Bà Mary Fisher (1948- ) là nhà hoạt động chính trị, nghệ sĩ và tác gia người Mỹ. Sau khi bị lây HIV từ người chồng thứ hai và người này đã qua đời, bà tham dự vào các hoạt động nhằm phòng chống và tuyên truyền về bệnh AIDS, và nhằm mang đến trị liệu với niềm cảm thông cho người bị nhiễm HIV hoặc đã phát bệnh AIDS. Qua các hoạt động này, bà thường có cách phát biểu thẳng thắn, trực diện vào vấn đề mà vẫn gây cảm thông trong lòng người nghe.
Chỉ một năm trước khi đọc bài diễn văn này, sau một xét nghiệm bà Mary Fisher được báo cho biết mình bị nhiễm HIV, loại vi-rút gây ra bệnh AIDS. Sau khi bàn bạc cùng gia đình, bà quyết định công bố tình trạng y khoa của mình. Mary Fisher lập ra một tổ chức phi lợi nhuận nhằm quyên tiền để tài trợ cho các dự án nghiên cứu và tuyên truyền HIV/AIDS. Năm 2006, bà được cử làm sứ giả toàn cầu cho Chương trình AIDS của Liên Hiệp Quốc.
Mary Fisher gây tiếng vang lớn trong chiến dịch giáo dục tuyên truyền về HIV/AIDS qua bài diễn văn này, đọc trước Đại hội Toàn quốc của Đảng Cộng hòa vào ngày 19 tháng 8 năm 1992 ở Thành phố Houston, Bang Texas. Bài diễn văn làm lay động lòng người; một số người trong khán phòng lau nước mắt, nhiều người cúi mặt ngậm ngùi. Đặc biệt, bài diễn văn khuyến khích mọi người cởi mở hơn, trung thực hơn khi nói về vấn đề HIV/AIDS của chính mình. Sự cổ vũ này là một bước đột phá trong cách nhìn nhận vấn đề và cách đối phó với HIV/AIDS.
Một thời gian dài trước khi có YouTube, Facebook và Twitter, bài diễn văn này được truyền hình trực tiếp trong “giờ vàng” của các hãng truyền hình lớn ở Mỹ với số người xem tổng cộng là 27 triệu người.
Bài diễn văn dưới đây được đánh giá như sau:
* Hạng 52 trong số 100 diễn văn chính trị ở Mỹ quan trọng nhất trong Thế kỷ 20 (trang mạng AmericanRhetoric).
* Một trong những bài diễn văn của Mỹ hay nhất trong Thế kỷ 20 (Báo The New York Times, Mỹ).
Diễn văn trước Đại hội Toàn quốc của Đảng Cộng hòa
Không đầy ba tháng trước, tại diễn đàn tường trình ở Thành phố Salt Lake, tôi yêu cầu Đảng Cộng hòa dỡ bỏ tấm màn che của sự im lặng phủ lên vấn đề HIV và AIDS. Tối nay, tôi đến đây để chấm dứt sự im lặng của chúng ta. Tôi mang một thông điệp của thách thức, không phải của sự tự khen ngợi. Tôi mong muốn quý vị chú ý, tôi không muốn quý vị vỗ tay.
Tôi chẳng bao giờ mong bị dương tính với HIV, nhưng tôi tin rằng trong mọi sự việc đều có một mục đích; và tôi lấy làm vui mà đứng trước quý vị và trước đất nước. Thực tế của AIDS là rõ ràng đến mức hung ác. Hai trăm nghìn người Mỹ đã chết hoặc đang chết dần mòn. Một triệu người bị nhiễm. Trên toàn thế giới, trong những năm sắp tới người ta sẽ đếm được bốn mươi triệu, sáu mươi triệu, hoặc một trăm triệu ca nhiễm. Nhưng mặc cho khoa học và những nghiên cứu, những buổi họp ở Tòa Bạch ốc và những buổi tường trình ở Hạ viện, mặc cho những ý định tốt và những sáng kiến quả cảm, những khẩu hiệu vận động, và những lời hứa tạo hy vọng – mặc cho tất cả những thứ ấy, tối nay bệnh dịch này đang chiến thắng.
Trong khuôn khổ của một năm bầu cử, tôi yêu cầu quý vị, trong khán phòng này hoặc đang lắng nghe trong bầu không khí yên tĩnh ở nhà quý vị, nhận thức rằng siêu vi AIDS không phải là con vật có xu hướng chính trị. Nó chẳng cần biết quý vị thuộc đảng Dân chủ hay Cộng hòa; nó không hỏi quý vị là người da màu hay da trắng, nam hay nữ, đồng tính hay không, trẻ hay già. [vỗ tay]
Tối nay, tôi đại diện cho một cộng đồng AIDS mà các thành viên được chấp nhận một cách miễn cưỡng từ mọi thành phần trong xã hội Mỹ. Cho dù tôi là người da trắng và cũng là một người mẹ, tôi ở kề bên một đứa trẻ da màu đang vật lộn với những ống trong một bệnh viện ở Philadelphia. Cho dù tôi là nữ và bị nhiễm bệnh này trong hôn nhân và tận hưởng sự hỗ trợ nồng ấm của gia đình mình, tôi kề cận với một người đàn ông đồng tính đang che chắn một cây nến cháy lập lòe trong gió lạnh vì bị gia đình ruồng bỏ. [vỗ tay]
Đây không phải là một mối đe dọa ở cách xa. Nó là mối nguy hiểm hiện tại. Tốc độ nhiễm đang gia tăng nhanh nhất trong số phụ nữ và trẻ em. Chỉ một thập kỷ trước ít ai biết đến nó, bây giờ AIDS là bệnh gây tử vong đứng hàng thứ ba cho người lớn trẻ tuổi của nước Mỹ. Nhưng chẳng bao lâu nó sẽ không đứng hàng thứ ba nữa, bởi vì không giống như những chứng bệnh khác, AIDS có sức lây lan. Người lớn không truyền cho nhau bệnh ung thư hoặc bệnh tim khi họ đang yêu nhau, nhưng HIV thì khác; và chúng ta giúp cho nó lây lan. Chúng ta giết nhau với sự ngu dốt của chúng ta, định kiến của chúng ta, và sự im lặng của chúng ta [vỗ tay]
Chúng ta có thể trốn lánh trong những khuôn mẫu của chúng ta, nhưng chúng ta không thể ẩn núp trong đó mãi, bởi vì HIV chỉ hỏi một câu với người mà nó tấn công. Bạn có phải là con người không? Và đấy là câu hỏi đúng cách. Bạn có phải là con người không? Bởi vì con người chưa đi vào trạng thái của chủng sinh vật khác. Họ là con người. Họ không làm gì xấu để hứng chịu sự tàn ác, và không đáng để hứng chịu sự bần tiện. Họ không được lợi gì từ việc bị cô lập hoặc bị xa lánh. Mỗi người trong số họ là đúng những gì Thượng Đế tạo ra: một người chứ không phải quỷ dữ; đáng cho ta phán xét chứ không phải là nạn nhân; tha thiết muốn được rủ lòng thương, sẵn sàng để nhận hỗ trợ và xứng đáng cho sự đồng cảm. [vỗ tay hồi lâu]
Lời kêu gọi của tôi tới quý vị, Đảng của tôi, là hãy có lập trường công khai, không kém đồng cảm so với Tổng thống và Bà Bush. Hai người ôm tôi và gia đình tôi trong cung cách đáng nhớ. Trong việc phán xét, họ cho thấy sự đồng cảm. Trong những thời khắc khó khăn, họ vực tinh thần chúng tôi lên. Trong những giờ phút đen tối nhất, tôi thấy họ vươn đến không những tôi mà còn gia đình, mang theo sự đau buồn choáng váng và sự chiếu cố đặc biệt chỉ đến với bậc cha mẹ đã tựa quá lâu vào thành giường của đứa con đang chết dần mòn. Nhưng nếu chúng ta ca ngợi gia đình Mỹ mà phớt lờ con vi-rút phá hủy gia đình Mỹ thì chúng ta làm cho sự nghiệp của Tổng thống kém ý nghĩa. [vỗ tay]
Nếu muốn được người ta tin thì chúng ta phải nhất quán. Chúng ta không thể yêu công lý và phớt lờ định kiến, không thể yêu con em chúng ta và e ngại dạy chúng. Cho dù vai trò của chúng ta là cha mẹ hay nhà hoạch định chính sách, chúng ta phải hành động cũng hùng hồn như khi chúng ta phát biểu – nếu không chúng ta không được chính trực. Lời kêu gọi của tôi tới đất nước là lời khẩn cầu cho ý thức. Nếu bạn tin mình được an toàn, thật ra bạn đang có rủi ro. Bởi vì tôi không có bệnh huyết hữu, tôi không có rủi ro. Bởi vì tôi không phải là nam đồng tính, tôi không có rủi ro. Bởi vì tôi không chích ma túy, tôi không có rủi ro.[i]
Cha tôi dành phần lớn cuộc đời ông để gìn giữ chống lại một cuộc tàn sát chủng tộc khác. Ông thuộc về thế hệ đã nghe Mục sư Nemoellor[ii] kể lại sau khi ra khỏi trại giam của Quốc xã:
“Họ lùng bắt người Do Thái, còn tôi không phải là người Do Thái nên tôi không phản đối. Họ lùng bắt người của nghiệp đoàn, còn tôi không phải là người của nghiệp đoàn nên tôi không phản đối. Rồi họ lùng bắt người Công giáo La Mã, còn tôi không phải là người Công giáo La Mã nên tôi không phản đối. Họ lùng bắt tôi, và không còn ai sót lại để phản đối.” [vỗ tay]
Bài học mà lịch sử dạy cho chúng ta là như thế này: Nếu bạn nghĩ mình được an toàn, thì thật ra bạn chịu rủi ro. Nếu bạn không nhìn thấy kẻ sát nhân này đang truy lùng con em bạn, thì hãy nhìn lần nữa đi. Không có gia đình hoặc cộng đồng nào, chủng tộc hoặc tôn giáo nào, không có nơi chốn nào ở Mỹ được an toàn. Nếu bạn không quan tâm đến thông điệp này, thì đất nước chúng ta chịu rủi ro.
Tối nay, HIV kiên trì phát triển qua AIDS trong hơn một triệu ngôi nhà ở Mỹ, để lại trên đường đi của nó la liệt những xác chết của giới trẻ – đàn ông trẻ, phụ nữ trẻ, cha mẹ trẻ, và con em trẻ. Một trong các gia đình là gia đình của tôi. Nếu đúng thực điều không tránh khỏi là HIV chuyển qua AIDS, thì hai con của tôi sẽ không tránh khỏi thành mồ côi.
Gia đình tôi là chỗ tựa vững chắc. Người cha 84 tuổi của tôi, người theo đuổi việc chữa lành vết thương cho đất nước, sẽ không chấp nhận tiền đề là ông không thể chữa lành con gái mình. Mẹ tôi không muốn để cho mình suy sụp. Bà vẫn gọi điện cho tôi lúc nửa đêm để kể những chuyện vui tuyệt vời làm cho tôi cười. Các chị em và bạn bè tôi, em trai Phillip mà sinh nhật rơi vào ngày hôm nay, tất cả đều giúp đưa tôi vượt qua những nơi chốn khó khăn. Tôi được ban ơn, được ban ơn một cách phong phú và sâu sắc, khi có một gia đình như thế.
Nhưng không phải tất cả các bạn… [vỗ tay] Nhưng không phải tất cả các bạn được ban ơn như thế. Bạn bị dương tính với HIV nhưng không dám nói ra. Bạn mất người thân thương nhưng bạn không dám thầm thì cái tên AIDS. Bạn âm thầm khóc. Bạn buồn khổ một mình. Tôi có một thông điệp cho các bạn. Bạn không phải là người đáng xấu hổ. Đấy chính là chúng tôi, chúng tôi chấp nhận sự ngu dốt và hành xử theo thiên kiến, chúng tôi dạy cho bạn phải sợ hãi. Chúng ta phải dỡ bỏ tấm màn im lặng, tạo an toàn cho bạn vươn đến sự đồng cảm. Nhiệm vụ của chúng ta là tạo an toàn cho con em chúng ta không phải qua sự chối bỏ thầm lặng, mà qua hành động hữu hiệu.
Một ngày nào đó con cái chúng ta sẽ trưởng thành. Con trai tôi, Max, hiện lên bốn, sẽ đánh giá mẹ của nó. Con trai tôi, Zachary, hiện lên hai, sẽ hồi tưởng lại ký ức của nó. Có thể tôi sẽ không còn ở đây để nghe sự phán xét của chúng, nhưng tôi biết điều mà tôi ước mong về chúng. Tôi muốn các con tôi biết rằng mẹ của chúng không phải là một nạn nhân. Bà ấy là một người truyền thông điệp. Tôi không muốn chúng nghĩ, như có lúc tôi từng nghĩ, rằng can đảm là khi không có sợ hãi. Tôi muốn chúng biết rằng can đảm là sức mạnh để hành động một cách khôn ngoan khi ta sợ hãi nhất. Tôi muốn chúng có can đảm để bước tới khi đất nước hoặc đảng của chúng kêu gọi và trao quyền lãnh đạo, mà không màng cá nhân sẽ chịu thiệt thòi như thế nào.
Tôi không yêu cầu các bạn hơn những gì tôi yêu cầu các con tôi. Đối với hàng triệu người trong số các bạn đang than khóc, kinh hãi, bản thân bị AIDS hành hạ: Hãy tỏ ra can đảm, rồi bạn sẽ tìm thấy sự hỗ trợ. Đối với hàng triệu người đang khỏe mạnh, tôi xin có lời van nài: Hãy gạt qua một bên định kiến và chính trị để nhường chỗ cho sự đồng cảm và chính sách đúng đắn. [vỗ tay]
Đối với các con của tôi, tôi có cam kết: Zachary ạ, mẹ sẽ không đầu hàng bởi vì mẹ được tiếp sức thêm can đảm từ con. Tiếng khúc khích ngô nghê của con cho mẹ hy vọng; lời cầu nguyện nhỏ nhẹ của con cho mẹ thêm nghị lực; và con, con trai của mẹ, cho mẹ lý do để nói với nước Mỹ: “Các bạn đang chịu rủi ro.” Và Max ạ, chừng nào mà mẹ chưa làm được tất cả để làm cho thế giới của con được an toàn, thì chừng đó mẹ sẽ không chịu nghỉ ngơi. Mẹ sẽ tìm kiếm một nơi chốn mà sự thân mật cận kề không phải là bước đầu cho nỗi đau khổ. Hai con ạ, mẹ sẽ không gấp rút xa lìa hai con, nhưng khi mẹ phải ra đi, mẹ cầu nguyện cho hai con sẽ không phải khổ sở vì nhục nhã do mẹ.
Đối với với tất cả quý vị trong tầm âm thanh tiếng nói của tôi, tôi khẩn cầu: Hãy cùng tôi rút tỉa những bài học của quá khứ và của phẩm giá, để hai con tôi sẽ không e sợ mà nói ra cái tên “AIDS” sau khi tôi ra đi. Lúc ấy, con em của chúng và con em của quý vị sẽ không phải thầm thì cái tên đó.
Xin Ơn Trên phù hộ các trẻ, và xin Ơn Trên phù hộ tất cả chúng ta.
Tạm biệt. [vỗ tay và huýt sáo]
Diệp Minh Tâm dịch từ bản ghi hình: YouTube – http://www.youtube.com/watch?v=hkVClk6
Chú thích
[i] Không có rủi ro: Mary Fisher nói trái khoáy để nêu bật những ý nghĩ sai lạc: với những điều kiện đã nêu mà kết luận không có rủi ro là sai, vì chính bà đã bị dương tính.
[ii] Nemoellor: tên nguyên là Friedrich Gustav Emil Martin Niemöller (1892-1984), người Đức, Hạm trưởng tàu ngầm trong Thế chiến I, thụ phong Mục sư (1931), vì chống đối Hitler nên bị đưa ra tòa xét xử tội chống nhà nước (1937), bị đưa vào trại tập trung (1938-1945), rồi được quân Mỹ giải cứu.
[…] “Tiếng thì thầm của AIDS” – Mary Fisher – https://tamdiepblog.wordpress.com/2018/04/08/tieng-thi-tham-cua-aids-mary-fisher/ […]