Xảo quyệt, châm biếm, chế nhạo và đạo đức giả: Adolf Hitler

Adolf Hitler (1889-1945) là người Đức sinh ở Áo, Hạ sĩ của Quân đội Đức trong Thế chiến 1, Lãnh tụ của Đảng Quốc gia Xã hội Đức, gọi tắt là Đức Quốc xã (1921-1945), Thủ tướng Đức (1933-1945), Lãnh tụ và Thủ tướng Đế chế (1934-1945), Tư lệnh Tối cao Quân lực kiêm Bộ trưởng Chiến tranh (1938-1945), Tư lệnh Lục quân (1941-1945). Hitler được cho là nhân tố chính khởi phát Thế chiến II khiến cho khoảng 60 triệu người chết.

Từ thời còn trẻ, Hitler đã sớm nhận ra tầm quan trọng của sự tuyên truyền và hùng biện nhằm lay chuyển đám đông. Trong quyển Mein Kamp [Cuộc tranh đấu của tôi], ông nhấn mạnh tầm quan trọng của tài hùng biện trong chính trị:
Uy lực trong lịch sử tạo ra những cơn lốc về tôn giáo và chính trị từ ngàn xưa đều là uy lực thần kỳ của lời nói, và chỉ do lời nói mà thôi.”
Chỉ có thể khích động quần chúng bằng uy lực của lời nói. Mọi phong trào vĩ đại đều là phong trào quần chúng, là sự bùng nổ của nỗi mê đắm và xúc cảm của con người…”

Dù lúc đầu không tham gia vào chính trị, gã trai trẻ Hitler bắt đầu luyện tập tài hùng biện với những cử tọa anh tìm được ở khu nhà trọ, bếp ăn từ thiện, góc đường phố, thậm chí một mình tập dượt hùng biện trước một tấm gương soi. Sử gia Shirer nhận xét: “Vào mùa hè 1920, họa sĩ thất bại Hitler giờ đây trở thành bậc thầy về nghệ thuật tuyên truyền”. Dần dà, hùng biện phát triển thành một kỹ năng đáng sợ hơn bất kỳ kỹ năng nào giữa hai trận Thế chiến, và đóng góp phần lớn vào thành công đáng kinh ngạc của Hitler. Qua tài hùng biện và tinh thần quốc gia sôi sục, Hitler tạo ấn tượng mạnh trong lòng người dân Đức, và đưa tên tuổi ông lên trang nhất nhiều tờ báo trên thế giới. Cuối cùng, ông trở thành nhà hùng biện tài giỏi nhất nước Đức, khi cất tiếng trên sóng phát thanh với mãnh lực lay chuyển hàng triệu con tim.

Cho dù Hitler luôn có ý lừa dối trong ngôn từ, vào lúc ấy không mấy người ở Đức, ngay cả các tướng lĩnh, nhận ra bản chất thật của ông ta. Thậm chí nhiều chính khách và nhà báo phương Tây tiếng tăm cũng có lúc bị Hitler lừa phỉnh do ngôn từ.

Năm 2012, Tạp chí TIME bình chọn Hitler là một trong 100 nhân vật của mọi thời đại.

Dưới đây là bài diễn văn mà Hitler đọc trước một phiên họp Nghị viện Đức được đặc biệt triệu tập ngày. Trước đó, Đức đã gửi điện văn đến các nước mà Roosevelt kể tên ngoại trừ Ba Lan, Nga, Anh và Pháp, đặt ra hai câu hỏi: Họ có cảm thấy bị Đức đe dọa không? Và họ có ủy quyền cho Roosevelt đưa ra đòi hỏi ấy hay không? Ngày 22 tháng 4, Bộ Ngoại giao Đức tổng hợp một báo cáo cho Hitler là phần lớn các nước, kể cả Nam Tư, Bỉ, Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan và Luxembourg “đều trả lời phủ định cả hai câu hỏi”.

Trả đũa đối phương bằng vũ khí hùng biện lợi hại, Hitler sử dụng nó một cách tài tình trong bài diễn văn này. Sử gia William L. Shirer tin rằng đấy là bài phát biểu công khai dài nhất của Hitler, kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ. Đây có lẽ cũng là bài hùng biện tài ba nhất của Hitler mà Shirer từng nghe ông phát biểu. Với tất cả sự hùng biện, xảo quyệt, châm biếm, chế nhạo và đạo đức giả, bài diễn văn đạt đến một tầm cao mới mà Hitler sẽ không bao giờ đạt đến lần nữa. Và dù được chuẩn bị để cho người Đức nghe, bài diễn văn còn được truyền đi trên hàng trăm đài phát thanh khắp thế giới; cũng được truyền đi trên những mạng phát thanh chính ở Hoa Kỳ. Chưa bao giờ trước đó và sau này có con số người nghe lớn như thế.

Diễn văn trước Nghị viện Đức, 28 tháng 4 năm 1939

Thưa quý vị Đại biểu Nghị viện!

Hitler 28-Apr-1939
Hitler trước Nghị viện Đức, 28/4/1939

Tổng thống Hiệp Chủng quốc Hoa Kỳ có gửi đến tôi một bức điện văn, với nội dung lạ kỳ như quý vị đã rõ. Trước khi tôi – là người mà bức điện văn nhắm đến – thật sự nhận được bức điện, thì phần còn lại của thế giới đã được biết đến nó qua các bản tin phát thanh và báo chí. Nhiều bình luận từ các cơ quan truyền thông dân chủ soi rọi cho chúng ta thấy rằng điện văn ấy rất khéo léo về mặt chiến thuật, nhằm áp đặt lên các quốc gia, trong đó người dân nắm quyền, trách nhiệm đối với những biện pháp giống chiến tranh do các nước tài phiệt đề ra.

 

Dựa theo những sự kiện đó, tôi quyết định triệu tập phiên họp Nghị viện Đức để quý vị Đại biểu có cơ hội nghe câu trả lời của tôi rồi xác nhận hoặc bác bỏ. Thêm nữa, tôi thấy cần phải theo phương pháp do Tổng thống Roosevelt đề ra và, về phần tôi, nhằm thông báo với quốc tế câu trả lời của tôi theo cách của chúng ta.

Nhưng tôi cũng muốn nhân cơ hội này bày tỏ tâm tư của tôi, được lấy hứng khởi từ những sự kiện lịch sử quan trọng trong Tháng Ba.[i] Từ tận đáy lòng tôi lấy làm biết ơn khiêm tốn đối với Ơn Trên đã kêu gọi tôi và hạ cố đến tôi, có thời là một chiến sĩ không ai biết đến trong Cuộc chiến Vĩ đại [1914-1918], để đứng lên làm Lãnh tụ của nhân dân ta mà tôi vô cùng yêu quý.

Ơn Trên cho tôi thấy con đường giải phóng nhân dân ta từ đáy khổ ải mà không gây đổ máu, và dẫn dắt nhân dân ta trỗi dậy trở lại. Ơn Trên nhìn nhận rằng tôi có thể hoàn thành sứ mệnh trong đời mình là đưa dân tộc Đức lên khỏi đáy chiến bại, giải phóng họ khỏi những ràng buộc được áp đặt một cách khắc nghiệt nhất trong mọi thời đại. Mục đích duy nhất của tôi chỉ có thế.

Kể từ ngày tôi bước vào chính trường, chỉ có một động lực thôi thúc tôi: đòi lại tự do cho Quốc gia Đức, tái lập sức mạnh của Đế chế, khắc phục sự xáo trộn nội bộ, và bảo toàn sự hiện hữu độc lập về kinh tế và chính trị. Tôi làm việc chỉ để tạo dựng lại những gì người khác đã dùng vũ lực phá bỏ. Tôi chỉ muốn gầy dựng nên cái tốt mà ác tâm của ma quỷ hoặc sự điên rồ của con người đã tiêu hủy. Vì thế, tôi không làm gì để xâm phạm đến quyền của người khác, mà chỉ tái lập công lý vốn đã bị vi phạm hai mươi năm về trước.

Đế chế Đức hiện giờ không có lãnh thổ nào mà ngày xưa không là một phần của Đế chế Đức, được gắn kết với Đế chế hoặc là phần có chủ quyền. Một thời gian lâu trước khi lục địa được Châu Mỹ khám phá – chưa nói là được định cư – bởi người da trắng, Đế chế Đức hiện hữu, không chỉ với đường biên giới hiện tại, nhưng còn thêm nhiều vùng và tỉnh mà sau này bị mất.

Hai mươi mốt năm về trước, khi sự đổ máu của cuộc chiến chấm dứt, hàng triệu tâm tư được lấp đầy hy vọng cháy bỏng là một nền hòa bình dựa trên lẽ phải và công lý sẽ tưởng thưởng và chúc phúc những dân tộc vốn đã bị tai họa đáng sợ của trận Thế chiến giáng xuống. Tôi nói “tưởng thưởng”, bởi vì những đàn ông và phụ nữ ấy – mặc cho những kết luận mà các sử gia đưa ra – không có trách nhiệm đối với những chuyện kinh khiếp đã xảy ra. Trong một số quốc gia, có thể còn có những chính khách ngay lúc ấy có thể bị kết án do có trách nhiệm trong việc này – sự tàn sát kinh khủng nhất trong mọi thời đại –, nhưng số đông binh sĩ trong mọi quốc gia và dân tộc thì không hề có tội, mà trái lại họ đáng thương hại.

Như quý vị đã biết, trước khi xảy ra chiến tranh bản thân tôi không hề có vai trò gì trong trường chính trị, mà giống như hàng triệu người khác, tôi chỉ hành xử những nghĩa vụ được giao phó như là một công dân và một người lính tuân thủ pháp luật. Vì thế mà với lương tâm tuyệt đối trong sáng, tôi có thể gánh vác sự nghiệp cho tự do và tương lai của dân tộc tôi, trong khi chiến tranh tiếp diễn và cả sau khi chiến tranh kết thúc. Và vì thế, tôi có thể phát biểu trên danh nghĩa hàng triệu và hàng triệu những người khác cũng vô tội khi tôi tuyên bố rằng tất cả những người ấy, vốn chỉ chiến đấu cho đất nước họ trong việc trung thành làm tròn nghĩa vụ, có quyền hưởng một nền hòa bình dựa trên lẽ phải và công lý, để cuối cùng nhân loại có thể làm việc với nỗ lực kết hợp nhằm bù đắp cho những mất mát mà mọi người đều nếm trải. Nhưng hàng triệu người bị lừa gạt về nền hòa bình này; bởi vì không chỉ dân tộc Đức hoặc những dân tộc khác chiến đấu bên cạnh chúng tôi chịu thua thiệt qua các hòa ước, mà những hòa ước ấy cũng gây tàn phá tồi tệ đối với các nước thắng trận.

Sự kiện là hệ thống chính trị bị kiểm soát bởi những người không chiến đấu trong cuộc chiến đã được nhìn nhận lần đầu tiên như là điều vô phúc. Binh sĩ thì không biết thù hận, nhưng các chính trị gia lão làng ấy thì biết. Họ cẩn thận bảo toàn cuộc sống quý giá của họ tránh khỏi những nỗi kinh hoàng của chiến tranh, và bây giờ hoành hành nhân loại dưới lớp hóa trang của tư tưởng trả thù điên cuồng.

Thù hận, ác ý và thiếu lý lẽ là tiền đề trí thức của Hòa ước Versailles. Các lãnh thổ và quốc gia với bề dày lịch sử kéo dài hàng nghìn năm bị phá vỡ và giải tán một cách độc đoán. Những người thuộc về nhau từ thời xa xưa bị chia lìa nhau; những điều kiện kinh tế trong đời sống bị phớt lờ trong khi chính con người bị biến thành những nhà chiến thắng và những kẻ chiến bại, thành những chủ nhân có mọi quyền và thành những nô lệ chẳng có gì cả.

Hồ sơ Versailles này do may mắn mà được ghi bằng giấy trắng mực đen cho nhiều thế hệ về sau, nếu không trong tương lai nó có thể được xem là sản phẩm lố bịch của tính tưởng tượng hoang đường và bại hoại. Gần 115.000.000 người bị tước đoạt quyền tự chủ, không phải do binh sĩ chiến thắng mà do các chính khách điên rồ, rồi bị rứt ra khỏi các cộng đồng xưa cũ và tạo nên những cộng đồng mới mà không được quan tâm gì đến huyết thống, nguồn gốc, lương tri hoặc điều kiện kinh tế của cuộc sống.

Những hậu quả là kinh khiếp. Cho dù vào lúc ấy các chính khách có thể phá hủy rất nhiều thứ, có một yếu tố mà họ không thể loại bỏ; khối dân khổng lồ sống ở Trung Âu, chen chúc trong một không gian eo hẹp, chỉ có thể đảm bảo được phần bánh mỳ mỗi ngày bằng sự lao động cật lực và trật tự theo sau đó.

Nhưng các chính khách của mấy cái gọi là đế quốc tự do thì biết gì về những vấn nạn này?

Một bầy những người vô cùng ngu dốt được để xổng ra giữa nhân loại. Ở những quận trong đó khoảng 140 người mỗi ki-lô-mét vuông phải cố kiếm sống, họ chỉ việc phá hủy trật tự vốn đã được gầy dựng qua gần 2.000 năm trong tiến trình lịch sử và tạo ra hỗn loạn, mà chính họ không thể hoặc không muốn giải quyết các vấn nạn đang đối mặt với cuộc sống cộng đồng của những người này – hơn nữa, như là những nhà độc tài trong trật tự thế giới mới, vào lúc ấy họ gánh lấy trách nhiệm cho tình trạng này.

Tuy nhiên, khi trật tự thế giới mới này biến thành thảm họa, các nhà độc tài hòa bình dân chủ, cả Mỹ và Âu, quá hèn nhát nên không ai trong số họ đứng lên nhận trách nhiệm cho những gì đã xảy ra. Người này đổ lỗi cho người kia, vì thế cố cứu thân mình tránh khỏi sự phán xét của lịch sử. Tuy nhiên, điều không may là những người bị đối xử tàn tệ do thù hận và thiếu lý lẽ của họ không có vị thế để cùng thoát nạn với những người làm hại họ.

Không thể nào kể ra hết các giai đoạn mà dân tộc của chúng tôi chịu đau khổ. Bị tước đoạt mọi vật sở hữu trong cộng đồng, bị lấy mất mọi nguồn tài chính, bị vơ vét bởi mấy cái gọi là khoản bồi thường chiến tranh và thế là nghèo túng, dân tộc chúng tôi bị đẩy vào giai đoạn đen tối nhất của nỗi bất hạnh quốc gia. Cần ghi nhận rằng đây không phải là nước Đức Xã hội Chủ nghĩa Quốc gia, mà là nước Đức dân chủ, nước Đức vốn dĩ quá yếu đuối nên nhất thời tin vào những lời hứa của các chính khách dân chủ.

[Hitler kể ra những vấn nạn của Đức mà ông đổ lỗi cho người Do Thái, những vấn nạn do Hòa ước Versailles bất bình đẳng gây ra từ đó chất chồng lên người Đức nhiều bất công và khổ đau, sự tham lam của các nước chiến thắng muốn làm cho Đức kiệt quệ, sự phân chia Quốc gia Đức, sự mất quyền tự chủ, mất chủ quyền vùng Saar, những nội dung đã được giải quyết và những vấn đề còn bỏ ngỏ trong Hiệp ước Munich. Rồi đến câu trả lời đầu tiên cho Anh và Ba Lan. Sau khi bày tỏ lòng ngưỡng mộ và tình thân hữu với nước Anh và rồi công kích Anh vì đã ngờ vực ông và có “chính sách bao vây” đối với Đức, Hitler bài bác Hiệp ước Hải quân Anh-Đức 1935. Hitler công bố đòi hỏi với Ba Lan về Gdańsk và Hành lang Ba Lan (trước giờ vẫn được giữ kín), gọi đấy là “sự nhượng bộ lớn lao nhất có thể hình dung được vì quyền lợi của nền hòa bình Châu Âu” và cho Nghị viện biết rằng Chính phủ Ba Lan đã từ khước “đề nghị độc nhất” này.]

[Kế tiếp, Hitler quay sang Rooseveel, và vào lúc này nhà độc tài Đức đạt đến đỉnh cao của tài hùng biện. Đối với đôi tai bình thường, ngôn từ của Hitler sặc mùi đạo đức giả và dối trá. Nhưng đối với các đại biểu Nghị viện do Quốc xã tuyển chọn và đối với hàng triệu người Đức, lối châm chọc và mỉa mai bậc thầy nghe thật là thích thú. Các đại biểu bụng phệ cười nghiêng ngửa khi Lãnh tụ liên tục giễu cợt Tổng thống Roosevelt. Hitler nêu lên từng điểm một trong bức điện của Roosevelt, ngừng một chút, gần như mỉm cười, và rồi, giống như là hiệu trưởng một trường trung học, nhiều lần ngừng lại một chút để nói nhỏ nhẹ “Trả lời”, trong khi Goering trên ghế Chủ tịch cố ghìm tiếng cười khúc khích và các đại biểu chuẩn bị cất tiếng cười lớn mỗi khi Hitler thốt lên sau từ “Trả lời”.]

Như tôi đã nói ở phần mở đầu, ngày 15 tháng 5 năm 1939, thế giới được thông báo về nội dung của một bức điện mà chính tôi về sau mới được đọc qua. Khó mà phân loại tài liệu này hoặc xếp nó vào thể loại nào. Vì thế, tôi thử trình bày với quý vị – và tức là với toàn thể dân tộc Đức – một phân tích về nội dung của tài liệu lạ lùng này […]

I

Ông Roosevelt có ý kiến cho là tôi cũng nên nhận thức rằng trên khắp thế giới hàng trăm triệu con người đang sống trong sợ hãi về một cuộc chiến mới. Đó là điều đáng quan ngại đối với nhân dân Hoa Kỳ mà ông thay mặt nói ra, và cũng quan ngại đối với các dân tộc của toàn thể Tây Bán cầu.

Để trả lời, cần phải nói ngay rằng sự sợ hãi chiến tranh này chắc chắn hiện diện với nhân loại từ thời xa xưa, và đúng lý.

Lấy ví dụ, sau Hòa ước Versailles, đã có 14 cuộc chiến giữa 1919 và 1938, mà không cuộc chiến nào liên quan đến Đức, nhưng trong đó các quốc gia của “Tây Bán cầu” mà Tổng thống [Roosevelt] cũng nói đến, thì chắc chắn có liên quan.

Thêm nữa, trong cùng thời gian có 26 sự can thiệp và trừng phạt bạo lực được thực hiện bởi những phương tiện đổ máu. Đức cũng không hề thủ vai trò nào trong các vụ này.

Bản thân Hoa Kỳ đã thực hiện can thiệp quân sự trong sáu trường hợp kể từ 1918. Từ năm 1918 Liên Xô đã can dự vào 10 cuộc chiến và động thái quân sự. Đức cũng không có can dự gì và không có trách nhiệm đối với việc gì.

Vì thế, theo quan điểm của tôi, sẽ là lầm lạc vào lúc này mà quy kết mối sợ hãi chiến tranh trong lòng các dân tộc Châu Âu và ngoài Châu Âu vào những cuộc chiến thực sự.

Lý do cho sự sợ hãi này chỉ là do báo chí được thả lỏng khuấy động nên […] với sự lưu hành của những tờ bướm có ác ý chống lại các nguyên thủ nước ngoài […]

Tôi tin rằng ngay khi các chính phủ có trách nhiệm biết tự kềm chế và kềm chế các cơ quan báo chí cho sự trung thực về quan hệ giữa các nước, nỗi sợ chiến tranh sẽ biến mất lập tức […]

II

Ông Roosevelt tin rằng mỗi cuộc chiến lớn, cho dù được giới hạn đối với những lục địa khác, sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho nhiều thế hệ về sau.

Trả lời: Không ai biết rõ điều này bằng dân tộc Đức. Bởi vì Hòa ước Versailles áp đặt những gánh nặng lên nhân dân Đức, vốn không thể trả hết trong một trăm năm, cho dù các giáo sư luật hiến pháp, sử gia và giáo sư sử học của Mỹ chứng minh rõ ràng là Đức không có lỗi hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong việc khơi mào chiến tranh.

[…]

III

Ông Roosevelt tuyên bố ông đã kêu gọi tôi về việc giải quyết ôn hòa những vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội mà không dùng vũ lực.

Trả lời: chính tôi luôn cổ súy quan điểm này. Như lịch sử minh chứng, tôi đã giải quyết những vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội mà không có sức mạnh của vũ khí, thậm chí không dùng đến vũ khí.

Tuy nhiên, điều không may là các chính trị gia, chính khách và đại diện cho báo giới gây khích động khiến cho sự giải quyết ôn hòa này trở nên khó khăn, trong khi họ không trực tiếp có liên can hoặc thậm chí không bị ảnh hưởng bởi những vấn đề trong cuộc.

IV

Ông Roosevelt tin rằng có “cơn triều sự kiện” một lần nữa mang đến sự đe dọa của việc vũ trang, và nếu sự đe dọa này kéo dài, một phần lớn thế giới sẽ bị hủy diệt.

Trả lời: Liên quan đến Đức, tôi không biết gì về loại đe dọa này đối với các quốc gia khác, cho dù hằng ngày tôi đọc những lời dối trá về sự đe dọa ấy trên các nhật báo dân chủ.

Mỗi ngày tôi đọc về việc động quân của Đức, về việc đổ bộ binh sĩ, về các vụ tống tiền – tất cả có liên quan đến các quốc gia không những là sống hòa bình tuyệt đối với chúng tôi, mà còn trong nhiều trường hợp là bè bạn thân thiết nhất.

V

Ông Roosevelt tin rằng trong trường hợp có chiến tranh, quốc gia thắng, quốc gia bại và quốc gia trung lập đều tổn hại như nhau.

Trả lời: Trong tiến trình hoạt động chính trị của mình, tôi đã vạch rõ vấn đề này trong hai mươi năm qua, không may là vào lúc các chính khách có trách nhiệm ở Mỹ không chịu nhìn nhận điều này khi họ tham gia vào Thế chiến I và vấn đề của nó.

VI

Ông Roosevelt tin rằng cuối cùng thì tùy thuộc vào các nhà lãnh đạo của các nước lớn nên giữ gìn cho nhân dân họ tránh khỏi thảm họa trước mắt.

Trả lời: Nếu đúng như thế, nếu các nhà lãnh đạo của các nước lớn không thể kềm chế báo chí của họ kích động chiến tranh […] thì họ mang tội sao lãng bổn phận – đấy là nói nhẹ nhàng. […]

Hơn nữa, tôi không thể hiểu nổi tại sao những nhà lãnh đạo có trách nhiệm ấy không củng cố mối quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia, mà lại làm cho các mối quan hệ này thêm khó khăn, và thực ra gây xáo trộn bằng những hành động như triệu hồi đại sứ về nước[ii] mà không có lý do nào cả.

VII

Ông Roosevelt tuyên bố rằng nền tự do của ba quốc gia ở Châu Âu và một quốc gia ở Châu Phi bị xóa bỏ.

Trả lời: Tôi không biết có ý nói đến ba quốc gia nào ở Châu Âu. Nếu đó là vấn đề của các tỉnh được đưa trả về Đế quốc Đức, tôi phải nhắc nhở Ông Roosevelt về một nhầm lẫn lịch sử của ông.

Đó là ba vùng mà vào năm 1918 bị ép buộc trở thành ba quốc gia độc lập trái ngược với ý muốn của họ. […]

Hơn nữa, cũng là sai lạc khi nói rằng một quốc gia ở Châu Phi mất tự do. Trái lại, người Morocco, Berber, Ả Rập, người da màu trở thành nạn nhân của ngoại bang vốn không phải là “Sản phẩm của Đức” mà là “Sản phẩm của các nền Dân chủ”.

[…]

IX

Ông Roosevelt cho rằng thế giới rõ ràng đang tiến đến thời khắc khi tình hình này kết thúc trong thảm họa trừ phi tìm ra một phương cách hợp lý để lèo lái các sự kiện. Ông ấy cũng tuyên bố rằng tôi đã nhiều lần khẳng định tôi và nhân dân Đức không muốn chiến tranh và nếu đúng thế thì không cần có chiến tranh.

Trả lời: Tôi cần phải vạch rõ rằng, thứ nhất, tôi đã không khởi động cuộc chiến nào; thứ hai, trong nhiều năm tôi đã từng phát biểu sự thù ghét chiến tranh và, không kém, thù ghét kẻ gây chiến; và thứ ba, tôi không thấy có mục đích gì cho tôi phải gây chiến cả.

Tôi sẽ đánh giá cao nếu Ông Roosevelt giải thích về vấn đề này.

X

Ông Roosevelt nêu thêm ý kiến rằng không thể thuyết phục các dân tộc trên thế giới có quyền hoặc có lý do gây chiến tranh với dân tộc mình hoặc dân tộc khác, ngoại trừ với lý do tự vệ.

Trả lời: Tôi nghĩ mọi người có lý lẽ đều thuận theo ý kiến này, nhưng đối với tôi có vẻ như trong hầu hết các cuộc chiến, cả hai bên đều cho rằng họ có lý do tự vệ. Tôi tin rằng trên thế giới này, không một ai – kể cả Tổng thống Mỹ – có thể đơn phương quyết định điều này.  Lấy ví dụ, không còn nghi ngờ gì mà thấy rằng việc Mỹ tham gia vào Thế chiến không phải là trường hợp tự vệ cho quê nhà. Một ủy ban nghiên cứu do chính Tổng thống Roosevelt thành lập khảo sát những lý do cho Mỹ tham gia vào Thế chiến, và đi đến kết luận rằng các nguyên nhân là thuần về chủ nghĩa tư bản. Tuy thế, không có kết luận thực dụng nào được rút ra từ sự kiện này.

Thế thì chúng ta hy vọng rằng ít nhất trong tương lai Hoa Kỳ sẽ hành động theo nguyên tắc cao cả ấy, và sẽ không gây chiến với nước nào ngoại trừ với lý do vững chắc là tự vệ cho quê nhà.

XI

Ông Roosevelt nói thêm rằng ông ấy không cất tiếng nói vì ích kỷ, sợ hãi hoặc yếu mềm, mà với tiếng nói của sức mạnh và tình hữu nghị cho nhân loại.

Trả lời: Nếu tiếng nói của sức mạnh và tình hữu nghị cho nhân loại như thế được Mỹ cất lên vào lúc thích hợp, và đặc biệt nếu nó có bất kỳ giá trị thực tiễn nào, thì ít nhất nó đã có thể ngăn chặn cái hòa ước ấy – vốn trở thành nguồn gốc cho sự xáo trộn khốc liệt nhất của con người và lịch sử, tức là Áp đặt Versailles.

XII

Ông Roosevelt tuyên bố rằng ông thấy rõ mọi vấn đề quốc tế có thể được giải quyết ở bàn hội nghị.

Trả lời: Trên lý thuyết người ta phải tin nơi điều khả dĩ này, bởi vì theo lôgic của lý tí và những nguyên tắc tổng thể của công lý nhân loại, và cũng theo những lề luật thuộc Ởn Trên, tất cả các dân tộc phải được chia sẻ đồng đều những nguồn tài nguyên trên thế giới.

Thế thì không nên có sự kiện là một dân tộc cần nhiều không gian để sống đến nỗi không thể hòa hợp với 15 cư dân trên một kilômét vuông, trong khi các dân tộc tộc khác bắt buộc phải sống với nhau 140, 150 hoặc thậm chí 200 người trên mỗi kilômét vuông.

Nhưng trong bất kỳ sự kiện nào, các dân tộc được may mắn ấy không nên hạn chế không gian hiện hữu của những người đang chịu khổ sở bằng cách, nói ví dụ, tước đoạt những khu định cư của họ. Vì thế, tôi sẽ rất lấy làm vui sướng nếu những vấn đề này có thể thật sự tìm thấy giải pháp ở bàn hội nghị.

Tuy nhiên, nỗi nghi ngờ của tôi dựa trên sự kiện là chính nước Mỹ đã từng tuyên bố không tin tưởng vào hiệu quả của hội nghị. Bởi vì, hội nghị vĩ đại nhất của các dân tộc trên thế giới là Hội Quốc liên. Tổ chức có thẩm quyền này, đại diện cho mọi dân tộc của thế giới, được thành lập theo ý muốn của một Tổng thống Mỹ, nhằm giải quyết những vấn đề của nhân loại ở bàn hội nghị.

Tuy nhiên, quốc gia đầu tiên trốn lánh khỏi việc này lại là Hoa Kỳ[iii] – lý do là chính bản thân Tổng thống Wilson lúc ấy nghi ngờ khả năng giải quyết dứt điểm các vấn đề quốc tế ở bàn hội nghị.

Ông Roosevelt, chúng tôi tôn trọng ý kiến thiện chí của ông, nhưng chống lại ý kiến đó là sự kiện thực tế: gần hai mươi năm hoạt động của hội nghị lớn lao nhất trên thế giới, Hội Quốc liên, cho thấy không thể nào giải quyết một vấn đề quốc tế nào cho dứt khoát. Trái ngược với lời hứa của Wilson, trong nhiều năm Hòa ước Versailles ngăn chặn Đức tham gia Hội Quốc liên. Cho dù có trải nghiệm cay đắng, có một Chính phủ Đức tin rằng không cần phải noi theo gương của Mỹ, và rằng vì thế nên lấy một ghế tại bàn hội nghị này.

Chỉ sau nhiều năm tham dự mà không có mục đích, tôi mới quyết định noi theo gương của Mỹ và rời khỏi hội nghị lớn nhất của thế giới. Kể từ đó, tôi giải quyết được những vấn đề của nhân dân tôi – mà giống như những vấn đề khác không được giải quyết ở bàn hội nghị của Hội Quốc liên – và giải quyết mà không cần phát động chiến tranh trong bất kỳ trường hợp nào.

Tuy nhiên, Ông Roosevelt ạ, nếu niềm tin của ông cho rằng mọi vấn đề có thể được giải quyết ở bản hội nghị là đúng, thế thì trong bảy hoặc tám trăm năm qua tất cả quốc gia kể cả Hoa Kỳ được lãnh đạo bởi người mù hoặc kẻ tội đồ.

[Hitler nhắc cho Roosevelt nhớ rằng Đức đã có lần đi dự hội nghị – tại Versailles – không phải để thảo luận mà để nghe nói phải làm gì: đại biểu Đức “chịu sự sỉ nhục còn nặng nề hơn là tù trưởng những bộ lạc Sioux đã từng chịu[iv]“.]

[…]

XIV

Tổng thống Hoa Kỳ tin rằng trong các hội nghị giống như trong tòa án, hai bên cần có thiện ý, thừa nhận rằng công lý sẽ chia đều cho cả hai.

Trả lời: Đại biểu Đức sẽ chẳng bao giờ bước vào một hội nghị mà đối với họ như là phiên tòa. Bởi vì ai sẽ là thẩm phán ở đấy? Trong hội nghị, không có bị cáo và không có công tố, chỉ có hai bên tranh luận nhau. Nếu lương tri của họ không mang đến hòa giải giữa hai bên, họ sẽ chẳng bao giờ chấp nhận phán quyết của bên kia vốn có những lợi ích hoàn toàn xa lạ với họ.

[…]

Hitler đi đến phần cốt lõi để trả lời Roosevelt về yêu cầu Đức đảm bảo sẽ không tấn công 31 quốc gia.

XVII

Tổng thống Hoa Kỳ tuyên bố rằng ông ấy sẽ chuyển tiếp thông tin mà ông nhận được về ý đồ chính trị của Đức đối với những quốc gia khác hiện đang lo ngại về tiến trình chính sách của chúng ta.

