Dẫn nhập
Bản thân người viết không phải là nhà chụp ảnh nghệ thuật, càng không phải là dân chuyên nghiệp. Vì thế, vài thủ thuật cơ bản ở đây chỉ nhằm hướng dẫn bạn nào còn ở bước đầu trên con đường nghệ thuật này. Những chỉ dẫn này có thể cần thiết khi bạn chụp ảnh xong rồi cần gửi ảnh qua máy khác bằng Viber hoặc Zalo trong khi bạn không có thời giờ chỉnh sửa, hoặc chức năng chỉnh sửa ảnh của bạn bị hạn chế. Còn nếu bạn có thời giờ làm PowerPoint hoặc PhotoShop thì không cần quá quan tâm đến những thủ thuật ở đây: chỉ cần lấy nét là xong.
1. Bố cục và bố cục
Khi ngắm nghía khung ảnh qua kính ngắm (viewfinder), cho dù đối tượng đang nheo mắt nhíu mày làm duyên với bạn nhưng bạn không nên quá xao xuyến, mà cần ngắm toàn khung hình theo 4 góc và 4 cạnh. Khó mà nói thế nào là bố cục tốt, nhưng khi ngắm toàn khung hình nếu có bố cục không tốt thì bạn có thế nhận ra vấn đề mà điều chỉnh lại.
Có một số quy luật về bố cục, như đối tượng số lẻ thay vì số chẵn, bất đối xứng thay vì đối xứng, điểm nhấn thêm vào hình ảnh chính, v.v. Bạn không cần quá bị ràng buộc vào những quy luật này, miễn bạn thấy hài lòng là đạt.
Tuy nhiên, cần chú ý tránh những lỗi thường gặp như sau:
- Ở hậu cảnh có một thân cây trông như mọc lên từ đỉnh đầu đối tượng, hoặc một nhánh cây, một dây cáp trông như đâm vào người.
- Ảnh bị chia cắt theo chiều ngang bởi đường chân trời, hoặc chiều dọc bởi bức tường, mà không có chi tiết “cứu chữa”.
- Ảnh quá đối xứng, như chụp trực diện mặt trước một nhà thờ, trong trường hợp này nên tìm chi tiết để phá thế đối xứng, hoặc đứng qua một bên mà chụp.
- Nâng máy chụp người từ trên cao hoặc ở mức ngang bằng: dễ làm thân người trông như thấp hơn bình thường. Nên ngồi xuống mà chụp.
Máy ảnh có zoom là tốt nhất cho bạn lấy bố cục. Dùng điện thoại thông minh thì khó: bạn có thể lùi ra xa hoặc tiến tới gần để điều chỉnh bố cục, nhưng chỉ trong chừng mực giới hạn.
Một số máy ảnh cho phép xê dịch khung trên màn hình; bạn nên thử nghiệm và tập dượt cách dùng.
2. Dùng flash khi đối tượng ở trong bóng râm
Nếu để máy theo chế độ flash tự động và đối tượng ở trong bóng râm, xung quanh có nắng, thì nhiều khi máy đã đo đủ ánh sáng nên không chớp flash. Kết quả là đối tượng sẽ phản đối bạn vì họ tự hào có làn da trắng nõn nà nhưng bạn lại biến thành ngăm ngăm! Lý do là máy ảnh lấy theo độ sáng trung bình của toàn khung hình, thế nên khoảng nào tối (tức đối tượng của ảnh) sẽ bị sáng dưới trung bình.
Nhiều loại máy ảnh có chế độ bật flash ở bất kỳ điều kiện ánh sáng nào. Bạn nên bật chế độ này lên để ánh đèn flash lấp vào những khoảng tối – với điều kiện đối tượng cách máy ảnh khoảng 3 mét. Quá khoảng cách này thì ánh đèn flash không đủ để tạo cân bằng cho bức ảnh về độ sáng, trong khi gần quá thì mặt người sẽ sáng bóng!
Bạn có thể phân vân: thay vì bật flash, có thể nào ta tăng độ thu sáng bằng cách tăng EV? Trả lời: làm như thế thì đối tượng sẽ đỡ tối nhưng khoảng sáng lại quá sáng!
3. Giảm thu ánh sáng khi đối tượng ở trong khoảng sáng
Đây là cách làm ngược lại cách trên, nhằm tránh làn da hồng mịn của đối tượng trở thành trắng bệt! Thử giảm EV 1 nấc, và nếu có thời giờ thì nên giảm EV 2 nấc để chụp thêm một tấm. Còn thời giờ thì giảm ánh sáng 3 nấc để chụp tấm thứ ba.
Sở dĩ ghi ở đây 1-3 nấc EV vì đối với máy ảnh của tôi 1 nấc bằng 1/3 EV, tức 3 nấc là 1 EV.
4. Tránh độ sáng tối quá chênh lệch
Cho dù đã áp dụng một trong hai thủ thuật trên, nhiều loại máy ảnh kỹ thuật số không thể cân bằng các độ sáng tối quá chênh lệch, kết quả là cho dù bạn điều chỉnh thêm bớt ánh sáng, ảnh vẫn lóe sáng ở khoảng sáng và quá tối ở khoảng tối.
5. Dùng khung 16:9 thay vì 4:3
Bạn thường thấy khung 4:3 ở TV hoặc màn hình vi tính thời xưa, còn TV hoặc màn hình vi tính hiện đại thường có khung 16:9. Nhiều máy ảnh có cả hai khung nhưng có thể được đặt ngầm định là 4:3. Bạn nên thử nghiệm chụp ảnh với khung 16:9 đi. Lý do thường gặp là khung 4:3 có thể tạo ra quá nhiều khoảng trống ở trên và dưới tấm ảnh. Trong trường hợp này, khung 16:9 tạo bố cục hay hơn.
6. Giảm thu ánh sáng khi chụp ảnh dưới trời nắng tốt
Một số máy ảnh cho ảnh quá sáng dưới nắng tốt, trời xanh không mây. Một cách xác định ảnh quá sáng hay không là xem màu da của nhân vật trong ảnh in ở hiệu ảnh. Bạn có thể xác định độ sáng trên màn hình vi tính của bạn nếu đã quen dùng màn hình này.
7. Không nhất thiết để người hoặc chủ đề ở giữa bức ảnh
Bạn cần biến tấu nhằm tạo bố cục mới lạ hơn: đưa đối tượng sang phải hoặc trái, nâng lên hoặc hạ xuống.
8. Chụp hoa nên chọn hậu cảnh tối
Hoa thường có màu tươi, nếu được chụp với hậu cảnh tối sẽ dễ nâng thêm vẻ đẹp của hoa. Cho dù ở ngoài môi trường khó dàn xếp bố cục nhưng nếu để ý bạn vẫn có thể tìm ra góc cạnh bấm máy để chụp hoa ngoài sáng nổi bật trên hậu cảnh tối. Có người cầu kỳ chọn chế độ M (Manual – thủ công) để đặt tốc độ chậm nhất có thể (như 1/125) giúp làm nhòe hậu cảnh. Người viết không dùng thủ thuật này vì… lười, và thấy chế độ tự động vẫn cho hậu cảnh nhòe đáng kể.
9. Chụp vài ba tấm ảnh cho mỗi nội dung
Người viết dặn dò các bạn như thế nhưng bản thân thường hay quên, chỉ vì thói quen ngày xưa chụp phim nhựa phải dè sẻn! Bây giờ ảnh kỹ thuật số lưu trên thẻ từ tha hồ cho bạn thử nghiệm: đối với nội dung quan trọng chụp 3 ảnh ở 3 độ sáng khác nhau (0, -1/2EV, +1/3 EV) và/hoặc 3 bố cục khác nhau (điều chỉnh zoom hoặc xê dịch ống kính qua lại và lên xuống). Có một số máy giúp chụp tự động 3 chế độ sáng khác nhau, bạn nên khai thác chức năng này.
10. Đừng quên chức năng Panorama
Khi ra ngoài thiên nhiên, công viên có khoảng không gian rộng, dòng sông hoặc con đường chạy ngang trước mặt…, đừng quên thử nghiệm chức năng Panorama. Bạn sẽ thấy hiệu ứng khác hẳn so với ảnh thông thường.
11. Bấm xuống nhẹ rồi mới bấm xuống tiếp để chụp
Nhiều người hay quên thủ thuật dễ dàng nhưng rất cần thiết này: bấm xuống nhẹ trước để máy ảnh kịp xác định các thông số và lấy nét. Có một số máy ảnh có chức năng chống rung (IS – Image Stabilizer) nhưng nếu bạn bấm nhanh quá thì chức năng này vẫn không theo kịp, tạo ảnh nhòe. Xem nhắc nhở của nhà sản xuất máy ảnh ở đây.
Vài ví dụ áp dụng những thủ thuật trên
Ảnh A: hai cành hoa vàng, áp dụng những thủ thuật trên như sau.
Trên
1: Bố cục: nếu không có cành cây thẳng đứng bên tay trái thì sẽ hay hơn, đành phải tạm chấp nhận vì không thể sắp xếp ngoài thiên nhiên. Còn lại là khá ổn nhờ bãi cỏ xanh ở dưới và tán lá xanh ở trên, giữa là bóng tối; cành lá xanh bên tay trái đối trọng với nhánh hoa, một số lá non ở góc phải dưới giúp làm giảm vẻ nhàm chán.
3: Đã giảm thu ánh sáng -2/3 EV vì cành hoa được ánh nắng chiếu trực tiếp, vậy mà một số cánh hoa vẫn lóe ánh bạc, tạo màu không trung thực.
4: Vi phạm chỉ dẫn tránh độ sáng tối quá chênh lệch, chỉ vì muốn chụp cành hoa có hậu cảnh tối.
5: Dùng khung 16:9, thích hợp đối với cành hoa này.
8: Áp dụng thủ thuật này nhưng chưa ổn do điểm 4.
Dưới
1: Bố cục ổn, lá xanh ở góc tay phải bên dưới làm giảm vẻ nhàm chán.
3: Ảnh chụp hoàn toàn tự động bởi vì cành hoa không được ánh nắng chiếu trực tiếp.
4: Tuân thủ tránh độ sáng tối quá chênh lệch.
5: Dùng khung 16:9, thích hợp đối với cành hoa này.
8: Áp dụng thủ thuật chụp hoa với hậu cảnh tối thành công.
Ảnh B: Hoa trên nền tối. Áp dụng thủ thuật 6, hầu như trong mỗi chuyến đi thưởng ngoạn hoa tôi đều có thể chụp hoa trên nền tối mà không cần sắp đặt gì cả.
Ảnh C: luống hoa ở công viên.
Trên
1: Bố cục quá lôi thôi: chân du khách chen vào bên tay phải, hộp kỹ thuật to đùng bên tay trái.
4: Độ sáng tối quá chênh lệch khiến cho khoảng sáng quá sáng và màu hoa trong bóng râm quá tối.
5: Khung 4:3 gây vấn đề về bố cục.
Dưới
1: Lấy zoom lại giúp điều chỉnh bố cục.
3: Lấy zoom lại cũng giúp tránh độ sáng tối quá chênh lệch, màu hoa sáng hơn.
5: Khung 16:9 tạo bố cục hay hơn.
Ảnh D: dọc bờ sông.
Trên
1: Bố cục có vấn đề nhỏ do đoàn tàu ở hậu cảnh trông như cắt ngang đầu người. Khó chữa, vì không có chỗ đứng để đưa máy ảnh lên cao hơn.
5: Khung 4:3 tạo quá nhiều khoảng trống trên và dưới.
6: Nắng tốt và trời xanh không mây khiến cho ảnh quá sáng – vấn đề thường thấy ở nhiều máy ảnh.
Dưới
5: Khung 16:9 tạo bố cục hay hơn.
6: Đã giảm thu ánh sáng -2/3 EV.
Ảnh E: luống hoa bên bờ hồ.
Trên
1: Bố cục có vấn đề do hàng người lố nhố ở xa (dọc rìa trên) và cọc gỗ ở góc dưới bên tay trái.
5: Khung 16:9 tạo bố cục tốt.
6: Ảnh nhân vật trông hơi tối, có lẽ do ánh sáng phản chiếu từ mặt hồ ảnh hưởng quá mạnh tới bộ cảm biến đo ánh sáng, so với mắt người, nên máy thu bớt ánh sáng.
7: Áp dụng nguyên tắc: Không nhất thiết để người ở giữa bức ảnh.
Dưới
1: Lấy zoom lại giúp cải thiện bố cục.
9: Chụp vài ba tấm ảnh để chọn độ sáng vừa ý.
Ảnh F: sắc thu vàng-đỏ: đúc kết những nguyên tắc trên.
1: Bố cục ổn, nhân vật lệch về bên trái để chừa hình ảnh cấu trúc và bóng nước bên phải mà không áp đảo đối tượng; lá vàng gần hơn ở giữa tạo thay đổi giữa lá đỏ xa hơn bên trên và dưới.
2: Nháy flash khi đối tượng ở trong bóng râm, khoảng cách chiếu flash vừa phải.
4: Độ sáng tối không quá chênh lệch.
5: Dùng khung 16:9 để lấy chiều cao của tán lá.
7: Không nhất thiết để người ở giữa bức ảnh.
Ảnh Panorama
Với thảm hoa trải rộng như thế này ở Lễ hội Hoa Fuji Shibazakura, Nhật Bản, thì Panorama mới giúp lột tả hết vẻ đẹp.
Do khuôn khổ hạn chế về chiều ngang của trang web này, ảnh Panorama làm ví dụ được quay đứng cho bạn chiêm ngưỡng được đầy đủ.
Nên dùng máy ảnh có zoom
Từ những chỉ dẫn trên, bạn có thể rút ra kết luận: điện thoại thông minh không đủ chức năng cho ảnh đẹp. Bạn cần có máy ảnh zoom, là chức năng cực kỳ quan trọng để chỉnh bố cục. Không cần mua loại đắt tiền, bởi vì càng đắt tiền thì càng khó dùng, càng nặng nề cồng kềnh, và càng có nhiều chức năng mà bạn không bao giờ cần đến.
Nên xem xét các loại máy ảnh sau.
Máy ảnh gọn nhẹ, bỏ túi được, zoom chỉ đến 10X là đủ. Zoom trên 20X cho ảnh không rõ nét trừ khi bạn tạm hài lòng với chất lượng kém nhưng cần chụp ảnh từ khoảng cách thật xa.
Đối với máy ảnh quang học ngày xưa thì các tiêu cự ống kính có công dụng như sau:
- 25-28 mm: chụp nhóm nhiều người ở khoảng cách gần (trung bình 4 m), thích hợp để chụp bàn tiệc, buổi hội họp… mà bạn có ít không gian xê dịch.
- trên dưới 135 mm: chụp chân dung.
- 250-280 mm: chụp khoảng cách xa
Máy ảnh kỹ thuật số ngày nay vẫn tính tương đương tiêu cự máy ảnh quang học ngày xưa. Zoom 10X có tiêu cự là 25-250 mm có tính đa năng cao nhất: có thể chụp từ gần tới xa, chụp chân dung, chụp nhóm, chụp hoa, chụp chim, thú hoang dã…
Máy ảnh loại mirrorless: đó là loại gọn nhẹ hơn máy ảnh chuyên nghiệp DSLR nhưng vẫn cho phép bạn thay đổi ống kính và bộ filter. Nếu muốn tiết kiệm chi phí thì chỉ cần mua thân máy (body) kèm với một ống kính zoom. Chọn loại zoom tiêu chuẩn khoảng 3X để nhẹ hành lý và vừa với túi tiền, ví dụ như 35-100 mm. Loại 10X khá đắt, ví dụ như 14-140 mm.

Mua loại máy mirrorless thì nên bắt chước thói quen của dân chuyên nghiệp: tháo nắp ống kính (lens cap) ra để khi cần có thể tác nghiệp cho nhanh, nhưng luôn dùng loa che nắng (lens hood) để ngăn ánh sáng chiếu xéo làm giảm chất lượng ảnh.
Cũng nên mua thêm UV filter, vừa để tăng chất lượng ảnh vừa để bảo vệ ống kính đắt tiền.
Máy ảnh DSLR: thuộc hàng chuyên nghiệp nhưng người viết không thấy ưu điểm rõ rệt so với loại mirrorless, trong khi lại quá nặng nề, quá cồng kềnh. Với máy ảnh gọn nhẹ mà sách hướng dẫn dài 310 trang, còn loại bán chuyên nghiệp như trong ảnh trên mà sách hướng dẫn dài đến 380 trang! Từ đó cho thấy có nhiều chức năng mà nhiều người sẽ không bao giờ dùng đến. Tôi nghĩ loại máy mirrorless có tương lai lâu dài, trong khi loại DSLR sẽ dần không được ưa chuộng bằng.
Thêm dặn dò
Đã chụp ảnh hàng dăm ba chục năm, có lần tôi vẫn sơ suất: không kiểm tra mặt kính thường xuyên. Xem hậu quả dưới đây: hãy để ý có một phần rìa bên phải mỗi ảnh bị mờ, bởi vì mặt kính có vết bẩn.
Dễ nhận thấy vết bẩn trên mặt kính: màu trắng mờ, thay vì độ trong suốt của mặt kính ở phần còn lại.
Bạn cần mua một bộ dụng cụ chuyên dụng để làm vệ sinh máy ảnh, tối thiểu gồm có ống thổi bụi, khăn lau ống kính, và chổi quét bụi. Loại chổi quét bụi gắn trên một quả bóng bóp để thổi khí là hữu dụng nhất để thổi sạch bụi thay vì lau. Chỉ lau khi có vết bẩn. Khăn lau phải là loại chuyên dụng để lau mặt kính, không nên dùng loại vải nào khác, càng không nên dùng giấy tissue: giấy này làm từ bột gỗ, dễ gây trầy sướt mặt kính. Có loại bộ dụng cụ gồm cả 6,7 món, giá đắt nhưng có lẽ có món bạn sẽ không cần đến.
Kết luận
Bạn chỉ cần có một máy ảnh gọn nhẹ, zoom chỉ cần 10X với giá vừa túi tiền, rồi áp dụng những thủ thuật cơ bản trên thì bạn có thể đạt trình độ bán chuyên nghiệp, cân bằng một cách tối ưu giữa một bên là chất lượng và bên kia là chi phí + công sức, để có ảnh đẹp làm kỷ niệm lâu dài.
Diệp Minh Tâm
Như cháu nhìn không nhầm thì ảnh Lumix GX7 đang gắn ống kính 35mm f1.4 của Voigtlander. Ống này là ống manual focus thì Lumix GX7 có hỗ trợ gì để lấy nét không ạ? Cho cháu hỏi thêm vấn đề nữa là ngàm của ống kính này gắn trược tiếp được lên body hay phải thêm bộ phận chuyển đổi ạ?
Dear Hai Nguyen:
Tôi post ảnh GX7 với mục đích minh họa lens hood nên không rõ về Voigtlander vì tôi dùng Panasonic Lumix 14-140. Theo tôi tìm hiểu thì được biết mount của Voigtlander là M-mount hoặc Sony-E trong khi mount của GX7 là Micro Four Third, như vậy cần có adaptor Micro Four Third.
Xem: https://en.wikipedia.org/wiki/Sony_E-mount
Lấy nét bằng internal focus design của Voightlander..
DMT