (2020). Is coronavirus airborne, and how does it spread? Updated 30-3-2010 https://www.abc.net.au/news/health/2020-03-28/is-coronavirus-airborne-covid19-australia/12090974https://www.cnbc.com/2020/03/16/who-considers-airborne-precautions-for-medical-staff-after-study-shows-coronavirus-can-survive-in-air.html – truy cập 30-3-2020
McKie, R. (2020). Coronavirus: what have scientists learned about Covid-19 so far? https://www.theguardian.com/world/2020/apr/24/coronavirus-what-have-scientists-learned-about-covid-19-so-far – truy cập 25-4-2020
McLaughlin, E.C. (2020). Chloroquine and hydroxychloroquine: what to know about the potential coronavirus drugs. https://edition.cnn.com/2020/03/23/health/chloroquine-hydroxycholoroquine-drugs-explained/index.html – truy cập 25-3-2020
McNamara, A. (2020). CDC adds six new possible coronavirus symptoms. https://www.cbsnews.com/news/cdc-adds-six-new-possible-coronavirus-symptoms-2020-04-25/ – truy cập 25-4-2020
Mail Online (2020). Chinese man, 56, catches the killer coronavirus ‘within 15 SECONDS’ of standing next to an infected woman at a market. https://www.dailymail.co.uk/health/article-7973291/Man-caught-killer-coronavirus-15-SECONDS-standing-infected-woman.html – truy cập 23-3-2020
Mandavilli, A. (2020). Can you become immune to the Coronavirus? https://www.nytimes.com/2020/03/25/health/coronavirus-immunity-antibodies.html – truy cập 26-3-2020
Margolin, J. & Meek, J.G. (2020). Intelligence report warned of coronavirus crisis as early as November: Sources. https://abcnews.go.com/Politics/intelligence-report-warned-coronavirus-crisis-early-november-sources/story?id=70031273 – truy cập 11-4-2020
Matthews, D. (2020). 11 charts that explain the coronavirus pandemic. https://www.vox.com/future-perfect/2020/3/12/21172040/coronavirus-covid-19-virus-charts – truy cập 02-4-2020
Michigan Medicine (2020). Coronavirus (COVID-19) Update, Updated March 25, 2020. https://www.uofmhealth.org/covid-19-update#map
Micu, A. (2020). Hamsters confirm – face masks work against the coronavirus. https://www.zmescience.com/science/hamster-face-mask-covid-study-15324/ – truy cập 21-5-2020
Mikkelson, D. (2020). Can people who recover from COVID-19 become reinfected? https://www.snopes.com/fact-check/covid-19-reinfection/ – truy cập 23-3-2020
Minh Anh (2020). Phát hiện Covid-19 lây theo đường mới. https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/phat-hien-covid-19-lay-theo-duong-moi-644309.html – truy cập 27-5-2020
Mooney, C. & Rolfe, P. (2020). Men are getting sicker, dying more often of covid-19, Spain data shows. https://www.washingtonpost.com/health/2020/03/26/men-are-getting-sicker-dying-more-often-covid-19-spain-data-shows/ – truy cập 27-3-2020
Moore, M. (2020). China acknowledges underreporting coronavirus cases in official count. https://nypost.com/2020/04/01/china-acknowledges-underreporting-coronavirus-cases/ – truy cập 07-4-2020
NCIRD-National Center for Immunization and Respiratory Diseases (2020). Children and Coronavirus Disease 2019 (COVID-19) Children and Coronavirus Disease 2019 (COVID-19), last reviewed: 21-3-2020. https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/prepare/children.html – truy cập 23-3-2020
NEA-National Environment Agency Singapore (2020). Interim Guidelines for Environmental Cleaning and Disinfection of Areas Exposed to Confirmed Case(s) of COVID-19 in Non-Healthcare Premises, Revised on 19 March 2020. https://www.nea.gov.sg/our-services/public-cleanliness/environmental-cleaning-guidelines/guidelines-for-environmental-cleaning-and-disinfection – truy cập 23-3-2020
Ngọc Hà (2020). Anh cập nhật thêm các triệu chứng chính thức khi mắc COVID-19. https://www.vietnamplus.vn/anh-cap-nhat-them-cac-trieu-chung-chinh-thuc-khi-mac-covid19/640828.vnp – truy cập 19-5-2020
Nuki, P. (2020). Coronavirus symptoms: how quickly do they show and what to look out for. https://www.telegraph.co.uk/global-health/science-and-disease/coronavirus-symptoms-cough-fever-covid-19-signs-self-isolate/ – truy cập 23-3-2020
O’Neill, N. (2020). Researchers call for relaxed standards in race to find coronavirus vaccine. https://nypost.com/2020/03/26/coronavirus-vaccine-can-be-expedited-if-the-healthy-volunteer-to-be-infected/ – truy cập 27-3-2020
Oaklander, M (2020). Health experts are telling healthy people not to wear face masks for Coronavirus. So why are so many doing it? https://time.com/5794729/coronavirus-face-masks/ – truy cập 23-3-2020
Perrigo, B. (2020). “Why losing your sense of smell could be a symptom of Covid-19”, TIME Magazine, 24-Mar-2020.
Phillips, D. (2020). Brazil coronavirus: medics fear official tally ignores ‘a mountain of deaths’. https://www.theguardian.com/global-development/2020/apr/04/medics-in-brazil-fear-official-coronavirus-tally-ignores-a-mountain-of-deaths – truy cập 07-4-2020
Phúc Long (2020). Giới khoa học lo không thể ngăn virus corona lây lan. https://tuoitre.vn/gioi-khoa-hoc-lo-khong-the-ngan-virus-corona-lay-lan-20200205164846722.htm – truy cập 23-3-2020
Phúc Long (2020b). WHO cảnh báo đừng trông chờ vào văcxin COVID-19, vì sao? https://tuoitre.vn/who-canh-bao-dung-trong-cho-vao-vac-xin-covid-19-vi-sao-20200420104510173.htm – truy cập 20-4-2020
Phúc Long (2020c). WHO cuối cùng cũng thừa nhận COVID-19 có thể lây qua không khí. https://tuoitre.vn/who-cuoi-cung-cung-thua-nhan-covid-19-co-the-lay-qua-khong-khi-20200710102654208.htm
Phương An (2020). Đi chợ đứng cạnh người bệnh trong 15 giây, người đàn ông nhiễm virus corona. https://baomoi.com/di-cho-dung-canh-nguoi-benh-trong-15-giay-nguoi-dan-ong-nhiem-virus-corona/c/33885685.epi – truy cập 23-3-2020
Power, J. (2020). How long will a coronavirus vaccine take? A Q&A with Jerome Kim, head of the International Vaccine Institute. https://www.scmp.com/week-asia/health-environment/article/3079213/how-long-will-coronavirus-vaccine-take-qa-jerome-kim – truy cập 11-4-2020
PressTV (06-4-2020). More Americans dying of covid-19 than official count: Report. https://www.presstv.com/Detail/2020/04/06/622451/US-coronavirus-death-toll-kill
Read, R. (2020). Choir practice turns fatal. Airborne coronavirus strongly suspected. https://www.latimes.com/world-nation/story/2020-03-29/coronavirus-choir-outbreak – truy cập 27-3-2020
Riordan, P. et al. (2020). “Taiwan says WHO failed to act on coronavirus transmission warning”, Financial Times, 20 March 2020.
Ritschel, C. (2020). Coronavirus: can you get Covid-19 twice or does it cause immunity? https://www.independent.co.uk/life-style/health-and-families/coronavirus-immunity-reinfection-get-covid-19-twice-sick-spread-relapse-a9400691.html – truy cập 23-3-2020
RIVM-Dutch National Institute for Public Health and the Environment (no date). Q&As novel coronavirus COVID-19. https://www.rivm.nl/en/novel-coronavirus-covid-19/questions-and-answers#prevention – truy cập 23-3-2020
Roberts, C. (2020). What to know now about masks and coronavirus. https://www.consumerreports.org/coronavirus/do-you-need-a-mask-to-prevent-coronavirus/ – truy cập 02-4-2020
Roberts, M. (2020a). Virus corona: Mất năm ngày để thấy triệu chứng. https://www.bbc.com/vietnamese/world-51812567 – truy cập 23-3-2020
Roberts, M. (2020b). Measles resurgence fear amid coronavirus. https://www.bbc.com/news/health-52278925 – truy cập 15-4-2020
Robertson, N. (2020). Fauci says ‘there isn’t, fundamentally, a difference’ between his view and Trump’s on coronavirus. https://edition.cnn.com/2020/03/22/politics/fauci-trump-coronavirus-treatments/index.html – truy cập 24-3-2020
Romania Insider (2020). Study: Number of Covid-19 cases in Romania is less than a fifth of people with symptoms. https://www.romania-insider.com/study-coronavirus-cases-reported – truy cập 07-4-2020
Sangal, A. (2020). The biologist whose advice went viral tells us what to do next. https://edition.cnn.com/2020/05/19/health/erin-bromage-risk-advice-wellness/index.html– truy cập 20-5-2020
Sean Wei Xiang Ong et al. (2020). “Air, surface environmental, and personal protective equipment contamination by severe acute respiratory syndrome Coronavirus 2 (SARS-CoV-2) from a symptomatic patient”, Journal of the American Medical Association, 4 March.
Seitz, A. (2020). FDA hasn’t approved chloroquine as coronavirus treatment. https://apnews.com/afs:Content:8678690976 – truy cập 24-3-2020
Sharfstein, J. (2020). Coronavirus questions and answers, posted on 14-3-2020. https://www.jhsph.edu/covid-19/questions-and-answers/coronavirus-questions-and-answers.html – truy cập 24-3-2020
Sheth, S. (2020). ‘Trump kept saying it was basically pretty much a cure’: Woman whose husband died after ingesting chloroquine tells the public not to ‘believe anything that the president says’. https://www.businessinsider.com/coronavirus-woman-husband-died-chloroquine-warns-not-to-trust-trump-2020-3 – truy cập 23-3-2020
Shuo Feng et al. (2020). “Rational use of face masks in the COVID-19 pandemic”, The Lancet, 20 March.
Song Minh (2020). Nhà khoa học Trung Quốc khuyên Mỹ, Châu Âu trong phòng dịch COVID-19. https://laodong.vn/the-gioi/nha-khoa-hoc-trung-quoc-khuyen-my-chau-au-trong-phong-dich-covid-19-794060.ldo – truy cập 31-3-2020
Soto, A. (2020). Nigeria has chloroquine poisonings after Trump praised drug. https://www.bloomberg.com/news/articles/2020-03-21/nigeria-reports-chloroquine-poisonings-after-trump-praised-drug – truy cập 23-3-2020
Stancati, M. & Sylvers, E. (2020). Italy’s Coronavirus death toll is far higher than reported. https://www.wsj.com/articles/italys-coronavirus-death-toll-is-far-higher-than-reported-11585767179 – truy cập 07-4-2020
Stieg, C. (2020). You can clean your phone with disinfectant wipes (Apple says it’s OK). https://www.cnbc.com/2020/02/21/disinfectant-wipes-damage-smartphone-screen-how-to-clean-phone-germs.html – truy cập 23-3-2020
Tait, R. (2020). Czechs get to work making masks after government decree. https://www.theguardian.com/world/2020/mar/30/czechs-get-to-work-making-masks-after-government-decree-coronavirus – truy cập 01-4-2020
Tạ Ban, 2020). Bỉ: Mèo bị nhiễm SARS-CoV-2 từ chủ nuôi nhưng bạn đừng hoảng. https://thanhnien.vn/suc-khoe/bi-meo-bi-nhiem-sars-cov-2-tu-chu-nuoi-nhung-ban-dung-hoang-1203041.html
The Guardian (22-3-2020). Coronavirus symptoms: what are they and should I see a doctor?
The Guardian (23-3-2020). Coronavirus vaccine: when will it be ready?
The Guardian (24-3-2020). Arizona man dies after attempting to take Trump coronavirus ‘cure’
The Local (2020). ‘Highly likely’ that Germany will enforce face masks, says Bavarian state premier. https://www.thelocal.de/20200408/highly-likely-that-face-mark-requirement-will-come-to-germany-says-bavarian-president – truy cập 11-4-2020
The New York Times (28-4-2020). Study finds coronavirus in tiny airborne droplets in Wuhan: Live world updates. https://www.nytimes.com/2020/04/28/world/coronavirus-news.html – truy cập 29-4-2020
Thu Phương (2020). Người phải cách ly tại nhà trong dịch Covid-19 nên làm gì? https://syt.binhdinh.gov.vn/index.php/vi/news/y-te-du-phong/nguoi-phai-cach-ly-tai-nha-trong-dich-covid-19-nen-lam-gi-798.html – truy cập 26-3-2020
Thu Thủy (2020). Nghiên cứu của Đức: hàng chục triệu ca nhiễm Covid-19 trên thế giới không bị phát hiện! https://viettimes.vn/nghien-cuu-cua-duc-hang-chuc-trieu-ca-nhiem-covid19-tren-the-gioi-khong-bi-phat-hien-386518.html – truy cập 11-4-2020
Thúy Hạnh (2020). Chuyên gia hướng dẫn tiệt trùng khẩu trang y tế đã qua sử dụng bằng lò vi sóng. https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/suc-khoe-24h/chuyen-gia-huong-dan-tiet-trung-khau-trang-y-te-da-qua-su-dung-bang-lo-vi-song-627597.html – truy cập 26-3-2020
Thùy Linh (2020). Bộ Y tế: Chưa nên sử dụng buồng khử khuẩn toàn thân để đảm bảo an toàn. https://laodong.vn/xa-hoi/bo-y-te-chua-nen-su-dung-buong-khu-khuan-toan-than-de-dam-bao-an-toan-793471.ldo – truy cập 26-3-2020
Thục Minh (2020). 10 lý do bạn không nên hoảng hốt vì Covid-19. https://thanhnien.vn/doi-song/10-ly-do-ban-khong-nen-hoang-hot-vi-covid-19-1193408.html – truy cập 23-3-2020
Thy An (2020). Ít nhất 20 loại vaccine nCoV đang được nghiên cứu. https://vnexpress.net/vaccine/it-nhat-20-loai-vaccine-ncov-dang-duoc-nghien-cuu-4074883.html – truy cập 26-3-2020
Trkanjec, Z. & Trubić, T. (2020). Bosnia and Herzegovina’s coronavirus epicentre adopts more liberal measures than rest of republic, updated 01-Apr. https://www.euractiv.com/section/coronavirus/short_news/update-bih-covid-19/
Trần Khánh/VOV.VN (2020). Hối thúc dùng hydroxychloroquine trị Covid-19 – “canh bạc” của Trump? https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/hoi-thuc-dung-hydroxychloroquine-tri-covid19-canh-bac-cua-trump-1033291.vov
Trần Phương & Kim Thoa (2020). Dịch Covid-19 sáng 26-3: WHO tin vẫn còn cơ hội thứ hai để dập dịch. https://tuoitre.vn/dich-covid-19-sang-26-3-who-tin-van-con-co-hoi-thu-hai-de-dap-dich-20200326061927926.htm
Trọng Nghĩa (2020). Đài Loan tố cáo Tổ chức Y tế Thế giới chậm cảnh báo về dịch Covid-19. http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200327-%C4%91%C3%A0i-loan-t%C3%B4%CC%81-ca%CC%81o-t%C3%B4%CC%89-ch%C6%B0%CC%81c-y-t%C3%AA%CC%81-th%C3%AA%CC%81-gi%C6%A1%CC%81i-ch%C3%A2%CC%A3m-ca%CC%89nh-ba%CC%81o-v%C3%AA%CC%80-di%CC%A3ch-covid-19
Trung Hiền (2020). Điện Máy Xanh nói về việc nhân viên tiếp xúc với khách nhiễm COVID-19. https://www.msn.com/vi-vn/money/news/%C4%91i%E1%BB%87n-m%C3%A1y-xanh-n%C3%B3i-v%E1%BB%81-vi%E1%BB%87c-nh%C3%A2n-vi%C3%AAn-ti%E1%BA%BFp-x%C3%BAc-v%E1%BB%9Bi-kh%C3%A1ch-nhi%E1%BB%85m-covid-19/ar-BB111aO5 – truy cập 23-3-2020
TTXVN (20-3-2020). Hong Kong (Trung Quốc) ghi nhận thêm một chú chó mắc COVID-19. https://vtv.vn/the-gioi/hong-kong-trung-quoc-ghi-nhan-them-mot-chu-cho-mac-covid-19-20200320002337609.htm – truy cập 23-3-2020
TTXVN (27-3-2020). Giám đốc Viện Truyền nhiễm Mỹ: ‘Nói COVID-19 chỉ đe dọa người già là sai lầm’. https://tuoitre.vn/giam-doc-vien-truyen-nhiem-my-noi-covid-19-chi-de-doa-nguoi-gia-la-sai-lam-2020032705553273.htm – truy cập 27-3-2020
TTXVN (06-5-2020). Pháp phát hiện một ca mắc bệnh COVID-19 từ tháng 12-2019. https://tuoitre.vn/phap-phat-hien-mot-ca-mac-benh-covid-19-tu-thang-12-2019-2020050607301291.htm – truy cập 06-5-2020
Tuấn Anh (2020). Bác sĩ Vũ Hán nói về khả năng tái nhiễm của các bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục. https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/bac-si-vu-han-noi-ve-kha-nang-tai-nhiem-cua-cac-benh-nhan-covid-19-da-hoi-phuc-628375.html – truy cập 26-3-2020
Turak, N. (2020). Wearing a mask can significantly reduce coronavirus transmission, study on hamsters claims. https://www.cnbc.com/2020/05/19/coronavirus-wearing-a-mask-can-reduce-transmission-by-75percent-new-study-claims.html – truy cập 21-5-2020
Tường Nguyễn (2020). Vì sao nam giới béo phì bị nhiễm COVID-19 nặng hơn? https://tuoitre.vn/vi-sao-nam-gioi-beo-phi-bi-nhiem-covid-19-nang-hon-20200412200947951.htm – truy cập 14-4-2020
Van Beusekom, M. (2020). Children’s COVID-19 risks unique, Chinese studies find. http://www.cidrap.umn.edu/news-perspective/2020/03/childrens-covid-19-risks-unique-chinese-studies-find – truy cập 23-3-2020
Van Doremalen, N.; Bushmaker, N. & Morris, D.H. (2020). “Aerosol and surface stability of SARS-CoV-2 as compared with SARS-CoV-1”, The New England Journal of Medicine, 17 March.
Văn Khoa (2020). Có đến 25-50% số ca nhiễm Covid-19 không có triệu chứng. https://thanhnien.vn/the-gioi/co-den-25-50-so-ca-nhiem-covid-19-khong-co-trieu-chung-1205149.html
Vergun, D. (2020). Defense health agency officials answer questions on COVID-19, 18-Mar. https://www.defense.gov/Explore/News/Article/Article/2116570/defense-health-agency-officials-answer-questions-on-covid-19/ – truy cập 23-3-2020
Verity, R. et al. (2020). “Estimates of the severity of coronavirus disease 2019: a model-based analysis”, The Lancet, 30-3-2010.
Vi Trân (2020). Cảnh báo nguy cơ nhiễm virus Corona trong bệnh viện. https://thanhnien.vn/the-gioi/canh-bao-nguy-co-nhiem-virus-corona-trong-benh-vien-1180270.html – truy cập 23-3-2020
Vi Trân (2020b). Virus Corona đã hết trong mũi nhưng vẫn còn trong mắt bệnh nhân Covid-19. https://thanhnien.vn/the-gioi/virus-corona-da-het-trong-mui-nhung-van-con-trong-mat-benh-nhan-covid-19-1214261.html – truy cập 25-4-2020
Vietnam+ (2020). Nga cảnh báo trẻ em là nguồn lây nhiễm SARS-CoV-2 ở thủ đô Moskva. https://www.vietnamplus.vn/nga-canh-bao-tre-em-la-nguon-lay-nhiem-sarscov2-o-thu-do-moskva/632353.vnp
Vietnam+ (2020b). Pháp phát hiện dấu vết virus SARS-CoV-2 trong đường ống thoát nước. https://www.vietnamplus.vn/phap-phat-hien-dau-vet-virus-sarscov2-trong-duong-ong-thoat-nuoc/635582.vnp – truy cập 20-4-2020
Viết Tuân (2020). Phó thủ tướng kêu gọi người dân hạn chế ra khỏi nhà. https://vnexpress.net/thoi-su/pho-thu-tuong-keu-goi-nguoi-dan-han-che-ra-khoi-nha-4074785.html – truy cập 26-3-2020
Vinmec (2020). Hướng dẫn cách ly y tế tại nhà – phòng tránh lây lan dịch covid-19 trong cộng đồng. https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/dich-2019-ncov/thong-tin-suc-khoe/huong-dan-cach-ly-y-te-tai-nha-phong-tranh-lay-lan-dich-covid-19-trong-cong-dong/?link_type=related_posts – truy cập 26-3-2020
VOA (07-3-2020). Chó, mèo nhiễm COVID-19 không thể truyền sang người. https://www.voatiengviet.com/a/cho-meo-nhiem-covid-19-khong-the-truyen-sang-nguoi/5318769.html – truy cập 23-3-2020
Watson-Fisher, J. (2020). COVID-19: Doctors answer common questions about the coronavirus. https://www.greeleytribune.com/news/common-covid-19-questions-symptoms-medicines/ – truy cập 24-3-2020
Westcott, B. et al., (2020). Coronavirus pandemic alters life as we know it. https://edition.cnn.com/world/live-news/coronavirus-pandemic-04-02-20-intl/index.html – truy cập 03-4-2020
WHO (no date). Coronavirus disease (COVID-19) advice for the public: Myth busters. https://www.who.int/emergencies/diseases/novel-coronavirus-2019/advice-for-public/myth-busters – truy cập 23-3-2020
WHO (29-3-2020). Modes of transmission of virus causing COVID-19: implications for IPC precaution recommendations – Scientific brief. https://www.who.int/news-room/commentaries/detail/modes-of-transmission-of-virus-causing-covid-19-implications-for-ipc-precaution-recommendations
WHO (08-4-2020). WHO Timeline – COVID-19. https://www.who.int/news-room/detail/08-04-2020-who-timeline—covid-19 – truy cập 11-4-2020
Willingham, A.J. (2020). Is it allergies, the flu or the coronavirus? How to tell the difference. https://edition.cnn.com/2020/03/11/health/coronavirus-cold-allergies-flu-difference-symptoms-wellness-trnd/index.html – truy cập 24-3-2020
Winsor, M. et al. (2020) Coronavirus live updates: NYC advises residents to cover faces outdoors. https://abcnews.go.com/Health/coronavirus-live-updates-dr-fauci-forced-ramp-personal/story?id=69930087 – truy cập 02-4-2020
Wise, J. (2020). Los Angeles mayor says all residents should wear masks. https://thehill.com/homenews/state-watch/490751-los-angeles-mayor-says-all-residents-should-wear-masks – truy cập 02-4-2020
Woodward, A. (2020). The coronavirus mutates more slowly than the flu — which means a vaccine will likely be effective long-term. https://www.businessinsider.com/new-coronavirus-mutates-slowly-vaccine-could-be-long-lasting-2020-3 – truy cập 27-3-2020
Xi He et al. (2020). “Temporal dynamics in viral shedding and transmissibility of COVID-19”, Nature Medicine, Published: 15 April 2020.
Xuân Hoài (2020). Bí kíp giúp “người hùng giới trung lưu Đức” sống khỏe trước đại dịch: Tất cả nhân viên phải gội đầu trước khi làm việc. https://soha.vn/bi-kip-giup-doanh-nghiep-cua-nguoi-hung-gioi-trung-luu-duc-dung-vung-truoc-dich-covid-19-tat-ca-nhan-vien-phai-goi-dau-truoc-khi-lam-viec-2020040913211549.htm – truy cập 11-4-2020
Young, I. (2020). Coronavirus: Canada’s medical chief finally tells public that masks can help prevent Covid-19 spreading. https://www.scmp.com/news/world/united-states-canada/article/3078699/coronavirus-canadas-medical-chief-finally-tells – truy cập 07-4-2020
Young, J. (2020). UNMC study gives more indication of a irborne transmission of coronavirus, Updated 30-3-2020. https://journalstar.com/lifestyles/health-med-fit/unmc-study-gives-more-indication-of-airborne-transmission-of-coronavirus/article_4a08b9e6-bd53-5a2a-a16a-7ccf26f5cdcf.html – truy cập 30-3-2020
Zimmer, C. (2020). Scientists identify 69 drugs to test against the Coronavirus. https://www.nytimes.com/2020/03/22/science/coronavirus-drugs-chloroquine.html?auth=linked-google – truy cập 24-3-2020
Zunyou Wu & McGoogan, J.M. (2020). “Characteristics of and important lessons from the Coronavirus disease 2019 (COVID-19) outbreak in China – Summary of a report of 72 314 cases from the Chinese Center for Disease Control and Prevention”, Journal of American Medical Association, 24-February.
—————————————-
Tổng hợp : Diệp Minh Tâm