Nhà văn người Mỹ O. Henry được xem là một trong số ít cây bút viết truyện ngắn được yêu thích nhất trong mọi thời đại. O. Henry, tên thật là William Sydney Porter, sinh tại Greensboro, Bang New Carolina. Bà mẹ ông qua đời vì bệnh lao khi ông mới được 3 tuổi, và ông theo học tại trường tư do bà cô làm chủ cho đến năm lên 15. Đấy là quá trình giáo dục duy nhất mà ông tiếp nhận được. Ông bổ sung kiến thức của mình bằng cách đọc sách rất nhiều, và cũng bằng cách quan sát cùng lắng nghe những người quanh ông. Sau khi bỏ học, ông làm việc cho hiệu y dược của ông chú.
Năm 1882, khi bắt đầu có triệu chứng bệnh lao lây từ bà mẹ, ông được gửi đến sống trong một trang trại chăn nuôi ở Bang Texas với hy vọng khí hậu nơi đồng nội giúp vượt qua cơn bệnh – tương tự như nhân vật chính trong truyện Hygeia at the Solito. Ít lâu sau, ông đã thử viết những truyện ngắn đầu tay và mấy mẩu truyện vui cười cho các nhật báo miền Tây-Nam. Kế đến, ông làm tại một cơ quan địa chính và lần lượt qua nhiều công việc khác nhau: vẽ kỹ thuật và kiến trúc, thư ký, đầu bếp nhà hàng, làm nhân viên cho công ty địa ốc, xưởng in, v.v… Hầu như từ mỗi ngành nghề, O. Henry đều có thể góp nhặt tư liệu cho các truyện ông viết.
Đến năm 1894, ông lập nên tờ tuần san hài hước The Rolling Stone và làm chủ bút. Tờ báo này không mấy thành công, trở nên chết yểu sau một năm. Ông cũng làm phóng viên cho báo khác và thỉnh thoảng đóng góp vẽ hí họa.
Kế đến, ông làm nhân viên ngân hàng First National Bank ở Thành phố Austin, Bang Texas. Năm 1896, nhà nước mở cuộc điều tra vì tình nghi ông biển thủ tiền của ngân hàng. Trước đấy khá lâu, ông đã phản đối là không thể nào cân đối sổ sách kế toán của ngân hàng vì việc quản lý tại đây quá lỏng lẻo. Mặc dù bố vợ ông đã chi trả hộ khoản tiền thất thoát, chính quyền liên bang vẫn muốn truy tố tội hình sự. Nếu ông chấp nhận ra hầu tòa, có lẽ ông đã được tha bổng vì số tiền liên quan chỉ nhỏ nhoi và có thể bào chữa là do lỗi lầm kế toán. Nhưng bạn bè ông khuyên ông nên trốn lánh. Ông nghe theo và bỏ đi đến nước Honduras ở Trung Mỹ – và có tư liệu cho vài truyện phiêu lưu lấy bối cảnh từ vùng đất này.
Sáu tháng sau, nghe tin vợ mình đang đau nặng, ông trở về nước Mỹ. Nhà cầm quyền đợi đến khi vợ ông qua đời mới đem ông ra xét xử. Đến lúc này thì sự kiện bỏ trốn đi khỏi nước là yếu tố rất bất lợi cho ông. Tuy thế, ông bị kết mức án tù nhẹ nhất có thể được là 5 năm. Trong nhà tù ở Thành phố Columbus, Bang Ohio, ông làm dược tá cho bệnh viện nhà tù, có thời giờ sáng tác để gửi tiền cho con gái, và bắt đầu dùng bút hiệu O. Henry. Sau khi đã qua hơn 3 năm trong tù, nhờ tư cách tốt ông được trả tự do sớm vào năm 1901. Ông đến cư ngụ tại Thành phố Pittsburgh, Bang Pennsylvania.
Năm sau, ông định cư hẳn tại Thành phố New York, cố giấu tung tích mình là tù phạm cũ. Từ lúc này, các truyện ngắn của ông bắt đầu xuất hiện đều đặn trên các báo hàng ngày và tạp chí. Mười tập truyện lần lượt được ra đời trong thời gian 1904-1910.
Sau những năm tháng cùng quẫn, mặc dù đến lúc này đã trở nên nổi danh và có tiền nhuận bút khá, O. Henry vẫn không được hưởng hạnh phúc vào những năm cuối đời: cuộc hôn nhân thứ hai thiếu hạnh phúc, khó khăn về tài chính vì chi tiêu quá cao, lại thêm tái phát chứng lao phổi lây từ bà mẹ và tật nghiện rượu nhiễm từ ông bố. Ông qua đời một cách khổ sở tại Thành phố New York ngày 5 tháng 6 năm 1910 do bệnh lao cộng thêm chứng sơ gan. Thêm ba tập truyện được ấn hành sau khi ông mất.
Năm 1919, Hội Nghệ thuật và Khoa học (Society of Arts and Sciences) thiết lập “Giải thưởng Tưởng niệm O. Henry” (O. Henry Memorial Awards), hàng năm trao cho những truyện ngắn xuất sắc.
Ngôi nhà khi xưa ông sống ở Bang Texas được biến cải thành Bảo tàng O. Henry, trưng bầy các hiện vật của nhà văn.
Đương thời, O. Henry được người đọc ái mộ nồng nhiệt, nhưng một số nhà phê bình văn học không đánh giá cao văn chương của O. Henry vốn thường thể hiện qua ba sắc thái chính: khôi hài, phiêu lưu và lãng mạn. Điềụ cảm nhận này là đúng nhưng có thể hạn hẹp, vì đây đó ta vẫn tìm thấy những nét sâu sắc về ý tình nhân văn của O. Henry. Điểm nổi bật là O. Henry thường mô tả những cảnh nghèo khó, khốn cùng, nghiện ngập…, đều khổ sở như cuộc đời của chính tác giả. Sự mô tả không dông dài như chủ ý muốn dấy lên lòng thương hại (và chắc chắn là không “khai thác nước mắt” của người đọc), nhưng đủ khiến ta cảm xúc. Trong truyện The Green Door (Cánh cửa mầu lục), tác giả mô tả một cô công nhân:
Đấy là hoàn cảnh thường gặp như hàng nghìn trường hợp khác, thông thường đến nỗi thành phố phải ngáp dài khi chứng kiến – hoàn cảnh của một cô gái làm chân bán hàng nhận đồng lương tồi tệ, đồng lương càng bị hụt đi do những món tiền “phạt” để cửa hiệu có thêm lợi nhuận; hoàn cảnh của đau yếu khiến ngày công bị cắt; và hoàn cảnh của việc mất chỗ làm, mất đi niềm hy vọng…
Trong truyện The Buyer from Cactus City (Khách từ sa mạc lên), một ông chủ hiệu buôn ở Thành phố New York bắt buộc cô nhân viên đi ăn với khách hàng để mong đem lợi về mình. Cô nhân viên nói với anh khách hàng sau khi nghe anh tỏ tình ý với cô:
Anh nghĩ rằng bọn con gái chúng em phải đi ăn với anh nếu không sẽ mất việc nên anh có quyền muốn nói gì thì nói.
Chỉ một câu nói ngắn này đủ cho ta thấm thía về thân phận của phụ nữ trong một xã hội phồn hoa, và không khỏi liên tưởng đến những phụ nữ của ta làm việc để lãnh đồng lương trong thời mở cửa!
Với những tình huống thê thảm hơn, O. Henry cũng thành công trong việc gợi lên niềm xúc động mà không cần phải trở nên quá bi thương. Mô tả việc kề cận với cái chết của một cô họa sĩ nghèo trong truyện nổi tiếng The Last Leaf (Chiếc lá cuối cùng), nhà văn viết:
Nỗi cô đơn cùng cực nhất trên thế gian là một linh hồn chuẩn bị tiếp tục cho cuộc hành trình bí ẩn, xa thẳm. Điều mộng tưởng dường như đã ám ảnh cô mạnh mẽ hơn, khi mà những sợi dây nối buộc cô với tình bạn và với trần thế đã dần bị lơi lỏng.
Không cần dông dài, O. Henry vẫn có thể đem đến cho ta niềm cảm thông sâu sắc. Trong truyện The Marionettes (Con người hai mặt), tác giả chỉ dùng đoạn văn ngắn sau để tả một thảm cảnh gia đình:
Câu chuyện xưa như trái đất, câu chuyện về ảo ảnh, ngang tàng, đại họa, tàn nhẫn, và tự trọng. Dần dần ông nhìn ra các hình ảnh – quang cảnh một ngôi nhà lý tưởng tận miền Nam xa xôi; một cuộc hôn nhân với hối tiếc nhanh chóng; một mùa trong năm trôi qua không hề có hạnh phúc mà chỉ đầy những bê tha và hành hạ; và, cuối cùng, khoản tiền do di chúc để lại nhưng bị tên chồng với lòng dạ lang sói thu giữ và tiêu phí trong hai tháng vắng mặt khỏi nhà; rồi đến một đêm khuya hắn lết về say khướt. Chen vào đấy là tình thương giản đơn, chịu đựng, thuần khiết của bà quản gia già người da đen, luôn luôn theo chân cô chủ không sờn bước để cùng nhau chịu đựng mọi nỗi niềm cho đến lúc cuối.
Ngoài những cảnh khốn cùng và thảm cảnh gia đình, O. Henry cũng viết về những lầm lỡ và tỉnh ngộ, như trong truyện The Cop and the Anthem (Tên cớm và âm điệu giáo đường), nhà văn mô tả khung cảnh khi một anh chàng tên Soapy đi đến một ngôi giáo đường và nghe giai điệu thánh nhạc vọng ra:
Vầng trăng đang ở trên cao, vằng vặc, êm đềm; xe cộ và người qua lại thưa thớt; chim sẻ ríu rít điệu ngái ngủ dưới mái giáo đường – trong một khoảnh khắc, khung cảnh như là sân vườn sau của một nhà thờ miền quê. Và âm điệu giáo đường đổ khuôn bê tông Soapy lên bức rào sắt, vì anh đã quen thuộc với nó trong những ngày cuộc đời anh còn có những thứ như tình mẹ và hoa hồng và cao vọng và bạn bè, cùng tư tưởng và cổ áo chỉnh tề.
Sự cộng hưởng của một tâm tư dễ đón nhận và những ảnh hưởng của ngôi giáo đường cổ kính thình lình tạo ra một thay đổi tuyệt vời trong linh hồn anh. Anh hãi hùng nhìn thấy cái hố sâu thẳm mà anh đã rơi xuống đấy. Anh nhìn ra mọi thứ đã làm nên cuộc sống của mình: những tháng ngày hạ cấp, những ham muốn vô nghĩa, những hy vọng tắt ngúm, những năng khiếu đổ vỡ, những thúc đẩy thấp hèn.
Văn phong chững chạc còn được tìm thấy trong truyện Lost on Dress Parade (Lạc giữa đám diễu hành), khi một cô gái nhà giầu vận y phục tầm thường ra đường gặp một chàng trai có thái độ tử tế, làm việc với đồng lương ít ỏi nhưng bốc phét là mình giàu có, chỉ biết ăn chơi mà không phải làm việc gì cả. Sau buổi gặp gỡ, cô gái về nhà tâm sự với chị:
Em có thể yêu một người có đôi mắt xanh và dịu dàng, tử tế, biết trọng những người con gái nghèo, một người đẹp trai và hiền, không tìm cách tán tỉnh. Nhưng em chỉ yêu anh ấy nếu anh có ước vọng, có mục đích, có công việc gì đấy để làm. Em không cần biết anh ấy nghèo đến thế nào nếu em có thể giúp gầy dựng cho anh ấy. Nhưng mà, chị ơi, hạng đàn ông chúng ta luôn gặp – hạng người chỉ sống cuộc đời nhàn rỗi giữa xã hội và các câu lạc bộ của họ – em không thể yêu một người như thế, ngay cả nếu mắt anh ta có xanh và anh ta tử tế với những cô gái nghèo anh gặp ngoài đường.
Nhiều truyện của O. Henry có vài tình tiết hay ngôn từ đầy ý tình mà người đọc, trong khi náo nức theo dõi câu chuyện, nên đọc chậm lại để thấm thía hơn với tác giả. Trong truyện At arms of Morpheus (Qua cơn mê) đầy tính khôi hài, một chàng trai cố giúp người bạn mình tỉnh táo sau khi uống nhầm phải nha phiến. Anh ta cố tình chửi bới châm chọc cho người bạn nổi giận:
Cô gái mà mày bắt chờ đợi võ vàng dưới miền Nam ấy – cô gái mà mày đã quên kể từ khi mày có tiền rủng rỉnh trong túi, giờ ra sao rồi? Mày biết tao muốn nói gì. Trong khi mày còn là tên sinh viên y khoa kiết xác thì cô ấy còn xứng với mày. Nhưng bây giờ, mày đã là triệu phú, tình đời đổi thay!
Rồi khi thấy anh bạn vẫn còn ngầy ngật vì hiệu quả của nha phiến, chàng trai bồi thêm:
Cô ấy là một người con gái nghèo, phải không? Có phần quá vô vị, quá quê mùa đối với bọn mình kể từ khi mình có tiền phải không? Mày cảm thấy xấu hổ đi với cô ấy trên Đại lộ Số Năm phải không? Hopkins, mày là thằng đốn mạt gấp bốn mươi lần cái đốn mạt. Ai màng đến tiền bạc của mày chứ? Tao không màng. Tao biết chắc cô ấy không màng. Có lẽ nếu mày không có tiền, mày sẽ trở nên con người khá hơn. Với tiền bạc, mày là tên khốn kiếp…
Có phải O. Henry muốn gián tiếp mắng mỏ hạng người thành thị chạy theo đồng tiền mà xã hội ta bây giờ vẫn thấy nhan nhản? Và khi cần mắng mỏ, O. Henry có thể trở nên khá sắc bén. Với truyện The Fool-Killer (Diệt tuyệt ngu si), O. Henry mượn lời một chàng trai bênh vực cho bạn mình vì người cha triệu phú của anh bạn không thuận cho con trai ông cưới một cô gái công nhân nghèo mà còn mắng con mình là ngu si:
Tại sao ông không đi về miền Nam và diệt Dân biểu Hạ viện mà để yên cho chúng tôi? Tại sao ông không đi lên Đại lộ Số Năm mà diệt mấy tên triệu phú chỉ biết thủ tiền, không để cho giới trẻ ngu si cưới nhau chỉ vì một người trong bọn họ sống nhầm ở đường khác? … Anh ấy ngu si vì anh đã chờ đợi quá lâu trước khi quyết định cưới cô ấy. Anh ấy ngu si vì anh đã chờ đợi cho ông già hai triệu đô phi lý của anh chấp thuận.
Câu chuyện trên dễ làm cho ta liên tưởng đến thái độ của nhóm Tự lực Văn đoàn chống đối lại những quy ước xã hội và gia đình cổ hủ.
Nỗi đau vì thất tình cũng có thể khiến con người chống đối xã hội. Trong truyện A Chaparral Christmas Gift (Món quà Giáng Sinh đồng nội), một anh chăn bò vì thất tình, mang súng đến tiệc hôn lễ (đúng vào đêm Giáng Sinh) của cô gái anh yêu hụt, định hạ sát cả đôi vợ chồng mới cưới, nhưng không thể thực hiện mưu đồ. Bị truy nã, anh trở nên khát máu, lạnh lùng, vớ ai bắn nấy, rồi khinh thường luật pháp. Đến một đêm Giáng Sinh vài năm sau, anh lại lẻn đến vẫn với ý định hạ sát tình địch. Khi nghe một người mạt sát anh, người anh yêu hụt lên tiếng nhận xét về anh:
– Anh ấy đã phạm nhiều tội kinh khiếp nhưng… tôi… không chắc… Tôi nghĩ mỗi người đều có một điểm hiền lương ở đâu đấy. Anh ấy không phải lúc nào cũng hung dữ… tôi biết như thế.
Ông già Nô-en lúc ấy vừa đi qua, nói:
– Bà Lane à, qua cửa sổ Ông già Nô-en nghe bà nói gì rồi. Già định phát quà Nô-en cho ông nhà, nhưng thay vào đấy Già muốn phát cho bà. Già để quà ở căn phòng bên phải đó.
Nhưng trong căn phòng này chỉ có “ông nhà.” Ông này bảo cô vợ:
– Anh không thấy món gì có vẻ là quà cho em cả. Hay là Ông già Nô-en muốn ám chỉ đến anh?
Kẻ tình si nhưng bị thất tình kia, kẻ định đến hạ sát tình địch bằng cách cải trang thành Ông già Nô-en ấy, bỏ đi ra ngoài sau khi thông báo về món quà Giáng Sinh của mình.
Điểm hiền lương cũng được thể hiện trong truyện Hygeia at the Solito (Hoa Đà thời cận đại). Nhà văn mô tả tình nhân loại khi hai người xa lạ mới gặp nhau: một chủ trại miền Nam tìm cách cứu giúp một anh trai trẻ miền Bắc đang bị cơn bệnh hoành hành mà không còn tiền bạc trên người. Nhà văn viết về ông chủ trại này:
Tuần trước, trong khi rong ruổi trên đồng cỏ, Raidler đi ngang một con bò non bệnh tật, bị bỏ bê, đang kêu la. Vẫn ngồi trên lưng ngựa, ông vói tay xuống nắm lấy con vật khốn khổ quăng lên yên, rồi đem nó về lán trại cho đám thanh niên chăm sóc. McGuire không thể nào biết hoặc hiểu được là, trong con mắt của ông chủ trại, trường hợp của anh và trường hợp con bê kia là giống nhau, đều cần ông hỗ trợ. Một sinh vật bệnh tật và yếu đuối; ông có quyền lực để ra tay cứu giúp – đấy là nguyên tắc cơ bản cho hành động của ông chủ trại. Nó tạo nên hệ thống lô-gíc của ông và phần lớn đức tin của ông.
Chỉ giản dị thế thôi chứ không cần ngôn từ văn hoa bóng bẩy để tô vẽ, nhưng cũng đủ khiến ta cảm nhận là cuộc đời vẫn còn có những contim trong sáng.
Nếu người đọc muốn tìm một chút bóng bẩy thì vẫn có. Trong truyện Sisters of the Golden Circle (Chị em bạn vàng) kể về hai phụ nữ mới cưới gặp nhau trên chuyến xe đi tham quan thành phố để rồi một người quyết định ra tay cứu giúp người kia, tác giả kết luận câu chuyện bằng đoạn văn sau:
Như thế đó, hai phụ nữ trở nên chị em bạn vàng khi họ nhìn thấy người kia đứng trong vùng ánh sáng lôi cuốn vốn chỉ lóe lên một lần và ngắn ngủi cho mỗi người. Đàn ông biết về hôn lễ qua nghi thức cưới hỏi và hàng lụa. Nhưng cô dâu thông cảm cho cô dâu chỉ qua một tia mắt nhìn. Và giữa hai người, niềm ấm cúng và ý nghĩa trao đổi nhanh chóng qua lại trong một ngôn từ mà đàn ông và người góa không thể hiểu được.
Tính nhân văn của O. Henry còn được thể hiện qua một tướng cướp trong truyện A Chaparral Prince (Hoàng tử đồng xanh), khi nghe qua chuyện một em bé gái bị người cha gốc Đức bắt buộc đi làm công khổ nhọc để nhét đầy túi tham của mình, cất tiếng thô lỗ chửi bới:
Bọn Đức chúng mầy làm tao thấy oải quá! Bắt con cái đi làm trong khi đáng lẽ chúng nó được chơi búp bê trên cát. Bọn này là đám cư dân khốn kiếp.
Có quân cướp đường nhân văn thì cũng có kẻ trộm đạo nhân văn. Trong truyện A Retrieved Reform (Một cuộc đổi đời) – có ý kiến cho là dựa trên chuyện có thật –, một anh chàng chuyên nghề mở két sắt, vào tù, rồi lại đi mở két sắt sau khi ra tù, cho đến khi anh gặp một người con gái, yêu cô do tiếng sét ái tình. Anh muốn từ bỏ hẳn các phi vụ, sống chân chất với người mà anh xem như một thiên thần. Oái oăm thay, khi mang đồ lề mở két sắt đi gửi tặng cho một người bạn cũng là trộm đạo như anh, anh được mời vào nhà băng do cha vợ tương lai làm chủ để xem một chiếc két sắt mới, hiện đại, trong khi bên ngoài, viên thanh tra vốn đã theo dõi anh sít sao theo mỗi phi vụ, đang đứng chờ bắt anh. Kế đến, đứa bé cháu gái của cô vợ tương lai của anh vô tình bị nhốt vào cái két sắt mà không ai mở được. Trong khi mọi người đang hốt hoảng, lo sợ cô bé sẽ bị chết ngạt trong cái két sắt, anh nói với người anh yêu:
– Annabel, em tặng anh cánh hoa hồng em đang mang, được không?
Anh nhận được cánh hoa, cài vào áo mình, rồi mở túi đồ lề ra để khoan ổ khóa của cái két sắt, nhanh chóng cứu thoát cô bé. Anh trộm đạo có tính nhân văn này, khi đi ra ngoài gặp viên thanh tra, đã chấp nhận ngoan ngoãn theo ông vào tù, vì cuộc đời anh đã tan vỡ. Nhưng viên thanh tra cũng có tính nhân văn: ông đã chứng kiến vụ việc, và giả vờ không nhận ra kẻ tình nghi!
Riêng một anh cảnh sát khác thì không muốn để “lọt người lọt tội” như thế. Trong truyện After Twenty Years (Sau hai mươi năm), anh vẫn nhớ lời hẹn tái ngộ với một người bạn thân tên Bob từ hai mươi năm trước, nhưng khi đi đến điểm hẹn, anh cảnh sát này lại giả vờ không nhận ra bạn mình, mà bỏ đi. Rốt cuộc người bạn nhận được một lá thư ngắn do bạn cũ của anh nhờ một viên cảnh sát khác trao lại:
Bob: Tôi đã đến điểm hẹn đúng giờ. Khi anh đốt điếu xì-gà, tôi nhận ra ngay khuôn mặt của người đang bị Thành phố Chicago tầm nã. Không hiểu sao tôi không thể tự mình làm việc này, nên tôi đi tìm một cảnh sát mặc thường phục để thi hành nhiệm vụ.
Trong truyện Make the Whole World Kin (Đồng bệnh tương thân), một tên trộm đạo lẻn vào một ngôi nhà định chôm chỉa ít món, rồi nhận ra ông chủ nhà cũng bị chứng bệnh phong thấp như mình. Sau vài câu trao đổi về các món thuốc đặc trị phong thấp, tên trộm đạo bỗng đổi đề tài:
– Nói cho ông nghe, chúng ta phải chống lại nó. Tôi thấy chỉ có một thứ làm bớt được. Cái gì hở? Đừng quên bạn giải sầu của lưu linh. Này ông… phi vụ này xem như bỏ… xin lỗi… thay quần áo rồi đi với tôi ra ngoài kiếm chút gì uống. Xin lỗi tôi đã tự tiện…
Và tên trộm đạo còn ngỏ ý mình sẽ chi trả để bao ông chủ nhà một chầu!
Tình mẹ hiếm khi được đề cập trong các truyện ngắn của O. Henry, nhưng riêng truyện The Reformation of Calliope (Đứa con lạc loài), mà ít người đọc văn O. Henry biết đến vì hiếm được in lại trong các tuyển tập sau này, lại viết về một bà mẹ miền Nam nước Mỹ:
Bà có thói quen thường thấy ở tuổi già – nói nhiều về những điều nhân đức.
Chỉ có ít chữ thế thôi, cũng đủ làm cho ta ngạc nhiên tự hỏi sao mà giống những bà mẹ Việt Nam đến thế! Và khi bà mẹ này nói chuyện nhân đức, nói một cách chân chất, thì ngôn từ cũng không khác với những bà cụ già miền quê ta là bao:
Ông đừng gây chuyện lộn xộn để người ta bắn ông nữa… Ông đừng trách một bà già có con trai tuổi bằng ông nay lại chen vô chuyện của ông mà nói. Xin ông đừng oán con trai tui đã bắn ông. Làm cảnh sát là phải bảo vệ luật pháp – nhiệm vụ của nó là như vậy – còn những người làm bậy và sống không đúng cách phải ráng chịu. Đừng trách con trai tui nghe ông – đó không phải lỗi tại nó. Nó luôn là con người tốt – tốt cho tới khi nó khôn lớn, nó hiền từ, mà lại đối xử ngọt với thiên hạ nữa. Ông à, tui muốn khuyên ông, đừng có làm việc đó nữa nghen. Ráng làm người tốt, đừng có uống rượu nữa, sống cho êm thấm đi. Đừng có chơi với kẻ xấu, lo làm ăn lương thiện, rồi tới tối đi ngủ cho ngon giấc.
Và tác giả chỉ thêm chút ít chi tiết để mô tả bà mẹ này:
Bàn tay may găng đen của người phụ nữ nhẹ nhàng vuốt trên ngực anh chàng mà bà đang khẩn thiết khuyên bảo. Gương mặt nhăn nheo của bà đầy vẻ nghiêm chỉnh và chân thành. Trong bộ áo đen cũ kỹ và chiếc mũ kiểu cổ, bà ngồi, kề bên đoạn cuối một cuộc đời dài, đúc kết kinh nghiệm của trần thế.
Cách đây khoảng 100 năm và cách xa nửa vòng trái đất, bà mẹ người Mỹ này không khác gì những bà mẹ Việt Nam bây giờ: nhân đức, luôn tin tưởng vào con mình, với ngôn ngữ dễ khiến ta dễ cảm thông.
Henry cũng diễn tả tình tự của trẻ em và tình cha con. Trong truyệnGeorgia’s Ruling(Phán quyết của Georgia), nhà văn viết về một cô bé tên Georgia, trước lúc qua đời vì bệnh ngỏ ý muốn ông bố làm điều gì đấy để giúp đỡ trẻ em nghèo khó. Sau khi chôn cất cô bé, ông bố trở lại với công việc:
Ngày thứ hai sau khi trở lại với công việc, ông kêu anh khuân vác đến, chỉ vào chiếc ghế lót da đặt gần ghế của ông, ra lệnh mang nó đến phòng mộc trên tầng chót của tòa nhà. Ngày xưa, mỗi chiều Georgia đến tìm ông, cô bé đều ngồi trên chiếc ghế ấy.
Đoạn văn miêu tả tâm tư của đứa con gái đoản mệnh khiến cho người đọc nhói lòng!
Sau đấy ít lâu, khi từ văn phòng nhìn qua cửa sổ, ông thấy nơi xa xa:
Có một khu nghĩa trang nơi nhiều người an nghỉ và bị lãng quên, và một số người đã sống không phải là vô ích. Và có một nấm mộ, chiếm một khoảng rất nhỏ, với một con tim trẻ thơ nhưng lại đủ lớn để mong ước điều tốt lành cho người khác khi thoi thóp những nhịp đập cuối cùng.
Rồi ông nói với chính mình:
“Đấy là di chúc và lời trối trăng cuối cùng của con bé, và mình đã lãng quên quá lâu!”
Ngắn, gọn, mà vẫn đầy ý tình, ai lại có thể bảo văn O. Henry là nông cạn?
Có lẽ nếu O. Henry sống thọ hơn, các nhà phê bình văn học đáng lẽ đã được đọc những tác phẩm nghiêm túc hơn theo ý họ muốn. Sau khi O. Henry qua đời ở tuổi 48, người ta tìm thấy bản thảo một truyện ngắn đang còn dở dang của ông, khởi đầu cho đường hướng mới, ít khôi hài, ít lãng mạn, nhưng tác giả không thể tiếp tục. Nhưng người đã đọc và yêu mến O. Henry có thể không hoan nghênh lắm những tác phẩm nghiêm túc như thế!
Chú thích: những trích đoạn trên được rút từ Tinh hoa truyện ngắn O. Henry, gồm 50 truyện do Diệp Minh Tâm dịch, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn phát hành năm 2003 và sau đó được tái bản nhiều lần. Những tựa truyện bằng Việt ngữ là do người dịch đặt trong quyển sách nói trên. Người đọc cũng có thể tham khảo thêm bài viết “O. Henry và truyện ngắn của ông” đăng trên tạp chí Văn học nước ngoài số 3-2000 nhân kỷ niệm 90 năm ngày mất của nhà văn (5.6.1910-5.6-2000).
Diệp Minh Tâm