Trả lời: Làm thế nào ông Roosevelt biết được quốc gia nào cảm thấy bị chính sách của Đức đe dọa và quốc gia nào không bị đe dọa?

Hoặc có phải ông Roosevelt, dù cho bị gánh nặng công việc khổng lồ chất lên mình trong đất nước ông, vẫn có khả năng tự mình nhận ra tất cả cảm nghĩ và tinh thần bên trong những dân tộc khác và của chính phủ họ?

XVIII

Cuối cùng, ông Roosevelt yêu cầu sự đảm bảo rằng quân lực Đức sẽ không tấn công, và trên hết, sẽ không xâm lăng lãnh thổ hoặc chiếm đoạt những quốc gia độc lập sau đây. Rồi ông ấy nêu tên các quốc gia mà ông nói đến: Phần Lan, Lithuania, Latvia, Estonia, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Anh quốc, Ireland, Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Liechtenstein, Luxembourg, Ba Lan, Hungary, Rumania, Nam Tư, Nga, Bulgaria, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, các vương quốc Ả Rập, Syria, Palestine, Ai Cập, và Iran.

Trả lời: Tôi đã cất công dò hỏi các quốc gia được nhắc đến, trước tiên là họ có cảm thấy bị đe dọa hay không, sau đấy và trên hết, câu hỏi của Tổng thống đưa đến chúng tôi có phải do họ đòi hỏi hoặc họ có đồng tình hay không.

Câu trả lời trong mọi trường hợp đều là phủ định […] Đúng là tôi không thể dò hỏi vài quốc gia được nhắc đến bởi vì chính họ – lấy ví dụ, Syria – lúc này không còn được tự do, bị quân đội của những nước dân chủ chiếm đóng và cướp đi mọi quyền tự do[v].

Tuy nhiên, ngoài sự kiện này, tất cả quốc gia có biên giới liền kề với Đức đã nhận được sự đảm bảo còn ràng buộc hơn là sự đảm bảo mà ông Roosevelt đòi hỏi tôi trong bức điện tín lạ lùng của ông.

[…]

Tôi muốn ông Roosevelt chú ý đến một hoặc hai sai lầm về lịch sử. Ví dụ, ông nhắc đến Ireland, và yêu cầu Đức tuyên bố sẽ không tấn công Ireland. Tôi vừa được đọc một bài diễn văn của De Valera, Thủ tướng Ireland, mà trong đó lạ lùng thay, trái ngược với ý kiến của ông Roosevelt, ông ấy không cáo buộc Đức ngược đãi Ireland nhưng lại trách cứ nước Anh liên tục gây hấn với Ireland.

[…]

Cũng thế, ông Roosevelt hiển nhiên không biết đến sự kiện là hiện giờ không phải quân đội Đức mà là quân đội Anh đang chiếm đóng Palestine; và đất nước này đang bị tước quyền tự do bởi cách thức sử dụng vũ lực thô bạo nhất.

[…]

Tôi muốn nhân cơ hội này trao cho Tổng thống Hiệp Chủng Quốc sự đảm bảo liên quan đến những lãnh thổ khiến cho ông ấy có lý do lo lắng nhất, đấy chính là Hiệp Chủng Quốc cùng những quốc gia trên lục địa Châu Mỹ.

Tôi long trọng tuyên bố rằng tất cả các cáo buộc lan truyền bằng mọi cách liên quan đến việc Đức định tấn công hoặc xâm lăng trên hoặc trong lãnh thổ Mỹ đều là những sự ngụy tạo thối tha và sai lạc trắng trợn, ngoại trừ sự kiện là các cáo buộc như thế, xét về khả năng quân sự, chỉ có thể bắt nguồn từ óc tưởng tượng ngu xuẩn nhất.

XIX

[Hitler kể ra một danh sách và số lượng những vũ khí và khí tài mà Đức đã phá hủy trong chương trình giải trừ binh bị, rồi đề xuất những giới hạn về quân số, loại vũ khí cần phải tiêu hủy, đề xuất về tự do thương mại… ]

XX

[…]

XXI

[…]

Ông Roosevelt! Tôi hoàn toàn hiểu được quốc gia bao la của ông và tài nguyên đồ sộ của đất nước ông cho phép ông cảm thấy có trách nhiệm đối với lịch sử của cả thế giới và đối với lịch sử của mọi quốc gia. Thưa ngài, tôi được đặt trong một phạm trù khiêm tốn và nhỏ nhoi hơn nhiều. […]

Tôi lên nắm quyền lãnh đạo của một quốc gia đang đối mặt với sự hủy diệt toàn bộ chỉ vì đã tin tưởng vào những lời hứa của phần còn lại của thế giới và chỉ vì chế độ tệ hại của những chính phủ dân chủ.

[…]

Thưa Ông Roosevelt, kể từ lúc ấy, tôi chỉ có thể làm tròn một nhiệm vụ duy nhất. Tôi không thể nhận trách nhiệm đối với số phận của thế giới, bởi vì thế giới này không quan tâm đến số phận khốn khổ của nhân dân tôi.

Tôi xem mình như là được Ơn Trên kêu gọi để phục vụ nhân dân tôi mà thôi, và cứu họ ra khỏi cảnh nghèo khổ đáng sợ. Vì thế, trong sáu năm rưỡi qua, tôi sống ngày và đêm cho một nhiệm vụ duy nhất là đánh thức sức mạnh của nhân dân tôi khi mà phần còn lại của thế giới đã bỏ rơi chúng tôi, nhằm phát triển sức mạnh này đến mức tối đa và vận dụng vào việc cứu rỗi cộng đồng của chúng tôi.

Tôi chế ngự được sự hỗn loạn trong nước Đức, tái lập trật tự, gia tăng sản xuất đến mức khổng lồ trong tất cả các ngành kinh tế quốc dân, bằng những nỗ lực nhọc nhằn sản xuất những thứ thay thế cho nhiều vật liệu mà chúng tôi thiếu, phát triển giao thông, xây những tuyến đường và đào những con kênh to lớn, lập nên những nhà máy có tầm cỡ, đồng thời cố gắng nâng cao nền giáo dục và văn hóa cho nhân dân chúng tôi.

Tôi thành công khi tạo công ăn việc làm cho cả bảy triệu người đang thất nghiệp […], giữ nông dân Đức trên đất của họ cho dù qua bao khó khăn; làm cho nền thương mại Đức phồn thịnh trở lại […]

Để bảo vệ họ chống lại những mối đe dọa từ thế giới bên ngoài, không những tôi thống nhất dân tộc Đức về mặt chính trị, mà còn tái vũ trang cho họ. Tôi xé bỏ từng tờ của hòa ước ấy với 448 điều khoản chứa đựng sự áp bức ghê tởm nhất mà các dân tộc và con người trước đây chưa từng trải qua.

Tôi lấy lại cho Đế chế những tỉnh đã bị cướp đi từ tay chúng tôi vào năm 1919. Tôi đưa về đất nước nguyên quán hàng triệu người Đức vốn đã bị rứt ra khỏi chúng tôi và sống trong cùng khổ; tôi thống nhất những lãnh thổ vốn thuộc về Đức suốt hàng nghìn năm lịch sử và, thưa ông Roosevelt, mà không phải đổ máu và không phải gây cho dân tộc tôi và những dân tộc khác nỗi đau khổ của chiến tranh.

[…]

Ngược lại, thưa ông Roosevelt, ông có một nhiệm vụ dễ dàng hơn nhiều. Ông trở thành Tổng thống của Hiệp Chủng Quốc năm 1933 khi tôi trở thành Thủ tướng của Đế chế. Ngay từ lúc đầu, ông bước lên là nguyên thủ của một trong những quốc gia rộng lớn và giàu có nhất thế giới.

[…]

Cho dù dân số nước ông đông hơn một phần ba so với Đức, ông có đất đai rộng gấp 15 lần. Thế là ông có thời giờ và sự nhàn hạ – theo tầm mức như ông có mọi thứ khác – mà để mắt đến những vấn đề bao quát. Do vậy, thế giới chắc chắn là quá nhỏ đối với ông nên hẳn ông tin rằng sự can dự của mình có thể là quý giá và hữu hiệu ở khắp nơi. Do đó, theo cách này, mối quan ngại và những yêu cầu của ông bao trùm một phạm trù lớn hơn và rộng hơn so với phạm trù của tôi.

Thưa ông Tổng thống, thế giới của tôi là nơi mà Ơn Trên đã đặt tôi vào, và tôi có nghĩa vụ phải làm việc cho thế giới ấy. Diện tích của nó nhỏ hơn nhiều. Nó chỉ có dân tộc tôi mà thôi. Nhưng tôi tin rằng tôi có thể phục vụ tốt nhất cho những gì gần với con tim của tất cả chúng tôi – đấy là công lý, sự phồn vinh, tiến bộ và hòa bình cho cả cộng đồng của nhân loại.

Chú thích

[i] Những sự kiện lịch sử quan trọng trong Tháng Ba: Hitler tuyên cáo thành lập Xứ Bảo hộ Böhmen và Mähren và đặt Slovakia dưới sự bảo vệ của Đức, rồi Lithuania chịu nhượng Memel cho Đức.

[ii] Triệu hồi đại sứ về nước: Trong Tuần lễ Thủy tinh vỡ từ đêm 9/11/1938, nhiều người Do Thái bị giết và đánh đập, nhiều cửa hàng của họ bị đốt phá… Sau vụ việc này, ngày 14/11/1938 Tổng thống Roosevelt triệu hồi Đại sứ Hugh Wilson tại Đức về nước “để tham vấn” và không bao giờ phái ông quay lại nhiệm sở. Đại sứ Đức tại Mỹ, Hans Dieckhoff, đã báo cáo về Berlin rằng “một trận bão tố đang nổi lên ở đây” do cơn đập phá tài sản người Do Thái, cũng được triệu hồi về Đức ngày 18/11 và cũng không quay lại.

[iii] Hitler xói vào điểm yếu của Hoa Kỳ: Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson là người trình bày kế hoạch thành lập Hội Quốc liên, nhưng Hoa Kỳ không bao giờ là thành viên của tổ chức này vì Thượng viện Hoa Kỳ không chịu phê chuẩn.

[iv] Sioux: một trong những sắc tộc da đỏ ở Mỹ. Ý câu này nói Mỹ đã từng ngược đãi thổ dân người da đỏ, nhưng Đức còn bị đối xử tệ hại hơn ở Hội nghị Versailles.

[v] Trong thời gian đó, Syria lần lượt bị quân đội Anh và quân đội Pháp chiếm đóng và cai trị.

Diệp Minh Tâm tổng hợp và biên dịch từ:

 

 

One thought on “Xảo quyệt, châm biếm, chế nhạo và đạo đức giả: Adolf Hitler

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *