Văn phong của O. Henry và quan niệm về dịch thuật

O Henry 4Một nhà phê bình văn học người Mỹ nhận xét nửa đùa nửa thật là O. Henry không phải viết Anh văn! Quả thật, cách dùng chữ và cấu trúc văn phạm của O. Henry khá lạ lùng, và ngay đây cần có lời cảnh báo: người Việt không nên đọc văn của O. Henry để tập viết Anh văn cho chuẩn, kẻo sẽ bị thầy cô giáo dạy Anh văn phết điểm zerô!

Lấy ví dụ, người có trình độ trung bình đều biết khi kể ra các đặc tính thì phải nối hoặc các tĩnh từ với nhau, hoặc các động từ với nhau, hoặc các danh từ với nhau, không được pha trộn. Thế mà O. Henry lại viết:

“Đối diện bên kia là anh Con, sạch sẽ, trầm lặng, tỉnh táo, lễ độ, ăn mặc trắng muốt, đúng giờ, đáng tin cậy, trẻ trung, có trách nhiệm, và thu tiền chúng tôi.”

Viết ra một loạt các tĩnh từ, rồi tiếp nối bằng một động từ và một mệnh đề! Sai be sai bét về văn phạm!

Văn phong của O. Henry nhiều khi khó hiểu, một phần do ngôn từ bóng bẩy hoặc cô đọng hoặc ẩn dụ, lại thêm nhiều tiếng lóng, nhiều điển tích cứ như là truyện Kiều, nhất là những điển tích từ nhân vật và sự kiện vào thời đại của tác giả mà bây giờ không phải ai cũng biết. Tức là, văn phong của O. Henry không mấy thích hợp với cách viết văn hiện đại. Thử hỏi, một trăm năm sau, vẫn có nhà văn viết “anh chàng Hai Lúa ấy” thì sẽ có mấy người Việt hiểu tính chất Hai Lúa là như thế nào? Huống chi lại là người ngoài nước Việt! Một ví dụ khác: trong các truyện của mình, O. Henry thường nhắc đến Đảo Coney, và người đọc có biết qua tính chất đảo này vào thời của tác giả như thế nào thì mới hiểu thấu ý nghĩa ông muốn truyền tải.

Một điểm thú vị nữa của O. Henry là nhân vật trong truyện thường bị “méo mó nghề nghiệp,” cứ hay dùng từ ngữ của nghề nghiệp hoặc môn giải trí, thể thao mình mê thích. Ai đời một anh chàng tỏ tình bằng câu nói “Em không cần lồng lộn, mà nên thuần thục” (!) Chỉ vì anh ta mê ngựa, nên nói theo ngôn từ của người huấn luyện ngựa! Từ đó, O. Henry bị “méo mó nghề nghiệp” theo nhân vật trong truyện, nên mới viết là khi gặp lại người yêu, anh nông dân “cắt ngay lấy cô, gặt cả cô, không còn để lại gì cho dân đi mót.” Đối với cách dùng từ ngữ như thế này, người không hiểu sẽ bị hoang mang, thấy sao mà vô nghĩa; nhưng người hiểu ra sẽ cảm thấy khoái!

Từ ngữ của O. Henry còn trở nên “quái chiêu” hơn khi tác giả cứ viết loạn xạ, nghe như là kỳ cục. Trong khi ta vẫn nói đến “ngày sinh,” nhưng O. Henry lại dùng từ “đêm sinh,” chỉ cốt để làm rõ một ý mà từ ngữ thông thường không diễn tả hết. Đến đây, một nữ nhân viên của một nhà xuất bản lên tiếng phản đối bản dịch của tôi, cho rằng tiếng Việt phải nói là “ngày sinh” (làm như là tôi không biết!) chứ không phải “đêm sinh”. Khổ quá, người ta đã bảo O. Henry không phải viết Anh văn, thì đáng lẽ nên chuyển cái hồn đó, cái chất văn nghệ đó sang Việt văn mà không phải là Việt văn thì mới đúng là chuyển tải O. Henry chứ!

