Thánh Teresa thành Calcutta (1910-1997), sinh thời được gọi là Mẹ Teresa, gốc người Albania, là nữ tu Công giáo, người thành lập Dòng Thừa sai Bác ái (Missionaries of Charity). Trong hơn bốn mươi năm, bà chăm sóc người nghèo, bệnh tật, trẻ mồ côi, người hấp hối, trong khi hoàn tất nhiệm vụ lãnh đạo dòng tu của bà phát triển khắp Ấn Độ và đến các quốc gia khác.
Đến năm 1970, Mẹ Teresa trở nên một nhân vật toàn cầu nổi tiếng với những hoạt động nhân đạo. Dòng Thừa sai Bác ái của Mẹ Teresa tiếp tục phát triển, đến thời điểm bà từ trần, tổ chức từ thiện này đang điều hành 610 cơ sở truyền giáo tại 123 quốc gia, trong đó có các nhà trọ và nhà tình thương tiếp nhận người mắc bệnh HIV/AIDS cùng bệnh nhân phong và lao, các bếp ăn từ thiện, các chương trình tư vấn cho gia đình và trẻ em, các trại mồ côi và trường học.
Ngoài Giải Nobel Hòa bình, Mẹ Teresa còn được trao nhiều giải thưởng khác, ví dụ như
* Giải Ramon Magsaysay cho sự Hiểu biết Quốc tế, 1962
* Giải Hòa bình Giáo hoàng Gioan XXIII lần thứ nhất, 1971
* Giải Jawaharlal Nehru cho sự Hiểu biết Quốc tế, 1972
* Giải Quốc tế Albert Schweitzer, 1975
* Giải thưởng dân sự cao quý nhất Ấn Độ, Bharat Ratna, 1980
* Order of Merit của Anh quốc, 1983
* Huân chương Tự do của Tổng thống Hoa Kỳ, 1985
* Huân chương Vàng Nhà nước của Albania, 1994
* Công dân Danh dự của Hoa Kỳ, 1996.
* Năm 1999, theo cuộc thăm dò ý kiến người Mỹ do Viện Gallup tổ chức, bà được bầu chọn là Nhân vật được người Mỹ ngưỡng mộ nhất trong Thế kỷ 20.
Năm 1979, Mẹ Teresa được trao Giải Nobel Hòa bình. Ngày 11 tháng 12 năm 1979, bà cho Bài giảng Nobel
Ngày 4 tháng 9 năm 2016, Mẹ Teresa được Giáo hoàng Francis phong thánh, trở thành Thánh Teresa thành Calcutta.
Dưới đây là bản biên dịch trích đoạn.
Bài giảng Nobel
Khi chúng ta tụ họp nơi đây để cảm ơn Chúa về Giải Nobel Hòa bình, sẽ là điều tuyệt vời nếu chúng ta đọc lên lời cầu nguyện của Thánh Francis Xứ Assisi, vốn luôn làm cho tôi rất thích thú.
[Mẹ Teresa đọc lời cầu nguyện]
Tôi không bao giờ quên cơ hội tôi đến thăm một cơ sở nuôi người già nơi con cái họ gửi đến, và có lẽ con cái đã quên họ. Khi đến đó, tôi thấy họ có mọi thứ, mọi thứ đều tốt đẹp, nhưng ai nấy đều nhìn ra phía cánh cửa. Và tôi không hề thấy một nụ cười nở trên môi ai. Thế nên tôi hỏi một nữ tu: “Tại sao thế? Làm thế nào mà mọi người đã có đủ các thứ, nhưng tại sao họ đều nhìn ra phía cánh cửa?, tại sao họ không mỉm cười?” Tôi quen thấy nụ cười trên môi nhiều người, thậm chí người đang hấp hối cũng nở một nụ cười, và nữ tu đáp: “Hầu như ngày nào cũng thế, họ đang ngóng chờ, họ đang mong đợi con trai hoặc con gái của họ đến thăm”. Họ bị tổn thương bởi vì họ bị lãng quên, và quý vị xem – đó là nơi tình thương khởi phát.
Cảnh nghèo ấy hiện diện ngay trong ngôi nhà của chúng ta ở đây, thậm chí tình thương cũng bị lãng quên. Có lẽ trong chính gia đình của chúng ta có người cảm thấy cô đơn, có người cảm thấy đau yếu, có người cảm thấy lo lắng, và có những ngày khó khăn đối với tất cả. Chúng ta có ở đấy không, chúng ta có ở đấy không để tiếp nhận họ, để đóng vai một người mẹ tiếp nhận đứa con?
Tôi ngạc nhiên vì thấy ở phương Tây quá nhiều trẻ lâm vào ma túy, và tôi cố tìm hiểu tại sao – làm thế nào lại như thế, và câu trả lời là: “Bởi vì không ai trong gia đình tiếp nhận chúng”. Cha mẹ quá bận rộn nên không có thời giờ. Cha mẹ trẻ đang bị giam giữ vì lý do nào đó, nên chúng lang thang ngoài đường và lâm vào một vấn đề nào đó. Chúng ta đang nói đến hòa bình. Có những vấn nạn phá vỡ hòa bình, nhưng tôi nghĩ yếu tố lớn nhất phá vỡ hòa bình là việc phá thai, bởi vì đó là chiến tranh trực tiếp, giết người trực tiếp – giết trực tiếp bởi chính người mẹ. Và chúng ta đọc trong Kinh Thánh, Thượng Đế nói rất rõ: “Ngay cả khi một người mẹ lãng quên con mình, Ta sẽ không lãng quên ngươi.” […]
Thế mà bây giờ có phương tiện lớn nhất – yếu tố lớn nhất phá vỡ hòa bình – là việc phá thai. Còn chúng ta, những người hiện diện ở đây – cha mẹ chúng ta đã tiếp nhận chúng ta. Đáng lẽ chúng ta không đến được nơi đây nếu cha mẹ chúng ta không tiếp nhận chúng ta. Con cái của chúng ta thì chúng ta tiếp nhận, chúng ta thương yêu, nhưng còn hàng triệu đứa trẻ khác thì sao? Nhiều người tỏ ra rất, rất quan ngại đối với những đứa trẻ ở Ấn Độ, đối với những đứa trẻ ở Châu Phi, nơi mà một số lớn trẻ chết, có lẽ do suy dinh dưỡng, do đói kém hoặc đại loại là thế, nhưng còn có hàng triệu trẻ chết do ý muốn của người mẹ. Và đấy là yếu tố lớn nhất phá vỡ hòa bình hiện giờ. Bởi lẽ nếu một người mẹ có thể giết con của mình, thế thì còn lại gì để ngăn cản tôi giết bạn và bạn giết tôi? – có lẽ chẳng còn gì cả.
Tôi kêu gọi điều này với Ấn Độ, tôi kêu gọi điều này với mọi nơi: Hãy giữ mạng sống của trẻ, và năm nay là năm của trẻ em: Chúng ta đã làm gì cho trẻ em? Vào đầu năm tôi nói, tôi nói ở mọi nơi và tôi bảo: Năm nay chúng ta hãy giúp cho mọi đứa trẻ sinh ra, và khi chưa sinh thì được tiếp nhận. Hôm nay là ngày gần cuối năm, chúng ta đã thực sự giúp cho trẻ được chấp nhận hay không?
Tôi sẽ nói cho quý vị điều kinh khủng. Chúng tôi đang chiến đấu chống lại nạn phá thai bằng cách cho nhận con nuôi, chúng tôi cứu mạng cho hàng nghìn trẻ, chúng tôi thông tin cho các phòng khám, cho bệnh viện, trụ sở cảnh sát – xin đừng hủy hoại sinh mạng trẻ, chúng tôi sẽ đón nhận trẻ. Thế là mỗi giờ trong ngày và đêm luôn có một người nào đó – chúng tôi có một số lớn người mẹ độc thân – nói với họ cô cứ đến đi, chúng tôi sẽ chăm sóc cho cô, chúng tôi sẽ tiếp nhận đứa trẻ từ cô, và chúng tôi sẽ tìm một mái nhà cho đứa trẻ. Và chúng tôi có nhu cầu rất cao từ những gia đình không con, đó là ân điển của Thượng Đế đối với chúng tôi. Chúng tôi cũng đang thực hiện những việc làm tốt đẹp khác – chúng tôi đang giáo dục về kế hoạch hóa gia đình tự nhiên cho người ăn xin, bệnh nhân phong, người sống trong khu ổ chuột, người sống ngoài đường phố.
[…]
Người nghèo là những người tuyệt vời. Họ dạy cho chúng ta nhiều điều cao đẹp. Ngày nọ có một người nghèo tìm đến gặp chúng tôi để cảm ơn và nói: “Quý vị là những người đã thệ nguyện tiết dục nên quý vị là người thích hợp nhất để giáo dục chúng tôi về kế hoạch hóa gia đình. Bởi lẽ không có gì hơn là tự kềm chế do tình yêu thương lẫn nhau.” Và tôi nghĩ họ nói một câu nghe thật hay. Đó là những người có thể không có gì để ăn, có thể không có nhà để ở, nhưng họ là những người tuyệt vời. Một buổi tối chúng tôi đi ra ngoài và đón nhận người [cơ nhỡ] trên đường phố. Một trong số đó có tình trạng thật là tồi tệ, nên tôi bảo các nữ tu: “Các con hãy chăm sóc ba người kia, mẹ sẽ chăm sóc cho người nặng nhất này.” Thế là tôi chăm sóc cho người này với tất cả tình thương của mình. Tôi đặt bà nằm trên giường, và gương mặt bà nở một nụ cười tươi tắn. Bà cầm lấy tay tôi, chỉ thốt ra hai tiếng: “Cảm ơn” – rồi bà qua đời.
Tôi chẳng đặng đừng mà rà soát tâm tư của mình trước bà ấy, và tự hỏi tôi sẽ nói gì nếu ở trong hoàn cảnh của bà. Câu trả lời của tôi là đơn giản. [Nếu ở trong hoàn cảnh của bà] tôi hẳn đã cố hướng một ít chú ý về mình, tôi hẳn đã nói rằng tôi đói, rằng tôi sắp chết, tôi lạnh, tôi đau, hoặc đại loại như thế. Nhưng bà ấy cho tôi nhiều hơn – bà cho tôi tình thương đáng cảm kích. Và bà ấy qua đời với nụ cười nở trên môi. Giống như người đàn ông mà chúng tôi tìm thấy trong rãnh, nửa người bị giòi bọ ăn, và chúng tôi mang ông về nhà. “Tôi đã sống như là một con thú trên đường phố, nhưng tôi sắp chết như là một thiên thần, được thương yêu và được chăm sóc.”
Quả là điều tuyệt vời mà thấy sự cao cả của một con người có thể nói ra như thế, người có thể chết mà không oán trách ai, không nguyền rủa ai, không so đo gì. Giống như một thiên thần – đấy là sự cao cả của những con người của chúng tôi. Và đấy là tại sao chúng tôi tin rằng Jesus đã nói: “Tôi thiếu ăn – tôi thiếu mặc – tôi không có nhà cửa – không ai tiếp nhận tôi, thương tôi, chăm sóc tôi – vậy mà các người đã làm như thế đối với tôi.” […]
Tôi tin rằng chúng tôi không thực sự là những người làm công tác xã hội. Dưới mắt người khác chúng tôi có thể đang làm công tác xã hội, nhưng chúng tôi thực sự là những người thiền định trong con tim của thế giới. Vì lẽ chúng tôi 24 giờ đang chạm đến Thân thể Chúa. Chúng ta có 24 giờ trong sự hiện hữu đó, cả quý vị và tôi. Quý vị cũng nên cố mang sự hiện hữu của Chúa như thế đến gia đình mình, hầu gia đình nguyện cầu được sống bên nhau. Và tôi nghĩ rằng trong gia đình của chúng ta không cần bom và súng, không để phá hủy mà là để mang lại bình yên – chỉ có nhau, thương yêu nhau, mang đến bình yên đó, niềm vui đó, sức mạnh đó khi mỗi người đều hiện diện trong nhà. Rồi chúng ta sẽ có thể đương đầu với tất cả những gì xấu xa trên thế gian.
Có quá nhiều khổ đau, quá nhiều thù hận, quá nhiều nghèo khó, và chúng ta với lòng nguyện cầu, với lòng hy sinh đang khởi đầu ở nhà.
Tình thương khởi đầu ở nhà; vấn đề không phải là chúng ta làm nhiều đến đâu, mà là chúng ta đặt tình thương đến mức nào vào công việc của mình. […]
Ở Calcutta, có một lúc chúng tôi gặp nhiều khó khăn để kiếm đường ăn, và tôi không rõ làm thế nào trẻ em biết được việc này. Một đứa bé bốn tuổi, bé trai người Ấn giáo, về nhà nói với cha mẹ cậu: “Con muốn nhịn ăn đường trong ba ngày để mang phần đường của con cho Mẹ Teresa phát cho trẻ em của bà ấy.” Sau ba ngày, cha mẹ cậu bé dẫn cậu đến tìm chúng tôi. Trước đây tôi chưa từng gặp họ, và cậu bé này hầu như không thể phát âm tên tôi, nhưng cậu biết rất rõ mình phải làm gì. Cậu biết rằng mình muốn chia sẻ tình thương.
Đấy là tại sao tôi nhận nhiều tình thương từ tất cả quý vị. Kể từ lúc đến đây, tôi được bao vây bởi tình thương, bởi tình thương có cảm thông thực sự. Đó là cảm tưởng như thể mỗi người ở Ấn Độ, mỗi người ở Châu Phi đều là một người nào đó rất đặc biệt đối với quý vị. […]
Và thế là tôi đang hầu chuyện với quý vị ở đây. Tôi yêu cầu quý vị tìm ra người nghèo ở đây, trước nhất là ở ngay trong nhà của quý vị. Và bắt đầu tình thương ở đây. Hãy tạo tin tốt lành cho người thân của mình. Và tìm hiểu về người láng giềng ở nhà kế bên. Quý vị có biết họ là ai không?
Tôi có một kỷ niệm tuyệt vời với một gia đình theo Ấn giáo có tám đứa con. Một người đàn ông tìm đến nhà dòng tôi và nói: “Mẹ Teresa ạ, một gia đình với tám đứa con từ lâu không được ăn – xin Mẹ hãy làm việc gì đi.” Thế là tôi lập tức mang ít cơm đến cho họ. Tôi thấy đám trẻ – cặp mắt trắng dã vì đói – tôi không rõ quý vị từng trông thấy cảnh đói kém hay chưa. Nhưng tôi thường thấy. Bà ấy nhận phần cơm, chia sớt ra, rồi đi ra ngoài. Khi bà ấy trở lại, tôi hỏi: “Bà đi đâu thế? Bà đã làm gì?” Bà ấy trả lời ngắn gọn: “Họ cũng đói.” Điều gây ấn tượng mạnh cho tôi là bà ấy biết gia đình kia theo Hồi giáo – bà biết từ trước. Tối hôm ấy tôi không mang thêm cơm bởi vì tôi muốn họ hưởng niềm vui của sự chia sẻ. Chính các đứa trẻ ấy, toát ra niềm vui, chia sẻ niềm vui với mẹ của chúng bởi vì mẹ của chúng có tình thương để chia sẻ.
Quý vị thấy đó, đấy là nơi tình thương khởi đầu – ở trong nhà. Tôi mong mỏi nơi quý vị – và tôi lấy làm vô cùng cảm kích về những gì mình đã nhận được. Đấy là kỷ niệm tuyệt vời và tôi trở về Ấn Độ – tuần tới tôi sẽ trở về, hy vọng vào ngày 15 – và tôi sẽ mang theo tình thương của quý vị.
Tôi biết rõ rằng quý vị không chỉ chia sẻ khi dư dả, mà cứ chia sẻ cho đến khi bị làm khó. Ngày hôm nay, các đứa trẻ nhỏ của họ – mà tôi rất ngạc nhiên – có nhiều niềm vui đến thế từ đám trẻ đang bị đói. Đám trẻ như thế sẽ cần đến tình thương và sự chăm sóc và tính hiền dịu, giống như chúng đã nhận nhiều từ cha mẹ chúng. Vì thế, chúng ta hãy cảm ơn Chúa vì chúng ta có cơ hội này để hiểu nhau hơn, và sự thấu hiểu lẫn nhau này mang chúng ta đến rất gần với nhau. Chúng ta sẽ có thể giúp đỡ không những trẻ em ở Ấn Độ và Châu Phi, mà còn có thể giúp trẻ em trên toàn thế giới, bởi vì như quý vị đã biết, các nữ tu của chúng tôi hiện diện trên toàn thế giới. Với giải thưởng mà tôi nhận như là một giải thưởng hòa bình, tôi sẽ cố gắng tạo mái nhà cho nhiều người không có nhà. Bởi vì tôi tin rằng tình thương khởi đầu ở nhà, và nếu chúng ta có thể tạo ngôi nhà cho người nghèo, tôi tin hằng ngày sẽ có thêm tình thương lan tỏa. Từ tình thương ấy chúng ta sẽ có thể mang đến yên bình, là tin tốt lành cho người nghèo. Trước nhất là người nghèo trong gia đình chúng ta, rồi đến người nghèo trên đất nước và trên toàn thế giới.
[…] Khắp thế giới, không chỉ ở các nước nghèo, tôi thấy ở phương Tây còn khó xóa đói nghèo hơn. Khi tôi thu nhận một người đang bị đói trên đường phố, tôi cho ông ta một đĩa cơm, một mẩu bánh mỳ, tôi lấy làm thỏa nguyện. Nhưng đối với một người bị cô lập, cảm thấy mình không được tiếp nhận, không có tình thương, bị sợ hãi, người bị xã hội ruồng bỏ – cảnh nghèo ấy còn gây khổ đau hơn, và tôi thấy rất khó khăn. Các nữ tu của chúng tôi đang làm việc giữa những người nghèo như thế ở phương Tây. Vì thế mà quý vị phải cầu nguyện cho chúng tôi để chúng tôi có thể là tin tốt lành ấy, nhưng chúng tôi không thể làm mà không có quý vị, quý vị phải làm việc ấy ngay trên đất nước quý vị. Quý vị phải tìm hiểu người nghèo, có lẽ người ở đây sở hữu những món vật chất, mọi thứ, nhưng tôi nghĩ nếu tất cả chúng ta nhìn vào ngôi nhà của mình, đôi lúc chúng ta thấy sao mà khó mỉm nụ cười với nhau đến thế, và thấy rằng nụ cười là sự khởi đầu của tình thương.
Vì thế chúng ta hãy luôn gặp nhau với nụ cười, bởi vì nụ cười là sự khởi đầu của tình thương, và một khi chúng ta bắt đầu thương yêu lẫn nhau, lẽ tự nhiên là chúng ta muốn làm điều gì đó. Thế nên quý vị hãy cầu nguyện cho các nữ tu chúng tôi, cho tôi, cho các đạo hữu của chúng tôi và cho các cộng tác viên của chúng tôi khắp thế thời. Những gì chúng tôi đã làm, chúng tôi hẳn đã không làm được nếu quý vị đã không chia sẻ với chúng tôi những lời cầu nguyện, những món quà, và sự sẻ chia thường xuyên. Nhưng tôi không muốn quý vị sẻ chia từ cảnh giàu có, tôi muốn quý vị sẻ chia cho tôi đến khi việc này làm khó cho quý vị.
Ngày nọ tôi nhận được 15 đô là từ một người đã nằm bẹp hai mươi năm, và chỉ có thể cử động cánh tay phải. Ông ấy chỉ có thể hưởng thụ một thứ là hút thuốc. Ông ấy nói với tôi: “Tôi sẽ nhịn hút thuốc trong một tuần để hiến cho Mẹ số tiền đó”. Đấy hẳn phải là sự hy sinh to tát đối với ông ấy, nhưng hãy xem điều đẹp đẽ đến dường nào trong cách ông ấy chia sẻ. Với số tiền ấy tôi mua bánh mỳ để phân phát cho người nghèo, thế là hai bên đều có niềm vui, ông ấy vui vì đã cho và người nghèo vui vì được nhận. […]
Tôi không bao giờ quên có một dạo, khoảng mười bốn giáo sư đến từ các đại học khác nhau bên Mỹ. Họ đến Calcutta để tìm đến nhà dòng của chúng tôi. Rồi chúng tôi nói chuyện về việc họ đã đến nhà người đang hấp hối. Chúng tôi có một nhà mở cho người hấp hối ở Calcutta, nơi chúng tôi nhận nuôi trên 36.000 người chỉ từ đường phố Calcutta, và 18.000 người trong số đó đi đến cái chết đẹp đẽ.[1] Họ vừa đến ngôi nhà của Chúa; họ đến nhà mở của chúng tôi và chúng tôi nói về tình thương, tình cảm thông, rồi một người trong số họ nói với tôi: “Mẹ ạ, xin hãy nói điều gì đó để chúng con sẽ luôn ghi nhớ.” Tôi nói với họ: “Chúng con hãy mỉm cười với nhau, hãy dành thời giờ cho nhau trong gia đình chúng con. Hãy mỉm cười với nhau.” […]
Nếu quý vị trở thành một tia sáng soi rọi trong thế giới hòa bình, thì Giải Nobel Hòa bình thực sự là một quà tặng của nhân dân Na Uy.
Xin Chúa ban phước cho quý vị!
Diệp Minh Tâm dịch từ bản ghi hình: Official web site of the Nobel Prize – http://www.nobelprize.org/mediaplayer/index.php?id=1852
Chú thích
[1] Cái chết đẹp đẽ: bởi vì Mẹ Teresa tổ chức nhà mở cho người hấp hối, một trại điều dưỡng miễn phí cho người nghèo, nhờ thế những người bệnh quá nặng được mang đến đây để nhận chăm sóc y tế khi còn có thể, rồi được chết trong nhân phẩm, được chôn cất theo tín ngưỡng của họ: người Hồi giáo được đọc kinh Quran, người Hindu được tẩy rửa bằng nước sông Hằng, còn người Công giáo được làm lễ xức dầu thánh.
[…] “Tình thương khởi đầu ở nhà” – Thánh Teresa thành Calcutta – https://tamdiepblog.wordpress.com/2018/04/09/tinh-thuong-khoi-dau-o-nha-me-teresa/ […]