Còn nhiều từ ngữ ngược đời như thế, và bạn đọc nên suy ngẫm xem O. Henry muốn nói gì, thay vì cảm thấy khó chịu, như: “nghe hình ảnh gầm thét,” hoặc: “tên trộm cướp có bản quyền.” Rồi còn nữa, thêm cách chơi chữ hài hước cũng có thể khiến người đọc rối trí nếu không hiểu, nhưng đem lại niềm vui thú ý nhị nếu đã hiểu ra, hiếm thấy nơi những tác giả khác. Chính vì thế mà có những câu lạc bộ chơi chữ mô phỏng theo kiểu O. Henry, thường xuyên tổ chức hội diễn khá xôm trò!

Điều này khiến cho người dịch nhớ lại lúc cầm tập bản thảo đầu tiên dịch một số truyện ngắn của O. Hency, nhân viên một nhà xuất bản chỉ vào câu “cô biến thành băng tuyết” và cho rằng tôi dịch không được chỉn chu. Ở đây, anh nhân viên cứ sử dụng lôgíc, nhưng O. Henry không hề muốn có lôgíc. Tuy rất lấy làm thú vị với cách viết của O. Henry (mà tự hỏi không lẽ người Việt ta đọc đến đây mà không hiểu ý của O. Henry?), người dịch đành phải sửa lại “cô trở nên lạnh lùng như băng tuyết”. Câu văn như thế thì thông thường quá, chẳng có chất O. Henry tí nào!

Cách so sánh của O. Henry cũng thật là đại tài. Nói về đồ lề của giới đạo chích chuyên mở két sắt, O. Henry so sánh: “ăn sâu vào thép nguội như con chuột gặm vào mẩu phó mát,” hoặc: “Xem cái ổ khóa này – hắn rút ra như là người ta nhổ củ cải sau cơn mưa.”

Và bạn cũng nên chuẩn bị nghiền ngẫm cách ẩn dụ hoa mỹ của O. Henry, chẳng hạn khi nói về đức tính của một nhân vật:
Ít có hình ảnh chính xác thể hiện con người ông, vì các phòng trưng bầy mỹ thuật đều quá nhỏ… chỉ có một cách trưng bầy chân dung của mẫu người Raidler, đấy là bích họa bằng mầu nước – dáng vẻ gì đấy vươn lên cao và giản dị và trầm tĩnh và không đóng khung.

hoặc:
Cả bộ chiến bào của Tom không hề có một kẻ hở nào để tôi có thể tấn công vào.

Mặt khác, có nhiều lời ca ngợi O. Henry về bố cục vững chắc và kết cấu nhất quán, khiến cho một vài chi tiết nhỏ ở đoạn đầu câu chuyện tưởng chừng không quan trọng nhưng là cốt lõi về sau. Tương tự, vài từ ngữ cô đọng xem dường vô nghĩa ở đoạn sau nhưng có liên hệ đến đoạn trước. Ví dụ: đến cuối một truyện, O. Henry viết về “con tim sồi” của anh chàng nhân vật chính. Con tim sồi là như thế nào? Con tim bằng gỗ sồi? Con tim cứng cỏi như gỗ sồi? Con tim phong phú như rừng sồi? Người đọc có thể suy đoán lung tung mà vẫn sai hết, chỉ vì trước đó không nắm bắt một ý nhỏ về một khu rừng sồi. Đây là văn phong điển hình của O. Henry: cách dùng từ ngữ hóm hỉnh với bố cục chặt chẽ từ đoạn đầu đến đoạn sau mà nếu người đọc không theo dõi cẩn thận có thể cảm thấy khó hiểu. Dĩ nhiên, O. Henry có thể dùng một cụm từ dài dòng để diễn tả cho sáng tỏ, đại loại như “con tim ấp ủ khu rừng sồi,” nhưng rõ ràng tác giả không muốn viết như thế, nếu thế thì không còn hóm hỉnh nữa.

Từ đây, ta trở lại cách dùng điển tích hoặc đặc ngữ của O. Henry, nhất là khi đề cập đến một nhân vật giả tưởng trong thần thoại Hy Lạp hoặc một danh nhân trong cổ sử. Mỗi điển tích hoặc đặc ngữ như thế nói lên đôi điều về tố chất nhân vật trong truyện, hoặc ý nghĩa một cái tên…, và từ đó có mối tương quan về sau trong kết cấu của câu chuyện. Người không hiểu về những điển tích hoặc đặc ngữ này thì không thể cảm nhận hết ý nghĩa súc tích bên trong.

Cũng như một nhà văn Việt khi diễn tả cảnh đời đương thời có thể viết: “một mạnh thường quân giúp cô ấy thoát khỏi tên sở khanh,” thì ta nên khuyên người nước ngoài trước khi đọc bản dịch ra Anh văn câu này cần đọc qua Tư Mã Thiên (để tìm hiểu danh nhân có thật Mạnh Thường Quân) và Nguyễn Du (để tìm hiểu nhân vật hư cấu Sở Khanh)! Tương tự, muốn hiểu rõ “quái chiêu” là như thế nào thì phải đọc Kim Dung! Còn nữa: trong truyện Lộc đỉnh ký, khi thương thuyết về việc định ranh giới giữa hai nước, Vi Tiểu Bảo nói với phái đoàn Nga: “… đừng bắt chước kiểu Lưu Bị mượn Kinh Châu rồi muốn chiếm cứ vĩnh viễn…” Hẳn là người tây chẳng hiểu mô tê gì cả, nhưng dân ta cảm thấy khoái cho cách ví von vừa hóm hỉnh vừa nghiêm trang!

Nhằm giúp người đọc cảm nhận được ý tình của O. Henry, trong khả năng của mình, người dịch có thêm chú thích. Tương tự, để giúp độc giả nắm bắt rõ hơn tình tiết theo dòng sự kiện trong truyện, người dịch thêm chú thích về tương quan trước–sau, nguyên nhân–hậu quả. Nhưng mà, người dịch chỉ xin hướng dẫn chút ít để “gỡ rối” cho người đọc; còn lại là tùy nơi độc giả muốn tự mình khám phá thêm đến đâu.

Người dịch lược bớt chút ít chi tiết mà ngay cả người đọc với Anh ngữ là tiếng mẹ đẻ còn cảm thấy khó hiểu, huống hồ người Việt sau O. Henry cả trăm năm. Cũng với mục đích này, nhiều cách diễn tả của phương Tây được chuyển thể sang cách diễn tả của người Việt. Ví dụ: O. Henry nói đến biệt danh “Dế,” nhưng theo cách mô tả thể chất của nhân vật, anh này phải được gọi là “Dế Mèn.” Tức là, đây không phải là dịch nữa, vì nếu dịch sát lại hóa ra không diển tả hết ý nghĩa. Nói cách khác, bản dịch không theo sát nguyên bản từng chữ, ngay cả từng câu. Người dịch xin mạn phép “phóng bút” một chút ở đây.

Mặt khác, để bảo tồn văn phong và tinh thần của nhà kể chuyện tài hoa O. Henry, bản dịch vẫn duy trì nhiều lối hành văn và cách dùng chữ trong nguyên tác. Chẳng hạn, người dịch muốn bảo lưu từ “đêm sinh” vì thấy nó hay quá! Thiết tưởng ngoài việc làm quen với tư tưởng mới, người đọc cũng nên làm quen với phong thái, kết cấu văn chương lạ. Được như vậy, người đọc mới có thể cảm thấy thấm đượm trong tinh thần của tác giả, “sống” cùng với tác giả.

Sau cùng, để có thể thưởng thức trọn vẹn văn tài của O. Henry, vì những lý do nêu trên, đề nghị người đọc nên đọc chậm rãi hầu nắm bắt các chi tiết nhỏ, rồi về sau mới có thể nhìn ra những mối liên kết đầy hứng thú. Nếu đọc nhanh vì nóng lòng theo dõi diễn tiến của câu chuyện thì có thể bị phản tác dụng: dễ cảm thấy bị vấp, bị vướng vì chữ nghĩa hoặc câu cú lạ kỳ của O. Henry. Dĩ nhiên, người dịch có thể chuyển tất cả câu cú cô đọng, trái khoáy, hóm hỉnh “không giống ai” thành lối hành văn mạch lạc “trong sáng như ban ngày” theo cung cách đương thời, nhưng làm như thế thì trong bản dịch O. Henry không còn là O. Henry nữa!

Bạn đọc cần kiên nhẫn mới có thể cảm nhận cái hồn của O. Henry!

Bản dịch

Tinh hoa truyện ngắn O. Henry, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, 50 truyện do Diệp Minh Tâm dịch.

Diệp Minh Tâm

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *